Tôi gặp Trần Đức Thảo ngoài cổng bệnh viện Hữu Nghị. Cả thành phố đã thuộc cái ông đi chiếc xe đạp con vịt trẻ con sơn xanh, không phanh, ngồi phải doạng chân cho đầu gối khỏi đụng lên ghi đông, đấy là nhà triết học Trần Đức Thảo. Ông dịch sách lý luận kinh điển cho nhà xuất bản Sự Thật để lấy lương ăn. Người biết đôi chút thì thắc mắc: không biết ông có được dạy, ông có được phong giáo sư không. Tôi thì biết bây giờ ông dông dài lam làm chơi chơi thế thôi. Tôi cũng chẳng biết ông có Nhân Văn Giai Phẩm gì không và tại sao ông lại càng ngày càng bị quên lãng dưới đáy. Tôi làm sao biết được, mà tôi cũng không tò mò. Tôi chỉ là một người tẻ nhạt và yếu đuối với những kỷ niệm Trần Đức Thảo. Gặp ai quen, đứng lại chuyện thì Thảo buông cái xe kềnh xuống như con chó rô bốt nằm phủ phục bên chân ông chủ, nói như quát. Thảo đương đi ra chỗ gửi xe đạp. Tôi lại nhận thấy có một vật nữa khiến người ta dễ nhận ra ông Thảo. Ông Thảo đi đôi guốc mộc. Đi guốc mộc và hút thuốc lá cũng đương là cái mết của mấy bác sĩ trẻ trong các bệnh viện. Nhưng đi guốc mộc và mặc bộ đại cán ra đường và đã đứng tuổi thì chỉ có Trần Đức Thảo và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Ông Thảo đi guốc mộc mọi lúc, mọi chỗ. Bác sĩ Thạch thì lóc cóc đôi guốc và để đầu trần đi chơi buổi tối trong các ngõ rạp hát, các cao lâu phố hàng Giầy, hàng Buồm. Ông Thạch lực lưỡng, béo tròn khác ông Thảo gày gùa, mặt và mắt vàng nghệ màu bệnh gan. Tôi chào và hỏi Thảo: - Bệnh gì đấy? - Vẫn cái gan mọi khi. - Mới đi Đức về, không chữa ở bên ấy a? - ờ, mới về. Người ta mời đi nghỉ, không phải đi chữa bệnh. Về lại phải vào đây xin thuốc. Rồi cứ giữa đường thế, Thảo nói ầm ầm một hồi chẳng để ý người qua lại đứng nhìn. - ở nhà nghỉ trong rừng cả tháng, bảo cho đi xem bức tường Beclin một cái thì không. Chúng nó sợ tao chạy sang bên kia à? Có là con chó. Thảo nói “chúng nó", tôi không hiểu đủ, tôi hỏi: - Ai ngại ông? - Chúng nó. - Chúng nó là ai? - Thằng Đức, thằng sứ quán. - à ra vậy. Cũng gần trưa. Tôi có ý nghĩ đi mua cái gì rồi rủ Trần Đức Thảo về ăn ở nhà Đặng Đình Hưng. Có thể cũng hay. Tôi bảo Thảo: “Chúng ta đến nhà thằng...”, mới nghe thế, Thảo đã lắc đầu. Tôi chợt nghĩ ra. - Không được nhỉ, còn cụ ở nhà? - Ông cụ mất đã bốn năm rồi. - Có một mình ở nhà thì đi nhé. - Đi đâu? - Đến nhà Đặng Đình Hưng. Đặng Đình Hưng bố Đặng Thái Sơn ấy mà. Nó cũng ở một mình như ông. Thảo lắc đầu nói: - Đã lâu, tao không muốn quen thêm một ai trên đời này nữa. Nghe câu triết lý cùn mà xa xôi, mà lạnh lẽo, tôi đành chịu. Nhưng con người hiền lành này không phải là kỹ tính khó khăn, tôi rủ ra quán cơm đầu ghế thì Thảo đi ngay. Phố Hàm Long, cái quán bia, lòng lợn tiết canh và cơm bát của vợ chồng con gái bà Tân Việt. Hồi này chưa có nhiều quán bụi, nhưng đã lác đác bia hơi, cháo lòng, bún nem, không đến nỗi chỉ độc có phở mến dong riềng không ngườì lái. Cũng chưa lần nào tôi ăn với Thảo, không kể hồi lớp chỉnh huấn ở rừng, cơm tập thể ăn đứng, giữ vệ sinh gắp đổi đầu đũa. Tôi có cảm tưởng buồn cười nhà triết học như vẫn ngơ ngác tròn mắt với xung quanh khác lạ ý nghĩa và không ý nghĩa của quá trình hai bàn tay con người. Anh hay có nhận xét kết luận. Anh không uống bia. Rượu thì chẳng biết nó có ở trên đời này. Anh ăn cơm, gẳp miếng dồi lợn chấm nước mắm, không mắm tôm rau sống, không đụng đến lòng tràng, cổ hũ. - Lòng lợn nhồi tiết là nhanh nhất. Mà cũng ngon, sống ở trên đời, ăn miếng dồi lợn mà. ở nhà, hồi còn ông cụ, lắm hôm nấu nồi cơm trộn nước mắm, ăn mấy hôm mới hết. Rồi quen, cái thói quen có được hay bỏ được cũng dữ dội lắm, cậu ạ. Rồi nghe tin Trần Đức Thảo công cán đi Pháp gặp gỡ Việt kiều. Nhà trí thức Trần Đức Thảo đã hoạt động lâu năm bên ấy. Nhưng không ai để ý và thấu nỗi từ cái năm ở nông trường Ba Vì được về, Trần Đức Thảo chỉ tháng ngày quanh quẩn cơm niêu nước lọ một mình lâu dần đến đỗi không muốn quen thêm một người nào nữa, người đã sợ cả người. Giá mà hồi ấy gặp Thảo thì tôi bảo anh đừng đi. Bà con ở Pari về kể chuyện Thảo được Việt kiều qui mến, lập nhóm giúp đỡ Thảo. Đã vận động được Chính phủ Pháp tặng Trần Đức Thảo một giải thưởng khoa học lớn. Nhưng anh chưa kịp nhận. Trần Đức Thảo ở nhà của sứ quán. Các bạn đã mướn một bà người Việt bếp núc giỏi nấu nướng cơm nước cho Thảo. Anh ăn món thịt bò bít tết và satôbriăng với rau sà lách dầu dấm mà anh rất khen. Nhưng thỉnh thoảng lại đòi mì ăn liền và nấu lấy. Khi ăn, cầm cả xoong, đỡ một thao tác đổ mì ra bát. Triết lý, triết lý đấy. ôi Thảo! Đặng Đình Hưng thì ốm ở cái gác trong hũ. Cũng không gặp ai nữa. Người đứng dưới cửa sổ gọi, mặc kệ. Có một đứa cháu trong quê Chương Mỹ ra trông nom ông. Hôm đưa ma, tôi trông mặt anh trong khung kính quan tài, thấy đội cái mũ dạ to vành - chắc anh đã dặn đội cho cái mũ ấy. Cô Hến ngước mắt nhìn ra sân. - Anh... anh mới về. - Tôi chào ông trên đê rồi. Ông bị bắt rượu a? - Không, bố em khiêng hộ xã đội. Bố thích người ta bắt rượu. Bố em ghét người nấu rượu. Tôi nhớ ông Ngải chỉ nghiện nước chè vò. Ông Ngải chửi những đứa rượu vào hay lè nhè. Tôi hỏi: - Cô Hến cưới chồng năm nao? Hến nhìn tôi, đỏ mặt, không nói. - Cháu ngủ trong võng a? Tôi lại hỏi: - Con giai hay con gái? - Con giai. - Anh ấy đâu? Đi bộ đội. Có đóng gần nhà không? Hến lại không trả lòi. Ông Ngải đã vào đến đầu ngõ. Ông Ngải nói: - Chỉ đem hộ ra xã, rồi dân quân vác cả lên huyện. Hến kêu: - Bắt với bớ, mấy hôm lại thấy rước về đủ lệ bộ cho mà xem. Anh có ở chơi được lâu không? - Cũng vài ngày. - Thế thì vui rồi. - Quà Hà Nội của tôi đây. - Cái gì thế? - Cái ga len. Tôi lấy cuộn dây đồng trong ba lô ra. Rồi những mảnh thiếc ghép, lò so, cục pin, cái loa con con, một hộp gỗ. Những thứ ấy lắp lại, cái thì đặt trong gầm giường cái thì tròng lọng lên đầu cây tre, cắm ra ngoài bờ rào. Bắt được đài Tiếng nói Việt Nam cả ngày cả đêm, tối đến tiếp âm đài Bắc Kinh, đài Matxcơva. Nghe rõ mồn một. Cái năm mới có người đem ga len về làng, có cụ già sợ: “Nghe như ma xó nói, ghê cả tai”. Bây giờ thì các hàng quán dọc đường từ trên tỉnh về đây và nhiều nhà trong xóm, trước cổng cắm lênh khênh cây tre mắc dây ga len. Tôi lắp các thứ và cắt nghĩa cho ông Ngải. Ông Ngải nói: - Tài thật, chỉ có sợi dây thép mà thu được tiếng tận đâu đâu. Anh mua mất nhiều tiền không? - Cái đài đeo vai mới đắt, mà cũng không mua được. Còn ga len chẳng đáng bao, vì mình làm lấy cả. Ông Ngải lại hỏi: - Thấy bảo cái này nó hút sét, có nơi đương mưa sét đánh chết cả nhà. - Thế là ông thạo ga len rồi. Người ta đồn đại quá đi thôi. Đề phòng dễ lắm, tối nghe xong thì nhổ cây tre đem vào nhà, thế vậy. - Tôi cũng nghe nói làm vầy. Nằm trên giường cũng được nghe văn công, sướng chưa. Trong nhà ông Ngải cũng nhiều đối thay. ốc đã đi bộ đội. Cả Toàn con rể, ông bà cho ở gửi rể, cũng đi bộ đội. Chỉ ông bà Ngải vẫn ngày ngày nghe kẻng ra đồng làm. Nhưng ông Ngải ghét nhất cái cảnh ra đầu xóm đứng lố nhố, chuyện râm ran, điểm danh mấy lần vẫn chưa đủ người, đến khi cả tổ ra tới giữa đồng thì mặt trời đã lên ngang lưng tre. Ông Ngải bực mình chửi làm ăn thế này thì đói rã họng ra đến nơi. Ông Ngải không đi với mọi người. Ông hỏi hôm nay làm gì rồi ông xuống đồng trước. Ông Ngải đi sớm về muộn, Ông làm theo ý ông, không biết cái kẻng. Ông đã quá tuổi lao động, ông làm hay không cũng thế, nhưng hôm nào không đi làm thì chân tay như uỗi ra. Cái gì ông cũng tự nghĩ rồi làm. Ông chỉ cho con cái học cho biết mặt chữ. Ông gả chồng cho cái Hến cũng không biết thế là tảo hôn, mà làng nước cũng chẳng ai bắt bẻ ông. Thằng ốc nhà độc đinh ông vẫn cho đi bộ đội. Ông bảo “đi cho biết đó biết đây". Thời còn trẻ, ông đã đi nếm cơm thiên hạ chẳng thiếu đâu. Tôi lại ngồi bên búi tre lép với ông Ngải. Đến nhà Sự, nhưng Sự đi vắng. Xem ra công tác vẫn bận tối mắt. Về quê chóng đói, hôm nào cũng lại đánh ba bốn bát với con tôm cái tép hầm nồi chát bùn. Ông Ngải không uống rượu. Như năm trước, tôi cũng không uống, chẳng sao. Tôi là con ếch Cu Ba, ở rừng thì da xanh thẫm lá rừng, ở ruộng mía thì lổ đổ màu lá mía, đến mùa hoa, lưng ếch chấm đỏ, chấm vàng như cánh hoa rơi. Năm trước, cả làng mới có xóm Đồng lâm thí điểm hợp tác xã. Rồi hợp tác xã cả xóm, rồi khăp các xóm thành một hợp tác xã to. Đâu cũng đồn rồi cả huyện lên như công xã nhân dân bên Trung Quốc mà thôi. Chuyện ấy còn chưa biết, mới chỉ một xã thành một hợp tác xã đã lắm chuyện rồi. ủy ban chỉ giữ cái triện, mọi việc đều qua chủ nhiệm. Hợp tác xã nắm nhân lực, cho đi bộ đội, đi học xa, cả các nơi về điều tra lý lịch để kết nạp vào đoàn, vào đảng, lấy người vào biên chế cơ quan chủ tịch xã đóng dấu, chủ nhiệm cũng ký cùng. Trụ sở ban chủ nhiệm đông người ra vào. Bên uỷ ban, ngày làm việc mà lắm hôm khoá trái cửa. Ngay ở xóm Đồng, bà con chỉ biết đến tổ trưởng sản xuất, trưởng thôn cũng như anh xã viên chay. Chẳng bù với nhiều nơi cuối tỉnh cuối huyện, các hợp tác xã điển hình quẫy như cá úi. Mỗi huyện, mỗi tỉnh đều thổi lên những cái bong bóng hợp tác xã điển hình. Một hình ảnh tưởng tượng hùng vĩ đến ngây ngất, cả nước gồm ba trăm huyện là ba trăm pháo đài đầy đủ mọi mặt như một bang. Cứ dóng dả lên thế, nhưng chẳng ngành nào điều được người về huyện, tài chính, nhà giáo, kỹ sư, bác sĩ... vẫn vắng bóng. Như thế, càng báo cáo phấn khởi ăn gian nói dối tràn lan. Các hợp tác xã được tỉnh, được huyện hay cơ quan, nhà máy đỡ đầu. Suốt tháng nhộn nhịp, nông nhàn cũng chẳng khác ngày mùa. Ngày chủ nhật, cán bộ, nhân viên làm lao động công ích đẩy những xe phân hố xí hai ngăn trên các cơ quan tỉnh, huyện về. Nhà máy kết nghĩa thì ủng hộ than để nung gạch, cho bã hoa quả, vỏ cam, lõi dứa thức ăn nuôi ngan, nuôi lợn. Về đến nơi, xã viên rỡ bã cam, mắt dứa nhặt riêng, đem ra chợ bán. Hợp tác xã có tổ nuôi ong. Bí thư tỉnh uỷ chủ nhật nào cũng về xã theo dõi điển hình. Ông đã gửi tổ ong của hợp tác nuôi hộ ông một chục đõ. Chủ tịch huyện cũng có năm đõ nhờ nuôi. Ong chết dịch, ong bốc bay mất bao nhiêu thì đõ ong của các thủ trưởng vẫn đông đàn và đến vụ quay mật cứ là tố hảo, mật nhãn mạt hoa ngô sánh như kẹo mạ. Mọi sự được đắp vào, được tiếng tăm, nhưng hoạn nạn ở đâu cứ kéo đến, trước nhất méo mặt vì nạn khách tham quan. Báo chí càng thổi kèn đu đủ bốc thơm thì các nơi lập đoàn, lập đội kéo đến tìm hiểu học tập càng nhiều, huyện bạn, tỉnh bạn ba trăm pháo đài huyện cả nước đổ đến. Các xã láng giềng phải nghĩ ra mẹo trốn thành tích. ở hội nghị tổng kết trên huyện, các hợp tác xã theo nhau báo cáo năng xuất đuối, không đạt mức thi đua - mới vụ trước thì vun vút vượt chỉ tiêu. Cả các anh điển hình cũng co lại. Chẳng biết đâu thật, đâu vờ, mà cái cớ chính thì cũng dễ hiểu. Tôi yếu rồi, thôi thôi đừng ai dòm ngó tôi nữa, tôi không nhất nhưng tôi không bét, tôi cứ tà tà cả làng không lên mâm, không có cỗ với ai cả. Ông Ngải vỗ vẩy cái ống điếu. - Lắm nơi rắc rối nhỉ. Nhưng mà nghĩ ra thì ở đây cũng không khác đâu. Hôm nọ ông cán bộ gà lại về dạy làm chuồng, cách cho gà ăn, cách chống gà toi. Người ta nuôi gà cả đời nào phải học ai. Thôi thì cũng đồng ý, cũng phát cỏ, quét vôi, bắt gà ăn thóc ngâm muối cho phải phép. Tôi hỏi: - ở đây có đoàn tham quan đến không? Dạo ấy thôn ta hợp tác xã thí điểm điển hình huyện cơ mả. Ông Ngải hút một điếu thuốc. Cái nõ kêu ròn tanh tách. Rồi ông bụm môi, thở khói, như cái cười ngậm trong miệng theo khói ra. - Tôi không biết. Ngày trước thằng Tây đóng bốt trên đê đầu làng, giữa làng, cuối làng, cả hàng huyện này đồn bốt chi chít như đế giày đinh của nó. Thế mà rồi bỗng chốc ta về nhổ sạch. Cho nên, tôi chỉ biết theo ta thôi. - Nhưng cái gì thấy không đúng phải có ý kiến. Ông Ngải lờ đờ mắt. - Tôi chỉ ý kiến thế. Tôi đã hiểu cái ý của ông Ngảí. Ông nói cái gì ông cũng theo, nhưng thật ra xưa nay ông chỉ theơ ông, theo bàn tay ông mà thôi. Tôi quí ông cung vì thế, tôi đã bao lần nghe ông Ngải kể về sự tích cái đất và những mảnh ruộng này của ông với cái cuốc, cái mai. Đã bao nhiêu năm rồi, mỗi hôm ông Ngải lại ngồi tựa bụi tre lép, ngắm nghía cơ ngơi của ông từ vườn ra ruộng xuống bãi sông. Những khi mát trời, ông ngồi đến lúc ngôi sao hôm như một giọt sương sáng long lanh rỏ xuống mặt nước xa kia. Tôi hỏi: - Bây giờ đội nào làm mảnh ruộng này? - Chẳng đội nào cả. Tôi lấy làm lạ.. - Ông đã làm ban kiểm tra, ông giữ ruộng riêng sao? Ông Ngải cười hề hề: - Thế đấy. Mấy vụ tôi để các đội làm đều mất ăn, chỉ được vài gánh lúa lép. Chúng nó nói quàng: bụi tre này ớm bóng làm cỏ áy, lúa áy. Nói láo, bóng tre chỉ bằng cái nón, lại ngả xuống ao, đâu ra ruộng. Tôi gọi anh Sự với cả ban chủ nhiệm ra tận ruộng. Tôi bảo cái tay tôi đã làm nên đồng đất này, tôi biết nuôi nó lúc đói lúc no thế nào. Các người tưởng ai cũng làm, làm thế nào cũng được sao. Cái cày máy có lia được vào bốn góc ruộng đâu, lại phải cần đến thằng cày chìa vôi. Để đấy, vụ này tôi làm. Thế là tôi lại vác cuốc ra. Ngày mùa, thóc quảy về chật nửa sân hợp tác, hạt thóc ken nhau, con đá phải lăn hai ba lần mới sạch rơm. - Các tay hợp tác có hỏi ông kinh nghiệm làm thế nào? - Tôi làm thế nào thì bày ra đấy, chúng nó biết chứ. Có điều rằng người ta làm ruộng đất thịt trong đồng, không ai thuộc tính nết cái soi bùn, lưỡi cày không lật được tới màu, độc cái lưỡi cuốc mới len lỏi xuống đưa màu lên được. Chỉ có thế. Tôi hỏi: - Ông Ngải ngày trước có bao giờ lên tỉnh không? Ông Ngải nhìn tôi: Anh ngỡ tôi không đi tỉnh, tôi không biết mặt rượu a? Tôi đã nghiện lâu năm đấy. - Ông cũng uống rượu? - Mỗi hôm đánh ngã hai ba chai con hươu, đến lúc sờ thấy nóng tai mới đứng lên. - Ôi trời! - Rồi tôi bỏ rượu. Cái ấy hại tiền, chẳng ra gì. Bấy giờ còn đương sức bay nhẩy. - Ông ra tỉnh. - Xa bằng vạn ra tỉnh ấy. Tôi ra Uông đội than, vào rừng trong Thanh ngả gỗ vần xuống sông đóng bè. - Khiếp chưa! - Hai chân đất, tôi cứ đi. Một đời tôi chưa biết cái tàu, cái xe, không biết cái màn. Tôi đã ở nhà ông năm sáu tháng, thế thì những cái biết, cái nghĩ của tôi về ông đều phải vứt đi ráo. Tôi chưa biết gì về ông Ngải. Tôi tưởng người các miền quê ta đâu cũng như quê Thiệu Hưng của lão AQ. Bên ấy đất nước mênh mông, người trong làng chẳng bao giờ đặt chân lên đến trấn, đến huyện. Một nhà ở Hoa Trung chuyển vùng đi kinh tế mới lên Hoa Bắc, vào Tân Cương ngày ngày ròng rã thăm thẳm mịt mùng biết đâu đưòng nào về. Làng xóm ta thật khác, như ông Ngải đã tha phương cầu thực đến đâu cũng được. Người gốc dưới Nam lên khai hoang trên Phong Thổ, Lai châu. Xa nhất thì vẫn đi đi về về một chốn đôi quê. Đường ngược về, đeo đãy cao khỉ, hổ cốt, mật gấu, mật ong. Dưới xuôi thì quảy lên những thứ trên rừng hiếm: lọ thuỷ tinh, bóng đèn, dây ni lông, gương lược... Lẽ nào tôi chẳng biết, mà tôi không biết thật. Tôi chỉ trông cái trước mắt. Tôi không biết về ông Ngải, rõ là tôi đã biết gì đâu. Mấy nhà trong xóm tối nào cũng đến trầm trồ quanh cái tai ga len treo trên cột. Ông Ngải gật gù: “Văn công hát chèo như người đứng trước mặt.”Vợ chồng, cả nhà Dũng đã lên tỉnh mở hàng cơm chứa trọ. Chắc không ở cầu Bo, tôi không gặp.. Sự vẫn không có nhà. Mấy hôm ấy có lớp huấn luyện trên huyện. Sự nhắn tôi cố ở chơi được đến cuối tuần, Sự về. Vợ Sự và cái Soi đi gánh cỏ tóc tiên về bỏ làm phân chuồng lợn. Mới năm nao, chẳng mấy hôm không bị mẹ đòn đánh, bây giờ cái Soi đã lớn vổng, cao bằng mẹ. Vợ Sự hỏi tôi: - Anh mang cái máy hát về cho ông Ngải hả? Cái Soi nói: - Cái ga len nói như ma nói. Tôi bảo: - Sự về, vợ chồng tối sang chơi nhà ông Ngải, cả cháu nữa. Cái Soi cười: - Tối nào cháu cũng vào đấy. Thoạt nghe nó nói lợn cả tai. Tôi mới nhớ ra cái cô bé mặt ngấn ngơ đứng ôm cột nhà, chốc lại nghé nghiêng nhìn lên ga len, là cái Soi. Tôi về Đan Phượng đúng hẹn với Thử, chúng tôi cùng vào trường vửa chuẩn bị lễ bế giảng. Mỗi tổ được thông tri lịch từng ngày với những việc phải làm. Giấy giới thiệu sinh hoạt lại với cơ quan, thanh toán tiền ăn tháng sau cùng. Có một điều căn dặn mà thoạt đầu tôi thấy là kỳ quặc ở cái trường mà học viên đều đã nên ông nên bà và cán bộ cỡ. Không được viết bậy, ỉa bậy ra nhà vệ sinh. Không phơi quần áo dưới sân. Nhớ khoá xe đạp... Nên cẩn thận và đề phòng những ngày cuối bận rộn dễ mất cắp mất trộm. Có người thành thạo nói: trường người lớn hay trường trẻ con thì cũng cứ gặp bế giảng lại như tháng củ mật áp Tết ở làng. Có người đưa gái điếm đến dọn dẹp hộ, bảo là con nuôi. Cô Ngọc học trường này mất cái đài Mẫu Đơn. Về nhà, về cơ quan không dám hé răng. ở nơi uy nghiêm thế này không thể có trộm cắp. Nhưng tôi vẫn nhớ đến cái ông ăn vụng quả chuối ở căng tin. Rồi mọi việc êm đềm trôi qua. Mỗi tối trò chuyện khuya hơn mọi khi. Ngoài vườn, những luống ngô đương trổ cờ, hoa ngô thơm nồng nàn vào cửa sổ. Các bạn ở xa đi xin chữ ký vào sổ tay. Dẫu già vẫn là cảnh trẻ con đi học. Tôi làm tổng kết, viết tự nhận xét và nhận lời phê của tổ đảng, của chi bộ. Bản chứng nhận học tập của tôi: Đảng lao động Việt Nam- Trường Nguyên ái Quốc- Bản chứng nhận học tập. Lớp 8 tháng khoá 3. Từ tháng mười 1961 dến tháng bảy 1963. A- Kết quả học tập. 1- Duy vật biện chứng- ý chính đủ. Thiếu định nghĩa giữa phạm trù chung và riêng. Không nhớ câu Lê Nin nói về chung và riêng. 2- Duy vật lịch sử- Đủ ý chính. Liên hệ thiên về vai trò và đặc điểm văn học nghệ thuật trong phát triển xã hội. Phân tích tác dụng nghệ thuật trong đòt sống còn sơ lược. 3 – Chíh trị kinh tế học- Đủ ý chính. Thiếu phân tích lao động phức tạp, lao động giản đơn, giá trị và số lượng giá trị của hàng hoá. Sự tất yếu của công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa đối với những nước kém phát triển nói chung và đối với Việt Nam nói riêng, đủ ý chính. Thiếu phân tích nguồn vốn, tiến trình. 4- Kinh tế cụ thể- (học thiếu 2 bài kinh tế xí nghiệp vì về dự đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và đại hội Hội Nhà văn Việt Nam ) 5- Đi công tác thực tế ở hợp tác xã thí điểm đã cải tiến quản lý- Làm được đầy đủ nhiệm vụ tổ giao (Nghiên cứu về chăn nuôi, có báo cáo riêng). 6- Lịch sử Đảng- Đủ ý chính. B- Tự nhận xétl- Thời gian học toàn khoá. Nghỉ 10 ngày (Dự Đại hội Văn nghệ và Đại hội Hội nhà văn), nghỉ hè ở Sầm Sơn về chậm 15 ngày (đã kiểm điểm). Những bài không học: 2 bài về kinh tế xí nghiệp (kinh tế cụ thể), 2 bài về lịch sử Đảng. 2 – Kết quả nhận thức lý luận, vận dụng lý luận liên hệ thực tế và nâng cao tư tưởng. a/ Lần đầu tiên nghiên cứu lý luận dài hạn, lĩnh hội được một cách có hệ thống. Mỗi môn học đều có liên hệ, lại có đi thực tế kiểm tra lý luận trong thực tế. Với tôi, phần học triết và kinh tế nông nghiệp thu hoạch được đầy đủ hơn cả. b/ Cụ thể kết quả tất cả các bộ môn như sau: Về duy vật biện chứng- Thấy sâu sắc hơn được sự vật có liên hệ và phát triển lẫn nhau trên cơ sở những qui luật và phạm trù phép biện chứng duy vật, do đấy có cơ sở khoa học và chính xác là xem xét theo qui luật mâu thuẫn, hạt nhân phép biện chứng, mối liên hệ giữa các qui luật. và phạm trù, sự vận động và phát triển. Đặc biệt: phạm trù riêng chung đã liên hệ được nhiều mặt về tính dân tộc và nội dung xã hội chủ nghĩa của xã hội và của đường lối văn nghệ của Đảng. Về duy vật lịch sử – Thấy được tính tất yếu khách quan của tiến triển lịch sử loài người thông qua đấu tranh giai cấp - động lực phát triển của xã hội. Mối quan hệ thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở với cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đặc biệt liên hệ chức năng của mỹ học trong phạm vi công tác và sáng tạo của văn học. Về lịch sử Đảng- Thấy được cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình từ khi Đảng ra đời đã phát triển theo quan điềm Mác - Lênin rất khoa học, đặc biệt tốt với vấn đề nông dân và các chủ trương, chính sách liên minh công nông, mặt trận dân tộc. Về kinh tế cụ thể- Hiểu được hơn cả là các bài về nông nghiệp như: Sử dụng ruộng đất, vấn đề thâm canh tăng năng suất, vấn đề kỹ thuật nông nghiệp (Các bài về lúa, phân, giống đất, các phương thức canh tác, vấn đề chăn nuôi). Tất cả các vấn đề trên được liên hệ, kiểm tra, so sánh, bổ sung trong đợt đi thực tế một hợp tác xã đã cải tiến quản lý ở Đan Phượng (Hà Sơn Bình). c- Tinh thần, thái độ học tập- Có tinh thần cố gắng, nhưng không đều. Phạm nội qui, nghỉ hè quá hạn đã bị phê bình ở tổ. d- Nhận xét của tổ, chi uỷ và ban giám đốc nhà trường: - Đồng ý với tự nhận xét. - Qua học tập, nhận thức lý luận tương đối tốt, có chú ý liên hệ lý luận với thực tế, nhưng có phần thiếu hệ thống. - Tinh thần, thái đô học tập nghiêm túc. Có việc phạm nội qui về thời gian nghỉ hè về trễ, đã tự kiểm điểm. - Cần hệ thống hoá lý luận, kết hợp tốt việc vận dụng lý luận đã học vào lĩnh vực sáng tác văn học. Cần nâng cao hơn nữa tự phê bình và phê bình.