1. Dưới trời đêm đen ngòm, chúng phi nước đại, tiếng vó ngựa dội xuống các phiến đá ẩm ướt, cuốn những mẩu đất bay lăn lốc giữa mặt đường, đoàn ngựa hí vang nơi khu chợ cửa Đông. Năm mươi tên lính mặc màu đen cỡi ngựa mang súng và lưỡi lê đng diệu võ giương oai trong đội hình khép chặt xung quanh một người, thân hình đô vật, ăn mặc như một chúa tể - chắc đây là người cầm đầu của họ. Con người có dáng dấp như ông chúa đó đang nghênh ngang dẫn đầu bọn lính. Hắn ta hình như muốn phô trương cho đám lợn con khốn nạn, bọn đầy tớ mạt hạng này về sức mạnh toàn năng với bộ điệu kiêu hãnh tột độ tràn ra trên bộ mặt ngạo nghễ và đôi hàm bạnh to của hắn. Nhưng đám đông lặng im như những tàu lá, từ mọi phía họ đang lùi ra ngoài khu chợ, các bà giấu mặt dưới chiếc khăn trùm mỏ quạ nấp sau lưng các ông chồng và co rúm lại đàng sau những tấm phản bày hàng. Tống Thuần nắm chặt cánh tay Soạn: Đi ngay! Không ở đây nữa! Gì vậy? Chuyện gì xảy ra thế? Chúng ta không đến Trại Voi nữa à? Cổ ngoái lại, Soạn cố nhìn để thấy người mà quanh hắn người ta gọi tên với nỗi kinh sợ và căm ghét "Đặng – con – Báo". Trong bầu trời yên lặng, tiếng quạ quang quác rối rít và trước ngọn gió tây, những đám mây trôi hờ hững kéo theo những làn khói đen sẫm. Tên đô vật đó đi đầu đoàn người nai nịt khí giới, cặp mắt long lên như nọc rắn tiếp tục rà soát đám đông và săn tìm con mồi. Không khí nặng nề và hơi ẩm như sắp biến thành bùn. Bộ mặt lạnh lùng, Tống Thuần muốn kéo lùi chú bé đang cháy lên vì tò mò nhưng dòng người hối hả nêm kín mọi phía. Buộc lòng phải chứng kiến cảnh tượng sắp diễn ra làm cho anh ghê tởm. mắt dán chặt vào tên Báo đang vênh váo trên đường, Tống Thuần tự bảo, dù mình là một thầy thuốc và dù đang đau ốm, mình cũng sẵn sàng đập cho hắn tan xác hai lần nếu lần đầu chưa hạ hắn được. Soạn sửng sốt nhìn cô gái bận đồ xanh đứng cách chú không xa, thình lình ngồi thụp xuống sau cái thúng tre, ngón tay cắn vào môi. Đôi má bầu còn son, vòng ngức tròn trĩnh làm Soạn nhớ đến cô con gái dễ thương của bác quản tượng ở Trại Voi. Khác là cặp mắt của người thanh nữ này mở to đầy vẻ sợ hãi. Bỗng nhiên chú thấy mình đang bị lây nỗi lo sợ của mọi người xung quanh. Đám đông nằm đúng trong tầm ngắm của năm mươi tay súng đang dõi theo từng cử động nhỏ của tên quỷ sứ gác cổng. Kéo vạt áo Tống Thuần, chú thì thầm: Thưa anh cả, thằng cha ấy muốn gì? Cùng một lúc, hàm răng hô của tên Báo há toạc ra, cánh tay chắc nịch giơ lên chỉ vào những con mồi đang lẩn trong đám đông: Con này! Con này! Con kia! Giọng cười linh cẩu kéo dài thêm khuôn mặt bé choắt và độc ác của hắn. Trong khi đó, ba tên lính cưỡi ngựa nhảy vọt ra khỏi hàng. Ba tên này, những tên chó săn được tập luyện kỹ, chưa phóng ngựa quá chợ cửa Đông mà đã dẫn về cho chủ những chiến lợi phẩm đầu tóc rối xù vắt ngang lưng ngựa. Co rúm lại vì khiếp sợ, những cô gái này thét lên những tiếng kêu xé lòng. Cả ba cô trong thời xuân thì cả hình hài và khuôn mặt rất đẹp. Những người có mặt căm tức nuốt nước bọt. Đồ chó chết! Hãy coi chừng! – Người ăn xin móm răng văng tiếng chửi cùng lúc với nước quyết trầu đỏ lòm nhổ ra. Lần này từ trong đám đông một tiếng gầm rất to như báo hiệu cơn bão. Tiếp theo là âm thanh hỗn tạp vang lên từ những câu nguyền rủa, lời xỉ vả và sự ghê tởm của bao người chứng kiến bất lực. "Trời tru đất diệt tiên sư nó! Trời tru đất diệt bảy đời nhà nó, cả nó nữa, cả con chị đĩ rạc và cả thằng tình nhân chị nó nữa! Trời tru đất diệt cả tên chúa đang dung túng cho nó làm càn!" Nhiều loạt súng nổ vang dẹp ngay sự ồn ào. Khi thấy bọn lâu la của Đặng Báo tung ra bức màn ghê tởm bao quanh tên chủ, Tống Thuần kéo mạnh cánh tay Soạn làm cậu ta đau nhói: Quay mặt đi! Bịt lỗ tai mày lại! Làm sao chú bé nghe theo và vâng lời được? tất cả diễn ra nhanh như chớp, cô gái bận đồ xanh núp ở đây đã biến mất, và kìa, cô đang ở đó với nhiều người khác. Người ta đẩy cô vào bức màn trắng và con ngựa của Đặng Báo được kéo lùi lại. Qua bờ vai cô gái, Soạn bắt gặp cái nhìn cô ném ra giữa đám đông người trước khi biến mất, một cái nhìn mà mọi nỗi sợ hãi đều tan biến. Bầu trời vẫn tiếp tục cuộn đi những làn khói đen đặc. Trong một khoảnh khắc nhưng dài như vĩnh cửu, trong ánh phản quang của ngày tận thế, Soạn nghĩ là mình đang chứng kiến một màn sân khấu hình bóng. Sau bức màn, hai khối hình người đang xô đẩy nhau không tiếng động, một người thì to lớn tối sầm và bạo tàn, người kia thì nhỏ thó và nhẹ bổng, cả hai đang chơi trò mèo chuột vờn nhau rồi bỗng nhiên người này xà xuống người kia, cuộc đấu bắt đầu, một trận xáp lá cà chớp nhoáng và tuyệt vọng, lưỡi kiếm vung cao giữa một hình bóng có hai đầu, sau đó cái bóng nhỏ và nhẹ ngoẹo lại phía sau dưới nắm đấm bằng sắt rồi lưỡi kiếm thọc xuống, thọc xuống nữa. và rồi cái bóng nhỏ chỉ còn là một tiếng rú lên đỏ ngòm. Một tiếng hú vô hồn vô tận xoáy vào trời cao và làm kinh hoàng ruột gan tất cả những người có mặt. Các phụ nữ làm dấu xua đuổi tà ma quỷ quái, tay giữ chặt những lá bùa. Tên Báo lập tức vén lên một góc màn, quẳng cô gái ra ngoài như một bó rác và ra hiệu đem vào cho hắn một cô gái khác. Cô này lăn xuống đất, khuôn mặt co rúm lại. dưới vạt áo lót xanh mà bộ ngực lúc nãy đang tròn trĩnh dễ thương, người ta thấy hai mảng thịt máu chảy ròng ròng, Hai bờ vú đỏ bầm và máu chảy ra ở giữa. Hồn kinh phách lạc, những người cạnh đó quay mặt đi trong lúc sự phẫn nộ cùng cực lan khắp đám đông. Sự phẫn nộ trước một ác thú ngửi thấy máu người. nơi xa, một con trâu rống lên trong gió hú. Quá nghẹn ngào, không còn muốn nhìn gì, nghe gì nữa, Soạn bám chặt vai Tống Thuần đang run run trong cơn thịnh nộ ghê gớm. Một người đứng cạnh thì thầm: Ôi Trời ơi! Cô ta đã bị mất đôi vú, nhưng không chịu để mất trinh tiết. Những người khác có thể sẽ không có sự may mắn và cả sự gan góc này. Tống Thuần gật đầu tán thành. Trước cảnh tượng của cô gái tội nghiệp bất hạnh này, anh cầu mong một phép lạ xảy ra: Trời hãy trút cơn thịnh nộ xuống cơn động đực thô bỉ này của hắn. Cô bé thứ hai cũng không phải chờ lâu, cũng như cô trước, nửa thân trần truồng và bụng tuôn máu. Người lạ nói tiếp, đôi mắt lồi ra như mắt chuồn chuồn chĩa vào mặt Tống Thuần: Theo tôi, anh nghĩ đây là lần đầu tiên hả? Khi nghe nói dù là một lẽ nhưng khi chứng kiến tận mắt thì lại khác, phải không? Mạnh dạn bởi sự lặng thinh của người đối thoại, anh ta còn nói thêm, giọng thấp xuống với vẻ thú vị của một người làm chứng sành sõi: Một số lần với chính đôi mắt này, tôi thấy những ông bố, những người chồng bị nhổ răng tức khắc, bị đánh đến ngã tử vì một điều đơn giản là họ dám chống lại hắn. Như tôi đã nói với ông, mọi người đều ghê tởm căm thù tên Đặng Báo này hơn bệnh phong, báo rừng, cọp độc và bọn quan quyền công lại. Soạn thò đầu ra dưới vai của Tống Thuần. với cảm giác như đang chạy sau luồng sinh khí của mình bị tán loạn, chú bé hỏi khẽ: Vì sao? Vì sao hắn ta làm như thế? Bởi hắn ta tự cho mình có quyền. Quyền khiêu khích và tấn công bất kỳ ai hắn muốn, xẻo thịt và hãm hiếp ai hắn thích. Người ta nói hắn có quyền đó từ khi người chị ruột hắn trở thành bà Chánh cung và hơn nữa khi hắn sẽ trở thành rể của Chúa – vừa nói người kia vừa giương đôi mắt lồi ra như hai chiếc vòi sứa ném vào chiếc màn – Đấy, hắn vừa mới hiếp xong cô kia rồi. Kìa, chúng nó đã cuốn màn lại, tấn trò đã kết thúc. Tốt hơn hết là nên chuồn khỏi nơi này trước khi xảy ra trận cướp phá và cơn đại hồng thuỷ. Trong cảnh xô đẩy và la hét của đám người đang đi thụt lùi, Soạn hỏi thêm như một kẻ thuộc phe mưu phản: Vậy hắn có thuộc cánh Trịnh Khải không? Người kia cất tiếng cười ồ hở cả hàm răng đen nhánh, thêm vào là cái lắc đầu của Tống Thuần làm chú xấu hổ. "Mày lại ngốc nữa rồi!" giọng nói của bà Tuyết lại gào vào tai nhưng hình như nó chẳng nghe gì. Tên nhóc con khốn khổ đang bú vú mẹ ơi! Hắn mà thuốc cánh Trịnh Khải à? (Người này lấy Tống Thuần đang cười gượng làm chứng) – đó là kẻ thù không đội trời chung của hắn – ông ta vừa nói thêm vừa thụt lùi – Trịnh Khải thuốc phe cánh đối địch với Đặng Báo và chị hắn, bà Chánh cung đó. Mẹ kiếp! Đây là lúc nên cong khu chạy trốn thôi! Sau câu nói đó nghe dội lên tiếng la hét của đám lính hiếu chiến. giống như một lũ cướp bị kìm nén lâu ngày, bọn kỵ binh xông lên tấ ncông, đánh đập dã man những gì còn động đậy, xé nát, chặt sạch, băm tuốt, phá tung không chút thương tiếc những gì cản trở cúng đến nỗi chợ cửa Đông chốc đã biến thành một bãi rác nơi Nam môn kinh thành. Không chờ gì nữa, Tống Thuần và Soạn nắm tay nhau vắt chân lên cổ chạy. họ đến gần Trại Voi sau khi đã chạy đứt hơi, và thở cả hai tai. Thưa anh cả, xin cho nghỉ một lát – Soạn nói, ngồi bệt giữa bãi cỏ. Thế ngồi rất tự nhiên đó làm chú nhớ lại cô gái mặc áo xanh và mặt chú cau lại. Tiếng la hét của cô còn dội lại trong chú. Hình ảnh khủng khiếp của đôi vú bị xẻo đứt ám ảnh tâm trí chú. Chú tìm ánh mắt của Tống Thuần lúc này đang nằm dài bên cạnh, nhìn trời sắp vỡ tung. Tất cả những gì chúng ta vừa thấy, Chúa thượng có biết không? Tại sao Chúa lại không biết? Chúa biết tỏng đi chứ - Tống Thuần trả lời không chút ngập ngừng, trong lòng không nghĩ gì đến Chúa Trịnh, anh đang dõi thoe những đám mây tối đen như mực và nghĩ đến những đội quân xâm lược đang ào ạt tràn qua. Dù vậy, Chúa vẫn nấp kỹ trong bóng tối phủ liêu, chẳng thèm nhấc lên một tia lông mày để bênh vực thần dân trong khi tên kia đang giở trò bỉ ổi ngay cả giữa thanh thiên bạch nhật. Ông ta có thật sự là Chúa không? Hơn thế, ông ta còn gả con gái cho hắn. Tao hy vọng đó là một cô gái cứng cỏi có đủ khả năng tự vệ. Tống Thuần chống khuỷu tay ngồi lên nhìn Soạn nói với giọng pha trò: Này, đừng có tin, hai tên súc sinh ta nhắc đến có thể cấu kết chặt với nhau để như người ta nói "hút máu người, vỗ béo bọn bạo chúa". Soạn nhìn Tống Thuần bằng đôi mắt bực bội vì chú luôn bị lãnh đủ sự trêu chọc như với người "tôi – biết – tất" lúc nãy ở ngoài chợ. Phe cánh của bà Chánh cung và Đặng Báo và phe của Trịnh Khải, Thế tử kế vị trước đây là hai kẻ thù không đội trời chung. Chú nào có thể biết được gì. Chú, tên đầy tớ nhỏ chuyên lo việc thuốc men từ thôn quê đến đây, không một ai cho chú biết điều đó, ngay cả ông chủ. Về chuyện Chúa thượng, anh chưa trả lời cho em hay. Tại sao chưa bao giờ ai nói cho em biết cả? tại sao em phải tự mình tìm hiểu những việc đó? – Chú kêu lên. Tống Thuần trả lời: bởi vì chú mày đang còn là một thằng nhóc còn bú sữa mẹ! Nên nhớ như thế. Bây giờ tôi trả lời câu hỏi của chú mày như thế này, có khi vì một con mụ đàn bà mà gã đàn ông nọ biến thành "một người mang tim khỉ và mang đầu ngựa", nghĩa là gã đàn ông này trở thành miếng mồi ngon cho những trận cuồng si không tài nào chế ngự nổi. Chắc rằng chú biết tôi nói gì chứ? Soạn nhún vai bỏ qua lời đùa bỡn rồi trịnh trọng tuyên bố: Mụ đàn bà ấy là bà Chánh cung và gã đàn ông kia là Chúa Trịnh đó. Ông ta sợ đánh mất người yêu của mình cho nên ông cho phép làm tất cả. Thưa anh cả, có phải vậy không? Tống Thuần nói trong tiếng cười: Đại loại là thế, chú em ạ. Thôi bây giờ chúng ta đến Trại Voi xem bên trong có thêm điều gì nữa không? Cơn mưa chợt ào xuống, những giọt hầm hập to như đầu đũa. Nhanh lên đi! Họ vừa tới chuồng voi thì một trận mưa đổ ập trên mái nhà đánh vỡ nhiều viên ngói, một lúc sau bãi tập phía dưới đã trở thành hồ nước. Được trú yên dưới chiếc cổng trại trong hơi mát cơn mưa và mùi hăng hắc của loài vật, Soạn nhìn trận cuồng phong dữ dội tung qua quét lại như hàng ngàn chiếc rìu đá và kiếm sắt. Giữa hai loạt sấm sét ầm ào, nhiều cơn gió mạnh bật cả gốc cây kéo theo tiếng rú ảo não của những chiếc tù và báo động cứu nguy cho những con đê. Tống Thuần nói sau lưng Soạn: Các vị thần đang tranh nhau vị hôn thê đó. Đây chính là trận giao chiến hàng năm đang trở lại giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh. Quả nhiên, Soạn cảm thấy thanh thoát như được tẩy trần bởi nguồn nước xối xả này. một tấm ván dài trên đó là những chú gà vịt đậu co ro trôi nhanh trên bãi tập làm chú vui lên. Thưa anh cả, anh có thấy không? Trận mưa ào ào như thác đổ làm át cả tiếng chú. Chú quay đầu lại. Dựa vào tấm ván ngăn chuồng voi, Soạn thấy Tống Thuần đang rình ngó cái gì đó. Nó băn khoăn tự hỏi "Anh cả nghe được gì trong cảnh ồn ào này?" Chú nóng ruột vì chưa đi tìm gặp bác quản tượng, người bà con, và nhất là tìm Kim, cô bạn rất xinh của nó. Cả hai đứa chưa có nhiều thì giờ gần nhau. Bực mình, Soạn đến gần tấm vách ngăn và dán mắt vào tưởng như không sức gì có thể kéo chú ra khỏi được. Bên cạnh Đại Hoà, con voi của đội Cấm vệ là những thầy thú y đang vây quanh một sinh vật đang đứng, có thể là người. Đúng là người rồi. Hình như ông này đang chỉ huy họ - Soạn tự nói với mình khi đang say mê quan sát. Cái đầu của ông ta cúi xuống chân con vật được che kín bằng những gì trông như những kén tằm lớn xếp khéo léo cạnh nhua và buộc lại đàng sau bằng chiếc nút vải đen. Cái áo ngoài màu xám của ông ta không hề giống với những bộ phẩm phục nặng nề và nghiêm trang của các đại thần trong phủ chúa. Thắt chặt ở giữa thân, chiếc áo phình rộng ở phía dưới đầu gối với những nếp gấp rất mềm mại, ở đàng trước, một chiếc áo thứ hai ngắn hơn dính sát vào bụng để lộ ra chiếc quần ngắn đỏ sẫm bó sát vào đầu gối bằng những dây đeo. Đôi bắp chân ông ta được bó bằng một thứ vải trắng khít khao còn bàn chân thì được bọc trong những chiếc bao cứng khép lại ở phía trước trong một hình chữ nhật. Cạnh ông ta, một người khác cầm một chiếc chảo dài đựng thứ bột trăng trắng được ông múc bằng một cái bay trước lúc cúi xuống. Chú voi Đại Hoà đang rất thích thú với sự chăm chút, nó phe phẩy đôi tai rộng. Rõ ràng nhân vật này đang làm những động tác như kiểu chơi trò rối nước để trình diễn cách thức chữa bệnh với các thầy thú y đang có mặt. Những lời nói khó hiểu được dịch qua một thông ngôn đang được đón nhận với vẻ kính trọng sâu sắc. có phải con vật bị thương trong khi tập luyện không? Chú bé đã nhìn kỹ qua cái khe hở lớn nhất giữa các tấm ván nhưng vẫn không thấy được vết thương nằm đâu. Soạn nói thầm vào tai Tống Thuần làm anh ta giật mình: Đó là cái gì thế? Tống Thuần trả lời nhỏ nhẹ: Đó là một người Tây Phương, cháu chưa nhìn thấy bao giờ à? Soạn thì thầm như không muốn tỏ ra mình là người kém hiểu biết: Thưa có, lần trên đường ra kinh đô, trên chiếc tàu với ống nhòm lão quan hộ tống cho mượn, cháu thấy một ông quan – thầy thuốc ăn mặc giống như ông vừa rồi. Làm sao họ đến đây được? Bác Sứ nhất quyết rằng những người đó không thể nào ra khỏi khu Tô giới ngoại kiều nếu không có giấy phép đặc biệt cơ mà. Có thể ông ta có giấy phép chăng? Tống Thuần là con người luôn suy xét cân nhắc mọi việc. Anh biết rõ những con voi này sử dụng trong trận mạc, được huấn luyện rất công phu, tốn rất nhiều tiền ngân khố quốc gia. Thật đáng thương cho các thầy thuốc thú y bị giáng cấp và bị đánh đòn trong trường hợp thất bại. Phải chăng đó là lý do cho sự có mặt của người phương Tây? Tống Thuần không nghĩ như thế. Trên bàn cờ này lão quan hộ tống là thằng hề. Bằng Vũ chỉ huy đội Cấm vệ quân là vua và Trịnh Khải là cái bàn xoay. Tống Thuần không còn nghi ngờ về sự hiện diện của người phương Tây đã trở thành con chủ bài. Quyết tranh thủ sự giúp đỡ của người Bồ Đào Nha, Hoà Lan, Anh Cát Lợi hay người Phú Lang Sa, luôn là sự quan tâm hàng đầu của nhà Trịnh cũng như nhà Nguyễn. Để xác định điều ấy thì chỉ cần biết lịch sử cảnh huynh đệ tương tàn đã kéo dài hàng thế kỷ giữa họ. Nhưng trong trường hợp này, là một cuộc nổi dậy trong phủ chúa Trịnh, người ta thấy sự giúp đỡ ấy không thiên về chính trị mà chỉ thuần tuý về vật chất mà thôi. Đó là những khẩu súng phương Tây phát hoả được liên tục để vũ trang cho cánh tay của những kẻ mưu phản. Lại một trận mưa lớn trút hàng nghìn vò nước xuống mái nhà. nước mưa chảy xuống cổ, Soạn phải đứng tránh ra. Anh cả ơi, đến nhanh mà xem. Hắn ta ở chỗ kia! tất cả họ đều ở đây này! Bị kích động mạnh, Soạn kéo tay Tống Thuần. Một lần nữa, người thầy thuốc trẻ dán mắt vào tấm vách: quả là có chuyện rồi! Nhiều người không hề quan hệ với chú voi đã đến thay thế những thầy thú y bên cạnh Đại Hoà và nhà phẫu thuật có bộ tóc giả rắc đầy phấn. Tống Thuần nhận ra ngay bộ tịch lố lăng không thể bắt chước được của lão quan hộ tống, không ai biết hắn từ đâu đến với mục đích gì. Cả bộ mặt rỗ của Nguyễn Thúc, Thái y viện nữa – thế là hắn đã thoát chết – và cả thân hình thấp bé của quan văn Bằng Vũ, chỉ huy đội Cấm vệ quân, linh hồn của cuộc mưu phản này. Bên cạnh, có hai người phương Tây khác đang đứng nhưng dáng ngoài thì khác hẳn. Người quay lưng lại bận áo quần thương gia, đồ cải trang mà bọn tu hành của "tà giáo" thường mặc, còn người nhìn nghiêng như là một kẻ bất lương, một tên cướp biển với dáng vẻ diều hâu và tóc tai thì rối bời. Trong cảnh ầm ĩ này, điều khó khăn là làm sao hiểu được những gì họ nói với nhau! Soạn nhìn chòng chọc, như bị thôi miên trước con người có bộ tóc kén tằm, khâm phục viên quan hộ tống và rất muốn được giống ông này, chú gần như quên người con gái bị xẻo thịt ở chợ và cả Kim vô cùng dễ thương nữa. Thấy bờ môi họ mấp máy mà không một âm thanh nào lọt ra được bắt đầu làm cho chú vô cùng khó chịu. Đúng vào lúc ấy chú thấy Kim vắt vẻo trên bực cửa như một con chim duyên dáng. Chú lao ngay đi. Dù bị buộc lòng phải quan sát mà không nghe được tiếng nào, song Tống Thuần không đến nỗi chậm nhận ra những gì đang xảy ra: trước mặt đang diễn ra một cảnh thương lượng mua bán bằng điệu bộ và quanh người thương gia phương Tây còn thấy rõ người thông ngôn của họ. Khi e sợ qua cái nhìn bám sát của mình sẽ bị lộ, Tống Thuần thấy quan văn Bằng Vũ lấy từ ống tay áo ra một gói bọc vải đỏ và đưa cho người thương gia – chắc là số tiền đặt cọc – tất nhiên bằng nhiều lạng vàng. Và Tống Thuần rút lui không một tiếng động. Hôm nay người thầy thuốc trẻ đã khám phá ra được nhiều điều. để tránh khỏi nguy cơ bị phát giác, đã đến lúc anh giả vờ đến thăm người bà con. Nhưng không biết Soạn lúc này đang ở đâu? Nằm dài trên đống rạ, vai kề vai, Kim và Soạn đang lắng nghe mưa rơi. Khi bác thầy trẻ mà anh hay đi cùng không còn việc gì để đến đây nữa, liệu anh có quay trở lại không? Có chứ! nếu có thể, anh sẽ trở lại nhiều lần để xem bầy voi. Chỉ trở lại để xem voi thôi à? – Kim thất vọng nói. Không phải chỉ xem voi thôi đâu! Hai cô cậu nhìn vào nhau chòng chọc, những đôi má hồng lên màu gạch chín, chúng mê mẩn nhìn nhau rồi cả hai nhoài ra trong đống rạ, đứa này chồng lên đứa kia, cù nhau, véo nhau, cặp vào nhua cho đến khi cậu bé đoạt phần thắng. Soạn hoang mang khi cậu cảm thấy đôi nhũ hoa đang phập phồng sát ngực mình. Em đừng bao giờ rời khỏi Trại Voi nghe, hứa đi nào? Bố của Kim, một người lực lưỡng với khuôn mặt béo đầy như bẹ cau bất chợt xuất hiện và hét lớn: Chà, bọn quỷ! Chúng mày chơi trò gì thế này? – rồi không chút nhẹ nhàng, ông lấy hai tay tóm cổ hai đứa dưới con mắt vui thích của Tống Thuần. 2. ba tuần trôi qua, mưa như thác đổ phá huỷ các con đê, cuốn trôi nhà cửa, cây cối, mồ mả…mà Soạn vẫn còn tiếp tục bị ám ảnh, cả trong giấc mơ, tấn bi kịch chợ cửa Đông, cuộc gặp người phương Tây và lòng hiểu;am muốn. Chú phát hiện ra sự ghê tởm, lòng hiếu kỳ và nhục dục chỉ trong cùng một ngày! Chú liếc nhìn quan sát ông chủ. Cụ có biết cậu ruột của vị Thế tử cao quý thông minh đang ốm nặng là một con thú thô bỉ quái ác, hãm hiếp nhiều cô gái, xẻo cả vú của họ dưới chiếc màn trương giữa thanh thiên bạch nhật mà không bị trừng phạt gì không? rồi vừa thẹn thùng vừa bối rối, Soạn tự hỏi, cụ có biết những trò đùa của mình và Kim trong chuông voi? Và cả bản thân ông chủ nữa… Không chỉ mình chú mà tất cả các môn đệ đều nhận thấy thầy đã khuây khỏa được phần nào nỗi buồn xa xứ Nghệ. Và mọi người đều nghĩ công lao đó mặc nhiên là của cô Lan, vì cô đã đem theo cả quê hương ra đây. Nam Sơn kết luận: Thầy chúng ta chưa thể trở lại chốn ẩn cư thân yêu, nhưng ngôi nhà ẩn cư nơi Hương Sơn đã đến với thầy rồi! Thụy Anh Bướng Bỉnh nói ngay "Nhất là rừng núi Hương Sơn của thầy!" – và sau đó trước nụ cười khó chịu của các bạn, anh nói tiếp – Tôi còn nói gì nữa đây? Theo tôi, các bạn chỉ thấy thầy chứ không bao giờ thấy con người nơi thầy cả, các bạn luôn mang bộ mặt các cụ đồ nho đấy! Vậy khi anh cả chúng ta vào điều tra ở Trại Voi nhằm bảo vệ thầy, phải chăng chúng ta không nghĩ đến con người của thầy sao? Chắc chắn là có nhưng đó là vì sự sống còn chứ không phải vì sự thoải mái của thầy. – Thụy Anh nhẹ nhàng đáp lại lời của Tử Hư đang nổi cáu. Lê Hữu Trác chắc là không phản đối, vì từ khi cô Lan đến, ông không còn phải e sợ gì nữa khi trở về nhà đêm đêm. Bây giờ dù có bối rối trước tình hình sức khoẻ của Thế tử và cả cảm giác thường xuyên phải đối mặt với mối hiểm nguy, nhưng khi băng qua chiếc cầu gỗ nhỏ, dưới có đàn cá bơi nối đuôi nhau và bước theo lối đi hai bên có nhiều chậu cây cảnh xứ Nghệ, ông đã thả hồn cho niềm hạnh phúc ảo diệu được trở về nơi mái ấm yên tĩnh. Sung sướng biết bao khi được trở lại nơi ở sau một ngày đã qua! Trong sự tĩnh lặng của ngôi nhà, một bàn tay chăm chút đã nhen lên hương vị của những giờ phút thư giãn, chén trà đậm thơm tâm hồn mà ông thích thú đang đợi chờ. Hợp làm một trong mối tình âu yếm, cũng như bà Tuyết vợ ông, cô hầu Lan đã vồn vã đón trước được những sở thích của ông. Ông thấy tim mình xúc động và cơ thể như được hồi xuân. Ngay cả những người thường đến cầu xin ông chữa bệnh cũng bị cách ly bởi căn nhà được giấu kín và canh phòng cẩn mật theo đúng lời hứa của Quận hầu. Từ sau khi vị y sư xem mạch báo cho viên Quận hầu biết cô vợ trẻ ốm nghén có thai nhi nam ba tháng, thì con trai quan Chánh đường đã dành cho ông sự ngưỡng mộ vô bờ bến. Đã khá lâu rồi vị thầy thuốc tôn kính không còn buông lơi cây đàn và để nguội lạnh ly trà thơm để cầu xin sự giúp đỡ được trở về xứ Nghệ. Phải chăng vị lương y đã bỗng nhiên từ bỏ ý định ấy? Nhưng điều đó không thể nào có được, Quận hầu trẻ tin chắc như vậy. Ngoài những ép buộc và câu thúc của Chúa Thượng, của bà Chánh cung và thân phụ mình, Quận hầu cho rằng nghĩa vụ thầy thuốc trong cụ đã thắng thế. Đó là do lòng tự nguyện của cụ. Song cậu con trai quan Chánh đường chỉ đoán ra phân nửa sự thật mà thôi. Hẳn cậu sẽ lại càng ngạc nhiên hơn nếu biết được điều bí ẩn nào đã hình thành nơi vị y sư với vị Thế tử nhỏ tuổi này. Hôm nay Đông cung thấy mình thế nào rồi? Câu hỏi đầy ân cần ấy lặp đi lặp lại mỗi buổi sáng bên chân giường Thế tử. Đây không phải là lời mở đầu bắt buộc người thầy thuốc với bệnh nhân. Bởi cả hai đều đã thừa hiểu. Cái nhìn của cậu bé đằng sau cặp mắt bao la, có khi cả đôi môi nghịch ngợm đã nói cho ông biết: Vì sao khi có những triệu chứng như vậy mà bệnh tình vẫn không khỏi? Và mỗi buổi sáng, Lê Hữu Trác lại đến hầu mạch và kiểm tra lâm sàng với một sự sốt sắng ngày càng tăng, lại kê đơn thuốc tỉ mỉ, nhắc đi nhắc lại các nội thị phải ngự tiến các thang thuốc đúng giờ giấc. Các chức năng sinh hoạt được hồi phục, sự ngon miệng trở lại, bụng trướng đã nhỏ dần nhưng sao cậu bệnh nhân bé con không bình phục? Rồi một sớm mai, đứng trước chú bé lâu nay sống vắng ánh nắng và gió, ông đã mở rộng thêm một chút nữa những bức màn nặng trĩu để hướng tới hàng cây và mặt trời trong khu vườn. Buộc lòng phải giữ kín bao nỗi lo sợ và hoài nghi, Lê Hữu Trác không ngừng lật đi lật lại mọi góc cạnh của bài toán này. Ông như sống lại quãng thời gian trước đây, buộc mình phải đào sâu các tác phẩm y học cổ điển, nghiền ngẫm một số đề tài, trăn qua trở lại với nhiều câu hỏi để tìm cho ra được những quan niệm mới. Nhưng giờ đây, bao nỗ lực của ông đã trở thành vô hiệu. Không có trường hợp nào có thể so sánh với trường hợp vị Thế tử nhỏ tuổi này. Ông từng dạy học trò rằng mặc dù có muôn ngàn dáng vẻ, nghề y dựa vào lẽ phải, thì đây, ông đang chạm trán với một trường hợp đang thách thức mọi lý luận có sẵn! Ông đã tấn công các nguyên nhân tự nhiên của căn bệnh và phục hồi những chất cơ bản của Thế tử bị hao tổn. Tuy vậy, hình như các phương thuốc của ông chỉ đem lại những kết quả nhất định, chứ không vượt xa hơn được và xem như một phần cơ thể của cậu bé không thể nào chữa lành. Hẳn là ông, và chỉ một mình ông đã lưu ý đến vai trò của những cảm xúc trong một số bệnh lý, nhất là về khoa trẻ em, nhưng ông không thể nghĩ gì hơn. Thường ngày, như một người chứng kiến kín đáo cơn bệnh của chính mình, vị Thế tử nhỏ tuổi đợi cho vị lương y khám xong mới bắt đầu nói chuyện thân mật về mọi thứ trên đời trong khi đi bộ vài bước với ông. Đôi khi, cậu bé ngâm lên những bài thơ mà quan A bảo đã dạy, có khi cậu đề nghị vị lão sư đọc những vần thơ của ông rồi cậu nhắc lại không sai một chữ nào. Cậu có một trí nhớ thật tuyệt vời. Một số lần khác, cậu kể chuyện gia đình, về đám cưới sắp tới của Ngọc Lan, người chị cùng cha khác mẹ rất yếu ớt và luôn sợ sệt ông cậu ruột của mình, một con người tàn nhẫn, hung bạo mà cậu rất ghét. Đột nhiêN, cậu lại hỏi liệu một bà Hoàng hậu có yêu thương người Thế tử con mình như một bà mẹ bình thường và một ông Vua với con gái như một ông cha bình thường không? Tâu Đông cung, đó là một câu hỏi lạ kỳ. Người ta sẽ tâu với Đông cung là bà hoàng hậu và ông vua không thể nào so sánh với những con người bình thường được. Đúng vậy – cậu bé Vương Thế tử trả lời, toàn bộ nhãn lực của cậu hướng cả vào bên trong. Thường thường cậu muốn hỏi Lão sư về thế giới kín đáo mà cậu không hay biết. thường là lúc cậu sắp đi ngủ, vị lương y ngồi sát bên. Trong một bài thơ, Lão sư có nói đến gác Nghinh Phong. Vậy cái gác đó ở đâu? Tại nơi thần ở, một vùng hẻo lánh núi Hương Sơn, thuộc trấn Nghệ An. Đây là một ngôi gác xinh đẹp bằng gỗ giữa vòm cây, nơi đó cha mẹ con cái và cháu chắt quây quần, chúng thần cùng nhắm rượu và chơi đàn dưới ánh trăng. Ôi, ta thích được như thế! Và không một ai đau ốm chứ? Không, tâu Đông cung, không người nào. Ở đó, chúng thần đã sống quen với không khí thoáng đãng của núi rừng. Chúa thượng phụ thân ta cho rằng bệnh ngài trở lại mỗi khi để mình phơi ra trước ánh trời và gió máy. Là người thầy thuốc của phụ thân ta, Lão sư nghĩ như thế nào về ý kiến này? Dáng điệu như người lớn của cậu đã làm Lê Hữu Trác mỉm cười: Tâu Đông cung, tất cả các bệnh kinh niên đều gây ra một sự giảm thiểu sức mạnh vốn có của con người và chỉ một cơn cảm lạnh nhỏ trên một cơ thể suy yếu đủ làm chứng giảm thiểu đó tái phát. Không qua một sự chuyển tiếp mà từ một nơi không khí tù hãm ra giữa trời quang tức thời có thể nguy hiểm. Trong lần thăm bệnh cuối cùng, khi việc kiểm tra đã gần xong, vị Thế tử nhỏ tuổi trở lại vấn đề này. Tưa Lão sư, tại sao một hiện tượng tốt như khí trời và ánh sáng có thể cùng một lúc lại là xấu? Đó là tuỳ theo những con người rất khác nhau, không chỉ ở tuổi tác, sức khoẻ, bản chất, bệnh tật mà con bởi các vị trí xã hội, các điều kiện sống và cả những nơi mà họ cư ngụ. Một số, sống trên vùng đất cao ráo và khô đều có thân thể tráng kiện và chịu được giá rét, số khác lại ở giữa những cánh đồng ẩm ướt và nóng nực, rất dề vã mồ hôi và bị cảm lạnh. Vậy phải làm cho thích hợ; bằng nhiều giai đoạn như trường hợp của Đông cung. Nay mai, Đông cung sẽ đi thăm các dinh thự lộng lẫy nằm bên trong các khu vườn. Vị Thế tử nhỏ tuổi bĩu môi nghi ngờ. Ta cần phải lấy lại nguyên khí đó như Lão sư nói mà ông Trời đã không cho ta. Lão sư ơi! Ta cảm thấy ta như một sợi chỉ nhỏ trong tấm thêu, một sợi chỉ quá ngắn mà người ta không thể kéo dài ra được nữa. Lão sư nói với niềm tin chắc chắn: Với cách chữa trị phù hợp và phép cho thuốc bổ dưỡng, Đông cung sẽ tìm lại nguồn nguyên khí của mình. Ta thấy Lão sư nói điều đó với ta bằng miệng mà đôi mắt Lão sư khẳng định điều ngược lại, và chúng lại đầy nghi vấn. Có phải Đông cung đang nói bóng gió là thần nói dối chăng? Vẻ bực mình giả tạo đó làm cho Thế tử nở một nụ cười không mấy vui. Đúng là có nhiều cách nói dối như Lão sư đã biết. Bây giờ Lão sư cứ trả lời thật cho ta đi. Ngồi trên sập, Thế tử hút lấy ông qua mắt nhìn trong đêm đen không một lối thoát nhỏ nào. Vậy có cần phải mắc bệnh đậu mùa mới trở thành một con người không? Và một người con gái có cần phải trải qua chứng bệnh này mới chung sống được với chồng không? Lão sư cố giữ một tiếng thốt bông đùa. Nhờ những khoảnh khắc này ông mới thoát ra khỏi bầu không khí nghẹt thở đang làm ông bế tắc – giống như cơn ác mộng hồi còn ở xứ Nghệ An xa xôi – mà nay đang làm ông chết dí trong phủ chúa này! Khuôn mặt bé nhỏ vô cùng tuấn tú sáng lên, một bên dưới ánh mặt trời và một bên dưới ánh đuốc, đang chờ đợi một cách nặng nhọc. Tâu Đông cung, đó chỉ là một cách nói không ăn nhập gì với nghề y. Điều đó có nghĩa là một cậu bé khi đã chiến thắng được căn bệnh đáng sợ thì coi như đã sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách trong cuộc đời. Câu trả lời làm nở trên đôi môi Thế tử nhỏ tuổi một nụ cười bí ẩn khi cậu đang ngả mình lên đống gối, chìm đắm trong suy tư. Và cậu ta tạm lặng im, nhờ đó mà Lê Hữu Trác lặng lẽ rút lui trong những bước thụt lùi. Sáng hôm sau, đoán trước những câu hỏi thường lệ "Tâu Đông cung, ngài thấy sức khoẻ như thế nào?" với bề ngoài kiểu cách của một quan Thượng thư bộ Lễ, cậu bé Vương tử đã trách ông: Hôm qua Lão sư cáo lui mà không chào ta. Tâu Đông cung, thần không dám làm gián đoạn giấc mơ êm ái của Đông cung. Xin tha tội cho người thầy thuốc quê mùa chỉ quen lui tới với đám tiều phu và bầy hoẵng trên núi. Vị Thế tử nhỏ tuổi nói, gần như khóc: Quan Chánh đường có nói cụ là một vị Lão sư còn quê mùa trong cung cách! Lê Hữu Trác thốt ra nhỏ nhẹ vbz làn nhăn độ lượng ở khoé mắt: Tâu Đông cung, quan Chánh đường đã nói đúng đó. Ông cũng là Lão sư đã chữa bệnh cho bao người trong trấn và cho nhiều quan lại qua về. vậy có bao nhiêu người đã được cứu sống và bao nhiêu người đã chết? Lão sư có nhớ không? Một ánh lửa bỗng loé lên trong đôi đồng tử mênh mông, nhạt nhoà nước mắt. Vị y sư suy nghĩ "Giống như một kỷ niệm xa vời từ cách nhìn oai vệ của Chúa Trịnh phụ thân Thế tử", ông vừa nhận xét vừa cười: Hình như Đông cung đã hồi phục được năng lượng sống của mình! Vị Thế tử nói: Lão sư chưa trả lời câu hỏi của ta. Tâu Đông cung, tham vọng lớn nhất của thần là cứu chữa cho mọi người, ngay cả trong những lúc thần không đi tới kết quả. Vì thế mà trong bộ Bách khoa của thần, bên cạnh chương "Y dương án" dành cho người bệnh thần chữa khỏi, thần còn viết chương "Y âm án" trong đó thần trình bày những trường hợp khó khăn và không chữa khỏi được. Khi thần nghĩ đến ai mà số phận tuỳ thuộc vào khả năng của thần thì tâu Đông cung, cứ mỗi ngày thần l.ai càng rùng mình nhiều hơn nữa. Đến đây cậu bé nói, giọng nhẹ xuống: Ta biết. Theo lời mời của Thế tử, vị thầy thuốc cao niên đến ngồi bên cạnh và họ nhìn nhau trong một quãng im lặng kéo dài chứa đầy ngôn từ. một lúc sau Thế tử hỏi: Lão sư có tin rằng người ta có thể chữa lành được bệnh nhưng không thể nào chữa khỏi được số phận và định mệnh không? Vị lương y trả lời không chút ngập ngừng: Tâu Đông cung, về phía thần, thần không nghĩ như vậy. Phúc hoạ đều là điều bí ẩn nhưng cái chết là nỗi bất hạnh quá rõ ràng và nghiệt ngã. Trong trường hợp bệnh nặng không chữa được, người thầy thuốc chân chính không được phép nghĩ tới danh tiếng của mình mà chối từ sự giúp đỡ. Trái lại họ phải phát huy mọi cố gắng của mình để tìm cho được sự sống trong cái chết, cho đến khi hai nguyên khí âm và dương hoàn toàn biến đi không vãn hồi được nữa mới thôi. Với ta, Lão sư cũng làm như vậy? Tâu Đông cung, thần đang nói về những trường hợp vô vọng. Lão sư đã viết chương "Y âm án", trường hợp của ta có nằm trong đó không? Kính tâu, không thầy thuốc nào lại một mình chữa lành được bệnh cho người ốm. Họ cần đến sự cộng tác thực sự của người bệnh. Tâu Đông cung, ngài có thấu rõ điều đó không? Tiếp sau vị y sư tiến hành cuộc kiểm tra hàng ngày nhưng không thấy có dấu hiệu tăng, giảm gì. rồi ông đi mở toang các bức màn mà ông biết rằng sẽ được kéo lại tức khắc ngay khi ông quay lưng. Lại thêm một ngày qua mà không mang lại chút tiến triển gì! "Quỷ quái làm sao mà vị Thế tử nhỏ tuổi lại không chịu lành cho", vị lương y tự hỏi vào lúc ông đang bị hút mất vào tấm màn trướng của hành lang bí mật. Vừa ra khỏi gian phòng của Đông cung Thế tử, ông thấy thầy thuốc Châu đang chờ đợi với nhiều tin tức. Ông ta nói thầm thì, gần như cố nén lại: Thưa quan anh tôn kính, tôi nóng ruột muốn gặp ngài quá vì tôi ra đi không an lòng khi chưa báo ngài biết việc này – (ông dẫn vị y sư ra khỏi hành lang đang có nhiều thái giám và người hầu, đi đến một nhà cảnh trong vườn) – Đây, chỗ này chúng ta có thể yên tâm nói chuyện. Chuyện gì xảy ra vậy? Ngài thấy rõ họ đang sôi sục đó. Trong phủ chúa thì lộn tùng phèo. Đang xảy ra một sự kiện không thể nào chấp nhận được nhưng hoàn toàn có thể được xem là sự thật xuất phát từ một nhân vật. hắn là một tên súc sinh vô liêm sỉ - rồi ông tiết lộ - Đặng Mậu Lân, em ruột bà Chánh cung vừa mới giết vị phái viên của Chúa thượng đó. Vị y sư nhìn chằm chằm ông ta mà không hiểu được gì. Đối với ông, tên Đặng Mậu Lân không nói lên điều gì cả. Nhưng ông bạn Châu vẫn tiếp tục: Được cấp báo ngay khi công chúa bị uy hiếp, Chúa thượng nổi giận lôi đình, cho quan Chánh đường cấp tốc gửi tới một quan thái giám cầm đầu toán lính truy bắt tên này. Nhưng tên Đặng Báo, kiêm sắc trong tay đứng đợi trước cửa hét to "Thằng nào muốn chết thì bước vào!" Tình thế lúc này buộc phải đưa binh sĩ tới chiếm ngay tư dinh lôi nó đến phủ chúa để xét xử. Các quan lại trong triều cũng đã tức thời tuyên xử dứt khoát, trong loại Thập ác thì việc giết sứ thần nhà vua là đáng tội chém đầu. Nhưng bà Chánh cung khóc chảy máu mắt và tâu xin được chết thay em mình. Cả triều đình sôi sục hẳn lên. Vị y sư hỏi: Vì sao tên Đặng lại giết sứ thần? Lúc này ông đang liên tưởng đến tấn tuồng chợ cửa Đông mà Soạn là người chứng kiến đã ngao ngán kể lại. Thì ra cậu bé đã không nói quá lời! Tên đồi truỵ bỉ ổi này dù kết hôn với công chúa Ngọc Lan mảnh khảnh nhưng không thể nào đến gần, hắn luôn luôn bị quan Sử Trung cản lại theo lệnh của Chúa Thượng. Sự ham muốn xác thịt không được thoả mãn, Đặng Báo trở nên điên tiết dữ tợn. hắn đã gầm lên với quan Sử Trung khi ông này đến can thiệp "Lại hỏi Chúa của mày, nếu đặt địa vị hắn vào tao, hắn sẽ chịu điều xúc phạm tương tự" và tức thì, bằng một nhát gươm hắn xẻ đôi thân hình ông ta. Khi một tên bội bạc đã quên đi do đâu mà nó có cơ nghiệp và địa vị thì mọi thứ đều có thể xảy ra! Lê Hữu Trác phản đối, vẻ khó chịu: Một vụ việc đầy rối rắm! Sao trước đây không từ chối ngay cuộc hôn phối không xứng đôi vừa lứa này? Ông Châu vừa thì thầm vừa nhíu lông mày: Thưa quan anh tôn kính, chắc ngài không lạ gì tính chất con người và thiên hướng của nó về sự yếu đuối thường đi từ bậc cao đến bậc thấp của chiếc thang đời. Phải chấp nhận sự hôn phối của cô con gái yêu với tên thô bỉ khốn nạn này vì sợ mất lòng bà Chánh cung. Song Chúa thượng sắp xếp để cuộc phối ngẫu không thành. Lệnh ban ra cho Sử Trung phải bảo vệ nghiêm ngặt công chúa ngày đêm để Đặng Báo không thể nào lăng loàn được. Cuối cùng, một việc như thế đã xảy ra. Vấn đề bây giờ là cần biết Chúa Thượng sẽ xử sự như thế nào. phải cương quyết kết tội kẻ giểt người dù bà Chánh cung ngăn cản hay nhu nhược cứ để mọi việc diễn ra như vậy dù triều đình có sự chia rẽ và dân chúng xì xào bàn tán. Chúa thượng có thể vì việc này mà yếu đi. Những kẻ thù địch của ngài sẽ ngẩng cao đầu và từ nơi ở đang bị canh phòng, cựu Thế tử Trịnh Khải sẽ hiện ra. Thấy Lê Hữu Trác lặng thinh, trán sa sầm, ông Châu nhìn cụ với đôi mắt đầy vẻ ái ngại: Thưa quan anh tôn kính, mặc dù chúng ta chưa được quen biết nhau lâu nhưng tình cảm chúng ta rất chân thành và quan niệm lại đồng nhất. Trước khi tôi lên phương Bắc, tôi khuyên ngài phải hết sức thận trọng. Ngài đã biết rõ phương châm của tôi "Biết để sống". vậy ngài nên biết…- (ông đưa mắt nhìn quanh) – Trịnh Khải bị hạ bệ xuống hàng con thứ sau âm mưu thất bại bỗng nhiên lại chơi trò đánh vào sợi dây của tình hiếu tử. Hắn lo lắng về sức khoẻ của người cha, khẳng định rằng dù là đại y sư như ngài thì cùng lắm chỉ hạn chế được cơn đau mà không chữa lành được cho Chúa. Và hắn đề cử một thầy thuốc phương Tây, mà hình như đã gặt hái được những kết quả kỳ diệu ở đàng Trong. Chuyện đó hẳn đã được rỉ tai từ Đức bà Thánh mẫu, bà nội cậu ta, còn bà ta bị ai giật dây thì chỉ có Trời biết! Cậu ta làm như vậy nhằm đạt hai mục đích, phục hồi quyền của mình trước mắt Chúa phụ thân và gieo vào lòng ông ta một sự ngờ vực. Vậy phải làm gì bây giờ? Dù cảm thấy bất lực như con cua bị vặt hết càng, song Lê Hữu Trác vẫn nhận ra sự cố kết chặt chẽ của chiếc bẫy. Xin ngài đừng chuốc lấy lo âu. Ngài đang có sự sủng ái của Chúa thượng. Chúa chỉ có những lời khen đối với ngài mà thôi. Nhưng trong tình thế hiện nay Chúa không thể bỏ qua ý kiến cao quý của người mẹ, Đức bà Thánh mẫu. Xin ngài đừng ngạc nhiên nếu trong những ngày tới ngài được Chúa thượng hoặc quan Chánh đường mời tới. Ngài hãy đến dự cuộc triệu tập đó với niềm tin được họ rất tin tưởng. riêng về người ngoại quốc, Chúa Thượng đã tỏ ý ngờ vực và tin rằng những gì ngài được hỏi đến đều có một lý do thuần tuý chính trị. Ngài hiểu ý tôi không? Với cái nhìn buồn bã, vị y sư gật đầu đồng ý. Dù rằng những ý nghĩ vừa rồi của ông bạn Châu chỉ là mô phỏng lời của Chúa thượng hay của quan Chánh đường, song ông không một chút ngờ vực. Rõ ràng đó là vấn đề chính trị và vị trí của ông càng thêm hiểm nghèo. Thưa quan anh tôn kính, tôi xin chào ngài để về nước giải quyết một số việc gia đình nhưng tôi hy vọng sớm trở lại đây – ông Châu ba hoa vừa nói nói tiếp vừa đứng dậy – Trong thâm tâm, tôi đoan chắc không có gì biến chuyển ở đây khi Chúa thượng còn sống và đang nằm trong tay ngài. Xin ngài vợi đi nỗi lo lắng. Vị y sư nở một nụ cười thoáng nhẹ: Tôi cũng muốn cứu cậu bé! Có thể khoa học phương Tây mà ông nói sẽ làm được điều đó chăng? Ngài muốn nói là… Chiến đấu chống lại bệnh tật là một việc, đấu tranh với người bệnh lại là một việc khác. Ông Châu bàng hoàng kêu lên: Nhưng đó chỉ là một đứa trẻ con! Dù cậu bé có một trí nhớ phi thường và một sự thông minh ghê gớm nhưng hắn chỉ là một cậu bé con mà thôi! Lê Hữu Trác nói trong trầm ngâm: Vâng, một cậu bé con đang còn muốn mình là trẻ con…hoặc biết rằng mình có thể sẽ là trẻ con mãi mãi – rồi ông cũng đứng dậy – Người anh em thân mến, anh còn chưa ra đi nhưng tôi đã cảm thấy khá cô quạnh rồi! Khi anh đã đi xa hàng trăm lý, anh hãy nhớ đến Ông Lười này đang bị cầm tù ở kinh đô như một chú cọp trong chuồng. Từ nay tôi sẽ thưởng trà và tranh luận về y thuật với ai đây? Ngập tràn cảm xúc và bối rối, họ chia tay nhau. Thầy thuốc Châu tin chắc rằng họ sẽ gặp lại nhau nay mai, còn lương y Lê Hữu Trác thì chắc chắn rằng họ không bao giờ còn thấy nhau ở đời này nữa. 3. đức bà Thánh Mẫu đưa tay gạt phắt những ngọn giáo và xà mâu đi thẳng vào dinh thất của Chúa Trịnh mà không cần phép tắc gì, từ nữ quan đến thái giám, tất cả đều cung kính mở lối đi. Chỉ riêng bà là người có quyền này, quyền của người mẹ đối với con mình và trong ngày hôm đó bà đã quyết định sử dụng. Sau khi trao đổi với quan đại thần Nguyễn Hoan, bà đi đến quyết định ấy. khi thấy Đức bà tới, Chúa từ trên võng bước xuống tiếp kiến. Năm bà cung nhân thường xuyên hầu hạ lánh ra sau. Lạy mẹ, con xin kính lạy mẹ. Không hề tỏ ra chút bất ngờ, Chúa mời bà lên chỗ ngồi với cử chỉ trân trọng nhất. Từ đôi má cao nghiêm nghị, bà nhìn con trai một lúc lâu với đôi mắt chuột tò mò và tinh anh. Dù tuổi đã khá cao, bà vẫn giữ một thể lực sung mãn. Bà nói: Con ơi! Từ khi ta gặp con lần trước, ta thấy con đã già đi rất nhiều. Bốn mươi mốt tuổi của con hôm nay là bấy nhiêu mùa thu đã qua rồi đó. Thưa mẹ, con biết. Giờ thì con đã già. Người ta vẫn đều đặn báo cho mẹ biết về bệnh tình của con. Mặc dù có sự chăm sóc của người thầy thuốc mới, nhưng xem ra con vẫn chưa được hoàn toàn bình phục. Thưa mẹ, dù thế, nhờ vào ông ta mà mẹ vẫn còn đứa con trai và đứa cháu nội trai đó. Chỉ trong vài tuần, làm sao ông ta có thể phục hồi cái cơ thể đã bị đám lang băm vô trách nhiệm kia lmà hỏng trong mấy năm qua, như mẹ mong muốn được? Đức bà Thánh mẫu thừa nhận sự việc ấy qua cái gật đầu ban ơn. Cứ như danh tiếng đồn đại thì có điều kỳ diệu nào mà ông ta không làm được? Nhờ vào các bài thuốc quý giá đó, ta hy vọng con sẽ thôi không ẩn mình trong hang sâu phủ chúa như một mụ già bại liệt sợ rét và sợ nóng để nghĩ đến dòng họ và xã tắc. Cái chết của quan Sử Trung khốn khổ cho con một cơ hội tốt để con trở lại nắm quyền bính trong tay. Tất cả triều đình và dân chúng đang chờ con trừng trị tên Đặng Mậu Lân theo đúng tội của hắn. Trừ trường hợp con đĩ rạc kia sẽ ngăn cản! Khuôn miệng đỏ lòm vì bã trầu, bà dằn từng tiếng như đang khạc những thứ đó vào mặt con trai. Mẹ muốn nói về mẹ của Thế tử kế nghiệp! Giọng bà đã hơi mệt nhưng không kém phần cương quyết: Thì đã sao? Cái con hầu của con có gì đặc biệt lắm chăng? Một con nhà quê khốn nạn hái chè trong làng, một con bé đầy rận chí hôi rình mùi chuồng trâu. Trăm cô gái trong hậu cung có thua kém gì nó đâu! Thế mà tại sao con trai ta lại bị quyến rũ bởi con ma mãnh đó, rồi nó sẽ cho con uống máu bụng nó cho mà xem! Sao con lại nhắm mắt làm ngơ trước tội ác của thằng em lợn lòi đó, để nó đẩy con tới sự nhu nhược, dâng cho tên quỷ sứ con gái chính mình! Có lúc ta tự hỏi phải chăng ta đã sinh ra trên đời một thứ đồ vô tích sự! Vị Chúa trả lời thản nhiên, không thấy một cơ bắp nào động đậy: Thưa mẹ, những tình cảm của mẹ đối với Chánh cung con đã biết từ lâu. Nhưng dồn vào đấy bao nhiêu giận dữ, con e làm tổn hại đến ngọc thể chăng? Hãy chăm lo sức khoẻ của con trước đi, con trai ta ạ! Nhờ đức cao xanh, sức sống sung mãn mà con đã thừa kế như một di sản, con đã sử dụng nó như thế nào? Con đã phung phí quá độ và sau cùng, với con mụ đàn bà yêu tinh này nếu con không dè chừng thì nó có thể đưa con đến chỗ diệt vong. Hãy hồi tưởng lại các bậc tiền nhân đã hơn hai trăm năm cai trị đất nước. Hãy tránh cho ta nỗi hổ thẹn phải nhắc đến nghĩa vụ người làm Chúa với hậu duệ của các ngài khi y còn cho ta được tiếp kiến. Thưa mẹ vô cùng tôn kính, nghĩa vụ ấy là gì? Giọng nói vẫn kính cẩn, đôi mắt nhìn như lưỡi giáo màu nâu, rất chăm chú lắng nghe, chỉ có bàn tay là cứ nện từng cú một xuống bệ tì chiếc ghế biểu thị sự tức giận. Là Đại nguyên soái Quốc công Thượng phụ trước đây con đã cầm vững tay lái và khôi phục nền hoà bình. Con không thể nào quên điều đó. Cho nên khi đất nước có nguy cơ bị cấu xé từng mảnh rơi vào tay nhà Nguyễn hoặc của anh em nhà Tây Sơn, hãy nghe mẹ nói đây. Con trai ta, hãy hồi tỉnh lại! Hãy chứng tỏ tài thao lược và chí quả cảm của con! Hãy trừng phạt tên Đặng Mậu Lân thật thích đáng. Dân chúng Thăng Long sẽ rất hàm ơn con. Thưa mẹ, đó có phải là tất cả để mẹ thoả lòng? Đức bà phóng cặp mắt quặp lại tới vị Chúa: Con trai ta, ta chưa nói hết đâu! Nếu con xử tội tên vô lại ngạo mạn tự cho rằng được phép làm tất cả vì chị ruột nó đã rúc vào tận giường ngủ của con, con mới khôi phục quyền lực trước mắt mọi người và trước cả nó nữa, cái đứa mà con gọi là…Chánh cung – (bà khạc từ này ra như khạc một mẩu thức ăn thừa còn lại) – cái con mụ đã không ngừng âm mưu củng cố địa vị của nó. Song, nếu con kéo dài hoặc thoái thác, cứ khăng khăng nhu nhược và sai lầm như trước đây, ta lo lắng người đời chỉ nhớ lại Chúa Trịnh Sâm, vị Chúa thứ chín tuy có bản lĩnh rất lớn nhưng cuối cùng lại thua một con hầu. Khi người ta đảo ngược với lập thế tử kế nghiệp thì phải chờ đón những mối lục đục sẽ xảy đến! Sử sách đã nhắc đi nhắc lại những chuyện như vậy nhưng thật đáng tiếc vì chưa một ai chịu rút bài học từ quá khứ! Nhưng mẹ quên rằng thế tử kế nghiệp đã bị thay đổi do chính thằng cháu nội Khải à? Một thằng con bất hiếu, một đám bầy tôi bất trung đã bí mật dấy lên cuộc nổi loạn được nhà sử quan ghi lại, những hành động khốn nạn đó buộc phải truất phế con cả thay bằng con thứ. Hội đồng Nhiếp chính lúc bấy giờ đã quyết định như vậy, dù mẹ đã có nhiều nỗ lực để ngăn cản. Chua chát, Đức bà suýt độp lại "Thật thế, một Hội đồng tệ hại đó với bảy đại thần bù nhìn chọn ra hoàn toàn cố ý để gắn bó họ với vận mệnh của Thế tử kế nghiệp nhỏ tuổi!" Đức bà Thánh mẫu cầm lại lời mình, bỗng nhiên xúc động. Đức bà Thánh mẫu buộc phải chấp nhận điều ấy nhưng còn điểm quan trọng của vấn đề đã kéo bà ra khỏi phủ liêu từ sáng tinh mơ buộc bà phải theo đuổi mà không hề bối rối. Nghệ thuật trị vì đất nước cốt ở đạo công bằng và nhân nghĩa. Cả hai Thế tử Khải và Cán đều là cháu nội của ta và sự thật ta cũng không ưu tiên cho cháu này hơn cháu khác. Con là con trai ta, con chưa bao giờ yêu mến Khải, nó không có A bảo, bị bỏ rơi trong khi con lại thắm thiết yêu mến Cán được nâng lên hàng Thế tử kế nghiệp. Trước đây phạm tội và bị từ bỏ vì những sai lầm, ngày nay Khải đã ăn năn hối hận và không dám than phiền. Nhưng sao con không độ lượng bằng cách nới một phần kiểm soát quá nghiêm ngặt cho nó hiện đang bị giam trong một căn phòng chật hẹp như nhà tù? Chúa Trịnh nói không chút xúc cảm: Căn cứ điều lễ trong kinh Xuân Thu[1] lẽ ra nó phải chịu một sự trừng phạt nặng nề hơn nữa kia. Tuy vậy, thưa mẹ, con sẽ lưu ý. Không nên để chậm trễ quá. Hai con trai con, đứa lớn thì sức khoẻ sung mãn, trong khi đứa kia còn quá bé và đau ốm luôn. Cần phải bảo tồn tương lai dòng họ ta. Có phải thực sự vì nỗi lo lắng về tương lai mà đột nhiên con nhận được sự ưu ái ân cần của thế tử Khải không? Chính nó trong cuộc mưu loạn năm Canh Tý chỉ mong con chết để chiếm lấy địa vị của con, mới đây bỗng nó lại lo cho sức khoẻ của con và tiến cử thêm vào một thầy thuốc phương Tây, làm sao mà nó quen được tay ấy! Khuôn mặt mèo lang của Chúa căng dài đến tận thái dương, ngạc nhỉên và ngờ vực. Đến lượt Đức bà cũng ngạc nhiên, tuy nhiên sắc mặt bà không thay đổi: thật ra, trong nhà giam làm sao nó có thể làm được việc ấy? – Rồi bà nói thêm – một giọng hờ hững - Ở đàng Trong, vùng đất nhà Nguyễn, kẻ địch của chúng ta, người ta nói đến những nhà mổ xẻ phương Tây đã đạt được nhiều kết quả rõ ràng. Khi mà nghề y của chúng ta còn có những giới hạn thì họ chữa lành được. Danh tiếng ấy đủ làm cho mọi người biết về họ. sau khi nói hết những lời lẽ bề ngoài tưởng như vô hại đó, Đức bà Thánh mẫu mới ra về. Chúa Trịnh mệt mỏi, buông mình vào vòng tay các bà phi và ngẫm nghĩ, nếu một ngày nào đó giang sơn có rơi vào tay ai thì đó phải là một người có phẩm giá. Và vì lòng quý trọng xã tắc và dòng họ, ông cũng sẽ không thiên vị, ngay cả với những con trai của chính mình. Nếu thế tử Cán không khỏi bệnh, ông sè giao quyền bính cho một người trong hàng chú bác còn hơn là cho tên Khải bội bạc để nó phá nát cơ đồ của tổ tiên. Dù rằng việc này có làm cho Đức thánh mẫu phật lòng! Ông ngồi dậy trên chiếc sập. Những thị nữ tạm ngưng tay. Ông hạ lệnh: Triệu quan Chánh đường đến ngay tức khắc! Bằng nét bút viết thảo, viên sử quan chép lại mệnh lệnh của Chúa thượng sẽ được công bố trong ngày: "Tháng Tám năm Nhâm Dần (1782) Ngài Đại Nguyên soái Thế tử Oai vệ Trịnh Sâm giảm án tử hình cho Đặng Mậu Lân thành án lưu đày chugn thần và ra lệnh xử trảm tất cả những phần tử trong băng nhóm của hắn. Chuyển Thế tử kế nghiệp trước đây từ nhà Tả xuyên sang một nơi ở rộng hơn. Ghi chú của Chúa: "Nới rộng chuồng giam nhưng phải gia cố chắc hơn các song cửa" 4. Đầu tháng chín, cuộc mưu loạn do Trịnh Khải chủ trương chuẩn bị tiến hành. Lão quan hộ tống Bằng Vũ, Nguyễn Thúc cùng đồng bọn sắp xếp, kích động bọn kiêu binh và đội Cấm vệ được những người phương Tây trang bị vũ khí, các họ trò quyết định báo động với thầy. Hai năm trước, vì Chúa Trịnh Sâm sắp chết hồi phục được, nên cuộc mưu loạn Canh Tý bị thất bại. Nhưng trong lần này, được chuẩn bị tốt hơn, họ có chờ đến cái chết của Chúa Trịnh không? Tin là cuộc mưu phản sắp xảy ra đến nơi, các học trò cho rằng đã đến lúc phải hành động. Người phát ngôn được chỉ định, họ thống nhất ngày hôm sau sẽ đến nhà thầy nhân dịp lễ Trùng Dương. Lòng đầy lo âu, họ tự hỏi nhau không biết thầy sẽ phản ứmg ra sao đây? sau khi ca ngợi thầy đã chiến thắng Thái y viện, bây giờ họ phải thuyết phục thầy bỏ rơi cậu bé Vương tử, mà thầy đã gắn bó vượt quá giới hạn của lý trí. Đây là một việc làm vô cùng khó khăn. Dù thế nào đi nữa, thầy của họ phải biết những sự việc nghiêm trọng đang đe doạ thầy. thời gian khẩn cấp lắm rồi. Vậy là đêm Trùng Dương mồng chín tháng chín, tất cả học trò có mặt tại nhà thầy, tay mang đầy tặng phẩm. Cô Lan đã bí mật chuẩn bị và trang trí theo phong tục cổ truyền: dưới mái hiên, cạnh chiếc kệ có ấm điếu thuốc lào, trầu cau và lò trầm nghi ngút hương thơm, giữa các giường tre có những chậu cúc rực rỡ màu vàng tiết thu và dưới các ngọn đèn hắt ra quầng sáng dịu dàng. Từ Đông cung, vị y sư vẫn chưa về. Khi ông chủ còn vắng mặt, Soạn đóng vai chủ nhà đi tới đi lui với người này người nọ nhưng không ai muốn nói lời nào như đã nhất trí. Mọi người đều đang giữ ý nghĩ của mình. Ông chủ về rồi! Chú la lên khi nhìn thấy cụ từ xa giữa các hàng liễu. "Ông chủ về rồi!" những chú chim biết nói trong lồng dưới mái hiên đồng thanh nhại lại. Còn các môn đệ vẫn không nói một lời. Chú bé nói một mình "Tất cả họ giống như những bức tượng mới sơn xong" và tự nó thấy còn có lúc chưa hiểu hết người lớn. việc báo cho cụ biết sao lại rắc rối đến thế? Vừa bước đến hiên nhà vị y sư nói: Các môn đệ thân mến, cũng đã nhiều năm rồi chúng ta không cùng nhau ăn tết Trùng Dương (giọng ông mệt mỏi, nụ cười nhăn nhúm) – Xin mời ngồi. Ngay lúc ấy cô Lan nhanh chóng mời mọi người uống thứ rượu cúc Hoàng Mai nổi tiếng. Sau khi tới đã cạn ly, Thụy Anh nói: Thưa thầy, chúng con thấy thầy đã hao tâm tổn lực. Trán thầy đầy lo âu còn khuôn mặt thì phờ phạc. Các môn đệ gật đầu thích thú, Thụy Anh Bướng Bỉnh đã không nói ra ngoài những gì cần thiết. Vừa uống cạn ly rượu thứ hai, Lê Hữu Trác hỏi, giọng có phần gượng gạo: Hôm nay có đủ mặt các bạn hiền, trước những đoá hoa rực rỡ, tôi có thể làm thơ không nào? Các môn đệ ra hiệu cho Nam Sơn, anh liền nói ngay: Tối nay, không có chuyện thơ phú gì. Tất cả những ai là người thầy thuốc chân chính đều ngày đêm lo âu cho người bệnh của mình. Có gì đáng ngạc nhiên khi vị thầy của chúng ta bận rộn về sức khoẻ của Chúa và người con trai của ông ta? Tử Hư nói liền: Thầy có nói như vậy à? Thụy Anh Bướng Bỉnh tiếp lời ngay: thầy không nói điều đó mà thầy tuyên bố! (Sự hấp tấp của anh có nguy cơ làm hỏng tất cả nhưng một khi anh đã nói ra lại có thêm rượu tiếp sức thì rất khó mà cản lại) – Thưa thầy, sức của Chúa Trịnh thế nào? Biết rõ điều này là việc cần thiết tối quan trọng cho thầy, cho cả chúng con! Đấy tôi nói vậy đó! – rồi hướng về phía Tống Thuần – Này, anh cả nói đi. thế rồi, ngồi lặng im, anh ta không dám nhìn xuôi ngược gì. Lê Hữu Trác thốt lên khó chịu, suýt làm đổ ly rượu trước mặt: Các bạn cần phải có một người phát ngôn để nói với người thầy già cả của các bạn à? Soạn muốn nói gì đó nhưng Tống Thuần cố giữ hắn lại. Mọi con mắt đổ dồn vào anh. Mong thầy thứ lỗi cho sự thiếu tế nhị của các học trò. Tuy nhiên, chúng con sẽ báo cho thầy biết lúc này tại điện Đông cung thầy đang bị đe dọa bởi một tai hoạ tày trời. Có cần các anh nhắc lại chuyện này không? Các anh tưởng là ta chưa biết chắc? Vị lương y hé một nụ cười nhỏ nhưng căng thẳng trong khi cô Lan đang ân cần rót đầy các ly rượu cho mọi người chung quanh. Thưa thầy, người học trò khiêm nhường nàt không hề có ý đề cập đến việc thầy bị ràng buộc bởi kết quả chữa bệnh của vị Ngự y triều đình mà chỉ muốn nói đến âm mưu sắp xảy ra có rất nhiều nguy cơ kết thúc bằng cuộc tắm máu. Mong thầy tin cho như vậy. Hình ảnh cơn ác mộng trước đây ở Nghệ An thoáng qua làm cho vị lương y già rùng m`inh, một hành lang tối om đang khép lại trước ánh sáng hy vọng cuối cùng của ông. Ông hướng tới đám học trò đang im lặng một cái nhìn vô định. Một vật khổng lồ vô hình nào đó như đè nặng xuống đôi vai ông. Thưa cụ, cụ có cần biết tên chúng nó không? Lê Hữu Trác gạt câu hỏi bằng một cái xua tay trước sự thất vọng của Soạn. Cụ hỏi Tống Thuần: Quan Chánh đường có biết việc này không? Tống Thuần trả lời: Chúng con không được rõ. Từ khi được Chúa Trịnh Sâm trao quyền, quan Chánh đường hành động trên cương vị Tể tướng với sự bảo trở của bảy uỷ viên Hội đồng và chỗ dựa là bà Chánh cung. Làm sao ông lại không cho rằng địa vị của mình là không vững chắc. Tuy nhiên, ông ta sẽ là người đầu tiên trong tầm ngắm vì những binh lính nổi dậy đã thề sẽ diệt ông ta. Tiếp theo là những trợ thủ cho ông ta, vì thế chúng con xin khẩn cầu thầy bảo vệ sinh mạng quý báu bằng cách chấm dứt việc phục vụ cho Đông cung viện. Thụy Anh nói: Chúng co ncó cần phải trổ tài thuyết phục như Phí Tưởng Phương[2] để thầy chịu nghe chúng con không? Vị y sư nói ngắt từng tiếng sau quãng im lặng căng thẳng như không hồi kết thúc: Từ bỏ những bệnh nhân của ta à? Đó là điều không thể được. Cả ông cha và cả người con đang cần đến sự chăm sóc của ta. Sứ Hoa kiều nói: Thưa thầy, xin thầy rộng lòng suy nghĩ. Một khi nắm quyền, Trịnh Khải sẽ không làm điều gì có hại cho ấu Chúa kế nghiệp. Chỉ cần Trịnh Cán hạ một chiếu thư nói lên ý muốn của mình được rút lui và chỉ muốn làm người em của vị tân Chúa trẻ. Mọi việc thế là xong. Lê Hữu Trác lướt nhìn: Rồi các anh xử trí thế nào với Chúa Trịnh? Tử Hư nói: Tôi e rằng chúng ta đã không thật phân minh. Ông Chúa rồi tất nhiên bắt buộc phải trở về với tổ tiên thôi. Sứ Hoa kiều nói với giọng như tự trấn tĩnh mình: Không có gì xảy ra khi mà Chúa đang còn đó. Chúng ta biết chất thuỷ ngân có thể quyết định số phận bất cứ người nào với vẻ bên ngoài của cái chết tự nhiên. Với một người như ông ta, lâu nay ăn ở xa lánh mọi người, mang bệnh kinh niên và chứng suy nhược thì lại càng đơn giản. cuộc khủng hoảng dòng họ có thể xảy ra ngay từ bây giờ do một số người đã quyết định trước. Ta không thể nào bỏ trốn – Lê Hữu Trác nhắc lại với chính mình. Nam Sơn phản ứng, có sự tán thành của Khâm, Tài và tất cả các bạn khác: Thưa thầy kính mến, xin thầy hãy nghĩ đến gia đình thầy, đến sự nghiệp, đến những người bệnh của thầy. Giống như loài cáo khi chết thì quay đầu về ngọn núi quê hương, ta muốn kết thúc cuộc đời ở Nghệ an, giữa những người thân của ta. Nhưng với một người có thiên lương, cái chết của riêng mình không phải là phần việc của họ và không đáng quan tâm đối với họ. Dù cho sợ hãi, dù cho khao khát thoát khỏi nơi đây, và đau khổ trong cảnh lưu đày, ta không thể và không muốn từ bỏ cậu bé con! Quá say, Thụy Anh nói mà không ai ngăn được: Vậy là thầy muốn để yên cho bọn sai nha của Trịnh Khải sát hại mình đó! Như vậy thì lợi cho ai đâu? Thầy đã nghĩ đến điều đó chưa? Rồi thầy sẽ bỏ mạng mà chẳng được cái gì! Vị y sư ngẩng khuôn mặt hiền từ nhìn lên đám học trò của mình. Bỗng chốc tất cả đều hiểu rằng mỗi thầy thuốc phải là con đẻ của tri thức và lòng trắc ẩn. Rồi ông nói: Ta đã tìm được sự sống trong tận cùng của cái chết. Ta đã hy vọng với sự kiên trì, sự sống sẽ thắng. Than ôi! Thế mà nó bị ngăn lại không phải do bệnh tình mà bởi số phận khắc nghiệt. Với điều này thì tài năng của ta không làm gì được. Và cậu bé con ấy, cậu ta biết, cậu ta chấp nhận. Thế thì ta phải làm sao đây? Làm sao ta có thể bỏ nó mà không rõ vì nguyên do gì nó phải chết? Trong khi mọi người đang xúc động, Thụy Anh là người đầu tiên tỉnh lại. Anh quỳ xuống trước mặt thầy, đôi tay chắp lại: Thưa thầy… - anh thầm thì để chỉ một mình thầy nghe được – Trong cơn say con có linh cảm sự yếu lả gầy mòn, kiệt quệ là kết quả của sự thoái hóa nặng nề các chức năng cơ thể, là những dấu hiệu của một người chết không phải tữ căn bệnh thực mà là sự cáo chung báo trước của dòng họ. Lúc vị lương y nghiêng đôi mắt sâu thắm xuống, anh nhè nhẹ nói thêm: với một trường hợp như vậy, liệu thầy còn có ích gì cho cậu bé nữa? các môn đệ ra về đã lâu nhưng những lời của Thụy anh vẫn còn vẳng lại bên tai vị y sư. Nó nói lên một sự thực không chối cãi: người thầy thuốc đâu chỉ chăm lo cho phần xác mà còn phải quan tâm đến phần hồn người bệnh? Cậu bé vương gia này không bám víu vào ý muốn mãnh liệt của ông quyết chữa cho cậu ta lành bệnh. Từ rất sớm ông đã thấy sự khước từ này nên đã cố gắng thiết lập với cậu ta một mối liên hệ khác ngoài y học. việc xua đuổi căn bệnh đôi khi còn chưa hiểu hết bằng cách thể theo cá tính đặc biệt của người bệnh, đó là niềm tin vững chắc tự đáy lòng của ông cho dù có lúc y học cũng phải nhường bước – ở đây theo Thụy Anh – là cho lịch sử. Cậu vương tử bé con có thể đơn giản chết cái chết của dòng họ mình! Ông vừa ngẫm nghĩ, vừa thán phục, vừa sợ hãi nhìn những ngọn đèn nhựa thông sắp tàn. Sau lưng ông, có tiếng bát đũa leng keng cô Lan đang mang đi. Cô hầu nhỏ, cô có nghe những điều được bàn đến trong tối nay không? Lan trả lời to, nghe rõ: Dạ, thưa ông chủ, tôi có nghe – rồi hạ thấp giọng nói với Soạn đang lê người ngồi không – Soạn, dọn dẹp nhanh lên cho xong đi, ông chủ cần đến tao. Nổi cáu, cậu ta nhún vai, thật là một người đàn bà kỳ quặc, vỗ ngực tự cho mình là quan trọng! Ai cho phép cô ta tin như vậy? Bà Tuyết đã chọn chú, chính chú, một đầy tớ tận tuỵ chuyên lo thuốc men, đã đi theo ông chủ trải qua muôn ngàn nguy nan, ấy thế mà người phụ nữ đỏng đảnh này lại đến hất cẳng chú! Đối với Lan, người chị lớn trong nhà, bỗng nhiên chú thấy ác cảm, muốn gây sự. Từ khi yêu Kim, chú đã trở thành một người lớn và không chịu được cảnh bị người ta xem chú như một nhóc con. Tuy vậy, Lan là người chị cả trong nhà nên dù tức tối và vụng về, chú cũng phải chấp hành. Lúc chú từ bếp đi lên, ông chủ và người tỳ thiếp yêu quý đã lùi vào phòng ngủ. Họ đang nói gì với nhau? Khuôn mặt nhăn nhó của chú áp vào cánh cửa giống hệt con quỷ. Một lát sau, một nụ cười khó hiểu làm giãn ra những vết nhăn trên khuôn mặt, vào giờ tí khuya khoắt này, có thể ông chủ đang tìm cách vui trò mây mưa để xua đi nỗi khắc khoải của mình. Lan có mặt ở đây phải chăng là vì việc ấy? Niềm ham muốn được cảm thấy gần gũi Kim bỗng làm bụng nó thắt chặt lại khi trở về tấm phản ngủ. Rời cô tì thiếp nhỏ, vị lương y nằm sang một bên, hơi thở ngắn lại với cảm giác bồng bềnh bay lên chơi vơi và sống động lạ thường trên châu thân mình. Được kích thích bởi Rồng – Lửa của bộ thận, ông đã không tiếc khi buông xả mà chẳng quan tâm áp dụng động tác bế tinh. Thật vậy, có ích chi việc rút lui khỏi chiến trường để kéo dài thêm mười hai năm tuổi thọ nhờ vào nguyên khí Dương khi người ta không chút nào chắc chắn sẽ còn sống trong khi toàn bộ cơ thể ông còn lưu lại dấu vết khoái lạc của người con gái mềm mại hơn nhung lụa, một lần nữa niềm biết ơn lại hướng về vợ ông, bà Tuyết, người mang đến cho ông niềm vui đó. Một khoái cảm kéo dài chầm chậm và cảm nhận một cách mãnh liệt không bảo đảm cho ông được trường thọ, nhưng đã đẩy xa giá lạnh, bóng tối và cái chết. Đêm nay có thể là đêm cuối cùng của ông trong thế giới người sống. Ông không muốn nghĩ tới việc ấy. Cạnh bên, khuôn mặt Lan đượm chút mệt mỏi và hạnh phúc. Ông đưa những ngón tay vuốt khỏi má cô một lọn tóc đen dài. Đôi mắt cô lấp lánh trong ông như những chú cá bé xíu. Phải chăng đây là người phụ nữ đã nhiều lần đi sát bên ông ở Nghệ an mà chẳng bao giờ để ý đến? Có thật thế không? Ngày Lan bị dầm trong trận mưa rào đột ngột, yếm lụa đào ướt nhoà trên đôi nhũ hoa trần trụi, nước mưa xối xả xung quanh đôi chân chụm lại. Có bao giờ ông quên được ngày mưa rào đó? Chuyện này không thoát khỏi sự theo dõi của bà vợ ông. Ông thấy lại bà trogn quầng sáng những cây đèn đang cháy, bà cười vui, không khóc trong đêm trước lúc lên kinh đô để tình âu yếm càng tăng thêm. Cổ nghẹn ngào, ông thở dài. Ông chủ muốn dùng chút trà không? Lan chạy lấy bình trà nóng trong chiếc giỏ nhồi bông. Từng hớp nhỏ ông lặng lẽ ngụm ly trà đậm bốc hương mà ông luôn yêu thích. Cô em nhỏ - ông vừa nói vừa đưa chiếc ly không ra với cô – Cô hãy đến ngồi cạnh ta và nghe đây. Tất cả những gì mà các học trò bàn đến đêm nay, ta không rõ chính xác điều gì sẽ xảy đến. Dù sao, sự ngoan ngoãn của cô với vợ ta và sự tận tuỵ với ta không hề ràng buộc số phận của cô với số phận của ta. Rồi đây nếu ta không trở về từ Đông cung điện, cô đừng mất thì giờ chờ đợi. Hãy lấy toàn bộ số tiền sẵn có để chi dùng, đồng thời tập họp lại toàn bộ "Bách khoa" cùng với những chú thích và cả bản chép tay mà ta ghi lại những điều liên quan đến cuộc hành trình ra kinh đô. Sau đó, cô hãy cùng với Soạn trở về Nghệ An gấp bằng một con đường khác. Cô hãy hứa với ta điều đó. Lan nói với giọng đẫm nước mắt: Người hầu hèn mọn này xin hứa với ông chủ từ trong xương tuỷ mình. Và tôi còn phải thưa sao đây với bà chủ? Cô thưa là ta không bao giờ quên những tình cảm trước đây, rằng nhờ bà mà cô đã đem lại cho ta niềm vui sướng…Cô cũng thưa thêm với bà là cứu chữa người bệnh đang là mối lo lắng hàng đầu của tất cả mọi thầy thuốc. Rồi bà sẽ hiểu. Bây giờ cố ngủ đi. Suốt trong đêm thâu, Lan không ngừng trăn qua trở lại với bao suy nghĩ. Cũng như Tống Thuần và các môn đệ khác, cô muốn tìm mọi cách để bảo vệ người thầy thuốc dù ông không muốn, nhất là từ khi ông tự thú nhận nỗi bất lực. một bản năng thầm kín đang thúc đẩy cô. Thưa ông chủ, ông chủ chưa tìm ra một kế hoạch hay phương pháp nào để gỡ rối mớ bòng bong và thoát cảnh khó xử này sao? Cô cảm thấy một nỗi lo sợ mới lại đến với ông. Nỗi lo sợ từ trong sâu thẳm của chính mình. Cô nói: Thưa ông chủ, tôi từng nghe ông chủ nói rằng trước trường hợp bệnh tình quá nặng, người thầy thuốc dù hết sức cố gắng cứu nguy cho người bệnh nhưng không được che giấu sự thật với thân nhân của họ. Đúng thế. Ta đã nói và nhắc lại nhiều lần như vậy. Nhưng cô hy vọng cứu ta bằng sự thú nhận với Chúa Trịnh à? Cô có thể hình dung được rằng ta sẽ đến báo là con trai ông đã chết vì… - ông gom lại hai từ trong câu chuyện của Thụy Anh rồi nói ra – vì sự suy tàn..suy tàn của dòng họ hay sao? Một sự im lặng kéo dài trùm lên những lời nói đầy bí ẩn của ông. Quá bối rối vì không hiểu được gì, cuối cùng cô Lan nói: Không, chắc chắn không. Người hầu hèn mọn này chỉ dám xin có một chút gợi ý. Người ta vẫn nói không có sự đề phòng nào tốt hơn là tấn công trước. Vậy tại sao ta lại chờ sự triệu tập của Chúa mà không có hành động trước (như những gì ông thầy thuốc Châu nói trước ngày về lại Trung Hoa). Sáng mai, thông qua viên Quận hầu ta đến thỉnh cầu một cuộc yết kiến Chúa Thượng, như vậy có nên không? Lê Hữu Trác liền châm chọc cô: Để đột nhiên báo với ngài một cuộc mưu phản đang được chuẩn bị và hạ thần không thể cứu chữa cho Thế tử được, như vậy chăng? – rồi khi hết ngạc nhiên, ông bắt đầu lắng nghe. Nhân danh Ngự y triều đình, ông chủ đề xuất trước rằng có ý kiến của một thầy thuốc phương Tây về trường hợp bệnh rất khó chữa mà theo ông chủ là không nên bỏ qua. Vả chăng điều đó cũng nằm trong ý định của ông chủ muốn tránh cho Chúa thượng sự lúng túng khi muốn nói việc này với ông chủ. Khi đã có hai người để cùng chia sẻ một trách nhiệm nặng nề như vậy, thì để trách nhiệm này rơi vào đầu người nước ngoài. như vậy có phải hay hơn không? Rõ làta không biết dưới mái nhà ta đang sống có một người phụ nữ vô cùng lịch duyệt như bà Bang Cơ đời nhà Đường bên Trung Hoa. Rất lý thú là cô đã thưa với ta điều đó khi ta bắt đầu nghiêm túc nghĩ đến việc ấy, nhưng đó là vì điều tốt lành cho người bệnh nhỏ tuổi của ta chứ không phải để cứu nguy cho mình. Đây là một ý kiến cần đào sâu hơn nữa nếu bọn mưu phản còn cho ta thời gian. Tất nhiên rồi! – cô Lan nói với giọng ít lo lắng hơn, tay nắm chặt lá bùa hộ mạng mà cô luôn đeo ở cổ. Mặt trời vừa mọc, bị ám ảnh bởi khả năng có thể xảy ra cuộc chạm trán với thầy thuốc phương Tây, Lê Hữu Trác cất lần từng bước đến bên hồ. Dọc đường, ông cân nhắc những được thua về khía cạnh y học cũng như chính trị và cả những rủi ro. Về phần mình, ông bất chấp tất cả mọi điều xảy ra ở phía trước, nếu đó là cái giá phải trả để cứu bằng được vị ấu Chúa. Nhưng ông thầy thuốc của Thái y viện gần như chắc chắn đã nằm trong tầm ngắm của Vương Tử Trịnh Khải và của phe cánh này. Trên bàn thờ của dòng họ Trịnh, ông là con trâu hiến tế. Những lời tâm sự của thầy thuốc Châu mươi ngày trước báo hiệu cho ông và những tiết lộ của các học trò đêm qua đã xác nhận điều đó. Nhưng con trâu này có chết cũng không chịu bó tay. Tuy nhiên, trước giờ sắp xảy ra hiểm hoạ, triển vọng của cuộc gặp gỡ một luồng kiến thức chưa từng biết và khó hiểu của phương Tây nhưng đã được kiểm chứng là có hiệu quả ở đàng Trong đã thôi miên người thầy thuốc cao niên, người kế thừa có tranh luận của các nhà y học cổ điển Trung Hoa và đang mải mê trên đường nghiên cứu những phương pháp mới. Đứng nơi đây trong buổi sớm tinh sương trước mặt hồ trong lành với một tình cảm mãnh liệt, ông cảm thấy choáng váng như sắp bước vào cõi chết, và lờ mờ e sợ rằng chân trời Viễn Đông của ông không còn là nơi độc quyền về sự minh triết cũng như về khoa học nữa. Chú thích:[1] Biên niên sử nước Lỗ do Khổng Tử san định khoảng những năm 551 – 449 trước công nguyên [2] một nhân vật đạo Lão thời Tiền Hán bao 'trước cho người bạn một tai nạn lớn sắp xảy ra, bày cho ông này tránh được bằng cách ra khỏi nhà trong ngày Trùng Cửu (9 tháng 9). Nhờ có sự báo trước, trong ngày đó chỉ có bày súc vật không ra khỏi nhà là bị chết.