áng hôm sau, ngày 26.05.1975, tôi với thằng San ra uống cà phê trước mặt Bưu điện Huế. Tại đây, và về sau này, tôi thường gặp một vài người vốn quen biết trước kia, có người là cơ sở của cách mạng, có người mới tham gia. Ở những quán cà phê vỉa hè trong những ngày mới đầu này, hiếm lắm mới thấy những người đã thoát ly lên rừng lâu năm. Nhiều đứa quen biết cũ thấy tôi quá mừng: “Giải phóng rồi mà không thấy mi, đứa nào cũng nghĩ là mi chết rồi. Răng chừ mới về Đính”. Tôi cười không nói gì hết. Sau này, có đứa loáng thoáng nghe kể về sự tích của tôi, hoảng và tìm cách tránh tôi. Liên hệ với tôi thì không có lợi gì cho sinh mạng chính trị và con đường sống trong chế độ mới này của họ. Tôi nói với thằng San là tôi về nhà 1, 2 ngày rồi mới gặp tổ chức. Bây giờ tôi đi thủng thẳng về nhà. Kể từ nay tôi có thể nói tôi về nhà được rồi. Tôi không cảm thấy mình xa lạ. Hình như tất cả đều còn lại trong trí nhớ của mình. Tôi chỉ có cái cảm giác, sau 10 năm đi xa, con đường Thuận An rộng ra và cao hẳn lên, còn căn nhà của tôi thì nhỏ lại. Trở về Vỹ Dạ là trở về với tuổi thơ của mình, gặp lại tuổi thơ của mình, sống với tuổi thơ của mình, sống với mình. Tôi ở nhà tôi như lâu nay tôi không đi đâu hết. Tất cả đều thân mật và gần gũi. Những lỗ đạn bắn trên tường, trên song cửa sắt hồi 52-53, những hình tôi vẽ lúc nhỏ bằng bút chì và mũi dao trên tường có hơi mờ đi. Con trâu gỗ gãy đầu vẫn nằm dưới góc bàn thờ. Những vết bùn của trận lụt năm 1953 còn mắc trong các kẹt tủ. Rồi tôi quanh quẩn ngoài vườn trong nhà. Cây vú sữa cao và rậm quá, tháng năm vẫn còn trái chín. Cây hải đường vẫn như thế. Tôi mở tủ sách ra, tất cả như còn nguyên. Chẳng có chi thay đổi, chỉ có âm u và tàn tạ hơn. Mẹ tôi bảo sau khi tôi đi có người đến đòi sách tôi mượn, mẹ tôi nói, để chờ thằng Đính về đã. Những chồng phích ghi chép của tôi được xếp gọn gàng trong một góc. Những gì của tôi, có dấu vết của tôi có thể gợi cho mẹ tôi nhớ tới tôi đều được cất giữ, không ai động đến được. Những năm sau này, khi tôi đã có vợ con, tủ sách báo cứ vơi dần, khi năm ba quyển, khi một chồng đem qua chợ Đông Ba hay ra chợ Vỹ Dạ đổi lấy gạo. Thời buổi này gạo quý hơn sách. Cuộc cách mạng này kinh khủng thật. Không phải nó chỉ thay đổi tâm tính, thái độ, tư tưởng của từng con người mà thay đổi vị trí của từng đồ vật trong từng nhà, cái ghế, cái bàn, cái tủ, cái giường, tôn lợp trên mái nhà, lư hương trên bàn thờ... đều thay đổi chỗ, xếp đặt lại tất cả. Hôm qua cái bàn còn để đó, hôm nay không còn nữa, cái bàn đã đi qua nhà khác, đã ở ngoài chợ. Cuộc cách mạng này đã phá hết, phá tan hết những gì mà từng gia đình đã bòn mót bao nhiêu năm nay từ ông cha đến con cháu để nuôi sống mình, để tồn tại với đời. Và những người làm cách mạng đã thay thế những gì mà họ đã phá sạch bằng công an, bằng quyền lực trấn áp, bằng mệnh lệnh, khẩu hiệu, băng cờ. Tôi nghe nói, khoảng năm 1972-1973, trong chiến dịch Phượng Hoàng, bọn cầm quyền ở Huế đã đưa lên đài truyền hình và dán ảnh tôi và thằng Nguyễn Đình Nghĩa khắp thành phố, kêu gọi chúng tôi chiêu hồi và hứa sẽ thưởng tiền cho người nào bắt được chúng tôi hoặc chỉ điểm chúng tôi. Bọn chúng không biết tôi lúc đó đang hoạn nạn ở Sơn Tây. Chúng tưởng tôi và thằng Nghĩa đã lọt về thành phố và đang hoạt động nằm vùng. O Lài tôi kể rằng nghe dưới trụ sở quận Phú Vang có treo ảnh tôi, o lót tót chạy về xem. Vừa bước chân vào cửa quận, một người quen ở trong làng, lúc đó đang bị gọi về thẩm vấn vì có liên quan với Việt cộng, nói ngay: “O đi mô rứa? Lên cho rồi! Có bóng thằng Đính treo trong a. Lên cho rồi!”. Nhưng o tôi cứ vào. “Để tui vô coi thử có phải thằng Đính không?”. “Chà, cái bóng của mi đẹp thiệt. Không biết nó kiếm ở mô ra”. O nói với tôi, suốt 10 năm tôi đi, bọn công an, mật vụ, dân vệ cứ rình rập chung quanh nhà tôi hoài. Nhiều lúc o tôi đi bán bánh về khuya, tụi hắn chặn trong xóm, khi thì giả đò mua bánh còn, khi thì cứ tự tiện giở rổ rá ra, xáo hết lá bánh lên xem. “Tụi hắn cho là tao có giấu truyền đơn”. Có lần tụi dân vệ xộc vào nhà (nhà o tôi ở sát nhà tôi) giữa lúc o đang cúng. Bọn hắn nói: “Chà, hai mạ con mà cúng nhiều dữ hí! Ăn chi cho hết”. Tụi hắn cho là o tôi giả đò cúng để tiếp tế cho Việt cộng. Tôi theo Việt cộng, o tôi nhất định phải có liên hệ. Khoảng 2 tháng sau tôi đã lên núi, một hôm o đang làm gì đó trong nhà bếp của tôi, bỗng nghe thịch một cái, một gói giấy từ trên nhà rớt xuống. “Tao hết hồn. Đây là gói truyền đơn hay giấy chi đó mà trước khi đi mi nhét lên mái. Tao đút [1] liền. Nhưng cũng khun, tao thắp 3 cây hương trong bếp, may trong nhà còn mấy tờ giấy tiền vàng bạc, tao lấy đi một liên, rồi đút mấy cái tờ giấy của mi. Đụng ai vô thình lình tao nói là đút vàng bạc”. Còn mẹ tôi sau năm 1968, hễ nghe ở đâu có Việt cộng bị bắt hoặc bị bắn chết, xa mấy cũng lò mò đến xem có phải con mình không. “Này, cái mụ này, tới đây làm chi hỉ?”. Thấy mẹ tôi lăm xăm đi tới mấy thằng lính nạt. Mẹ tôi nói: “Nghe dưới ni có bán gà vịt rẻ tui xuống mua”. “Gà vịt mô mà gà vịt. Đi cho rồi!”. Đêm nào mẹ tôi cũng thắp hương van vái bốn phương trời mười phương Phật và ba tôi phù hộ cho tôi tai qua nạn khỏi. Cả xóm giữa đêm khuya nghe tiếng hò ở xa đều biết mụ Đính đi bán đã về. “Có một thằng con mà bây giờ không biết sống chết ở nơi mô nữa, tội thiệt!”. Mấy người hàng xóm kể: “Mỗi lần mạ đi bán về khuya, nhớ mi, buồn khóc rồi uống rượu. Trời mưa, đường trơn, bổ lên bổ xuống. Có bữa tao phải gánh giùm gánh cháo về nhà. Về đến nhà, thấy cây đèn leo lét, rồi mạ ngồi nơi cửa hát, có khi ngồi rứa bà ngủ quên luôn”. Càng về sau không chịu nổi cảnh trống vắng, cảnh cô quạnh, mẹ tôi đi bán có khi ngủ luôn ngoài chợ. Về nhà, thấy nhà thấy cửa mà không thấy tôi, mẹ tôi chịu không nổi. Hai ba hôm sau, tôi đến Ban tổ chức Thành ủy ở 16 Lý Thường Kiệt, trình diện và để nhận công tác. Tôi cũng cứ tưởng bở. Ông Ngô Yên Thi, Trưởng ban tổ chức Thành ủy, cho biết là tổ chức thành phố không có quyền, tôi phải qua tổ chức tỉnh, phải có quyết định của tỉnh, thành phố mới nhận tôi được. Tôi đến Ủy ban nhân dân cách mạng kiêm Quân quản tỉnh Thừa Thiên (?) đóng ở tòa hành chính của chính quyền cũ. Tôi lên lầu. Căn phòng to rộng, nhiều bàn ghế. Tôi hỏi phòng tổ chức. Người ta chỉ cho tôi đi đến bàn cuối phòng phía bên trái gặp đồng chí cụt tay. Tôi nhớ không chắc, hình như ông ta tên Trác. Tôi đưa giấy giới thiệu của Đảng đoàn Văn nghệ và giấy giới thiệu của đoàn đi Nam. “Tôi ở Hà Nội mới vào”. Ông ta đọc, rồi quay ngược lại hai tờ giấy để trước mặt tôi. “Anh là Trần Vàng Sao?” “Phải”. Tôi trình bày một vài điều về trường hợp của tôi. “Anh còn giấy tờ gì nữa không?” “Tôi có trong danh sách của đoàn Thừa Thiên vào Huế sáng 30.4”. Ông ta nhìn tôi: “Giấy tờ này chưa đủ”. Ông ta gõ gõ ngón tay của bàn tay còn lại lên hai tờ giấy nói xẵng giọng: “Đây là giấy giới thiệu tiêu chuẩn ăn đi đường. Thế còn lệnh hành quân đâu? Phải có lệnh hành quân, không thời ai biết đi B1, B2 hay B3, B4. Phải có lệnh hành quân!” Tôi nói cho ông ta biết là đoàn chỉ có tôi mượn giấy này và phải trả lại. Còn lệnh hành quân thì đoàn phải giữ. Vả lại, những người cùng đi chung với tôi, bây giờ đã phân tán các nơi, khó tìm họ được. “Phải có lệnh hành quân. Có lệnh hành quân mới nhận anh được”. Tôi về 26 Lê Lợi, may là gặp ông Võ Trấp đang ở đó. Ông đưa cho tôi lệnh hành quân của Bộ tư lệnh hành quân Quân Giải phóng nhân dân miền Nam. Ông bảo tôi: “Thôi anh giữ luôn, tôi cũng chẳng cần nữa”. Sáng hôm sau tôi lại lên phòng tổ chức tỉnh, đưa lệnh hành quân cho ông cụt tay. Ông ta chỉ ngó qua, rồi trả lại cho tôi: “Trường hợp của anh hơi gay đây. Anh không có giấy giới thiệu của Ban thống nhất trung ương. Tỉnh không nhận anh được”. Tức máu lên, tôi nói: “Anh bảo tôi phải có lệnh hành quân, có lệnh hành quân rồi anh bảo phải có giấy của Ban Thống nhất. Tôi đã nói với anh rồi là tên tôi nằm trong danh sách đoàn Thừa Thiên vào đây ngày 30.04”. “Trường hợp của anh khác”. Trường hợp của anh khác. Tôi đừng tưởng bở. Anh thanh niên trông nhỏ hơn tôi ngồi bàn bên cạnh với ông cụt tay: “Trong danh sách của đoàn ngày 30.04 có tên anh Đính”. Ông cụt tay làm như không để ý lời anh thanh niên nói. Ông ta ghé sát anh thanh niên nói gì đó, rồi nhìn tôi một cái, đưa tay đẩy tờ lệnh hành quân về phía tôi sát cạnh bàn. Tôi cầm tờ giấy quay đi. Tôi về lại ban tổ chức Thành ủy. Ông Ngô Yên Thi trả lời: “Tỉnh không nhận, chúng tôi cũng chịu. Thành không có quyền”. Ông ta nói như cười. Tôi về. Lúc này, tôi hay lên chỗ thằng Thái Ngọc San làm việc “Cơ quan Mặt trận thành phố” - ở chơi, gặp bạn bè nói chuyện và thường ở lại ăn cơm. Ở chỗ này tôi đã bắt đầu thấy những bộ mặt không mấy thiện cảm với tôi. Những thằng ở rừng về, những đứa mới tham gia làm lơ tôi. Bạn bè đã có kẻ nhìn tôi bằng con mắt ái ngại. Nhiều đứa đã cố ý tránh tôi. Cách mạng đang thắng lợi mà tôi là một tên phản động chống Đảng. Thằng thì cho tôi không ở trong hàng ngũ của nó, đứa thì sợ quen tôi sẽ bị nguy đến sinh mạng chính trị. Chơi với tôi thằng nào cũng thấy không những không có lợi mà còn mang họa vô ích. Nhiều đứa vốn quen nhau ở Huế, sau lên rừng thường thấy mặt nhau tình cờ gặp tôi cũng giả đò không thấy. Tôi bị coi khinh. Cho tới hôm nay những năm 91, 92, 93 này, những thằng bạn cũ ngày trước sắp đi HO cũng lánh mặt tôi và những anh em khác. “Hiểu cho tao với, để cho tao đi trót lọt cái đã, không lỡ nửa chừng bị ách lại thì quá cực”. Thằng Trần Hữu Thục nói với tôi sáng 31.7.1993 như vậy. Bọn tôi thông cảm bọn hắn. Cũng có thằng gặp tôi không dám chào hỏi. Hắn ngụy, tôi cách mạng. Nên khi chạm mặt, những đứa này khựng lại: “À, à anh...”. “Anh cái cục cứt à... chơi với nhau lúc nhỏ, anh chi mà anh”. Rồi nắm tay nhau đi uống cà phê, nói chuyện đời. Cũng có đứa mấy lâu thấy tôi giữa đường, lại giả tảng không thấy. Đến khi có dịp gặp nhau, hắn nói: “Nói thiệt, mi đi bên tê về, tau cũng ngại. Tau ngụy mà. Lỡ chào mi, mi lơ thì sao. Nhưng khi thấy mi ngày nào cũng đi bộ qua Đập Đá, quần áo lùi xùi, tau chẳng ngại chi nữa”. Tức cười thiệt. Cuối tháng 6.1975, tôi nhận được giấy mời đến Ban tổ chức Thành ủy làm việc. Mời anh Trần văn Đính mở vòng đơn tức Trần Vàng Sao đóng vòng đơn. Tôi lại đến nhà số 16 Lý Thường Kiệt. Ông Trưởng ban tổ chức nhìn tôi: “À anh”. Ông ta nói miệng tưởng như cười. Da mặt ông hơi chì, môi thâm, hai hàm răng có khi khít lại: “Trường hợp của anh có nhiều khó khăn, anh Nhân ạ”. [2] Và ông ta nói lại những điều đã nói với tôi bữa trước, rằng tỉnh không nhận tôi, thành không thể giải quyết, bố trí công tác cho tôi được. Tôi nói: “Tôi là cán bộ của Thành ủy cho ra Bắc chữa bệnh. Bây giờ tôi trở về, thì Thành ủy phải sắp xếp công tác. Sao anh lại nói thành phố không có quyền”. Ông ta lại nói miệng như cười: “Tôi cũng biết thế. Thành phố hiện nay rất thiếu cán bộ, mà những người như anh thì lại rất cần, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc tổ chức. Anh phải hiểu cho”. Ông ta đưa cho tôi một tờ giấy: “Anh sang Ban Tổ chức Tỉnh ủy gặp ông Lê Thái Tâm. Chỉ có Ban Tổ chức Tỉnh ủy mới giải quyết được trường hợp của anh”. Giấy giới thiệu cũng viết bằng mực tím, cũng Trần Văn Đính, mở ngoặc đơn tức Trần Vàng Sao, đóng ngoặc đơn. Tôi sang Tam Tòa vào một phòng ở khoảng giữa dãy nhà về phía bên phải. một ông mặc quần áo ngủ đang ngồi trên giường. Ông ta đứng dậy đi tới bàn giấy bên cửa sổ gần cửa ra vào. Tôi đưa giấy giới thiệu. Ông ta à một tiếng. Tôi kéo ghế ngồi. Ông ta mở hộc bàn, lấy một tờ giấy đưa cho tôi. Ban chấp hành Đảng bộ Thừa Thiên-Huế Ban Tổ chức Số 196/TC Ngày 30 tháng 6. 1975 Kính gởi: Ban tổ chức Trung ương Ủy ban Thống nhất Trung ương Đồng chí Nguyễn Đính quê ở Thừa Thiên cùng đi với đoàn đ/c Đỗ Nhuận vào Thừa Thiên chúng tôi chưa tiếp nhận được vì: - Địa phương chưa có yêu cầu. - Chưa có giấy tờ thuyên chuyển hợp lệ. Vậy chúng tôi xin chuyển đ/c Đính trở ra Ban để đảm bảo thực hiện đúng theo nguyên tắc thủ tục điều động của Ban đã quyết định. TM. Ban tổ chức Tỉnh ủy Trưởng Ban Lê Thái Tâm Ông ta nói: “Bây giờ anh phải ra Bắc. Ở đây chúng tôi không nhận anh”. “Thế tôi đi bằng cách nào?” “Anh sang tổ chức thành mà hỏi. Thành sẽ giải quyết”. Tôi đứng dậy, kẹp hai ngón tay vào một góc tờ giấy vừa bước ra vừa nói, “chào anh”. Qua Ban Tổ chức Thành ủy, ông trưởng ban bảo: “Tổ chức Tỉnh ủy trả anh ra Bắc thì phải lo phương tiện cho anh chớ”. Tôi nói: “Tỉnh lại bảo thành phố giải quyết”. Thôi về cho rồi. Tôi dại thiệt. Mắc chi mà phải loanh quanh luẩn quẩn tự mình hành hạ mình. Ở Hà Nội thì tìm cách vào Huế. Vào Huế lại chạy chỗ này qua chỗ khác để xin làm việc. Chu cha, tham gia cách mạng bao nhiêu năm nay không lý về không à, mất mặt. Tôi dại thiệt. Mắc chi mà chạy đôn chạy đáo cho cực mà nhục như thế. Qua cầu Mỹ Chánh rồi thì cứt hết. Cứ về nhà ở với mạ, ngó cây cối chim chóc là vui sướng rồi. Tôi dại quá. Tôi ngó ông trưởng ban tổ chức Thành ủy: “Tỉnh nói qua thành, thành nói qua bên tỉnh. Thôi tôi về”. Tôi về. Đường Lý Thường Kiệt buổi sáng trời không nắng to. Qua Phòng thông tin Hoa Kỳ, đối diện hơi chếch một chút có hai cây dừa mọc cong trước cửa ngỏ một ngôi nhà, tàng lá che đến lề đường. Người ta kể có một ông bán phở gánh cách đây mấy chục năm, nửa đêm qua đây bị một trái dừa khô rớt bể đầu chết ngay tại chỗ. Không biết có thiệt hay không? À, ở nhà mình còn một quyển sách mượn của Phòng thông tin Hoa Kỳ từ năm 1965, chưa trả thì đã trốn lên núi, cuốn La Jeunesse de Lénine [3], bản dịch tiếng Pháp của René Guyonnet. Tôi ra quán cà phê Bưu điện. Ba bốn đứa đã ngồi ở đó. Thằng San hỏi: “Răng mi?”. “Như cứt họ”. Cà phê ngon thật. Tới ngang đây tôi coi hết nước rồi. Nhưng chưa ngất ngư nên tôi vẫn còn cố. Tôi phải biết rằng người ta không bao giờ để cho tôi chết, người ta sẽ làm cho tôi hoàn toàn bất lực, tê liệt, mất hết tác dụng. Chế độ này muốn cho tất cả mọi người đều trở thành những kẻ bị thiến hoạn về tư tưởng. Hai ba ngày sau đó, theo lời khuyên của bạn bè, một buổi chiều, tôi đến gặp ông Trần Thanh Văn (Trần Anh Liên), Bí thư Thành ủy Huế tại nhà riêng của ông ở 14 Lý Thường Kiệt. Ông Văn là người lịch thiệp và khiêm nhường. Ông người Hà Nội. Hồi ở trên rừng, tôi hay gặp ông và nói chuyện với ông. Tất nhiên là ông ta đã được báo cáo về tôi rất rõ. Tôi đưa cho ông cái công văn của Ban tổ chức Tỉnh ủy gửi trả tôi lại cho Ban thống nhất trung ương. Ông Văn xin lỗi đã để kính trong phòng. “Thôi anh đọc cho tôi nghe cũng được”. Nghe xong, ông Văn nói giọng hơi gắt: “Làm gì đến nỗi phải thế. Chỉ cần một cú điện thoại là được thôi”. Ông hỏi tôi: “Thế anh đã gặp anh Lanh chưa?” Tôi biết ông Văn hỏi tôi như thế vì trước kia tôi là cơ sở của ông Lanh, Phó bí thư Thành ủy. Tôi nói: “Tôi có gặp anh Lanh. Anh Lanh chỉ nói là “tại cậu hết”, rồi bỏ đi”. Ông Văn mời tôi uống nước và hút thuốc. Tôi nói: “Tôi đến gặp anh để báo cho anh biết trường hợp của tôi, không rồi sau này các anh lại nói vì sao không cho các anh biết”. “Thế bây giờ anh có định ra Bắc không?” “Không, không khi nào tôi ra Bắc hết”. Ông Văn gật đầu: “Anh đừng dại mà ra Bắc. Anh mà ra Bắc là bị nắm đầu liền”. Ông còn nói động viên tôi một vài câu nữa, và câu cuối cùng là “để tôi hỏi ý kiến của các anh ở thường vụ xem sao”. Tôi về nhà. Trời bắt đầu tối. Cây vú sữa lá vẫn lao xao. Con chó mực vẫy đuôi mừng. Mẹ tôi đi bán chưa về. Tôi thắp một cây đèn để giữa nhà, rồi giở lồng bàn ra, trên cái mâm gỗ, một tô cháo, một tô canh, một cái chén úp trên cái đĩa. Tôi rót một ly nước chè uống ực một cái, rồi rót thêm một ly nữa, bắc một cái ghế ra ngồi trước cửa nhà lớn hút thuốc ngó trời đất cây cối. Đứa nhỏ bên hàng xóm ru em hát, bên cạn thời chống, bên su thời chèo... Một lát sau, có một đứa nhỏ đứng ngoài hàng chè tàu thấy trong nhà có đèn nói với vào: “Anh Đính, anh Đính ơi! Chút nữa anh đem đèn ra cho mụ. Mụ nói mụ bới cơm rồi”. Tôi về ở nhà. Cỏ trong vườn mới làm đã mọc đầy. Buổi sáng tôi nhổ lông gà, lông vịt hay rửa lòng heo lòng bò giúp mẹ tôi. Buổi trưa tôi bắc bánh bột lọc, khoảng 2 giờ mẹ tôi gánh cháo ra chợ Vỹ Dạ, chiều tối lại lên bán trên múi Đập Đá trước lầu Hữu Ước. Tôi ở nhà hết đọc, viết, lại lên chỗ thằng San chơi. Trước tôi còn hay lên, nay chỉ thỉnh thoảng. Trong bạn bè, anh em quen biết đã có nhiều tiếng xì xào về việc tôi bị tống cổ ra Bắc. “Nghe nói thằng Đính hồi ở miền Bắc có làm thơ chống Đảng và nói xấu Bác Hồ”, “Nghe đâu ở miền Bắc thằng Đính bị kết tội chống Đảng, chống chế độ”, “thằng Đính phản động”, “uổng thiệt, tham gia cách mạng bao nhiêu năm!”, “Hình như thằng Đính có bị đấu tố, khiếp thật!”. Cứ như thế, những dấu hỏi, dấu than như thế cứ xa gần xì xào quanh tôi, lúc nhỏ, lúc to, lúc miệng này qua tai khác, lúc trợn mắt thở phù trong phòng kín, trước mặt, sau lưng, đầu ngõ, bên cạnh nhà. Không có tên công an khu vực nào nơi tôi ở không lẽo đẽo bên tôi cách này thế khác. “Thằng Đính là một tên phản động chống Đảng, chống chế độ, làm thơ nói xấu Bác Hồ”. Đời tôi tàn rồi. Một hôm tôi đi chơi về, thấy trên bàn có một mảnh giấy để lại. Đính, Cố gắng dàn xếp với trên tổ chức. Nếu không thì về Vỹ Dạ nằm tu. Còn ra Bắc thì dứt khoát không ra. Chỗ tao cũng hơi rắc rối. TNS Tôi hiểu ý thằng Thái Ngọc San là tôi không nên đến chỗ hắn làm việc nữa. Nhiều đứa đã tránh xa tôi. Nhiều đứa đã ngó lơ giả đò không thấy tôi. Nhiều đứa cực chẳng đã phải chào tôi cho có lệ. Và nhiều đứa cũng cứ về nhà tôi chơi, đi uống cà phê với tôi rất thân mật. Một buổi sáng có tiếng xe Honda tắt máy ngay trước cửa ngõ. một anh chàng mặc quần áo bộ đội, đội mũ cối, dắt xe vào. Lại mệt nữa, tôi giật mình, thôi công an rồi. Anh ta bước lên thềm, đứng trước cửa. À, thằng Năm ở Ban Tuyên giáo Thành ủy. Anh ta chào tôi: “A, anh Nhân”. Anh ta lấy trong xắc cốt ra một phong bì, đưa cho tôi. Tôi mở ra, công văn của Thành ủy. Thành ủy Huế Số 072/CV CÔNG VĂN Anh Nguyễn Đính (Trần Vàng Sao) là cán bộ của cơ quan Thành ủy được Thành ủy giới thiệu ra Bắc chữa bệnh từ 1969 nay đã trở về Huế. Hiện nay anh Nguyễn Đính chưa có đủ giấy tờ chính thức của Trung ương. Trong khi chờ đủ giấy tờ để bố trí công tác chính thức, Thành ủy Huế tạm sắp xếp anh Nguyễn Đính ăn ở tại cơ quan Tuyên huấn Thành ủy (diện khách). Thành ủy Huế quyết định: Ban Tuyên giáo thành chịu trách nhiệm quản lý việc ăn ở của anh Nguyễn Đính. Ban Kinh tế Thành bảo đảm tiêu chuẩn ăn ở. Ban tổ chức tiếp tục giải quyết thủ tục giấy tờ của anh Nguyễn Đính. Các Ban chiếu công văn này để thi hành. Ngày 20.7.1975 TM Thành ủy Huế Phó bí thư Hoàng Lanh Tất nhiên những người lãnh đạo ở đây không thể thả lỏng tôi mà phải quản lý chặt tôi. Hơn nữa nếu họ không cho tôi làm việc thì sẽ gây ra một dư luận dù nhỏ không có lợi cho họ trong giới sinh viên, giáo chức, văn nghệ sĩ ở Huế. Đằng nào tôi cũng là một trong những sinh viên Huế đầu tiên thoát ly tham gia kháng chiến chống Mỹ. Và bây giờ tôi được nhận làm “diện khách”. Khi thằng Ngô ở Hà Nội vào thăm nhà nghe chuyện này hắn cười thật to: “Diện khách! Tham gia cách mạng bao nhiêu năm bây giờ về làm... diện khách. Quá mất dạy. Hắn chơi mi đó”. Ba ngày sau tôi lên ở nhà số 22 Lý Thường Kiệt làm khách của Ban tuyên giáo Thành ủy Huế. Tôi không làm gì hết chỉ ăn, ở. Trần Phá Nhạc, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Thượng Khanh, Võ Quê cũng ở đây. Buổi sáng, buổi chiều tụi nó sang cơ quan ở 20 Lý Thường Kiệt làm việc, tôi nằm đọc sách hoặc về nhà hay đi lang thang. Trưa, chiều ăn cơm với tụi nó. Trong số anh em ở đây tôi thân với Trần Phá Nhạc hơn, mặc dù mới quen. Tôi hay đi uống cà phê với Nhạc. Buổi tối 2 đứa thường chở nhau bằng xe đạp loanh quanh luẩn quẩn trong thành phố. Tôi được cho ăn ở, hưởng các tiêu chuẩn, chế độ như anh em khác, nhưng không làm gì hết. Thật ra lúc này tôi chẳng là cái gì hết để cho họ phải theo dõi xem tôi có liên hệ với những phần tử xấu hay địch hoặc xem sự tiến bộ của lập trường, tư tưởng của tôi đến mức độ nào. Tôi chẳng là cái gì cả và họ cũng chẳng cần tôi. Vấn đề là tôi phải bị quản lý và đối với dư luận, tôi vẫn không bị bỏ. Tôi kệ cũng không được. Tuần đầu, tôi cứ ở 22 Lý Thường Kiệt. Về sau chán tôi cứ về nhà luôn. Tôi ăn cơm ở nhà, ngủ ở nhà. Có khi 2, 3 ngày tôi không đến 22 Lý Thường Kiệt. Và tôi cũng chẳng có gì buồn phiền, chán nản, mệt mỏi. Tôi về nhà tôi và sống với mẹ tôi. Tôi có anh em bạn bè thân mật của tôi. Tôi không còn nhớ ngày nào tháng nào nữa, đâu khoảng tháng 6, không biết có phải không, trước ngày đổi bạc lần thứ nhất một ngày, một buổi chiều, từ nhà lên đang đi trên đường Lý Thường Kiệt tôi bị gọi giật lại “Nhân, Nhân ơi!”. Tôi dừng lại. Ông Hoàng Lanh đang ngồi trên ô tô với người nhà từ ngôi nhà số 10 vòng qua bên kia đường. Ông ta ló đầu ra cửa xe. Tôi đứng phía bên này đường. “Nhân, bắt đầu từ bữa ni anh làm việc ở Ban tuyên giáo nghe. Có điện Hà Nội vào rồi. Rứa thôi nghe”. Sáng hôm sau tôi ghé 20 Lý Thường Kiệt làm việc và được cho làm ở tiểu ban tuyên truyền. Công việc chẳng có gì, vừa làm vừa chơi cũng được. Chỉ có vất vả là thời gian tôi về khu phố Vĩnh Lợi làm công tác bầu cử Quốc hội. Tôi không có xe đạp. Mỗi ngày tôi phải đi bộ từ nhà lên trụ sở Ủy ban nhân dân Vĩnh Lợi, trưa về nhà ăn cơm. Ăn xong đi liền, chiều lại về nhà. 2, 3 ngày tôi phải đến cơ quan báo cáo tình hình. May lúc đó chân cẳng tôi còn tốt. Phần đông những người ở Ban tuyên giáo là những anh em bạn bè quen biết. Không khí làm việc vui vẻ, thân mật. Một buổi trưa gần hết giờ làm việc, Nguyễn Đắc Xuân đứng nói với tôi cạnh cửa ra vào: “Đính nì, tao đã đề nghị mức lương của mi là 56 đồng. Tao phải đấu tranh dữ lắm. Có nhiều người không đồng ý. Tao ở trong ban xếp lương của cơ quan. Mi thấy rứa có được không?” [4] Tôi hỏi: “Rứa lương mi mấy?” “Ờ... ờ 73”. “Rứa à”. Tôi không nói gì nữa và cũng không để ý đến thái độ của hắn. Mấy ngày sau đó, cũng khoảng gần trưa, ông Trần Duy Ưu, Trưởng Ban tuyên giáo, bảo tôi vào phòng làm việc của ông, ông gần gặp riêng tôi. Sau khi nói cho tôi biết là thường vụ Thành ủy đã có quyết định xếp lương cho cán bộ, ông đưa cho tôi tờ quyết định về mức lương của tôi: 56 đồng (cán sự 2). Ông nói: “Anh thấy thế nào?” Tôi ngó tờ quyết định không nói. Tôi biết cách đây mấy ngày cán bộ Ban tuyên giáo đã nhận quyết định lương. Riêng tôi thì có khác là thủ trưởng cơ quan gọi vào phòng riêng để đưa quyết định và hỏi ý kiến. Ông ta nhắc lại: “Chúng tôi đề nghị mức lương của anh là 56 đồng, và thường vụ đã thống nhất ý kiến. Anh thấy sao?” Tôi nói: “Tôi được cho đi làm việc là may rồi. Còn xếp bao nhiêu là quyền các anh”. Khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6.1976, thằng Xuân một hôm đang ngồi làm việc, trong phòng chỉ có tôi và hắn, vừa cười vừa nói: “Nghe mi có người yêu rồi phải không? Con Hay làm ở khu phố Vĩnh Lợi chớ chi nữa?” “Ừ, mà răng?” “Hình như con Hay là con sĩ quan ngụy phải không mi?” “Mi Đảng viên mi phải sợ. Tao yêu ai thì tao yêu”. Chắc là họp chi bộ thằng Xuân có nói gì đó về chuyện của tôi nên sau đó ông Trưởng ban tuyên giáo hỏi tôi: “Nghe anh đã đặt vấn đề với cô Hay nào đó công tác ở Ủy ban Vĩnh Lợi phải không?” Ông ta cũng vừa cười vừa nói giọng Thừa Thiên làm dáng pha Bắc. “Mà cô ấy là con của một ông thiếu tá ngụy?” Tôi cười: “Trung tá anh ạ, và đã từng làm quận trưởng quận Phú Vang”. Lúc này Ban tuyên giáo đã dời ra số 1 Hoàng Hoa Thám. Một số người đã chuyển đi công tác nơi khác. Võ Quê ra Hội Văn nghệ, Trần Phá Nhạc qua đài truyền thanh Huế, Nguyễn Thượng Khanh xin đi học đại học y khoa. Từ lâu tôi đã biết thế nào tôi cũng phải đi khỏi chỗ này. Mà thật ra trong cái guồng máy tổ chức của chế độ này tôi không có một chỗ nào cả. Tôi đã bị đuổi. Có người đã bảo tôi: “Một thằng như mi, ai mà để công tác ở ban tuyên giáo”. Tôi đã nghe khi gần khi xa, khi to khi nhỏ từ những người ở trong cơ quan hoặc từ những người thân của những người trong cơ quan rằng tôi sẽ chuyển về công tác ở Ủy ban nhân dân xã Hương Lưu. Tháng 6.1976, tôi có quyết định của Thường vụ Thành ủy về Hương Lưu. Một buổi sáng tôi đang ngồi làm việc, thằng Lãm cán bộ Ban tổ chức ở phòng bên cạnh lăm xăm bước vào đến bên cạnh thằng Nguyễn Khoa Điềm, cúi gập mình lên bàn nói nhỏ nhỏ chi đó rồi đi ra. Thằng Lãm vừa ra khỏi cửa, thằng Điềm, lúc này là phó ban tuyên giáo phụ trách tiểu ban tuyên truyền, ngẩng mặt lên gọi tôi: “Anh Đính, tôi có chuyện cần bàn với anh”. Bàn làm việc của tôi đối diện với bàn của hắn. Tôi ngồi xuống cái ghế để trước mặt bàn hắn: “Thường vụ quyết định anh về công tác ở Hương Lưu. Anh nghĩ sao?” Tôi nói: “Tôi đi đâu là quyền của các anh”. Tôi quay lại bàn làm việc, vừa mới ngồi xuống thì thằng Lãm lại sang. Và cũng như lần trước hắn cúi gập mình lên bàn thằng Điềm và đưa cho thằng Điềm một tờ giấy, rồi đi về. Thằng Điềm lại ngẩng mặt lên: “Anh Đính, anh cho tôi nói cái này một chút”. Tôi bước sang. Thằng Điềm đưa cho tôi một tờ giấy: Quyết định của Thường vụ Thành ủy do ông Hoàng Lanh, Phó bí thư phụ trách tổ chức ký, điều động tôi về công tác tại Ủy ban nhân dân xã Hương Lưu với chức vụ đã sắp sẵn, trưởng ban văn hóa thông tin. Quyết định đã ký cách đây ba ngày. Điềm nói: “Tôi cũng không biết gì về việc này”. Tất cả sự việc diễn ra trong vòng chưa đầy 5 phút. Sau một ngày tôi nhận quyết định, ông trưởng ban tuyên giáo gặp tôi nói: “Đi công tác về tôi mới biết là anh đã có quyết định tăng phái về Ủy ban nhân dân xã Hương Lưu”. Tôi nói: “Anh Điềm, Bí thư chi bộ cũng nói với tôi là anh không biết gì về chuyện này. Bây giờ anh là thủ trưởng cơ quan và là Thành ủy viên anh cũng bảo là anh mới biết. Thế là thế nào? Cách đây một tháng, anh Nguyễn Đắc Xuân đã nói với tôi là tôi sẽ về Hương Lưu. Hôm qua, đến lấy cá tôi chào chị Vững tôi về Hương Lưu. Chị Vững cười: tôi biết lâu rồi, chi bộ họp đã nói chuyện chú sẽ về Hương Lưu”. Và, nhân tiện đưa tiễn mấy ông cán bộ ở Hà Nội vào giảng dạy ở trường Đảng thành phố, tôi được mời ghép đến ăn mấy cái kẹo, uống một hai ly trà gọi là tiễn đưa tại trường Đảng ở đường Phan Đình Phùng. Tôi về công tác ở Ủy ban xã Hương Lưu từ tháng 6.1976 đến 31.12.1976. Văn hóa thông tin ở các khu phố, xã là băng cờ, khẩu hiệu trang trí trong các ngày lễ và các buổi họp của ủy ban. Hằng ngày tôi đến cái phòng nhỏ số... đường Thuận An ngồi chõm rõm với một cậu thanh niên làm công tác văn hóa thông tin kiêm đánh máy cho Ủy ban và một cô y tá nói chuyện với nhau, ngó xe cộ và người đi đường qua lại. Căn phòng này trước là hiệu may của một người đã bỏ đi Nam, được chia làm hai, một bên là ban văn hóa thông tin, một bên là trạm y tế. Buổi chiều cán bộ định suất nghỉ, còn cán bộ tăng phái đi làm việc, tôi tới ngồi một chút rồi cũng đi về. Có một hôm, bà Hoa, Bí thư chi bộ xã Hương Lưu, hỏi tôi: “Tối nay, 7 giờ, anh đến nhà tôi, có một đồng chí công an ở tỉnh muốn gặp anh. Không can chi đâu, anh đừng lo”. Tối đó tôi đến nhà bà Hoa. Một ông khoảng trên 40 tuổi, mặc quần áo công an đang ngồi nói chuyện với bà Hoa giữa nhà. Ông ta nói: “Hôm nay tôi nhờ chị Hoa mời anh đến đây cho tiện, tôi có một vài chuyện muốn hỏi anh. Ông ta cười. Anh đừng lo. Không phải chuyện của anh đâu”. Rồi ông ta hỏi tôi: “Chắc anh đã đọc tờ Văn nghệ Bình Trị Thiên số 1. Anh thấy nội dung của hình vẽ của Bửu Chỉ trên tờ bìa như thế nào?” À, tôi biết rồi. Bìa trước và bìa sau của tờ Văn nghệ Bình Trị Thiên số 1 đang “có vấn đề” và đang gây dư luận xôn xao ở thành phố này. Các ông lãnh đạo tỉnh đang bực mình. Tôi nói: “Trang bìa vẽ một nhà máy và 2 đường sắt đi đến nhà máy. Thế thôi”. Ông ta ậm ừ trong miệng rồi hỏi nữa: “À, à... thế anh có quen với anh Bửu Chỉ không? Anh thấy anh Bửu Chí là người thế nào? Tôi hỏi như thế vì anh là người tham gia cách mạng đã lâu”. “Tôi mới quen anh Chỉ gân đây thôi. Tôi chưa hiểu anh Chỉ cho lắm, cho nên tôi không thể nói gì về anh ấy”. Lần khác, lúc đó tôi được phân công vào tổ bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố gì đó tôi không còn nhớ tại địa điểm thôn Phao Võng. Khoảng 10 giờ đêm, trong lúc tổ bầu cử đang kiểm phiếu, có 3, 4 thanh niên ăn mặc thường phục ngang nhiên bước vào ngó nghiêng, ngó ngửa, chỉ trỏ nói tiếng to, chẳng coi ai ra gì cả, tất nhiên là theo sau có một cán bộ Ủy ban. Công an về kiểm tra nắm tình hình xem có bọn phản động, chống đối phá hoại bầu cử hay không. Một tay thanh niên nói giọng miền ngoài đến trước mặt tôi hỏi: “Phiếu bầu có gì lạ không anh Đính?” Nhiều lần làm công tác bầu cử tôi biết là công an thường đến những địa điểm bầu cử và ngay cả Ủy ban thành phố trong đêm kiểm phiếu để kiểm tra những phiếu bất hợp lệ, và phiếu trắng có những dấu viết phản động, chống chế độ như thế nào. Tay này nhìn tôi gật gật đầu. Hắn có một khuôn mặt choắt, láng, trông trợt trợt, hình như tên Dũng thì phải. Hắn nói: “À, chắc anh không biết tôi, chứ tôi thì tôi biết rõ anh lắm, anh Đính nghe”. Tôi nói: “Tôi làm hướng dẫn cho cử tri đi bỏ phiếu nên không biết. Anh hỏi những người kiểm phiếu”. Trong lúc đó, những người đi cùng với hắn đang lục lọi, trăn qua trở lại những phiếu bầu mà chúng nghi là có vấn đề ở bàn kiểm phiếu. Cuối tháng 12.1976, tôi có quyết định lên công tác tại phòng văn hóa thông tin thành phố Huế. Chuyển chỗ này, chuyển chỗ khác không bao giờ tôi được báo trước, chớ đừng nói là hỏi ý kiến trước. Thình lình một cái người ta đưa quyết định cho tôi. Vừa bước chân vào trụ sở Ủy ban, một người nói: “A, ông Đính, ông có quyết định về phòng văn hóa thông tin. Sướng chưa? Nhận quyết định mà đi này”. Ngày... tháng 1.1976 tôi cưới vợ. Vợ tôi tên là Nguyễn Thị Hay lúc này đã thôi làm việc ở khu phố Vĩnh Lợi, đang học lớp y sĩ xã ở trường y tế Bình Trị Thiên. Trong thời gian tôi làm việc ở Phòng văn hóa thông tin thì xảy ra đại hội văn nghệ tỉnh Thừa Thiên. Tôi tưởng như thế này dẫu sao tôi cũng được yên. Bây giờ tôi lại bị bới ra. Một tên phản động làm thơ chống chế độ, nói xấu lãnh tụ như tôi ai mà cho dự đại hội văn nghệ. Tôi nghe nói là thường vụ Tỉnh ủy và Thành ủy không đồng ý để tôi dự đại hội. Có cái nghiệt tôi vốn là ủy viên ban chấp hành Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trị Thiên. Ông Tường gặp tôi ở trước cửa trường Đại học sư phạm lúc tôi đi làm việc về, nói: “Tao đã đề nghị anh Lanh cho mi dự đại hội văn nghệ”. Ông Tường làm như tôi nghe tin này thì mừng lắm. Tôi nói “Thôi anh ơi, thêm mệt cho tôi. Anh có cho tôi năm đồng ba trự thì tôi mừng, tôi cám ơn anh. Chớ chuyện đó... tôi không thiết. Anh để cho tôi yên”. Nói thật, tôi chẳng thiết gì về chuyện dự đại hội văn nghệ và cũng chẳng để ý gì đến chuyện này nữa. Tôi có lý của tôi. Như tôi hằng ngày vẫn viết, vẫn làm thơ, không bao giờ tôi nghĩ là thơ tôi sẽ được đăng báo hay xuất bản. Rồi một buổi chiều tôi vừa ra khỏi cổng Phòng văn hóa thông tin, số 1 Trương Định, ông Trưởng phòng đi Honda ra, dừng xe lại: “Anh Đính, chi bộ đã đồng ý để anh tham dự đại hội văn nghệ”. A, tức cười chưa! Về sau tôi bị tố là một kẻ không biết ăn năn hối cải; Đảng đã khoan hồng và độ lượng với tôi như thế mà tôi thì cứ chống Đảng, chống chế độ. Trước đó, lúc tôi còn ở Ban tuyên giáo Thành ủy, trong thời gian Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Thừa Thiên chuẩn bị in tập thơ “Huế từ ấy”, ông Tường nói tôi chép bài “Bài thơ của một người yêu nước mình” của tôi để in vào tuyển tập này. Khi tôi đưa bài thơ cho ông Tường ở 26 Lê Lợi, ông nói: “Đính ơi, tao nghĩ mi đừng để tên Trần Vàng Sao nữa mà để tên Nguyễn Đính. Nguyễn Đính thì ai cũng biết”. “Anh nói chi lạ rứa? Anh mà còn sợ à?”. “Ý của ông Trần Hoàn như thế?”. “Đăng hay không là quyền anh, đổi tên tác giả là quyền tôi. Tôi không bao giờ đổi tên Trần Vàng Sao hết. Nếu đăng anh không được quyền đổi tên tác giả. Tôi sẽ kiện có một tên Nguyễn Đính ăn cắp thơ Trần Vàng Sao”. Một hôm tan buổi họp gì đó ở ty văn hóa thông tin (lúc đó ở số... Lê Lợi), ông Trần Hoàn, trưởng ty, gặp tôi trên thang gác đi xuống nói: “Nhân, Nhân ơi, thôi được rồi, cứ để tên Trần Vàng Sao trong bài thơ của anh. Vừa rồi tờ Văn nghệ Giải phóng ở Sài gòn đã đăng lại bài thơ đó và để tên Trần Vàng Sao”. Thằng cha quá khôi hài. Hình như lúc đó không biết có phải là Lê Nhược Thủy hay không có viết về bài thơ này của tôi trên Văn nghệ Giải phóng. Tác giả tỏ ra có cảm tình với bài thơ của tôi. Sau này khi ra tờ Văn nghệ Bình Trị Thiên, rồi Sông Hương, bạn bè khuyên tôi nên đăng thơ cho vui, “chỗ anh em với nhau, ai vô đó”. Tôi không chịu. “Cái thằng chi lạ”. “Rứa mi làm thơ rồi cất trong tủ à, hay chỉ đọc cho con Bồ Câu nghe thôi à?” [5] Tôi chỉ cười. Lúc Sông Hương sắp ra số 1, có người rủ tôi: “mi phải gửi bài đăng Sông Hương số 1”. Tôi lắc đầu, Sông Hương ra được vài số, thằng Điềm đến nhà tôi nói tôi đưa 2 bài thơ cho hắn đăng. Tôi nói: “Thôi đăng làm chi. Tao không thích”. Hắn mượn tôi một số bài đem về đọc. “Cho mi mượn đọc, chứ đừng đăng”. Lúc này thằng Điềm làm Tổng biên tập tạp chí Sông Hương. Mấy ngày sau tôi gặp hắn đòi mấy bài thơ với lý do tôi chỉ có một bản duy nhất đó. Hắn báo là bà Mỹ Dạ mượn. Tôi lên nhà ông Tường liền và lấy lại mấy bài thơ về. May quá. Một bữa khác, gặp tôi, bà Mỹ Dạ nói: “Anh Điềm bảo Dạ: răng chị lại đưa mấy bài thơ lại cho thằng Đính. Chị cứ chọn mà đăng. Mà răng anh chướng rứa, anh Đính? Đăng cho vui chứ”. “Thôi chị ơi!”. “Anh sợ à?”. “Đụng tôi bị tù thì làm răng?”. “Anh ở tù thì bọn này bói”. “Rứa ai nuôi con tôi?”. “Nói rứa thôi, đưa thơ đăng đi anh Đính”. Anh em bạn bè khuyên nhủ, nói nhiều lần, cầm lòng không đậu, tôi đưa bài “Những ngày còn nhỏ của tôi ở Vỹ Dạ” để đăng. Bài thơ dài nên chỉ trích đăng một số đoạn có chừng mực. Từ đó, nhờ tấm lòng của bạn bè, thỉnh thoảng thơ tôi lại được đăng ở Sông Hương. Một số bài trong những bài này của tôi đã bị báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình và nhiều người có chức quyền ở tỉnh này sỉ vả tôi dữ tợn, tóm một lời, họ cho tôi là phản động. Có người ở báo Công an Bình Trị Thiên gọi tôi là chó, rằng lúc ở Hà Nội, Đảng đã khoan hồng cho tôi mà nay tôi lại không biết điều... Nhưng đó là những chuyện xảy ra về sau này. Những tháng năm này cả nhà tôi đói. Chú thích: [1] Đốt. [2] Hình như lúc đó ông gọi tôi là Nhân, tên ở Chiến Khu của tôi [3] Three Who Made a Revolution của Bertram D. Wolfe. [4] Tôi nhớ hình như thằng Xuân nói: “tao đã xếp cho mi” [5] Bồ Câu là đứa con gái đầu của tôi.