ính gửi thầy Mạc Ngôn Nếu nhớ không lầm, trò đã gửi cho thầy tổng cộng tám tác phẩm, nhưng cho đến nay chưa nhận được một chữ của các ông lớn trong Ban biên tập “Quốc dân văn học”. Lạnh nhạt với một thanh niên văn học như thế, theo trò là không thoả đáng. Mở cái cửa hiệu to đùng như thế, lẽ ra họ nên đối xử tốt với những người gửi bản thảo. Tục ngữ có câu: “Ba mươi năm Hà Đông, ba mươi năm Hà Tây”, “Trời xoay đất chuyển, anh lên tôi xuống”, “Người không thể cả nghìn ngày đều tốt, hoa không thể cả trăm ngày đều tươi”, “Núi đụng nhau khó, người đụng nhau dễ”. Biết đâu một ngày nào đó, hai thằng cha Châu Báu và Lý Tiểu Bảo lại đụng vào mũi súng của trò! Thưa thầy, từ nay trở đi trò không bao giờ gửi bản thảo cho tập san “Quốc dân văn học” phản động do bọn xấu điều hành. Bọn ta gặp khó nhưng chí không nhụt, đất trời mênh mang, báo chí như rừng, hà tất treo cổ tự tử ở “Quốc dân văn học”! Trò nói vậy, đúng không thầy? Công việc chuẩn bị cho lễ hội Rượu Bú Dù lần thứ nhất đã hòm hòm, trò cũng đã có phương án khắc phục vi khuẩn bệnh rượu. Hàng mẫu đưa lên tổ giám định, các vị chuyên gia trên ấy nếm xong đều khen hương vị độc đáo, nhăn nhăn nhó nhó như cô gái ẻo lả gặp gió. Hiệp hội Đặt Tên Rượu đặt cho cái tên “Bệnh Tây Thi”, trò thấy cái tên không ổn, chữ “bệnh” bất lợi, gây ấn tượng xấu cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến kinh doanh. Trò kiến nghị đổi “Bệnh Tây Thi” thành “Tây Thi chau mày” hoặc “Đại Ngọc chôn hoa”, mấy tên đó đều hàm nghĩa người đẹp có bệnh, nhưng câu chữ thì dịu dàng tình tứ, khiến người thương cảm hơn nhiều. Hiệp hội Đặt Tên nói trên toàn là những người vừa đố kị vừa bảo thủ, dứt khoát cứ ôm lấy “Bệnh Tây Thi”, trò không chịu nổi bèn xách rượu lên gặp thư ký của Thị trưởng, biếu rượu ngon, dùng đại nghĩa để thuyết phục, thư ký cảm động dẫn trò đi gặp Thị trưởng. Nghe trò trình bày xong, Thị trưởng trợn mắt hạnh, dựng mày liễu đập bàn đứng dậy, lại đập bàn ngồi xuống, cầm điện thoại lên, bấm số như máy gọi Hội trưởng Hiệp hội Đặt Tên xạc cho một trận lên bờ xuống ruộng bằng những lời lẽ nghiêm khắc, bằng những lý lẽ hùng hồn, như dội nước sôi vào tổ kiến, như lửa đốt tổ ong, như quật ngang một gậy vào tổ rắn rết. Trò không nhìn thấy nhưng cơ bản cũng coi như nhìn thấy: Hội trưởng Hiệp hội Đặt Tên phủ phục trên mặt đất, mồ hôi trên đầu như những hạt ấậu vàng. Bà Thị trưởng khen ngợi trò, nói rằng trò lập công lớn đối với lễ hội Rượu đầu tiên và cũng là đối với thành phố Rượu. Rồi Thị trưởng hỏi han chuyện gia đình, chuyện công tác, chuyện ham thích ngoài giờ làm việc, chuyện kết bạn… của trò. Trò cảm thấy trong lòng phơi phới như mùa xuân ấm áp, bèn dốc bầu tâm sự. Bà Thị trưởng rất quan tâm đến tình hình của thầy, trực tiếp bảo trò mời thầy về dự lễ hội Rượu Bú Dù. về kinh phí ăn ở, Thị trưởng “xì” một cái, nói: “Dồn rượu đáy chai ở thành phố Rượu, đủ nuôi mười Mạc Ngôn!” Thầy Mạc kính mến, trò nhường quyền đặt tên rượu cho thầy, “Tây Thi chau may” hay “Đại Ngọc chôn hoe” là tuỳ thầy quyết định. Đương nhiên thầy có tên nào hay hơn nữa thì càng tốt. Bà Thị trường đồng ý trả cho thầy mỗi chữ của cái tên một nghìn vàng. Ngoài ra, lại còn dám đề nghị thầy viết cho mấy dòng quảng cáo có tính văn học, bọn trò quyết bằng mọi giá nhét được quảng cáo đó vào giờ cao điểm của đài truyền hình Trung ương, giới thiệu “Tây Thi chau mày” hoặc “Đại Ngọc chôn hoa” với nhân dân toàn quốc, thậm chí với toàn thế giới. Do vậy, đoạn quảng cáo phải cực kỳ quan trọng về lời lẽ, vừa hài hước vừa hình tượng sinh động, để người ta như trông thấy em Đại Ngọc hoặc chị Tây Thi chau đôi mày liễu, chúm chím đôi môi anh đào, thướt tha như cành liễu trước gió, ai mà đang tâm không mua, nhất là những thanh niên nam nữ mắc bệnh tương tư, thất tình, thần kinh quá nhậy mà lại hiểu biết đôi chút về văn học cổ điển, thì bán cả quần để uống để thưởng thức để dùng nó chữa bệnh ái tình hoặc dùng nó như viên đạn bọc đường tấn công ý trung nhân bằng vật chất mang tính chất tinh thần hoặc tinh thần mang tính vật chất để đạt mục đích của mình. Dưới sự khơi gợi của những dòng quảng cáo mê li rụng rốn của thầy, mùi rượu bệnh èo ợt sẽ biến thành trạng thái bệnh lý, do vậy nó cũng là mùi vị say đắm của tình yêu. Đám thanh niên nam nữ thuộc thành phần tiểu tư sản Trung Quốc phát triển không lành mạnh, tâm hồn èo ợt, phải đem đến cho họ lí tưởng, hi vọng, sức mạnh để họ không đến nỗi treo cổ tự tử. Vậy là rượu này sẽ trở thành rượu tình chấn động thế giới, vậy là tất cả khuyết điểm của rượu này sẽ biến thành đặc điểm nổi bật khiến mọi người chú ý. Thưa thầy, thực ra rất nhiều khẩu vị của nhân loại là kết quả của huấn luyện mà có. Một thứ gì đó, nếu mọi người đã nói là tốt, thì không ai dám nói là xấu. Cái thích của đại chúng có quyền lực ghê gớm, nó như quyền lực của Trường ban tổ chức đối với cán bộ cơ sở, bảo anh tốt là tốt, xấu cũng thành tốt; bảo anh xấu là xấu, tốt cũng thành xấu. Ngoài ra, uống rượu cũng như ẩm thực nói chung có cái tật chóng chán, thích cái mới, thích phiêu lưu, thích sự kích thích. Rất nhiều món ngon đều là kết quả của. sự phản lại truyền thống, khinh thị lệ luật đã thành hình. Chán óc đậu thì ăn đậu phụ nhự - đậu phụ thối đầy nấm xanh nấm đỏ; chán thịt lợn tươi ngon thì để thịt thối rồi ăn giòi. Cũng vậy, chán quỳnh tương ngọc dịch thì đi tìm những loại rượu đắng rượu chua để kích thích niêm mạc đầu lưỡi. Vì vậy chí cần chúng ta biết cách dẫn dụ thì không có loại rượu nào mà không bán được, rất mong thầy bớt chút thời gian trong khi viết truyện dài mà cân nhắc câu chữ, có bà Thị trưởng cầm trịch, nhuận bút của thầy 'Sẽ rất thơm. Thầy bỏ ra bao nhiêu công sức để viết một truyện dài, chưa chắc đã nhiều tiền hơn vài dòng quảng cáo! Dạo này trò rất bận, bà Thị trưởng của trò vừa nghĩ ra một ý tưởng vĩ đại: bà ta định thành lập một tổ sáng tác, khởi thảo bộ “Tửu pháp”. “Tửu pháp” đương nhiên là phép tắc cơ bản, mọi mặt về rượu. Nếu như thành công, không nói phét chứ, sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về rượu, soi sáng muốn đời, vẻ vang vạn đại. Đây là một sáng tác có tính lịch sử, trò chân thành mong thầy tham gia Tổ khởi thảo “Tửu pháp”, thầy không trực tiếp chấp bút thì làm cố vấn thứ nhất cho bọn trò. Nếu chuyện này mà được tiến hành, mong thầy đừng từ chối. Thư viết linh tinh quá, đầu cá vá đầu tôm, nhưng cơ bản là vẫn đâu ra đấy, nguyên do là tại rượu, mong thầy thông cảm. Xin gửi kèm theo thư một truyện trò viết đêm qua, trong tình trạng ngà ngà, đề nghị thầy góp ý và gửi đăng ở đâu thì tuỷ thầy định đoạt. Truyện này trò viết để mưu cầu con số Chín, con số cát tường, trò kính nể như thần. Truyện “Tửu thành” là truyện thứ chín của trò, mong rằng nó sẽ là ngôi sao chiếu rọi quá khứ đen đủi và soi sáng bước đường gập ghềnh trước mặt của trò. Mong thầy đến, đợi thầy đến, thầy kính mến! Núi non ở đây mong thầy, sông nước ở đây mong thầy, lũ trẻ ở đây mong thầy, các cô gái ở đây mong thầy. Các cô như những bông hoa, miệng thơm mùi rượu nơi thiên quốc… Kính chúc thầy mọi sự tốt lành! Học trò: Lý Một Gáo 2 Tửu thành Bất kể từ nơi nào của quả đất, bạn có thể ngồi máy bay, đi tàu thuỷ, cưỡi lạc đà, cưỡi lừa, thậm chí cưỡi lợn nái đến Tửu thành. Mọi con đường đều dẫn đến La Mã, mọi rãnh nước đều dẫn đến Tửu thành. Trên thế giới có rất nhiều thắng cảnh, nhưng đẹp hơn Tửu thành thì không nhiều, nói không nhiều thì hơi hàm hồ, dứt khoát là không nơi nào đẹp hơn. Người Tửu thành chúng tôi thẳng ruột ngựa, thẳng như nòng lựu pháo. Nòng lựu pháo còn có khương tuyến ngoằn ngoèo, người Tửu thành chúng tôi bụng không ngoằn ngoèo. Thọc gậy từ miệng ra thẳng hậu môn không hề vướng víu, đó là tính cách người Tửu thành chúng tôi. Nói rõ hơn, Tửu thành cũng là thủ phủ Tửu quốc chúng tôi, vạn nhất có bỏ sót thì mọi người đừng hiểu lầm. Còn cách Tửu thành một trăm dặm, bạn đã ngửi thấy mùi rượu. Giữa sân chính quyền dựng một cái cóng rượu bằng đá trắng, một đàn tế rượu màu đen. Các bạn đừng nghĩ rằng đó là trào phúng, tuyệt đối. không phải. Từ khi cải cách mở cửa đến nay, nhằm nhanh chóng nâng cao đòi sống của người dân, chính quyền các nơi tìm đủ trăm phương nghìn kế, kết hợp tình hình thực tiễn của địa phương với tinh thần của Trung ương, sáng tạo rất nhiều phương thức phương pháp, có núi ăn núi, có nước bán nước, có phong cảnh phát triển du lịch… ào ào mười mấy năm đã xuất hiện thành phố ma, kinh đô khói, siêu thị pháo… Đặc điểm của thành phố Rượu chúng ta là rượu nhiều, rượu ngon, vậy nên uỷ ban bám chắc rượu mà lập trường đại học Chưng cất rượu, xây dựng bảo tàng rượu, mở rộng mười hai quán rượu cổ, xây mới ba nhà máy rượu cỡ lớn áp dụng kỹ thuật tiên tiến của thế giới. Lấy rượu làm đầu tàu để phát triến nghề dịch vụ, ăn uống, chăn nuôi gia súc gia cầm quí hiếm… Giờ đây, Tửu quốc chỗ nào cũng thơm mùi rượu, nhà nhà có rượu ngon; Vài nghìn quán rượu ngày đêm đèn đuốc sáng trưng, rượu chảy như suối. Rượu ngon thức nhắm tốt hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước, các thực khách, các bợm rượu thăm viếng, uống rượu, thưởng thức món ăn. Đương nhiên quan trọng hơn cả là thu hút các lái rượu để cho rượu ngon của thành phố Rượu cùng với tiếng thơm của nó chảy tràn thế giới, rượu ngon chảy đi, tiền đô chảy về. Những năm gần đây, hàng năm thành phố Rượu nộp ngân sách nhà nước… triệu nhân dân tệ. Đồng thời mức sống của nhân dân thành phố đã được nâng cao rất nhiều, từ lâu đã “đủ ăn”, đang vươn lên mức “khá”, hưởng theo mức “giàu”. Cái gọi là “giàu”, tức… Nói đến đây chắc các vị đã rõ ý nghĩa quan trọng của công trình điêu khắc chiếc cóng rượu và đàn tế tửu đặt tại sân Uỷ ban Thị đến mức độ nào! Chư vị độc giả, tào lao vài câu vậy thôi. Giờ xin vào việc chính: chư vị đến Tửu thành, mắt ngắm màu rượu, mũi ngửi hương rượu, lưỡi nếm vị rượu, đồng thời nghe tôi bàn về rượu, nghe các nàng xinh đẹp hát tửu ca, hưởng thụ hết mình, xin đừng khách khí. Rượu gặp bạn hiền nghìn li chưa đã, rượu vàc lời ra nói năng cho thoả! Trước mặt bạn bày đầy rượu quí, sau lưng bạn từng dẫy sơn hào. Chư vị ăn tuỳ sức, chư vị dùng tuỳ tâm, uống không mất tiền, ăn không phải trả. Tôi là Chủ nhiệm uỷ ban trù bị cuộc họp báo, vốn định thu mỗi vị năm hào tiền công nấu nướng, Thị trưởng của chúng tôi bảo như thế chẳng khác trò đánh đĩ, năm hào bạc không mua nổi nửa cái dương vật con lừa, thu làm gì? Hơn nữa, đến dự hôm nay đều là khách quí từ xa đến, thu tiền của các vị không sợ thiên hạ cười rụng răng? Rụng răng thì khoa Răng của bệnh viện phát tài to. Nhân đây xin thông báo: Bệnh viên nha khoa của Tửu thành chúng tôi đã nghiên cứu thành công răng giả bằng vật liệu không mòn, vị nào răng có chuyện xin đến ngay bệnh viện, chữa miễn phí. Cấy loại răng này không sợ nóng, không sợ lạnh, không sợ chua, không sợ ngọt, cắn thủng sắt, nghiên võ gang, rắn đến mấy cũng đành chịu phép trước hàm răng rắn chắc này. Vừa rồi là chuyện Egoài lề, giờ xin trở lại chuyện chính: ngươi dân Tửu thành chúng tôi nấu rượu chí ít; đã ba trăm năm lịch sử, một lô những hiện vật khai quật được cung cấp thông tin cho chúng tôi về chuyện này. Đây là nơi cái gì cũng có. Các chuyên gia đã chứng minh rằng, di chỉ Nguyệt Quang Đôi cách nay ba nghìn năm trăm năm, khi ấy là cuối đời Hạ. Những năm tháng xa lắc xa lơ đó, nơi đây rượu đã chảy như suôi, hương rượu cay nồng. Giờ đây dân rượu còn có tác phong tệ hại: ra sức bốc phét! Anh bảo rượu anh say đổ Đại Vũ, tôi bảo rượu tôi đốn ngã Khang Hy; anh bảo rượu anh điên đảo Dương Quí Phi, tôi bảo rượu tôi đánh gục Hán Vũ đế… Toàn giọng ba hoa, hại không phải nhỏ. Tửu thành chúng tôi mới đúng là thực sự cầu thị, lấy bằng chứng thuyết phục mọi người. Các bạn, hãy nhìn viên gạch này, nó không phải viên gạch thông thường. Nó là loại gạch - tranh đòi Đông Hán, khai quật ở Tửu thành chúng tôi. Trên mặt một viên gạch là bức vẽ cảnh nấu rượu. Chúng tôi vui mừng nhận thấy rằng, việc sản xuất rượu của Tửu quốc thòi đó đã đi vào qui trình phân công hợp tác: trên tranh, một phụ nữ tay trái vịn vào chiếc ang lớn, tay phải khuấy động nước lạnh trong nồi Người đàn ông pbía bên phải ang đang thêm củi vào lò. Đứng bên máng là một người đàn ông khác đang theo dõi quá trình hứng rượu. Phía dưới, một người đàn ônịí gánh hai thùng nước trên vai, phụ trách việc cung cấp nước… Bức tranh miêu tả sinh động qui trình sản xuất rượu cách đây mấy nghìn năm, giống y chang thầy Mạc Ngôn viết trong “Rượu cao lương”. Mời xem bức tranh trên viên gạch thứ hai: “Quán rượu”. Quán có mặt tiền là con đường, đàn tê rượu ngổn ngang, chủ quán đứng sau quầy bán hàng, góc trên bên trái bức tranh có hai khách đang hoa chân múa tay nhằm hướng quán chạy tới. Xin xem viên gạch thứ ba: bức tranh “Yến ẩm đồ”, trong tranh có bảy người, chính giữa có ba, bên trái hai, chỗ ngồi trật tự, ngay ngắn, trước mặt để ngổn ngang cốc chén, mọi người đang cụng li mời mọc, quang cảnh y hệt bây giờ. Tôi xin dừng lại ở đây, không lảm nhảm nữa. Ba viên gạch chứng minh hùng hồn rằng, Tửu thành chúng tôi là cội nguồn của văn hoá rượu Trung Hoa, nó đập tan những luận điệu hoang đường về lịch sử rượu, đập vỡ bình vua Vũ, ghè nát chén Bá vương. Dương Quí phi là con gái của thành phố Rượu lấy chồng nhà Đường, mỗi khi tắm Ôn Tuyền phải pha vào nước ấm một thùng rượu cao lương cho mịn da, nếu không, da nàng sao trắng đến như thế, làm sao khuôn mặt nàng rạng rỡ như đoá hải đường dưới mưa xuân! Hán Cao tổ là ngươi con của Tửu quốc, khi đẻ ra, mẹ ông mất sữa, bố ông cho ông uống rượu hâm, làm sao có thể so sánh một đứa trẻ lớn lên bằng sữa mẹ với một con ngươi lớn lên bằng rượu mạnh? Hỡi những kẻ khoác lác, hãy đổ rượu của các người xuống sông! Rượu của Tửu thành là rượu lịch sử, rượu của Tửu thành là rượu kinh điển thấm đẫm văn hoá Trung Hoa. Các bạn, những kẻ phét lác quên mất một điều sơ đẳng: việc chưng cất rượu mới bắt đầu từ đời Hán, đòi vua Vũ chỉ có rượu lên men.. Các tranh khắc trên gạch Hán đã chứng minh, đòi Hán có cuộc cách mạng về sản xuất rượu. Các bạn, như con sông Rượu Ngọt ngày đêm chảy mãi, rượu ngon của Tửu thành trải bao năm tháng đã bước sang giai đoạn thành thục. Đầu đời Thanh xuất hiện lò rượu “Phúc Đại Đương” và một lò khác không rõ chủ, có tên “ Bộ Bộ Kiều Tửu”, trên cơ sở ấy xuất hiện lò “Phúc Kiều Đường” với loại rượu đứng đầu bảng “Vân vũ đại khúc”(Rượu mây mưa). Đời Thuận Trị triều Thanh, một thương lái nhỏ họ Viên, tên Dĩ, tự Ba Sáu. Đầu tiên ông ta mở quán rượu, sau ông ta sản xuất rượu. Ông ta rất giỏi thu thập công nghệ truyền thông của các lò rượu đương thòi, để cho ra đòi một loại rượu nổi tiếng. Rất tiếc là ông chết sớm vì bệnh tật. Người cháu ba đời tên là Viên cửu Ngũ thực hiện di nguyện của ông. Kế thừa những kinh nghiệm của tổ tiên, dựa vào sự từng trải trên thương trường, vào những năm đời Càn Long, anh ta mở lò rượu ở phố Giếng Con Gái bên miếu Bà Cô, ngoài cửa Đông. Tương truyền phía dưới miếu Bà Cô có cái mắt biển. Đụng phải mắt biển, Tửu thành sẽ biến thành biển cả Để tránh tai hoạ, nhân dân góp tiền dựng miếu, đúc tượng Bà Cô sơn son thiếp vàng trấn trạch, đè lên mắt biển. Miếu Bà Cô không lúc nào ngớt hương khói, nhất là vào ngày mồng Tám tháng Tư âm lịch hàng năm, người ta mở hội, thắp hương, ngựa xe như nước, con trai con gái đông vô kể, bọn lưu manh kéo đi từng lũ trà trộn trong đám đông sờ vú bẹo mông, khiến bọn con gái la oai oái. Nơi này quả nhiên là đất buôn. Viên Cửu Ngũ bèn mua đất bên cạnh miếu Bà Cô xây nhà đặt biển hiệu, lò thì xây bên cạnh giếng Con Gái. Giếng Con Gái cách miếu Bà Cô một dặm, nguồn nước từ con sông Rượu Ngọt chảy về, lọc qua cát sỏi nên trong vắt, ngọt lịm, được mệnh danh là giếng số một của Tửu thành. Tương truyền một người con gái đẹp tuyệt trần chết dưới ở giếng này. Sau khi chết, người đẹp biến thành mây hồng phủ kín miệng giếng, quanh năm không tan. Người cháu ba đời họ Viên còn nhớ, giếng Con Gái từng cung cấp nước ngọt thượng hạng để sản xuất rượu “Bộ Bộ Kiều” nổi tiếng ở triều đại trước. Được xếp vào loại đại gia trong nghề sản xuất rượu, tất nhiên anh ta có con mắt tinh đời. Rượu “Phúc Kiều Đường” dùng nước giếng Con Gái, không chỉ có ý nghĩa “nước là máu của rượu”, mà còn vì nước giếng này đã nấu ra “Bộ Bộ Kiều”, hơn thế nữa, bản thân nó đã chứa đựng một nội hàm lịch sử văn hoá phong phú. Chí hướng không bình thường, kỹ nghệ không bình thường, nguồn nước không bình thường, tất nhiên dẫn đến sự mở đầu không bình thường. “Vân vũ đại khúc” chào đời, thắng lợi lớn. “Phúc Kiều Đường” trước cửa đông như chợ, áo ngắn đến làm thuê, áo dài đến làm khách, gánh hàng rong cùng bọn lưu manh qua lại không dứt. Một vị khách tên Lý Ba Gáo có làm hai bài thơ khen rượu “Rượu Mây Mưa”. Thơ rằng: Nương nương ém mãi xuân trong miếu Nước giếng nhiễm mùi biến thành mày. Thì ra người đẹp dung nhan đẹp, Dìm chết bao người trong đắm say! Nước thay cho áo, mây là màn, Lưu Linh không mảnh vải che thân. Mây mưa một cuộc còn hơn mộng, Vu sơn hồ dễ thắng trần gian! Thơ chẳng ra thơ, nhưng quả thật đã nói lên điều kỳ diệu của “Rượu Mây Mưa”. Biển hiệu “Phúc Kiều Đương” đặt ngay phía trước miếu Bà Cô, kiến trúc kiểu tiền điếm hậu phường, trực tiếp cung cấp sản phẩm cho người uống. Những người đến thăm miếu Bà Cô, từ rất xa đã trông thấy tấm biển hiệu to tướng chữ đen trên nền vàng kim, chữ viết theo lốĩ thảo, nét chữ phóng khoáng. Đó là thủ bút của nhà thư pháp nổi tiếng Kim Mao Qui. Hai bên cổng là hai câu đối của học giả Mã Khố Ni nữ sĩ. Đối rằng: Bước vô mắt ngẩn ngơ, Đi ra tim hồi hộp. Trong quán bày biện trang nhã, khiến người có cảm giác ấm cúng. Giữa trung đường treo bức hoạ của cao thủ Lý Mộng Nương nữ sĩ, vẽ Quý Phi say rượu, áo xống hỏ hang, da thịt trắng nõn, nhất là hai núm vú đỏ hồng như hạt anh đào. Khách rượu đến nơi này được một bữa no mắt. Đồ đựng rượu trong quán rất lạ so với các quán khác ở thành phố Rượu. Bình rượu có hình bắp đùi mĩ nữ, dung tích chia nhiều cỡ, hai lạng, ba lạng, nửa cân, nhiều ít tuỳ ý khách, cầm bình- rượu- bắp- đùi ấy lên mà thưởng thức mùi vị của nó quả là mát ruột mát gan. Tuyệt quá, kỳ diệu quá, tuyệt diệu quá! Rượu ngon, quán thanh nhã, tiếng lành đồn xa, chuyện lạ trên đời kể hoài không hết. Tương truyền trong một đêm đông giá rét đời Quang Tự triều Thanh, tuyết bay đầy trời, mặt đất trắng xoá, người giúp việc “Phúc Kiều Đường” định đóng cửa đi nghỉ, chợt trông thấy một người xách đèn lồng, tuyết bám trên người một lớp dày, từ trong đêm tối bước vào quán, nói rằng nhà ông ta có khách đòi uống “Rượu Mây Mưa”, nẻn phải gội tuyết mà đến. Báo hại là rượu ấy đã hết, chủ quán xin lỗi mãi, không ngờ ông khách một mực không chịu. Chủ quán cảm động trước nhiệt tình của ông khách, sai người giúp việc xuống kho lấy rượu, không dè cửa kho vừa mở, mùi rượu cuồn cuộn bay ra, ông khách không kìm nổi, xách đèn lồng xông vào, người giúp việc không kịp ngăn lại. Thế là chiếc đèn lồng bén lửa, lan ra kho rượu thành đám cháy lớn. Rượu cháy phừng phừng bò ra tứ phía, sau khi nuốt chửng kho rượu và quán “Phúc Kiều Đường”, lửa như một con rồng xanh đốt trụi miếu Bà Cô. Chư quân đừng quên đêm ấy tuyết bay đầy trời, mặt đất long lanh như ngọc vụn, ngọn lửa xanh biếc chảy dài khắp nơi, trời đất trắng xoá một màu, cảnh sắc đẹp lạ kỳ, không bút nào tả xiết. Sau trận cháy, nguyên nhân thất hoả và diễn biến của đám cháy được truyền đi với những tình tiết kỳ quặc. Tiếng tăm nhà “Phúc Kiều Đường” do đám cháy mà nổi như cồn, sau khi trùng tu, buôn bán càng phát đạt. Đám cháy rõ ràng đã quảng cáo rầm rộ cho nhà “Phúc Kiều Đường”! “Rượu Mây Mưa” không những ngọt giọng mà hương thì gầm trời có một. Một năm vào cuối xuân, chú thợ mở bồn chiết rượu, vô ý quên đóng vòi, rượu thấm ra ngoài, trong chớp mắt mùi rượu toả khắp, thanh niên nam nữ đi đường mắt mọng nước, mặt đỏ lừ mê mẩn. Khi đó có một đàn chim bay qua trên trời, đàn chim cũng mất phương hướng, xoay tít như chong chóng mà rơi xuống đất. Rượu thế mới là rượu, trầm ngư lạc nhạn, hớp hồn đoạt phách, tình cảm mặn nồng, phong lưu rất mực. Có thơ rằng: Một chén mây mưa ngọt giọng tràn Cỏ cây khoe sắc, người khoe xuân. Rượu này chỉ có nơi thượng giới, Mà nay hiện diện chôn trần gian! Thưa các quan khách, thưa các bạn, tôi nói hơi nhiều về cái hay của “Rượu Mây Mưa”, cần bổ sung một điều: bố vợ tôi, giáo sư Viên Song Ngư trường đại học Chưng cất thành phố Rượu, là cháu sáu đời dòng đích của Viên Cửu Ngũ, tác giả của “Rượu Mây Mưa”! Giáo sư Viên không giấu nghề gia truyền, dưới sự chỉ đạo của uỷ ban Thị, trong khoảng mười năm, thành phố Rượu chúng tôi đã sản xuất được mười mấy loại rượu mà xét về phương diện nào đó, còn ngon hơn rượu Mây Mưa, tỉ như “Lục nghị trùng điệp”, tỉ như “Hồng tông liệt mã”, tỉ như “Hoả thiêu vân”, tỉ như “Tây Môn Khánh”, tỉ như “Đại Ngọc táng hoa”… Càng phấn chấn lòng người ở chỗ, bố vợ tôi một mình lên Bạch Viên Lĩnh, tóc trắng như bông, mặt như hài đồng, kết bạn cùng lũ khỉ, học tập loài dã thú, hấp thụ trí tuệ của loài vượn, kế thừa sự nghiệp của tổ tông, học tập kinh nghiệm của nước ngoài, lấy xưa phục vụ nay, lấy ngoại quốc phục vụ Trung Quốc, lấy khỉ phục vụ người, cuối cùng đã sản xuất ra “Rượu Bú Dù” độc nhất vô nhị trên thế giới, một giọt đủ nghiêng thành! Rượu Bú Dù sẽ được trình làng nhân dịp lễ hội Rượu Dứ Dù lần thứ nhất. Vàng ngàn lượng dễ kiếm, một giọt rượu Dú Dù khó tìm! Các bạn chần chừ gì nữa, mau đến với thành phố Rượu! Đừng để lô! 3 Một Gáo huynh, Đã nhận được tác phẩm của huynh. Vừa hay có một anh bạn công tác ở nhà xuất bản, tôi đưa “Tửu thành” của huynh cho anh ta xem. Xem xong, anh ta vỗ bàn khen tuyệt, nói rằng đây là một vụ làm ăn rất tốt với nhau.. Anh ta đề nghị huynh mở rộng tác phẩm thành bảy tám vạn chữ, xen vào đó một sốđồ hoa hoặc tranh ảnh, thì có thể ra sách. Phía nhà xuất bản của anh ta chịu trách nhiệm biên tập, đặt tên sách, còn phía thành phố của huynh xuất tiền tài trợ và bao tũĩu mười vạn bản. Ảnh ta bảo, dù sao thì trong dịp lễ hội, thành phố phải có tài liệu tuyên truyền phát cho quan khách, vậy sao không in luôn quyển này. Khi đó quan khách mỗi người một bản trong tay, lịch sử thành phố Rượu, rượu ngon thành phố Rượu đều ghi trong đó, vừa thuận tiện, vừa đẹp mắt, vừa bảo tồn giá trị, vừa quảng cáo có hiệu quả. Tôi thấy ý kiến anh ta rất hay, huynh thử bàn với bà Thị trưởng xem thế nào. Ra sách này cần năm vạn tệ, bảo thành phố xuất cho người ta. Với tửu quốc, năm vạn tệ chẳng thấm vào đâu! Kết quả thế nào huynh cho biết ngay. Anh bạn tôi rất thích thú chuyện này, lúc ra về tôi có ghi địa chỉ của huynh cho anh ta, có thể anh ta sẽ liên hệ trực tiếp với huynh. Về việc đặt tên cho rượu của huynh, và việc tham gia tổ biên soạn “Tửu pháp” đương nhiên là có lợi nhiều mặt, tôi nhận lời, không vờ vĩnh làm gì.. Viết xong phần cuối bộ tiểu thuyết đầu tay, tôi lập tức đi Tửu quốc, khi ấy sẽ bàn kĩ hơn. Chúc huynh viết khỏe! Mạc Ngôn 4 Oa oa oa! Hễ nghĩ đến Khoan Kim Cương và những đứa trẻ sau khi bị ăn thịt, thải ra trong nhà xí, tinh thần trách nhiệm còn rơi rớt lại và tinh thần bảo vệ chính nghĩa trong con người Đinh Câu loé sáng như sao Bắc đẩu, rọi thẳng vào chỗ tối tăm mà ý thức luẩn quẩn trong đó. Lúc này, anh thấy vành tai và chóp mũi rát kinh khủng như bị một vật sắc nhọn tẩm chất cực độc cào rách. Anh vùng dậy, trời đất quay cuồng, đầu to như gốc cây liễu, nặng nhọc mò cặp mắt sưng húp, trông thấy ba bốn bóng đen mò ảo nhẩy ra khỏi người anh, tiếng chân chạm đất nghe nặng trịch. Đồng thời, anh còn nghe thấy tiếng kẽu chí choé. Loại chim thú quí hiếm nào kêu thế nhỉ? Anh trinh sát nghĩ tối gà rừng và thỏ đồng, phi long và chồn bay, đều là những món bày biện trên mâm ở Tửu quốc. Trên cái nền khi mờ khi tỏ trước mặt ấy, anh trông thấy một mảng toàn những con mắt xanh lóe sáng. Anh cố chu3rển động con ngươi để tuyến lệ chảy nước mắt ra. Anh dùng mu bàn tay dụi mắt, hình ảnh trước mặt rõ dần. Trước tiên, anh trông thấy mười tám con chuột đàn nhìn anh đầy vẻ căm thù, mõm nhọn hoắt, râu vểnh lên, bụng nung núc những mỡ, đuôi dài và nhỏ khiến bụng anh đau quặn, nôn một bãi những thứ lầy nhầy giữa phân và cao lương mĩ vị. Anh cảm thấy họng đau như bị rạch bằng dao sắc, mũi cay ghê gớm, chất gì đó khiến mũi tắc nghẽn. Rồi sau đó, đầu ruồi khẩu súng treo trên tường chĩa thẳng váo mắt anh, hình ảnh sinh động đến nỗi anh tỉnh như sáo, lập tức nhớ lại cảnh chạy trốn kinh hoàng cách đây chưa lâu, nhớ tới ông lão bán vụng vằn thắn như ở dưới âm phủ và ông già, bình rượu Mao Đài thắt giữa eo dải lụa đỏ như một tinh linh, nhớ tới con chó vằn hổ oai phong lẫm liệt… ý tưởng phong phú, đầu mối rối rắm, như mộng mà không phải mộng, thật đấy mà ảo đấy. Anh lại nhớ làn da mịn màng của nữ xế. Một con chuột lớn bò lên vai anh rồi nhanh nhẹn cắn vào cô anh một miếng, khiến anh rũ vội những tạp niệm trong đầu, trở về hiện thực. Anh rùng mình, hất văng con chuột, buột miệng thét lên một tiếng, nhưng tiếng thét của anh bị khung cảnh kỳ lạ cản lại. Anh há hốc miệng, đứng ngây ra nhìn ông già nằm ngửa, trên người có mười mấy con chuột đang nhẩy múa. Tai và mũi ông già đã bị lũ chuột đói - cũng có thể bọn chúng không đói - gặm cụt, môi bị gặm sạch, lộ ra hàm răng vàng khè, cái miệng từng tuôn bao nhiêu lời hay ý đẹp, giờ đây xấu khủng khiếp, sau khi bỏ đi những vật thừa, cái đầu ông già trông dễ sợ. Còn lũ chuột độc ác đang phấn khởi gậm hai tay ông già, bàn tay từng cầm vú khí gậy gộc đã lòi xương trắng, chẳng khác cành liễu bị lột vỏ. Anh trinh sát rất có cảm tình với ông già quắc thước này. Ông từng giúp đỡ anh trong lúc khó khăn nhất. Anh cố lê tấm thân mệt mỏi, xông lên đánh đuổi lũ chuột. Mắt lũ chuột từ đen láy lập tức chuyển sang màu đỏ, từ màu đỏ chuyển sang màu xanh ngọc, khiến anh trinh sát sợ quá lùi lại mấy bước cho đến khi đụng tường thì dừng lại vì không thể lùi được nữa. Lũ chuột nhe nanh múa vuốt, trợn mắt rung rầu, vai kề vai cánh thích cánh, đoàn kết thành một tập thể sẵn sàng xông lên bất cứ lúc nào. Khẩu súng săn trên tường đụng vào vai, Đinh Câu chợt nảy ra sáng kiến, anh giật khẩu súng, giương lên, ngón tay trỏ đặt trên lẫy, tư thế như đang xung trận, anh quát lớn: - Đứng im! Cựa là tao bắn! Lũ chuột nhìn nhau, múa may quay cuồng trêu ngươi anh trinh sát. Anh giận điên người, nghiến răng chửi: - Đ. mẹ lũ chuột chúng mày! Hôm nay cho chúng mày biết tay ông! Lời vừa dứt, anh xiết cò, súng nổ “đoàng” một tiếng như trái phá, một quầng lửa vọt ra, khói trong phòng mù mịt. Lúc khói tan, Đinh Câu rất hả hê thấy lũ chuột thất điên bát đảo, những con chưa chết chỉ tiếc không có thêm bốn chân để chạy nhanh hơn, để leo xà luồn nóc, bay mái vượt tường. Chỉ một thoáng, trong phòng không còn một con. Đinh Câu kinh hoàng khi thấy chỉ một phát súng đuổi được lũ chuột, nhưng khuôn mặt ông già cũng thủng lỗ chỗ như mắt sàng. Anh ôm súng; tựa lưng vào tường, hai chân nhũn ra từ từ khuỵu xuống, luôn miệng kêu khổ. Anh nghĩ, ông già chết rồi lũ chuột mới xâm phạm thi thể ông, nhưng không ai muốn tin đó là sự thật. Nhìn mặt ông già lỗ chỗ đạn ghém, ai cũng cho rằng ông trúng đạn chết rồi mới bị chuột ăn mắt mũi chân tay. Đinh Câu ơi là Đinh Câu, chuyến này thì nhà ngươi có nhảy xuống Trường Giang cũng không sạch tội, Trường Giang đục hơn Hoàng Hà nhiều! “Thánh nhân xuất thế, Hoàng Hà trong veo, vạn nhà thả đèn dưa. Đèn dưa nào? Đèn dưa gang, dưa hấu, bí đao! Đèn nào nữa? Đèn dưa chuột, đèn đầu lâu!” Bài đồng dao hay hát hồi nhỏ vang lên bên tai anh trinh sát đã bị suy sụp về tinh thần, tiếng hát từ xa đến gần, từ mơ hồ đến nghe rõ, từ yếu ớt đến mạnh mẽ, cuối cùng ầm ầm như một dàn đại hợp xướng gồm mấy trăm đứa trẻ mà lĩnh xướng lại là thằng con trai đã lâu không gặp của anh. Nó mặc chiếc áo sơ mi trắng, chiếc quần đùi xanh, như vầng mây trên trời, như cánh hải âu trên mặt biển biếc. Một dịch thể nóng như rượu vừa ra lò, từ hai hốc mắt chảy ra, ướt đằm gò má và hai bên khóe miệng. Anh đứng dậy chìa tay với con nhưng thằng nhỏ - xanh - biếc - trắng - tinh lùi ra xa rồi biến mất, còn trước mắt anh là một thảm cảnh do lũ chuột và anh tạo ra, một vụ án mạng chấn động Tửu quốc mà dù anh có mồm năm miệng mười cũng không thể cãi. Bộ mặt thiên thần của thằng con dẫn dắt anh bước ra khỏi phòng truyền thông nghĩa trang liệt sĩ. Con chó vằn hổ khiến anh sợ rúm vó đang nằm thẳng cẳng dưới gốc cây bách, mép ứa máu, có lẽ nó bị đầu độc. Anh trinh sát hồn vía lên mây, lom khom chui qua lỗ chó bên cổng, ra ngoài. Con đường lồi lõm, không một bóng người, chỉ mỗi cột điện bê tông đứng chơ vơ ngả dài bóng lên mặt đường. Mặt trời sắp lặn nhuôm màu máu lên khuôn mặt, anh đứng như bụt mọc trước trời chiều suy nghĩ rất lâu, cũng không hiểu nghĩ những gì! Xe lửa chạy qua thành phố Rượu, vang lên xinh xịch, tạo cho anh một linh cảm nào đó để hành động. Anh đi men theo con đường, có cảm giác nó sẽ dẫn anh đến nhà ga, nhưng một con sông chắn ngang trước mặt, mặt nước rực rỡ muốn mầu dưới trời chiều. Cảnh trên sông thật là đẹp, những con thuyền sặc sỡ bơi về phía mặt trời lặn, thanh niên nam nữ ngồi trên thuyền có vẻ là những cặp bạn tình. Chỉ bạn tình mới bá vai ôm cổ mà ánh mắt thì đắm đuối như thế! Phía đuôi thuyền là một phụ nữ trang phục cổ, vươn dài người mà bẩy mái chèo to bự, khuấy vỡ mặt sông long lanh như ngọc lưu li, cũng là khuấy lên mùi thi thể thôi rữa và hơi nóng hầm hập của bỗng rượu. Anh trinh sát cảm thấy động tác của người lái đò vô cùng uyển chuyển, làm như không phải chị ta chèo đò dưới sông, mà đang biểu diễn trên sân khấu. Một con thuyền lướt đi, lại một con thuyền nữa, một con thuyền nữa. Trên thuyền là những cặp bạn tình say nhau, lái thuyền là những phụ nữ duvên dáng. Anh trinh sát có cảm gác họ là học sinh, của một trường chuyên nghiệp nào đó, được huấn luyện rất có bài bản. Thế là tự nhiên anh đi theo họ, bước trên cori đường dọc theo bờ sông, lát bằng những tấm bê tông hình bát giác. Hai bên bò, những cây dương liễu xác xơ vì đã cuối thu, chiếc lá nào còn bám trên, cành thì như bằng kim loại, đẹp kiêu sa. Đi theo đoàn thuyền, anh dần trở lại bình tĩnh, quên đi những cảnh tró trêu trong đầu. Có người đi ngược lại, về phía mặt trời mọc, còn anh đi về phía mặt trời lặn. Con sông gấp khúc, trước mắt là mặt nước mênh mông, rất nhiều ngôi nhà cổ sơn đỏ, nhìn qua cửa sổ, đã lên đèn. Từng chiếc thuyền cập bến. Đám thanh niên nam nữ nối đuôi nhau lên bờ, biến mất sau đường phố. Anh trinh sát cũng vào phố. Anh cảm thấy một bầu không khí giả tạo thế nào ấy, người đi đường vật vò như những bóng ma. Nhưng cảm giác phiêu lãng khiến anh thấy trong người dễ chịu, bước đi nhẹ nhõm. Sau đó, anh theo dòng người bước vào miếu Bà Cô, thấy rất nhiều phụ nữ xinh đẹp quì lạy trước tượng Bà Cô má phấn môi son. Những người này ngồi trên gót chân đệm dưới mông. Anh nhìn say đắm những gót giày, nhìn rất lâu, trong đầu hiện ra những vết lõm của gót giày để lại trên đường. Một chú tiểu cầm cây cung nhỏ nấp sau cột nhằm bắn đạn đất sét vào mông những cô gái đang hành lễ. Mỗi khi bắn trúng, dưới chân Bà Cô lại có tiếng la oai oái. Sau mỗi tiếng la, chú tiểu lại nhắm mắt, chắp tay mô Phật! Đinh Câu không hiểu chú tiểu bụng dạ như thế nào, bèn tiến đến, cốc cho chú tiểu một cái vào đầu. Chú tiểu ré lên, giọng nữ. Mấy chục người ùa tới chửi anh là đồ lưu manh, trêu ghẹo các ni cô, như chửi AQ. mà Lỗ Tấn viết trong AQ. chính truyện. Một viên cảnh sát tóm cổ anh điệu ra ngoài miếu, quẳng xuống đất, đá một phát vào mông, Đinh Câu ngã úp mặt xuống bậc tam cấp như chó chực, môi giập, răng lung lay, miệng đầy máu tanh ngòm. Sau đó, anh bước lên cây cầu hình cánh cung nhìn mặt nước lấp lánh phía dưới, ánh đèn nhảy nhót như những đốm lửa. Một chiếc thuyền lớn đang trôi, rộn ràng lời ca tiếng nhạc chẳng khác chuyến du ngoạn ban đêm của thần tiên. Rồi sau đó anh lại vào một quán rượu. Hơn chục người đội mũ rộng vành ngồi uống rượu xung quanh một chiếc bàn. Mùi rượu thơm điếc mũi, mùi cá thơm rủn người khiến anh thèm rỏ dãi, cạnh tiến đến xin ăn, nhưng thấy mình bẩn quá nên ngại. Rồi thì không chịu nổi, nhân lúc mọi người không để ý, anh vọt tới một tay chụp bình rượu, tay kia vồ con cá, co giờ chạy. Chạy được một quãng khá xa, anh mới nghe thấy tiếng ồn ào sau lưng. Sau đó anh lủi vào một góc khuất chân tường, uống rượu ăn cá, nhai cả xương, nuốt hết. Bình rượu cũng cạn tới đáy. Lại sau đó anh du ngoạn cõi tiên, ngắm bầu trời đầy sao dưới nước, vầng trăng đỏ quạch ló khỏi mặt nước như khuôn mặt đứa trẻ. Tiếng nhạc trên sông nghe càng rõ, một chiếc thuyền lớn từ phía thượng lưu trôi xuống, trên thuyền đèn đuốc sáng trưng, một bầy vũ nữ mặc trang phục cổ đang múa trong tiếng sênh tiếng phách. Trong khoang có hơn một chục đàn ông, đàn bà ngồi quanh chiếc bàn uống quỳnh tương ngọc dịch, ăn hải vị sơn hào. Họ ăn uống nhồm nhoàm, nam cũng như nữ. Thôi buổi khác xưa rồi! Con gái cắm đầu mà ăn như lợn nái. Đinh Câu hoa cả mắt. Thuyền đã tới gần, có thể nhìn rõ mặt mũi, có thể ngửi thấy hơi của những người trên thuyền, trong số đó có Khoan Kim Cương, nữ xế, Dư Một Thước, Cục trưởng Vương, Bí thư Lý… Có một khuôn mặt thậm chí giống anh lạ lùng. Tất cả: bạn bè thân quen, yêu đương bồ bịch, tình địch thù hằn, đều tham gia bữa tiệc thịt ngưừi. Vì sao gọi là bữa tiệc thịt người? Vì món cuối cùng là một đứa trẻ mũm mĩm chiên vàng ngồi xếp bằng tròn giữa mâm, nụ cười mê hồn trên khuôn mặt. - Lại đây, Đinh Câu thân mến, lại đây nào!… - Anh nghe tiếng gọi lả lơi của nữ xế, trâng thấy bàn tay trắng trẻo xinh xắn của cô vẫy vẫy. Sau lưng cô, Khoan Kim Cương đang cúi xuống nói nhỏ điều gì đó với Dư Một Thước bé tí xíu. Nụ cười khinh bỉ vương trên mặt Khoan Kim Cương, nét cười nhạt phụ hoạ thoáng trên mặt Một Thước. - Tôi phản đối!… - Đinh Câu vừa quát vừa xông tới chiếc du thuyền, nhưng anh bị ngã xuống một cái hố toàn những thứ bẩn: rượu- thịt và thịt- rượu do người thành phố Rượu nôn oẹ ra đã lên men, những chiếc bao cao su nổi lềnh bềnh. Đây là mảnh đất màu mỡ cho các loại virut, vi trùng, vi sinh vật phát triển, là thiên quốc của ruồi nhặng, là địa đàng của giòi bọ. Anh trinh sát cảm thấy đây không phải chỗ tá túc, lúc các chất lầy nhầy như cháo sắp ùa vào miệng, anh tranh thủ thời gian la to: “Tôi phản đối! Tôi phản…” Các chất dơ bẩn không chút lịch sự, bịt miệng anh lại, sức hút của trái đất kéo anh xuống, chỉ vài giây sau, những thứ thiêng liêng như lí tưởng, chính nghĩa, tôn nghiêm, vinh dự, tình yêu… chìm xuống đáy cùng với anh trinh sát ngoại hạng nhiều nỗi truân chuyên.