Một buổi sáng Chủ Nhật đầu tháng Giêng năm 1976, Mom Valerie thức dậy sớm. Cũng như mọi buổi sáng, Mom bày trên bàn 5 tô cereal (thức ăn dùng để ăn chung với sữa tươi), 5 ly nước cam tươi, 5 trái chuối, và 5 viên thuốc bổ cho 5 đứa con. Riêng Papa Smith và Mom thì có dĩa trứng gà ấp-la, mấy lát thịt heo ba chỉ dài và mỏng như tàu lá được chiên dòn cong queo, vài lát bánh mì nướng, năm ba cục bơ, kem dâu, và ly sữa tươi. Những bữa ăn sáng như thế này Mom Valerie đã làm và làm rất đều đặn cho gia đình. Có lẽ vì vậy mà ít khi thấy những đứa con của Mom bị sổ mũi, hay nóng lạnh. Jim Jr., Jeff và John, ba đứa nhỏ, ăn xong chào mọi người rồi bước ra con đường trước nhà đón xe buýt đến trường. Papa Smith rời bàn ăn, khăn áo chỉnh tề, Mom Valerie trao cái mũ vải màu xanh đen có viềng mấy cành hoa dương liễu màu vàng cho Papa Smith. Trước khi bước chân ra xe chạy về phi trường, Papa Smith bắt tay tôi và Điện, nhắn nhủ vài lời lo học hành và thường xuyên về thăm gia đình. Papa Smith đặt nụ hôn lên má của Mom rồi ra đi. Papa Smith và Mom đều kỵ câu “chúc mừng may mắn trong chuyến bay” mỗi lần lên đường cho phi vụ, nên tôi chỉ bắt tay và nói hẹn ngày gặp lại. Vẫy tay chào Papa Smith, chúng tôi quay vào nhà phụ Mom dọn dẹp bàn ăn, Mom bảo: -“Chúng ta phải đi kẻo muộn.” Từ hôm qua tôi đã đến thăm và giã từ bạn bè ở Thousand Oaks. Bốn chiếc vali thời cổ lỗ sĩ màu vàng cứng như đá được đẩy lên chiếc station wagon của Mom. Chúng tôi lên xe. Một lần nữa tôi nhìn lại căn nhà ấm cúng với một “gia đình” thân yêu, tuy mới biết và hai tháng qua tôi đã sống trong đó. Khi chiếc xe từ từ lăn xuống con đường South Longford, một cảm giác không rõ giữa buồn vui lại hiện ra trong tôi. Trong căn nhà ấm cúng này tôi bắt đầu cuộc sống mới. Tình cảm của Mom, Papa Smith và ba đứa em nhỏ dành cho chúng tôi thật trọn vẹn. Mặc dầu Papa Smith ít khi trò chuyện, một phần vì ông thường bay và một phần ông có vẽ nghiêm trang, ít nói. Thỉnh thoảng Papa Smith cũng suy tư về những ngày ông đóng quân ở Việt Nam, về những người bạn cùng ông chiến đấu đã bỏ mình nơi đó. Những địa danh tiếng Việt ông phát âm hơi lạ làm tôi khựng lại và mỉm cười mỗi lần chúng tôi trò chuyện. Nhưng những câu chuyện chiến tranh thường được chấm dứt rất ngắn. Xe chạy ngang qua nhà chị Joann, cổng sân nhà chị đóng kín, không thấy bóng người. Có lẽ giờ này chị vẫn còn lay hoay trong bếp, sửa soạn khăn gói để lên nhà hàng Mễ Tây Cơ. Tôi mỉm cười và thầm cảm mến một người chị dễ thương, yêu kiều. Chắc chắn từ đây tôi sẽ không còn cơ hội được ngồi bên chị, nghe chị nói, nhìn chị cười mỗi buổi sáng đi làm. Rời khỏi Newburry Park, Mom bắt vào Freeway 101 chạy về hướng thành phố Los Angeles. Xe chạy xuyên qua thành phố Thousand Oaks, một lát đã đến những cánh đồng cỏ thênh thang dọc theo hai bên Freeway 101. Đầu mùa Xuân, cây bắt đầu đâm chồi và những ngọn cỏ cũng bắt đầu xanh trở lại. Xe vẫn lao trên xa lộ và gió vẫn thổi. Mom chỉ cho chúng tôi những con đường và xóm nhà nằm cheo leo bên sườn đồi, đó là khu nhà của những người nông dân giàu có, họ sống một mình một cõi giữa triền núi. Nửa tiếng đồng hồ sau Mom rẽ Freeway 101 bắt vào Malibu Canyon road, đi về thành phố Malibu bên bờ Thái Bình Dương. Đi được nửa đoạn đường, Malibu Canyon road trở nên ngoằn ngoèo, hiểm trở. Con đường khúc khủy cong queo như con rắn, một bên là sườn núi một bên là vực sâu thăm thẳm. Nhìn qua cửa xe những chỏm núi đá kéo dài đến ngoài tầm mắt. Núi không có cây lớn, chỉ có những bụi nhỏ và đá. Mom ôm tay lái chậm chạp len qua từng kí-lô-mét. Xe chun qua một đoạn đường hầm. Ra khỏi đường hầm là đi được hơn nửa đường đèo, núi rừng trở nên xanh tươi hơn. Từ đây dõi mắt nhìn về phía trước sẽ thấy Thái Bình Dương bao la. Và xe đổ xuống đèo. Dưới chân đèo là một vùng cỏ xanh tươi như mạ non, bên tay mặt là một tảng đá to nằm bên cạnh bức tường hình cánh cung, ngắn, thấp, có ghi hàng chữ to: Seaver College. Mom tách khỏi Malibu Canyon road vào con đường riêng dẫn vô khu đại học Pepperdine University. Hôm nay là ngày Orientation (ngày đầu giới thiệu trường cho những sinh viên mới). Khuôn viên đại học người đông nhộn nhịp, những bãi đậu xe đều kín mít, nhiều phụ huynh và tân sinh viên dập dìu trên khuôn viên trong ngày thăm trường. Mom đậu xe, đưa tôi và Điện đến bàn thông tin đặt ngoài sân để trả lời mọi câu hỏi cho mọi người. Mom hỏi nhân viên phụ trách chúng tôi phải “trình diện” nơi đâu, vì chúng tôi không là công dân Mỹ cũng không là du học sinh từ nước nào. Trong khi Mom đang hỏi về trường hợp chúng tôi thì từ đâu Dr. Moore lù lù đi đến. Dr. Moore là người vân động cho tôi vào trường nầy. Dr, Moore bắt tay Mom và nói Mom hãy để cho ông ta đưa tôi và Điện đến nơi ghi danh lớp học. Mom vui tươi chào Dr. Moore, nhắn nhủ tôi và Điện đôi lời cố gắn học hành, rồI giã từ ra về. Tôi không là du học sinh và không văn phòng nào phù hợp nhất để lo học vụ cho tôi và Điện ngoài trừ phòng học vụ dành cho sinh viên ngoại quốc, và Dr. Moore đã đưa chúng tôi đến đó. Nơi đây chúng tôi được hướng dẫn những môn, ngành, phòng học, thời khóa biểu, trao thẻ ăn để dùng mỗi ngày, và cũng nơi đây đã ghi danh tôi và Điện ở cùng một khu đại học xá. Tôi vẫn còn trong thời gian tìm hiểu về trường đại học này, và cũng chưa đủ khả năng Anh Văn để ghi danh những “cua” cao cấp. Hơn nữa tôi được chấp nhận vào Pepperdine University như một sinh viên năm thứ nhất, nên, để dễ thở và để chuẩn bị cho những cuộc chạy đua sau này, tôi chỉ ghi những “cua” khoa học căn bản: Toán, Lý, Hóa và một lớp Anh Văn cho sinh viên ngọai quốc. Đó là những món ăn cho “trí thức”, ngoài ra chương trình đại học Mỹ còn đòi hỏi sinh viên phải lấy những lớp kiến thức tổng quát ngoài chương trình chính, gọi là elective courses. Tôi chưa rõ và không biết gì để chọn nên tôi ghi danh lớp Tennis sơ cấp. Bấy nhiêu đó tạm gọi là đủ cho khóa học đầu tiên. Rời phòng ghi danh, tôi tìm đến căn đại học xá mà tôi sẽ trú ngụ cho suốt học kỳ ở đây. Khuôn viên khu đại học Pepperdine nằm trên sườn núi. Đứng trên khuôn viên đại học nhìn xuống là thành phố Malibu và bờ biển Thái Bình Dương. Sau lưng khuôn viên đại học là dãy núi đá với những chồi cây nhỏ chen lẫn nhau tạo thành một màu xanh nâu. Pepperdine University, một khu bất động sản thật lãng mạn, đẹp, và hùng vĩ! Khu học chính, khu quản trị, thư viện, đại học xá, sân vận động, hồ bơi, sân tennis, và nhà ăn đều không nằm trên một mặt bằng, mà được xây trên những mặt đất được xén ra từ triền núi cao thấp khác nhau, như những ruộng thang ở Sơn La, Hà Giang. Nằm riêng biệt trên triền núi là văn phòng của viên giám đốc điều hành học vụ, gọi là Provost House dưới quyền của viên Hiệu Trưởng, với con đường đi lên quanh co giữa những chồi cây. Provost House có nuôi một đàn chó Berger để phòng kẻ trộm. Khu đại học xá là một dãy nhà riêng biệt trên một độ cao thoáng mát. Con đường tráng nhựa chạy cong cong trước mặt khu đại học xá với hàng cây lá đỏ như màu Phượng Vĩ. Bên kia con đường là sân vận động, sân baseball (bóng chày), sân tennis, và hồ bơi. Và nhìn xa hơn nữa là dãy nhà dân với những mái ngói đỏ chói. Học xá tôi ở là một cụm nhà kế chót trong dãy đại học xá, nhỏ vuông tượng, hai tần, có tên là Tau (phát âm là “Thâu”), ký hiệu chữ T La Mã dùng trong toán học (sau này cụm nhà mang tên Tau được đổi thành Morgan Hall). Tôi ở căn phòng lầu dưới, nhìn ra là thảm cỏ với bông hoa và hàng cây bóng mát. Mỗi căn nhà có tám phòng, mỗi phòng dành cho hai sinh viên ở. Tôi ở chung với một tân sinh viên khác tên là Craig (không còn nhớ tên họ của Craig.) Lần đầu tiên tôi cảm thấy mình như một đứa con nhà giàu, được học tại một trường nổi tiếng (học phí $400 cho mỗi tín chỉ thời 1976), đẹp, thơ mộng. Đi bên cạnh những sinh viên được cha mẹ đưa đến trường mỗi sáng thứ Hai trên những chiếc xe sang trọng như Cadillac, Mercedes hay tự lái những chiếc xe xì-po bóng loáng, mà trong túi tôi không có một xu! Hệ thống trường đại học Pepperdine thời 1976 gòm có ba học viện (campus): Một ở Los Angeles, một ở Malibu city, và một ở Heidelberg Tây Đức. Ngày nay Pepperdine University có bảy campus trên khắp thế giới: Buenos Aires - Argentina; Florence - Ý Đại Lợi; Heidelberg - Đức; London - Anh Quốc; Shanghai - Trung Quốc; Lausanne - Switzerland; và Chiang Mai - Thái Lan. Ngoài học viện chính tại Malibu city, Pepperdine University còn có sáu campus khác (hầu hết là bậc hậu cử nhân) nằm rãi rác trong tiểu bang California: West Los Angles Graduate Campus, Encino Graduate Campus, Irvine Graduate Campus, Silicon Valley Center, và Westlake Village Gradutes Campus. Và ngày nay khu học viện chính Malibu Campus được mở rộng rất nhiều so với thời 1976. Ngày thứ Hai hôm sau là lớp học đầu tiên. Sinh viên nơi đây ăn mặc tùy tiện, nhiều nữ sinh đến lớp với chiếc quần sọt cụt ngủn để lộ ra cặp đùi dài thường thược, trắng nõn. Đại học xá Pepperdine University không chấp nhận nam sinh và nữ sinh ở chung một khu học xá, nhưng những căn học xá của nam sinh và nữ sinh vẫn ở chen kẻ nhau. Mỗi căn học xá có một sinh viên làm quản lý. Sau 11 giờ đêm nam sinh không được ngồi trong học xá nữ sinh và ngược lại. Pepperdine University là một trường đạo. Những buổi sáng thức dậy, đoàn người sinh viên chúng tôi ôm sách vở đi trên con đường cong cong trước đại học xá để đến nhà ăn và khu học vụ. Có những buổi sáng sương mù từ Thái Bình Dương bay vào phủ kín khuôn viên khu đại học, những cụm khói trắng bay là là len lỏi dưới những tàn cây và ôm ấp những bãi cỏ còn đọng sương mai, và năm ba bóng dáng nữ sinh vội vàng đến lớp trong bóng sương mù. Và có những buổi sáng trời trong xanh biếc, nhìn ra Thái Bình Dương với đàn cá Voi nô đùa bơi bày kỳ trên mặt nước, đôi khi chúng thở phun thành những cột nước trắng xóa trên mặt đại dương. Có những buổi chiều tôi ngồi một mình trên khuôn viên đại học nhìn ra Thái Bình Dương, xa thật xa bên kia bờ, tôi thấy nhớ ray rức. Đã hơn mười tháng từ ngày miền Nam sụp đổ, tôi và hàng trăm ngàn người tị nạn khác không liên lạc được với gia đình. Từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, Việt Nam và thế giới tự do đã cắt đứt mọi quan hệ, không thư từ, không bưu điện, không có một liên lạc nào giữa người bên trong và người bên ngoài. Chính quyền Việt Nam đã đoạn tuyệt với những người ra đi tìm tự do! Và bên trong, những người còn ở lại phải đối diện với cuộc sống mới khốc liệt. Hàng ngàn gia đình phục vụ cho chế độ cũ bị đưa về “vùng kinh tế mới”, một chính sách “cái cách ruộng đất” mới. Và một số người bên trong gọi ngày 30 tháng 4 là ngày “cách mạng giải phóng!” Đúng ra hai chữ “cách mạng” tự nó đã mang ý nghĩa tốt đẹp rồi. Nhưng thật ra thì, không biết cuộc cách mạng đã mang lại điều gì tốt đẹp mà mọi người (và ngay cả cột đèn, nếu được) đều muốn ra đi. Khuôn viên đại học Pepperdine cảnh đẹp nhưng chỉ có ba sinh viên Việt Nam nên buồn. Hai tuần sau, vào một buổi chiều thứ Sáu vài người bạn ở Thousand Oaks xuống trường chở tôi và Điện về chơi cuối tuần. Từ đó mỗi cuối tuần là tôi và Ðiện được trở về Thousand Oaks thăm bạn bè. Ở đây những người tị nạn độc thân sống những ngày tháng theo đúng nghĩa của chữ “độc thân”, rất buồn. Những tháng ngày đầu tiên người tị nạn “bị” đưa đi rãi rác khắp nơi trên đất Mỹ, họ ít có điều kiện gặp nhau. Suốt tuần làm việc quần quật trong những nhà hàng, trạm bán xăng, cửa tiệm buôn bán hay những cánh đồng rau quả,... Trong chung cư của Lang có Lang và Lợi làm cho trại nuôi gà, Tư và Thuận làm cho xưởng chế súng. Mỗi tuần trại gà biếu cho mỗi nhân viên hai vĩ trứng gà mang về nhà. Sau một thời gian căn hộ của Lang chất đầy trứng gà, ngày nào cũng trứng gà úp-la, trứng luộc, trứng chiên, trứng xào, trứng la-cót vậy mà cuối cùng cũng còn món trứng “đầy nhà”. Nên sau này căn hộ của Lang là trung tâm cung cấp trứng gà miễn phí cho những gia đình người Việt ở Thousand Oaks! Mấy cô con gái của gia đình “Thất Long Công Chúa” và “gia đình sơ sơ ba chục người” là nguồn cảm hứng của mấy chàng độc thân ở Thousand Oaks. Nhưng trời sao phụ lòng người, trứng mấy anh mang đi cho mấy nàng nhận đủ mà cuối cùng giống như trứng ung vậy, không đâu ra đâu. Nên cuối tuần đâm ra rảnh mà cũng không biết đi đâu nên chỉ biết ngồi nhà nhậu. Mà nhậu một mình thì buồn nên chiều thứ Sáu là Lang và Tẩu lại mang xe xuống trường “xúc” tôi và Ðiện về để có bạn nhậu! Có những đêm thứ Bảy đôi ba thằng vùi đầu ngủ trong cầu tiêu, vì say mèm. Chỉ riêng có Thuận bất cần đàn bà con gái, suốt ngày đầu chải Pelentine láng nhuốc, ruồi đậu còn trượt chưn, xách mấy khẩu súng lục “có vấn đề” mang từ xưởng về ngắm nghía miết mà không thấy chán. Tẩu thấy vậy chọc chơi: “Súng mày hết xài rồi!” Đặc biệt Thuận chỉ tắm một lần một tuần! Đến ngày nó tắm mà bị kẹt vì chuyện gì là coi như tuần đó nó miễn tắm. Nó đến từ Chợ Lớn, ngày sinh nhật 18 nó nhập binh chủng Lôi Hổ. Đi lính chưa được một năm thì tháng Tư đến. Nó chạy theo đơn vị. Mãi đến bây giờ mỗi đêm nhớ nhà nó vẫn thắc mắc tại sao nó lại ở đây! Ba tháng trôi qua, khóa học đầu tiên chấm dứt. Tôi trở về Thousand Oaks ở ké nhà bạn bè một tuần chờ khóa học mới. Lợi nhìn Thuận lau chùi khẩu súng gãy ngày này qua ngày nọ, chán, nói: “Tụi bây đi học đại học làm cái gì cho khá hơn thằng Thuận tao xem coi.” Tôi thấy cũng mắc cười nên bỏ xuống phố (mall) dạo chơi. Tôi gặp một nàng tóc hoe, da trắng có chấm đồi mồi, cao, đang dạo chơi với mấy người con trong gia đình “Thất Long Công Chúa” ngoài mall. Tôi chận lại hỏi thăm làm quen. -“Sao mấy em không đi học mà dạo ngoài này?” -“Dzô ziên, người ta đi đâu, làm gì mắc mớ gì đến you!” -“À! You guys cut class!” Nàng tóc hoe nghe tôi nói “cut class” liền nói: -“School breaks, man. Rediculous, what he thinks he is, my father, let’s go.” Tôi nói theo: -“You are so beautiful!” Nàng tóc hoe quay đầu nhìn trừng trừng vào tôi một chặp, rồi đi. Ði dạo mall mà trong túi chẳng có đồng xu mua cà lem ăn nên tôi chán, đành quất bộ về nhà. Tuần sau tôi lại trở về trường. Khóa thứ nhì tôi tiếp tục ghi danh những lớp khoa học, và lấy lớp cởi ngựa cho môn thể thao. Bây giờ thì tôi không còn đồng xu nào dính túi, nên tôi phải tìm việc làm thêm ngoài giờ học. Công việc ở đại học xá thì giới hạn chung quanh việc làm bảo trì khu sinh viên ở và những việc lặt vặt. Tôi hỏi và xin được việc làm trên chuồng ngựa. Việc làm rất đơn giản, mỗi buổi chiều tôi chỉ cần cào dọn sạch sẽ phân ngựa trong chuồng ra ngoài và mang cỏ bỏ vào máng cho ngựa ăn, chỉ vậy thôi. Việc học ở trường càng ngày càng nặng hơn trước, nhưng cái nặng nhất đối với tôi là nghe và hiểu lời giáo sư giảng dạy! Hầu như tôi hoàn toàn điếc! Những lời giảng dạy như gió cứ chun vào lỗ tai này rồi tự nhiên chun ra lỗ tai kia không một chút lưu luyến. Ðại khái là sau những giờ lectures tôi chỉ biết “mò” qua từng chữ trong trang sách, mà càng “mò” nó càng rối như đống rơm. Tôi bèn mang theo máy ghi âm và trong khi thầy giảng bài tôi bật lên ghi hết vào máy. Tối về mở ra nghe và dò lại, cũng như không vì cũng chẳng giúp tôi hiểu thêm chút nào hơn. Thôi kệ, tới đâu hay tới đó. Nhưng môn cởi ngựa thì tôi học giỏi lắm, chỉ sau một tuần là tôi biết rành làm sao ra lịnh cho ngựa đi bộ, cho chạy lúp xúp, cho ngựa chạy nước đại. Và một hôm tôi biểu diễn món chạy nước đại trong giờ thực tập. Ông huấn luyện viên ngồi trên một chiếc ghế trên một cái gía nhỏ, cao, giữa sân. Tôi từ mút ngoài đầu sân đua, cho ngựa chạy như bay nhắm thẳng gía ngồi của huấn luyện viên mà đâm tới. Khi tới gần gía ngồi tôi giựt gây cương cho ngựa đứng lại, ngựa chạy hăng quá, tôi kéo cương hết ga, ngựa dũi hai chưn trước cho cà một đường bay khói trên mặt đất, dừng cách gía ngồi huấn luyện viên chừng vài gang tay! -“You’re crazy!” Huấn luyện viên mặt tái xanh nhìn tôi, quát. -“But you’re good”. Tôi rờ tay lên trán, những giọt mồ hôi rướm từng hột!!! Con ngựa tôi chạy mới vừa ba tuổi, nó hăng như ngựa hoang!!! Cuối tuần tôi lại trở về Thousand Oaks thăm chơi bạn bè, nhậu. Và la cà ngoài mall chọc ghẹo đám bạn nhà “Thất Long Công Chúa”. Những lần sau trở lại Thousand Oaks tôi tình cờ nhận cú điện thoại của nàng tóc hoe. Nàng “rủ” tôi đi chơi ngoài trời cùng gia đình nàng trong ngày đại hội hàng năm ở thành phố Thousand Oaks. Hôm đó trời trong và sáng, hàng trăm gia đình tham gia ngày hội. Tôi cùng nàng đến một ngọn đồi chung quanh đầy những cây xương rồng nho nhỏ. Trời về chiều, những tia nắng yếu dần. Nhìn xuống thung lũng, tôi hỏi nàng: “Tại sao em lại thích anh?” Nàng không nói mà ôm choàng lấy tôi đè đầu xuống những ngọn cỏ với một nụ hôn nồng cháy thay cho câu trả lời! Tôi không còn thắc mắc, nằm yên bất động nhìn trời, và những làn mây, bay chập chờn. Hôm sau tôi trở về trường lòng rạo rực, hớn hở như kẻ vừa được yêu. Annet, tên nàng tóc hoe, cũng vào năm cuối của bậc trung học. Đồng Sa Băng 5/12/2010