CHƯƠNG 9

     rận càn “Thuồng luồng” ở Xây-thả-von vẫn kéo dài. Nhưng con thuồng luồng chỉ quều quào vung những chiếc vòi sục quanh thân, ngày càng yếu ớt và tuyệt vọng. Nó kiệt sức.
Trong thông báo chống càn của huyện có một câu dí dỏm được truyền miệng trong nhân dân nhậy như thuốc súng: “Thuồng luồng mắc cạn, kiến đốt gần chết!”. Anh mỏ-lăm càn quét vội đặt thêm một đoạn mới trong bài hát chống càn nổi tiếng:
Ô la no... ò...!
Nước lên, cá ăn kiến
Nước xuống, kiến ăn cá
Nhưng đây không phải cá pa-khun, pa-khưng
Cũng khôngphải pa-bơk dài sáu cùi tay
Mà chính thị con thuồng luồng bọc sắt...
Đột ngột như tiếng sét, chiến dịch Trung Lào cuối năm 1953 đánh vỡ nát phòng tuyến đường số 9, cắt đứt quốc lộ 13. Xây-thả-von vùng dậy. Súng nổ như sấm bão trên các ngả đường lui quân của địch. Khu điều đại đội 200 lên phối hợp, vừa kịp diệt gọn cánh quân cuối cùng tháo chạy về đồn.
Pháp rút!
Tin vui phơi phới bay khắp Xây-thả-von, thông báo hỏa tốc của huyện đuổi theo không kịp.
Sau trận càn một tháng lẻ hai ngày, làng Na-bua tiêu điều. Thóc trâu mất gần hết, ba người bị giết, tám người bị bắt đi phu đi lính. Các mè ôm con cháu rớt nước mắt, lo chết đói. Sư ông không còn nến làm lễ cầu hồn cho người chết oan nữa.
Phò Phun và Tiến chạy như con thoi giũa các làng kháng chiến ít thiệt hại, vận động giúp cho Na-bua.
- Người Na-bua dẫn Pháp đến đánh chúng tôi phò ạ. Tưởng Pháp cướp thóc về chia cho họ làm giàu chứ!
- Làng kháng chiến chúng tôi nghèo, lấy đâu ra thóc giúp!
- Na-bua ở với Pháp, có bị đốt phá gì đâu. Họ giấu của đấy!
Đủ tiếng eo sèo, mỉa mai, khinh bỉ. Nhưng cuối cùng Pa-thôn gửi đến bốn voi chở thóc và cá khô, Thông-nọi biếu không ba trâu cày và hai trâu thịt, Kha-tạy tải cho một tạ muối Xê-liên. Mỗi chuyến hàng kèm theo vô số thư động viên an ủi. Các mè Na-bua lại khóc vì cảm động mừng rỡ. Và sư ông tụng kinh cầu Phật ban phúc cho anh Tiến người Việt Nam, quê làng nào không rõ, đã cùng chùa nửa cán nến giữa cơn quẫn bách.
Tổ It-xa-la chia nhau vận động lập làng kháng chiến, Xẩy chịu trách nhiệm giới bô lão và các nhà sư. Đeng và anh em du kích kéo cánh thanh niên đi tỉ tê:
“Vào du kích nhé?”. Kham gặt lúa sớm với chị em, rủ rỉ:
- Vào làng kháng chiến chúng mình đỡ lo. Nhớ cái hôm nó phá cửa buồng... Lạy Phật! Tao lại mất vía!
Một cô bị Pháp hiếp tủi thân, vất liềm, òa khóc: “ Biết thế này... vào sớm như người ta... thì đâu đến nỗi!”. Vài chị có chồng hẹn thúc giục anh ấy vào du kích. Nuôn kéo Kham ra một góc vắng, ậm ừ mãi mới ngỏ: “Tao hẹn anh Vi-xiên... vào làng kháng chiến rồi hẵng “ấy”. Được không mày?”.
Kham và Nuôn vừa được kết nạp vào It-xa-la bí mật.
Thế rồi một đêm thượng tuần tháng giêng Lào, chọn đúng ngày tốt, dân Na-bua họp đông đủ trong chùa. Đại biểu các làng bên cũng về dự. Phò Phun trịnh trọng đọc bản kêu gọi lập làng kháng chiến của huyện. Các cụ lão làng thay mặt các tộc lên hứa hẹn: “Con cháu tôi không đứa nào bán làng cho Pháp!”. Lần lượt Xẩy, Đeng và một chị lớn tuổi lên phát biểu.
Các chú tiểu bỏ thêm trầm, thắp nến. Sư ông dúng đầu lưỡi kiếm và mũi súng vào chiếc âu đồng đựng đầy nước suối múc trước khi quạ uống, đọc lời phù chú:
Kẻ nào phản lời thề
Ngó lên trời sét đánh, ngó vào rừng nó vồ
Kiếp sau làm vượn khóc bơ vơ
Hồn giam dưới ghế quỷ vương Thê-va-thắt mười vạn kiếp...
Hai trăm sáu mươi người dân Na-bua uống nước, thề đánh Pháp đến cùng.
Tiến ngồi dưới, trong một góc tối. Một năm rưỡi xây dựng cơ sở Na-bua, đến nay anh mới được sống những phút sung sướng nhất, tự hào nhất. Gần cuối buổi lễ, Tiến bắt tay Xẩy ngồi bên, lặng lẽ ra trước để kịp về huyện với trung đội.
Vừa lúc anh đứng dậy, Kham ngồi góc bên kia cũng quay lại. Hai ánh mắt gặp nhau. Hai người cùng mỉm cười, kín đáo và rạng rỡ.

 

Trong chiến khu Pha-luông, trước các đơn vị tình nguyện quân toàn huyện, Mạc đọc bản báo cáo tổng kết tình hình chống càn.
Nắng nhạt soi chếch qua vòm lá, thả rơi những cánh bướm vàng nhảy nhót trên hai lá cờ sau lưng Mạc. Cờ đỏ rung từng nếp lượn tươi vui. Tim người cũng rào rạt.
Mạc dứt lời. Hội trường vẫn im lặng. Anh hơi ngạc nhiên, rồi hiểu ý:
- Đây xa đường, các đồng chí cứ tự nhiên.
Rầm rầm tiếng vỗ tay hoan hô bùng lên, dội vào Núi Hoa rền trả lại từng đợt. Mễ nện lưng Thiết bồm bộp. Thiết nheo mắt hì hì. Huy buộc xong sợi dây từ đai thắt lưng Bân xuống rễ cây, vội nhẩy cẫng lên hoan hô. Đến Bân “ba bất mãn” cũng bốc, vỗ tay cười toe toét.
Mạc đứng im. Trong phút chốc anh ngây ngất vui sướng.
Năm năm trước, Mạc chỉ huy một đại đội chủ lực liên khu 5 tiến qua Trường Sơn, chọc thủng lưới cứ điểm trùng điệp từ Tây Nguyên đến biên giới Thái Lan để bắt liên lạc với các đơn vi It-xa-la và các tổ chức chống Pháp của Việt kiều. Đại đội anh gồm những cán bộ chiến sĩ trẻ măng, béo khỏe, vui nổ trời, quân phục xi-ta và mũ sắt đồng loạt, súng lắp lê sáng quắc xông vào địch không biết lùi.
Theo yêu cầu của chiến trường nước bạn, bộ đội tình nguyện phân tán cùng các bạn It-xa-la đi dân vận, theo phương châm “chính trị là chính, tác chiến là phù trợ”. Mạc đã trải qua nhiều lúc lo lắng, bi quan. Bộ đội chủ lực chỉ quen đánh hùng hục, nay xé lẻ từng tổ đi gây cơ sở trên một vùng địch hậu hoàn toàn xa lạ, liệu có tránh khỏi thất bại? Xin hớp nước phải trỏ tay vào mồm, bước ra một bước lạc rừng hàng buổi, biết gì mà tuyên truyền, xây dựng du kích?
Những tháng đầu phân tán bộ đội, Mạc đau đớn nhận tin anh em bị đánh úp, phục kích, dân gọi Pháp đến vây bắt... Hỏng hết chăng?
Những năm gian khổ nhất đã qua.
Hơn trăm người ngồi trước mặt anh hôm nay gồm quân số của ba đại đội gộp lại. Không thể nhận ra những chiến sĩ chủ lực ngày trước. Họ xanh gầy vì đói bệnh, mặc áo cải trang đủ mầu vá víu, lầm lì ít cười nói theo thói quen bí mật. Hàng ngũ ngày một thưa nhưng sức mạnh của bộ đội ngày một tăng, vì đối với bộ đội tình nguyện quân số chưa phải là thực lực. Mỗi người lính là một chiến sĩ địch hậu gang thép kiêm một cán bộ xây dựng cơ sở già dặn.
Họ đã góp sức cùng các lực lượng kháng chiến Lào giành lại ngót vạn dân Xây-thả-von với địch, rèn luyện những tổ du kích khá vững, họ đã truyền kinh nghiệm chiến đấu cho các đồng chí It-xa-la đến bước trưởng thành. Mấy năm liền, máu và mồ hôi của họ tưới trên mảnh đất bùn lầy đá ong này...
Một lần nữa, Mạc hiểu rõ mình. Anh vẫn chưa thấy hết khả năng tự giác chiến đấu của người lính cách mạng. Đi theo Đảng, con người lao động có thể làm những việc thần kỳ!
Mạc xua tay, tiếng cười đùa huyên náo ngớt dần.
Anh rút một tò giấy nhỏ - bức điện hỏa tốc tối qua của khu - và đọc rời từng tiếng:
“Điều B8 về khu tổ chức chủ lực tình nguyện. Lấy quân số vũ khí các đội xây dựng bổ sung B8 đủ bốn tiểu. Cử Nguyễn Tiến B trưởng, Lâm Nghi B phó, đề bạt Lê Văn Thiết B phó hai. Bàn giao tỉ mỉ nhiệm vụ bảo vệ cơ sở cho đại đội Vi-xiên và It-xa-la huyện. Rút quân tuyệt đối bí mật, không cho nhân dân biết. Chậm nhất 20 tháng 1 năm 1954 đến Hỉn-lạt nhận nhiệm vụ mới - Vũ”.
Nhiệm vụ mới ấy chỉ có liên chi ủy và thường vụ It-xa-la huyện biết trước: mở chiến dịch At-tô-pơ.
Hội trường bỗng im phăng phắc. Phút im lặng trang nghiêm. Mạc đưa mắt nhìn quanh, rồi tim anh chợt nhói: trung đội 8 đi trước, rồi một ngày không xa, Mạc cũng sẽ rời Xây-thả-von, đi xây dựng nơi khác...
Buổi họp tan. Mạc đi tìm Tiến.
Bên chiến khu có một mảnh đầm con, sen đã chớm đôi búp non đầu mùa. Tiến ngồi trên bờ đầm chăm chăm nhìn búp sen. Mạc đến ngồi bên, hồi lâu mới nói khẽ:
- Thế là cậu đạt nguyện vọng nhé. Ao ước về chủ lực mãi.
Tiến gượng “vâng” một tiếng bâng quơ, lặng ngắt.
- Cậu định nói với Bua Kham thế nào?
Tiến sửng sốt nhìn Mạc, dáng lo lắng.
- Phò Phun kể lại mình nghe. Ông bà thương Tiến như con. Anh em B8 cũng đồn phong thanh. Chỉ đôi người hiểu khác ý, chứ anh em đều biết cậu đứng đắn.
Mặt hơi đỏ, Tiến rút gói thuốc lá cuộn sẵn bằng đọt lá chuối khô, chung quanh mỗi điếu buộc sợi chỉ đỏ thắm. Các cô gái Lào chỉ tặng thuốc lá buộc chỉ đỏ cho người yêu một đời.
Mạc châm điếu thuốc, đọc lá thư Kham. Nét chữ tròn tròn hiền lành, chỉ riêng những vần ây xoáy tít ngược về phía trước trông rất bướng. Rất nhiều “nhé, nhỉ, anh ơi” theo lối văn Lào.
Em Kham gửi anh Tiến yêu kính của em.
Anh đến làng bao nhiêu bận mà không ghé thăm em cứ như con chim chưa đậu đã bay. Em giận ghê lắm đấy. Anh Vi-xiên về em gửi thuốc lá anh hút, anh hút ít kẻo ho. Sáng mai bắt đầu dời làng vào núi rồi. Làng mới dựng xong rồi mà chông nhiều vô kể. Chị em bầu em làm tố trưởng thanh nữ anh ạ. Em sợ không nhận sau ai cũng hứa ủng hộ em mới nhận. Mỗi đứa chúng mình giữ một chiếc hoa tai làm tin anh nhé. Vắng anh em không làm đẹp đâu anh đừng ngại. Bao giờ sống chung như hoa tai đủ đôi em mới đeo. À em nói đùa chứ không giận đâu mà em chỉ nhớ thôi. Cuối cùng xin chúc anh được sự bình an và đánh thắng luôn luôn. À anh đến thăm em nhé. Yêu nhau mười núi cũng qua, ghét nhau bãi cỏ cũng là bẩn chân, chắc anh không sợ bẩn chân đâu anh nhỉ.
Em Bua Kham của anh.
Mạc bùi ngùi ngắm chiếc hoa tai đính vào góc chiếc khăn tay, trên một bông hoa sen thêu chỉ kim tuyến óng ánh: hình ảnh cô gái Sen Vàng. Anh bối rối không biết nói sao.
Tình duyên này nếu xảy ra ở Việt Nam... Mươi ngày phép. Đời sống mới một chầu trà thuốc, đôi tân hôn bấm bụng nghe cụ Liên Việt huấn thoại nửa giờ là xong tất. Nhưng đây là nước Lào...
Không phải hai người khác dân tộc yêu nhau là sai, tình yêu chân chính làm gì có biên giới! Nhưng người lính tình nguyện lưu lạc khắp nơi trên nước bạn, không chóng thì chầy sẽ trở về Tổ quốc... Họ sẽ đợi nhau đến bao giờ?
Trong những ngày tàn khốc nhất của chiến tranh, rất nhiều tình yêu hé nở như đóa lan rừng cheo veo giữa thành núi. Hoa nở rồi tàn lụi, cánh hoa rơi chìm vực tối. Tình yêu không lối thoát cũng vò nát tim người, rồi biến trong quên lãng. Thời gian và bàn tay đồng chí hàn gắn dần những vết thương tình cảm, nhưng không xóa được vết sẹo.
Mạc đặt tay lên vai Tiến:
- Cậu nên gặp Kham trước khi đi. Bảy hôm nữa, bàn giao cơ sở xong còn kịp.
- Rút quân bí mật... tôi ngại...
- Không sao, Kham là hội viên It-xa-la.
- Hay là... thôi anh ạ. Viết thư dứt khoát, người ta khỏi đợi.
- Cậu định dứt khoát à?
- Chứ dằng dai đến bao giờ nữa!
- Nghĩ kỹ chưa?
Tiến ngồi thừ như mất trí. Nói xong hai tiếng dứt khoát, anh nghĩ đến Kham và phát sợ. Rồi đột ngột, Tiến đứng lên, đi nhanh về phía góc rừng trung đội đóng. Nằm xuống võng, Tiến giật đứt tung cúc cổ áo nhưng vẫn thấy khó thở.
Trung đội phó Thiết đến ngồi xổm một bên, vẻ lúng túng rõ rệt:
- Kiểm thảo thằng Bân xong rồi, coi bộ hắn thành khẩn. Thằng Huy còn con nít, anh để tôi kèm cho... hắn biết sợ rồi, đưa ra tập thể cũng tội...
Tiến gật đầu tuy không hiểu gì. Anh kéo chăn trùm đầu. Nếu khóc được có thế đỡ khổ, nhưng đã lâu Tiến không còn biết khóc.
Bốn làng kháng chiến Pa-thôn, Thông-nọi, Na-bua và Pà-đăm họp thành xã Xây-xổông-kham (Chiến thắng). Na-bua đã dời làng vào ở bên Thông-nọi trong dãy Núi Hoa hiểm trở, chông bẫy lớp lớp như con nhím dựng lông.
Lễ mừng thắng càn tổ chức tại làng Na-bua cũ. Dân các làng kéo về nghìn nghịt từ chiều. Từng tốp voi đủng đỉnh qua cổng làng, đến ghé lưng bên sàn những ngôi nhà bỏ không. Các ông bà lão và trẻ em, cả các chị ôm con mọn cũng đến dự hội, níu tay nhau bước từ bành qua sàn nhà, cười the thé. Bà con thiểu số cõng gùi vác dáo về. Ban đón tiếp túi bụi thu xếp nhà ngủ cho khách.
Chiều đến, Tiến và Thiết còn bận tổ chức bộ đội và bàn giao số kho tàng cuối cùng cho Vi-xiên, công việc rối mù. Hai giờ sáng hôm sau, trung đội 8 sẽ xuất phát.
Đại đội phó Vi-xiên gạt tờ biên bản bàn giao sang bên, sồn sồn kéo Tiến về Na-bua. Tiến từ chối, chỉ gửi lá thư và chiếc hoa tai. Vi-xiên cự ầm lên:
- Này, anh là người hay gốc cây hở? Mai đi biệt tăm tích, hôm nay vẫn kêu bận. Người ta trông anh mất ăn mất ngủ!
Thiết cũng rỉ tai: “Cứ đi, ở nhà tôi lo hết. Về chậm đi sau cũng được”. Tiến bị lôi theo hai trung đội It-xa-la về Na-bua.
Tối hôm ấy, trăng thượng tuần mờ mờ sau lượt mây trắng tãi như cốt chăn bông. Đèn đuốc nối nhau bước ngoằn ngoèo trên các ngả đường về chùa Na- bua, giống những dòng suối gần làng trong đêm hội thả thuyền lửa.
Sân khấu dựng dưới tán tròn của cây bồ đề đầu sân chùa. Đèn măng-sông hắt ánh chói trên tấm khẩu  hiệu Pa-thêt-xạt xủng xút 1. Các nhà sư ngồi ghế danh dự, áo vàng tươi trang trọng. Bộ đội It-xa-la xếp khối vuông ngay ngắn, mặc kaki chiến lợi phẩm mới. Nhân dân ngồi đứng vòng trong vòng ngoài chật nửa sân. Đợi mỏi mắt không thấy bộ đội Việt đến, các mè lắc đầu chép miệng: “Đánh xong lại vào làng. Khổ thân các con tôi thế đấy!”
Thôn đội trưởng Đeng tất tưởi đi xếp du kích giữ trật tự, súng đeo lưng, chiếc khèn mới chuốt trắng óng vẫn khư khư kẹp nách. Xẩy chạy ngược xuôi như ma làm. Anh là ủy viên mặt trận xã kiêm trưởng thôn Na- bua. Hôm họp làng bầu trưởng thôn, ai cũng thấy Xẩy xứng đáng nhất, vì anh ghét Pháp và thương dân nhất trong làng.
- Đeng! Thấy anh Tiến đến không?
Đeng lắc đầu, tìm đường lẩn đi. Nhưng Xẩy kịp níu tay Đeng lại, nheo nheo mắt:
- Này, du kích gác ngoài rừng cẩn thận chưa đấy?
- Bảo đảm mà! Có việc gì chú cứ xẻo tai thằng này!
- Biết ông đánh giặc giỏi rồi. Chỉ sợ ông vào chỗ hội hè, cái khèn cáp nách nó vướng...
Đeng vội cài chiếc khèn vào thắt lưng, nói chữa thẹn:
- Chú chỉ khéo... Thôi để cháu soát lại lần nữa xem...
Nhìn theo Đeng xách súng đi ra rừng, Xẩy vuốt vuốt đôi túm râu, mỉm cười hóm hỉnh. Thôn đội trưởng chứ phải chuyện chơi đâu! Chính quyền về ta thì lại đầu tắt mặt tối gấp mười cái dạo còn bóng tối.
Chợt nhớ ra, Xẩy chạy tìm ít hoa chốc nữa cắm trên đài tử sĩ. Nghe tiếng Kham giữa nhóm phụ nữ mé sau sân khấu, anh hoa cùi tay chen bừa vào:
- Bua Kham, kiếm cho tao cái lọ hoa! Nhanh!
Lập tức hơn chục cô gái nhao nhao:
- Hoa cái gì! Người ta đang tập phát biểu!
- Ô hay cái ông này! Đi ra, đi!
Xẩy bị bốn năm bàn tay túm áo, ấn lùi ra ngoài. Giờ anh mới nhớ Kham là đại biểu thanh nữ, sắp lên kêu gọi thanh niên vào bộ đội và du kích. Quan trọng lắm. Anh gãi tai lầm bẩm, chạy tong tả kiếm người khác. Cái thời anh sai vặt và mắng mỏ Bua Kham đã hết rồi. Trong các buổi họp tổ It-xa-la, Xẩy thường khen đồng chí phụ trách thanh nữ tích cực và tháo vát. Kham hây hây hai má, nghĩ thầm: “Giá anh Tiến biết nhỉ...”
Kham đứng dưới ngọn cà-boong, cầm tờ giấy áp vào ngực, nhắm mắt đọc thuộc lòng bài diễn văn Kham tự viết. Nghĩ sao viết vậy, nên dễ nhớ. Các cô rối rít khen:
- Hay lắm! Tao thích nhất cái đoạn: “Mong các anh thanh niên đánh giặc anh dũng như Xỉn-xây 1 đánh quỷ Cum-phăn cứu nàng công chúa...” Như trong sách thơ ấy.
- Thố! Đại biểu chúng mình xinh tệ. Chả thua nàng Kiêng Kham vợ Xỉn-xây đâu.
- Đổi tên đi! Thay một chữ đầu thôi!
Nuôn cười rú:
- Tao biết Xỉn-xây rồi! Cả làng Na-bua quen Xỉn-xây suốt lượt!
Kham cuống lên:
- Ơ kìa, con điên...
- Tao nói... ê ê tao nói đây...
Trong lúc bị xoay rối mắt, Kham nghe một giọng rất quen trong bóng tối: “Mình lại đàng này, Vi-xiên nhé!”. Trống ngực đổ hồi, Kham định rẽ chị em chạy đến. Trước sân khấu, tiếng vỗ tay nổi rào rào. Nuôn níu tay Kham: “Bắt đầu rồi, còn chạy đâu nữa! Đứng đây chốc lên cho dễ”.
Nửa giờ sau, Kham luýnh quýnh bước xuống sân khấu, mặt đỏ chín bồ quân. Hoan hô, vỗ tay nhức tai. Giới thanh niên xuýt xoa: “Đẹp quá, duyên quá! Chúng mình lại chịu thua Xỉn-xây à?”. Mè Phao ở làng Pa-thôn sang dự lễ cứ tấm tắc khen nhà ai khéo nuôi được đứa con tốt người lại tốt nết, tha hồ kén rể. Phò Phun nhũn nhặn giới thiệu khéo với mè: “Dạy bảo mãi nó mới được thế đấy cụ ạ!”. Đôi bên cười móm mém, gật gật. Khuôn mặt rỗ hoa của phò trẻ hẳn lại. Mè phao định bụng sẽ đưa cậu con nuôi khó bảo đến xem mặt cô này, may ra Tiến nó mới chịu lấy vợ.
Hỏi Vi-xiên xong, Kham chạy một mạch về nhà cũ. Ngôi nhà phên gỗ mái gỗ, vừa rộng vừa đẹp, bỏ đi mới tiếc làm sao! Đến chân cầu thang, Kham bỗng dừng lại, rón rén đến dưới sàn, nép vào chân cột nghe ngóng. Anh Tiến đang nói với mẹ Kham. Chuyện dời làng, nấu muối, làm rẫy thay ruộng...
Anh đến chắc là để... còn gì nữa... hẳn anh xin cưới, nhưng còn vòng quanh cho đỡ ngượng. Trai gái làng bao nhiêu đôi vào núi đã ở chung nhà. Ba hôm nữa Nuôn lấy chồng. Hay là mình cũng... nốt đi? Mấy anh Việt đến làm giúp chùa và dựng nhà cho mẹ con Kham, cứ trêu bóng gió: “Ngăn cái phòng cưới cho cô em đây!” Đeng rõ chuyện Kham với Tiến, cứ buồn thiu buồn chầy một dạo, rồi ôm khèn đến thổi nhà cô Ping... Kham nghĩ gần xa, dần dần nóng ran người như rôm cắn, hồi hộp lắng tai.
Mẹ Kham cười hiền lành, nói hộ Tiến:
- Em con nó bảo mẹ vị chi rằng độc lập nó về Việt ở với con một năm, rồi con sang Lào ở với nó một năm, rồi cứ đi đi về về như thế. Mẹ bảo đi đâu thì đi, có điều phải để cháu lại cho mẹ bế làm vui cái tuổi già. Ấy vậy mà nó giẫy nẩy lên, khăng khăng đòi đến độc lập mới lấy chồng cơ. Rõ thật con bé! Con bảo qua nó mấy tiếng nhé. Chứ mẹ thì cũng mong hai đứa chúng mày được sự thương yêu nhau...
Trong bóng tối, Kham rạo rực mỉm cười. Anh Tiến chắc hiểu Kham hơn ai hết. Kham đã trở nên hội viên It-xa-la, cán bộ phụ nữ, đúng như anh mong mỏi. Kham đang ham mê công tác, học tập, tiến bộ. Lấy nhau, nhỡ có con thì hết bay nhảy!
Chỉ sợ... sợ anh nhìn Kham và nói như thế này thì khó nghĩ lắm đấy: “Chúng mình còn công tác đến già em ạ. Làm việc có đôi vui hơn chứ. Em nghĩ sao?” Rồi anh cười. Kham chả biết nghĩ sao nữa. Anh đã muốn làm việc có đôi thì... cũng đến nước phải chiều anh thôi, chứ biết nghĩ sao? Kham vừa ngượng, vừa lo, lại vừa thinh thích, cứ rối rối thế nào...
Trên nhà, anh Tiến lặng im rồi nói lảng sang chuyện khác. Giọng anh nằng nặng, chắc vì mệt. Anh gởi mẹ cái phong bì nhờ đưa Kham, rồi hấp tấp ra về, đi thẳng xuống phía bến nước. Kham ngạc nhiên bước theo một quãng.
- Anh!
Tiến giật mình quay lại, mắt long lanh dưới vành mũ.
- Anh không ở lại... không.xem kịch à?
- Anh bận phải về gấp. Muốn nói với em tý việc.
Hai người lội qua suối, đi bên nhau dọc con đường vắng. Phía chùa dậy một loạt hú đều khoái trí, cười lao xao. Đã đến phần liên hoan kịch múa. Kham bíu cánh tay Tiến, cười hở cái răng nhọn bên khoé.
- Đêm trước em nằm mơ thấy đánh đồn Núi Quỷ. Thằng Mắt-mèo chết, hiện thành xác con hổ...
- Sao lại hổ?
Kham kể lại chuyện cổ tích ba anh em đánh Hổ tinh.
- Thằng Pháp rồi cũng chết như hổ anh nhỉ. Từng người một đánh không thắng. Chúng mình bây giờ đủ ba anh em Khơ-me, Lào, Việt rồi nhé, nhất định chúng mình chả thua. Anh là Người-Ngọc của em...
Tiếng Kham cười khúc khích như đốt ruột gan Tiến. Trong khoảnh khắc, anh hết sức hối hận đã viết thư khuyên Kham nên cắt đứt tình yêu để khỏi chờ đợi vô ích. Lá thư viết lộn xộn và tha thiết đã nằm trong tay mẹ Kham với chiếc hoa tai. Rồi mấy phút sau anh lại mừng thầm: dứt khoát để Kham khỏi khổ, khỏi trông mỏi mắt một người không về. Tâm trạng Tiến giằng xé rối bời, yêu ngùn ngụt và tuyệt vọng đen sẫm.
- Em còn nhớ chuyện Khun Lu không? Hai người yêu nhau không lấy được nhau ấy mà.
Kham ngấc đầu, hơi lo ngại. Trong giọng nói và lối nhìn của Tiến có cái gì đau đớn và âu yếm khác thường không giấu nổi.
- Sao anh hỏi thế?
- Không...
- Anh nghe ai phao tin nhảm phải không? Cha mẹ em đồng ý cả. Em cũng nói rõ với Đeng rồi. Anh đừng nghĩ bậy anh nhé! Ừ đi nào!
Tiến đưa hai tay chực ôm Kham nhưng giữ kịp, chỉ hất mũ ra sau lưng. Anh ngập ngừng:
- Anh sắp đi rồi Kham ạ. Lần này...
Tiếng thép loảng xoảng trong rừng, rất gần. Như cái bẫy bật dây, Tiến gạt Kham tạt ngang, dương súng. Một bóng lù lù to bằng cái nhà sàn nhô khỏi rặng cây. Kham thở mạnh, bật cười trong trẻo:
- Bạc hà măn! Con voi chú Xẩy đấy!
Kham đập bàn tay xinh nhỏ trên vòi voi: “Bé con hỗn nhé! Tránh ra nào!” Con vật khổng lồ ngoan ngoãn bước sang bên đường, kéo lê sợi xích sắt bằng cổ tay trên đá ong. Tiến nhìn Kham đuổi voi, nhìn trân trân để thu hình ảnh cuối cùng của người yêu và giữ lấy trọn đời.
Mảnh trăng lưỡi liềm nhô khỏi mây, sáng xanh nhạt. Sóng bạc rập rờn đuổi nhau trên đồng lúa chín. Nhớ lại ngày gặp Kham lần đầu, Tiến nhận ra Kham lớn hẳn lên, đẹp duyên dáng và sắc sảo, ngực nở căng dưới chiếc sơ mi cộc tay. Mỗi lần gặp nhau, anh lại tìm thấy ở Kham những nét mới lạ: một dáng đẹp khi e thẹn, một kiểu cười tinh nghịch, một ý nghĩ ngây thơ mà sâu sắc. Những móng nhọn cào cấu trong ngực Tiến nhức buốt. Em Sen Vàng của anh, biết nói thế nào để em hiểu...
Kham cầm tay anh, thủ thỉ:
- Chim bay tối còn về rừng, anh đi nhớ về thăm em nhé. Ai lại cứ biền biệt hàng tháng, người ta nhớ chết đi ấy.
- Khó lắm, không phải như trước...
- Ừ vào làng khó thật đấy. Vô ý là bị chông bẫy ngay. Em vót chông đến sưng ngón tay đây... Hoài! Đau em... Anh đến Pa-thôn nhờ du kích dẫn vào Na-bua, đừng đi một mình nhé. À, em học tiếng Việt nữa đấy. Nhưng chả nói đâu, nói sai các anh cười xấu hổ chết.
- Học làm gì!
- Để sau này, bao giờ... em định... thôi chả nói đâu.
Không chịu được nữa, Tiến ấn mũ xuống tận mắt, buông cộc lốc:
- Anh đi đây. Em xem thư sẽ hiểu. Còn sống anh về thăm, chết thôi.
Kêu khẽ một tiếng kinh hãi, Kham bật run toàn thân, hai tay đè lên ngực. Tiến hốt hoảng ôm ghì người yêu, dỗ dành, xin lỗi. Tiếng Kham ngạt nước mắt:
- Anh gở miệng... em sợ... Việc gì thế anh? Nói đi! Anh nói đi!
Tiến bồn chồn vuốt mái tóc mượt, đứng lặng ngắt hồi lâu. Tim anh đập muốn vọt tung khỏi lồng ngực. Trên ngực anh dội rõ nhịp tim Kham. Hơi thở gấp, nóng bỏng bên cổ...
Tất cả lùi xa tít tắp. Người Tiến rừng rực.
Rừng đan vòm lá cách hai thước, thầm lặng và che chở...
Tiến thốt rùng mình. Mắt anh chợt soi trong đôi mắt lay láy mở to, điểm hai giọt sáng trăng. Đôi mắt hạt nhãn ngây thơ tìm anh trong đêm hội. Trong trắng vô cùng. Anh sắp đi xa... Tiến như bị đấm giữa trán. Không được! Không thể được!
Anh nghe tiếng mình khản đặc rơi giữa mê hoảng:
- Đi về em!
Đến chỗ rẽ vào rừng, Tiến dừng dưới bóng cây từ từ quay nhìn lại, nín thở.
Người yêu đứng sững trông theo như pho tượng đá, trăng đọng trên ngực trắng rờn rợn. Con voi cưa ngà, khối đen trầm ngâm mé sau. Trong làng Na-bua, một vầng sao tưng bừng xao động.
Xa hơn nữa, những nét quái đản của hòn Núi-quỷ mờ trong sương đêm. Một chấm đèn pha chớp nháy, như rình mò cuộc sống bên dưới.
Tiến xốc khẩu súng, bỏ đi nhanh. Một giọt mặn rỉ qua kẽ môi.

 

---------------------------------------------------------
(1) Tổ quốc trên hết.
(2) Anh hùng thần thoại trong truyện thơ "Xỉn-xây", trẻ tuổi và nhiều tài đức.