Chương XI
Lòng mẹ


Chương IX
Tính việc

     ừ hôm Đức về thăm thầy giáo cũ, được nghe thầy than thở nỗi nhà, thì lấy làm ngậm ngùi thương thầy lắm.
Nhất là Đức thấy thầy bực mình vì Phú chơi bời thì lại càng ngao ngán.
Cho nên Đức quyết nhân dịp này đền ơn thầy, trước là cho lương tâm mình được yên, sau là dắt thầy qua cơn hoạn nạn.
Thầy đã có công đưa Đức từ chỗ tôi đòi hèn mọn lên chỗ quan lớn giàu sang, thì nghĩa Đức là phải coi thầy như cha. Đã coi thầy như cha, Đức phải coi Phú như anh ruột. Thế thì cha buồn, con vui sao được? Anh em dại dột, mình hả dạ sao đành?
Vậy bổn phận Đức là phải trả thay cho thầy món nợ, và tìm cho được Phú để khuyên can.
Tức là phải đem lại cho thầy một cảnh gia đình yên vui và sung sướng.
Nhưng khó một nỗi. Đức đã xin thầy cho Đức nhận món nợ tám trăm, mà thầy một mực không nghe. Vậy bây giờ Đức phái ngấm ngầm làm theo ý định của mình, phải hỏi dò xem thầy nợ ai, để đến xin với người ta cho Đức nhận trả vậy.
Định như vậy, ngày chủ nhật sau. Đức ra Hà Nội tìm Phú. Đức đến nhà một người bạn học trường Mỹ thuật hỏi thăm, thì bạn nói:
- Anh Phú vừa mới ở chơi đằng này hôm qua. Nhưng rồi không thấy về.
Đức hỏi:
- Anh đoán anh ấy đi đâu?
- Anh Phú ít lầu nay mê man cờ bạc, lại phải lòng một người cô đầu ở Khâm Thiên. Vậy tìm anh ấy thì phi ở trong sòng, tất ở dưới xóm.
Thấy Đức nghĩ ngợi, bạn bảo:
- Anh là người làm chức việc nhà nước, chớ nên qua lại những nơi đó làm gì, lỡ ra có hại đến danh dự.
Đức hỏi thăm số nhà những nơi mọi khi Phú hay đến, rồi cáo từ ra đi.
Lòng Đức muốn gặp Phú làm cho Đức không còn e ngại điều gì cả. Cho nên Đức liền thuê xe ngay xuống đường Khâm Thiên.
Đến nơi, Đức hỏi thăm nhà một người cô đầu, thì biết rằng Phú vừa ở đó đi khỏi vì một người bạn tên là Tần rủ đi đánh bạc. Đức cũng quen Tần, nên vội đi theo ngay.
Đức vào nhà Tần thì may quá, Tần chưa đi vắng. Mừng rỡ, Đức ngồi chơi, hỏi thăm hỏi nom dăm ba câu qua loa, rồi Đức gợi:
- Hình như ban nãy, anh vừa đi với ai kia mà?
Tần đáp:
- Phải, anh Phú, nhưng nửa đường thì anh ấy chia tay.
Đức vờ:
- Anh ấy vào sòng đánh bạc, phải không?
- Không.
Thấy Tần giấu, Đức phải làm ra dáng thích đánh bạc mà nói:
- Anh có biết sòng nào cẩn thận, cho tôi biết để tôi gỡ nợ với?
Tần kinh ngạc:
- Anh mà cũng phải gỡ à? Vô lý!
Làm bộ thực thà, Đức vờ buồn rầu gật đầu:
- Ít lâu nay, tôi thua nhiều, nên chỉ muốn biết một sòng nào đánh to để tôi vào gỡ một canh mà thôi. Anh thì làm gì chẳng biết, sao anh không mách tôi với?
Tần ngẫm nghĩ, đáp:
- Sòng mà anh Phú mới vào, thì canh phòng khí cẩn mật. Anh là người lạ, không vào được đâu.
- Vậy phải làm hiệu riêng thế nào, anh bảo tôi.
Tần ghé tai nói thầm với Đức, rồi Đức cảm ơn, hăm hở đi ngay.
Nhưng Đức lo ngại lắm. Vì sòng bạc là những nơi mở vụng trộm để cho người ta bóc lột lẫn nhau. Sòng bạc là cái lò đúc nên cả những tội ác. Nhà nước có lệnh cấm và vẫn hết sức bắt. Thế mà Đức lại bén mảng tới. Lỡ có mật thám đến chộp, thì tất Đức cũng sa vào lưới pháp luật, chứ ai thấu đâu được đến nỗi lòng ngay.
Nhưng Đức cứ mạnh bạo vào nơi nguy hiểm. Lòng tốt của Đức đã thúc giục Đức cứ liều để làm phải với lương tâm.
Biết hiệu riêng nên đến sòng, Đức được coi như người khách quen. Người ta đưa Đức qua mấy lần cửa có khóa cẩn thận, mới đến tận chỗ đánh bạc.
Đức nhìn khắp mọi người, tự nhiên động lòng thương. Đức thương vì thấy hình như bọn ấy không phải là người nữa. Họ chỉ là những hạng chực giết hại lẫn nhau, như lũ thú dữ trong rừng.
Đức cố nhận xem Phú đứng đâu, nhưng không sao biết được. Vì Đức chỉ nhớ mặt Phú ở trong ảnh. Nghĩa là khi ấy, Phú còn là một người con trai béo tốt, khỏe mạnh, thông minh.
Vậy mà ba bốn chục người ở chỗ này ai cũng xanh xao, gây còm như bọn ma đói cả, thì Phú là ai?
Đức cố đoán, bỗng bên tai có người phàn nàn:
- Ồ, từ nãy anh Phú thua nhiều nhỉ!
Đức chú ý nghe và nhìn, thì có người đáp:
- Phải, mất gần bốn mươi đồng, trong năm phút.
- Thế là ít đấy. Ban nãy, có hơn một phút đống hồ, tôi thua mấy trăm kia, anh ạ.
Thế là Đức biết mặt Phú.
Ở sòng bạc, người ta làm quen nhau rất dễ, chỉ cần đứng cạnh nhau, bàn tán năm ba câu về nước bạc. Cho nên Đức làm quen nhau ngay được với Phú.
Thấy Phú mặt mũi hốc hác, quần áo bẩn thỉu, tự nhiên Đức lại nhớ đến thầy giáo Chính mà thở dài. Thì ra Phú không nghĩ gì đến cha mẹ đang buồn lo vì mình hư.
Dần dà, biết Phú hết tiền, Đức ra dáng buồn bã, vờ nói với Phú:
- Tôi mất ngót hai trăm rồi. Đen quá!
Rồi Đức móc ví, đưa Phú hai tờ giấy bạc năm đồng:
- Còn mười đồng, anh thử đánh hộ tôi, chứ tôi thò vào, chắc lại mất. May thì anh gỡ được.
Chẳng trù trừ, Phú cầm ngay. Nhưng mà trong chớp mắt, món tiền ấy bay vào trong tay người khác mất.
Đức tức giận, kéo Phú đi:
- Thôi, về đi. Nếu còn đánh còn thua. Bận khác vậy.
Cùng chẳng cần ở lại làm gì nữa, Phú theo Đức đi.
Thế là Đức đã thân được với Phú rồi.
Đến ngoài đường, Đức thở dài, lắc đầu nói.
- Mỗi lần tôi ở sòng ra, là một lần tôi hối hận. Lắm lúc có những sự cần tiêu thì tôi so kè từng trinh. Thế mà đến sòng thì hàng trăm, hàng nghìn, tôi không tiếc. Anh ạ, ở nhà quê, họ làm lụng vất vả từ sáng đến chiều, mà mỗi ngày được có năm xu. Suốt năm, nếu không ốm đau, mới được ngót hai chục bạc để nuôi cả nhà. Thì ra chúng mình, mỗi phút có thì vứt đi như không một món tiền họ kiếm bằng mồ hôi nước mắt cả năm.
Phú ra chiều cảm động. Đức hỏi:
- Anh đã ăn cơm sáng chưa?
- Chưa. Tôi sốt đã ba hôm nay.
- Thế thì anh đi ăn với tôi, rồi về nhà tôi chơi. Mai kiếm tiền, ta lại đi.
Phú thấy Đức tự nhiên lại tử tế thế, có ý ngần ngừ, nhưng Đức nói luôn:
- Anh không ngại gì cả. Tôi chỉ ở có mỗi một mình.
Rồi Đức sờ trán Phú, thấy nóng hôi hổi, bèn qua một hiệu bào chế, mua vài viên thuốc cho Phú dùng, Phú nói:
- Tôi mới quen anh mà anh đã hết lòng với tôi, tôi rất cảm ơn.
Đức cười:
- Không hề gì cái đó. Bạn bè phải giúp nhau là sự thường. À, tên anh là gì nhỉ?
- Phú. Còn anh?
- Trần Đức, Tri huyện.
Phú ngạc nhiên, trố mắt nhìn Đức. Đức nói tiếp:
- Tôi là Tri huyện mới bổ ra được ngót một tuần lễ. Anh sẽ thấy tôi là bạn rất tốt của anh. Tôi không muốn để anh hỏi vì sao tôi muốn âu yếm anh như anh em ruột đâu. Hôm nay thế nào cũng mời anh về nhà tôi chơi với tôi, anh có bằng lòng không?
Phú mỉm cười, không đáp vì còn phân vân quá. Sao một ông huyện chưa quen lại đối đãi với Phú tử tế một cách vô lý thế? Nhưng Đức đã gọi xe để hai người cùng đi.
Ngồi xe cạnh Phú, Đức nói đùa:
- Tôi không lừa gì anh đâu nhé!
- Tôi nào nghĩ thế. Thấy anh có vẻ mặt thực thà, tôi đã có thể tin được một nửa. Song anh dắt tôi đi đâu, tôi chưa hiểu.
- Đi ăn, rồi về nhà tôi trong Hà Đông. Về nhà tôi mà chơi, chả hơn ở sòng bạc hoặc ở nhà cô đầu, vừa hại tiền, vừa hại sức khỏe à? Ở dời, nếu được người bạn hợp tính, có công việc mà làm, thì đỡ nghĩ đến sự chơi bời khác. Tôi muốn từ nay, hai anh em mình cùng chừa đánh bạc. Ta để ý đến công việc mà làm.
Sở dĩ Phú theo Đức đi, vì trước hết thấy được mời ăn, vả Phú cùng đã có bụng tin Đức. Rồi, sau bữa cơm, Phú như thích Đức lắm, cho nên không ngần ngại gì, bèn đi với Đức về Hà Đông. Đến nhà, Đức nói:
- Tôi mới bổ ra nên ở có một mình, tôi buồn quá, vì thế dễ sinh hư. Tôi muốn có bạn để nói chuyện. Vậy anh ở chơi đây với tôi vài hôm. Nếu vui thì anh ở mãi nhé?
Lúc ấy, Phú đã hiểu bụng Đức, bèn mỉm cười, nhưng vẫn không trả lời. Thực ra, Phú còn ham chơi, còn nghỉ đến quân bài lá bạc, còn nhớ đến cuộc vui thú với cô đầu.
Hôm sau, khi hai người đã thân, Đức mới hỏi Phú:
- Độ nọ tôi xem báo, thấy hình như anh bị ông giáo nhà từ phải không?
Phú xấu hổ, nhưng không nỡ giấu diếm, bèn gật đầu. Đức nói:
- Tôi hỏi thế khí bạo quá, song vì tôi rất thành thực với anh, tôi muốn khuyên anh nên nghĩ lại. Đạo làm con là phải giữ trọn chữ hiếu, chứ sao anh nỡ để cha mẹ phiền lòng thế?
Phú thấy Đức quả là người trung hậu, nghe câu ấy, lấy làm cảm động lắm. Đức nhân tiếp luôn:
- Ông giáo có phải trả nợ cho anh không?
Phú gật:
- Có, vì tôi chơi bời quá.
- Ta nên giúp đỡ cha mẹ mới phải. Vậy không những anh chẳng làm cho các ngài nhẹ gánh, anh lại gây thêm một mối lo. Anh đi chời bời thế nào?
Phú thở dài, cau mặt nghĩ ngợi. Bỗng một giọt nước rơi xuống bàn đánh bộp... Đức thương hại, nói:
- Cha mẹ ta mỗi tuổi một già, anh nên biết hối hận.
Phú bâng khuâng nói:
- Anh làm tôi động tâm quá. Tôi chưa biết anh bao giờ, mà thấy anh thực lòng cùng tôi, tôi càng buồn. Thì ra tôi đã bất hiếu. Tôi không đáng lảm người. Tôi nhục quá. Tôi không nên sống nữa.
- Không. Biết hối là đủ rồi. Tôi mong rằng anh biết hối mãi mãi.
- Nhưng mà...
- Nhưng mà làm sao, anh cứ nói.
- Chậm quá, anh ạ. Vì tôi đã bất hiếu với thầy mẹ tôi rồi.
- Anh nên hiểu rằng là cha, tốt như ông nhà ta, tôi chắc thế gian có một, vì ngài đã trả nợ cho anh, hẳn vì xem ra anh không biết hối, nên bất đắc dĩ ngài mới đăng báo chứ gì. Anh còn nợ nữa không?
- Có.
Rồi Phú ngao ngán nói một mình, ra dáng rất buồn bã:
- Khốn nạn, không biết thầy mẹ tôi có được bình yên không!
- Chắc ông bà già thì nhiều lúc buồn và lo cho anh. Nhưng hẳn lúc nào cũng vẫn nhớ, vẫn thương anh.
Bỗng Phú khóc thổn thức. Đức khuyên giải, rồi nói:
- Bây giờ anh còn nghi ngờ gì tôi nữa không?
Phú lau nước mắt, đáp:
- Không, tôi tuy mới gặp anh lần đầu, nhưng thấy anh coi tôi như bạn cũ thì tôi cũng coi anh như ruột thịt. Đây, anh xem, tôi khỏi sốt rồi. Chẳng phải tôi khỏi vì thuốc, chính là tôi cảm động vì anh. Ít lâu nay, đi ra ngoài, tôi gặp toàn những hạng người họ chỉ rình bốc lột tôi, làm hại tôi. Họ chỉ xui tôi làm càn, làm bậy. Cho nên từ lúc tôi được nghe những lời anh khuyên bảo, tôi thấy như nó thấm thía tận đáy lòng. Những lời ấy đã lâu lắm, tôi mới được nghe, nên tôi mới rớt nước mắt. Anh thấy tôi khóc, chắc anh cũng tin rằng tôi cảm tấm lòng tốt của anh lắm. Tôi quyết rằng anh không phải là người chơi bời cờ bạc, có lẽ anh là người nhà Trời muốn tìm tôi để khuyên can tôi đấy.
Đức sung sướng, cười, hỏi:
- Anh còn nợ nhiều nữa phải không?
Phú gật, đáp:
- Tôi còn không dám nói với thầy tôi một món hai trăm rưỡi.
Đức cau mặt:
- Anh vay ai?
- Một người bà con ở phố Cầu Gỗ ngoài Hà Nội.
- Rồi anh cho tôi biết số nhà nhé.
- Vâng. Anh ạ, tôi bất hiếu quá. Thầy tôi đã trả nợ cho tôi một nghìn, thế mà còn thiếu nên lại phải viết văn tự thêm tám trăm nữa.
Đức thở dài, hỏi:
- Ai là chủ món nợ ấy? Chắc anh biết rõ?
- Một ông bạn với thầy tôi, người cùng làng.
- Người ấy cũng ở nhà quê à?
- Không, ở Hà Nội.
- Rồi anh cho tôi biết nhà người ấy nhé. Ông ta tử tế nhỉ.
Phú bĩu môi, đáp:
- Tử tế gì đâu. Chỉ tử tế bề ngoài thôi đấy anh ạ. Người ấy đoán biết cơ thầy tôi không thể trả được, nên cho vay thế để kiện thầy tôi. Vì lão biết, gia sản ở nhà quê của thầy tôi ước vào nghìn bạc.
- Anh nói vô lý.
- Tôi biết rõ thế, vì chính lão nói với tôi cái ý ấy. Lão chưa có cơ nghiệp ở quê.
Đức tỉnh ngộ, nói:
- Gớm, họ thâm ác nhỉ!
- Phải, cho nên tôi quyết rằng đến đầu tháng Sáu sau, sao thầy tôi cũng bị kiện, rồi thế nào nhà tôi cũng về tay lão.
- Đấy, thế mà anh cứ chơi bời.
Phú thở dài:
- Giá ngay từ trước, tôi đã gặp những bạn như anh, thì chi đến nỗi này. Khốn, nhưng tôi gặp toàn những bạn làm hại, rủ rê đi chơi bời bậy bạ. Bây giờ tôi mới biết họ dắt tôi xuống vực sâu.
- Anh là người rất thông minh. Anh nên đem cái thông minh mà làm ích cho đời, có hơn không?
Phú ngượng, không đáp. Đức nói:
- Anh nợ, anh định lấy gì mà trả?
- Nào tôi có ngờ đâu nông nỗi mắc nợ nhiều như thế này. Tôi đánh bạc để hòng gỡ, ai ngờ cứ thua mãi.
- Anh còn nợ ai nữa không?
- Không. Nguyên chỉ có hai trăm rưỡi này, lãi ba phân mà thôi.
- Mấy tháng nữa anh phải trả?
- Tôi đã viết văn tự, hẹn đến mồng một tháng Sáu tây sang năm.
Đức trợn mắt, hỏi:
- Anh chắc vào món nào mà liều thế?
- Tôi chắc vào món tiền bán nhà của thầy tôi ở nhà quê.
Một hôm, ăn cơm xong, tự nhiên Phú nói chuyện với Đức:
- Dù tôi biết rằng thầy me tôi không nỡ từ tôi, tôi cũng chưa dám về nhà, vì tôi sợ thầy me tôi biết tôi còn nợ nữa.
Đức cau mặt, nghĩ một lúc, rồi nói:
- Được, anh ở đây với tôi, bao giờ tôi bảo anh nên về, anh hãy về.
Phú vui sướng lạ lùng:
- Tôi gặp anh thật là một sự may cho tôi. Tôi ước gì ở đời, ai cũng có những bạn tốt như anh cả.
Đức cười, Phú hỏi:
- Lúc nào tôi nên về?
- Tôi muốn rằng anh ở đây với tôi từ nay đến mồng một tháng Sáu sang năm. Tám tháng nữa, chứ lâu lắc gì? Anh cùng tôi, chúng ta sẽ cùng làm một công việc, ta chọn một công việc có ích cho xã hội. Như vậy thì khi anh về, chắc ông nhà cũng vui rằng anh không những đã biết hối, lại biết làm ích cho đời để chuộc tội.
- Công việc gì?
- Để rồi ta bàn sau. Anh hãy nên nhất định ở đây với tôi đã.
- Tôi xin thề rằng tôi hối và nhất định ở đây với anh.
- Được, hay lắm. Vậy tôi giao công việc cho anh nhé. Mỗi tháng anh giữ lấy tiền để chi phí ăn uống nhé.
- Vâng. À, ra anh chưa có vợ à?
- Chưa. Anh làm nội trợ cho tôi.
Hai anh em phá ra cười, đắc chí.
Đức nói:
- Rồi từ mai ta sẽ tìm việc có ích, cùng làm với nhau.
- Vâng.
- Anh có thích đọc sách không?
- Thích lắm.
- Càng hay.
- Anh thích đọc sách gì?
- Tôi thích đọc sách về văn học.
- Quốc văn hay Pháp văn?
- Quốc văn.
- Được. Mai sẽ có.
Một tư tưởng nảy ra trong óc Đức. Đức thấy khoan khoái lạ lùng. Tối hôm ấy, Đức nằm vắt tay lên trán, nghĩ ngợi về Phú. Rồi đợi Phú ngủ say, Đức trở đậy, bật đèn, cầm bút chì tính và lẩm bẩm:
- Hai trăm rưỡi, lãi ba phân. Vậy thì mỗi trăm một tháng lãi ba đồng. Hai trăm rưỡi một tháng, bảy đồng rưỡi lãi, tám tháng, thành ra sáu mươi đồng, cả gốc lẫn lãi thành ba trăm mốt. Ba trăm mốt, cho là ba trăm hai. Ba trăm hai chia cho tám, được bốn chục. Bốn chục, tám chục, trừ bốn chục còn một nửa.
Rồi khoanh tay, Đức nhìn lên trần, vơ vẩn một lúc, Đức lấy giấy viết thư cho một người bạn thân ở Hà Nội rằng:
Bác Tham Tống,
Tôi nghe nói bác mới gọi họ một nghìn, mỗi tháng đóng bốn mươi đồng. Vậy bác làm ơn cho tôi đóng một suất. Bắt đầu từ mồng một tháng Mười, tôi xin gởi tiền ra và từ tháng sau, cứ ngày mồng một, bác cho người về đây mà thu tiền. Nhưng tôi xin nói trước để bác biết rằng: Chợt khi nào tôi có món tiêu, thì bác làm ơn chồng cho.
Kính chúc hai bác bình yên, cháu Gui, cháu Đê và các em nó ngoan ngoãn.
Nay thư
ĐỨC
Dán thư xong, Đức vui vẻ đi ngủ.