CIA không bao giờ tuyên bố rõ ràng rằng cơ quan này tin Hussein sở hữu vũ khí huỷ diệt. Báo cáo tình báo quốc gia năm 2000 (NIE) kết luận rằng Hussein "duy trì một kho nhỏ" các tác nhân hoá học - chứ không phải đầu đạn - ước tính khoảng 100 tấn, và "có thể" lên tới 200 tấn. NIE kết luận rằng Iraq "vẫn tiếp tục" phát triển và có thể sắp sở hữu vũ khí sinh học. Đáng chú ý là trong bản điều trần công khai trước uỷ ban tình báo thượng viện tháng 6/2002, về các mối đe doạ trên thế giới, Tenet chỉ nhắc đến Iraq ở trang 10 trong 18 trang báo cáo, và chỉ dành cho Iraq 3 đoạn. Các đảng viên dân chủ yêu cầu chính phủ cung cấp báo cáo đầy đủ và toàn diện về Iraq, và Tenet miễn cưỡng đồng ý công bố một văn bản như vậy vào mùa thu năm 2002. Hội đồng an ninh quốc gia bắt đầu quá trình xem xét, phân tích và đánh giá. Hội đồng này gồm đại diện các cơ quan từ CIA tới Cơ quan an ninh quốc gia chyên nghe lén điện thoại, Tình báo của Bộ Quốc phòng, tình báo của bộ ngoại giao, và cơ quan bản đồ, hình ảnh quốc gia chuyên thu thập thông tin qua vệ tinh chặn thu và chụp ảnh. Hội đồng có vô số cứ liệu, hầu hết đã cũ và không đáng tin cậy. Iraq vẫn luôn là một trong những mục tiêu tình báo khó khăn. Hussein đã cải thệin các biện pháp đánh lừa và che giấu các chương trình vũ khí dưới lòng đất. Lực lượng điệp viên của CIA bên trong Iraq yếu, và những đội bán vũ trang như cái mà Tim thiết lập chả tìm được gì ở miền bắc Iraq. Báo cáo tình báo quốc gia vẫn chỉ là bản ước đoán. Trong Chiến tranh Lạnh, kiểu báo cáo ước đoán là sự lựa chọn hàng đầu bởi nó cung cấp cho tổng thống và đội ngũ quan chức an ninh sự đánh giá tổng thể về những mối đe doạ có thực, hiển hiện, như Liên Xô và Trung Quốc. Mô hình của báo cáo này phục vụ các chính trị gia bận rộn. Như vậy, những văn bản NIE độ 50-100 trang thường có mục tổng kết ngay từ đầu tiên, mang tên "Những đánh giá chính", trong đó các nhà phân tích cố gắng đưa ra câu trả lời cuối cùng cho một vấn đề. Castro có bị lật đổ không? Syria có tấn công Israel không? Phe cộng sản có thắng ở Nicaragua không? Qua nhiều năm, kiểu báo cáo NIE đã bị các ông nghị và cả tổng thống chê trách, bởi tìm trong bất kỳ câu chữ nào của báo cáo cũng thấy nói đến khả năng này khác. Stuart A. Cohen, chuyên gia tình báo 30 năm kinh nghiệm dạn dày, là chủ tịch hội đồng tình báo quốc gia trong thời gian nhóm này đánh giá WMD Iraq. Ông từng thừa nhận với một đồng nghiệp rằng ông muốn tránh công việc này nếu có thể. Bằng chứng chắc chắn luôn là của hiếm trong nghề tình báo, điều quan trọng là các nhà phân tích phải đưa ra được đánh giá mà trong tay không có bằng chứng rõ ràng. Bằng chứng là rất quan trọng, nhưng sự suy diễn cũng quan trọng như thế; cho đến khi đó vẫn chưa một ai có bằng chứng về các tác nhân sinh học hay vũ khí sinh học, hay hoá học. Tuy nhiên, kết hợp với những chứng cớ không thể chối cãi về việc Hussein từng có chương trình WMD trong quá khứ, kết luận được đưa ra dường như là tất yếu. Một luồng ý kiến khác cho rằng Hussein không còn WMD. Nhưng không ai muốn nói ra điều đó, bởi nếu vậy thì sẽ có vô vàn thông tin tình báo bị cho là không đáng quan tâm. Câu trả lời thực tế và dễ dàng nhất là ông ta có thể có WMD, nhưng không có bằng chứng xác thực, và điều này rút ra dựa trên sự suy diễn. Với cửa như vậy dành cho "đánh giá" (mà bản chất của đánh giá thực ra là nêu ý kiến), hội đồng quyết định đi đến một tuyên bố mạnh. Giới phân tích ở CIA đã từ lâu thảo luận về việc tránh nói lập lờ. Nhiều người, trong đó có John McLaughlin, cho rằng cần mạnh dạn dám làm dám chịu để tỏ quan điểm rõ ràng trong phần "đánh giá". Mùa hè năm 2002, McLaughlin nói với những nhân vật đầu mối trong Hội đồng an ninh quốc gia rằng CIA đoan chắc có thể chứng minh Hussein có WMD, nhưng những người khác yêu cầu bằng chứng cụ thể. CIA không có mẫu virus gây bệnh than, cũng không có mẫu vũ khí hoá học. Các nhà phân tích tình báo làm việc trong 3 tuần. Ngày 1/10/2002, Tenet chủ trì Hội đồng Tình báo quốc gia, nơi có những người đứng đầu các cơ quan tình báo có đóng góp vào NIE. Không ai tranh cãi về kết luận của văn bản. Tenet cảm thấy ông có được một tập hợp những người thông minh, biết cách làm ra một bản báo cáo hợp lý. Văn bản tuyệt mật gồm 92 trang được đưa ra với đánh giá "Baghdad có các loại vũ khí sinh hoá". Tuy nhiên, đoạn thứ hai của phần đánh giá chính viết: "Chúng tôi nhận định rằng chúng ta đang thấy một phần của các nỗ lực phát triển WMD của Iraq". Đó là kiểu tuyên bố có thể thấy trong bất kỳ báo cáo tình báo nào - chỉ một phần của một thứ chưa bao giờ có ai nhìn thấy. Văn phòng tình báo của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi kèm một phụ lục dài 11 trang chỉ ra những điều bất đồng và phản đối NIE, đặc biệt là về vũ khí hạt nhân, khẳng định rằng bằng chứng đưa ra không đủ để "lập thành lý do thuyết phục" rằng Iraq có "biện pháp toàn diện và đầy đủ để tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân".