- VIII -
TRƯƠNG VÔ KỴ tức TẠ VÔ KỴ

     rương Vô Kỵ hay Tạ Vô Kỵ là con của Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố, lại là con nuôi của Tạ Tốn. Trương Thúy Sơn là đệ tử thứ năm của Trương Tam Phong, Tổ Sư phái Võ Đương, còn Hân Tố Tố là con gái của Hân Thiên Chính, Giáo Chủ Bạch Mi Giáo, một đoàn thể bị xem là có hành động tàn bạo, bất lương.
Thời đó, trên giới giang hồ có lời đồn đãi là ai giữ được thanh đao Đồ Long thì được làm Minh Chủ Võ Lâm. Vì muốn chiếm đao này, Hân Tố Tố với người anh là Hân Dã Vương đã làm cho sư huynh Trương Thúy Sơn là Dư Đại Nham bị trọng thương. Sau đó, Hân Tố Tố còn giả làm Trương Thúy Sơn đã giết nhiều người trong phái Thiếu Lâm. Nhưng vì muốn điều tra về thanh đao Đồ Long, Trương Thúy Sơn đã theo Hân Tố Tố đến dự một đại hội do một Đàn Chủ của Bạch Mi Giáo tổ chức để khoe rằng mình đã chiếm được đao này.
Khi đại hội đang khai diễn thì một vi Hộ Pháp của Minh Giáo là Tạ Tốn đến và cướp được đao Đồ Long. Tạ Tốn vốn là học trò Thành Khôn, sư đệ Dương Phá Thiên là vị Giáo Chủ trước đây của Minh Giáo. Vì có mối hận riêng với Dương Phá Thiên, Thành Khôn muốn tiêu diệt Minh Giáo. Để đạt mục đích này, ông một mặt ngầm dựa vào người Mông Cổ lúc ấy đương thống trị Trung Quốc, một mặt cố gây sự thù hiềm giữa Minh Giáo với các môn phái khác. Ông đã sát hại cha mẹ vợ con Tạ Tốn. Để báo thù, Tạ Tốn đã giết người của các môn phái với mục đích đổ tội cho Thành Khôn, nhưng các môn phái lại biết chính Tạ Tốn là thủ phạm nên rất thù hận Tạ Tốn. Tạ Tốn đã cố tìm đao Đồ Long vì hy vọng sẽ tìm được trong đó một bí kíp võ thuật giúp ông thắng được Thành Khôn.
Cướp được đao Đồ Long rồi, Tạ Tốn làm cho mọi người còn sống sót trong đại hội bị điên loạn, chỉ trừ Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố vì đã lỡ đánh cuộc với họ và thua cuộc. Nhưng để giữ cho không ai biết tung tích, ông đã bắt cả hai người này theo ông đi tìm một hoang đảo nơi đó ông hy vọng được yên ổn nghiên cứu về đao Đồ Long. Dọc đường, thỉnh thoảng ông bị điên loạn và có lúc muốn hãm hiếp Hân Tố Tố nên Hân Tố Tố đã dùng ám khi bắn ông mù mắt. Nhưng cả bọn cuối cùng đã đến một hòn băng đảo có núi lửa và phải sống chung với nhau.
Vì đã trải qua nhiều lần nguy hiểm chung nhau nên Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố yêu nhau và lấy nhau. Họ sanh được đứa con trai trên băng đảo. Để cho TạTốn thương mến bảo bọc nó, họ đã cho nó làm con nuôi Tạ Tốn và để cho nó tên Tạ Vô Kỵ vốn là tên của đứa con Tạ Tốn đã bị Thành Khôn giết. Tạ Tốn không tìm được bí mật của đao Đồ Long, nhưng đã đem hết sở đắc của mình về võ nghệ dạy cho cậu bé Tạ Vô Kỵ.
Lúc Vô Kỵ lên mười, Tạ Tốn chỉ cách cho Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố trở về lục địa, còn ông thì tình nguyện ở lại băng đảo một mình. Vợ chồng Trương Thúy Sơn về đến lục địa thì đã gặp ngay nhiều việc rắc rối. Vì trong số người dự đại hội của Bạch Mi Giáo khoe đao Đồ Long, còn có người sống sót mà không điên loạn nên giới võ lâm đã biết là đao này về tay Tạ Tốn và Tạ Tốn đã bắt Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố theo mình. Do đó, họ muốn Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố cho biết tung tích Tạ Tốn và đao Đồ Long. Riêng phái Thiếu Lâm còn muốn báo thù cho những người của họ đã bị sát hại. Trương Thúy Sơn đã được thày là Trương Tam Phong và các sư huynh sư đệ trong phái Võ Đương triệt để yểm trợ. Nhưng khi được biết rằng chính Hân Tố Tố đã làm cho sư huynh mình là Dư Đại Nham bị trọng thương, Trương Thúy Sơn đã tự sát và Hân Tố Tố đã chết theo chổng. Vì cha mẹ ruột không còn con nổi dõi nên Vô Kỵ trở về với họ Trương.
Từ khi về lục địa, chính Vô Kỵ cũng đã bị nhiều người tìm bắt hỏi về tung tích Tạ Tốn và đao Đồ Long. Nhưng cậu bé này nhứt định không nói ra nên đã bị tra khảo và bị một cao thủ làm việc cho người Mông Cổ và có liên hệ với Thành Khôn đánh bằng Huyền Minh Thần Chưởng nên bị nội thương trầm trọng. Trương Tam Phong và các đồ đệ ông trong phái Võ Đương đã cố gắng cứu chữa cho Trương Vô Kỵ. Võ công của phải Võ Đương vốn phát xuất từ CỬU DƯƠNG CHƠN KINH nhưng phải này chỉ có được một phần ba của kinh ấy, hai phần ba còn lại thì một do phái Thiếu Lâm và một do phái Nga Mi nắm giữ. Vì không biết hết CỬU DUƠNG CHƠN KINH, phái Võ Đương không chữa được nội thương cho Vô Kỵ. Lòng thương đứa con của đệ tử mình đã làm cho Trương Tam Phong chịu nhục đến chùa Thiếu Lâm nhờ chùa này dạy cho Vô Kỵ phần CỬU DƯƠNG CHƠN KINH của họ.
Nhà sư Viên Chân được chùa Thiếu Lâm giao cho nhiệm vụ này chính là Thành Khôn. Khi dạy Trương Vô Kỵ học phần CỬU DUƠNG CHƠN KINH của phái Thiếu Lâm, ông biết rằng cậu bé này do phe mình đánh cho bị nội thương nên đã đả thông kỳ kinh bát mạch cho cậu. Việc đả thông kỳ kinh bát mạch như vậy thường thì làm cho người luyện nội công tăng thêm khả năng rất nhiều, nhưng trong trường hợp Trương Vô Kỵ, nó lại làm cho khí hàn độc của Huyền Minh Thần Chưởng thâm nhập vào tạng phủ và khó chữa hơn. Để cứu cậu bé Trương Vô Kỵ, Trương Tam Phong đã gởi cậu đến một danh y thời đó là Hồ Thanh Ngưu trị liệu. Tuy không lành bịnh, Trương Vô Kỵ đã nhơn cơ hội học được về nghề y và về các chất độc.
Sau đó, vì nhận lời một người sắp chết là Kỷ Hiểu Phù, cậu bé Trương Vô Kỵ đã đưa con gái của bà này đến núi Côn Luân. Trên đường về, cậu gặp một gia đình võ lâm gạt gẫm cậu để bảo cậu đưa đi kiếm Tạ Tốn. Nhưng cậu tình cờ biết được chân tướng những người này nên chạy trốn rồi lọt vào bên trong một thung lũng cách biệt thế giới bên ngoài. Tại đó, Trương Vô Kỵ ăn được những con nhái huyết có chất chí dương nên nhẹ bịnh đi. Đồng thời, cậu nhờ chữa bịnh cho một con vượn già mà lấy được cả quyển CỬU DUƠNG CHƠN KINH. Nhờ luyện theo kinh này, chẳng những cậu hết bị nội thương mà còn tăng thêm công lực.
Khi trở ra thế giới bên ngoài, Trương Vô Kỵ đã được đưa vào căn cứ của Minh Giáo trong lúc căn cứ đó đương bị người các đại môn phái đến đánh. Nhờ đối đầu với Viên Chân, Trương Vô Kỵ hoàn thành được Cửu Dương Thần Công. Sau đó, ông lọt vào nơi bí mật của Minh Giáo và luyện được Càn Khôn Đại Nã Di Tâm Pháp. Ngoài ra, Trương Vô Kỵ đã gặp lại Trương Tam Phong khi ông này vừa hoàn thành hai môn Thái Cực Quyền và Thái Cực Kiếm Pháp. Vị Tổ Sư của phái Võ Đương đã đem dạy hết hai môn đó cho Trương Vô Kỵ. Về sau, trong khi phải đương đầu lại các sứ giả của Minh Giáo nước Ba Tư, Trương Vô Kỵ lại bổ túc được võ công của Càn Khôn Đại Nã Di Tâm Pháp. Vậy, do sự ngẫu nhiên, Trương Vô Kỵ đã học được đến tột bực các môn tuyệt nghệ phát xuất từ ba dân tộc lớn: dân tộc Trung Hoa (với Thái Cực Quyền Kiếm Pháp do Tổ Sư phái Võ Đương là Trương Tam Phong sáng tạo), dân tộc Ấn Độ (với CỬU DUƠNG CHƠN KINH do Đạt Ma Tổ Sư phái Thiếu Lâm sáng tạo) và dân tộc Ba Tư (với Càn Khôn Đại Nã Di Tâm Pháp)
Vì cha là người của phái Võ Đương là một đoàn thể được cho là chánh phải, còn mẹ lại là người của Bạch Mi Giáo, một chi nhánh từ Minh Giáo mà tách ra, Trương Vô Kỵ rất muốn cho Minh Giáo và các chánh phái hoà giải nhau. Lúc đến căn cứ của Minh Giáo, ông được biết rằng đó là một đoàn thể đứng đắn và có tinh thần ái quốc. Sở dĩ nó bị chống đối là vì một phần do sự hiểu lầm, một phần do chỗ có vài phần tử làm bậy. Khi biết được việc này thì Trương Vô Kỵ đã có một võ công siêu tuyệt nhờ luyện được Cửu Dương Thần Công và Càn Khôn Đại Nã Di Tâm Pháp. Nhờ đó, ông đã cứu được Minh Giáo khỏi bị tiêu diệt và được tôn làm Giáo Chủ. Trong cuộc chiến đấu với các chánh phái tại căn cứ Minh Giáo, Trương Vô Kỵ đã gác bỏ một bên các mối hận thù riêng và cố tìm cách bảo vệ danh dự các phái đó nên đã hóa giải được một phần thù hận. Sau đó, ông đã tổ chức Minh Giáo lại cho có kỷ luật hơn và tránh các hành động tàn bạo bất nhân, rồi lại cứu các chánh phái bị khốn đốn vì Thành Khôn ngầm liên kết với người Mông Cổ để triệt hạ. Do đó, các chánh phái đã nhận Trương Vô Kỵ làm Minh Chủ Võ Lâm. Riêng phái Nga Mi vì chủ trương của Diệt Tuyệt Sư Thái nên lúc đầu không chấp nhận sự lãnh đạo của Trương Vô Kỵ, nhưng cuối cùng, Châu Chỉ Nhược cũng đã trao cho ông chức Chưởng Môn Nhơn của phái này.
Với sự yểm trợ của nhiều môn phái, Trương Vô Kỵ đã cứu được Tạ Tốn khỏi bị giết. Ông này cuối cùng đã đánh nhau với Thành Khôn và làm cho Thành Khôn bị mù mắt để trả thù, nhưng không giết Thành Khôn, lại còn tự hủy hết võ công để không còn ơn oán gì với Thành Khôn nữa. Phần Trương Vô Kỵ thì lấy được các bí kíp trong đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên.
Với tư cách Minh Chủ Võ Lâm, Trương Vô Kỵ là nhơn vật cầm đầu công cuộc nổi lên để đánh người Mông Cổ. Ông đã trao cho Từ Đạt là một đại tướng của Minh Giáo tham dự phong trào giải phóng người Hán, bộ VŨ MỤC DI THƯ là bí kíp về việc hành quân do Nhạc Phi sáng tác. Nhưng về sau, Châu Nguyên Chương (sau này là Minh Thái Tổ) đã vì muốn giành địa vi lãnh đạo mà ngầm chống lại Trương Vô Kỵ. Hai thuộc hạ mà Trương Vô Kỵ rất mến là Từ Đạt và Thường Ngộ Xuân đã đứng về phía Châu Nguyên Chương. Với võ công của mình, Trương Vô Kỵ có thể sát hại những thuộc hạ trong Minh Giáo đã chống lại ông vì lòng tham danh vọng và quyền lợi. Nhưng ông nhận thấy rằng công cuộc chống người Mông Cổ đương tiến triển khả quan, mà những người trong Minh Giáo theo phe Châu Nguyên Chương lại đương lãnh trọng trách trong việc đánh nhau với quân Mông Cổ. Nếu ông sát hại họ, công việc giải phóng dân Hán khỏi ách thống trị Mông Cổ có thể thất bại. Do đó, ông đã bỏ chức Giáo Chủ Minh Giáo và lui về ở ẩn.
Trên con đường lưu lạc của mình, Trương Vô Kỵ đã gặp nhiều thiếu nữ yêu thương mình và lòng ông cũng nhiều lúc phân vân, không rõ là mình chú tâm đền người nào nhiều nhất. Do đó, cuộc đời tình ái của ông cũng rất phức tạp.
1- Một trong những người đã yêu ông là Hân Ly, con gái của cậu ông. Cô này đã vì binh mẹ mà giết một người vợ lẽ của cha. Do đó, cô bị cha muốn sát hại và được thầy là Kim Hoa Bà Bà cứu. Cô gặp Trương Vô Kỵ lúc ông này còn nhỏ và bị nội thương. Cô muốn ép cậu bé Vô Kỵ về đảo Linh Xà để thầy mình chữa trị cho cậu. Nhưng cậu đã từ khước và cắn ngón tay cô để khỏi bị cô bắt. Cô yêu Vô Kỵ nhưng tưởng là cậu này đã chết. Về sau khi gặp lại Trương Vô Kỵ cô không nhận ra ông và đến lúc nhận ra thì cô đã điên điên rồ rồ chỉ nghĩ đến cậu Trương Vô Kỵ bé nhỏ đã cắn tay mình mà không yêu Trương Vô Kỵ đã trưởng thành.
2- Người thứ nhì yêu Trương Vô Kỵ là Tiểu Siêu, con gái của Kim Hoa Bà Bà. Bà nay vốn là một trong Thanh Sứ Nữ của Minh Giáo Ba Tư được đoàn thể này giao cho sứ mạng đi Trung Quốc để tìm bí quyết của Càn Khôn Đại Nã Di Tâm Pháp. Vì đã có chồng, bà không còn làm Thánh Sứ Nữ được nữa nên trao chức vụ này lại cho con và sai con đến căn cứ của Minh Giáo để thi hành sứ mạng của mình. Chính nhờ Tiểu Siêu giúp đỡ mà Trương Vô Kỵ gặp được miếng da dê ghi bí quyết về Càn Khôn Đại Nã Di Tâm Pháp. Tiểu Siêu yêu Trương Vô Kỵ và quyết tâm ở gần ông mãi mãi. Nhưng về sau, để cứu mẹ khỏi bị Minh Giáo Ba Tư hỏa thiêu vì tội thất trinh, Tiểu Siêu đã nhận làm Giáo Chủ Minh Giáo của Ba Tư và trở về nước này.
3- Người thứ ba yêu Trương Vô Kỵ là Châu Chỉ Nhược, đệ tử Diệt Tuyệt Sư Thái, Chưởng Môn Nhơn phái Nga Mi. Cô đã gặp cậu bé Trương Vô Kỵ lúc cậu bé này bị nội thương. Về sau, cô đã yêu Trương Vô Kỵ. Nhưng thầy cô là Diệt Tuyệt Sư Thải khi truyền chức Chưởng Môn Nhơn phái Nga Mi cho cô bà đã bắt cô thề độc là không được lấy Trương Vô Kỵ, mà còn phải dùng sắc đẹp để mê hoặc Trương Vô Kỵ hầu thực hiện sứ mạng của môn phái mình. Người thành lập môn phái này vốn là Quách Tường, con gái Quách Tĩnh và Hoàng Dung. Cha mẹ bà đã bị nạn khi quân Mông Cổ hạ thành Tương Dương. Nhưng trước đó, hai người đã trao thanh trao Đồ Long cho con trai là Quách Phá Lỗ và kiếm Ỷ Thiên cho con gái là Quách Tường. Quách Phá Lỗ đã tử nạn cùng với cha mẹ. Quách Tường thì còn sống sót và thành lập phái Nga Mi. Bà biết được sự bí mật của đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên và bí mật này đã được các Chưởng Môn Nhơn liên tiếp của phái này truyền lại cho nhau từ đời này sang đời khác.
Diệt Tuyệt Sư Thái dạy Châu Chỉ Nhược tìm đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên rồi dùng hai võ khí này chặt vào nhau làm cho cả hai cùng gảy và lấy các bí kíp giấu bên trong. Sau đó, Châu Chỉ Nhược phải lấy bí kíp võ công để tự luyện thành võ lâm cao thủ số một, làm rạng rỡ cho phái Nga Mi, còn bí kíp về hành quân thì giao cho một người lương thiện và có lòng yêu nước để họ tập luyện cho có đủ khả năng đánh đuổi quân Mông Cổ khỏi Trung Quốc. Vì kiếm Ỷ Thiên lọt vào tay Triệu Minh còn đao Đồ Long thì do Tạ Tốn nắm giữ mà cả hai đều có mối liên hệ mật thiết với Trương Vô Kỵ nên Diệt Tuyệt Sư Thái bảo Châu Chỉ Nhược lợi dụng Trương Vô Kỵ để lấy các võ khí đó.
Châu Chỉ Nhược đã làm theo ý Diệt Tuyệt Sư Thái và đã lấy được các bí kíp, rồi luyện tập theo CỬU ÂM CHƠN KINH. Nhưng vì muốn mau giỏi cô đã cho học phần thấp nhứt của kinh này và có những ngón đòn độc hại mà không có đủ công lực cần thiết. Mặt khác, cô vẫn còn yêu thương Trương Vô Kỵ. Để được kết hôn với ông, cô đã tìm cách hại Hân Ly và đổ tội cho Triệu Minh. Nhưng các hành động của cô đã bị Triệu Minh và Tạ Tốn biết và lần lần vạch ra cho Trương Vô Kỵ thấy. Cuối cùng, Châu Chỉ Nhược đã nói hết tâm sự của cô cho Trương Vô Kỵ biết. Cô cũng thành thật xin lỗi Hân Ly, trao chức Chưởng Môn Nhơn phái Nga Mi cho Trương Vô Kỵ rồi cắt tóc đi tu.
4. Phần Triệu Minh thì là con một thân vương Mông Cổ và đã được phong làm quận chúa. Lúc đầu, cô phục vụ triều đình Mông Cổ và tìm cách gây sự xung đột giữa các môn phái người Hán, lại dùng những thủ đoạn tàn độc để sát hại người của các môn phái ấy. Nhưng sau khi gặp Trương Vô Kỵ, cô lại yêu ông. Vì mối tình này, Triệu Minh đã bỏ gia đình mình và hết sức giúp đỡ Trương Vô Kỵ. Tuy có lúc cũng oán hận và e sợ cùng nghi kỵ Trịệu Minh, thật sự, Trương Vô Kỵ đã yêu Triệu Minh hơn hết và cuối cùng, khi mọi sự nghi ngờ đã giải tỏa hết, hai người đã kết hôn với nhau, lúc Trương Vô Kỵ rời bỏ võ lâmđể đi ở ẩn.