Chương 9

Chương 9.1
Sáng tỏ tình với tôi vào một buổi chiều mưa đậm hạt. Chúng tôi ngồi trong một nhà hàng của Sáng vừa được khai trương cách đây chẵn tuần. Những xác pháo nhợt nhạt hồng bợt nước dưới trời mưa. Ở tiền sảnh, mấy cô tiếp viên đang cắm lại nhưng lọ hoa mới. Opening ceremonyt tôi không đến, mặc dầu Sáng nài nỉ. Khi biết anh quay vốn vào hướng kinh doanh này tôi thực sự không thích.
"Em sợ anh cạnh tranh với em à". Sáng đùa.
"Ồ không".
"Với số vốn hiện nay anh không muốn đầu tư vào những chuyện cò con nữa".
"Tất nhiên, nhưng không nhất thiết phải là nhà hàng hay vũ trường".
"Anh cũng muốn đầu tư vào một tổ hợp khách sạn cho ra hồn, nhưng chưa đủ lực".
Sáng đùa đùa nhìn tôi.
"Em với anh liên doanh nhớ".
Không phải dễ dàng chúng tôi nói được về chuyện làm ăn, một chủ đề kiêng kỵ của người có học. Trong mọi giao tiếp Sáng luôn cư xử rất trí thức. Những kiểu bỗ bã của bọn nhà giàu mới nổi thật xa lạ ở anh. Phóng khoáng và tế nhị, anh luôn giữ phong độ kể cả khi dàn xếp những hợp đồng hàng tỉ. Muốn biết rõ về ai nên nhúng người ấy nhiều lần vào tiền. Cái thứ dung dịch siêu thượng này làm trôi đi tất cả những màu mè bọc ngoài. Ðạo mạo trở nên hau háu lỗ mãng. Dịu dàng trở nên chua ngoa cướp giật. Lịch sử nhân loại chứng kiến số người tự tử vì tiền gấp mười tám lần số người tự tử vì tình. Có phải thế chăng mà đến thời kinh tế thị trường nền văn minh của chúng ta chết sạch những nhà đạo đức thật. So với Lâm, Sáng khác hẳn. Tất nhiên, ở mặt nào đó của tri thức, hai ngươi hao hao giống nhau. Sức hiểu biết uyên bác, sự thông minh nhanh nhậy khi xử lý những vỉa dày kiến thức. Nhưng do xuất xứ và xuất phát điểm khác nhau nên ở hai người tiềm ẩn hai phông văn hoá. Lâm là mẫu mực cho kiểu thành đạt trí thức của những năm cuối bẩy mươi đầu tám mươi vất vả, nghèo khổ từ ấu thơ, lập cập bước vào đời đã chịu nhiều gian nan khắc nghiệt, Lâm đã tìm thấy lối thoát trong việc học hành, phương tiện thích hợp để "thăng hoa" ra khỏi sự bần hàn. Lâm nạp kiến thức một cách ích kỷ và lèn chặt quanh nó những luận thuyết đạo đức, triết học mang đầy tính tư biện. Hơn một lần, tôi đã ngạc nhiên thấy Lâm giấu giếm các tư liệu gốc mà không hẳn là do may mắn Lâm có được. Tôi những tưởng chỉ trong thương mại người ta mới đề cao tính sở hữu hay độc quyền. Cách Lâm truyền trao kiến thức cho học trò cũng ẩn ức một sự ghen tị. Lâm ngại và sợ những người thông minh như Du. Hoàng cũng thông minh nhưng cậu ta lại là người cả tin. Lâm luôn đúng trong tất cả hành động của mình nhưng không thể tới đỉnh cao của thành công vì đã vi phạm một luật căn bản của tự nhiên. Người tính không bằng trời tính. Trong mọi lĩnh vực đều có sự hên xui gặp thời hoặc nhỡ vận. Những người như ba tôi, những người như Lâm tính toán giỏi quá, sâu quá. Họ làm một việc bất khả, định làm thay việc của Thượng đế. Tôi không mê tín, không mù quáng siêu hình. Kinh nghiệm làm ăn của tôi gặp kinh nghiệm ca dao. "Khôn ngoan chẳng lọ thật thà. Lừa thưng gạt đấu chẳng qua đong đầy". Tôi chưa đủ thời gian, chưa đủ độ sâu sắc để đánh giá Sáng. Hoàng đùa, bảo tôi là đứa hay "soi", đánh giá không phải là công việc của con người và càng không phải là công việc của phụ nữ. Hoàng có lý, nhưng tôi phẩm bình những sự việc của những người xung quanh không nhằm mục đích xuyên tạc cầu lợi mà chỉ đúc kết riêng cho tôi một đường hướng. Tôi đã phải trả giá quá đắt cho việc nhìn người nông nổi. Tôi ép mình phải quên những chuyện nhảm nhí về Hoàng Tử, Công Chúa, những con ngựa bay được, những kho tàng vô giá đột ngột gặp được. Thế kỷ của tôi sống đã hết những chuyện cổ tích và chỉ còn đầy rẫy xảo thuật, thủ thuật hoặc lãng mạn hơn, ảo thuật. Tôi phải tự lập ở cuộc đời này quá nhiều rồi, bây giờ có muốn dựa dẫm vào ai cũng không thể được. Tôi và Sáng quen nhau qua công chuyện làm ăn và tôi hiểu nhanh là Sáng rất mạnh. Khi một người có mười chỉ tỏ ra có năm đó là người đáng được tôn trọng. Vậy hơn nữa, có mười chỉ thể hiện một thì thật đáng khâm phục. Sáng là một chuyên gia kinh tế lão luyện, nhưng những hiểu biết của anh về văn chương nghệ thuật cũng rất lỗi lạc. Ðấy là nhận xét của Hoàng. Tôi không tin lắm vì Hoàng là người hay khen, cậu ta bao giờ cũng nói thật tốt về người khác. Và nữa, trong sâu thẳm Hoàng muốn tôi có một gia đình hoàn thiện. Cậu ta vun vào lộ liễu. Tôi bảo "Cậu đúng là đứa ba phải chuyên a dua xu thời". Hoàng cười cười, kể cho tôi nghe về xuất xứ của tích ba phải. Ðức Thích Ca Mâu Ni có ba đệ tử. Một hôm, ba ông ngồi với nhau tranh cãi về chân lý duy nhất. Ðương nhiên với bản lĩnh từng ông họ luôn bảo vệ được lập luận của mình là chân lý. Cuối cùng, họ thống nhất đem kiến giải của bản thân trình Ðức Phật nhờ Ngài phân xử. Nghe đệ tử đầu trình bày xong, Ðức Phật nói là ông ta đúng. Tiếp đến người thứ hai Ðức Phật cũng nói ông này đúng. Người thứ ba cũng vậy. Cả ba cáu quá mắng sư phụ là đồ ba phải. Tôi phì cười "Cậu giỏi bịa rồi vơ vào". Hoàng lém lỉnh thật, nhưng không phải là tôi không biết ẩn dụ của câu chuyện ấy. Chân lý duy nhất không nằm ở đâu cả. Hoàng là mẫu người hay tin vào ba cái câu chuyện hư vô nên dễ tự an ủi bằng những cái siêu hình. Còn tôi, tôi phải nắm bắt chủ giữ những cái thực, thực đến chua xót. Tôi sống ở mảnh đất gọi là Thủ đô Hà Nội, ở thời gọi là kinh tế thị trường. Cái xấu, cái tốt đều hiện hữu bằng bộ mặt rất thực. Ðể nhận biết tôi luôn cần tỉnh táo. Tôi không thể tự ru ngủ mình bằng giấc mơ hồng, giấc mơ tím mà từ thuở ấu thơ xa xăm những người tốt như mẹ tôi trót thả vào tâm tưởng. Sáng là con một trong gia đình được gọi là thế gia. Bố Sáng nhiều năm là Bộ trưởng một Bộ quan trọng, một vị Thượng thư có nhiều bằng sau đại học nhất so với các đại thần khác. Sáng nhận sự nâng niu từ bé và không phụ lại sự đầu tư ấy. Ðược hưởng một giáo dục ưu việt. Sáng hấp thụ chắc chắn các tinh hoa. Sáng điềm đạm và không phải dạng người mê làm giầu. Sáng không giấu giếm tôi về khát vọng sẽ tham chính. Ðường đồ thị công danh của cụ ông có phải là ước mơ của anh. Rất tiếc trong thể chế cộng hoà chức sắc không được quyền thế tập. Tôi cũng chẳng bất ngờ nhiều khi Sáng đã có bảy năm tuổi Đảng, tất cả những gì anh làm bây giờ đều nhằm giảm tối đa rủi ro khi tương lai anh phải gập ghềnh trên hoạn lộ. Mọi ước mơ trên đời muốn thành hiện thực đều cần sự bảo đảm nhất định của đồng tiền, đương nhiên nên là đồng tiền chân chính. Hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống Pháp và Mỹ đã chấm dứt. Thời người nông dân cầm cày cầm súng rồi cầm ấn triện cũng hết. Muốn làm nên thời kinh tế mở với nhiều thủ thuật xảo trá của thương trường ngoài trình độ học thức bắt buộc phải có thế lực kinh tế của chính mình. Tôi hiểu những việc Sáng làm. Ðàn ông có tài có chí là vậy. Liệu anh có phải lực lượng kế thừa chịu trách nhiệm cho đoạn đường đi sắp tới của tất cả chúng tôi. Tôi tin vào Sáng. Tôi đã gặp vô số đàn ông nhưng những người để lại được ấn tượng thì hiếm lắm. Sáng là một trong số ít đấy.
Trời vẫn mưa đậm và êm ả nhạc, phòng ăn rộng không có một ai. Tôi với Sáng ngồi đối diện qua một bàn lớn dành cho khoảng chục người. Không có thực đơn, tôi ngước nhìn, chừng tầm ba chục món. Ða phần vẫn còn vẩn khói. Trưa nay, Sáng qua nhà tôi trân trọng mời tôi dùng cơm chiều. Tôi thấy từ chối nữa cũng hơi bất nhã. Tôi đã không nhận nhiều lời mời của Sáng.
"Ðông không"
"Tuyệt đối không"
"Chắc anh có chuyện gì"
"Một chuyện vô cùng quan trọng"
Và bây giờ ở bàn tiệc này chỉ có Sáng và tôi. Người bồi có tuổi bật chai Champagne, tôi mỉm cười cụng ly với Sáng.
"Có phải là sinh nhật của anh"
"Không"
"Vậy chúng ta chúc nhau cái gì"
"Tuỳ em"
"Em chúc anh sức khoẻ"
“Anh chúc em hạnh phúc"
"Sao anh không uống"
"Chúng mình mới chúc riêng cho nhau, ở đây duy nhất chỉ có anh và em, anh muốn có một lời chúc chung”
"Anh nói đi"
"Anh yêu em, Nhã ạ"
Sáng nhìn thật chậm vào tôi rồi anh khẽ cụng ly.
"Em chưa dám uống"
"Em lại từ chối anh nữa sao"
"Em cảm động"
Tôi cầm đũa bối rối gắp bâng quơ.
"Anh cho em thời gian nhớ".
Sáng gật đầu.
"Anh sẽ đợi, còn ly này chúng ta cứ uống cho câu chúc đầu tiên vậy"
Tôi và Sáng cạn chén. Buột nhiên tôi thì thầm "Hạnh phúc". Tôi mong tôi nghe được điều mong manh ấy.
Chuyện làm ăn của tôi vào giữa năm chín mươi thì gặp rắc rối. Tôi chấp nhận mất một số tiền lớn để thoát ra nhưng vẫn kẹt. Người tôi tin cẩn nhất, Phó tổng giám đốc của một Công ty uy tín bị bắt. Thì ra đấy mới là giấy triệu tập của cơ quan điều tra. Các cụ nói đúng, khôn ngoan ra cửa quan mới biết. Anh ta hoảng sợ đến nỗi suýt tự tử. Ðương nhiên sáu viên Seduxel làm sao giết nổi một gã đàn ông nặng gần tám chục ký, bình nhật vẫn đều đều uống cả chai Henessy hoặc nguyên thùng Tiger. Chẳng qua là quẩn nghĩ nhất thời. Tôi đến nhà anh ta từ tám giờ sáng đến tám giờ tối, an ủi anh ta và cô vợ trẻ. Lúc bình thời anh ta điềm đạm tự chủ, vừa vướng vào hình luật đã sợ run như dẽ. Anh ta ngồi xa lông tay ủ rũ cầm tập chứng từ chập chuội đọc từng con số để tôi đối chiếu lại với những bản kết toán. Thi thoảng anh ta lại nấc lên, chị vợ mặt xanh nhợt cầm khăn bông trắng chấm chấm hai vệt nước mắt đang lăn nhanh trên đôi gò má căng mỡ. Tôi đã gặp quá nhiều những thằng đàn ông hèn nên không thấy khó chịu lắm. Cái chính là phải giữ cho anh ta đừng suy sụp hẳn. Tôi đốt thuốc và nói liên tục, anh ta nghe câu được câu chăng. Nếu mọi chuyện xẩy ra, tệ hại nhất, hãy xác định cùng lắm là bị cách chức. Tôi ngồi đối diện, canh không cho uống rượu, anh ta vừa uống cà phê đặc không đường vừa rên rỉ "Thà đi tù cho rồi". Tôi cố gắng không cáu giải thích vừa đủ. "Anh có thể mất tất nhưng vẫn còn hai cái, gia đình và tiền của". Anh ta gào lên "Tôi không cần tiền". Chị vợ giật mình suýt đánh rơi cả khay đầy thức ăn đang nghi ngút khói. Tôi biết anh ta cần gì. Quyền chức là vấn đề tôi không ưa vì tôi trót biết cái mặt trái của nó. Người xưa bảo "Ngu càng khỏi vạ, lại làm quan to" thiết nghĩ chẳng có gì mỉa mai. Khi ngu dốt mà có chức có quyền đương nhiên bọn họ phải thật độc ác và đê tiện. Với người có thực tài nếu họ có quyền có chức họ sẽ là bất tử. Những chính trị gia xuất sắc, những thương nhân lớn là vậy. Còn với bọn bất tài quyền chức chỉ nhằm thoả mãn những dục vọng riêng lẻ nhất thời. Anh bạn Phó tổng giám đốc của tôi, chắc hồi sinh viên cũng chưa đến nỗi tệ, bây giờ trở nên bại hoại hèn đớn cũng chỉ vì nằm gai nếm mật cố lê tới một chức vị. Hơn nữa quyền chức làm tôi không ưa, vì bất cứ quyền chức nào cũng nhuốm màu xam xám của lật lọng chính trị. Tôi là một người làm kinh tế và tôi tin chắc dưới bất cứ thể chế chính trị nào những người như tôi vẫn làm giầu được. Trần Bình bảo "Chị nhầm rồi". Tôi hỏi "Thế có nghĩa là cậu đang làm chính trị". Bình nghiêm túc "Em chưa đủ tư cách, nhưng chị nên nhớ rằng ở tất cả các trường đại học của ta luôn dùng thuật ngữ kinh tế chính trị". Hai chị em tôi ngồi ở một quán đặc sản vắng người cuối phố Phùng Hưng. Tôi đủ thông minh để hiểu rằng câu chuyện làm ăn của tôi đã vượt ra ngoài khuôn khổ kinh tế thuần tuý. Làm giầu ở thập kỷ chín mươi bắt buộc phải có hai tiêu chuẩn. Hoặc được đảm bảo bởi một thế lực nào đấy hoặc có tài năng cỡ một phần tư Bill Gates. Người mà tôi cần giúp đã nhận lời dùng bữa cơm chiều. Mọi chi tiết để có cuộc thương thảo. Trần Bình đứng ra lo từ A đến Z. Tôi loáng thoáng nghe danh người ấy. Còn Trần Bình đã tiếp xúc vài lần. Ðúng giờ hẹn, một xe Toyota màu trắng sữa đỗ sát vỉa hè. Cửa xe mở, hai người mặc com lê sẫm màu bước xuống. Một trong hai người là Sáng.
"Lần đầu tiên thấy em anh đã biết là mình tới số”
"Hôm ấy anh uống nhiều đấy"
"Có lẽ đó là hôm anh uống thật thà nhất trong đời"
Trần Bình lịch sự mời rượu, vì tôi là phụ nữ duy nhất, nên mọi người để tôi chọn. Chúng tôi uống Cognac, một chai Henessy XO. Người đàn ông đến nghe tôi trình bày công việc trạc ngoài năm mươi. Tôi thấy ông ta vài lần trên Tivi, trông có vẻ béo hơn. Sáng được giói thiệu như là một cố vấn kinh tế cho ông ta vì chuyện trục trặc của tôi dính dáng rất nhiều đến chuyên môn hẹp. Sau tuần rượu đầu, người đàn ông ấy cởi mở "Tôi hoàn toàn không biết gì về kinh tế. Khi nhận lời giúp các bạn tôi phải mời chuyên gia. Ðây là anh Sáng, Tiến sĩ Kinh tế đã du học ở Pháp. Chuyện của các bạn tôi đã có nghe và nếu chúng ta cùng muốn giải quyết, các bạn nên trình bày một cách minh bạch". Trần Bình nói dài nhưng khúc chiết. Tôi với Bình làm ăn với nhau đã lâu khả năng từng người ở mức nào đều tự biết, mọi số liệu cụ thể cậu ta đọc thuộc lòng không cần phải lấy sổ tay. "Thế có nghĩa là các bạn hầu như không mắc sai lầm gì”, Sáng sắc sảo hỏi. Bình quay sang nhường lời cho tôi. Với những người đạt tới tầm này, nói chung tôi đều chơi bài ngửa. Bình châm thuốc chăm chú nhìn Sáng, bây giờ tôi mới để ý Sáng tập trung vào tôi hơi nhiều. Lúc ấy tôi không còn tâm trí để vẩn vơ. Mọi chuvện sẽ rất nặng nề nếu thương vụ này tan vỡ. Một vài tờ báo đã đưa tin bóng gió, chúng tôi không thể chậm. Tôi thừa nhận những sai lầm của chúng tôi và cố gắng nói thật kỹ đến mức có thể. Tổng công ty đã mua hàng và nợ tiền của chúng tôi là việc hợp pháp. Còn sự lãng phí trong luân chuyển và những hành vi trốn thuế thì ngoài tầm của tôi. Một doanh nghiệp lớn như thế tôi không sợ phá sản nhưng những đợt thanh tra kéo dài dẫn đến việc nội bộ mất đoàn kết đấu đá nhau rất hại cho việc bảo đảm kinh tế chung. Tôi chấp nhận mất toàn bộ lãi suất và một phần ba vốn đổi lấy việc đình chỉ các cuộc thanh tra kiểm tra và giữ nguyên toàn bộ nhân sự ban lãnh đạo hiện thời của Tổng công ty. Người đàn ông trung niên điềm đạm uống rượu không phản ứng gì, hẹn hai mươi tư tiếng sau sẽ có câu trả lời dứt khoát. Tôi đồng ý và yên tâm nhiều, tôi đã biết người giúp tôi là ai, so với chức trách ông ta đảm nhận tuổi như vậy là trẻ. Sang tuần, bốn chúng tôi lại gặp gỡ để đi đến thống nhất lần cuối, lần này tại nhà riêng của Sáng. Tôi thật sự ngạc nhiên bởi nội thất cầu kỳ và bữa cơm Tàu độc đáo. Sáng và sếp của Sáng, tạm gọi người đàn ông trung niên kia là vậy, đều biết giữ lời. Anh bạn Phó Tổng giám đốc của tôi nhẹ đến nửa người khi biết tin ông cán bộ cùng ban năm mươi tám tuổi sẽ đi công tác một tháng tại Tây Âu. Trong những đợt làm ăn vừa rồi anh bạn tôi đã đánh giá quá thấp vị cán bộ có bằng đại học tại chức nói giọng Nghệ Tĩnh này. Cái đinh trong đợt sửa sai là thay mới hai Giám đốc của hai chi nhánh quan trọng nhất. Hai tay này mang tiếng nhiều quá. Sở thích trùng nhau, đều chết chìm trong mớ âm thanh váy áo của các phòng karaoke. Việc kỷ luật không hề đơn giản, kèm theo quyết định nghỉ việc là hai bộ giấy tờ hai lô đất ba trăm mét vuông ở mặt tiền. Tôi cố gắng thực hiện tốt tất cả những yêu cầu mà đã được sếp bật đèn xanh, chỉ duy nhất từ chối một điều, không lập chứng từ giả. Trong lần gặp riêng tôi, Sáng cũng khuyên nên làm như vậy. Tôi hỏi "Tại sao anh đồng ý. Nếu làm lại một số chúng từ công việc của anh sẽ nhẹ nhiều". Sáng bảo "Anh nghĩ về tương lai của em, mà biết đâu nhỡ có anh ở trong đoạn ấy”. Tôi lạnh lùng coi như không hiểu ẩn ý của câu nói. Tôi là người làm ăn, lời thì ăn, lỗ thì chịu, tuyệt đối không thể đem sinh mạng kinh tế của mình thách thức pháp luật. Tôi đâu còn như hồi mớì chập chững, được thì ăn cả ngã về không. Ở góc độ đàng hoàng chính đáng tuân thủ luật pháp tôi khâm phục Tâm. Ðương nhiên là làm ăn, bất cứ người nào cũng cố tận dụng các kẽ hở của luật. Ở Mỹ ở Nga cũng vậy, thể chế xã hội nào cũng vậy. Tâm có khát khao muốn làm triệu phú đô la là người Việt và sẵn sàng kê biên tài sản của mình lên đài lên báo. Trần Bình coi đó là một hành động không tưởng. Ở Việt Nam muốn có triệu đô bắt buộc phải đối đầu với các tranh luận về quyền sở hữu, vì ở ta có quá nhiều quyền sở hữu. Sở hữu tập thể, sở hữu nhà nước, sở hữu quốc gia. Tất nhiên cũng có nhắc đến sở hữu cá nhân nhưng quyền tư hữu mập mờ không dứt khoát. Cậu ta hùng biện "Ðơn cử Nhà nước độc quyền về kim loại quý hiếm và ngoại tệ. Vậy một cá nhân nào có trong tay bao nhiêu lạng vàng bao nhiêu ngoại tệ thì bị coi là phạm pháp. Hải quan có văn bản liên ngành với Tài chính Ngân hàng căn cứ trên cái nhập nhằng đó ra một quy định dưới luật, mỗi một công dân khi xuất ngoại không có quyền đem quá 3000 đô". Hồi mới chuẩn bị thành lập công ty, Tâm mời tất cả chúng tôi ra một nhà hàng Seafood. Cậu ta thiếu vốn trầm trọng so với những dự án phải thực thi. Tôi và Trần Bình đều chưa quen cái kiểu làm ăn này. Có một cái gì đấy công khai quá, nói một cách khác lộ liễu quá. Tâm nói như hét rằng kiểu làm ăn như vậy chắc chắn sẽ tồn tại trong tương lai. Cậu ta chẳng xa lạ gì với tệ hối lộ tràn lan, với những con đường vòng vèo trốn thuế.
"Tôi không ngây thơ về việc bất hợp lý giữa doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh. Thế nhưng công cuộc đổi mới chỉ đang bắt đầu. Chúng ta đang ở thời điểm tập sự của một nền dân chủ".
Tôi cười hoài nghi hỏi lại Tâm
"Tôi và cậu không phải là nhà đạo đức, càng không phải là nhà chính trị. Chúng ta là thương gia. Bây giờ cậu muốn gì"
Tâm cố bình tĩnh đi vào cụ thể nhưng thi thoảng vẫn bừng bừng. Tôi trọng và quý những người như cậu ta. Ðã làm việc coi như là đại sự phải có đam mê. Tất nhiên sự đam mê phải được bùng cháy trên mặt bằng kiến thức của tài năng. Tâm có cả hai cái đó. Nhưng cho đến giờ Tâm vẫn chưa giầu được, ở góc độ này có lẽ Trần Bình đúng. Trần Bình đúng không phải giỏi lý luận mà vì cậu ta nhiều kinh nghiệm hơn. Một nền kinh tế khoẻ mạnh và minh bạch đến đâu vẫn ít nhiều chịu ảnh hưởng từ một thế giới quyền lực ngầm. Đến một thời gian nào đó lý thuyết kinh tế học tương lai sẽ không coi buôn lậu và hối lộ là căn bệnh. Hoàng ngồi dự thính, chỉ mệt mỏi cười.
“Thằng Tâm và cậu vấp phải một cái".
"Cái gì"
"Cái mà Trần Bình không vấp"
Tâm có đầu óc tổ chức và có trong tay một dàn trợ lý tuyệt vời, rất nhiệt tình và rất trí thức và hơn hết là những người trung thực. Tâm có thuận lợi là ở thời gian này Nhà nước ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế, một thứ đòn bẩy thuần tuý của nền kinh tế thị trường chứ không phải đơn giản của một thứ hô hào hành chính. Vậy mà Tâm vẫn không giầu. Tôi cho rằng cậu ta sai không phải ở nhận thức mà ở thao tác. Nền kinh tế Việt Nam có một điều tương đối đặc biệt là không tính được hệ số rủi ro. Có thể lời ba trăm phần trăm (300%). Và cũng có thể mất trắng hai trăm phần trăm (200%). Trong biên độ dao động mênh mông ấy người làm kinh tế cả người đứng đắn hay không cũng chẳng biết đường nào mà lần mò. Họ đành bám víu vào đủ thứ, đồng bóng bói toán, những mối quan hệ lằng nhằng quàng xiên. Tâm chỉ tin vào cậu ta. Kể cũng tốt, nhưng phải thật hiểu đúng mình đúng người. Mỗi chỉ tiêu của cậu ta đặt ra nó đều đòi hỏi một thời gian thật dài và một may mắn thật lớn. Theo kinh nghiệm riêng trong nhiều thương vụ làm ăn của tôi sự hên xui quyết định tới quá nửa. Ðã thế, Tâm hơi vội vã. Mọi sự nỗ lực lập cập chỉ dẫn đến đổ vỡ. Thương gia Tầu nói "dục tốc bất đạt". Tôi thích câu ấy. Vụ vỡ nợ các quỹ tín dụng dạy cho Tâm một bài học cay đắng. Với tài và lực mỏng, lại nôn nóng bắt chước những mô hình tiên tiến đương nhiên sẽ gây hậu quả. Bảo tôi biết trước e hơi ngoa, nhưng ở thời điểm này không bao giờ tôi dốc vốn vào đầu tư sản xuất. Cũng như nhiều doanh nghiệp tư nhân, Bimico bị tát choáng váng. Tâm vượt qua khủng hoảng không nhờ tài năng mà đành trông vào mối quan hệ một mafia với ngân hàng, người rồi đây lịch sử đen của nền tài chính miền Bắc buộc phải ghi tên. Tâm và Bimico phải quay về một số thao tác cũ, đem tư cách pháp nhân của mình hoặc tài khoản của Công ty ra làm trung gian vay mượn của một vòng luân chuyển vốn dĩ đầy lằng nhằng mà cậu ta rất ghét. Lãi suất bảy phần trăm trên toàn bộ doanh thu mỗi tháng chỉ là lãi suất đủ ăn. Công bằng mà nói cũng tại thiếu vốn. Còn điều nữa làm Tâm rất khó giàu. Cậu ta mạnh mẽ quyết đoán nhưng chưa đủ độc ác. Marx nói, lời 300% người ta có thể tự treo cổ mình, tương tự suy ra khi thua lỗ 200% người ta có thể dìm chết cả dòng họ của minh. Cũng như tôi, Tâm vẫn nhiều đa cảm vẫn còn vấn vương vài giá trị mà Trần Bình coi là lỗi thời. Bình chắc chắn là mẫu người sẽ vào thế kỷ hai mốt. Ðiều ấy làm tôi không thích, tôi thích những mẫu người như Sáng hơn. Cách đây chừng nửa năm tôi có giới thiệu Tâm với Sáng nhưng sự hợp tác không thành. Sáng bảo cá tính của cậu ta quá mạnh. “Anh muốn một người giống vậy và phụ thuộc vào anh trong một tương lai dài”. Những người như Tâm sẽ chẳng bao giờ phụ thuộc nhưng cần đến thời gian bao lâu cậu ta mới được độc lập.
"Có lẽ em phải về".
"Trời vẫn còn mưa"
"Vâng, mưa"
Tôi đứng dậy đi ra cạnh cửa sổ. Phố xá huyền diệu trong màn mưa. Tôi nghĩ đến con bé Phương Phương. Nó sẽ nghĩ gì khi người ta bắt nó phải gọi một người đàn ông là bố. Với tính cách của nó chắc chắn nó khó chấp nhận Sáng. Và kể cả Sáng, anh cũng rất khó mà yêu con bé. Sáng đâu phải là mẫu người say mê trẻ con. Sáng tỏ tình và nếu tôi gật đầu, tôi biết chúng tôi sẽ cần gì. Sáng đặt vấn đề với tôi, hoàn toàn không phải một cô bé chập chững mười tám tuổi. Chúng tôi đã tới độ của sự cần thiết hôn nhân. Tôi quý Sáng, tin Sáng nhưng bảo yêu chắc chắn là chưa. Nói đùa, tôi cũng hơi run. Chỉ lần này và không còn lần nào. Hoàng kêu con bé Phương Phương thông minh. Người ta bảo con gái quý cha mà nó thì không bao giờ có bố. Đối với nó Hoàng là tất cả, thậm chí tôi cũng chẳng ngạc nhiên nếu nó coi Hoàng hơn tôi. Nhưng nó cũng muốn có ba và thật không đơn giản khi bắt nó kêu Sáng là vậy. Tôi tin rằng nó bướng gấp đôi tôi. Sáng lại gần, anh cầm tay tôi nhè nhẹ.
“Ở lại đây với anh"
Tôi cố nói thật dịu dàng.
"Sẽ có lần nào đó nhưng không phải lần này".
Sáng khẽ buông tay, tôi quay lại mỉm cười với anh. Trần Bình bảo "Bạn bè em nhiều người mê chị đẹp nhưng ai cũng kêu sợ". Thật thế ư. Tôi vô cảm hay tôi lãnh cảm, thật tôi không quan tâm. Tôi sâu sắc biết tôi như là Mẹ, vậy đã đủ chưa. Hay tôi cần phải biết tôi như là Vợ. Tôi thi thoảng xem băng video vài ba phim tâm lý Mỹ nhấn mạnh vào cái bản năng ở đàn bà. Gần đây lác đác tiểu thuyết gia Việt Nam cũng gân giọng nói về nỗi ám ảnh tình dục. Có hay không có sự cồn cào mời gọi của cô đơn đêm. Tôi không đạo đức giả vậy chắc tôi không bình thường. Tôi cười khẩy. Nếu tin rằng có kẻ dâm ô trụy lạc từ máu thì đương nhiên cũng có người đoan trang đức hạnh từ chất. Ðấy là còn chưa kể sự ước thúc của siêu hình đạo đức và cụ thể của truyền thống tập tục. Tôi mặc đầm ra vũ trường với bé Phương Phương. Tôi mặc quần short đi đánh tennis một mình. Tôi biết rằng đằng sau tôi nhiều lời bình luận đểu giả ác ý của thằng đàn ông cố ra vẻ là không liệt dương. Hơn một lần đã có kẻ mượn hơi men gõ cửa vào buổi đêm của tôi. Tôi cũng chẳng cần đạo đức nhiều khi thẳng tay tát vào mặt những thằng mất dạy. Nhiều lúc tôi tắm nhìn kỹ mình trong gương. Cũng có thể tôi bị lạnh vì cọ xát nhiều với tiền. Sự khô khốc nhiều của đồng tiền mâu thuẫn đậm với mọi loại đa cảm. Cho đến giờ tôi chưa hôn ai, ngoài Lâm. Và có lẽ vĩnh viễn tôi không bao giờ hôn nổi một ai nữa. "Tình dục mà không có tình yêu chỉ là sự mãi dâm". Ðâu đó có ai nói vậy. Thì thà cứ khắc nghiệt như thế đi để tôi còn biết tôi là ai. Hồi có bầu bé Phương Phương, tôi đang yêu. Chúng tôi đều trẻ và suốt ngày tôi đòí được hôn. Chẳng có chuyện gì làm tôi âu lo, chỉ thấy lâng lâng hạnh phúc. Ba tháng đầu tôi không nghén, ăn được nhiều và tất nhiên lên cân. Thực ra tôi chưa có khái niệm làm mẹ nhưng sung sướng được thấy mình là vợ. Tình yêu khi cần thăng hoa phải có tình dục. Ðấy là lý luận hay kinh nghiệm. Rồi mọi chuyện là vậy. Khi người ta nhìn bằng khắc nghiệt của hận thù thì cái bản năng gốc trở nên nguội lạnh như tro tàn bếp hoang là điều không thể tránh. Bây giờ chính tôi muốn coi lại nghe chừng không đơn giản.
"Em phải về thôi mặc dù em không muốn"
"Anh không hiểu lắm".
"Em mong anh sẽ hiểu".
Sáng lại cầm tay tôi. Một người đàn ông chân chính thì không nên vớt vát và Sáng là người đàn ông ấy.
Tôi dậy muộn, vài tia nắng cuối thu nhờ nhờ để vệt qua rèm. Càng những ngày gần đây tôi càng thích dậy muộn. Nằm một mình trùm chăn nghĩ loanh quanh. Bé Phương Phương năm nay học chiều và cứ thả cho nó ngủ thì tới bữa trưa. Nhưng hôm nay lười mấy tôi cũng phải dậy. Tôi có chuyến bay vào Sài Gòn lúc 14h30. Tôi phải vào vì đây là lần cuối. Sau lần này, tôi tuyệt đối không còn dính dáng với phía Nam nữa. Tôi chuyển toàn bộ vốn đầu tư vào bất động sản. Giá đất ở Hà Nội đang lên với tốc độ chóng mặt. Nếu không kịp chuyển hướng tôi sẽ lạc hậu. Và dù sao trên lý thuyết, kinh doanh bất động sản luôn là đường hướng ổn định. Hơn nữa tôi cũng lười rồi. Hơn nữa tôi cũng sắp lấy chồng. Bớt đi vài mối hàng, thu hẹp tầm tay là điều thích hợp. Thời gian này anh Sáng cũng dẹp bớt kinh doanh. Anh đã chính thức được bổ nhiệm làm Phó giám đốc một Sở vào loại uy tín nhất của thành phố. Hôm anh "đăng quang" tôi không đến. Chẳng phải tôi dị ứng với những lễ nghi mà đơn giản ở đó hơi nhiều người biết tôi. Trong thâm tâm, cả tôi lẫn Sáng đều hiểu, sẽ có một hai nếp nhăn trên vầng trán hói của một vài quan chức khi biết Sáng cầu hôn với tôi. Sáng bảo "cái tiếng của em quả là không vừa". Tôi cười "tai tiếng hay danh tiếng". Sáng trầm ngâm "chắc em cũng phần nào biết mục đích của anh". Tôi nghĩ là tôi biết. Và tôi cũng không ngây thơ hỏi giữa cái đó và tôi anh sẽ chọn phần nào. Cái phép thử chỉ dành cho sinh viên năm thứ nhất, còn Sáng hình như anhh có bốn bằng đại học.
Tôi loay hoay chuẩn bị bữa sáng và hai lần quay phôn tìm Hoàng mà không gặp. Nếu nhanh nhất tôi cũng bị ở thành phố Hồ Chí Minh chừng nửa tuần và Hoàng phải đến trông bé Phương, Hoàng dạo này bỏ hẳn làm, đều đặn đi lễ nhà thờ và ra quán rượu. Nếu biết cầu Chúa, tôi cầu cho cậu ta viết lách được gì đấy. Tôi đọc đi đọc lại tập truyện ngắn đầu tiên của Hoàng mà tôi mất rất nhiều công mới được xuất bản. Tôi nhặt nhạnh những truyện rải rác đã đăng trên các tuần báo văn chương, gom gom chừng mười hai cái. Tôi hỏi Sáng.
"Anh thấy Hoàng viết thế nào"
"Cậu ta khó mà nổi tiếng"
"Nếu muốn nổi tiếng Hoàng đã không ký tên em"
"Không phải, anh muốn nói ở cấp độ khác. Không có người viết nào lại tuyên bố chỉ viết cho mình. Muốn là một tác phẩm phải có đông người đọc. Hoàng thiếu một cái gì đó"
"Tài năng"
"Anh tin như em, Hoàng là người có tài. Nhưng đó chỉ là điều kiện cần. Cậu ta phải tranh thủ giới chuyên môn".
Hoàng có đem sách tặng một vài người cũ. Tất nhiên có thầy Phi, có Lâm. Mọi người bảo sao, tôi quan tâm. Hoàng cười lảng. Tôi nhắn "Mình nhờ thằng Vũ viết một bài phê bình nhé". Vũ là bạn cùng lớp ngày xưa giờ đang làm biên tập văn nghệ cho một tờ báo lớn. Hoàng xin đừng. "Thế nào mọi người cũng phải biết đến cậu, mình thề đấy". Hoàng quay sang hôn vào trán con bé Phương Phương, nhờ tôi chụp hộ một kiểu ảnh. Tôi phóng to tấm ảnh Hoàng thật tươi đang bế bé Phương, nó ôm trước ngực tập truyện ngắn của Hoàng.
Bà U làm cơm trưa nhanh, luộc miếng gà mua ở chợ người ta đã làm sẵn. Tôi uống một lon Tiger, vừa ăn vừa hút thuốc. Con bé Phương vừa ăn vừa lẩm nhẩm học thuộc lòng một bài thơ nào đó trong quyển Tiếng Việt. Vẫn không thấy Hoàng qua, đúng mười lăm phút nữa ôtô sẽ đến đón, tôi phải tạt qua văn phòng Công ty của tôi trước khi ra sân bay. Tôi dặn kỹ bà U và cẩn thận viết vài dòng cho Hoàng. Khi mở ngăn kéo tìm cái bút, chợt thấy lại bức thư của Thuỷ. Vài ngày trước tôi nhận được lá thứ hai của Thủy. Một lá thư dài đặc sít chữ hơn bốn trang giấy mỏng khổ rộng. Cũng như nhìều người tha hương, thư của Thuỷ nhiều buồn. Những chuyện xứ người được kể với băn khoăn day dứt. Cố không nhắc nhiều đến Hoàng nhưng đã viết cho tôi thì làm sao mà né được.
Chị có trách em không. Em rất mong chị trách em in ít cũng có thể là em sai hoặc tệ hơn nữa là bạc bẽo. Nhưng giờ đây em phải nghĩ mình là đúng. Nếu không nghĩ thế em sẽ gục ngã mất. Anh Bình nhờ nhiều người quen bên này chăm sóc em. Nhưng chuyện ấy dở lắm chị ạ. Ða phần những người nhân danh là bạn anh Bình đều không xứng đáng là bạn. Họ sỗ sàng nghĩ là em cần tiền lắm nên mới thân cô thế cô sang đây. Em cũng hiểu họ là những người buôn bán mà những người làm kinh tế thì ít có dịu dàng. Em sợ rồi đây, chừng nửa năm nữa em cũng hết hẳn dịu dàng.
Tội nghiệp cô bé. Ðây là lá thư thứ hai còn lá thư đầu tôi đọc với nhiều cười khẩy. Khi trượt sang một môi cảnh hoàn toàn bị thay đổi lẽ dĩ nhiên người ta hoặc hạnh phúc sung sướng hoặc thất vọng đau khổ. Chẳng có cái gì xa lạ mà lập tức trở nên gần gũi được. Tôi không nói với Hoàng là tôi đã nhận được thư Thuỷ. Hoàng mong ngóng với một mơ hồ nào đó. Từ hồi Thuỷ sang Tiệp, hơn một lần tôi bắt gặp Hoàng lúc xem tin thời sự Quốc tế trên Ti vi về Ðông Âu, luôn luôn có vẻ bất bình thường, chính tôi cũng đã bị vậy. Suốt thời gian Lâm ở Hà Lan, hễ có ai nhắc đến Amsterdam, lồng ngực trái của tôi bỗng nhiên hụt hẫng buốt nhói. Tất nhiên rồi cũng hết. Nhưng Hoàng lạ lắm, có khi cậu ta vĩnh viễn bị vậy. Thuỷ là đứa tình cảm. Tôi cho rằng mình hiểu khi Thuỷ không đủ can đảm lấy Hoàng nhưng liệu cô bé có quên nổi mối tình đầu. Ðó là nguyên nhân lớn nhất để Thuỷ phải đi xa. Rồi đây cô bé có đạt được mục đích của mình hay không còn phụ thuộc vào nhiều cái. Ở trong sâu, Thuỷ có tố chất của người kinh doanh. Thời gian sẽ cho thêm bản lĩnh. Có lẽ nửa năm nữa cô bé sẽ có chút tiền và chắc chắn sẽ hết dịu dàng. Ðó là điều tốt. Va chạm với lọc lừa con người ta cần gì, cần tàn nhẫn. Người Tàu nói "Phi độc bất thành". Thành gì chưa cần biết, chỉ biết là muốn thành phải thật độc, thật ác.
Cuộc sống của em hơi đơn điệu nhưng khá bận. Em chạy chợ cùng bà chị họ xa của anh Bình. Ði đi về về chừng chục cây số. Sâm sẩm tới được nhà là mệt lử. Mọi mối manh vốn liếng chắc đều của anh Bình cả. Cách đây hơn tháng anh Bình có sang bên này, nhìn thấy em sụt đi gần hai ký anh ấy rất không bằng lòng. Em biết, anh Bình có thể đưa không cho em tiền, nhưng em và anh ấy đã thoả thuận rồi. Em sẽ tự kiếm tiền như chị đã từng làm. Và sâu xa hơn nữa, em rất xấu hổ khi phải chịu nhiều ân huệ về tiền nong. Xấu hổ như thế nào em mong chị hiểu. Chị thương em nhé, chị Nhã.
Ðến tuổi này tôi rất khó khóc. Tôi hoang mang nuối tiếc. Vu vơ thật là vu vơ. Thuỷ và Hoàng yêu nhau bằng sự trong sáng duy nhất của hai người và theo đúng quy luật, chẳng hiểu của tự nhiên hay xã hội, của thần hay của quỷ, những gì trong sáng quá thường hay khó tồn tại. Sự hiện diện của Hoàng trên cõi đời này đối với tôi là một điều kỳ dị. Nếu thật đúng ra cậu ta phải chết yểu. Tôi chưa bao giờ thấy Hoàng dối trá. Cậu ta có thể tán lếu tán láo nhăng nhố nhưng tuyệt đối không dối trá. Hoàng hiểu và biết nhiều, nhưng những chuyện cậu ta không hiểu hoặc không biết thường là nhiều hơn. Tôi đọc đâu đó có một mẫu người, họ luôn ngạc nhiên khi hiểu biết thực tại. Ngạc nhiên chứ không phải chiếm đoạt. Kể ra cũng hơi trẻ con. Kiếm được ra tiền là công việc của người lớn. Hơn nữa, nó đòi hỏi sự chăm chỉ. Nghe thì nghiệt ngã như vậy đấy. Biết sao được, cái gì dính dáng đến tiền cũng đều nghiệt ngã.
Anh Bình rất muốn em bớt nghĩ ngợi để bàn chuyện cưới. Thư nào của bố mẹ em gửi sang cũng giục. Em có nói anh ấy nên yên tâm, em đã sang đến đây coi như một chuyện hứa hôn rồi. Còn muốn em quên thì không thể. Em cũng muốn quên lắm chứ chị. Em tự quên bằng cách nhân rộng những mặc cảm tội lỗi của mình. Em luôn nghĩ, mình sẽ chẳng còn xứng đáng nhìn thẳng vào những người cũ chuyện cũ nữa. Người ta bảo lấy chồng giống như đi qua sông. Em chưa qua hẳn được sông vẫn loay hoay trên con thuyền đang chảy. Chỉ mong là mình đừng chìm ở giữa dòng. Còn bờ bên kia là thiên đàng hay địa ngục em đâu có quan tâm. Nhưng em biết ở đó, mình vĩnh viễn không có hạnh phúc.
Tôi gấp lá thư của Thuỷ, lưỡng lự nghĩ xem hôm nào có đưa cho Hoàng không. Chắc chắn Hoàng sẽ buồn và bứt rứt. Thôi, tốt nhất là kệ, Hoàng nói tiêu cực nhưng đúng. Mọi chuyện đều là ý Chúa.
Thành phố Hồ Chí Minh đón tôi bằng nắng gắt và quá nhiều sự lôi thôi. Phía đối tác nhất quyết không chịu giao một trăm phần trăm tiền mặt, mặc dầu tôi đồng ý chịu nhiều khoản thiệt. Thứ nhất, việc tôi rút hết vốn ra Bắc làm nhiều người hoang mang. Từ xưa đến nay mọi người vẫn tưởng tôi có một ông nào to lắm đứng sau cung cấp những thông tin xịn. Họ khăng khăng nghĩ, những tháng tới chắc có sự chuyển hướng trong việc xuất nhập khẩu mà tôi đã dự liệu được rồi nhanh chân chạy trước. Họ sẽ cười vỡ bụng phệ, nếu tôi thực lòng nói rằng lý do chính chỉ vì tôi muốn lấy chồng. Thứ hai, cụ thể hơn, họ ép tôi phải thanh toán bốn công hàng đang kẹt ở cảng Sài Gòn. Nếu là thời gian trước, tôi đã đồng ý khỏi cần đắn đo. Nhưng giờ đây quan hệ giữa tôi và cục Thuế đang có nhiều chuyện. Dùng giằng mặc cả mãi, chúng tôi cũng đến một thoả ước. Tôi sẽ nhận hai công hàng tại cảng Hải Phòng, mọi chi phí bên đối tác hoàn toàn chịu. Tôi chán Sài Gòn lắm rồi. Tôi nhớ Hà Nội, tôi nhớ bé Phương Phương và muốn gặp Sáng. Chủ nhật tới đúng là ngày sinh nhật của tôi.
Tôi đi ra sân bay Tân Sơn Nhất một mình bằng taxi. Cái cảm giác nhẹ nhõm khi xong một phần việc mà mình bị phải làm. Phòng dành cho khách ngồi chờ khá đông người, tất cả trở nên nhốn nháo khi phát thanh viên đọc giờ chuyến bay. Tôi đi về phía cửa kiểm soát, chìa vé. Ðứng cạnh một thanh niên trong bộ đồng phục hàng không là hai người đàn ông đứng tuổi. Một người tiến gần lại tôi nói giọng Bắc.
"Xin lỗi, chị là chị Nhã."
Tôi không đáp, chỉ nhìn. Cái linh cảm gờn gợn nhiều lần quấy rầy giấc ngủ của tôi váng vất đâu đó.
"Mời chị theo chúng tôi"
Khi xem phim hình sự Mỹ, tôi hay gặp mẫu câu này ở các nhân viên FBI.
Tôi được chở về trụ sở công an Quận trên một chiếc xe Fiat cũ, trông không giống xe công vụ. Mọi người dẫn tôi vào một căn phòng rộng chừng khoảng hai chục mét có cái bàn làm việc nứt nẻ đầy vết mối đục. Một người đàn ông trán hói, chắc ngồi chờ tôi khuôn mặt thật quen nhưng tôi không nhớ nổi tên. Nếu không nhầm lẫn thì đây là một sĩ quan điều tra, thỉnh thoảng tôi có gặp trên sân quần vợt. Người đàn ông lúc nãy hỏi tôi ở sân bay thong thả đọc lệnh tạm giữ. Viên sĩ quan có khuôn mặt quen mời tôi ngồi rồi hỏi lịch sự.
"Chị có cần nói gì không"
“Xin phép các anh cho tôi được hút thuốc"
Ông ta đưa tôi chiếc bật lửa cối Tàu. Vỏ inox trắng có khắc dòng chữ xanh "Tặng thưởng cán bộ và chiến sĩ ưu tú". Tôi trả lời những câu hỏi trong vòng chừng hai tiếng. Mọi người biết về tôi như thế là nhiều. Lúc gần kết thúc, viên sĩ quan điều tra có khuôn mặt tôi hơi quen tự giới thiệu là Huân chợt hỏi.
“Chị có cần phải báo cho ai không”
Tôi đọc số điện thoại và địa chỉ của Sáng. Anh ta ghi nắn nót vào tờ giấy lấy cung để trống bằng kiểu chữ in, nét chữ của những người đứng đắn.
Tôi ra Hà Nội vẫn kịp đúng sinh nhật, trễ ba ngày so với dự kiến. Tôi gọi phôn báo trước nên Hoàng và bé Phương Phương đứng đón ngoài phòng chờ sân bay Nội Bài. Hoàng vận com lê, con bé Phương đội mũ nồi nhỏ xíu mặc bộ đầm hồng. Khi ôm con bé, không kìm được tôi bật khóc. Hoàng cầm bó hồng nhung đỏ ngơ ngác nhìn. Có lẽ chưa bao giờ tôi là vậy. Suốt gần sáu mươi tiếng !!!366_8.htm!!! Đã xem 97874 lần.

Hiệu đính: Nguyễn Đình
Nguồn: vnthuquan
Tiểu thuyết tái bản năm 2006 - Nhà xuất bản Hội Nhà Văn
Được bạn: ms đưa lên
vào ngày: 16 tháng 4 năm 2006