« Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên », câu này trong hoàn cảnh của ba Trang sao mà đúng thế? Và cũng đáng ghét thế! Giấc mộng của ông đang xây với cô Tư chưa được bao lâu thì bừng tỉnh. Cái thân hình béo tốt của ông sau mấy tháng mật nguyệt tại ngôi nhà ở sở, đã thay đổi khác hẳn. Bắt đầu là những cơn sốt sơ sơ, sốt cách nhật, tiếp đến vài cơn rét, thỉnh thoảng lại sốt, xong lại rét. Bác sĩ đến thăm cầm chừng và tiêm những thứ thuốc sốt thuốc rét phổ thông. Một hôm sau một đêm ngủ chập chờn không yên giấc, ông thức dậy và thấy một ống chân không thể nhấc lên được, đầu gối hơi sưng, nặng nề tê liệt hẳn đi. Dù chứng bệnh chưa biết rõ, nhưng không thể nào ngồi dậy được, ông bắt buộc phải xin nghỉ việc. Từ giã tổ uyên ương ấm cúng ở sở, ông đem cô Tư về nhà bà vợ cả, cái mái nhà mà ông đã ruồng rẫy, lãnh đạm, và lúc cùng cô Tư ra đi xây tổ uyên ương tưởng chừng như thề không bao giờ thèm trở về nữa. Nằm trên giường bệnh ông cứ tưởng là mình vẫn còn có thế bay nhảy được như ai, ông an ủi cô Tư hãy chịu khó, hãy nhẫn nại một thời gian, hãy tin số Tử vi rất tốt của ông, tương lai nhất định sẽ còn nhiều hứa hẹn. Mẹ Trang nhường gian nhà giữa cho Ba, bà dọn lên dãy nhà ngang, nơi thờ phụng tổ tiên và bàn thờ Phật, còn Trang lui xuống dãy nhà gần sau bếp. Ba Trang ban đầu rất buồn phiền nhưng vẫn còn hy vọng, dần dần ông đâm nghi ngờ chứng bệnh của mình không dễ lành như ông tưởng. Mỗi ngày tất cả mọi người trong nhà đều lần lượt vào phòng bệnh thăm ông, và bây giờ ông chỉ còn độc một niềm sung sướng khi nghe nói « có khá hơn nhiều ». Lắm lúc nghe mãi phát chán vì tự xét mình thấy thực tình không « khá » tí nào, ông hỏi vặn Trang: · Khá như thế nào? · Dạ, da mặt ba hồng hào hơn, ba ngủ có trở mình được, mắt bớt quầng thâm, sáng nay cũng không còn thấy sốt... Ông lắng nghe và thấy có lý, quả thực ông có ngủ yên không rên rỉ nữa, nhưng đấy chỉ là những cơn mê không còn tri giác. Ba Trang trong lúc này rất cần an ủi, rất cần sự ủng hộ tinh thần của người khác vì tinh thần ông đã tự thấy lung lay lắm rồi. Ông đọc những sách thuốc nói về chứng bệnh đau xương chân cố tìm một vài tia hy vọng, nhiều khi những tia hy vọng ông tự tạo ra, hay ông biết người khác đã bịa ra giúp ông nhưng ông vẫn cứ tin, tin để tự lừa mình, lừa cô Tư, để cố giữ lòng yêu và trung thành của cô Tư được thêm ngày nào hay ngày ấy, để đủ sức chống cự với cơn bệnh càng ngày càng hành hạ đau đớn hơn. Trang và hai con ở gian nhà sau yên lặng như một cái bóng. Trong đầu nàng có cả trăm nghìn ý định nhưng không thể thực hành được tí nào. Trang định đi làm thì con còn dại quá và nàng còn yếu chưa thể dậy ngay được, Trang định đi Saigon nhưng trong lúc cha đau nặng như thế, dù ở lại không ích gì cũng không thể rời được. Mỗi tuần lễ Bình viết cho Trang hai, ba bức thư dài. Anh kể sinh hoạt của anh, sự mong nhớ, cô đơn và yêu cầu nàng chóng trở về. Bình hứa sẽ đổi tánh nết, sẽ nghe lời nàng tất cả, sẽ về thăm mẹ luôn luôn, sẽ ăn rau, cá, ăn cả tỏi nếu Trang muốn, sẽ chịu khó học thêm, sẽ bớt ích kỷ, bớt gắt gỏng, sẽ đối xử dịu dàng với nàng... có gì có thể hứa được anh hứa tất cả. Trang đọc thư rất cảm động nhưng nàng cũng hiểu rằng, lúc viết thư ít nhiều người nào cũng có hứng làm văn, nhất là lúc cần nàng như Bình, nhưng viết xong người ta lắm khi quên không biết mình đã viết gì nữa, ai nghe bùi tai mà tin tưởng thì cứ tha hồ vào tròng. Nghĩ kỹ Trang thấy mình quí mến Bình nhiều hơn yêu, và trong tất cả những ngày sống chung nàng chưa từng ghen tương hay làm ầm ỹ với Bình bao giờ. Trang còn nhớ một hôm bà Ba nói với nàng: · Cô ngu lắm, đàn ông họ chỉ sợ đàn bà lắm lời. Họ sợ cãi nhau to tiếng hàng xóm láng giềng sẽ nghe biết tất cả những cái « lịch sự » của họ, vì thế nên họ nhường đàn bà, chứ có phải quân tử, nhã nhặn, tốt đẹp gì đâu! Chỉ vì cái bộ mặt, cái danh giá rởm! Cô cứ quát lên vài lần như bà nhà số bẩy là yên hết. Cô hiền lành lắm, chiều chuộng mãi Bụt cũng đâm hư, đàn ông được đằng chân lân đằng đầu. Cô để nó bắt nạt quen rồi nó không thấy có một người vợ hiền là hạnh phúc nữa, nó không biết quí nữa! Trang cho bà nói cũng có đúng một phần nào tâm lý của đàn ông, nhưng dù sao nàng cũng không thể làm như bà số bảy được. Trang lành đến nỗi một hôm Bình bảo rằng anh đi đánh mã chược với các bạn, lúc về thấy ngực áo anh có một vết son rất thấp, Trang biết là anh đi nhẩy nhưng chỉ hỏi: · Con bé ấy lùn lắm phải không? Bình ngẩn người ra không hiểu tại sao Trang biết, nhưng cũng thản nhiên trả lời: · Ừ, nó lùn lắm. Bình thấy Trang không nói gì thêm, anh bỗng tức giận vì như thế có vẻ xúc phạm đến lòng tự ái của người đàn ông quá. Ai lại chồng nói dối đi chơi về với một vết son mà vợ chẳng cằn nhằn gì cả thì còn ra thể thống gì nữa! Anh hỏi Trang: · Em biết anh đi nhảy một mình, không đưa em đi tại sao em không gây? Trang mỉm cười: · Tại em sợ... · Em mà cũng biết sợ? Sợ anh? Vô lý! Em là con người cứng đầu cứng cổ nhất nhà, muốn gì cũng làm được, khó đến thế nào cũng bất chấp, em mà sợ anh thì lạ thực, có lẽ anh phải ăn khao.. Trang ngắt lời: · Không phải, em sợ gây với anh thì.. thì.. hân hạnh cho anh quá! Câu chuyện với người khác có thể làm ra to, với Trang chỉ có thế thôi, nàng không bao giờ cần có « hạ hồi phân giải ». Trang không đủ hơi sức để gây, không ghen, không yêu, không biết vì sao hay vì tất cả, Trang không bao giờ có thể bù lu bù loa lên như lời bà Ba đã xui khôn xui dại nàng. Trang biết chắc, nếu làm bạn thì Bình có thể là một người bạn rất tốt. Trang sẽ chỉ nhìn thấy những điểm dễ thương của Bình. Người nào mà chẳng có điểm dễ thương, không nhiều thì ít. Còn về phương diện khác, ai cũng có ý thích riêng của mình, có cách đối xử với gia đình, với người, với việc, có nhân sinh quan riêng, có cách xây dựng tương lai, có lối sống khác nhau. Nếu chỉ là bạn, Trang sẽ không cần để ý và can thiệp đến, người ta không đòi hỏi nhau như khi thành vợ chồng. Thấy Trang ở nhà quá tù túng, có lần mẹ Trang khuyên: · Dù sao một ngày cũng là nghĩa. Thiên hạ người ta trông vào lắm con ạ! Mấy chị em con đứa nào tình duyên cũng trắc trở mẹ đã buồn lắm rồi! Mẹ chỉ ao ước con được một vợ một chồng.. Trang hỏi lại: · Ðể làm gì hở me? · Kìa, để cho người ta khen chứ để làm gì? · Nhưng « người ta » là ai mới được chứ? · Thì bà con, bạn bè, xóm giềng.. Trang cười nhạt: · Thế họ khen thì mình được gì? Có đem lại hạnh phúc cho mình không? · Ðời đã mấy ai được hạnh phúc, miễn được tiếng khen là đủ rồi. Người ta ai chẳng muốn được khen! Trang ngần ngại: · Con cũng muốn được khen nhưng con không muốn lụy vì tiếng khen. Con không cần lời khen của những người ấy. Giá đắt lắm không đáng phải hy sinh. · Con bi quan quá, ở đời có người tốt có người xấu chứ! · Nếu vậy thì con chỉ mới được hân hạnh trông thấy những người tốt bên ngoài thôi. · Thôi me hiểu rồi, từ nay mẹ sẽ không lạc lòng nữa. · Mẹ hiểu rồi thì chỉ còn hai bộ quần áo nâu! Mẹ Trang buồn rầu: Thôi con muốn nói sao cũng được! Mẹ đã lầm nhiều quá rồi! Mẹ không còn đủ sáng suốt để khuyên bảo ai nữa! Mẹ cũng biết các con gian nan là lỗi tại mẹ cả. Lúc xưa các con đứa nào cũng thông minh xuất sắc, nhưng mẹ cứ tin rằng con gái càng tài hoa đời sẽ càng nhiều khổ lụy. Mẹ dìm các con xuống để mong các con yên hưởng thái bình, cứ tưởng lấy chồng rồi sẽ có cuộc sống an nhàn! Bây giờ thấy các con ra đời vất vả mẹ hối hận thì đã muộn rồi! Ngừng lại một lát bà tiếp: · Mẹ cũng biết chỉ vì cái khí khái hão của mẹ mà các con thiệt thòi quá nhiều. Xưa nay me chỉ giữ việc chi tiêu trong gia đình. Gia tài sự sản của ba, mẹ không nhúng tay vào, không giữ sổ sách gì của ba hết, thành ra ba muốn cho ai thì cho, làm gì thì làm. Mẹ có thương các con đến đâu cũng đành chảy nước mắt nhìn xuống mà thôi! Thấy mẹ buồn, Trang rất cảm động và cũng hối hận đã khêu gợi lại vết thương làm mẹ đau lòng! Giữa Trang và mẹ, hai thế hệ liền nhau mà xa cách nhau quá chừng! Mỗi người như lặn hụp chới với trong một thế giới riêng mà sợi giây liên lạc chỉ là chút tình cốt nhục.