Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang
Chương 28

Trên chuyến bay về Nữu-Ước, Michael Corleone nằm nghỉ, cố chợp mắt đi một chút nhưng không nổi. Đời nó đang bước vào khúc quanh ngặt nghèo, kinh khủng nhất. Có thể mất mạng như chơi và không thể rút ra được nữa. Mọi công việc đã chuẩn bị xong, hai năm trời sửa soạn từng chi tiết chớ đâu phải ít? Muốn hoãn lại ít ngày cũng không được. Trong thâm tâm, Michael biết giờ của nó đã điểm. Tuần rồiÔng Trùm đã cho triệu tập cáccaporegime và một số đàn em thân tín để chính thức loan báo về hưu. Đó là cách gián tiếp cho Michael hay đã đến lúc nó phải hành động.
Tính từ ngày nó về nước đã gần 3 năm và lập gia đình với Kay cũng đã 2 năm. Suốt 3 năm liền, nó chăm chú tìm hiểu nghề nhà với Tom Hagen, với Ông già. Điều làm Michael kinh ngạc nhất là không ngờ gia đình nó giàu có, thế lực tới vậy! Nội bất động sản ở Nữu-Ước cũng có cả dãy bin-đinh ở khu trung tâm. Còn nhờ người khác đứng tên làm bình phong thì ít nhất cũng có hai văn phòng chuyển nhượng chứng khoán ở Wall Street, mấy ngân hàng ở Long Island và rất nhiều cổ phần trong các công ty sản xuất quần áo. Dĩ nhiên là chưa kể đến những quyền lợi ngầm trong đủ mọi ngành cờ bạc.
Để tận hiểu tình trạng tài chính của gia đình, Michael còn chịu khó nghiên cứu lại những mối làm ăn của cánh Corleone mấy năm trước. Có một bài học khiến nó mở mắt ra nhiều nhất: hồi chiến tranh vừa dứt, cánh Corleone nhờ thế lực bảo vệ che chở nên được ăn chia rất nhiều của bọn chuyên sản xuất dĩa hát lậu.
Hồi đó có bọn chuyên môn “in lại” những đĩa bán đang ăn khách mạnh nhất. Cứ đĩa nào bán chạy nhất là tụi nó tái bản ngang xương, bán thẳng cho mấy cửa tiệm, coi tác giả và nhà sản xuất như không có vậy! Tụi này làm ăn kỹ và lại đượcÔng Trùm Corleone bảo vệ nên chẳng đổ bể bao giờ. Nạn nhân đau khổ nhất của tụi nó còn ai ngoài đại danh ca Johnny Fontane, giọng ca vàng với số dĩa bán nhiều nhất?
Michael có nêu thắc mắc thì Tom Hagen nhún vai giải thích: “Con đỡ đầu là một việc, công việc làm ăn lại là việc khác. Vả lại hồi đóBố-Già cũng ghét mặt thằng Johnny ở chỗ vừa ăn nên làm ra đã bỏ vợ cái con cột, chạy theo đào hát Margot Ashton.”
Michael còn thắc mắc nữa:
- Nhưng đang làm ăn mạnh đến thế... tại sao chúng tốp làm ăn? Tại cớm vồ chắc?
- Đâu có? Tại ông già không bằng lòng che chở tụi nó nữa chớ?
Trong các vụ làm ăn củaBố-Già, thiếu gì những vụ tương tự như trên? Tiếng là gỡ rối, cứu vớt một kẻ nào đó... có biết đâu sự rắc rối, nguy hiểm lại do chính ân nhân gây ra, hoặc nhiều hoặc ít. Chẳng phải vì ổng cáo già, sắp đặt buộc để rồi để gỡ dùm. Có thể vì ổng nhiều quyền lợi ở nhiều ngành quá. Mà cũng có thể vì thực chất cuộc đời là như vậy, có xấu có tốt xen kẽ nhau và đụng chạm là chuyện rất tự nhiên.
Hồi đó đám cưới Michael diễn ra trong vòng thân mật ở bên bố vợ, chỉ có gia đình Kay và vài bạn thân tham dự. Sau đó hai đứa về ở một căn trong cư xá Long Beach. Michael không ngờ Kay mau thân thiết với cha mẹ chồng và bà con lối xóm như vậy. Có con đầu lòng cũng mau cấp kỳ, đúng như sự mong muốn của bất cứ một gia đình Ý nào. Mới gần 2 năm đã lại có bầu lần thứ hai.
Lần nào có dịp đi xa về Michael cũng được vợ ra đón tận phi trường. Lần nào hai đứa cũng vui mừng nhưng riêng lần này Michael không vui nổi. Vì đi Las Vegas về lần này, nó phải chính thức bắt tay vào việc. Lần nàyBố-Già đang trông đợi, cáccaporegime cũng trông đợi nó. Đã đến lúc Michael Corleone phải chỉ huy, phải ra lệnh... phải có những quyết định liên hệ đến số phận nó cũng như toàn thể gia đình.

oOo

Hồi này sáng nào dậy sớm lo cho con ăn, Kay Corleone cũng thấy bà mẹ chồng được tài xế đánh xe đưa đi và cỡ một giờ sau mới về. Hỏi ra mới biết Bà Trùm sáng nào cũng lo đi lễ nhà thờ từ sớm. Thỉnh thoảng đi lễ về bà cũng ghé nhà thằng con út uống cà-phê, chơi với cháu nội.
Kỳ cục một điều là bà ưa hỏi tại sao Kay chưa trở lại đạo Công giáo, mặc dầu biết dư là thằng cháu nội đã rửa tội theo Tin lành. Lúc bấy giờ Kay mới hỏi tại sao sáng nào bà cũng phải đi lễ một lần, có phải luật bổn đạo bắt buộc phải vậy không? Bà mẹ chồng sợ nàng dâu ngại phải đi lễ hàng ngày nên ngán theo đạo nên lắc đầu lia lịa: “Không... Đâu có bắt buộc? Thiếu gì bổn đạo chỉ một năm đi lễ có hai lần, dịp Giáng-sinh và Phục-sinh.”
Kay cười ha hả: “Thế tại sao sáng nào má cũng đi lễ?” Bà mẹ chồng giải thích một cách vô cùng giản dị rằng bà đi lễ mỗi ngày cốt để cầu nguyện cho linh hồn ông chồng mai sau được lên thiên đàng, khỏi sợ sa xuống địa ngục! Đúng là một bà già nhà quê, không ngăn được ông chồng “làm quấy” chỉ có nước cầu nguyện cho ổng khỏi mang tội vậy.
- Thế ông già nghĩ sao về việc ấy, má?
- Hồi này ổng đâu phải như hồi đó? Ổng giao hết mọi công việc cho thằng Michael để ổng rảnh rang làm vườn, trồng mấy cây cà chua, mấy cây ớt. Ổng làm như còn nguyên gốc nông dân vậy... mà đàn ông ai cũng vậy hết!
Buổi sáng, Connie cũng ưa dẫn hai đứa con sang chơi nhà anh chị Michael. Riêng Kay, nàng chịu con nhỏ này vì nó hoạt bát nhanh nhẹn và đặc biết có cảm tình với ông anh Michael. Connie còn dạy cho bà chị dâu cách nấu mấy món ăn Ý đặc sắc, lâu lâu còn bưng qua mấy dĩa thật ngon cho ông anh nếm thử.
Kay để ý Connie luôn luôn thắc mắc, dò hỏi coi Michael thấy Carlo thế nào, Michael nghĩ sao về chồng nó. Michael có cảm tình với Carlo thực không? Sự thực Carlo cũng có hồi lục đục với gia đình bên vợ, nhưng ít lâu nay đã đỡ lắm.
Được đổi sang công tác nghiệp đoàn, Carlo đã làm trọn bổn phận, nhưng nó đã phải cố gắng hết mình, bỏ bao nhiêu thời giờ vô mới xong. Đối với Michael, có một lòng yêu kính. Connie quả quyết như vậy. Nhưng xét ra trong nhà này ai chẳng yêu kính Michael, ai chẳng ngưỡng mộÔng Trùm? Michael sắp thay thế ổng, đứng ra coi sóc toàn bộ công việc nhà mà?
Điều làm Kay không thể không quan tâm là mỗi lần nhắc đến chồng, Connie đều nôn nả mong ai nấy đều cho điểm tốt Carlo, nhất là anh Michael thì nó cần quá. Làm như lỡ mất lòng Michael nó có thể sợ chết khiếp đi được vậy! Có đêm Kay đã mang vụ này ra hỏi riêng Michael cũng như một vụ làm nàng thắc mắc. Hình như không ai muốn nhắc nhở đến cái chết của Sonny. Có mặt nàng lại càng không! Có lần Kay ngỏ ý chia buồn thì cả hai ông bà cùng ngồi yên lặng nghe, chẳng nói chẳng rằng. Hỏi con Connie về ông anh cả đã quá cố, nó cũng không nói gì hết.
Trong khi đó Sandra lo mang con về Florida ở với cha mẹ. Tuy Sonny không để lại sản nghiệp gì giá trị nhưng vợ con nó vẫn có một số tiền trợ cấp đều đặn đủ sống thong thả.
Ngay với Kay hình như Michael cũng không muốn gợi lại cái chết của Sonny. Gặng hỏi mãi nó mới giải thích là đêm hôm Carlo đánh vợ thì Connie phôn về nhà, không may chính Sonny nghe máy. Nó tức lồng lộn, phóng xe lên Nữu-Ước thì giữa đường gặp nạn.
Chính vì sự trùng hợp ngẫu nhiên đó mà vợ chồng Carlo đâm có mặc cảm phạm tội, sợ người nhà cho rằng tụi nó đã gián tiếp gây ra cái chết đau thương của Sonny. Ít ra cũng tại thằng Carlo. Nhưng đó là tụi nó sợ hoảng vì ông già còn cho vợ chồng nó căn nhà trong cư xá, riêng Carlo còn được giao công tác quan trọng hơn. Hồi này chính thằng Carlo cũng đã chịu khó làm ăn, hết cờ bạc đĩ điếm, hết giở trò láu cá. Dó đó gia đình Corleone không có gì để phàn nàn về công việc hoặc tư cách Carlo trong vòng hai năm trở lại đây. Chẳng ai quy trách nhiệm cho nó về những chuyện không may đã xảy ra.
Thấy chồng giải thích như vậy, Kay hỏi ngay:
- Thế tại sao anh không mời vợ chồng nó qua đây một buổi, giải thích rõ cho tụi nó yên tâm? Con nhỏ coi bộ lo sợ dữ, không hiểu anh nghĩ gì về chồng nó. Anh phải nó cho nó khỏi lo sợ hoảng chớ?
- Tôi không thể làm chuyện đó. Gia đình này chẳng bao giờ đề cập những chuyện tương tự.
- Nếu anh không tiện nói thì để em nói nghe?
Coi, một chuyện giản dị như vậy… một chuyện nên làm, cần phải làm như vậy … nàng đã nêu ra mà sao Michael còn e dè, suy nghĩ gì nữa kìa? Chồng không nói để vợ nói thì hợp lý quá còn gì? Ngờ đâu Michael gạt phắt đi:
- Em chớ nói. Nói vô ích, nói không ăn thua gì đâu. Nó vẫn cứ lo sợ như thường. Đó là một vụ không ai làm gì được hết, không thể làm nổi…
Kay ngạc nhiên muốn choáng váng. Lâu nay nàng để ý thấy chồng đối xử với ai cũng nồng hậu, nhưng riêng với Connie thì lạt lẽo thấy rõ mặc dù Connie không ngần ngại biểu lộ kính mến nó nhất. Không lẽ… Vì thế Kay phải hỏi thẳng:
- Nhưng anh không đổ tội cho Connie… vì nó mà anh Sonny thiệt mạng đấy chớ?
- Dĩ nhiên không. Nó là con bé út, tôi thương nó lắm chớ? Tôi buồn cho nó là khác. Thằng Carlo hồi này đã lo làm ăn… nhưng nó không phải một thằng chồng đàng hoàng, một thằng chồng thương yêu vợ thực tình. Kẹt chút xíu đó! Nhưng thôi… bỏ chuyện ấy đi…
Bỏ đi thì dĩ nhiên Kay bỏ ngay. Tính nàng không thích lằng nhằng vả lại Michael đâu phải týp đàn ông nghe vợ, để vợ lấn lướt? Nài nỉ hắn đâu được? Dù trên đời này nếu hắn chịu nghe một người nào thì người ấy chính là nàng nhưng Kay biết dư là nếu cứ xài hoài cái đặc quyền đó là không xong với Michael, là hắn không bao giờ nghe nữa. Hai năm chung sống nàng đã hiểu hắn nhiều quá và càng thấy thương yêu thêm.
Kay yêu Michael vì hắn bao giờ cũng chìu ý người, hắn lo làm vừa lòng bất cứ người nào, từ một việc nhỏ nhặt cũng chẳng muốn mất lòng. Ở địa vị Michael bây giờ thiếu gì người cầu cạnh, thiếu gì người nhờ vả… nhưng hắn chẳng bao giờ có ý chiếm phần hơn. Hắn đã chìu ý nàng một lần và đối với Kay chẳng có gì làm nàng sung sướng bằng.
Chẳng là từ hồi ở Sicily về, cả nhà ai cũng muốn Michael đi sửa ngay khuôn mặt cho dễ coi một chút. Bà Trùm còn sốt sắng hối thúc hơn ai hết, gần như mỗi ngày mỗi nói. Có bữa Chúa nhựt cả nhà quây quần quanh mâm cơm bà hét lên:
- Cái mặt bể một bên của mày coi ghê quá, Michael. Đúng là mặt tướng cướp! Trời đất, mày làm ơn đi sửa lại… cho con vợ mày nhờ một chút, được không? Tối ngày sụt sịt mãi như thằng bợm rượu vậy!
Ngồi tuốt một đầu bàn nhưng chẳng có gì qua mặt, lọt taiÔng-Trùm. Ổng ngó Kay, thủng thẳng hỏi: “Con có thấy chướng không?”
Nàng lắc đầu và ổng biểu bà vợ: “Thấy không? Bây giờ nó đâu còn là của bà mà bà phải lo nào?” Bà-Trùm nín liền. Không phải vì quá sợ chồng mà không dám cãi. Có điều không thể cãi chồng vì một vấn đề như vậy, trước mặt người khác.
Lúc bấy giờ Connie đang ở dưới bếp nấu ăn lên, mặt còn đỏ bừng chợt nghe chuyện liền bàn góp: “Em cho là anh nên đi sửa ngay. Xưa nay anh Michael vẫn đẹp trai nhất nhà mà? Anh đi sửa đi cho đẹp trai… nghe anh?”
Connie hối hả lăng xăng như vậy mà lạ thật, Michael cứ lặng yên ngó, không nói không rằng. Làm như nó thực tình không nghe thấy, không biết con em gái vừa nói gì vậy! Thấy anh Michael mãi không buồn trả lời, Connie chạy lại bá cổ bố nũng nịu, y như hồi còn con nít, hồi còn ở nhà vậy. “Bố ơi, bố bảo anh ấy đi sửa đi.” Connie vừa nói vừa bá cổ, nắn vaiÔng-Trùm. Cả nhà chỉ có mình nó, mình cô gái út dám làm nũng bố như vậy. Nhưng bữa nayÔng-Trùm chỉ nắm tay Connie vỗ về:
- Coi, cả nhà đói quá rồi! Mi làm được món gì… mang lên đây gấp dùm cái … rồi muốn nói gì thì nói.
Connie tự nhiên xây qua phía chồng:
- Hay mình nói đi vậy… Mình đề nghị với anh Michael làm lại khuôn mặt thử coi? Biết đâu anh Michael chẳng nghe lời mình, Carlo?
Nghe giọng điệu Connie thì ai cũng phải cho là Michael và Carlo bồ bịch nhau lắm, ít ra cũng thân thiết hơn những người có mặt ở đây! Bữa đó coi Carlo thật bảnh trai, khoẻ mạnh. Da rám nắng, mái tóc cắt ngắn, chải gọn. Nghe vợ hối thúc, Carlo thủng thỉnh làm xong hớp rượu mới cất tiếng: “Với Michael thì chẳng ai bảo được hết, thực thế!” Từ ngày dọn về cư xá Carlo đã hiểu biết thân phận nó quá xá rồi, có bao giờ dám bước ra ngoài cương vị?
Vở kịch nhỏ mọn chỉ có thế nhưng Kay làm gì chẳng nhận ra những điểm khác thường? Ngay cử chỉ nũng nịu của Connie đối với ông già cũng chẳng phải phát xuất tự đáy lòng. Nó thương yêu ông già thực chớ? Nhưng bên trong vẫn có một cái gì gượng gạo, chỉ cốt lấy lòng rõ. Còn câu trả lời của Carlo nữa. Rõ ra một sự thần phục, một sự cúi đầu chịu trận. Và lạ nhất là thái độ Michael: dửng dưng, thây kệ hoàn toàn không biết gì tới.
Đối với không thì nàng chẳng hề bận tâm về sự xấu xí của khuôn mặt méo. Cái chứng nhức mũi, chảy nước mũi hoài hoài mới là phiền phức. Nhưng muốn khỏi bệnh mũi thì phải sửa lại chỗ xương gò má: chính vì lẽ đó Kay muốn chồng vô bệnh viện sửa phứt đi cho rồi. Có điều kỳ lạ là làm như Michael muốn giữ lại cái gò má bể đó. Không riêng nàng mà hình như ông già cũng biết vậy kìa!
Cho nên ngay khi sanh thằng bé đầu lòng, Kay ngạc nhiên nghe chồng ngỏ ý: “Em có muốn anh đi giải phẫu lại khuôn mặt không?”
Dĩ nhiên Kay gật đầu. Nàng giải thích là người lớn thì không sao nhưng một mai con cái lớn lên nhất định nó sẽ thắc mắc về khuôn mặt khác người của bố. “Em không muốn cho con mình thấy… chớ riêng em thì sao cũng được hết.”
Michael đồng ý: “OK… Nếu vậy anh sẽ đi sửa.”
Sau khi Kay ở nhà bảo sanh về là đến lượt Michael vô bệnh viện. Chuẩn bị kỹ càng, chu đáo nên vết mổ rất tốt. Chỗ xương gò má hết gồ ghề. Phải để ý nhìn mãi mới thấy dấu vết. Nghe tin Michael chịu đi mổ cả nhà mừng lắm, nhất là Connie. Hôm nào nó cũng vô nhà thương thăm anh một lần, nhất định bắt Carlo phải đi cùng. Bữa Michael về nhà, Connie sung sướng ôm lấy ông anh hôn rồi đứng ra xa ngó, khen rối rít: “Phải vậy chớ? Ông anh của tôi phải bảnh trai như hồi đó mới đáng chớ?”
Cả nhà chỉ có một người không hề bận tâm. Đó là ông già. Được hỏi ý kiến, ổng nhún vai hỏi: “Có quái gì khác đâu?”
Riêng Kay nàng vui mừng thiệt tình. Nàng biết Michael không muốn làm lại khuôn mặt chút nào hết. Hắn chịu làm chỉ vì muốn chìu ý vợ. Ít nhất trên thế gian này cũng còn một người có thể ép hắn làm một chuyện trái ý, người đó là Kay.
Buổi chiều hôm Michael đi Las Vegas về, chính Rocco Lampone đánh xe đưa Kay ra đón tận phi trường. Đó là một thông lệ vì sống thui thủi bên trong khu cư xá canh gác như pháo đài, vắng Michael là Kay hoàn toàn cô độc. Nàng thấy Michael bước ra khỏi phi cơ, đằng sau là Tom Hagen và gã cận vệ mới tên Albert Neri. Thực tình Kay không thích thằng Albert này vì trông nó hung ác lạ thường, đúng hệt hung thần Luca Brasi hồi đó. Michael vừa bước xuống là nó đeo sát, cặp kè một bên, phía dưới một chút mà cặp mắt láo liêng, ngó không sót một người nào đứng gần. Nó nhìn thấy Kay đứng lẫn trong đám đông trước tiên và khe khẽ đụng vào vai xếp một cái để Michael khỏi mất công đưa mắt tìm chỗ khác.
Bữa hôm đó ra đón chồng tận phi trường mà Michael chỉ ôm hôn một cái lẹ làng rồi đẩy ra ngay. Kay lên xe cùng Michael và Tom nhưng chẳng thấy Albert đâu cả. Nàng đâu biết nó đã nhảy lên chiếc xe sau, trên xe có hai thằng ngồi sẵn, tà tà bám dính đằng sau cho đến khi cùng về đến Long Beach.
Có bao giờ Kay hỏi chồng về chuyện làm ăn? Dù một câu nhẹ nhàng, lịch sự cũng không … chẳng phải sợ Michael không đáp lại nhã nhặn mà chỉ vì đó là ranh giới cấm kỵ mà cả hai đều cùng đồng ý vạch ra, không bao giờ vi phạm. Đã quen nếp vậy rồi nhưng nghe Michael nói tối nay phải sang ông già có chuyện gấp, không thể ở nhà được, Kay vẫn cứ hơi nhăn mặt. Nhưng ngay lúc đó, hắn đã có cử chỉ an ủi, hứa hẹn ngay: “Để tối mai… hai đứa mình rảnh rang lên Nữu-Ước coi hát, ăn nhà hàng… chịu không?”
Tay Michael âu yếm đặt trên bụng vợ. Cái bầu này ít nhất cũng 7 tháng rồi. Hắn ghé sát tai Kay:
- Còn thằng này sắp ra. Em còn bận rộn nữa! Không ngờ em sản xuất lẹ đến thế. Hai năm hai đứa thì… dân Ý đứt đuôi chớ còn Mỹ quái gì nữa?
- Phải chớ? Dân Mỹ là anh kìa? Vừa mới đi về người ta ra đón… đã “tối nay mắc công chuyện lắm, không thể ở nhà được!” Anh về ngay hay là lại đến khuya?
- Ít ra cũng nửa đêm. Nếu em mệt thì lo đi ngủ trước, đừng đợi.
- Em cứ đợi…
Công chuyện khuya hôm đó dĩ nhiên diễn ra trong “văn phòng”Ông-Trùm. Có mặt ông già, Michael, Tom Hagen, hai lãocaporegime Tessio, Clemenza… lại thêm Carlo Rizzi nữa! Buổi họp có vẻ nặng nề, mệt mỏi chứ không nhẹ nhàng, thanh thản như những lầnÔng-Trùm chưa tuyên bố về hưu, để một tay Michael liệu lý mọi chuyện. Trên nguyên tắc chức vụÔng-Trùm chẳng phải cha truyền con nối. Rất có thể ở một cánh nào khác, người lên kế vị là một trong hai lãocaporegime. Hoặc ít ra đây cũng là một dịp để Tessio hay Clemenza có quyền tách ra, thành lập một giang sơn riêng, một cánh riêng của họ.
Hơn nữa lại còn vấn đề thế lực suy yếu. Kể từ ngàyÔng-Trùm Corleone phải chính thức cầu hoà vớiNgũ Đại gia đình thì thực lực cánh Corleone bắt đầu giảm sút trông thấy. Làm vua trọn vùng Nữu-Ước bây giờ là cánh Barzini kìa! Với sự toa rập của đồng minh Tattaglia, cánh Barzini đã thực sự tỉa dần thế lực cánh Corleone, lấn đất làm ăn và thử sức đối phương, coi phản ứng thế nào. Thấy làm được chúng bèn nghiễm nhiên cho mọc lên vài ba sòng bạc, tranh ăn kịch liệt.
Còn gì hả hê cho hai cánh Barzini-Tattaglia bằng tinÔng-Trùm Vito Corleone chính thức về hưu? Thằng Michael lên thay thì yếu quá, yếu rõ. Nó cũng là thằng dám chơi, dễ nể thật … nhưng 10 năm nữa chưa chắc đã bằng ông già ở khoản mưu lược, thần thế! Nó lên thì cánh Corleone còn xuống nữa.
Phải nói là cánh Corleone bị mấy cú đau điếng liên tiếp, có dễ gì gượng lại nổi? Thằng Fred bây giờ quả là một con zê-rô: một thằng bán quán, cả đời bám lấy quần đàn bà... như con nít bám riết vú mẹ. Nó đâu còn là thằng đàn ông đúng nghĩa? Có vậy mới thấy rõ cái chết của Sonny quả là một thảm hoạ. Sonny chẳng phải thằng dễ đối phó, một thằng phải ngán. Nó đã trót vi phạm một lầm lỗi chiến lược để giải quyết một nhu cầu chiến thuật khi phải cử thằng em đi nổ một lúc hai thằng ghê gớm là Sollozzo và Mc Closkey. Kết quả là ông già phải gượng dậy điều khiển và thằng em phải bỏ xứ đi hai năm. Phải chi thời gian đó nó được ở bên ông già để học tập kinh nghiệm thì phải biết là lợi hại!
Lại còn vụÔng Trùm Corleone điên đầu đi cử một thằng gốc Ái-Nhĩ-Lan ngất ngư lên làmconsigliori! Có chết cũng đáng đời vì ở một địa vị yết hầu như vậy một thằng gốc Ái-Nhĩ-Lan làm sao so sánh nổi với thằng dân Sicily? Có lẽ cũng là ý kiến chung của mọi phe nhóm, do đó họ mới đặt cánh Corleone dưới liên minh Barzini-Tattaglia nhiều. Theo họ nhận định thì Michael không bén gót Sonny về nghề nghiệp. Nó có thể khôn ngoan, sáng suốt hơn thằng anh... nhưng đâu đã được một phần của bố? Nghĩa là Michael bất quá chỉ là một thủ lãnh tầm thường, chẳng có gì để buộc đối phương phải ngán!
Đồng ý là vụ cầu hoà củaÔng Trùm Corleone hồi đó được mọi phe nhóm hoan nghênh như một quyết định sáng suốt, cao cả. Nhưng trên thực tế có thằng con bị thảm sát như vậy mà không nghĩ đến việc trả thù thì còn gì mất mặt hơn? Như vậy đâu phải vì nghĩa khí mà hoà, chẳng qua chỉ vì yếu thế. Đó là một sự kiện rành rành!
Tất nhiên những kẻ có mặt trong buổi họp đêm hôm ấy đều không lạ gì những diễn biến nói trên. Có người còn tin thực là khác.
Như Carlo Rizzi chẳng hạn. Nó có cảm tình với Michael thật nhưng không hề sợ nó như hồi nào vẫn nơm nớp ngán Sonny. Theo ý Clemenza thì Michael cũng là thằng gan dạ, dám làm lắm bằng không nó đã chẳng một mình quất ngon lành 2 mạng thứ dữ. Nhưng để làm mộtÔng Trùm thì bấy nhiêu đó vẫn còn chưa đủ. Còn yếu rõ! Ước mơi lớn nhất đời của Clemenza là một ngày nào đó được cố nhân Vito Corleone cho phép tách rời ra lập riêng một cánh. Lực lượng lão đã có đủ nhưng chỉ vì tình cảm gắn bó bao nhiêu năm vớiÔng Trùm và cũng vì kính nể vị thủ lãnh cừ khôi mà lão không muốn cưỡng lời. Chỉ trừ tình hình suy sụp đến vô phương cứu gỡ thì lúc ấy hãy hay.
Người coi trọng Michael hơn cả làcaporegime Tessio. Lão dường như đã đánh hơi ra khía cạnh chìm của thằng này. Bề ngoài nó chẳng có gì trong khi lực lượng thật của nó núp kín đáo, chẳng cho ai thấy được, đoán được mảy may. Nó đúng là hiện thân toàn vẹn của chủ trương “ruột” của Bố-Già: “Địch thủ cứ tưởng nó bết, bết nữa trong khi bạn bè không thể ngờ nó bảnh đến thế!”
Dĩ nhiên Michael là người như thế nào thìÔng Trùm và Tom Hagen chẳng lạ. Nếu không tuyệt đối tin tưởng ở khả năng, tài nghệ chỉ huy của Michael thì sức mấy ổng về hưu, khoán trắng cho nó cả một gánh nặng là lấy lại phong độ cho cả gia đình? Căn cứ ở tài nghệ của Michael hiện giờ thìconsigliori Tom Hagen không những tin tưởng hết mình mà còn phục nó sát đất. Hai năm trời sát cánh, tận tình chỉ vẽ cho nó mọi thủ đoạn, mánh lới nghề nghiệp, sự rành rẽ của trò Michael đã thực sự làm ông thầy Hagen choáng người. Đúng là con nhà tông có khác!
Điều làm hai lãocaporegime bực Michael nhất là băng Sonny phải giải tán đã đành, hai băng ruột của họ cũng bị nó cho lệnh cúp bớt đàn em. Cả một lực lượng hùng hậu ngày nào giờ chỉ còn lại có hai băng đánh đấm, lại bớt người đi? Vậy là tự sát còn gì? Liên minh Barzini-Tattaglia hùng hổ là vậy mà lúc nào cũng sẵn sàng nhào vô tranh ăn nữa! Cả hai lão cũng mongÔng Trùm tối nay cho lệnh điều chỉnh gấp lại chỗ yếu vô cùng tai hại đó.
Khởi sự họp là Michael báo cáo ngay về kết quả chuyến đi Las Vegas và sự từ chối quyết liệt của Moe Greene. Nhưng nó cho biết tiếp ngay:
- Sẽ có một đề nghị mà chắc chắn đương sự khó lòng từ chối. Vì gia đình Corleone phải xuống làm ăn dưới đó thì thế nào cũng phải có giải pháp đích đáng. Sẽ khởi sự bằng 4 cái lữ quán có sòng bạc... nhưng không phải có thể làm ngay bây giờ mà phải cần một thời gian. Riêng với 2 ôngcaporegime tôi chỉ xin một điều: trong vòng một năm tới, xin sát cánh cùng tôi, làm tận tình, không thắc mắc, đừng hỏi tại sao. Chỉ cần đúng một năm thôi, sau đó hai ông toàn quyền tách ra làm ăn riêng, lập cánh riêng. Khỏi nói là làm ăn riêng nhưng mình vẫn là bồ bịch, tôi không hề có ý nghĩ gì khác, không trách oán gì hết. Nhưng cho tới lúc đó, tôi yêu cầu hai ông theo đúng chỉ thị của tôi, nhắm mắt mà thi hành. Sẽ có nhiều vụ thương thuyết để giải quyết bằng được tất cả những vấn đề mà hai ông cho là không sao giải quyết nổi. Chỉ xin kiên nhẫn một chút.
Tessio đặt vấn đề trước:
- Nếu Moe Greene muốn nói chuyện thẳng với ông già... sao không để nó nói thử coi? Biết đâu chừng nghe ổng nói nó chẳng chịu. Xưa nay ông già mi vẫn có biệt tài thuyết phục người nghe mà?
Vấn đề này Michael không phải giải thích vìÔng Trùm đã cho biết ngay:
- Tôi về hưu. Can thiệp vô là làm nhẹ thể Michael. Vả lại thằng đó cũng chẳng phải là người đáng để tôi phải nói, đúng vậy.
Tessio nín khe. Lão sực nhớ lại những chuyện tụi nó kể lại, đại để có lần thằng Moe Greene đã dám đập thằng Fred trước công chúng. Vậy là đập vào mặt cả nhà Corleone thì làm sao còn có vấn đề “nói chuyện thẳng” vớiÔng Trùm! Sợ thằng Moe Greene còn khó sống ấy chớ? Tội gì xía vô chuyện lộn xộn này... khi lão dư biết rằng Moe Greene là kẻ gia đình Corleonekhông muốn thuyết phục nữa? Tốt hơn là ngồi nghe. Tự nhiên Carlo Rizzi nêu thắc mắc:
- Vậy là gia đình Corleone sẽ tốp hết mọi hoạt động ở Nữu-Ước cùng một lúc?
- Đúng thế. Mình sẽ thanh toán cơ sở nhập cảnh dầu ăn trước. Những mối làm ăn còn lại – nếu có thể được – sẽ chuyển bằng hết cho Tessio, Clemenza. Chú đừng thắc mắc, e ngại gì về công việc của chú. Chú là người dưới Nevada, là dân địa phương, dĩ nhiên chú thông hiểu hết tình hình, do đó lúc dọn xuống Las Vegas tôi hy vọng chú sẽ là cánh tay mặt trợ giúp tôi trong mọi công việc.
Còn gì khoan khoái cho Carlo Rizzi bằng một lời hứa hẹn quý giá của ông anh Michael. Nó sung sướng ngồi ngả bật ra ghế, mặt mày đỏ ửng lên. Phải có vậy chớ? Nó phải được trao công việc như vậy mới xứng đáng. Thời cơ của nó đã tới, nó sẽ có quyền hành thực sự. Lúc bấy giờ Michael tiếp tục giải thích:
- Có vấn đề này nữa. Tom Hagen không làconsigliori của nhà này nữa. Hắn là cố vấn pháp lý của tôi và hai tháng nữa sẽ đưa cả gia đình xuống Las Vegas. Hắn sẽ chỉ làm công việc của một luật sư thuần tuý. Từ giờ phút này trở đi hắn sẽ không làm một công việc gì hết, không ai tiếp xúc, bàn bạc gì với Tom Hagen, ngoài cương vị nghề nghiệp của hắn là một luật sư riêng của tôi, có thế thôi. Tôi chỉ muốn Tom giúp đỡ tôi trên cương vị và trong giới hạn đó. Vả lại nếu cần phải có một cố vấn để giúp ý kiến thì còn một ông cố vấn nào hay cho bằng ông già tôi, phải không?
Nghe Michael cà-rỡn mọi người cùng cười ồ. Rõ ràng chỉ là một câu khôi hài nhưng không ai không hiểu là từ nay Tom Hagen không còn một chút quyền thế nào trong gia đình này. Không ai bảo ai, tất cả cùng đưa mắt nhìn Hagen nhưng rõ ràng mặt nó vẫn tỉnh bơ, tuyệt nhiên không xúc động.
Clemenza cất tiếng ồ ề hỏi cho rõ:
- Như mi nói thì đúng một năm sau, cáccaporegime sẽ có toàn quyền hành động?
- Dạ, đúng thế! Có thể không tới một năm cũng nên. Dĩ nhiên nếu muốn thì cáccaporegime vẫn có quyền ở lại với gia đình Corleone chớ? Nhưng lúc bấy giờ gia đình này sẽ chuyển hết lực lượng xuống Las Vegas, tốt hơn là mấy ông nên có sẵn lực lượng riêng, tổ chức riêng.
- Như vậy thì phải tăng cường thêm ít thằng cho tụi tao chớ? Bọn đàn em Barzini hồi này lấn đất tao lu bù. Có lẽ đã đến lúc phải cho chúng một bài học lễ phép...
Michael lắc đầu, cúp ngang lão Tessio:
- Không được. Không ích lợi gì hết. Xin chú cứ lặng yên giữ thế thủ cho! Mình sẽ có cách giải quyết êm đẹp tất cả những vụ rắc rối đó trước khi xuống Las Vegas.
Lập trường cứng rắn của Michael chưa đủ thuyết phục Tessio. Lão không hài lòng chút nào nên không ngần ngại ngỏ lời thẳng vớiÔng Trùm. Biết đâu chừng ổng có giải pháp khác?
- Tôi có điều này xin Ông Trùm thứ lỗi, nhân danh tình bạn mấy chục năm nay. Theo ý tôi, thì vụ di chuyển xuống Nevada như ông và Michael dự tính... là cả một lỗi lầm trọng đại. Xuống đất mới lập nghiệp mà không có thế mạnh yểm trợ thì làm ăn sao nổi? Muốn làm ăn vững phải có hậu thuẫn, hai thứ đó phải đi song song một lượt... Một khi gia đình Corleone rút xuống dưới đó thì Clemenza và tôi ở trên này sống sao nổi với bọn Barzini – Tattaglia hợp nhất? Không chơi lại được thì sớm muộn cũng bị tụi nó nuốt sống. Mà thằng Barzini thì tôi không thể đi với nó được. Tôi cho rằng gia đình Corleone nếu có rút cũng phải rút với thế mạnh, không thể rút một cách yếu xìu! Mình phải có người thêm để sẵn sàng đánh đấm, ít nhất cũng phải chiếm lại ngay vùng đảo Staten cái đã...
Ông Trùmlắc đầu, nhắc nhở Tessio:
- Ô hay, bạn quên là tôi đã chính thức cầu hoà, long trọng tuyên bố đình chiến? Làm ngược lại đâu được!
- Nhưng từ hồi đó cánh Barzini có chịu đình đâu? Ai không thấy tụi nó khiêu khích mình hoài? Vả lại giờ đây người điều khiển mọi việc nhà này là Michael. Có gì cấm nó hành động, nếu nó muốn? Michael có cam kết gì đâu?
Michael lên tiếng ngay, lên tiếng một cách dõng dạc với ngôn ngữ của một cấp chỉ huy:
- Những nghi ngại, thắc mắc của chú chắc chắn sẽ được giải đáp thoả đáng. Hiện đang có những cuộc dàn xếp để kết thúc mọi chuyện. Đó là một sự thực. Nếu chú chưa tin lời tôi, xin hỏi thẳngÔng Trùm.
Tessio là người khôn ngoan, tế nhị. Lão biết nói vậy đã là quá rồi. Hỏi thẳngÔng-Trùm sao được, nếu không muốn gây hấn với Michael? Lão tính lối thoát khôn khéo bằng cách nhún vai: “Những lời tao vừa nói là nhân danh quyền lợi chung của gia đình này. Riêng phần tao, tao đủ sức lo liệu lấy!”
Michael nhìn lão tươi cười nói:
- Chú Tessio, tôi luôn luôn trọn tin nơi chú. Không bao giờ nghi ngờ, thắc mắc. Vậy xin chú cứ tin ở tôi. Trong việc làm ăn, tôi tự biết không thể tính toán bằng chú và chú Clemenza được. Nhưng còn ông già tôi một bên mà? Tôi tin không đến nỗi nào đâu, mọi sự sẽ suông sẻ như chúng ta dự liệu...
Buổi họp chấm dứt ở đây. Vấn đề quan trọng nhất là gia đình Corleone chấp nhận cho haicaporegime rút ra lập cánh riêng, làm ăn riêng. Điều đó có nghĩa Tessio có quyền nắm trọng các sòng bài và khu bến tàu Brooklyn và phần Clemenza là các sòng Manhattan và một số cơ sở làm ăn nơi các trường đua bên Long Island.
Tuy nhiên 2 ôngcaporegime ra về vẫn không hài lòng lắm, vẫn còn e ngại phần nào. Carlo Rizzi ráng ở nán lại một lát xem có được giao phó một cái gì quan trọng như ông anh Michael vừa hứa hẹn hay không. Thấy không ai đả động đến, nó tinh ý rút lui ngay. Đích thân thằng Albert Neri đưa Carlo ra khỏi nhà ông bà già vợ. Nó để ý thấy thằng cận vệ còn đứng bực cửa ngó theo cho đến lúc nó băng ngang sân cư xá mới thôi.
Trong văn phòng chỉ còn lại 3 người, cả 3 cùng có cảm giác thư thái của những người từng chung sống lâu năm dưới một mái nhà, đã đủ thân thiết để gọi là “người nhà.” Tự tay Michael rót cho ông già một lyanisette và Hagen một lyScotch. Dù ít khi uống rượu mạnh, tối nay nó cũng phải làm một ly. Không chần chờ, Hagen hỏi ngay:
- Tại sao mày lại đẩy tao de kỳ cục vậy?
Michael coi bộ ngạc nhiên:
- Ủa, anh là cố vấn pháp lý, nhân vật số 1 của gia đình này dưới Las Vegas mà? Chúng ta quyết định ra làm ăn công khi thì phải có anh sắp đặt cơ sở pháp lý chớ? Còn chức vụ nào quan trọng hơn nào?
Hagen mỉm cười nhưng vẻ buồn buồn của hắn không dấu được:
- Tao không nói cái vụ Las Vegas đó. Vụ thằng Rocco Lampone được mày bí mật uỷ thác lập một băng đặc biệt mà không cho tao hay kìa. Vụ mày tiếp xúc thẳng với Albert Neri, không qua tao mà cũng không quacaporegime nào kìa! Không lẽ mày không biết Rocco đang lo tổ chức một băng mật?
- Ủa, sao anh biết vụ Lampone lập băng?
- Yên chí đi! Khỏi sợ đổ bể vì chẳng ai biết, ngoài tao. Vì còn ở chức vụ của mộtconsigliori dĩ nhiên tao phải biết. Mày cho Lampone mối làm ăn riêng, mày để nó tự do tuyển mộ một số tay chân thân tín. Thằng nào nó mướn hồ sơ chẳng phải qua tay tao? Để ý một chút là phải biết liền. Có những thằng rất ngon, lãnh lương rất hách mà chỉ để làm những công việc vớ vẩn tầm thường. Nhưng mày chọn Lampone là đúng người rồi. Nó làm ăn rất kỹ, rất kín...
- Nếu “rất kín” thì anh đã chẳng đoán ra! Mà chẳng phải tôi chọn. Ông già biểu đó.
- OK... Nhưng tại sao mày lại gạt tao ra ngoài?
Michael nhìn thẳng, nhìn ngay mặt Hagen và cho hắn biết sự thực, dù sự thực phũ phàng:
- Tom, anh không phảiconsigliori thời chiến. Công việc chúng ta đang tiến hành có thể đem lại nhiều chuyện dữ, có thể bắt buộc phải nổ súng. Tôi không muốn anh kẹt bậy vô, có vậy thôi.
Hagen đỏ bừng mặt. Phải chiBố-Già đánh giá nó như vậy cũng được đi. Thằng nhóc con Michael là cái thá gì mà có quyền hạ nó như vậy kìa? Biết sao hơn Tom đành gật đầu:
- Vậy cũng được. Nhưng tao cần nhắc lại nhận định của Tessio: mày tính sai nước cờ rồi. Mày rút lui trong thế yếu là chết chắc với tụi nó. Ai chớ thằng Barzini nó sẽ xông lại thịt mày cái một và lúc nó xâu xé thì ở đấy mà trông mong các cánh khác chạy tới cứu!
Rút cục đích thânÔng-Trùm phải lên tiếng:
- Tom, đâu phải thằng Michael sắp đặt vụ này mình nó? Có cả tao nữa. Nhưng có những vụ bắt buộc phải làm mà tao thì nhất định không thể đứng ra lãnh trách nhiệm. Nên phải để Michael làm.
Con ruột tao, thằng Santino không đủ tư cách làm trùm nhưng mi, tao có bao giờ nghĩ mi là một thằngconsigliori tồi đâu? Nó tốt bụng, can trường nhưng không thể thay tao điều khiển công việc nhà được. Còn thằng Fred ai dám ngờ nó chỉ là một thằng hèn, tối ngày chạy theo đàn bà? Vậy mi đừng có mặc cảm. Thằng Michael tao tin nó làm được cũng như tao tin mi vậy. Mi hãy nghĩ rằng vì một lý do nào đó mi không thể dính dấp vô mấy chuyện sắp xảy ra là đủ. Vả lại nếu không tin mi tao đã chẳng nói trước với thằng Michael là thế nào mi cũng phát giác ra vụ Rocco Lampone!
- Đúng... Tôi không ngờ anh biết đấy!
- Thiếu gì việc tao có thể giúp mày được, Michael?
- Không được. Anh phải de.
Michael kèm theo một cú lắc đầu thật cả quyết trong lúc Hagen ngao ngán cạn nốt ly rượu. Nó đứng dậy ra về nhưng phải trách thằng Michael một phát:
- Michael... mày kể ra tài nghệ cũng xấp xỉ ông già đó. Nhưng còn một điều mày còn phải học chán.
- Điều gì?
- Đó là cách từ chối... mày còn phải học cách lắc đầu!
- Đúng. Tôi sẽ nhớ.
Đưa chân Hagen ra khỏi phòng. Michael quay sang vừa cười vừa hỏi bố:
- Đó, bố dạy con nhiều thứ mà còn thiếu đấy nghe! Mình muốn từ chối thì phải từ chối cách nào cho thiên hạ khỏi mất lòng?
Ông-Trùmthong thả đứng dậy ra ngồi sau buya-rô:
- Đối với người thân yêu, không thể mỗi cái mỗi lắc đầu được. Cùng lắm mới phải từ chối. Đó là một bí quyết. Phải làm sao cho cái lắc đầu của mình trông như gật vậy. Mà tốt nhất là làm sao cho người ta khỏi bắt mình phải lắc đầu... Nhưng bố nói vậy thôi. Bố cổ hủ rồi, mày thuộc thế hệ mới, mày đừng nghe lời bố. Rồi đây mày còn phải đối phó nhiều chuyện.
- Đúng thế. Nhưng bố đồng ý con để Tom ra ngoài là đúng chớ? 
- Phải vậy. Nó không thể dây dưa tới những vụ này!
- Con thấy cũng cần phải nói để bố rõ là con dự định làm cú này chẳng phải chỉ để báo thù cho Apollonia và Sonny mà thôi. Với những thằng như Barzini cần phải làm vậy. Tessio và Tom nói đúng.
Ông-Trùmthong thả gật đầu:
- Nếu cần phải trả thù thì càng để lâu càng tốt, cần phải có thời gian. Bố đâu muốn cầu hoà với chúng... nhưng nếu không làm vậy mày làm sao sống sót mà về nhà được? Bố lấy làm lạ không hiểu sao bọn Barzini còn toan lấy mạng mày vào giờ chót? Có thể tại nó đã ra lệnh từ trước, không gỡ lại được. Mà mày có chắc tụi nó không nhằm Tommasino không?
- Cái đó chắc quá rồi! Tụi nó làm như đeo đuổiÔng-Trùm Tommasino thật tình, bố có ở đấy cũng không thể ngờ. Mọi sự tiến hành đúng răng rắc, chỉ trừ phút chót người chết không phải là con! Rõ ràng mắt con thấy thằng khốn Fabrizzio tất tả đi ra mà? Vả lại từ ngày về con cũng cho điều tra kỹ rồi.
- Mày có tìm ra tông tích nó không?
- Phải ra chứ bố? Con kiếm ra thằng Fabrizzio từ một năm nay rồi! Nó bây giờ là chủ một quán cà-phê, bánh chiên ở tuốt Buffalo. Số thông hành giả, đổi tên đổi hình tích... không dễ gì kiếm ra.
- Vậy thì mày còn đợi gì mà không bắt tay vô việc?
Đến lượt Michael trả lời chậm chạp, sau khi đã ngẫm nghĩ chán:
- Con có ý đợi nhà con sanh xong cháu thứ hai đã... để đề phòng lỡ có chuyện gì... Con cũng muốn để Tom Hagen xuống ở hẳn dưới Las Vegas, không có lý do dây dưa tới vụ này. Nghĩa là phải một năm nữa.
- Nhưng mày đã sửa soạn xong... đâu ra đấy rồi?
Michael để ý thấyBố-Già hỏi nó mà mắt ngó ra chỗ khác. Nó bèn ôn tồn xác nhận:
- Con đã dự tính xong. Bố đứng ngoài hẳn, bố không có trách nhiệm gì về vụ này. Con nhận lãnh hết. Mà con cũng không muốn bố có ý kiến gì hết. Mọi sự cứ để con lo, bằng không thì bố làm lấy, con đứng hẳn ra ngoài. Chắc bố hiểu...
- Bố hiểu chớ? Nếu không hiểu... bố đâu đã về hưu, để mày gánh trách nhiệm một mình? Thực ra đời bố làm như vậy là nhiều rồi, nghỉ ngơi là phải. Bố hết ham. Vả lại, có những việc lắt léo mà bảnh đến đâu cũng không thể làm. Thôi được, mày cứ thế mà tiến hành.
Ít lâu sau đó Kay sanh đứa con thứ hai, lại con trai nữa. Nàng sanh thật dễ dàng, dễ như gà vậy và cả gia đình nhà chồng đón mừng như bà hoàng. Cô em chồng mừng cháu bằng một tấm nệm khổng lồ bằng lụa dệt tay nhập cảng từ Ý qua. Dĩ nhiên phải là thứ đắt tiền lắm, quý lắm. Connie khoe ầm lên: “Chị biết không, em chạy đi kiếm khắp Nữu-Ước chẳng có cái nào ưng ý cả. Vậy mà Carlo mầy mò thế nào lại mua được mới lạ chớ?” Nghe Connie lập đi lập lại “thành tích” của chồng Kay chỉ cười. Nàng làm gì chẳng biết nó muốn vụ này lọt đến tai Michael? Vì thế nào nàng chẳng đem việc này kể lại với chồng... Kay càng ngày càng chánh gốc đàn bà Sicily mà?
 Cũng ít lâu sau nghệ sĩ Nino Valenti từ trần vì một cơn xuất huyết não. Mấy tờ lá cải Nữu-Ước đăng tin buồn ngay trên trang nhất. Mới mấy tuần trước cuốn phim Nino đóng vai chánh vừa ra lò, khán giả hâm mộ quá xá nghiễm nhiên Nino Valenti vọt lên hàng ngũ đại minh tinh. Báo nào cũng đăng tin Johnny Fontane tuyên bố đích thân lo liệu tang lễ Nino Valenti, cử hành trong vòng thân mật, chỉ bà con bạn bè thân thích được mời tham dự. Có tờ còn đăng trọn bài phỏng vấn, đại để Johnny Fontane tự nhận chính mình đã gây ra cái chết cho thằng bạn thân yêu, đáng lẽ nó phải bắt buộc Nino Valenti chạy chữa thật chu đáo chớ không thể để nó chán đời tự tìm đến cái chết đau thương như vậy. Nhưng dù sao người đọc cũng cảm thấy sự bất lực của Johnny Fontane: tạo tên tuổi vĩ đại cho thằng anh em bạn nghèo thì được và nó đã làm tận tình chớ sức mấy cướp được nó khỏi tay Tử-thần?
Tang lễ Nino Valenti cử hành ở California nên gia đình Corleone không ai dự được, trừ Fred. Em Lucy Mancini và bác-sĩ Jules Segal dĩ nhiên phải có mặt. ChínhÔng-Trùm Corleone cũng định từ Nữu-Ước bay sang Los Angeles đưa tiễn thằng con đỡ đầu nhưng phút chót không thể đi được vì một cơn đau tim phải nằm liệt giường cả tháng sau. Đại diện chính thức của gia đình Corleone là Albert Neri mang theo một vòng hoa khổng lồ.
Hai ngày sau đám tang Nino Valenti, đến lượt đàn anh Moe Greene đi về lòng đất. Đang hú hý với một em nhân tình đào hát trong nhà em ỏ Hollywood thì Moe bị một thằng lạ mặt nhào vô bắn chết tươi! Về phần Albert Neri thì cả tháng sau mới thấy mặt ở Nữu-Ước, người ngợm phơi gió biển Trung Mỹ đen chùi chũi. Lúc nó trình diện, Michael Corleone cũng chỉ mỉm cười, nói vài câu khen ngợi qua loa. Nhưng Albert Neri lấy làm cảm động: ông chủ vừa cấp cho một mối làm ăn thêm, một trạm bao đề bao xổ số thật màu mỡ ở khu phía đông Nữu-Ước. Có làm có hưởng, làm ngon làm thì hưởng đích đáng. Bấy nhiêu đó là Albert Neri chịu quá rồi. Ít ra làm với gia đình Corleone nó cũng được thưởng công đích đáng và đời nó chẳng mong muốn gì hơn.