Một hôm, Nàng nói với tôi: “Thật ra, anh cũng xứng đáng làm vua… Em muốn mời anh làm vua.” “Làm vua!” “Đúng, anh sẽ là vua của tất cả các vì vua. Anh sẽ trở về thăm lâu đài cung điện của anh.” “Bằng cách nào vậy?” Tôi mỉm cười hỏi Nàng, tự nhủ: có lẽ Nàng đang coi mình là đứa trẻ và Nàng là bà ngoại đang kể chuyện cổ tích… Nàng nhìn tôi đăm đăm và giọng Nàng không hề có chút gì là đùa cợt: “Em đã hợp đồng thuê người gác cổng Ngọ Môn, tám giờ tối nay em sẽ mở cổng chính cho anh vào hoàng cung. Đêm rằm, trăng tuyệt đẹp…” “Có đắt không em?” “Cũng chẳng lấy gì làm đắt, giá chừng năm bát bún bò giò heo… loại sang.” Ngọ Môn quan là cổng chính đi vào hoàng cung. Cổng Ngọ Môn có năm cửa: cửa chính với con đường Trung Lộ lát đá Thanh dẫn đến sân Đại Triều và điện Thái Hoà - nơi vua và quần thần hội nghị việc nước; cửa chính chỉ mở vào những ngày đại lễ, dành riêng cho vua đi. Cửa Tả và cửa Hữu dành cho các quan đại thần. Cửa thứ tư và thứ năm dành cho các chức quan nhỏ và quân cấm vệ. Từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công, vương triều nhà Nguyễn bị phế truất, hoàng Cung thuộc quyền quản lý của cơ quan Bảo tồn bảo tàng. Cửa chính thường đóng kín để giữ lại vẻ uy nghiêm cũ của hoàng cung. Khách tham quan chỉ ra vào cổng phụ. Ý tưởng khôn ngoan đến bất ngờ của Nàng làm tôi thực sự bàng hoàng và không khỏi chút đớn đau… Ôi, thì ra… nếu có chút đầu óc tháo vát, người ta có thể thực hiện những mộng tưởng hoang đường với giá năm bát bún bò giò heo… Nếu biết cách xoay xở, một nhà thơ bầm dập có thể phút chốc làm lễ đăng quang dưới bầu trời lộng lẫy màu trăng… với cá giá chẳng lấy gì làm đắt lắm - như lời Nàng. “Một vị hoàng đế bao năm lưu lạc trở về thăm lại lâu đài cung điện của vương triều mình, mà phải lủi thủi một mình thì buồn quá…” Tôi nhìn sâu vào đáy mắt Nàng và nói. “Em sẽ cùng đi với anh… Em sẽ là hoàng hậu của anh.” Trong những giờ phút khắc khoải đợi chờ làm lễ đăng quang, tôi đã uống tràn không biết bao nhiều chén đầy chén vơi thứ rượu làng Chuồn, cháy nồng được cất bằng lửa. Ha ha! Rượu là bậc thiên tài tạo nên những ảo tưởng! Đêm đó, bầu trời rằm Cố đô không một gợn mây, không một vì sao. Vừng trăng kiêu sa, lộng lẫy như một vị hoàng đế cô độc trị vị giang sơn trống rỗng, đẹp mà đơn điệu đến kinh hoàng. Đã đến giờ G. Hoàng đế râu tóc rối bù, áo long bào vải chàm cũ bạc, chân dận dép lốp máy kéo nặng như cặp cùm, hơi thở men rượu, khoác tay hoàng hậu áo pun quần bò mốc, mí mắt tô xanh, móng tay móng chân sơn đỏ; theo con đường Trung lộ tiến vào cửa chính Ngọ Môn quan. Người gác cổng Bảo tàng di tích hoàng cung đã đứng tuổi, dáng gầy sắt, gương mặt lầm lỳ. Anh ta nhìn hoàng đế, hoàng hậu thập kỷ tám mươi, cười ngạo… Cửa chính Ngọ Môn có hai cánh gỗ lim tán đinh sắt hao hao giống những dầm cầu Tràng Tiền. Dưới mỗi cánh cửa có bánh xe gỗ niềng đai sắt. Cửa rất nặng, anh ta chỉ mở hé một cánh vừa một người qua lọt, nói với giọng còn ngạo hơn: “Xin mời Ngài ngự thất cơ lỡ vận vô chơi…” Tôi quắc mắt nhìn y và nói với giọng rượu nức mùi quyền uy của đấng thiên tử: “Có lẽ nào vua với hoàng hậu trở về thăm lại lâu đài miếu mạo của mình lại phải chui lách qua Ngọ Môn quan như đạo tặc? Ta thà quay về làm kẻ thứ dân còn hơn!” Chắc không phải y hãi cái giọng quyền uy nức mùi rượu của đấng thiên tử thất cơ lỡ vận, mà vì số tiền tạm ứng của hợp đồng y đã lỡ tiêu mất rồi. Y đành hậm hực, nghiêng vai gắng hết sức đẩy, mở rộng cánh cửa: “Thì đó, xin mời…” “Từ khi có hoàng cung đến nay, ta chưa bao giờ nhìn thấy một vị hoàng đế nào đi qua Ngọ Môn quan mà cửa chính lại chỉ mở có một cánh! Phải mở rộng cả hai cánh ta mới đi!” Y tức lắm nhưng buộc lòng nghiêng vai mở rộng cánh cửa thứ hai. Trước mặt tôi hiện ra toàn cảnh sân Đại triều và điện Thái Hoà ngập giữa biển trăng… Tôi khoác tay Nàng bước qua vòm cổng tối thâm u, thoáng mùi tàn tạ, rêu mốc. Người gác cổng bỗng gọi giật tôi lại, chắp tay nói với giọng lễ phép mà một vị hoàng đế thật chắc ông đã hạ lệnh lấy đầu: “Xin báo cáo để Ngài ngự liệu chừng. Theo đúng hợp đồng đã thuê thì đến 11 giờ là tôi đóng cổng chính. Nếu quá giờ Ngài đừng càm ràm… Không khéo lúc vô là hoàng đế mà lúc ra là lính trơn!” Tôi cười phá lên, vỗ vai y: “Nhà ngươi cũng là thi sĩ! Cái xứ Huế mình lạ thiệt, đến xó mô cũng đụng đầu các nhà thơ!” Tôi và Nàng đi dạo khắp hoàng cung. Các con đường đầy ổ gà, thuê dệt bằng cây, nức mùi hương hoa sứ. Rải rác đây đó những bãi phân bò, phân lợn, phân dê… (các cơ quan, công xưởng đóng trong hoàng cung chăn nuôi) nằm lẫn với những hoa sứ rụng. Và kỳ diệu thay, tất cả dưới trăng đều đẹp. Ôi, cái vương triều Nguyễn chỉ còn lại những phế tích hoang tàn. Khi chân đã mỏi nhừ, tôi và Nàng ngồi bó gối trên bậc đá sân Đại Triều, lặng lẽ ngắm trăng… Nàng bỗng đứng bật dậy, xem đồng hồ tay, giục: “Ta về thôi anh! Muộn quá rồi, còn năm phút nữa là họ đóng cửa chính Ngọ Môn… » - Em nán ngồi lại với tôi Một phút nữa thôi… - Ừ, hay xin em hai phút… Ôi, trăng hoàng cung đêm nay đẹp đến não lòng… Tôi sắp phải từ giã ngai vàng Từ giã hoàng cung Giã từ mộng tưởng Giã từ em… Phảng phất hương hoàng lan Từ Tử Cấm Thành hoang tàn đổ nát Tôi sắp phải trở lại cuộc đời cay cực Qua cửa chính Ngọ Môn… Ôi, có lẽ nào Tất cả đêm nay là có thực! Em với mái tóc đen dày che nửa mặt Hồ sen như gấm trải quanh hoàng cung Điện Thái Hoà Điện Kiến Trung Tàng Thư lâu… Hiển Lâm các Sân Đại triều mênh mông trăng… Ôi, có lẽ nào Tất cả những đêm nay là có thực!... Không! Tôi không tin… Tất cả là do trăng bày đặt Trăng thương tôi Một đời lao lực Một đời cay cực Một đời thơ… Vỗ về tôi như trẻ nhỏ Trăng ru… Như bà ngoại Trăng dắt tôi vào cổ tích Cô Tấm với nàng Bạch Tuyết Hằng Nga ngủ trong rừng Con yêu râu xanh… Tôi biết Trăng là một nhà bày-đặt thiên tài Lều trăng bày đặt thành cung điện Vườn hoang thành vườn Thượng Uyển Vũng nước tù bày đặt thành hồ sen… Nhưng tôi không biết Từ chất liệu gì mà Trăng bày đặt ra em… Một vùng tóc như một vùng biển tối Vũng mắt em thăm thẳm tia nhìn Những ngón tay ngón chân có mùi hoa dại Cái cổ trần như rong dưới đáy sông Hương… Giọng em nói Tiếng em cười Và nỗi buồn phảng phất trên làn môi… Từ chất liệu gì mà Trăng bày đặt?... Trăng hoàng cung đêm nay ai ơi! Trăng nhân hậu Trăng thiên tài Cảm ơn Trăng thương tôi mà bày đặt Nhưng cái tuổi tin vào cổ tích tôi đã qua rồi…