Võ Thị Hảo xuất hiện năm 1993 qua tập truyện ngắn Biển Cứu Rỗi do nhà xuất bản Hà Nội phát hành. Tác phẩm đoạn tuyệt cuộc chiến đã qua và khai chiến với hòa bình hiện tại. Mười hai truyện ngắn với bút pháp chắc nịch, những nhân vật rờn rợn, điên người, trong không khí hậu chiến của một đất nước ham sống, sợ chết, một đất nước muốn vươn lên nhưng cứ rũ ra, gục xuống, ôm bụng cười sặc sụa, cười ằng ặc trong bàn tay đùa dai của tử thần chơi trò ú tim bóp cổ. Võ thị Hảo thuộc thế hệ chối bỏ cổ tích, không tin "thần thoại chiến trường". Chị viết với niềm tin của chị về một xã hội tan chiến nhưng chưa tàn chiến. Người đọc có thể tìm thấy trong văn phong Võ Thị Hảo cái tàn nhẫn, chất huyền thoại phảng phất cơn mưa Nguyễn Huy Thiệp, bóng mây Phạm Thị Hoài. Cay độc và ẩn dụ trở thành phong trào, thành phong cách thời đại, dấu ấn của thế hệ này. Ðúng thôi. Nhưng ở Võ Thị Hảo còn có một hơi hướm khác: Khó thấy tác giả nào "cười" nhiều như thế, mô tả cái cười kỹ càng như thế. Từ nụ cười hoá đá của người đàn ông tên Tiếu: "Ðôi mắt biểu lộ một nỗi đau khổ bất thường như đã đông cứng. Còn cái miệng thì trớ trêu làm sao, luôn mỉm một nụ cười bất biến [....] Nụ cười ấy giữa khuôn mặt ấy, thật là một nghịch lý, như là đang khóc với nỗi đau xé ruột mà có kẻ tàn ác nào đó cứ nhất định cù vào nách cho ta phải cười rũ ra mới thôi" (Người Gánh Nước Thuê, trang 89). Ðến nụ cười lạnh như thép của người chinh phu không biết cười: "Người chồng cố hết sức để mỉm cười. Ðã lâu lắm rồi anh không làm cử chỉ đó nên bây giờ anh không biết bắt đầu một nụ cười như thế nào. Khó nhọc lắm, anh mới nhớ ra rằng, khi cười, người ta phải để lộ ít nhất là một hàm răng. Anh nhếch môi, để lộ hai hàm răng chắc khỏe. Nhưng anh quên rằng, khi người ta cười, chính đôi mắt cười trước, cái miệng cười sau, thậm chí chỉ cười bằng mắt cũng đủ. Mà đôi mắt muốn cười, trước hết tâm hồn phải cười đã, cho nên, cố gắng để mỉm cười, trông anh lại thêm vẻ dữ dằn đe dọa của một con sói". (Hồn Trinh Nữ, trang 35). Tội nghiệp cho anh, chiến tranh không chết, nhưng chính những năm hòa bình, phục vụ triều đình, sơn hào hải vị và thủ đoạn hãm hại nhau, đã giết anh, đã biến người thanh niên nhút nhát năm xưa thành gã đàn ông có "cái nhìn lóe thép" và cái miệng "không biết cười". Võ Thị Hảo đã đi sâu, quá sâu vào cõi cười. Cõi ấy âm u, lạnh lẽo, bất trắc, cô tịch và đáng sợ hơn cõi khóc. Biển Cứu Rỗi, truyện một người lính trở về, nhưng số phận không dành cho anh một nàng Tô thị vọng phu. Mà đợi anh, chỉ có những đứa trẻ khác bố, không cha, tàn tích của những cuộc giao hoan vội vã -trên con đường quốc lộ số một, động mạch của chiến tranh- của người vợ lạc loài, ngơ ngác, bán trôn nuôi miệng, chờ chồng. Chờ anh, còn có nụ cười hơi sữa, đổi chác của đứa con gái ruột 15 tuổi, đồng nghiệp của mẹ, gặp bố mà không biết là cha. Nụ cười chào khách của nó đuổi anh ra khỏi cõi người, cõi thanh bình. Anh bèn về với hoang đảo, sống như loài cầm thú, sống bệnh hoạn và hoang loạn. Nói chuyện với bóng mình trong gương để nghe rõ giọng nói lạ hoắc của chính mình, giọng nói thời sau chiến, giọng nói của những số phận quờ quạng đi cho hết nửa đời còn lại. Vũ Ðiệu Ðiạ Ngục là vũ điệu của bà mẹ điên, dơ tay với cầu vồng mà nhẩy. "Ðỏ lên trời đó con ơi!" Bà tìm trên khung trời đỏ áu tội lỗi hình dáng người con gái đã chết. Con bà, trong quãng thời gian ngắn ngủi tạm trọ cuộc đời, thất nghiệp triền miên, đã hành nghề bán máu nuôi thân, cho đến khi "cạn vốn". Tự tử. Và Rừng Cười, là cái cười méo mó man dại của chiến tranh, của những cô gái Trường Sơn mà "những dòng nước khe màu đen xanh thớ lợ đã dần dà vặt trụi tóc họ". Ở đây không có liệt oanh, liệt sĩ, chỉ tuyền rừng với người vượn lõa thể, vừa cười vừa khóc, tay dứt tóc xé quần xé áo. Ở đây chỉ có những nụ cười sằng sặc quánh đặc lá cây của "những người đàn bà vác cày, cầm súng, đi lấp hố bom", "bị buộc phải trở thành đàn ông". Và người con gái duy nhất may mắn sót lại của rừng cười sẽ mãn kiếp bị loại khỏi vòng tình ái, chỉ sống với những giấc mơ triền miên về mái tóc đã bị rừng già cướp giật: "từ trong đám tóc rối ấy lẩy ra hai giọt nước mắt trong veo và rắn câng như thủy tinh, đập mãi không vỡ". (trang 77) 12 truyện ngắn, 12 mảnh đời nghiền nát đẫm máu, khiếp đảm mà viết cứ dửng dưng như không, như chơi, như đùa. Cái đáng ngại của thế hệ này là thế. Thế hệ ba đời chổng mông chờ chồng, từ bà đến cháu. "Thế hệ chúng con đi đến tận cùng nên nhiều khi tàn nhẫn". Thế hệ "hoãn chết" hay "cho vào cối giã cũng không chết". Nụ cười bật ra chỉ vì "cô thấy buồn buồn ở nách như bị ai cù, và cô bật tiếng cười". Dưới mắt họ, thiên nhiên cũng một sòng quỷ khốc, khát máu, thèm xương, không khác con người: "hoàng hôn chậm chạp thè chiếc lưỡi đỏ liếm lên vạt đồi tranh", "rừng cười đã no nê máu và nước mắt". Họ truy tố những kẻ "lạm dụng ánh sáng để làm điều sằng bậy" và dồn đêm tối cho những kẻ bất hạnh, mù loà. Họ phanh phui thủ đoạn "thổi linh hồn vào nhiều thân xác" bằng những "bài ca kỳ dị chẳng tốn hơi sức bao nhiêu", để tạc nên những hình nộm gỗ "có hàm răng trắng sáng loé lên trên khuôn mặt đầy nhựa cây đen nhẻm", loại hình nộm không tim. Tim vỡ. Thế hệ ấy, nhìn về quá khứ của "cả một đất nước rùng rùng ra trận, chân đi dép lốp, tay cầm súng, ngực đeo những lá thư. Những trang văn nói về thư, bay cùng những lá thư thất lạc và không th!!!2050_12.htm!!!
Đã xem 56072 lần.
http://eTruyen.com