HẠNH PHÚC CÓ MÀU HỒNG

Nó thường có kinh không đều, chu kỳ thường ba mươi lăm có khi bốn mươi ngày, trước khi lấy chồng nó không nhớ nổi ngày mình có hàng tháng là bao nhiêu để xem là chu kỳ đúng hay sai, mà sau đó nó cũng không quan tâm nữa, cứ nghĩ ít có thì sạch sẽ thoải mái, ảnh hưởng gì ai.
Lấy chồng, lần đầu tiên nó nghe chồng hỏi "ngày nào tốt nhất?", nó ngơ ngác hỏi "là sao?", anh đã cốc đầu nó "ngốc! anh hỏi ngày nào em dễ có thai nhất". Nó mắc cỡ, rúc đầu và gương mặt đỏ lựng vào ngực anh "em không biết, để em tính đã!". Nhưng có nhớ ngày kết thúc kỳ kinh cuối đâu mà tính. Nhủ, tháng sau sẽ đánh dấu vào cuốn lịch trên bàn làm việc.
Tháng sau, ngày bắt đầu cho đến ngày kết thúc, nó đánh dấu bằng mực đỏ, cách đó mười ba, mười bốn ngày, nó bẽn lẽn thông báo với chồng "bữa nay ngày tốt!". Chồng kéo nhanh nó về phía mình, ôm thật chặt.
Ba mươi ngày kể từ ngày kết thúc bằng dấu mực đỏ trên cuốn lịch, không có dấu hiệu gì. Ba mươi lăm ngày, trễ năm ngày, nó mừng, chạy ra hiệu thuốc mua que thử. Chỉ có một vạch hồng. Chống cằm thắc mắc "người ta nói chỉ cần trễ vài ngày là đã lên rồi, hổng lẽ que hư?". Ba ngày nữa, nó ra mua que khác. Vẫn chỉ một vạch hồng. Đêm hôm đó, nó cầm cuốn lịch bàn, đánh dấu bằng bút đỏ cho ngày đầu tiên của tháng tiếp theo.
Một tháng, hai tháng, ba tháng, rồi một năm, mỗi tháng nó mua ít nhất hai cái que. Chưa lần nào số vạch trên que tăng lên. Hi vọng rồi thất vọng.
Vẫn nằm úp mặt, dụi đầu vào ngực chồng mỗi đêm, nhưng dấu bên trong là giọt nước mắt nóng hổi chực rơi xuống. Nó không còn dám thông báo "ngày tốt" với chồng nữa.
Hình như chồng nó cũng thất vọng nhiều sau bao nhiêu tháng chờ đợi mà không thấy nó thông báo tin gì mới. Vòng tay anh lơi dần.
Tháng thứ mười ba sau ngày đám cưới, cái que tăng lên vạch thứ hai, mờ mờ. Hai ngày sau, nó mua que khác, vẫn có vạch thứ hai, đậm hơn một chút. Nó hét thật lớn trong nhà vệ sinh, chạy như bay ra ngoài, kéo ghì cổ chồng xuống và hôn. Anh ngơ ngác "chuyện gì vậy?", nó lại ôm anh lần nữa "hai vạch màu hồng!".
Đêm đó, hình như cả hai không ngủ được vì vui, dù anh cứ hết vuốt tóc, đến sờ bụng rồi hôn nó âu yếm bảo rằng "ngủ đi, từ nay thì không còn được làm gì theo ý mình nữa, giữ sức khỏe tuyệt đối!".
Sáng hôm sau, anh đưa nó đến bệnh viện phụ sản, để khẳng định lại lần nữa điều mà cái que đã nói bằng hai vạch màu hồng.
Siêu âm không thấy gì, nhưng kết quả xét nghiệm thì khẳng định là có. Bác sĩ hẹn "tuần sau đến khám lại, thai còn nhỏ siêu âm chưa thấy là binh thường thôi".
Tuần sau, vẫn siêu âm, xét nghiệm. Vẫn lời hẹn như cũ. Hai đứa bỗng dưng nhìn nhau, có cái gì đó không ổn.
Chưa tới ngày tái khám, nó nghe nóng nóng, ba giọt máu tươi. Nó hoảng hốt gọi cho chồng đến đưa đi bệnh viện. Bác sĩ bảo vẫn chưa phát hiện điều gì, có thể thai yếu. Ba ngày sau lại đến.
Ba ngày sau, vẫn câu nói như cũ.
Một tuần sau, không phải là ba giọt máu tươi, mà là nghe máu trong cơ thể mình tuôn ra nóng hổi, tuôn ra như tất cả mọi nơi máu đổ dồn về đó. Nó bất tỉnh. Nghe tiếng bước chân chạy lao xao, nghe loa bệnh viện gọi "người nhà bệnh nhân Nguyễn Thị...", sau đó là tiếng xe cấp cứu, tiếng gọi, tiếng nói, tiếng la mắng... Bên trên những tiếng ồn ào không rõ ràng đó là cái nắm tay rất chặt như đang cố gắng truyền thêm sức mạnh cho nó từ người chồng rất đỗi yêu thương.
Bác sĩ bảo "mổ gấp", chồng nó tái xanh "sao phải mổ?", "thai ngoài tử cung, không mổ sẽ nguy hiểm đến tính mạng người mẹ", "không có cách gì cứu hai mẹ con sao?" "không, cứu được mẹ, lần sau anh chị sẽ có những đứa con khác mà!". Chồng buông người xuống ghế, thẫn thờ. Chồng nắm chặt tay nó "gắng lên em, không sao cả, không sao đâu!", quá mệt mỏi, người đang lả đi nhưng miệng vẫn cố mỉm một nụ cười và lăn dài hai giọt nước mắt.
Sau vài câu hỏi của vị bác sĩ gây mê, thì nó không còn biết gì cho đến khi tỉnh dậy, nó nghe đau ở bụng, sờ tay xuống thì thấy những miếng băng được dán khắp nơi. Nó rên rỉ "đau quá!". Cô y tá trực vội vàng đến tiêm cho nó mũi thuốc giảm đau, rồi cô an ủi "ráng chút nha em, sẽ hết ngay thôi".
Đến sáng hôm sau, nó mới được đưa ra khỏi phòng hồi sức. Bác sĩ gọi cho chồng nó vào phụ để đưa nó lên phòng bệnh. Rồi vị bác sĩ nói như thông cảm "đêm qua chồng cháu nằm ngủ cong queo trên ghế ngoài hành lang". Nó nghe muốn khóc.
Phòng bệnh của nó nằm chung với ba bà mẹ khác vừa sinh xong. Ba ngày sau thì được xuất viện, ba người kia mang theo niềm vui được bế em bé về nhà. Còn nó...
Nó cầm hai chiếc que có hai vạch hồng nó cất kỹ trong túi xách, bỗng sợ hãi nhớ tới lời bác sĩ "chú buộc phải cắt một bên tai vòi của cháu, chú rất tiếc". Nghĩa là khả năng có con của nó sẽ giảm đi một nửa. Một năm khỏe mạnh, nó mới có tin vui, bây giờ còn một nửa sức khỏe, nó phải mất thời gian bao lâu? Như thấy lo lắng của nó, vị bác sĩ già an ủi "không sao cháu ạ, giảm chút xíu thôi, vì tai vòi còn lại nó hoạt động được cả hai bên".
Về nhà, uống thuốc và ăn đủ thứ bổ dưỡng mà chồng mang về. Nó thấy ánh mắt chồng buồn lắm dù luôn an ủi nó là không có gì đâu. Nó hoang mang, sợ hãi đến những chiếc que sắp tới, nếu một bên tai vòi nữa bị cắt đi, nó sẽ mất vĩnh viễn khả năng làm mẹ.
Sau một tháng, tái khám, bác sĩ nói "cháu bình thường rồi, nếu muốn có con thì cứ có, không sao cả".
Nhưng cái đau vẫn còn, còn trong chính sự sợ hãi, nên nó bảo chồng "ngưng vài tháng nha, em đau lắm!". Anh gật đầu, nhưng mắt anh âu lo.
Sau ba tháng, nó quên dần cái đau, khát khao và hi vọng sống lại, lớn mạnh dần dần. Vòng tay anh siết chặt mỗi đêm, yêu thương và cố gắng.
Vẫn là những que thử vào cuối tháng. Nó mắc cỡ với các hiệu thuốc tây gần nhà, vì gần như họ quen với việc nó mua que thử. Nó đi nơi khác, đi ngang đường nào có tiệm thuốc tây tiện để ghé là nó vào mua, mua bất cứ lúc nào, mua dể dành.
Mỗi tháng, mỗi tháng, cái vạch hồng nhiệm màu thứ hai không hiện lên nữa, như trêu ngươi, như chọc tức.
Nó trở thành người "ghiền" xài que thử, tháng nào nó không dùng là cảm thấy bức rức. Nếu trễ chừng ba ngày là nó thấy không còn chút tập trung nào cho những việc khác nếu không lấy một trong những cái que kia ra mà xé vỏ bao, dù nó biết, chỉ để nhìn thấy một vạch hồng thất vọng.
Tháng thứ sáu sau ngày mổ, nó quyết tâm không dùng nữa. Một ngày, ba ngày, một tuần rồi mười ngày, nó quyết không nhớ đến những chiếc que nó mua để dành. Mặc kệ số ngày bị trễ, mặc kệ sự hi vọng, mặc kệ hết.
Tối đó nấu cơm, bỗng nhiên nó buồn nôn khi kho cá. Anh hỏi "tháng này em có trễ không?", nó thở dài "tháng nào cũng vậy mà", nhưng anh động viên "em thử lại coi sao?". Nó lắc đầu "thôi, chăc không phải đâu". Nó tiếp tục việc nấu bếp. Bữa cơm tối bồn chồn.
Sáng hôm sau, dậy thật sớm, mở tủ và quyết định xé theo một bao nữa. Một vạch và...vạch thứ hai, vạch nhiệm màu hiện lên. Nó hét lên, anh vùng dậy lao vào nhà vệ sinh, nó nhìn anh cười. Anh siết chặt nó. Bỗng nó bật khóc.
"Anh à, cầu nguyện cho em đi, để mình giữ được đứa con này, để mẹ con em bình an, đi anh!". Trong lời nói líu ríu, sợ hãi. Hình ảnh của lần phẫu thuật trước trở về, hăm dọa. Anh giữ chặt vai nó "không sao, không sao mà! Em mà khóc, sinh con ra mặt nó méo xẹo cho coi". Nó nhìn anh, quệt nước mắt rồi bật cười.
Vạch hồng thứ hai nhiệm màu này đã thực sự mang đến cho nó một thiên thần.
Sáng hôm qua, bác sĩ bảo "thai khỏe, có tim thai, chỉ cần không làm việc nặng là được thôi, cố gắng ăn uống vào nhé!"
Giờ thì nó đã hạnh phúc. Nhìn hai vạch hồng trên chiếc que cất kỹ. Nó mỉm cười, đó là màu hồng may mắn.
Tháng 5/2008
Nguyễn Anh Đào