(Các dân tộc miền núi Nam Đông Dương)
Phần VII

Nền tảng tôn giáo của các kĩ nghệ truyền thống [1]
Từ cái đơn giản nhất đến cái phức tạp nhất, tất cả đều do các Thần dạy cho con người. Con người học được của các Yang các kỹ nghệ và công cụ của mình.
Nghề đan đát - "Ban đầu, lúc khởi nguyên, những cái gùi là quả của tre; chúng cứ thế mọc ra; ta chỉ có việc hái lấy mà thôi. Những chiếc nhỏ mọc trên các cây tre thẳng, những chiếc lớn mọc trên cây tre cao. Cũng như chiếu là quả của cây lát; người ta chỉ việc hái lấy.
Nhưng từ trận Ðại hồng thủy, mọi sự đã thay đổi; gùi, thúng mủng, chiếu không mọc ra như trái trên cây nữa; chúng ta phải làm lấy tất cả. Tuy nhiên Sörden và các thần trong thiên nhiên thương hại con người. Các thần cây đã giao cho các loài thực vật dạy cho con người; Sörden giao nhiệm vụ đó cho các vì sao. Vậy là tre dạy cho con người biết chẻ, vót bằng dao, điều khiển các nan để đan thành gùi, thúng. Lát dạy cách làm chiếu; nó nói với con người: "Ði gọi vợ anh lại đây, làm chiếu không phải là việc của đàn ông; đấy là việc của đàn bà, người biết chu đáo hơn, dậy sớm khi chồng còn ngủ. Ðàn bà phải đan chiếu bằng các ngón tay của họ; con dao là công cụ của đàn ông." Con chim ác là bé nhỏ còn dạy các cách đan sợi lát khác nhau, bao nhiêu sợi lên trên, bao nhiêu sợi xuống dưới. Cây mây, dùng để buộc, để cạp, dạy con người: "Hãy chẻ tôi từ đầu mỏng nhất chứ đừng chẻ từ gốc".
"Con ác là nhỏ bé dạy cách luồn các sợi đan; con vịt trời dạy cách bơi; con báo dạy cách đi ban đêm..."
"Sao Könhiang [2], do Sörden xếp đặt, dạy cách làm chiếc nia; nó chỉ cho con người hình chiếc nia, và dạy: "Ðưa hai sợi lên trên, siết năm sợi xuống dưới".
(truyền thuyết Srê)
Cho đến ngày nay, đồ đan đát của người Tây Nguyên vẫn không thay đổi cách cấu tạo. Chiếu bao giờ cũng đan một sợi lên một sợi xuống; gùi: hai sợi lên hai sợi xuống, v.v. Ðan rất cẩn thận và chặt; các chiếc chiếu ở đây vào loại chắc nhất Ðông Dương.Kiểu đan đơn giản nhất là kiểu bàn cờ: một sợi ngang một sợi dọc. Người Tây Nguyên tuyệt giỏi trong việc đa dạng hóa "lối đi" (gung) của sợi mây đan vào nhau tạo nên một sản phẩm khéo léo, hoa văn đều đặn. Trẻ con mười hai tuổi đã có những ngón tay quen với công việc tinh tế này. Ðôi khi sợi nền được nhuộm màu (màu đen bằng thuốc lá, màu đỏ bằng một loại đất đặc biệt) để cho hoa văn càng nổi lên. Có "lối đi thẳng", có "lối đi chữ chi", "lối đi hình trái tim", "lối đi chéo", "lối đi vòng quanh", "lối đi thẳng mút đường" (Hy Lạp), v.v.
Phần lớn các đồ đan dùng để đựng (gùi, thúng, túi) đều có hình tròn và đáy vuông. Mỗi tộc người có mặt hàng riêng của mình trong lĩnh vực này; thông thường mỗi người tự đan lấy chiếc gùi của mình và mỗi tộc người phú cho anh ta có một dấu ấn riêng; nhưng những cái kiat, loại thúng có hai phần úp vào nhau là đặc sản của người Cil. Người Raglai phơi thuốc lá của họ trên những tấm đan bằng lát. Người Rölöm thường đan sịa. Người Mạ ăn bằng những chiếc bát đan kín đến nỗi không chảy nước; họ đổ món cháo cho lợn ăn trong những chiếc sịa lớn.
Chiếc chiếu, là toàn bộ cái giường của người Tây Nguyên, chiếc gùi, phương tiện vận chuyển duy nhất và là đơn vị đo lường của họ, chiếc thúng trong đó họ xếp đôi thứ của cải nghèo nàn, là những vật dụng cần thiết hàng đầu. Khi, vào buổi tối, người đàn bà sàn gạo, bà hát, theo nhịp của đôi tay, truyền thuyết về cây lát và ký ức về các Thần "từ muôn thuở" đã phân chia các công việc cho đàn ông và đàn bà.
Nghề gốm - "Lúc đầu chúng tôi không có bát, lớn hay nhỏ, chúng tôi không có ché, lớn hay nhỏ. Chỉ từ khi có Me Boh Me Bla chúng tôi mới có bát và ché. Trước đây chúng tôi cũng không có muối. Một hôm những người đang làm rẫy thấy một người đàn bà có muối; họ xin bà ấy muối vì cơm ăn với tro chẳng ra sao cả. Bà ấy không muốn cho; những người đàn ông đuổi theo bà. Họ bắt kịp bà ở một đồng ruộng, họ làm cho bà bị thương; một ít máu chảy ra trên mặt đất, đất trở nên mặn; vì vậy cho đến ngày nay người ta vẫn gọi nơi ấy là: Srê Boh (Ruộng Muối). Me Boh Me Bla nói với họ: "Ðừng giết tôi; hãy đi với tôi đến tận biển, ở đó các anh sẽ có muối". Họ theo bà và tiếp tục đi đến biển. Ðến nơi, Me Boh Me Blah hy sinh; máu của bà chảy ra trên cát làm thành những cánh đồng muối. người ta lấy vú bà làm bát; đùi bà làm những chiếc ché to; đầu gối bà làm những chiếc ché nhỏ".
Trước khi biết đến bát, người Tây Nguyên ăn cơm đựng trong lá chuối. Về sau họ làm chén bát bằng cách đan; ngày nay ta vẫn còn thấy điều đó ở người Mạ. Rồi họ biết có thể tìm được chén bát và ché ở xứ sở của muối, ở ven biển, nghĩa là ở vùng người Việt [3]. Không phải họ làm ra chén bát, ché và tất cả những đồ sứ họ có: tất cả các thứ đó họ đều mua ở chợ ven biển, "từ khi Me Boh Me Bla chạy trốn xuống biển".
Trong các truyền thuyết về sự sáng thế, thường có nói đến các loại đất sét và cao lanh khác nhau; nhưng các vị anh hùng sáng thế, các vị anh hùng khai sáng dùng chúng để làm ra các loài vật: "... Bung dùng đất sét đỏ để làm ra chim sẻ; đất sét vàng làm ra diều hâu; đất sét xanh làm ra con báo..." Không bao giờ thấy nói đến chuyện đồ gốm; chỉ có cơ thể của Me Boh Me Bla là nguồn gốc của gốm.
Cần phải giành riêng một vị trí cho chiếc nồi đất dùng để nấu cơm. Dụng cụ nhà bếp này là quan trọng hàng đầu, người Tây Nguyên phải tự họ làm lấy và, cho đến tận ngày nay họ vẫn còn làm các nồi đất này. Người ta có thể không cần có bát để ăn cơm, nhưng không thể thiếu một cái vại chịu được lửa để nấu cơm. Cho nên, từ nguyên thủy, người Tây Nguyên đã biết đến cái nồi đất, không phải phụ thuộc vào người nước ngoài và các cơ may của việc mua bán. Theo Truyền thuyết, ngay từ khi sáng thế ra thế giới con người, từ khi "chui ra từ Ðất", Bung đã nghĩ đến việc mang theo một chiếc nồi từ trong lòng đất sâu, để cho con người bắt chước cách cấu tạo.
Cho đến tận ngày nay, người Tây Nguyên vẫn tự làm lấy nồi đất cho mình. Nhưng, ngược với các nghề khác, phổ biến hơn, là tác phẩm của mọi người như việc đan chiếc gùi, hay ít ra của một người trong từng làng như nghề rèn sắt, làm gốm là một nghề chuyên môn hóa: gần như cả một vùng mới có một làng làm nồi; và đấy là do các điều kiện địa chất. Quả vậy, không phải loại đất nào cũng làm được nồi, và hiếm có loại đất thích hợp. Người Srê có tục đi tìm nồi cho mình ở làng Liang (một cái nồi được đổi bằng dung tích gạo hoặc muối của nó. Ðất sinh ra người thợ thủ công; truyền thống làm nốt phần còn lại. Ðất nhào được các ngón tay nắn thành hình; tất cả được đem đốt trong lò, rồi nhuộm bằng một chất màu thực vật đen xỉn. "Từ khi Bung đưa chiếc nồi đầu tiên từ dưới Ðất lên, chúng tôi vẫn làm như vậy".
Nơi cư trú - "Lúc đầu chúng tôi không có nhà; người ta ở trong các cây trong rừng, nơi nào họ trú được. Ndu, vị Thần thượng đẳng, một ngày kia thấy anh chàng Doê khốn khổ nấp trong một cây mhi [4], là loại cây Ndu thường ngự ở đó. Ðể che chở cho con người đó, Ndu làm cho vòm lá cây mhi không thấm nước; mưa không lọt qua được nữa. Từ ngày đó, con người thường tìm cây mhi làm nơi trú ngụ.
"Về sau, Bung mang từ Âm phủ lên trước hết là tre và tranh. Ông dạy cho con người làm những chiếc nhà sàn toàn bằng tre và lợp tranh. Từ ngày cây đa cho con người sắt, con người làm ra dao, xà gạc và rìu; bấy giờ họ cần có gỗ chắc hơn để làm việc. Bung cho họ tất cả các cây lớn trong rừng. Bung vốn thương con người cho họ gỗ cần để xây nhà; ông dạy cho họ dùng rìu đẽo những cây cột nhà. Mối dạy cho con người dùng đục khoét gỗ để ghép mộng. Từ ngay đó chúng tôi bắt chước con mối ăn gỗ khi chúng tôi làm các lỗ mộng, khi chúng tôi đục một khúc gỗ để ghép khúc khác vào".
(truyền thuyết Srê)
Từ khi người Tây Nguyên biết sử dụng chiếc rìu và chiếc xà gạc, họ đã làm nhà theo cùng một kiểu và cho đến tận ngày nay. Họ chẳng thấy việc gì phải thay đổi. Các Thần đã dạy họ làm như vậy; còn có thể có cách nào hay hơn? Việc khớp bằng dây, việc ghép bằng đục, việc lợp bằng tranh đã được cố định bằng các lệnh bất di bất dịch của Truyền thống. Nhà ở của của người Tây Nguyên, thuôn dài, cao, là một công trình xây dựng nhẹ, không nhằm để tồn tại nhiều thế hệ. Khi di chuyển, người ta khiêng cả ngôi nhà đi trên vai, thành từng bộ phận tách rời, vác như vác các thứ của cải động sản còn lại. Khi gỗ mục, ngôi nhà có nguy cơ đổ nát, người ta làm lại, bên cạnh.
Mỗi người làm lấy nhà của mình, nhưng không phải bất kỳ ở đâu. Dựng một ngôi nhà ở một nơi không thích hợp có thể mang lại những hậu quả xấu: bệnh tật đổ xuống đầu những người cư trú trong đó (bệnh phong nếu làm nhà trên một ổ mối), nghèo khổ bởi vì lúa không thích ở trong nhà đó. Cho nên cần cẩn thận hỏi đất trước khi bắt tay làm nhà. Buổi tối, người đàn ông, một mình, đến chỗ đất định chọn, đặt một lá chuối xuống đất; trên tấm lá chuối đó anh ta đặt bảy hạt gạo, phủ một tấm lá khác lên trên và dùng một miếng gỗ chặn tất cả lại; rồi anh ta trở về nhà. Sáng hôm sau, anh ta trở lại đó để xem dấu hiệu. Nếu bảy hạt gạo vẫn còn giữa hai lớp lá, nơi ấy là tốt, có thể dựng nhà, và sẽ không thiếu thóc gạo. Nếu các hạt gạo không còn, thì là nơi ấy có mối, hoặc hạt gạo đã bỏ ra đi, không thích ở đó; phải bỏ chỗ đất không tốt ấy thôi.
Người Xơđăng, ngoài cách bói bằng hạt gạo đó, còn dùng phương pháp thử bằng con sên: họ đặt trên chỗ đất định chọn năm con sên thường và năm con sên-kia [5] . Nếu sáng hôm sau các con sên-kia thắng các con thường, thì phải đi tìm chỗ đất khác.
Còn có những thời kỳ không thích hợp cho việc làm nhà hay cất lại nhà, và những thời khác không đúng với phong tục. Người ta thường sửa nhà và làm nhà vào mùa khô, giữa kỳ thu hoạch và lúc đốt rẫy mới. "Từ thuở nào đến nay, đấy là cách dựng nhà..."
Các món ăn - Lúc đầu, con người không biết ăn cơm. Khi có thóc, họ ăn cám và vứt cái hạt cứng mà họ gọi là "xương" của thóc đi.
"Một bà già nghèo sống một mình với đứa cháu. Nhà bà chẳng có ai làm việc được; bà rất nghèo và thiếu cái ăn. Bà bảo cháu đi xin những cái "xương"; bà sẽ tìm cách bòn ra chút gì bằng cách nấu cháo. Do người ta vứt hết "xương" nên đứa cháu tìm được chẳng khó khăn gì. Vậy là nó mang gạo về cho bà già nấu. Nó thấy ăn ngon hơn cám! Bà già giấu biệt khám phá của mình và đi xin "xương" khắp cả làng: các gia đình đều sẵn sàng cho, đến nỗi bà chất đầy cả nhà.
"Ðến kỳ gieo giống. Người làng gần như chẳng còn cám để ăn với rau; phải giữ lấy giống và thế là đói. Thằng bé giữ trâu cùng với trẻ con trong làng. Ðến giờ ăn trên bãi cỏ, nó lấy gói cơm nấu chín của nó ra "Mày ăn gì đấy? - Ăn xương!" Nó cho bọn chúng nếm thử; chúng thấy ngon thật. Lợi dụng lúc thằng bé trông trâu lơ đễnh, chúng ăn sạch chỗ cơm.
"Bọn trẻ trong làng vội kể lại cho cha mẹ chuyện chúng đã ăn món gì. Một buổi tối, một người phụ nữ quyết định đến thăm bà già, xem bà ta nấu "xương" như thế nào. Bà già thấy bị theo dõi, bà chỉ đổ nước vào chiếc nồi đã bắc lên bếp. Ðến lúc đêm đã khuya và người phụ nữ tò mò kia đã ngủ, bà già đong hai bát gạo và đổ vào nồi... Nhưng người phụ nữ làm ra vẻ ngủ say đã nhìn thấy tất cả: nước sôi, gạo nở ra, bọt sủi lên trên mà bà già gạt ra, một phần nước bốc hơi, một phần thấm vào gạo.
"Người phụ nữ ấy bèn trở về nhà và công việc đầu tiên là bắt chước bà già ; chị ta thành công. Tiếng đồn nhanh chóng lan ra trong làng, mọi người đều muốn nấu cơm, nấu "xương". Nhưng tất cả gạo đã ở nhà bà già đã đi xin. Mọi người phải đến nhà bà mua lại chỗ gạo ấy, người thì đựng trong ché, người thì túm trong chăn... Bà già trở nên giàu có. Mọi người mang gạo về nhà và tập nấu. Chính từ lúc đó chúng tôi biết ăn cơm."
(truyền thuyết Srê)
Trước khi khám phá ra gạo, người Tây Nguyên chỉ ăn cám và lá cây, và họ không hề ngại nói ra điều đó. Ðã biết ăn cơm, họ chỉ còn dùng cám để nuôi lợn và làm rượu cần.
Một truyền thuyết kể chuyện những người anh hùng thời cổ đã học được của các thần cách nấu cơm, tính chất của củi đun và độ lửa cần thiết để có được cơm ngon:
Ous törlut long chat
ous rönga sin piang
duong könhiang khiang koe.
"Lửa to (lúc đầu) với củi chah (hopea) - rồi lửa than, vậy là cơm chín - một cái sịa tốt để dần cám". Các Thần Wao và Dang đã dạy Den như vậy, ủy thác cho anh ta giao việc đó lại cho vợ. Từ đó, bao giờ cũng là đàn bà nấu cơm, công việc của đàn ông là làm ruộng.
Việc dùng các loại rau, lá cây và mọi thứ thực vật ăn được không phải là do các thần dạy. Con người đã tìm theo kinh nghiệm. Người Tây Nguyên cần có những thức ăn ấy, vì họ biết không thể chỉ ăn cơm. Lúc đầu họ hái bất kỳ thứ lá cây nào, bất kỳ thứ măng nào trong rừng; nhiều người bị ngộ độc; do vậy họ biết phân biệt thứ gì tốt thứ gì độc. Thức ăn của người Tây Nguyên, phần lớn là thực vật, khối lượng khá nhiều nhưng ít chất bổ, khiến trẻ con đặc biệt ỏng bụng.
Người Tây Nguyên từ xưa vẫn thích ăn thịt. Nhưng lúc khởi nguyên họ chẳng có trâu, cũng chẳng có lợn, gà. Mọi thứ đó đều còn ở dưới Âm Phủ; trên mặt đất con người còn chưa biết dùng. Thay vì trâu, họ ăn những con bọ hung có sừng, những quả cà tím mà họ cắm vào đấy những cái que giống như sừng; những con cá có sừng, những con chạch mà họ treo trên cây nêu để có dịp tiến hành một lễ hội lớn.
Tuy nhiên như thế vừa không ấn tượng cũng chẳng bổ dưỡng gì. Bung, vị Thần tổ chức, bèn dạy con người: "chỉ ăn có sâu bọ và chim, thì là nhỏ quá đối với các ngươi; ăn con cá hình cái sịa, thì sẽ bị các Thần phạt; treo con cá chạch lên cây cột lễ sẽ bị Trời đánh. Bắt các loại họ thằn lằn để mà ăn là không hợp với các Thần."
Ndu, vị Thần lớn, Cha bảo trợ của loài người, Thượng đế của những người nghèo, dạy cách nấu thịt để ăn: "Thịt gà, thịt lợn, thịt trâu, thịt nai, đấy là phần của con người. Các ngươi phải ăn tất cả những thứ đó cùng với gạo để cho no..." Sau chuyện đó, con người mới làm lễ hiến sinh và mở tiệc ăn con trâu đầu tiên.
Bếp núc của người Tây Nguyên rất đa dạng; có nhiều kiểu nấu cơm, làm rau, nấu canh, ăn thịt, làm thức ăn dự trữ khác nhau. Từ xưa, tập quán đã dạy cho người ta cách nấu và ăn. Như cách nấu rau bi-na truyền thống: "Ngay từ đầu lửa phải to; phải khuấy đều; cấm không được nói trong khi nấu; người đàn bà nấu bếp không được thay đổi tư thế; nếu không món ăn sẽ đắng..."
Một nghi thức tôn giáo còn quy định các cấm kỵ về chỗ ngồi ăn và tính chất của thức ăn. Như cấm không được ăn thịt nai hay mang ở chòi rẫy: Thần Lúa ở gần ngay đó sẽ không bằng lòng khi nhận ra là con người không chỉ chịu thỏa mãn với thóc lúa. Cấm không được ăn xoài cùng với cá trắng; ngày xưa, sét phạt cái món hổ lốn này vốn không được Thần Sấm ưa thích.
Cách pha chế rượu cần có nguồn gốc truyền thuyết và mục đích tôn giáo. Chính con nhím, vốn có cái "dạ dày cao nhã" đã dạy kỹ thuật cao cấp này: "Làm rượu bằng quả mọng và các thứ quả giả nát thì chẳng ngon. Làm bằng củ, thì sẽ thành thuốc độc. Phải làm rượu cần bằng những viên bột gạo, sẽ có được một món rượu ngon..." Con nhím còn dạy phải làm bao nhiêu viên bột như vậy cho một ché rượu; nó bày liều lượng cám, cơm nấu chín và thảo mộc (dùng để làm chất mùi và chất lên men) cần phải trộn với những bánh bột nhỏ; nó dạy cách đặt than hồng ở đáy ghè và một lớp cám lên trên cùng, trước khi bịt thật kín. Rồi nhím tự rút dạ dày của mình ra, giã nhỏ và trộn với bột, vừa nói: "Bao giờ cũng phải làm như thế này; rượu cần chỉ thật ngon khi có dạ dày nhím." [6]
Hai người đàn bà Sörik và Sörac đã làm ra ché rượu cần đầu tiên, dưới sự hướng dẫn của Thần nhím. Từ đó, công việc này luôn là của đàn bà. Khi mở ché rượu cần, chén đầu tiên bao giờ cũng là dâng các Thần để tỏ lòng biết ơn họ đã cho con người món ngon tuyệt hảo này. [7]
Trong đời sống có tổ chức của người Tây Nguyên, chẳng có gì phó cho sự tình cờ, cả thời gian của các hành động lẫn tiến trình của nó. Ðặc biệt mọi lao động đều là truyền thống, được quy định bởi tập quán cổ xưa không hề biến đổi cũng như các quy luật của Tự nhiên, từ thuở khởi nguyên. Từ muôn đời nay, người ta tỉa lúa vào mùa mưa, và không có vấn đề thay đổi. Từ muôn đời nay người ta cất nhà và làm rượu cần theo đúng một cách như vậy; một sự đổi mới sẽ là một sự rối loạn phi lý. Nếu có một cá nhân muốn hành động ra ngoài những nguyên lý vĩnh cửu ấy, đi ra ngoài khuôn khổ của tổ tiên, anh ta sẽ bị coi là một kẻ dã man vô giáo dục vì đã không được khai tâm, là một kẻ ngu dốt không biết "cung cách" và chắc chắn sẽ thất bại. Người Tây Nguyên là một người bảo thủ đầy tự tin và đấy không phải là điều cản trở nhỏ hơn cả đối với sự phát triển của họ, bởi vì họ khá thông minh để mà sáng tạo.
IV.
Đại cương về thuật chữa bệnh truyền thống
Thuật chữa bệnh của người Tây Nguyên, loại kỹ thuật cao cấp mà chúng ta nghiên cứu riêng, cũng phụ thuộc vào Truyền thống; cái này chỉ huy và cắt nghĩa cái kia. Nó không phải là một khoa học nghiên cứu để phát triển, mà là sự nhắc nhớ lại một tổng thể những hiểu biết cổ xưa. Nó thoái hóa hơn là tiến bộ, nhiều khái niệm bị quên lãng dần đã bị mất đi đối với các thế hệ sau. Gần các trung tâm có người châu Âu, các loại thuốc và các cách chữa chạy của người Pháp góp phần giết chết khoa chữa bệnh truyền thống mà thường ít hiệu quả này. Tuy nhiên, cũng như tất cả những gì là truyền thống ở người Tây Nguyên, nó còn giữ được một sức mạnh tinh thần lớn, không dễ nhanh chóng mất đi theo tốc độ truyền bá của các loại xuyn-pha-mít. Có những loại thuốc không còn được dùng (đặc biệt là một số rễ) hoặc bị quên lãng, nhưng lòng tin ở khả năng của các loại cây thuốc vẫn ăn rất sâu. Nếu có những kỹ thuật sử dụng đã bị mất đi, thì các nguyên lý vẫn còn, bất biến, nhất là trong chừng mực chúng có liên quan đến tôn giáo.
Ở đây chúng tôi không tiến hành một cuộc nghiên cứu thực vật học về các loài thảo mộc được người Tây Nguyên dùng để chữa bệnh; đúng hơn là chúng tôi cố gắng làm toát ra cái tinh thần của kỹ thuật sử dụng thuốc. Chúng tôi sẽ kể ra một số lớn các loài cây; ở đây chúng tôi chú ý đến quan niệm của những người bản địa về những "khả năng" của chúng nhiều hơn là về mặt hình thái học của chúng. Ðể chỉ các loài thảo mộc đó, chúng tôi sẽ dùng các tên bằng tiếng Srê của chúng, vì chúng tôi đã nghiên cứu phần lớn chúng ở tộc người này.
Nguồn gốc truyền thuyết và cách sử dụng theo nguyên tắc
"Ngày xưa khi các dorpaê [8] sống như những con người, bịt khăn và mặc áo thêu, và nói chuyện với người, một con thỏ con bị ngã và gãy chân sau. Mẹ thỏ chạy đến và thấy không thể chữa được cái xương gãy. Nó đi tìm thứ gì có thể chữa được cho con; nó đi săn và tìm. Nhờ đánh hơi, nó tìm được một loại cây nhỏ mà bằng linh tính cho nó biết là có hiệu lực; đấy là cây sönöm törbo nting [9]. Nó đào lấy củ và vội mang về. Nó rịt thử vào chân con, chân lành. Mẹ Thỏ đã tìm ra được cây thuốc đầu tiên. Trong khi vội chữa cho con và vui sướng thấy con lành, nó quên mất cái củ mà nó đặt trên một hòn đá. Một người đi qua; anh ta tò mò nhìn hòn đá và mang cái cây nọ về. Một hôm anh ta có dịp thử tác dụng của nó. Nó không làm anh thất vọng; anh ta bèn đi tìm trong rừng tất cả các loài cây lá rộng và có củ, để dùng làm thuốc: cứ thử mãi, rồi anh ta tìm ra được tính chất của từng loài. Anh đã có được bộ sưu tập cây thuốc đầu tiên."
Thỏ, quen sống trong rừng thưa, ở đấy có nhiều cây sönöm, đã dạy cho con người biết dùng các loại thảo dược. Có một nguyên lý phổ quát là Thiên nhiên đã đặt sẵn thuốc ở nơi nào có bệnh. Trải qua kinh nghiệm, con người đã sưu tầm được các loại cây ấy. Từ ngày họ gọi tên chúng, thì cũng là lúc họ biết chúng và biết cách khai thác công dụng của chúng.
Các loại thuốc động vật là do các con vật dạy cho người, "vào thời tất cả các loài đều nói được với nhau".
Một truyện kể gần đây hơn giải thích, theo cách của nó, người da trắng đã tận dụng các loại thuốc hòa tan rất mạnh mà người Tây Nguyên là những người tìm ra đầu tiên như thế nào:
"Tung và Tang đuổi theo một con nai. Muốn trốn thoát, nai nhảy xuống một con suối kỳ lạ nước cháy như lửa: daa ous sönöm [10] . Tung và Tang bị trầy da trong khi rượt đuổi; họ rửa bằng nước đó và lành ngay tức thì. Họ nhận ra nước đó là sönöm, nó chảy như lửa; họ lấy về. Về đến nhà, họ lại làm thử nữa; nước ấy đổ lên các chỗ lở và các vết thương sẽ chữa lành hết ngay. Rồi người Tây Nguyên phục vụ người Việt, những kẻ thống trị họ. Ðến lượt người da trắng tới xứ này. Họ bị thương ở chân, và gặp Tung và Tang, Tung và Tang chữa lành cho họ. Người da trắng muốn có thứ thuốc công hiệu này. Hai anh chàng Tây Nguyên bảo rằng người Việt đã chiếm chỗ dự trữ của họ rồi. Người da trắng lấy lại của người Việt và mang về nhà họ. Cho nên ngày nay chính người da trắng giữ lấy các loại sönöm hiệu lực hơn cả."
Các loại thuốc người Tây Nguyên có và biết dùng hầu hết là thảo mộc, họ thường khai thác công dụng của lá, ngọn, nhựa, củ, quả, v.v. Các loại dược thảo đó là những loại cây mọc hoang mà người ta đi hái trong rừng. Cũng có thể trồng, nhưng phải xa nhà để tránh tác dụng từ xa của chúng, vì nếu một mặt chúng chữa bệnh, thì mặt khác chúng lại gây bệnh cho người chưa mắc.
Ðôi khi người ta cũng dùng một thịt hay xương một số loài vật hiếm và khó bắt làm thuốc.
Tùy theo loại cây được sử dụng hay loại bệnh phải chữa, mà cách dùng có khác nhau: dán, xoa, xông, uống, hay chỉ đơn giản mang trong người. Ðể đạt hiệu quả toàn vẹn, phải tuân thủ các quy tắc truyền thống quy định các điều kiện, các trường hợp sử dụng: phải trần truồng, không được để ai nhìn thấy, làm vào ban đêm, v.v., tùy theo loại cây. Một số loại thuốc gắn với các điều kiêng kỵ: trong suốt thời gian dùng thuốc, ngôi nhà đó sẽ wer (cữ), hoặc kiêng ăn một số thức ăn nào đó. Ðể một người lạ không phải người trong gia đình bước vào nhà khi một người ốm đang chữa bằng sönöm wer, sẽ làm cho thuốc mất tác dụng. Nếu người bệnh ăn các loại quả hay cá bị kiêng thì cũng sẽ như vậy.
Ở những nơi người Tây Nguyên tiếp xúc với văn minh châu Âu, người ta được khuyên không nên dùng cùng một lúc cả thuốc Tây và thuốc truyền thống của Tây Nguyên: các loại thuốc truyền thống sẽ mất hết tác dụng và, do ganh ghét, thậm chí còn làm cho thuốc Tây chẳng hiệu quả gì.
Ở Tây Nguyên, hầu như mọi người đều biết nhận ra các loài cây thuốc; người ta đi hái thuốc giống như người châu Âu đi đến quầy dược phẩm. Nói cho đúng, không có những người thầy thuốc định loại thuốc này hay thuốc nọ theo trường hợp của từng khách hàng. Các nam thầy cúng và nữ thầy cúng không phải là những lang băm: sau khi đã bắt mạch người bệnh đến khám, họ phán anh ta có chữa lành bệnh được hay không, giống như các vị bồi thẩm tòa đại hình tuyên bố bị can phạm tội hay không, giành cho quan tòa theo luật mà định hình phạt. Các vị thầy cúng chỉ khuyên nên cúng như thế nào cho các Thần, đôi khi bảo một nhà phải kiêng cữ, nhưng không bao giờ chỉ loại thuốc phải dùng. Việc ấy thuộc vai trò của người Già làng vốn biết rất nhiều loại dược thảo và chỉ vẽ cách dùng theo những nguyên tắc truyền thống, được áp dụng "từ tổ tiên, từ muôn thuở". Trường hợp bệnh nhẹ (sốt nhẹ, vết thương nhẹ) và không cần mời thầy cúng tốn kém, mỗi người tự chữa lấy bằng món sönöm có được đầu tiên.
Nguyên nhân và thuốc truyền thống đối với các trạng thái bệnh lí
Các loại tai nạn (bị thương, bị cắn, v.v.) thường được coi là do các ác thần trả thù. Nếu nạn nhân chết, anh ta sẽ được trả thù ở thế giới bên kia: nếu anh ta bị hổ vồ, trong thế giới bên kia anh ta sẽ là thủ lĩnh của loài hổ, bọn hổ sẽ phải phục vụ anh ta [11]. Không bao giờ người Tây Nguyên mút máu của chính mình, dù chỉ là một giọt ứa ra từ một vết đứt; anh ta sẽ để cho một con quỷ ám lấy anh ngay. "Người nào tự liếm lấy máu mình, sẽ quen thèm; rồi ra anh ta sẽ làm chết cả làng, để ăn thịt họ".
Các bệnh thông thường nhất trong dân cư miền núi là sốt rét, kiết lỵ, giun sán, các bệnh hoa liễu, các bệnh nhiễm trùng da (nhọt, ghẻ), các tổn thương về phổi (ho kinh niên, hen suyễn), phong, viêm mắt, thấp khớp, chưa kể đến các nạn dịch hoành hành đều đặn và tàn sát rất nhanh cả làng nếu không được chữa trị kịp thời. Nói chung, người Tây Nguyên có thể một chất vững chắc, một khí chất lành mạnh, một dòng máu khỏe: một vết thương được rửa sạch hầu như không bao giờ nhiễm trùng. Ðàn bà sinh trung bình đến mười đứa con; chúng chỉ sống sót được nhiều lắm là hai hay ba đứa; điều đó là do các điều kiện sinh tồn của đứa trẻ sơ sinh, có một sự chọn lọc tự nhiên. Chỉ cần chăm lo một số điều kiện vệ sinh tối thiểu là các đứa bé sống được. Người Tây Nguyên, chưa quen với thuốc Tây, rất nhạy cảm với các loại thuốc này: những vụ nhiễm trùng chết người đã được dập tắt trong bốn mươi tám tiếng đồng hồ bằng một liều xuyn-pha-mít nhẹ.
Các tình trạng bệnh lý khác nhau là những sự hỗn độn mà người Tây Nguyên, theo lôgích của riêng mình, coi là hệ quả của những nhiễu loạn trong các quy luật phổ biến do các Thần ban bố. Một sự rối loạn trong nhịp điệu bình thường của Tự nhiên nhất định sẽ đưa đến một sự rối loạn trong cuộc sống của con người, nhất là khi con người lại chính là nguyên nhân của sự mất trật tự trong Tự nhiên.
Dựng nhà trên một mảnh đất cử (wer) sẽ khiến một người nào đó trong nhà ốm nặng, bởi như thế là đi ngược lại trật tự tổ chức vũ trụ của các thế lực thần thánh; là làm rối loạn trật tự truyền thống của các sự vật. Cũng chính vì lý do ấy, một tội lỗi về đạo đức sẽ dễ dàng được coi là nguyên nhân của một căn bệnh: "các Thần nổi giận, Mặt Trời phạt..." Một vụ dan díu bất chính, loạn luân, sẽ đưa đến một sự rối loạn tương đương cho sức khỏe của người mắc lỗi. Nói chung, khi có nhiều người ốm trong một thời kỳ nhất định, người ta sẽ cho đó là do những nhiễu loạn trong các điều kiện thời tiết, chẳng hạn một mùa khô kéo dài quá lâu. Một sự mất trật tự này kéo theo một sự mất trật tự khác, nhịp điệu truyền thống bị phá vỡ: bệnh tật là một sự "lỗi nhịp", phong tục không được tôn trọng.
Do đó, để chữa các trạng thái bệnh lý, đi đôi với các phương thuốc truyền thống để khôi phục chuẩn mực, còn phải hiến tế để làm cho vị Thần đang bất bình nguôi giận, đền bù sự vi phạm các quy tắc của tổ tiên, nối lại với Phong tục được coi như là một thế lực phải hòa giải. Không thể chữa khỏi một bệnh nặng nếu không có hiến tế (dê, trâu) tương đương với mức độ của bệnh. Người Tây Nguyên thà không dùng thuốc còn hơn là không làm các nghi lễ tôn giáo. Khi đã hiến tế, gia đình người bệnh yên trí bệnh sẽ lành. Nếu một người bệnh nặng được tiêm một mũi thuốc và cùng lúc có cúng Thần một con dê, thì đương nhiên việc lành bệnh không phải là do mũi thuốc. Một cụ già làng nói với một giáo sĩ: "Ông có thể tiêu tốn tất cả thuốc ông muốn; nhưng nếu Thần không cho người bệnh của ông lành thì..."
Nhiều loại củ được liệt vào danh sách các dược phẩm của người Tây Nguyên; chúng tôi xếp ra ở đây theo cách sử dụng:
Xoa hay dán, người ta dùng:
tön, để trị ho. Người ta xát trên ngực một lát củ này;
sir (solanacée), chungbang, dùng chữa tất cả các vết thương. Loại củ này có "khả năng" làm liền lại thịt và gân;
rut, dùng trị các loại ung nhọt, sẽ tan đi dưới tác dụng củ thuốc;
sönöm ji sii, chữa đau răng, người ta xoa một lát loại củ này lên lợi;
sönö ji but, chống nhức mỏi và đau lưng. Người ta xát một khúc củ này lên chỗ đau;
bösir (orchidacée), chữa các vết thương có nguồn gốc hữu cơ, nhiễm trùng. Củ được tán thành bột; đấy là "xuyn-pha-mít" của Tây Nguyên. Là một trong những sönöm quý nhất;
Củ đập nát thành bột nhão trộn với nước rồi đắp lên:
römit, prin, chữa da bị viêm lên do tiếp xúc với nhựa cây bangchal (Buchanania sp.). Thứ thuốc này tỏ ra hiệu nghiệm sau nhiều lần đắp, nếu chỗ viêm nhiễm không loang rộng ra;
törbo nting;
um luny, chữa đau răng và lợi.
Sắc nước uống:
böngê (oléacée), thuốc chữa sốt rét. Người ta xắt loại củ to này ra thành từng lát mỏng, rồi dội nước nóng lên. Thứ nước có mùi gừng này có tác dụng hạ sốt thật sự;
sönöm ji nus, chữa đau dạ dày;
bupis, chữa đau gian sườn và nhuận trường;
chörangdao, an thần, chữa khí thủng, thấp khớp;
dacho, gây sẩy thai. Người đàn bà, hay cả người đàn ông có quan hệ với chị ta, uống thứ này để gây tác dụng ấy. Ðấy là thuốc pögang pörung của người Bana; thuốc pögang lar (Bana) triệt sản; thuốc pögang prae làm cho người ta có thai.
Nấu chín và ăn:
putbong, vị đắng, khiến người béo lên;
böngê (nt), cũng có thể ăn.
Xát hay dán lên:
mbu (Eugenia sp. - Myrtacée) một loại lá hình giáo nhọn dùng chữa bệnh sủi da;
sönöm kop rang, loại lá dày của một thứ cây béo chữa các vết bỏng của bệnh đậu mùa;
bangsrah, làm dịu các cơn thấp khớp và các cơn đau; loại lá này có thể gây bệnh cho da. Ðây là một loại thuốc nguy hiễm;
böla (globa Schomburgkii - Zingibéracée) dán lên các vết thương, có tác dụng cầm máu và lên sẹo;
sönöm lik mham, lá có cùng tác dụng;
Lá tán ra thành nước:
kop mang (Clerodendron sp.) bôi lên, chữa các mụn nhọt;
törgöm, lá rộng, có lông, mùi gắt, trừ sâu bọ. Thật sự có tác dụng trừ bọ chó;
köryol (Melodorum Schaeferi P.) chữa rắn cắn. Một truyền thuyết kể rằng con rắn do chính từ cây này mà ra. Cây còn có tên: me bös, "mẹ của rắn".
Lá nấu thành nước:
dörpa, trị đau dây thần kinh, bằng cách xoa;
rtuön, thuốc dán, chữa các bệnh về da, thật hiệu nghiệm;
sömoan (Spondias mangifera - Anacardiacée), lá nấu chín dán lên, chữa hiệu nghiệm chứng ngứa giữa các ngón chân, dầu có câu nói: "Ðến lúc mẹ chết thì sömoan mới chưa được lành cho ta".
Ăn:
bang-a, ăn sống hay nấu chín, ngừa sốt rét;
jiras, là loại rạ màu hơi đỏ và đắng, và pöjir, diệt sán.
Nhai và chỉ nuốt nước:
löhyao, chống co thắt, chữa cơn đau bụng;
ti (Careya sphareica), chữa nẻ môi. Vỏ cây này dùng làm chất nhuộm.
Hãm nước sôi:
konlân, thực sự làm hết đau răng.
Xông:
opkam, chữa ghẻ, nhọt, nhiễm trùng có nguồn gốc hoa liễu. Người ta nấu lá trong một cái nồi, để cho hơi xông lên người, phải chú ý lấy chăn trùm đầu lại, vì hơi này sẽ độc nếu hít phải;
bölong, ja, là loại tranh thông thường, chữa đau mắt.
Dùng vỏ, nhai:
kwi, trị ho.
Dùng quả:
trái ớt, dùng chữa các vết trầy do vẩy cá, sâu bọ cắn;
tong, quả của một loại cây ký sinh vào thân các cây to. Loại quả này chứa một thứ bột màu vàng, dùng để chữa ung nhọt, sưng tấy, vết thương nhiễm trùng;
yamê, quả của một loại cây cỡ cây ớt, chữa đau họng. Lá cũng ăn được và người ta ăn với cơm. Cà tím mọc hoang, nấu chín, dùng chữa chứng trụi tóc, tỏ ra có hiệu quả.
Dùng nhựa:
klong (cây dâu của người Việt), chữa đau bụng;
mö, tranh mọc ven các bờ ruộng. Nhựa, tựa sữa, chữa các vết thương do liềm (mö) cắt phải khi đi gặt.
Cuối cùng cần phải kể đến tro thuốc lá đắp lên bụng, chữa cơn đau bụng, tro gỗ để làm cho mọc lại tóc và lông.
Thuốc khoáng chất
Ðồng - dùng để chữa vết lở do con sâu róm gọi là tu, phải lấy miếng đồng, có khía càng tốt, xát vào đó.
Vôi - Người ta chữa đau răng bằng cách bôi vôi lên má, chữa đau họng bằng cách bôi lên cổ. Nói chung đấy là một loại thuốc giảm đau.
Nước - Người Tây Nguyên có một hiểu biết mơ hồ và ít tự giác về các tính chất của nước, về những phát xạ do nó tỏa ra. Xin kể đôi công dụng kỳ lạ của nước trong việc chữa bệnh:
- người ta chữa ớt dây vào mắt bằng cách đổ nước vào cùi tay và ngón chân cái;
- người ta chữa một kiểu ảo giác do nước gây ra bằng cách tắm ngay trong nước đó. Chúng tôi sẽ trở lại điều này trong đề tài về vi lượng đồng cân;
- người ta chữa chứng đau người và dâu dây thần kinh bằng cách mút hạt mưa đá.
Thuốc động vật
Dùng thịt - ăn thịt hổ là một món thuốc chữa đau tim. Ăn thịt hổ mà không có lý do thì sẽ bị đúng bệnh mà loại thuốc này nhằm chữa;
thịt voi là một thứ thuốc gây ngủ.
Dùng nội tạng - ruột rắn, trộn với rơm, dùng để chống muỗi đốt.
Dùng xương - ntiing r'na là một cái xương nhỏ chỉ có loài báo có ở nách. Xương này, đốt cháy, tán thành bột và uống với nước, là một vị thuốc trị đau tim và dạ dày.
Dùng máu - người ta uống máu dê tươi, như một thứ thuốc bổ.
Dùng phân - ăn phân của con bọ da chữa được bệnh đau ngực.
Thuốc phòng ngừa -
- jirngaê, một loại cây dài và lá rộng, là một loại thuốc ngừa, thường được dùng trong trường hợp có dịch, Chỉ cần mang nó trong người, trong một cái túi con buộc dây đeo ở cổ. Ta thấy rất nhiều đứa trẻ Tây Nguyên đeo những cái túi như thế quanh cổ. jirngaê cũng là thuốc ngừa khi có dịch động vật; tốt nhất là nên trồng một cây ấy gần bãi thả trâu. Người ta bảo mùi của cây này có khả năng làm cho hổ phải chạy trốn;
- sönöm dek rang là một viên đá nhỏ thần diệu (dek) người ta mang trong người khi có dịch đậu mùa;
- xỉa rằng bằng lông phía bên trong đùi voi sẽ phòng được bệnh đau răng;
- chúng ta nhớ bang-a là thuốc phòng sốt rét.

[1] Không nên đi tìm ở đây những nghiên cứu toàn bộ về các kỹ nghệ (nghề dệt, nghề đi săn và những nghề khác đã nói đến ở chỗ khác), đây là nói đến các truyền thuyết về nguồn gốc của một số trong các kỹ nghệ ấy.
[2]Chòm sao Thiên Mã.
[3]Trước khi người Việt đến, người Tây Nguyên mua toàn bộ đồ gốm của người Chàm, người Trung Hoa và người Cămpuchia.
[4]Một loại cây sồi.
[5]Ðã bị bỏ bùa mê, là nơi trú ngụ của các ác thần.
[6]Người Tây Nguyên cho rằng con nhím là một con vật huyền diệu bởi vì nó vô tính. Họ cho rằng nó có nhiều tính năng; dạ dày của nó có tính chất kỳ lạ là khiến cho rượu trở nên tuyệt hảo. Cho đến tận ngày nay, mỗi khi bắt được một con nhím, họ lấy cái dạ dày nó đem giã với bột gạo, dùng để làm chất lên men.
[7]Người Tây Nguyên thường có tục nhân cách hóa hạt thóc; họ gọi rượu cần là "lá gan" của thóc, cũng như cơm là "thân thể" và "thịt" của thóc..
[8]dorpaê: thỏ hoang.
[9]Dich sát nghĩa: "thuốc gắn xương"
[10]Dịch đúng từng chữ: "nước - lửa - thuốc"
[11]Ở vùng Xơđăng, ghẻ là do kiến trắng "gây ra", đau răng là do kiến đen, đau đầu là do các ác thần ném đất vào đầu, động kinh là do quỷ ám.