Mở đầu

Lời tác giả
 
Ðây là những bài báo. Bởi thế cách hành văn cũng như nội dung đều có tính cách “nhật trình”. Lối văn gần như cẩu thả.
Câu chuyện có vẻ nhất thời. Nhưng tôi cứ để nguyên cho xuất bản. Nghĩ rằng: hồi ấy tôi đã để ngòi bút chạy theo giòng ý tưỏng, dầu khéo dầu vụng, cách thuật chuyện cũng được cái đặc điểm là ghi tâm trạng bài lúc viết.
Hình ảnh những nhân vật trong chuyện - những người đã cùng tôi sống chung – ngày nay đã mờ trong ký ức.
Kể lại một quãng đời phải chăng là sống lại với ngày qua? Có lẽ thế. Nhưng tôi muốn xa hơn: Vẽ một bức trang phong tục và tập quán.
Thật là quá cao vọng.
Tự thấy còn thấp kém, nhưng tôi vẫn cố gắng. Ðây là những bài đầu, tôi ước mong sẽ có thể viết thêm.
Nếu chưa hiến được độc giả những bài đúng theo nguyên tắc tôi đã tự vạch, thì xin hẹn lại ở những bài sau.

Phi Vân

Thay lời tựa
 
Chổ hứng thú của quyển phóng sự ấy là nó cho ta thấy những phong tục cũ kỹ ở thôn quê, những tin tưởng dị đoan của hạng bình dân lao động. Nó cho ta thấy những cuộc giao tiếp, xung đột giữa bọn điền chủ và tá điền, những tâm hồn mộc mạc trong bọn này và những vai quyền thế lực của bọn kia. Ðọc qua, chúng ta thấy mình len lỏi chốn đồng quê, đang mục kích những cuộc tụ họp chơi bời, những cảnh cần lao rộn rịp. Thỉnh thoảng như đưa lại giọng hò trầm bổng trong đám gất, như phất lại mùi thơ thanh đạm của lúa vàng.
Tác giả lại còn dắt ta đi quanh co trong những sông rạch ở vùng Bạc Liêu, Cà Mau và sao mấy ngày dạo chơi mệt mỏi, tác giả dừng lại cho ta thấy một cảnh sắc êm đềm: Trên bờ sông Trẹm, lững lò mấy làn khói trắng bốc lên và dưới hàng dừa xanh tươi, một thiếu phụ ẵm con đứng đợi chồng về, lâu lâu đuổi bầy gà đang bới trên giồng rau cải. Hoặc giữa đêm trường vắng vẻ, chiếc thuyền xuôi mái theo rách Bần, tác giả mời ta trông lên bờ sau hàng dừa nước âm u, một vài ánh đèn le lói, nghe từa xa đưa lại tiếng chày giã gạo, tiếng chó của đêm...
Cho được kể lại rất tài tình những điều quan sát rất kỹ càng, làm cho ta như nghe, như thấy, lúc cảm, lúc vui, tất phải chờ một ngọn bút tỉ mỉ mà linh hoạt, một giọng văng thành thật mà hữu duyên, một cách viết tự nhiên, không rườm rà mà đầy đủ.
Ông Phi Vân đã gồm cả mấy điều kiện ấy: Quyển phỏng sự của ông như một tấn tuồng gay cấn đặt trong cảnh trí xanh tươi: Hay là - muốn nói cho rõ hơn – nó là một “nông kịch” chia ra nhiều lớp: có hồi hộp, có vui cười và sau rốt kết cuộc rất thương tâm, khiến cho độc giả phải ngậm ngùi cảm động.
Có lẽ đó là bài luân lý sâu sắc mà tác giả không muốn chỉ cho rõ ràng, để ta tự hiểu ngầm mà thương hại cho hạng nông dân lao lực. Họ sống một cuộc đời mộc mạc, siêng năng; nhưng mãn kiếp phải làm nạn nhân cho bọn giàu sang thế lực. Mà cả thảy chúng ta, theo như tác giả nói lại là “nạn nhân của một thời kỳ”; cho nên đối với mọi người ta nên để lòng thương hại và thứ dung, và nên cầu nguyện cho chốn đồng quê được hút vui tươi yên ổn...
(Trích lục một đoạn bài diễn văn của giáo sư Nguyễn Văn Kiết chủ tịch ủy ban văn chương của hội Khuyến Học Cần Thơ đọc trong dịp lễ phát giải thưởng văn chương Thủ Khoa Nghĩa năm 1963)
 

Ý Kiến các văn Hữu

Ðồng Quê của Phi Vân là loại sách nửa phóng sự, nửa ký sự về phong tục, sinh hoạt ở đồng quê miền Hậu Giang.
Chuyện lý thú, văn gẫy gọn, tác giả tỏ cho ta thấy đã đem tâm hồn mình sáp nhập với dân chúng với đất nước.
(Ánh sáng Văn Chương)
 
Ðọc Ðồng Quê, bạn sẽ thấy bao nhiêu hủ tục buồn cười và cuộc xung đột của chủ điền và tác điền đã diễn ra ở đồng quê Nam Bộ mà bạn Phi Vân đã vẽ lại bằng ngòi bút rất giản dị và linh hoạt.
(Nhật báo Việt Thanh)
Tôi tin chắc Ðồng Quê của ông Phi Vân sẽ là một kho tàng vô giá để khảo cứu tiếng địa phương Nam Việt, để góp từ ngữ dùng trong việc học.
(Trọng Toàn – Hương Hoa Ðất nước)
Những câu chuyện trong Ðồng Quê ai cũng có thể biết được, nhưng tác giả khéo kéo độc giả phải say mê. Khi đọc được một bài, phải đọc một bài nữa và sẽ đọc luôn cho đến hết mà không hề biết chán ở một chỗ nào.
(Văn Mai - Nhật báo Thời Cuộc)
Trong Ðồng Quê, Tây, Tàu, Việt chen lẫn nhau; mới, cũ tranh giành nhau. Một xã hội thất học, một thời đại hư hèn, một chế độ nguy hại.
Các bạn sẽ cùng tác giả nhận xét như thế để rồi với cái đầu óc mới mẻ, với cái bản lĩnh vừa được trui rèn, các bạn sẽ đề nghị một giải pháp, bảo một cách ôn hoà: “phải sửa đổi”
(Thuần Phong - Nhật báo Tiếng Dội)