Powell được thông báo sau Đại sứ Ảrập Xêút

Một trong những nhiệm vụ của Cố vấn an ninh quốc gia Rice, như bà nhớ lại, là "hiểu các bộ trưởng": Powell và Rumsfeld. Vì Tổng thống đã nói với Rumsfeld về quyết định chiến tranh, thì ông nên nhanh chóng nói với Powell.
"Thưa tổng thống", Rice nói, "nếu ông nghĩ chiến tranh sẽ xảy ra, thì ông nên gọi điện và nói chuyện với Colin". Powell có nhiệm vụ khó khăn nhất, đó là giữ kênh ngoại giao hoạt động.
Vì vậy, thứ hai hôm đó, ngày 13/1, Powell và Bush gặp nhau ở Phòng Bầu dục. Tổng thống ngồi trên chiếc ghế chủ toạ phía trước lò sưởi, còn Ngoại trưởng thì ngồi ở chiếc ghế dành cho nhà lãnh đạo tới thăm hoặc quan chức Mỹ cấp cao nhất. Đây là lần duy nhất mà Cheney và Rice không có mặt.
Bush hỏi han Powell về công việc khó khăn trên mặt trận ngoại giao. "Những cuộc thanh sát không giúp chúng ta đạt mục tiêu", Tổng thống Mỹ nói. Các thanh sát viên Liên Hợp Quốc chỉ đi lòng vòng, còn Saddam thì không có ý định tuân thủ thực sự. "Tôi thực sự nghĩ tôi phải làm chuyện đó", ông Bush thông báo đã quyết tâm tuyên chiến. Mỹ nên sử dụng vũ lực.
"Ông chắc chắn chứ?", Powell hỏi.
"Phải", Bush đáp lời. 
"Ông hiểu rõ các hậu quả", Powell nửa hỏi nửa khẳng định. Gần 6 tháng qua, ông đã tập trung vào chủ đề này - rằng Mỹ sẽ hạ bệ một chế độ, sẽ điều hành Iraq, và ảnh hưởng với Trung Đông và toàn thế giới là không thể dự đoán. Quá trình chuẩn bị chiến tranh đã làm trệch mọi chú ý vào các vấn đề khác trong quan hệ quốc tế. Chiến tranh chắc chắn sẽ thu hút mọi sự quan tâm.
"Tôi biết", Tổng thống khẳng định. 
"Ông có chắc là ông sẽ kiểm soát được địa điểm đó không?", Ngoại trưởng hỏi, nhắc Bush về những gì ông đã nói trong bữa tối hồi tháng 8 năm trước, khi Powell phản đối tiến hành chiến tranh ở Iraq. Một cuộc xâm lược có nghĩa chiếm lấy mọi hy vọng cũng như vấn đề của đất nước vùng Vịnh. Powell không chắc liệu Bush có hiểu rõ ý nghĩa và hậu quả của chiến tranh.
"Nhưng tôi nghĩ tôi phải làm vậy", ông chủ Nhà Trắng khăng khăng.
"Thôi được", Powell nói.
"Tôi muốn cho ông biết rằng đây không phải là một cuộc thảo luận, mà tôi chỉ muốn thông báo cho một thành viên nội các về quyết định thôi", ông Bush nói. "Chúng ta đang ở ngã 3 đường và tôi đã chọn chiến tranh".
Là người duy nhất trong nội bộ chính quyền nghiêm túc và hăng hái thúc ép biện pháp ngoại giao, Powell hiểu rằng tổng thống muốn chắc chắn ông sẽ ủng hộ chiến tranh. Về mặt nào đó, đây là một cuộc kiểm tra quyết tâm, nhưng Powell không nghĩ là tổng thống đang làm cuộc kiểm tra lòng trung thành. Ông không hề nghĩ đến chuyện đó. Với Powell, từng là một tướng quân đội, đây không phải là hành động bất trung với tổng thống.
"Ông có ủng hộ tôi về vấn đề này không?", Bush hỏi. "Tôi nghĩ tôi phải làm vậy. Tôi muốn ông sát cánh cùng tôi".
"Tôi sẽ cố gắng hết sức", Powell trả lời. "Vâng, thưa ông, tôi sẽ ủng hộ. Tôi ở bên ông".
"Đã đến lúc ông mặc quân phục", tổng thống nói với viên tướng đã nghỉ hưu. 
Trong tất cả các cuộc họp, cuộc thảo luận, tán gẫu, trong những cuộc tranh cãi giữa Powell và Rumsfeld, Bush chưa bao giờ hỏi ngoại trưởng câu Ông sẽ làm điều này chứ? Ông có lời khuyên như thế nào? Điểm mấu chốt là gì?
Có lẽ Tổng thống Mỹ sợ câu trả lời. Có thể Powell ngại phải trả lời. Có lẽ đây là cơ hội cuối cùng để ngoại trưởng không đồng ý. Nhưng họ đã không đạt tới câu hỏi chủ chốt, và Powell cũng không thúc ép. Ông sẽ không xâm phạm khoảng riêng tư của tổng thống - nơi tổng thống quyết định chiến tranh hay hoà bình, nếu không được mời. Và thực tế là ông không được mời.
Cuộc gặp giữa Bush và Powell kéo dài 12 phút. "Thật là một cuộc nói chuyện chân thành", Tổng thống Mỹ nhớ lại. "Nó không kéo dài, không có nhiều tranh luận: có vẻ như chúng tôi đều hướng tới chiến tranh".
Ông Bush khẳng định đã đề nghị Powell ở bên và ủng hộ chiến tranh, "Tôi không cần giấy phép của ngoại trưởng".