4. Đạo nghệ Đạo nghệ không phải là nghệ thuật tôn giáo (art religieux) nhằm phụng vụ tôn giáo phần nhiều hình thức vì thế nghệ thuật dễ bị gò bó trong khuôn khổ… Đạo nghệ cũng phải là nghệ thuật vị nghệ thuật, là một sự phản động chống lại nghệ thuật phục vụ nên cũng còn nằm trên một bình diện và thường biểu lộ sự kém cỏi về khả năng phán đoán. Những thi sĩ đời mạt Hán (phú) đời Lục triều (duy mỹ) kể là lạc hướng. Đạo nghệ xuất phát do sự nổi vượt của yếu tố nhân chủ trên cảnh vật trong quan niệm nghệ thuật Đông phương. Do đó nhân cách nghệ sĩ được coi trọng hơn kỹ thuật: nhân cách cao siêu thì nghệ phẩm cũng cao siêu theo đà như bóng với hình. Do đó đạo nghệ là một phương pháp trau chuốt nhân cách, là một cố gắng sống sao cho tinh dòng viên mãn, thâm sâu để có thể rung cảm cùng nhịp với Đạo bổn với "vũ trụ chi tâm" vì tin rằng Đạo chỉ tự mặc khải ra cho những tâm hồn sáng suốt tinh luyện. Chỉ những bậc kỳ tài mới khám phá ra được bí quyết của Đạo và mới có cái gọi là thần bút khả dĩ biểu lộ được cái tiết diệu huyền vi bát ngát ràng buộc vạn hữu. Những người xứng danh là tu sĩ đạo nghệ như Đằng Sương Hữu (thế kỷ IX chuyên vẽ Mai và Ngỗng) tư tưởng cao sâu, tâm tư khác thường. Ông đã từ chối quyền chức, không lập gia đình để được sống tận tuỵ với hội họa, nhờ vậy mà tư tưởng thâm sâu của ông phát lộ ngay trên họa phẩm. Cái tài đó vượt xa chuyên môn kỹ thuật tuy không bị lãng quên nhưng luôn luôn để xuống hàng dưới. Và chúng ta thấy những thời nghệ thuật suy vi thì không phải thiếu chuyên môn, nhưng là thiếu cái tinh thần đạo nghệ. Đạo nghệ phải khám phá và diễn tả thần linh hay là Thái Hòa tức hòa hợp cái vô biên vào những cái hữu hạn, đang tàng ẩn trong vũ trụ bằng tiết điệu thế nào cho người thưởng ngoạn được cảm thấy và như tham dự vào. L'artiste se propose de découvrir, de traduire et de nous faire percevoir le Divin ou l'Harmonie qui s'exprime dans le monde par le rythme et de nous y faire participer activement. (Herbert p.576, Intro. à l'Asie) Ông Byng nhận xét về nghệ thuật Đông phương có nói: "nghệ thuật ở đây là chú trọng đến cái gì nằm ngầm bên trong những hình dáng sự vật, là tìm mặc khải ra cái ánh sáng và tiết điệu thuộc cái thực tại đại đồng". (Vision of Asia 65) Như thế nghệ thuật cũng như Minh triết đều nhằm một mục đích như nhau là cảm thông được với nguồn suối tâm linh bát ngát đang ngầm chảy trong mọi người cũng như trong muôn vật. Tuy mục đích là một nhưng phương tiện khác nhau. Triết gia thì tuyên ngôn những nguyên lý những luật tắc, còn nghệ sĩ lại phải từ một chi tiết cụ thể dùng làm trung gian để vươn lên tiếp xúc với thực tại sâu thẳm để "hội thông" với hồn linh thiêng của vũ trụ. Nghệ sĩ chính tông phải đem hết tâm hồn ý chí dồn vào việc cảm thông tiếp xúc được với nguồn Mỹ cảm tự tại đó, và nghệ phẩm phải biểu hiện ra được một "làn khí" thiêng liêng khôn tả đó để giải bày cho người phàm tục được thấy một chút gì của thế giới vi tế diệu huyền. Như vậy nghệ sĩ trung thực không đặt trọng tâm vào kỹ thuật phải được coi là phương tiện tuỳ phụ nhưng phải chú tâm vào điểm nhập thần vật hóa (extase) để cho thần được thức mà rung cùng nhịp với tiết điệu của vũ trụ của nguồn sống thống nhất sáng tạo. Muốn đạt đích đó, ông Coomaraswamy nhận xét về nghệ sĩ Ấn Độ trước khi hiện thực một tác phẩm, nhiều khi họ thi hành một số nghi tiết nhằm mục đích xóa nhòa ảnh hưởng của ý thức, của lý trí để nhường chỗ cho những năng khiếu ẩn trong tiềm thức tỏa ra hầu giúp vào việc đồng hóa với Mô dạng. Thi sĩ An-sook-Poong đã trai giới suốt cả trăm ngày để viết một chữ để đặt trước điện. Một thợ rèn Nhật Bổn đã trai tịnh 21 ngày để làm một lưỡi gươm. Có người định vẽ một con gà phải trầm ngâm soạn sửa cả một năm. Nhất là việc điểm nhãn đòi nhiều công phu, người ta quen nói "họa long điểm nhãn" là để chỉ việc nắm được then chốt của hội họa. Cố Khải Chi đã phải để 20 năm suy tư mới dám điểm mắt cho một bức chân dung. Nghệ sĩ kiểu đó có thể gọi là giáo sĩ của Đạo Nghệ, họ lo lắng thanh tẩy tâm hồn làm bí thuật thành công, vượt xa việc tập luyện kỹ thuật. Thường họ dành ra một thời gian lâu dài để suy tư là cốt được thấm nhập cái tinh tuý, phân biệt và chọn lấy cái cốt tuỷ, để cho nó nổi vượt lên xóa mờ hay lấn át hẳn những tiểu tiết cá tính, nhưng phải làm sao cho tác phẩm lại gợi ra được cái toàn thể mà không phương hại cho óc tưởng tượng. Ông Herbert nhận xét nếu nghệ thuật Tây phương có khuynh hướng biểu lộ những cái cụ thể thuộc cá tính, những sự xác thiết trong không gian và thời gian, thì nghệ thuật Đông phương lại tìm diện tả cái đại đồng bất dị. Bên Âu hầu bao giờ người ta cũng có thể biết được ai đã đứng làm kiểu cho nghệ sĩ trong một tác phẩm hội họa hay điêu khắc, dẫu có tính cách biểu tượng đến đâu người ta cũng nhận ra được đã vẽ trước phong cảnh nào, lấy ai làm mẫu. Thí dụ nghệ sĩ vẽ hay khắc tượng Đức Jesus thì cũng dùng một hay hai ba mẫu mà họ cố lặp lại cả đến những đặc thù về cơ thể (caractéristiques anatomiques). Trái lại không thể nhận ra điều đó trong nghệ phẩm Viễn Đông, nơi đây những nét cá biệt đã được trút bỏ hầu hết. Không trọng sự tỉ mỉ, họ tránh sự làm trọn vẹn mà chỉ cốt đưa ra được những nét chấm phá giàu chất khêu gợi, do đó thường để những chỗ trống trong tranh dường như cho người thưởng thức tham dự vào công trình tạo tác… Ông Herbert nhận xét bên Nhật có những trà thất để một vài chỗ chưa xong (Asie 599) như để cơ hội cho người thưởng thức tìm ra và hoàn thành lấy để cảm thấy mình cũng dự phần sáng tạo để có thể thả tâm hồn vào chỗ hư vô đặng trôi theo dòng cảm xúc. Đó cũng là áp dụng lối "cử nhất ngung" mà không nhấc hết 4 góc, cả hai đều theo tinh thần Kinh Dịch tận cùng bằng quẻ Vị Tế nghĩa là chưa xong. Đó cũng là một bằng chứng tỏ ra Minh triết và nghệ thuật gặp nhau vậy. Người nay khi in lại tác phẩm (như quyển Dictionnaire des Oeuvres chẳng hạn) có lúc nối liền nét đứt hay là tô rõ những đường viền lờ mờ là làm sai ý hướng của người xưa. Cũng nên kể vào số này những người Viễn Đông khi xem tranh xưa chỉ cố tìm ra sự lỗi luật hình và sắc, tìm ra sự cân đối mà không cố tìm hiểu cái tinh thần thiêng liêng, cái hồn vô biên ẩn sau, thì thật tỏ ra đã bật rễ lắm rồi. Họ có biết đâu rằng chính những nghệ sĩ Tây phương thời mới "từ Rimbaud đến Breton, từ Picasso đến Gauguin" đang từ bỏ những sình lầy Tây phương để được trở lại với Đông phương, trở lại với nền Minh triết sơ thuỷ và vĩnh cửu "ils guittent les marais occidentauz pour retourner à l'Orient et la sagesse première et éternelle" (une saison un enfer cité dans Encyclopédie Francaise, 20.28.8). Bởi những luật tắc về hình sắc và những nét cá thể tuy có giúp cho "sao lại" thiên nhiên, nhưng lại trói buộc vào vật chất và không giúp diễn đạt được cái nhìn nội tâm của họa sĩ. Chính vì đã cố siêu lên trên những luật hình với sắc mà nghệ sĩ Đông phương đã đạt những kết quả siêu thặng biểu lộ được sự thiêng liên. Ông Byng viết: "Sự đóng góp lớn lao của Trung Hoa vào di sản nhân loại là ở chỗ các nghệ sĩ của họ biết nhìn thấu vào được cái thần linh tính trong mọi hoàn cảnh của đời sống bí ẩn và hiện còn đang chờ đợi được khám phá ra do những tay phiêu lưu đi tìm hòa điệu". "La grande contribution de la Chine à la cause de l'humanité se trouve dans la profonde reconnaissance par ses articles de la divinité en toute ambiance de la vie secrète qui attend d'être découverte par les aventuriers de l'harmonie." (P.C.Cohn 208) Bá tước Keyserling nhận xét như sau: "Đông phương đã sản ra được những tác phẩm giàu chất thiêng liêng mà Âu Châu không có gì đem ra để so sánh kịp, mặc dù về phương diện lý trí, Đông phương không có tác phẩm nào đặt ngang được với Hy Lạp.Vậy phải xét ở hai phương diện khác nhau. Những tượng ảnh đạo đức của chúng ta vẫn còn là những thực thể vật chất chưa diễn tả trực tiếp được linh hồn là cái phát xuất từ thẩm cung của sự sống. Bên ta chỉ mới có nhạc và thơ là đạt khả năng đó. Có hai nhiệm vụ mặc hình thể cho các cảm xúc: thi ca cho những cảm tình liễu lộ hơn, còn những tình tứ quá tế vi sống động và sâu thẳm thì chỉ có nhạc mới biểu lộ nổi" (Journal 331-332). Nhận xét quân bình trên đây vừa kiện chứng nguyên tắc chúng ta đã nêu lên ở trên: "Đông chú trọng tâm tình, Tây chú trọng lý trí", đồng thời giúp hiểu rõ hai quan điểm khác nhau ở chỗ nào, khỏi phải trói buộc mình vào một quan điểm duy nhất mà không còn biết nhìn cái đẹp có muôn khía cạnh tuỳ quan điểm khác nhau mà biểu lộ dị biệt, điều đó phải áp dụng vào cả thi, thư, lễ và nhạc. Có người viết: "Tôn giáo của dân Viễn Đông chính là nghệ thuật". Câu nói đó không phải là quá đáng khi bàn về đại diện những phần tử đại trí thức, vì Viễn Đông thường dành cho nghệ thuật một ý nghĩa hầu như huyền niệm. Nhiều học giả lấy làm lạ tại sao Khổng Tử thí dụ óc rất thiết thực lại gán cho thi nhạc một sức huyền bí là tại đó. Bởi vì với Khổng thì nghệ thuật cũng theo đuổi một mục phiêu như Minh triết tức là "suất tính", mà tính là Thiên mệnh, đã nói đến Thiên mệnh là nói đến cái gì vô biên huyền ảo vậy. Ngày nay thì quan điểm Đông phương đã được thừa nhận, tuy nhiên người mình cần thấu triệt để giữ vững hướng tiến. Âu Châu hiện đang phá đổ mọi luật hình sắc mà còn phá luôn cả đề tài, sợ đề tài ngoạn mục lưu hết chú ý không còn để tự do sáng tạo. Tuy nhiên vẫn chưa đưa ra được một đường hướng vững chắc để tiến đến nguồn mạch của Mỹ. Đó là chỗ phải lưu ý: Đông phương không quá chú trọng đề tài như Âu Châu cổ điển nhưng vẫn còn dùng để làm bàn nhún. Nhờ đó không xa lìa khỏi phàm nhân mà nghệ sĩ chính tông vẫn không bao giờ bỏ nghĩa vụ nâng đỡ họ giúp họ siêu lên nhìn ra được cái linh diệu ẩn ngay trong những cái nhỏ hẹp của cuộc sống thường ngày, để bay vào cõi u linh huyền diệu. Đàng khác sự thừa nhận quan điểm Đông phương không cho phép ta hạn hẹp nghệ thuật vào hội họa, điêu khắc mà cần mở rộng cho thi cho nhạc để nhìn thấy sự đóng góp của Khổng Tử nó ở tại chỗ ông đã đề cao thi, đề cao nhạc. Trước ông chức trưởng nhạc thế tập thường bị coi khinh, nhưng ông đã xử đối tôn trọng như mọi người, hơn nữa như thầy (Sư Khoáng). Nhờ đề cao thi và nhạc mà ông đã gây sự điều hòa cân đối giữa nhân tình và thiên nhiên. Với Lão "thiên địa vô tình" có thể làm ngạt thở con người, thì với Khổng "non nước hữu tình" nghệ thuật thêm vây cánh cho nhân sinh. Ở Lão Trang ta thấy nhấn mạnh đến tiêu dao du trong thiên nhiên bát ngát, thì ở Khổng ta thấy chú trọng đến con người như Petrucci đã nhận xét sâu xa rằng Khổng Tử đã đưa lại thế quân bình cho một quan niệm đôi khi môn phái Lão Trang đã để thiên nhiên lấn át. Nhờ đó những quan niệm vũ trụ sinh thành thái cổ được đưa gần xuống tỉ xích con người: từ thiên địa xuống núi sông, từ núi sông đến thuỷ hò, nam nữ... Le système fondé par lui (Khổng) trouve cette conception de la nature prêtant à l'ensemble des êtres une destinée égale, un intérêt réel… Le vaste système des cosmogonies primitives se trouve ainsi ramené à la proportion humaine p.23 (xem thêm Malraux 320 Voix du silence). Hughes nhận xét rằng có lẽ nhờ quan điểm Trung dung như thế mà một nghệ sĩ Viễn Đông giữ được thế quân bình cân đối "It may well be that here the artiste genius of the Chinese people asserts itself, desiring in the intellectual realm expression of a sense proportion, of balance and subtle harmony… XXXIII Nếu nghệ thuật là hòa hợp l'art c'est l'harmonie như ngạn ngữ nói thì Khổng Tử quả là một nghệ sĩ lớn lao đến độ không những biết hiện thực mối thái hòa ở giữa thiên với địa mà biết tỏa sang hàng ngang dung hòa người với người trong một nghệ thuật rất tế vi linh động tức là nghệ thuật sống vậy (Kinh Lễ). Đó là mấy nhận xét đại lược về mặt triết lý nghệ thuật chỉ nhằm mục đích khiêm tốn là trình bày hai thế giới khác nhau hẳn; từ lối kinh doanh vị trí, viễn thị không khí đến lối Mê trên Cka (mờ ảo hơn là trọn vẹn), nhân chủ choán ngoại cảnh và nhất là ảnh hưởng mãnh liệt của triết lý đem lại cho nghệ thuật Á Đông cũng như các khoa học khác một sự thống nhất lẫm liệt (unité impressionnante. Petrucci) không có bên văn hóa Tây Âu. Điều nên chú ý là sự phân biệt Đông Tây ở đây cũng chỉ có giá trị đến thế kỷ 19. Vì nay Tây phương đã phá hết mọi quy luật hội họa cổ điển để đi vào lối siêu thực và trừu tượng thì những nhận xét trên không còn thể áp dụng ý nguyên. Và Đông cũng như Tây hiện đang đi tìm đường hướng mới. Tuy nhiên những nguyên lý Đông phương còn chứa nhiều hơn những yếu tố khả thủ chẳng hạn lối mê, lối siêu thoát trong hội họa có thể gợi hứng cho những lối siêu thực, lập thể đang lúng túng trong ngõ bí chỉ biểu lộ được trạng thái sứt mẻ, rách nát của người thời đại mà thiếu hòa hợp và hậu tình nên chưa thấy đâu là lối thoát để đặt con người vào toàn thể như Jung cảm nghĩ trước các họa phẩm của Picasso (Les problèmes de l'âme moderne p.443-447). Kết luận Triết lý với nghệ thuật liên hệ mật thiết như hình với bóng, như biểu tượng cụ thể của những ý niệm trừu tượng. Để thấy rõ điểm này chúng ta dùng bốn loại căn nguyên của Triết lý cổ điển làm điểm tựa để minh biện, đó là: 1. Căn nguyên mô hình: cause formelle 2. Căn nguyên vật chất: cause matérielle 3. Căn nguyên cùng đích: cause finale 4. Căn nguyên tác động: cause efficiente Lấy đại cương mà bàn thì nghệ thuật Tây phương chú trọng tới ba căn nguyên trên. Socrate quan niệm đẹp là cái gì có ích dụng, tức căn nguyên của cùng đích. Còn Platon chú trọng tới căn nguyên Hình Thức cho là cao trọng nhất (causa formalis nobilior) nên nghệ thuật cũng trọng hình thức, tuân theo đường hình học có tính chất bất động. Aristote chú ý tới căn nguyên vật chất với chủ trương duy thực (réalisme) ảnh hưởng vào khuynh hướng sao chép từng nét tỷ mỷ của thiên nhiên: coi thiên nhiên đã có sẵn sự cân đối và nhất trí rồi chỉ cần chụp lại, tả chân… Cả ba căn nguyên có chỗ gặp nhau là thuộc sự vật ngoại tại khách quan, tức là nghệ sĩ chú trọng đến sự quan sát sự vật bên ngoài nhiều hơn chú ý đến nội tâm. Ngược lại nghệ thuật Đông phương có thể nói là chú ý đến căn nguyên tác động của chủ thể nội quan, chú trọng đến thanh luyện tâm hồn như đã bàn ở đạo nghệ, và ở những nguyên tắc của Tạ Hách đặt nổi tầm quan trọng của chủ quan. Có thể nói là chủ thể nắm chính quyền không cần vâng theo luật đường trốn hình học hoặc không buộc chép những nét tỷ mỷ, nhưng được phép "Tòng Tâm" để mô tả và kinh doanh vị trí. Nhận xét trên đây tuy chỉ có tính cách đại cương nhưng trong buổi xáo trộn khủng hoảng cả trong phạm vi triết lý cũng như nghệ thuật hiện đại tưởng có thể giúp gợi lên vài ba tia sáng. Và có lẽ đó cũng là hướng tiến của Âu Châu. Hégel cho thời lãng mạn tiến hơn cổ điển ở chỗ biết từ bỏ cái thực tại bên ngoài để quay về nội tâm mà tìm ra cái thực tại hợp cho vũ trụ linh thiêng của nó. "Abandonner cette réalité extérieure pour se replier en lui-même pour trouver la seule réalité qui lui correspond dans son propre monde, le monde spirituel et intérieur de l'âme. Du Romantisme en général 3-séction.