Cuộc sống gian khổ chìm sâu trong bức màn che khuất của rừng già, nơi sự hiểm nguy rình rập trong các hầm hào ẩm thấp khó chịu, thời gian lững lờ trôi qua tĩnh lặng như những tay lưới cá được đem hong khô dọc theo các luồng lạch và nỗi cô đơn mãi dằn vặt những người du kích trẻ. Sự xa cách gia đình khiến cho Hun Sen khao khát có được sự yêu thương và chăm sóc. Tình cảm lãng mạn ở người thanh niên xa gia đình ấy đã trở nên mãnh liệt ngay cả ở nơi ẩn náu, đã tìm kiếm tình cảm của phái đẹp. Nhưng Khơme Đỏ không tán thành chuyện theo đuổi tình cảm lãng mạn. Những người du kích trẻ bị cấm nảy nở quan hệ tình cảm với người khác phái. Pha chút ngại ngùng, Hun Sen kể “Khi tôi nói mình quý mến bất cứ cô gái nào, tôi không muốn nói là mình đã có chuyện tình cảm với cô ấy. Đó chỉ là quan hệ tình bạn bình thường mà tôi vẫn giữ mãi trong lòng cho tới ngày nay”. Một tấm hình cũ đã mờ chụp lúc 19 tuổi còn trẻ măng mà Hun Sen tìm được vào năm 1997. Đó là tấm hình duy nhất của ông còn lại trong thời nội chiến. Nó được một gia đình ở Kompong Cham giữ gìn. Trong tấm hình, người thanh niên này trông gầy guộc và bảnh trai. Sở dĩ vậy mà các thiếu nữ Khơme đã bị anh ta thu hút. Nhưng ông không nảy nở quan hệ tình cảm nào sâu đậm cho tới khi gặp Bun Rany. Cô là giám đốc một bệnh viện của Khơme Đỏ nằm cách chiến tuyến chống lại lực lượng của Lon Nol khoảng 50 kilômét. Các thương bệnh binh dưới quyền chỉ huy của Hun Sen đều được đưa về đó chữa trị. Họ hay đùa gọi cô là sau (chị dâu). Bun Rany nhớ vào mùa hè năm 1974, một mùa hè hết sức khô hạn, đất nứt nẻ vằn vèo như trò chơi ghép hình. Bụi đất đỏ giống như thỏi son bị dập nát, quần áo dơ dáy, mắt bị bụi mù và lỗ mũi dính đầy bụi đất. Thoáng nhớ lại năm 1974, năm của chuyện tình lãng mạn, Bun Rany kể “ Lính của Hun Sen chơi trò ông mai bà mối. Khi họ gặp Hun Sen họ nói với anh ấy là một nữ giám đốc bệnh viện xinh đẹp gửi lời hỏi thăm, còn khi họ gặp tôi thì họ lại nói Hun Sen gửi lời thăm hỏi “. Hun Sen và Bun Rany hoàn toàn chưa nghĩ đến chuyện tình cảm vì cảnh tăm tối đang tiếp tục diễn ra. Những người lính của Hun Sen muốn họ sẽ cưới nhau vào ngày nào đó khi chiến tranh kết thúc. Tình cảm chớm nở thầm kín này chẳng bao lâu hai trong số các “nữ đồng chí” của Hun Sen, các nữ chiến binh Khơme Đỏ sống không xa đấy cũng biết. Hun Sen nói “ Các chị em trong rừng cũng bắt đầu gọi cô ấy là sau. Tình trạng này đã làm cho tôi khó xử khi phải duy trì kỉ luật cho chiến sĩ”. Đó là một năm sống trong nguy hiểm và là thời gian tìm hiểu nhau một cách bí mật đối với một cô gái xinh đẹp mới được Khơme Đỏ đào tạo. Bun Rany nói “Lần đầu tôi biết được Hun Sen là vào năm 1974. Các “anh em trong rừng” (các đồng chí) của anh ấy thường đến bệnh viện và ở lại, dường như họ thích tôi. Lúc đấy, họ bắt đầu nghĩ rằng giữa anh ấy và tôi có quan hệ bất chính”. Với kiểu suy nghĩ thực tế riêng, cô kể “Ở trong bệnh viện tôi là giám đốc, nhưng ở chiến trường Hun Sen là một chiến sĩ rất có tiếng. Anh ấy thuộc một đơn vị đặc công, có uy tín. Vì vậy về mặt nào đó, chúng tôi cũng hợp nhau và người ta thường hay ghép đôi chúng tôi”. Những tiếng bàn tán xì xầm đến tai của cả hai bên và mỗi bên đều muốn tìm hiểu ngọn nguồn của điều bí ẩn. Cuối cùng trò chơi kiếm tìm đã kết thúc khi Bun Rany có được cơ hội gửi lời nhắn trực tiếp tói người yêu “không chân dung” qua một cán bộ y tế từ bệnh viện của cô được phái tới chiến trường để chăm sóc các chiến sĩ dưới quyền chỉ huy của Hun Sen. Bun Rany kể “Tôi đã nhờ cán bộ y tế yêu cầu Hun Sen đến gặp riêng tôi, để giải thích cho các tin nhắn tới lui với nhau. Nhưng tôi phải nói mình sợ anh ấy giận vì có quá nhiều ẩn ý trong những lời nhắn này phải nhở qua người khác”. Cho tới khi ấy Hun Sen vẫn chưa gặp mặt Bun Rany. Một tình cảm lãng mạn thầm lặng khó hiểu. Ông không còn chịu đựng nổi tâm trạng, cứ mãi phải chờ đợi nữa. Ngay trước Tết Campuchia vào năm 1974, ông yêu cầu người nữ chỉ huy của mình, đi cùng với ông đến gặp Bun Rany. Ông nghĩ là mình sẽ dễ gặp được cô ấy nếu ông đi cùng với một phụ nữ. Hun Sen nói “Tôi chỉ biết người lãnh đạo bệnh viện có tên là Rany, nhưng tôi chưa có đủ thời gian để gặp cô ấy”. Khi họ đến bệnh viện, đồng chí chỉ huy của ông, ghé vào thăm một cán bộ lãnh đạo địa phương và dặn Hun Sen ở bệnh viện chờ cô ta. Hun Sen nói “Lúc ấy Rany không biết tôi và tôi cũng vậy. Vì thế tôi hỏi cô ấy, “Rany là ai?”. Cô ấy không nói thật với tôi và nói là Rany đã đi lấy nước rồi. Cô ấy không nói với tôi mình là Rany, cũng chẳng biết tôi là ai”. Còn phần cô, Bun Rany mỉm cười kể “Khi gặp tôi, anh ấy muốn biết Rany ở đâu. Tôi nói với anh là cô ta đã ra ngoài ở đâu đó. Sau đó, anh đến doanh trại của tôi ở trên tầng một của khu nhà và chúng tôi chuyện trò với nhau về tình hình thời sự”. Đêm đó anh ấy biết mình đã yêu. Ông kể “Tôi nghĩ nếu cô ấy đẹp như thế thì tôi không nên cố giải thích điều huyền bí này, nhưng chỉ còn biết yêu cô ấy. May thay sau khi gặp nhau, chúng tôi tiếp tục lưu lại đó đã khá trễ và chúng tôi không thể trở lại đơn vị”. Họ chẳng có chăn cũng không có gối. Lúc đó vào tháng ba khi dọc theo sông Mê kông, tiết trời đã se lạnh. Họ bớt lạnh lẽo hơn khi các cô gái ở địa phương mang gối và chăn đến cho họ. Với tiếng cười khúc khích, Bun Rany kể “Hai người họ (Hun Sen và cán bộ chỉ huy của anh ấy) ở lại bệnh viện. Vào ban đêm, chúng tôi đem cho họ bộ đồ giường thường dùng – gối và chăn – mà chúng tôi nhường cho khách. Tuy vậy, chúng tôi không biết ai đắp chăn của ai”. Hình như Hun Sen đã đắp cái chăn của Bun Rany. Điều gì ở Bun Rany lôi cuốn anh ấy? Cô kể “Tôi rất quý những người lính suốt từ lúc tôi mới là một bé gái và sau này tình cảm đó lớn dần lên thành sự cảm thông sâu sắc đối với quân đội”. Tại sao lại có sự ngưỡng mộ viển vông đối với những người lính? Cô kể trong những năm là giám đốc của bệnh viện huyện, cảnh tượng của hàng trăm thương binh bị quằn quại đau khổ trong bộ quân phục, một số người còn quá trẻ mới khoảng 14 tuổi, đã để lại cho cô ấn tượng sâu sắc. “Họ là những người rất dũng cảm ở chiến trường và họ đã chịu quá nhiều khổ sở. Tôi cảm thấy đau lòng cho họ”. Trong nhiều tháng, Hun Sen bị mất liên lạc với Bun Rany. Ông kể mình nhớ nhung người ấy và phải âm thầm chịu đựng. Một dịp may mắn tình cờ vào mùa mưa năm 1974, ông đã gặp được cô tại lán trại Peam-Chi-Laang ở huyện Tbong Khmum, tỉnh Kompong Cham. Cô đến đấy để điều trị cho những người lính của Hun Sen bị bệnh sốt rét. Ông kể “Vào dịp ấy tôi có gặp cô khi mình đang đi cùng với ba người bạn, tất cả những người này đều đã chết sau đó. Tôi đang đi xe đạp, còn cô ấy ngồi trong xe hơi với một nhóm của bệnh viện. Để tiếp cận được cô ấy, tôi đã phải gom tiền của bạn bè để mời cô ấy và các bạn gái của cô đi ăn sáng với chúng tôi. Bữa đó, chúng tôi ăn rất ngon”. Gặp được người yêu dấu của mình, Hun Sen vui mừng đến khó tả. Ông kể “Một số bạn bè của chúng tôi vẫn ghép đôi chúng tôi là vợ chồng. Kiểu như thế vốn đã thành tật. Tôi thì bận tâm đến việc duy trì kỷ luật và muốn ngưng chuyện ăn nói như vậy. Tôi không biết nên làm gì?”. Bun Rany kể thêm “Khi ấy chúng tôi biết tất cả những rắc rối không đâu giữa Hun Sen và tôi – các chi tiết ở những người chúng tôi nhờ gửi các lời nhắn tình cảm cho nhau – cuối cùng anh ấy đã xin cán bộ chính ủy Angkar cho phép cưới tôi”. Ông đã thực hiện điều ông nghĩ là một bước hợp lý. Vào cuối năm 1974, ông gửi đơn xin cưới Bun Rany tới các cán bộ chỉ huy Khơme Đỏ xử lý các vấn đề cá nhân về tình cảm và hôn nhân, nhiều lá đơn của ông đã bị từ chối. Khi ông gửi đơn xin họ ông đã được 22 tuổi. Yêu cầu của ông đang có cơ hội tốt để được chấp thuận vì ông được tất cả các cấp đều quý mến. Nhưng lúc làm đơn xin cưới, thậm chí ông đã phải chịu công tác cực hơn để làm vui lòng nhiều cán bộ chỉ huy. Vào giai đoạn đó, ông đã chỉ huy một đơn vị đặc công. Ông còn là một huấn luyện viên dạy những người lính trẻ xem bản đồ, dùng la bàn và ống nhòm. Các cán bộ chỉ huy của ông đánh giá cao khả năng của ông và để chiều theo nguyện vọng, họ không từ chối yêu cầu của ông ngay. Nhưng họ tìm cách dàn xếp cho êm. Họ yêu cầu ông chờ cho tới khi Phnom Penh được giải phóng. Ông kể “Tôi biết như vậy là một cách từ chối. Thanh niên chỉ được cho phép cưới vợ lúc 30 tuổi, trừ trường hợp bị tàn tật có thể cưới vợ trước tuổi đó. Nhưng tôi chưa bị thương tật. Cán bộ chỉ huy của tôi rất khéo. Ông ta không từ chối yêu cầu của tôi và chỉ nói rằng tôi nên chờ cho tới khi Phnom Penh được giải phóng. Tình huống ấy không thuận lợi cho Bun Rany và tôi”. Một ngày trước khi Khơme Đỏ chiếm được Phnom Penh, Hun Sen đã bị thương vào mắt trái và bị mù mất một mắt do miếng pháo đâm vào ở Kompong Cham vào ngày 16 tháng 4 năm 1975. Sau đó, ông được gắn mắt giả tại một bệnh viện ở tỉnh Kompong Cham. Điều đó có làm cho một thiếu nữ trẻ đẹp phải ưu phiền khi cưới một người bị tàn tật, chỉ có thể nhìn đời bằng một con mắt không? Nở nụ cười, Bun Rany nói “Anh ấy vẫn còn toàn vẹn vào thời gian chúng tôi tính lấy nhau. Trớ trêu là anh ấy đã bị thương chỉ sau khi anh ấy đã chính thức yêu cầu cưới tôi. Rốt cuộc, con mắt đó đã bị móc đi, nhưng không phải chúng tôi móc mắt anh ấy ở bệnh viện của mình”. Nghe được tin Hun Sen dự định cưới Bun Rany, các cán bộ chỉ huy của cô đã cố ngăn chặn cuộc hôn nhân này. Cuộc đời của cô bắt đầu sắp đổ vỡ khi cán bộ chính ủy sắp đặt một người cầu hôn khác. Cô đã thuật lại giai đoạn để hiểu được sâu sắc người du kích trẻ quyến rũ ấy. Khi Hun Sen nghe được tin choáng váng là người yêu của mình sắp cưới một người đàn ông khác, ông đã nổi điên lên. Cô nói “Điều đó đã làm cho anh ấy rất tức giận, anh ấy đã bắn loạn xạ mấy loạt đạn. Anh ấy kể lại chuyện này với tôi sau khi chúng tôi đã cưới”. Sự can thiệp trắng trợn của các cán bộ chỉ huy đã làm cho Bun Rany đang yêu say đắm bị sụp đổ hoàn toàn. “Thử tưởng tượng nỗi kinh hoàng của tôi, chỉ trong một khoảng thời gian vắng mặt ngắn ngủi trở về, tôi đã bị sắp đặt phải lấy một người đàn ông khác. Vỡ lở ra mới biết ông ta làm giám đốc của một nhà in”. Cô kể thêm “Khi trở về bệnh viện, tôi được người ta cho biết cuộc hôn nhân của tôi với người chưa quen biết này đã được cán bộ chính ủy sắp đặt sẽ diễn ra trong vòng ba ngày nữa. Tôi đã đi thẳng tới cán bộ phụ trách huyện và nói cho ông ta biết ông ấy có thể sắp đặt chuyện hôn nhân với bất cứ ai trừ tôi. Tôi không muốn kết hôn với người đàn ông này”. Cô đã gặp phải sự đối kháng mới từ các phía hết sức bất ngờ. Thở dài, cô nói “Khi tôi từ chối lấy người đàn ông này, những người phụ trách ở huyện hết sức giận tôi và họ ngưng không nói chuyện với tôi nữa – họ cũng chính là những người tôi nghĩ sẽ mong muốn cho tôi được mọi sự tốt đẹp mà trước đây có thời gian tôi đã quen biết họ”. Chẳng bao lâu sau, còn có một sự bóp méo khác trong vở kịch ấy. Hun Sen đã lên giữ vai trò lãnh đạo huyện và chính thức xin phép cưới Bun Rany. Một lần nữa, Bun Rany đã hiểu lầm là mình có được sự nâng đỡ của những người đảm trách công tác xã hội – cánh của Khơme Đỏ được cho là lo liệu về các vấn đề quan hệ tình cảm. Đó không phải là quyết định của những người yêu nhau đưa ra. Nó là chuyện của “các thầy” trong Khơme Đỏ chủ tâm tính toán. Một trong những “người thầy” của cô đã rất bực tức. Bun Rany kể “Một con người câu nệ từng chi tiết, đã giải quyết yêu cầu xin làm lễ cưới của chúng tôi, ông ta rất không vui vì ông có một “đồng chí”, người mà ông đã thu xếp cho tôi gần gũi với anh ta. Như thế là một thỏa thuận làm ăn của ông đã không đi đến kết quả, ông ta giận dỗi và trở nên rất khó chịu với tôi”. Về phần mình, Hun Sen cảm thấy hoàn toàn thất vọng. Các dự định kết hôn của ông đã bị các cán bộ chỉ huy của ông gác lại hoàn toàn và ông không thể làm gì. Ông kể “Tôi rất bực tức vì yêu cầu của mình được chấp nhận khi tôi còn lành lặn khỏe mạnh, nhưng khi tàn tật lại bị từ chối”. Không bao lâu sau, các cán bộ chỉ huy của ông đã nói dối để cho ông quên Bun Rany. Họ nói với ông là cô ấy sắp cưới một người đàn ông khác. Hun Sen đã phản ứng lại bằng sự tức giận và quyết định đi lấy một phụ nữ khác. Đúng lúc ấy, ông nhận ra được là các cán bộ chỉ huy của ông đã chơi trò đê tiện với mình. Ông kể “Rany lúc nào cũng chờ tôi. Nhưng tôi đã bị người ta gạt bằng những tin tức sai lạc. Tôi đã phản ứng hấp tấp. Tôi tính trả thù và lấy vợ ở vùng thuộc huyện Kroch Chhmar, đó là sai lầm của tôi, tôi đã cầu hôn với một cô gái khác ở gần đơn vị của Rany, vì tôi không thể chấp nhận mình bị làm mất thể diện bằng kiểu này. Nhưng tôi đã bị bạn bè chỉ trích. Họ bảo là Rany đang chờ tôi. Khi tôi biết được sự thật, tôi đã rút lại lời cầu hôn với cô gái kia và đã xin lỗi Bun Rany”. Hai kẻ yêu nhau này đã phải đối diện với nỗi buồn tan nát cõi lòng khi các cán bộ chỉ huy ép Bun Rany cưới một người đàn ông khác công tác ở huyện Kroch Chhmar. Cô đã từ chối. Kế đến, các cán bộ ấy quay sang phía Hun Sen. Họ yêu cầu ông lấy một phụ nữ khác làm vợ, một phụ nữ lớn hơn ông 12 tuổi. Ông kể lại “Phụ nữ đó là một giáo sư, bà được bảo phải cưới một người đàn ông có cấp bậc chỉ huy. Sau này bà đã trở thành một thành viên của Quốc hội trong chế độ Pol Pot và thường nói trên đài phát thành của Khơme Đỏ. Từ chối đề xuất ấy rất nguy hiểm cho tôi, khi tôi tỏ ra không tuân theo cán bộ Angkar. Nhưng tôi đã từ chối chuyện đó”. Sau đó ít lâu, ông lại phải đương đầu với một vấn đề về hôn nhân khác. Ông kể “Cán bộ chỉ huy của tôi, tên là Soeurng, đã động viên và thậm chí thuyết phục tôi cưới con gái của ông ta. Thậm chí càng khó xử hơn vì một cán bộ chỉ huy yêu cầu cán bộ thuộc quyền cưới con gái mình chuyện không dễ khước từ. Cách duy nhất tôi có thể từ chối lời đề nghị ấy là phải nói với ông ta rằng tôi xem ông như cha mình và con gái của ông như em gái tôi. Bằng cách giải quyết như vậy, ông đã bỏ qua không phản đối lý lẽ của tôi, và tôi đã thành công trong việc tránh được chuyện cưới con gái ông”. Còn đối với Bun Rany, bác bỏ một mệnh lệnh trực tiếp của các cấp lãnh đạo của cô là một bước nguy hiểm. Cô đã từ chối liên tiếp hai chỉ thị phải cưới các người đàn ông mà họ lựa chọn là một hành động hết sức khiêu khích. Mỉm cười, cô nói “Sự kiên trì của Hun Sen cùng với yêu cầu được cưới anh ấy của tôi cũng chẳng có tác dụng gì đối với các cấp lãnh đạo”. Cuối cùng, họ không thể lấy nhau được khi ông đã qua tuổi 24 và cô đã 22 tuổi. Họ chỉ có thể thực hiện được điều ấy sau khi ông đã lách khỏi hai đề nghị ngoài ý muốn và cô đã từ chối hai người đàn ông mà cô bị ép lấy. Cách thức của Angkar là như thế. Theo kiểu của người theo chủ nghĩa tập thể tiêu biểu, cán bộ chính ủy Angkar tổ chức đám cưới tập thể một lúc 13 cặp tàn tật thay vì phải thông qua việc cưới hỏi rườm rà cho từng cặp đôi. Hun Sen nói “Cuối cùng, tôi có thể cưới vợ cùng với những người tàn tật đó”. Cán bộ chỉ huy của Hun Sen rất khỏ chịu chuyện từ chối lấy con gái của ông đến nỗi ông ta từ chối bất cứ sự giúp đỡ nào về việc xin cưới Bun Rany. Cô đã phải đi một mình đến một nơi xa, ở đấy được chỉ định tổ chức lễ cưới. Bun Rany nói “Vào lúc đi đến nơi làm đám cưới tôi phải đi cùng với một thủ trưởng trong số các cán bộ cấp trên, người mà tôi chưa hề biết. Không có ai khác đi với tôi”. Hun Sen kể thêm “Nhưng chúng tôi đã cưới nhau với sự giúp đỡ của các chiến sĩ. Đó là một lễ cưới đầu tiên của những thương binh và tôi là người bị thương tật nhẹ nhất trong số họ. Tôi cũng là cấp chỉ huy cao nhất trong sốt tất cả 13 cặp thương tật đã cưới nhau. Chúng tôi là cặp thứ 13”. Thực ra, bị chột một mắt đã giúp ông cưới được cô dâu của mình. Bun Rany kể “ Đó là lần đầu tiên Angkar cho phép một đám cưới như vậy. Khá trớ trêu là chỉ những người tàn tật mới có thể có được đặc ân này – như thế bị thương hoặc tàn tật giống như mang huy hiệu phân loại dánh giá. Chúng tôi muốn cưới theo kiểu truyền thống và tổ chức nghi lễ riêng biệt, nhưng đó là những nghi thức hoàn toàn khác biệt. Thực ra chúng tôi được thành vợ thành chồng đã là diễm phúc lắm rồi”. Trong số 13 cặp ở đám cưới tập thể thì 11 đôi được các người lãnh đạo Khơme Đỏ sắp đặt. Bun Rany kể “ Còn trường hợp của cặp thứ 12 là người phụ nữ này đưa ra yêu cầu cưới người đàn ông ấy. Đối với chúng tôi, đôi thứ 13 thì Hun Sen là người đưa ra yêu cầu xin cưới”. Nhiều cặp có được may mắn thì thân nhân của họ tham dự đám cưới tập thể này, nhưng gia đình của Hun Sen và Bun Rany không có mặt vì họ ở rất xa. Cặp số 13, dù về ý nghĩa là của con số không hên, nhưng về thể hình thì đẹp nhất so với các cặp khác, phần nhiều những người kia bị cụt tay, cụt chân do bị mìn nổ hoặc bị thương tích trong chiến trận. Với tiếng cười se sẽ, Hun Sen nói “ Cặp thứ 13 được xem về dung mạo và thứ bậc là khá xứng với nhau nhất ». Lễ cưới được diễn ra theo kiểu quân đội với các cô dâu ngồi sát vào nhau thành một hàng ở phía trước và các chú rể ngồi ngay ở đằng sau họ. Ông nói với giọng lạnh nhạt “Đó là kiểu Pol Pot sắp đặt lễ cưới “. Sau đó chủ tọa buổi lễ cưới đọc lý lịch trích ngang của các cô dâu và chú rể. Trước khi buổi lễ bắt đầu, cán bộ chỉ huy của Hun Sen khuyên ông xóa đi một số điểm trong bản lý lịch của mình, nhất là cấp bậc của ông để các cặp thương tật khác khỏi ghen tị. Trong số họ, Hun Sen có cấp bậc cao nhất và được học hành nhiều nhất. Ông nói “ Theo chế độ của Pol Pot, chúng tôi xếp loại thuộc những người giàu có trung bình, vào lúc bấy giờ là một tầng lớp mà người dân Campuchia không thích”. Trước khi lễ cưới bắt đầu, Hun Sen bị hỏi 4 câu, còn Bun Rany bị hỏi 3 câu. Các cặp khác chỉ bị hỏi 1 hoặc 2 câu. Một trong các câu hỏi đặt ra cho Hun Sen là liệu ông có thể biết vợ mình từ một gia đình giàu có thành người vô sản, một giai cấp không có của cải. Ông nói “ Chỉ những người trước kia có nước da ngăm đen được xem là người Campuchia. Vợ tôi có nước da trắng giống người Hoa. Vì vậy, họ không cho là cô ấy có thể được biến đổi thành người vô sản, và họ đặt câu hỏi đó với tôi”. Cô đã từng là trò cười cho các cán bộ Pol Pot và du kích chế nhạo hoặc ghen tị vì nước da trắng như men sứ của cô? Các lãnh đạo ở địa phương của Khơme Đỏ chỉ coi những người có nước da ngăm đen và nét mặt thô mới là người Khơme chính cống. Bun Rany nói “Trong huyện của tôi không có vấn đề như thế. Người dân sống dọc theo sông Mê kông có nước da sáng, không ngăm đen. Nhưng có vấn đề sau khi đám cưới của tôi với Hun Sen,lúc chúng tôi chuyển đến sống ở Memot, không còn gần con sông ấy. Không có nước da sáng như chúng tôi. Vì vậy tôi cho là phần nào có sự đố kỵ ở đó”. Sau ngày kết hôn, chính ủy Angkar cử Bun Rany làm cán bộ y tế công tác ở các huyện Ponhea Krek và Tbong Khmum ở tỉnh Kompong Cham, nơi công trình thủy lợi đang được tiến hành, còn Hun Sen được bố trí tới huyện Memot giáp biên với Việt Nam. Các rắc rối của đôi vợ chồng mới cưới bắt đầu xảy ra. Nếu đám cưới là một cơn ác mộng thì tuần trăng mật không chỉ là thảm họa mau qua. Giữa những tiếng cười khúc khích, Bun Rany nhớ lại cặp vợ chồng trẻ đã bị dân làng ngăn không cho gần nhau ra sao vì họ nghĩ là hai người chưa cưới mà muốn thỏa mãn quan hệ tình cảm lén lút, bất chính. Cô kể “ Sau lễ cưới chúng tôi nghỉ lại ngôi làng ấy một đêm. Sau đó, chúng tôi đón xích lô kéo. Chúng tôi biết sẽ còn lâu lắm mới đến được nhà của Hun Sen, vì vậy trên đường chúng tôi dừng lại và nghỉ tại một làng được gọi là Ta Hil. Mặc dù chúng tôi được phép ở lại làng đó, nhưng đêm ấy chúng tôi không được ngủ chung với nhau vì dân làng không tin chúng tôi là vợ chồng”. Sáng hôm sau, đôi vợ chồng ấy đi tới một trong các cơ quan đầu não của Angkar, được gọi là Ta Nou. Họ đi suốt ngày hôm sau, cuối cùng rồi mới tới thị xã quê hương của Hun Sen. Nhưng họ không có nơi ở. Họ phải khăn gói tìm một căn nhà để tới ở. Chỉ một tuần sau khi cưới, cô đã bị các lãnh đạo địa phương giao nhiệm vụ phải làm việc tất bật nhiều giờ. Cô và một người nấp bếp nữ được sai đi san bằng các thửa ruộng. Quá trình san bằng mặt ruộng mất nhiều thời gian và khó khăn gian khổ vì đất phải được đắp cao lên trước khi nó có thể cày được. Không bao lâu sau, Hun Sen được chuyển tới một sở chỉ huy mới và không còn phải trực tiếp tham gia chiến đấu. Sau này, Angkar xây dựng một bệnh viện gần nơi Bun Rany được cử đến công tác. Cuộc sống của họ là một cuộc đấu tranh. Cảnh buồn rầu đã được xua tan khi cô có thai vào năm 1976. Cặp vợ chồng phải làm việc quá sức đã vui mừng khôn xiết vì đứa con đầu lòng sắp chào đời. Sự xa cách làm cho các rắc rối của họ thêm tồi tệ. Bệnh viện nơi cô công tác cách chố Hun Sen đóng quân 30 kilômét. Dù cô không có thời gian để đến thăm ông, nhưng ông đã đến thăm cô. Cô kể “ Khi tôi có thai được 7 tháng, anh ấy xin phép đưa tôi đi theo anh để chúng tôi có thể ở với nhau 2 tháng”. Khi tới lúc sanh em bé, cô được đưa tới bệnh viện ở Memot, nhưng chính quyền không cho Hun Sen trở lại phòng sinh. Cô hết sức buồn khi kể lại thảm kịch ấy “ Trong nhiều năm rồi tôi chưa kể với ai sự việc này”. Phải mất vài phút cô mới lấy lại được bình tĩnh. Cô khóc “ Bây giờ tôi có thể hiểu rõ như thể nó đã được phơi bày. Tôi thực sự không biết làm sao điều đó có thể xảy ra vì cô đỡ đã được đào tạo cùng với tôi. Cô ta đã để rơi đứa con trai nhỏ bé đó và đầu nó đập vào cạnh giường. Đứa bé máu chảy ra đầm đìa rồi chết. Nhưng bệnh án được ghi lại hoàn toàn khác – nó cho biết đứa bé đã bị chết trong bụng, thậm chí chết trước khi sinh!”. Người phụ nữ 22 tuổi và người chồng trẻ của cô đối phó với cái chết của đứa con họ như thế nào? Cô kể “ Chúng tôi rất đau khổ vì theo truyền thống của người Campuchia, người chồng phải luôn ở bên vợ khi cô ấy có mang để nâng đỡ về mặt tinh thần. Trong trường hợp của tôi, ngay cẩ khi đứa bé chết họ còn không cho phép Hun Sen đến thăm tôi. Đứa con đầu lòng của chúng tôi và cha nó đã bị chia cắt, không bao giờ gặp nhau “. Hun Sen cho điều đó là một trong những thảm kịch lớn nhất trong cuộc đời ông. Ông nói “ Đó là một trong những sự đau đớn ghê gớm nhất đầu tiên tôi phải đối mặt. Khi đứa bé mới sinh ra, cô y tá ấy đã đánh rơi nó. Đứa bé đánh vào cạnh giường gãy xương sống. Nó chỉ khóc thét lên được một tiếng “. Ông lao tới bệnh viện và thấy đứa con chảy máu miệng. Nó đã chết ngay sau đó. Chẳng có chỗ cho tình cảm thương xót trong Angkar. Ông kể “ Cán bộ chỉ huy của tôi không cho phép tôi chôn cất đứa con hoặc chăm sóc vợ tôi. Họ ép tôi phải đi công tác xa hơn. Cho tới nay tôi vẫn chưa biết đứa con của tôi được chôn ở đâu. Vì vậy, tôi dành riêng một nơi tượng trưng cho đứa con mình đã được chôn cất. Điều đó đã tác động tôi soạn một bài ca có tựa đề là Nỗi đau vợ chồng bị chia cắt để kể lại sự đau đớn cực độ của một cặp vợ chồng bị buộc phải sống chia lìa “. Ông đã bắt đầu sáng tác vào năm 1989 và viết lời cho hơn 100 bài ca Campuchia. Một số bài ca ông nói về tuổi thơ bị cùng kiệt ở miền quê. Bài ưa thích của ông là Cuộc đời chú tiểu ở chùa. Một dòng trong bài ca ấy chứa đựng cảm giác lo lắng của chính ông “Đừng để những đứa trẻ tuyệt vời bị thất vọng – chú tiểu ở chùa ấy sẽ có một tương lai xán lạn “. Các bài ballad buồn trong băng của ông đã trở thành loại băng bán rất chạy ở Phnom Penh vào giữa thập niên 1990 và các kênh phát thanh thường xuyên phát lại các bài ấy. Sự mất mát đứa con đầu lòng đã khiến cho Bun Rany nhận ra rằng Angkar không còn nhân tính. Cô kể “ Từ từ chính tôi đã hiểu được rằng tất cả lời nói về mọi người đều là thành phần của cuộc cách mạng, đó là lừa bịp. Không có sự bình đẳng giữa chúng tôi. Cán bộ chỉ huy hay ông lớn như chúng tôi gọi, người ấy được sống bên vợ mình. Nhưng chúng tôi không được phép có cuộc sống gia đình bình thường”. Sự kiện nào đã gieo mối bất mãn và khiến cô muốn rời bỏ Khơme Đỏ? Cô nói “ Vào lúc đó thực sự chúng tôi chưa có ý tưởng nào rời bỏ tổ chức nhưng chúng tôi bắt đầu lo cho tương lai. Chúng tôi còn biết được một số người tốt – các cán bộ chỉ huy cấp bậc cao hơn chồng tôi – họ được đưa đi đào tạo và đã không trở về. Mặc dù thế, nhưng chúng tôi phải mất một thời gian lâu mới đánh giá hết những gì thực sự đang xảy ra. Chỉ vài tháng sau, khi càng nhiều người được cử đi đào tạo không trở về và khi điều này bắt đầu xảy ra rất thường xuyên, chúng tôi đã hiểu được cuộc sống của mình cũng có thể đang bị đe dọa nghiêm trọng “. Ít nhất Khơme Đỏ đã hành quyết hai cán bộ cấp cao ở Khu ủy miền đông vào năm 1978. Họ là Chen Sot, bí thư đảng khu ủy 21 cũng là một cán bộ chỉ huy và Kun Deth, trưởng ban tham mưu khu ủy 21. Sau khi đứa con đầu lòng của họ chết, Bun Rany không được cho chăm sóc hậu sản nữa và cô mắc phải bệnh phù thủng – một chứng bệnh khiến cho cơ thể của cô giữ nước và phù lên. Chỉ sau nhiều lần xin chính quyền, Hun Sen mới có thể đưa cô tới nơi ông ở trong hai tháng. Nhưng các lãnh đạo của ông thường xuyên đưa ông ra phê bình, buộc tội ông là ủy mị và quá quan tâm đến cô. Ông không còn chịu đựng nổi những lời châm chọc không ngớt và buộc phải đưa cô trở lại. Bị kiệt sức và bệnh hoạn, Bun Rany trở lại bệnh viện nơi cô làm việc. May mắn là ông được phép đến thăm cô. Ba tháng sau, cô có thai đứa con thứ hai. Cô kể “ Những người đàn ông làm việc ở bệnh viện đang bị đưa đi, vì vậy điều đó khiến chúng tôi rất lo lắng. Chị biết đấy, hôm nay họ còn ở đó, ngày hôm sau đã bị điệu đi “. Hai vợ chồng mới cưới chờ mong nhau, nhưng đã bị cách ly. Cô bị cấm không được thăm chồng mình. Vào đầu năm 1977, tình hình bắt đầu thực sự khó khăn. Khi bốn cô đỡ làm việc ở bệnh viện cùng có thai một lúc, bảng phân công nhiệm vụ của họ phải luân phiên nhau. Sau khi đã sinh con, không còn thuốc cho các người mẹ ấy. Họ không được chăm sóc tiền sản hoặc hậu sản. Khi mang thai đứa con thứ hai vào tháng 6 năm 1977, Hun Sen phải rời xa cô để chỉ huy lực lượng Khơme Đỏ. Cô đang có mang con trai lớn nhất, Hun Manet, người sau này học tiếp ở Học viện Quân sự Westpoint. Nhưng không có đủ thức ăn cho mẹ lẫn con. Họ phải sống nhờ vào bắp. Cô kể “ Chúng tôi nấu gần như cháo bắp, pha nhiều nước và nấu sôi, rồi ăn no như cháo cho người ốm. Trong hàng tuần chúng tôi cứ phải ăn mãi như thế “. Hun Sen bắt đầu suy nghĩ những rắc rối của cá nhân ông không chỉ là một sự đấu tranh để đoàn tụ với vợ con mà còn cho sự hợp nhất của một dân tộc vốn bị chia rẽ. Ông nói “ Nếu không tiến hành đấu tranh, thì gia đình tôi không sống sót và dân tộc tôi cũng sẽ không tồn tại. Những khó khăn chúng tôi phải đương đầu đã làm cho chúng tôi tin vào giá trị của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bất cứ khi nào gặp vợ mình, tôi đều được cô ấy động viên “.