RẠP CAO ĐỒNG HƯNG TOẠ LẠC TRÊN một con đường nhỏ. Đó là một rạp hát bình dân,nằm lọt thỏm giữa các hàng cà phê, các xe bánh bao, hủ tiếu chen chúc chung quanh. Khán giả của rạp Cao Đồng Hưng là khán giả cải lương. Dù vậy, các đoàn cải lương nổi tiếng thường thích diễn ở các rạp bề thế có đông chỗ ngồi như Thủ Đô, Hưng Đạo hơn là về đây. Ngay trong thời kỳ hoàng kim của cải lương, rạp này cũng chỉ là nơi tụ hội của các gánh cải lương tỉnh lẽ, do tiền thuê rạp phù hợp với túi tiền khiêm tốn của các gánh hát quanh năm lưu diễn này. Xưa nay, các đoàn kịch nói không bao giờ dám ghé Cao Đồng Hưng. Vì khán gải Cao Đồng Hưng không khoái kịch. Kịch về đây là chết. Kịch chỉ sống được ở sân khấu 5B, sân khấu IDECAF, Nhà hát Thành phố hay Nhà hát Hoà Bình. Tóm lại, theo sự hình thành của thói quen và sự bố trí dân cư, tự nhiên mà có sự phân ranh: kịch có nơi của kịch, cải lương có chỗ của cải lương, y như người ta vẫn hay nói “rừng nào cọp nấy” vậy. Thế nhưng, hôm nay con cọp kịch nói đã lạc rừng. Kịch Vàm Cỏ liều mình thuê rạp Cao Đồng Hưng để diễn kịch là điều chưa từng có. Là điều mà trong lịch sử biễu diễn của thành phố, các đoàn kịch lừng lẫy như Kịch nói Hà Nội, Kịch nói Cửu Long Giang, Kịch Sài Gòn, Kịch Bông Hồng, Kịch Kim Cương chưa bao giờ dám thử qua. Cọp lạc rừng. Nên cọp lẽ loi. Nên cọp không có ai cổ vũ, hò hét trợ oai. Quý ròm và nhỏ Diệp không phải xếp hàng đợi đến lượt mình vô rạp. Từ chỗ soát vé đến bức rèm cửa, hai anh em đi thẳng một lèo. Nhưng vừa qua khỏi cửa, Quý ròm và nhỏ Diệp phải đứng yên một lúc mới làm quen được với ánh sáng mờ ảo hắt từ chiếc bục bên dưới lên bức màn sân khấu vẫn còn buông kín mít. Ngay lúc đó, một luồng sáng từ xa đi lại. Người dẫn chỗ vung vẫy cây đèn pin trước mặt Quý ròm: - Vé đâu cháu? Nhỏ Diệp móc túi, chìa cặp vé ra. Ánh đèn chiếu vào hai tấm vé. Rồi một giọng nói ngạc nhiên cất lên: - À, ghế 5A, 7A! Khách danh dự đây! Người dẫn chỗ quay mình: - Các cháu đi theo chú! Số ghế 5A, 7A là hai chỗ ngồi ở hàng trên cùng. Đó là hàng ghế các đoàn kịch thường dành cho các quan chức ở Sở văn hoá thông tin, ở Phòng sân khấu, Phòng tổ chức biễu diễn và Hỗi sân khấu sở tại. Quý ròm và nhỏ Diệp dĩ nhiên không biết mình được liệt vào hàng thượng khách. Vừa ngồi vào chỗ, nhỏ Diệp đã ngọ nguậy đầu, quan sát chung quanh: - Rạp vắng quá hở anh? - Tao đã nói rồi mà lại! – Quý ròm được dịp làu bàu - Kịch tỉnh lẽ, ai mà xem! Nhỏ Diệp liếc phải liếc trái: - Ghế hàng đầu cũng chẳng có ai. Lần này, Quý ròm đáp lời nhỏ em bằng một cái nhún vai. - Đoàn kịch Vàm Cỏ hân hạnh đón chào bà con cô bác… Tiếng người xướng ngôn viên đột ngột cất lên từ sau bức màn nhưng khiến Quý ròm và nhỏ Diệp ngưn cựa quậy. Cả hai tò mò dán mắt lên bức màn. - Đoàn kịch chúng tôi sẽ phục vụ trong hai đêm 14 và 15 với vở diễn duy nhất Chiếc lá cuối cùng, rất mong được bà con cô bác ủng hộ. Ngưng một chút, người giới thiệu chương trình nói tiếp: - Bây giờ mời bà con cô bác chuẩn bị, vở diễn sắp bắt đầu… Người giới thiệu chương trình vừa nói xong, đèn trong rạp phụt tắt. Những tiếng trò chuyện rì rầm của số khán giả ít ỏi trong rạp cũng lập tức tắt theo. Bấy giờ, nổi lên bên tai mọi người là một điệu nhạc du dương, dìu dặt và trên sân khấu chậm rãi cháy lên một thứ ánh sáng màu xanh mờ mờ, cho thấy rõ bức màn nhung đang từ từ kéo sang hai bên. Quý ròm bất giác cảm thấy nhưng ngừng thở. Nó cắn chặt môi để đè nén một cảm xúc lạ lùng bất chợt ùa vào lòng nó. Quý ròm chưa bao giờ xem kịch tại rạp, chỉ thỉnh thoảng ghé mắt vào kịch truyền hình, xem dăm ba đoạn, nghe dăm ba câu rồi lạnh nhạt quay đi. Hôm nay, lần đầu tiên nó đến rạp. Và ngay ở phút đầu mở màng, nghĩa là ngay khi chưa thấy một diễn viên, chưa nghe một câu thoại nào, nó đã ngỡ ngàng khám phá ra bầu không khí huyền ảo đặc biệt của sân khấu. Những tiếng động, những âm thanh, sắc màu chung quanh từng phút từng phút kích thích mạnh các giác quan của nó khiến nó vừa háo hức lại vừa hồi hộp. Ở bên cạnh, nhỏ Diệp cũng nghệt mặt nhướn cổ nhìn lên sân khấu. Cũng háo hức và hồi hộp như anh mình. Trong ánh sáng xanh mờ, dần hiện ra hai bóng người. Rồi ánh đèn sáng dần lên. Khác giả lúc này đã có thể trông thấy rõ đó là hai cô gái. Một cô nửa nằm nửa ngồi trên chiếc giường sắt kê đối diện cửa sổ, dáng vẽ mệt mỏi. Cô thứ hai ngồi đằng bàn, trước một cái giá vẽ, cọ một tay và bảng màu một tay. Cũng lúc đó, từ hậu trường vang lên giọng người xướng nôn viên khi nãy: - Vỡ Chiếc lá cuối cùng do Hùng Trương chuyển thể từ truyện ngắn của O’Henry. Tiếp theo là một giọng nữ trong trẻo giới thiệu bảng phân vai: - Các diễn viên: Văn Vui trong vai họa sĩ Be-man, Thu Hà trong vai hoạ sĩ Xiu, Hồng Hạnh trong vai họa sĩ Giôn-xy, Hồng Minh trong vai người bác sĩ. Tiếng giới thiệu vừa dứt, các nhân vật trên sân khấu lập tức cử động. - Né, Giôn-xy! – Xiu giơ cánh tay cầm cọ lên, khẽ đưa qua đưa lại – Em nhìn tay áo của chị nè. Đẹp không? Mốt mới nhất dó. Giôn-xy vẫn giữ nguyên tư thế cũ. Cô không nhúc nhích, thậm chí cũng không liếc mắt về phía bạn. Xiu tặc lưỡi. Cô nhìn quanh. Và mắt cô sáng lên khi dừng lại ở bức tranh đang vẽ dang dở của mình. Xiu đứng lên, quay giá về phía Giôn-xy: - Giôn-xy nè. Em nhìn xem chị vẽ chiếc quần cỡi ngựa của tay chăn bò Ai-đa-hô này có đúng không? Giôn-xy làm như không nghe thấy. Cô vẫn bất động. Xiu không nản, lại nói: - Cả chiếc kính một mắt này nữa! Chị có cảm giác vẽ chưa chính xác lắm. Từng chút một, Quý ròm bị cuốn hút vào các diễn viên tiến trên sân khấu. Có lúc, nó ý thức rõ rệt nó là một khán giả, nó đang ngồi xem người ta diễn kịch. Nó ý thức những gì đang diễn ra trước mắt nó hoàn toàn là giả: Cô Xiu không phải là cô Xiu là mà diễn viên Thu Hà, cũng như thế cô Giôn-xy không phải là cô Giôn-xy mà chính là diễn viên Hồng Hạnh. Nhưng lại có lúc nó quên khuấy mất điều đó. Nó quên rằng nó là một khán giả đang ngóc cổ nhìn lên sân diễn. Nó có cảm giác đang nó đang tham dự vào những gì đang diễn ra. Và vở kịch không còn lạ vở kịch. Đó là cuộc đời thực. Cho nên, có lúc nó quên cô Thu Hà và cô Hồng Hạnh là hai diễn viên của đoàn kịch Vàm Cỏ. Nó tin cô Xiu là cô Xiu, cô Giôn-xy là cô Giôn-xy và số phận của học khiến nó thấp thỏm thoe dõi với một sự nghẹn thắt lạ lùng. Truyện ngắn Chiết lá cuối cùng của nhà văn Mỹ O’Henry chẳng xa lạ gì với Quý ròm. Nó đã được học truyện này trong chương trình môn văn năm ngoái. Và nó còn nhớ như in. Giôn xuy và Xiu là hai nữ hoạ sĩ trẻ và nghèo. Họ thuê chung một tầng thượng của một ngôi nhà gạch thấp tè ở khu Gri-niz nằm về phía Tây công viên Oa-sinh-tơn. Rồi một ngày tháng mười một, Giôn-xy mặc chứng viêm phổi. Cô nằm liệt giường, bi quan, chán nản, tin rằng mình không qua khỏi nên suốt ngày chỉ nằm chờ thần chết rước đi. Xiu rời bàn, bước lại ngồi xuống mép giường và dịu dàng vuốt tóc cô bạn gái: - Em phải tự tin lên chứ, Giôn-xy! - Em không thể! – Giôn-xy thì thào, khi nói khuôn mặt cô trông rất đỗi vô hồn – Em đã nhìn thấy em… Xiu ngạc nhiên: - Em nhìn thấy em? Ở đâu? - Ở trong đoàn người mắc chứng viêm phổi đang sắp hàng trước tiệm bán quan tài… Giọng Giôn-xy chợt cất cao: - Rồi sẽ đến lượt em. Một ngày không xa nữa sẽ đến lượt em! Nhỏ Diệp bất giác thò tay nắm chặt tay anh, run run: - Rồi cô ấy có chết không hở anh? - Không! Cô Giôn-xy sẽ không chết đâu! Quý ròm trấn an em. Nó biết nhỏ Diệp chưa đọc qua truyện này. Năm nay em nó mới học lớp sáu. Nghe anh nói vậy, nhỏ Diệp thở phào, tươi tỉnh: - Vậy mà em cứ thấy lo lo. Rồi nó chợt nghi ngờ: - Anh nói thật không đấy? - Thật chứ. - Anh đã xem qua vở kịch này rồi à? - Chưa. Nhưng truyện Chiếc lá cuối cùng thì anh đã được học năm lớp tám. Đến lúc này, nhỏ Diệp mới chịu tin. Nó buông tay anh nó, quay đầu nhìn lên sàn diễn. Lúc này, sân khấu đã chuyển cảnh. Một bức màn lửng buông xuống che khuất Giôn-xy lẫn chiếc giường. Chỉ còn lại cô Xiu dưới ánh đèn màu. Và thêm một vị bác sĩ vừa bước ra. - Thế nào hở bác sĩ? - Giọng cô Xiu lo lắng - Liệu bạn tôi có qua khỏi không? Quý ròm nhớ rõ đoạn này. Vị bác sĩ chắc chắn sẽ nói: - Bệnh tình của cô ấy có thể nói là mười phần chỉ còn hy vọng được một thôi! – Ông vừa nói vừa vẩy cái cặp sốt cho thủy ngân hạ xuống – Và muốn có được một phần đó thì cô ấy phải có ý muốn sống kia. Cái cung cách con người ta cứ sắp hàng đứng sẵn bên phía anh chủ thầu đám ma làm cho mọi thứ thuốc men đều trở thành vô dụng. Cô bạn nhỏ nhắn của chị yên trí là mình không thể khỏi được. Cô ta có điều gì quan tâm không? Ý của vị bác sĩ quá rõ. Con người ta chỉ có thể vượt qua hiểm nghèo bằng niềm tin mạnh mẽ, lòng ham sống và cả nghị lục phi thường. Lúc đó, thuốc men sẽ thừa cơ tiếp sức. Còn khi bản năng sinh tồn đã lụi tắt, khi con người ta chỉ nghĩ đến cái chết thì mọi thần y đều bó tay. Cô Xiu cũng biết vậy. Bức màn lửng kéo lên. Cô khẽ bước đến bên giường bạn: - Giôn-xy! Giôn-xy nằm quay mặt về phía cửa sổ, tấm khăn trải giường phủ lên người, hầu như không có một gợn. Xiu tưởng bạn đang ngủ, lại tiếp tục vẽ nốt bức tranh đang dở. Đúng lúc đó, cô bỗng nghe thấy có tiếng thì thầm cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Cô vội chạy tới bên giường. Trên sân khấu, lúc này Giôn-xy không còn vẻ gì đang thiếp ngủ. Mắt cô mở to. Cô nhìn ra cửa sổ và đếm - đếm ngược: - Mười hai… Lát sau, cô lại lẩm bẩm: - Mười một… Xiu không biết bạn mình đang đếm gì ngoài cửa sổ. Cô lo lắng nhìn ra: Có gì đặc biệt ngoài đó đâu? Nhỏ Diệp cũng nhìn ra cửa sổ. Cũng phập phồng lo lắng. Và cũng thắc mắc như cô họa sĩ Xiu. Nó kéo tay Quý ròm: - Cô Giôn-xy đang đếm gì thế hở anh? - Đếm những chiếc lá. Nhỏ Diệp lại nhìn lên sân khấu, lại căng mắt, lần này cố nhìn thật kỹ. Bây giờ thì nó đã thấy bức tường của tòa nhà bên ngoài cửa sổ và mừng rỡ phát hiện trên bức tường cũ kỹ, trống trơn đó đang bò một dây trường xuân già cỗi. Một dây trường xuân già, già lắm, rễ đã mục nát và sần sùi những mấu, leo lên đến giữa bức tường gạch. Hơi thở lạnh lẽo của mùa thu đã bứt rụng hết lá của nó, chỉ còn lại bộ xương cành, gần như trơ trụi, bám vào những viên gạch vỡ nát. Tuy chưa đọc qua truyện ngắn nổi tiếng này của O’Henry nhưng cuối cùng nhỏ Diệp cũng đã nhìn thấy sợi dây leo mà truyện mô tả. Cô Xiu, ngược lại, chẳng thấy gì. Khi cô Giôn-xy đếm đến “sáu” thì cô không nhịn được nữa: - Gì thế, Giôn-xy? Cô Giôn-xy mấp máy môi, thực ra cô tự nói với mình đúng hơn là để trae lời cô Xiu: - Bây giờ chúng rụng mau hơn. Trước đây ba ngỳ còn có tới gần một trăm. Em đếm nhức cả đầu. Nhưng bây giờ thì thật là dễ. Lại một chiếc nữa. Giờ chỉ còn lại có năm thôi. Nhỏ Diệp nhìn ra cửa sổ, thấy còn đúng năm chiếc lá trên dây trường xuân thật. Khi nãy số lá rõ ràng nhiều hôn. Người ta làm thế nào để rụng đi những chiếc lá một cách khéo léo như thế nhỉ? Nó tự hỏi, đầy thán phục. Cô Xiu vẫn chưa hiểu bạn mình đan nói tới chuyện gì. Trán cô nhăn tít: - Năm gì, Giôn-xy? - Những chiếc lá. Những chiếc lá trên dây trường xuân. Khi nào chiếc lá cuối cùng rụng thì em cũng sẽ lìa đời. Cô Xiu ngước mắt nhìn ra bên ngoài. Bây giờ thì cô đã thấy những gì bạn cô thấy. Và đã hiểu những gì bạn cô nghĩ trong đầu. Cho nên cô quay vào: - Bậy nào! Những chiếc lá là những chiếc lá. Em là em. Chẳng liên quan gì với nhau! - Chị đừng an ủi em. Liên quan lắm chứ. Em biết điếu đó đã ba ngày nay rồi! – Cô Xiu nói, rồi cô yếu ớt nhấc tay lên chỉ ra cửa sổ - Kìa! Lại thêm một chiếc lá rụng nữa kìa! Như vậy là còn bốn chiếc. - Nhỏ Diệp tự nhiên nghe lành lạnh sống lưng. Mặc dù Quý ròm xác nhận với nói là rốt cuộc cô hoạ sĩ Giôn-xy vẫn sống nhăn nhưng trông cái cảnh cô thiểu não đếm từng chiếc lá rụng như đếm những giọt máu cuối cùng đang rủ nhau lần lượt lìa bỏ cơ thể cô, nó không khỏi sợ hải. Ngay cả Quý ròm cũng thế. Cách diễn xuất thần của các diễn viên khiến nó trừng trừng nhìn dây trường xuân trút lá, cảm giác như đang nhìn một con người chuẩn bị trút hơi thở cuối cùng. Ở trên kia, cô Xiu cũng khẽ rùng mình. Cô tìm cách lái câu chuyện qua đề tài khác: - Bây giờ chị đi nấu cháo cho em ăn nhé. - Em không ăn đâu. Em muốn thấy chiếc lá cuối cùng rụng trước khi trời tối. Em đợi mãi đã mệt lắm rồi. Em muốn nhìn thấy lúc em xuôi tay ra đi cùng với nó, chị Xiu à. Cô Giôn-xy vừa nói từ từ khép mắt. Cô chưa chết đâu. Vì chiếc lá cuối cùng vẫn chưa lìa cành. Cô thiếp ngủ đó thôi.