Miền Đông không bình yên Bỗng chốc thị trấn nhỏ về cực đông-nam phần cuối con đường 13 biến thành địa danh vang dội toàn thế giới... Guernica, Arden, Berlin của Thế Chiến lần Hai không còn ý nghĩa khi so với thị trấn bề dài 1800 thước và bề ngang từ cửa Phú Lổ đến hàng rào phòng thủ tiểu khu đo đúng 1000 thước. Trên diện tích bé nhỏ nầy, lại nhỏ hơn nữa của những ngày “tử thủ”, khi thành phố “co” lại với khoảng 900 thước bề dài còn lại-Một ô vuông cây số hứng chịu gần 60 ngàn quả đạn, đạn đại bác bắn tập trung từ mười vị trí trở lên trong 100 ngày vây khốn. Thế nhưng, An Lộc đã chịu đựng được. Quân và Dân ở An Lộc đã chịu đựng được. Chịu đựng- Sức mạnh tự nhiên không bờ, không đáy- Với nó, trong đó, Người Việt ngụp lặn miệt mài để tồn tại. Sống! Thượng Đế ban món quà hiếm hoi quý giá này cho dân tộc ta quá khó khăn, hẹp lượng. Chỉ được sống, đám dân và lính ở An Lộc đã phải căng mình hứng chịu dài cơn bão săm sắp tiếng nổ và mảnh thép, trong ba tháng. Họ lên đến những “đỉnh” đau đớn chóng mặt, như từ một độ cao hai trăm thước, người mẹ sẩy tay đánh rơi đứa con khi trực thăng chao mạnh. Cái chấm nhỏ bé tội nghiệp rơi dần dần vào một cõi xa xăm mất hút...Không nghe được tiếng động của thân thể trẻ thơ đập mạnh trên đất đá. Không có tiếng thét bi ai của người mẹ mất con... Chỉ âm động phần phật cánh quạt phi cơ và gió bạt trên không gian im lặng. Từ đỉnh cao hai trăm thước đến vực sâu hai thước giữa lòng đất đỏ lạnh tanh, người cha bình thản ngồi xếp ngay ngắn, thẳng hàng hình hài năm đứa con và người vợ, sau khi đã đặt tay chân đúng vào thân thể của mỗi đứa. Nỗi đau đớn dài như con đường 13 từ An Lộc về Chơn Thành. Lai Khê, Bình Dương, An Lộc, Lộc Ninh... Tên đặt ra nghe sao quá thê thảm, tội nghiệp, làm gì có “bình an” nơi miền Đông tàn khốc này... Tất cả chỉ là ước vọng. Nói thật hơn, chỉ là những hư vọng khó có lần hiện thực- Ảo giác mù mờ khi con người đã đến đáy khốn cùng. Chạm tay sự chết. Trong qui ước truyền tin quân đội, chữ A được đánh vần là “Alpha” hay “Anh Dũng”.An Lộc cũng bắt đầu với chữ A, thế nên tôi gọi “An Lộc là Anh Dũng”; tĩnh từ này đã được dùng quá nhiều, đến độ nhàm chán, nhưng ngoài nó ra không còn một danh từ nào xác thực và đúùng đắn hơn. Phải, An Lộc là Anh Dũng. Chiến đấu ở An Lộc- Sống ở An Lộc- Chết ở An Lộc - Tất cả đều trùng trùng tràn ngập, vây kín, kích động bởi tính chất anh hùng. Tôi không nói quá lời, với chân thật của người cầm bút và tấm lòng giản dị của người lính, xin xác nhận lại một điều: An Lộc - Anh Dũng. Yếu tính của thành phố, người và sự kiện nơi An Lộc là tỉnh từ giản dị đầy đủ kia. Mười năm kinh qua trận địa, bao nhiêu trang sách về binh sử đã được đọc, tất cả đều bị An Lộc vượt xa, vượt một tầm quá lớn mà không một trận chiến nào có thể bén gót được. Kiến thức quân sự, ý niệm chiến tranh, tất cả bị đổ nhào vô nghĩa, vô dụng với An Lộc. Chắc chắn như thế, nếu ai hằng đến sống, chết cùng với nơi chốn ấy một lần. Những “huyền thoại” về An Lộc đã được khai thác, nhưng không hết. Những người kiệt liệt của An Lộc đã được nhiều nhắc nhở nhưng chưa đủ. Tôi nối tiếp công việc này vì An Lộc không những chỉ có Tướng Hưng với các Trung Đoàn 8, 9, 48, 52 của Sư Đoàn 5 Bộ Binh; Đại Tá Huấn với Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù; Liên Đoàn 3 BĐQ, và Đại Tá Nhật với thành phần cơ hữu Tiểu Khu Bình Long. Ngoài những lực lượng này, còn có Lữ Đoàn I Nhẩy Dù, đơn vị tham chiến từ ngày 7-4, bắt tay An Lộc lần một vào ngày 16-4 và lần thứ hai sau trận đánh trên tất cả các trận đánh, Tiểu Đoàn 6 Dù “clear” hai cây số còn lại vào đến Thanh Bình (hay đồn điền Xa Cam) trong “bốn mươi lăm phút chiến trận”.An Lộc được “bắt tay” lần thứ hai lúc 17g45 ngày 8 tháng 6 năm 1972. Quê hương của loài nai, Đường 13 chạy từ ngã ba Chơn Thành đến An Lộc đo được 30 cây số, tiếp tục về hướng Bắc thêm 18 cây số nữa là Lộc Ninh, bên kia biên giới là Snoul, qua Snoul con đường ngã theo hướng Tây-Bắc để tới Kratié, nằm cạnh bờ Cửu Long; nép bên bờ trái con sông, đường chạy tiếp về phía bắc để gặp StungsTeng, vị trí chiến thuật quan trọng của đường giây ông Hồ từ Bắc vào. Đoạn này có thêm một tên khác, “đường Sihanouk” cho có vẻ đại đồng nhưng thật ra cũng chỉ là của anh Hồ cộng sản. Khởi đầu cuộc chiến “Đông Dương lần thứ Hai”, những công thầnđầu tiên của Trung ương Cục Miền Nam đã lần mò, tìm kiếm, ráp nối lại con đường... Bắt đầu từ vùng suối Đá, suối Chà Là, suối Ma vùng Bình Long, Phước Long, băng qua biên giới, đến những “mật khu” trong tương lai sẽ vang danh theo chiều rộng thế giới: Lưỡi Câu, Mõ Vẹt. Năm 1970, đại quân Miền Nam từ Bình Long, Tây Ninh, đồng loạt xua quân qua biên giới; cánh quân cực bắc của lực lượng vượt biên đã có lần đi xa quá Snoul để đến gần Kratié. Cộng quân tan nát, đổ vỡ toàn thể hạ tầng cơ sở, kho tàng, trọng điểm tiếp liệu và căn cứ trung ương. Hai năm sau, những ngày đầu 1972, một lực lượng cộng khác, thứ cộng nguyên gốc, theo một kế hoạch được bảo mật tinh vi, chuẩn bị yểm trợ cho mục tiêu chính trị, từ miền Bắc xuôi theo đường 13 vượt qua Snoul cùng ào vào Lộc Ninh với 3 sư đoàn chính qui thượng thặng, sau khi được giàn đại pháo 130 đã dọn sẵn đường. Sau Lộc Ninh là An Lộc. Và thị trấn nhỏ bé của miền cực đông-nam Nam bộ, bắt đầu co vào trong một thế gọi là “tử thủ”. Địa ngục có thật bắt đầu từ ngày đầu tháng 4-72 ở đây. Nơi An Lộc. An Lộc không phải là thị trấn, thành phố, thật ra chỉ là thị xã tỉnh Bình Long, đồng thời cũng là quận lỵ Quận An Lộc, tức Quận Châu Thành của tỉnh. Tỉnh gồm ba quận, Lộc Ninh cực bắc, An Lộc giữa và Chơn Thành phía nam. Tất cả cơ sở hành chánh đều nằm trên con đường 13, con đường lớn phẳng phiu chạy thẳng theo hướng Bắc-Nam, vạch một đường đen thẫm giữa rừng cao su xanh lá, nổi bật trên màu đất đỏ nâu mịn màng đẹp đẽ. Đỏ nâu cũng là màu máu khô, đường 13, con số của sự xấu - Định mệnh đã định rõ: Con lộ mang số tử thần và màu máu thẫm - Hai cuộc chiến tranh chứng tỏ có một Thượng Đế nhẫn tâm khắc nghiệt đã sắp đặt sẵn điêu linh cho nơi chốn, lẫn người. An Lộc, tên nghe thuần hậu hiền lành, như cảnh tượng đàn nai chạy tung tăng trên đồng cỏ tranh mượt sóng. Đàn nai sống no đủ bình yên, được che chở bởi tàng cao su, rừng bạt ngàn xanh im bóng nắng và hàng vạn con suối mang đủ các địa danh Việt, Miên, Thượng... Những giòng suối đầu tiên của sông Bé ở phía đông và sông Sài Gòn ở phía tây. Bình Long- Quê hương loài nai nằm giữa hai con sông trải dài trên một bình nguyên bao la,miền Đồng Nai thượng không những chỉ là một vị thế tốt, còn là chiếc nôi nuôi dưỡng quốc gia với tài nguyên thiên nhiên phong phú, quý hiếm. Đất rộng mênh mông trải dài chập chùng đồi thấp đến tận Biên Hòa, Gia Định. Đất giàu đẹp, uy nghi như hãnh diện bất tận quê hương. Nhưng, đúng là quê hương khốn nạn. Quê hương gắng chịu tai ương của nhân loại. Quê hương nguy khốn, ngặt nghèo. Quê hương lửa dậy và Bình Long hừng hực tro bay. Nơi sự sống không còn mặt đất.