Mây Chiều
Chương XVI

Mùa hè 1997 này tôi đương đánh vật với Chiều chiều đây ở thành phố cao nguyên Đà Lạt. Tôi viết thư mừng sinh nhật bà Phayin Luxia Macôna tám mươi tám tuổi. Phòng tôi trên gác tĩnh mịch giữa đồi thông và những cây liễu Nhật hoa đỏ. Bà công nhân Luxia tnà tôi quen biết từ chuyến đi Ôđetxa ấy. Mỗi lần gặp lại ở Matxcơva, lại nghe bà kể chuyện nước Đức. Hè năm nọ công nhân nhà máy được sang Đức chơi. Thế vậy từ đấy cái gì bà cũng nói kèm... ở Đức... Cái nước Đức của bà Luxia không còn, bà có biết không. Có biết thì chắc là bà bạn thân yêu cũng không tin, bà vẫn có cái nước Đức... bà chỉ có nước Đức một lần đã được ở bên Đức... nước Đức của bà khác, mãi mãi thế. Bà Luxia cũng đại khái người như ông lão quê khu Năm giữ kho quần áo tài chính nước tôi.
Cái thông minh và hóm hỉnh của Marich đã khiến nhiều người lầm Marich gốc Do Thái. Trẻ con Do Thái học lớp nào cũng giỏi nhất và người Do Thái cư ngụ mỗi nước đều nhiều những nhà tư tưởng, nhà văn, những triệu phú và chính khách có tiếng. ở Marich, tính nết và nghị lực rất Do Thái. Marich khiêu vũ giỏi, nhưng không chơi. Marich uống rượu chẳng kém Vlat và Mixen nhưng không rượu một mình và khi một mình thì ăn uống đạm bạc, khắc khổ.
Marich lúc nào cũng chỉnh tề, kiểu diện đứng đắn của người làm ra vẻ có tuổi. Marich mê mũ đẹp. Hàng chục cái mũ đặt trên giá như triển lãm mũ. Mũ của Marich hiệnđại, nhưng không phải kiểu mốt xăng nghiêng vành mà Marich đội ngay ngắn, mốt mới nhất, mốt không có mốt. ấy cũng vì mũ đẹp, diện mũ mà người đội mũ đã gặp tai nạn về mũ, suýt chết. Đứa nào chắc thèm cái mũ đẹp, nó đã ngắm rồi tăm sẵn. Marich đến nhà cụ Nicôlai ăn tối. ở thang máy ra, đi qua mấy bụi lila có đu trẻ con chơi, thằng trộm thình lình xông tới, giựt mũ của Marich. Rồi nó phang một phát, không biết chiếc ba toong hay mảnh gỗ vào cái trán đồ sộ của người đội mũ. May, chỉ chảy máu và phải buộc băng, nằm nhà ít hôm. Tôi nghe kể rồi đến hôm gặp lại vẫn thấy Marich đội mũ và trên giá lại chiếc mũ mới, mũ vơlưa mượt mà, cái đen thẫm, cái màu xám nhờ nhờ... Đắm đuối thì phải luỵ, cũng là cái thú, cái oan nợ chăng. Chẳng khác chị Ba Valenska bên Ba Lan. Nhà văn Monica Valenska chuyên viết phóng sự. Chị Ba đã đến khu giải phóng, chẳng những thế chị đã đóng vai y tá đi với phái đoàn quốc tế Ba Lan vào ở nội thành Sài Gòn. Nhưng tác phẩm về Việt Nam của chị là một phần quan trọng sự nghiệp nhà văn của chị. Chị thích khăn quàng đẹp. Bọn lưu manh cũng chẳng cần biết chị thế nào. Mấy lần chị bị kẻ cắp lột khăn quàng trong cầu thang máy. Chị vẫn chơi khăn đẹp nhưng rồi hôm nào quàng khăn đắt tiền, chị đi bộ lên nhà ở tầng bốn.
Marich nuôi mộng rồi trở thành cây bút trào phúng. Nhưng trước mắt, Marích mới xin được việc ở hội nhà văn, may mà công việc gần gũi với ước mơ. Marich sáng tác truyện vui về bóng đá. Không đưa các báo ở Matxcơva, Marich gửi cho báo các nước cộng hoà.
Có cái được đăng, có cái không. Marich cũng không có nhiều thì giờ, ở đây thì giờ cho lao động trí óc cũng hơi hướng công nghiệp. Người ta trả lương cho công tác anh, không cho anh ăn lương ngồi nhà viết.
Bước đầu, Marich dịch văn học Việt Nam. Đến năm anh thôi việc ban đối ngoại thì dịch văn học Việt Nam là nguồn sống và giúp xây hoài bão cho nhà văn trào phúng. Dịch tiếng Việt có thành tựu đã đưa anh vào hội viên hội nhà văn Liên Xô ngành dịch thuật.
Marich dịch không nhiều, cẩn thận nhưng chậm. Văn học hiện đại, Marich dịch chuyên một số tác giả: Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi. Và Marich dịch cổ điển: truyện ngắn Lê Thánh Tông, Truyền kỳ mạn lục, Vũ trung tuỳ bút. Không biết có người giới thiệu hay Marich đọc, tác phẩm đầu tiên Marich dịch là Dế mèn phiêu lưu ký.
Của tôi, Marich dịch Đám cưới chuột, tiểu thuyết Miền Tây, tập truyện ngắn Người ven thành, Tuyển tập Tô Hoài, tiểu thuyết Đảo hoang. Cái kỹ tính khi dịch của Marich thật cực kỳ. Trong Đảo hoang tôi miêu tả một ngôi sao có tên là sao gông cỏ. Marich hỏi bằng thư: “Xin anh trả lời cho tôi sao gông cỏ mọc lúc mấy giờ, ở vị trí phương hướng thế nào trên trời. Và tên khoa học của sao gông cỏ. Tôi moi đâu ra tài liệu về sao gông cổ. Chỉ bởi vì tôi muốn bạn đọc thiếu niên ta phân biệt gánh cỏ, quang cỏ, bó cỏ gông cỏ. Gông cỏ là một từ cổ, cái gông cỏ, cũng như cái gông, cái cùm gông vào cổ, cùm vào cổ. Cái gông cỏ là hai cặp tre kẹp cỏ vào giữa rồi gánh đi.
Tôi bịa ra tên ngôi sao cốt làm cho bạn đọc chú ý chữ gông. Tôi không thể bảo cho người bạn nghiêm túc biết cái ẩu ma mãnh của tôi. Tôi đã cắt nghĩa ba hoa cho Marich rằng nhà nông ở đồng bằng sông Hồng đêm đêm nhìn lên vòm trời thấy bao nhiêu là sao: sao tua rua, sao gầu dai, sao gầu sòng, sao con vịt, sao mũ vua Thần nông, có ngôi sao hai tên tối là sao hôm sớm là sao mai và cả một giải ngân hà chi chít li ti sao nổi lên một vòng cung làm cầu Ô Thước cho vợ chồng Ngâu tháng bảy gặp nhau. Sao gông cỏ thuộc sự tích chú Cuội. Chú Cuội ngồi gốc cây đa. Bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời... Sao gông cỏ ở trong đám sao các đồ nghề nhà nông... gầu dai gàu sòng, mũ vua Thần nông, Marich được tôi cắt nghĩa kỹ lưỡng đến như thế, không thấy hỏi thêm.
Năm sau, Đảo hoang được in lại. Marich dịch tiếp tiểu thuyết Hoàng Văn Thụ cho nhà xuất bản Văn học Matxcơva. Nhưng quyển này gặp trắc trở. Mọi bản thảo dịch đều được nhà xuất bản tổ chức ban giám định kiểm tra dịch và nội dung sách. Tiểu thuyết của tôi không lọt qua được ban này không phải vì trình độ dịch của Marich mà vì trong tiểu thuyết “nhân vật Hoàng Văn Thụ hoạt động cách mạng ở Trung Quốc nhiều quá". Vào lúc ấy, Liên Xô không muốn in một quyển sách nói đến Trung Quốc, đề cao Trung Quốc. Sách không in, Marich chỉ được trả một số tiền công dịch như tài liệu.
Marich rủ Mixen và Vlat, chúng tôi đến nhà hàng Bắc Kinh. Không được in vì tác phẩm đề cao Tàu thì chúng tôi đi cơm rượu Tàu cho hả. Những năm này, khách sạn Bắc Kinh không còn đầu bếp Trung Quốc với các món thịt cá tươi và rau quả được máy bay hàng ngày đưa từ Bắc Kinh sang. Nhưng vẫn sẵn hàng khô súp yến, long tu và rượu Mao Đài. Không đủ tiền ăn sang, chúng tôi uống vốt ca Nga với miến sào mộc nhĩ, canh măng trúc, ăn thì cầm đũa và cơm bát. Rồi bước vào những năm đầu thập kỷ, Matxcơva đương lên cơn sốt cải tổ thì khách sạn và nhà hàng Bắc Kinh được sửa chữa lớn, sang trọng bội phần. Thợ xây dựng và nhà bếp từ Bắc Kinh sang. Phòng ăn tầng lầu nguy nga như những mái đình. Nhưng tôi đến Matxcơva chỉ dửng dưng đi qua cái nơi đã từng ghé, cũng như năm vừa rồi Marich tới Hà Nội chỉ có nguyện vọng được vào cái khách sạn Thống Nhất mà thôi.
Đến cái buồn sau cùng thì buồn quá. Giáo điều và xét lại căng nhau, không in tiểu thuyết Hoàng Văn Thụ Marich bắt tay vào dịch tiểu thuyết Chuyện nỏ thần. Đất nước xô viết đương rã rời ra từng mảnh, một hội nhà văn bỗng dưng thành năm bảy hội nhà văn- cải tổ mà, khó lòng nhà xuất bản nào còn in một cuốn tiểu thuyết Việt Nam. Mọi sự đảo lộn, người ta bận cãi nhau về cải tổ, cải tổ. Không biết số phận Chuyện nỏ thần ra sao.
ô hay, giữa những lung tung xòe như thế, Goócbachôp cấm rượu. Rượu không được bày quảng cáo. Giá rượu trong và ngoài giờ làm việc đều đắt và khác nhau- một trăm gam vôtca uống trong giờ trả nhiều tiền gấp đôi, người mua rượu sắp hàng dài cả dãy phố. ở khách sạn chỉ bán rượu trong bữa ăn – cả bia và rượu đều bán có hạn. Chẳng biết ở các nơi khác còn bao nhiêu điêu linh. Quanh tôi, khách sạn Nước Nga đồ sộ và hiện đại nhất thành phố mà quanh cảnh tất tả như tan chợ vẫn chưa mua được gì. Không bán cho người ngoài phố, nhưng người ta cứ vào, khách ở buồng phải giơ chìa khoá, mỗi người chỉ được mua một bánh xà phòng tắm và một lọ nước eau de Cologne. Trong khi tôi trông thấy những gói xà phòng thơm của người bán hàng nhét vào ngăn tủ riêng, rồi bán cho người ngoài phố vào mua lén lút. Lọ nước thơm đem về đun lên tách cồn ra, không có rượu thì người nghiện uống cái cồn nước rửa tay ấy.
Những sâu rượu không vào được cửa hàng, bâu cả ngoài cửa. Chán rồi kéo ra cuối phố. Đằng ấy có một cái đài to như đài nước xây đá tảng ở vườn hoa hàng Đậu tại Hà Nội- nhưng cái đài to cao ngoại hạng này không bằng đá, mà chẳng biết là sắt hay tôn lá sơn đen kịt đứng trên hàng cọc sắt chi chít. Đấy là trạm trung chuyển bia hơi đặt rải rác các phố vành đai ngoại thành vào trung tâm, bia nhà máy theo đường ống ra đấy, các xe téc đến đỗ chìa lưng ra cho vòi xả bia xuống, rồi phân phát đi các cửa hàng. Biết những các téc ấy chạy đi đâu, vào hồi khó khăn này chẳng mấy khi cửa hàng nào có một giọt bia hơi. Và cũng chẳng biết cái hồi chứa chan bia rượu thì thế nào, bây giờ người bu như kiến quanh cái vòm bia này từ bảnh mắt. Họ mua xỉ qua người đánh xe, người bắc vòi bán chui hay người ta hứng can dưới những cái bể tràn, chốc chốc lại một bọn rùng rùng xô ra, mỗi tay xách một xô bia, mặt mũi bừng bừng. Cả một quãng hè, la liệt người uống bia từ sáng sớm. Say rồi lăn ra đấy, lúc dậy lại uống, có khi qua ngày...
Tiểu thuyết Chuyện nỏ thần thế là gác lại.
Có thể Marich bận những chuyện khác. Marich cũng đương hung hăng ủng hộ cải tổ. Vẫn ở cái trụ sở mọi khi, tượng L. Tôntôi ngồi trên bệ giữa vườn táo suất mùa hạ sang mùa thu, những con chim sẻ, con bồ câu đến đậu trên đầu, trên vai ông. Nhưng mà trong nhà bây giờ người ta chia buồng, ngăn vách ra thành những hội nhà văn khác nhau. Marich là một tay hoạt động đả đảo kịch liệt hội Nhà văn Liên Xô. Marich thường nói lỡm: "Tôi bằng tuổi lão Goócbachôp". Có nghĩa là trong chiến tranh, Goobachốp cũng như thằng bé Marich lên mười đi tản cư vào Trung á với mẹ, lúc nào cũng thèm ăn đường. Marich hăng hái trong một hội nhà văn nào đó mới được lập ra. Marich không phải đảng viên cộng sản. Tôi cũng không bao giờ nghĩ anh có thể là một người có quan điểm macxit. Anh là người vui tính, nhìn cái gì cũng trò đùa. Nhà văn trào phúng thì chưa thấy đâu, nhưng trong cuộc đời thì Marich hay nhặt ra những triết lý khi nào cũng mỉa mai và buồn cười. Marich chỉ cho tôi một câu trẻ con viết phấn nguệch ngoạc ở vách thang máy: "Tao không bằng con chó. Con chó đứng đâu cũng đái, không ai cấm được” Khi xe buýt chạy qua phố nhà in báo Sự thật, Marich nói: “Cứ hôm nào tôi buồn quá thì tôi lại phải đi qua đây, có thế tinh thần mới lên được một chút".
Mất hút hy vọng in Chuyện nỏ thần. Không nghe Marich nói gì về nó nữa. Không phải cứ truyện ngắn truyện dài Việt Nam là được người dịch và nhà xuất bản vồ lấy, nhất là tình hình bây giờ. Tôi biết có tập truyện, có tiểu thuyết ta dịch ra tiếng Nga số in có 500 cuốn- in cho có đầu sách báo cáo. Cái lần Niculin sang bàn in một số tuyển tập của nhà văn Việt Nam, Thường vụ Hội nhà văn Việt Nam gợi ý bạn nên in nhiều hơn các tác giả đương thời và các tác phẩm đề tài mới. Niculin trình bày “cũng đã chú trọng, đã in nhưng các nhà xuất bản của chúng tôi quan tâm hàng đầu vấn đề tác phẩm với đối tượng bạn đọc".
Tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới còn là cả một quá trình mà trước nhất phải có được các nhà dịch thuật giỏi tiếng Việt, tiếng Việt văn học. Một nền văn học lớn như văn học Trung Quốc, những người có trách nhiệm đến bây giờ vẫn nhận xét văn học Trung Quốc chưa ra được thế giới bao nhiêu, bởi chưa có được lực lượng các nhà dịch thuật giỏi.
Buồn hiu hiu, trời thì lạnh, ước lượng cả lũ sẽ uống hết chỗ rượu này mà không mua thêm được. Chưa đủ liều, chẳng bõ chua miệng. Các bạn cử Marich và tôi đi lùng vôtca. Tôi đi với Marich, không phải tôi là chủ tiền mà bởi dẫu tôi không biết tiếng, nhưng có việc phải bàn thì còn có thể biến báo và có phải sắp hàng thì có thêm một nhân mạng. Cái cung cách mua bán ở đây vào cửa hàng, mua mấy lưỡi dao cạo râu, nắm ruột bút bi đều qua ba khâu nhà hàng ở ba nơi. Người bán ghi phiếu, người mua đem phiếu ra quĩ trả tiền, cầm phiếu trở lại chỗ lấy hàng. Ba chỗ đều phải xếp hàng. Đi với Marich, một buổi sáng chỉ mua được mấy cái dây mai so. Khuya rồi, chắc các cửa hàng có bán rượu đều đã đóng cửa. Người nghiện thì đã ở nhà uống cồn, hay là chui lủi ở những đâu, người rượu ở Matxcơva bây giờ như con chuột cống.
Marich bảo người lái taxi:
- Đi đâu à? Tôi đi tìm rượu. Anh giúp cho nhé.
Người taxi nhìn chúng tôi và nói:
- Bây giờ sang Mông Cổ may ra mới có rượu. Nhưng mà cứ đi xem.
Những dãy đèn huỳnh quang sáng trắng lần lượt tắt. Còn lại những ngọn đèn vàng khè. Người taxi có vẻ thạo và thương người đi săn rượu đêm trong lúc khốn khó này. Qua mấy phố, vào mấy cửa hiệu khác nhau, có cửa hàng đã đương đóng cửa. Nhưng không đâu tìm được rượu.
Một lát, xe vào một ngõ hẻm. Phía bên tường cao cao sấp bóng, nhận ra đương đi vào con đường cổ kính bên chân tường pháo đài điện Kremlin tối âm thầm.
Nhưng đằng xa còn có nhà mờ cửa sáng đèn. Xe đến trước một hiệu thực phẩm. Người lái đỗ xe, lại nhanh nhẹn bước vào trước. Một lát quay ra vẫy Marich theo.
Rồi lát sau trở ra, mỗi người ôm một bọc ni lông. Lên xe mở gói, bốn chai vôtka loại 75, ối giời ôi. Đã lâu mới trông thấy một người cầm mấy chai một túi rượu to như thế.
Người lái xe nói:
- Chẳng ai phải ngạc nhiên đâu. Goócbachôp cấm rượu, rượu chỉ bán có giờ, mỗi giờ một giá, nhưng quán này ông đến lúc nào cũng được. Cửa hàng này dành riêng ông ta mà.
- Goócbachôp đi mua rượu a?
Lái xe của ông ấy ra mua. Có thế cánh lái xe chúng tôi mới biết tận tổ quỷ chớ. Chúng nó nhầm tôi đi mua rượu uống khuya cho Goócbachôp. Các ông được làm Goócbachôp một lúc, oai không.
Ai cũng cười hê hê. Câu chuyện bịa tạc ba lơn của tôi Marich biếu anh taxi một chai. Chúng tôi chỉ uống tiếp cho khỏi nhạt miệng. Người taxi còn quay đầu lại hỏi to: “Mai các ông Goócbachôp có đi mua rượu không?”
Đêm ấy ngủ nhà Marich, khuya quá, không muốn về khách sạn. Tôi ở nhà Marich cũng đã quen, có khi mê đọc ở luôn năm ba ngày. Phòng làm việc của Marich với thư viện là một, tôi nằm ngồi giữa giá sách, nhiều sách Việt Nam xưa và nay. Có cả quyển “Năm Việt Nam so sánh âm lịch dương lịch", tôi tò mò lần đầu tiên tìm ngày sinh năm dương lịch của tôi. Khai sinh của tôi 16 tháng tám là năm âm lịch. Tôi được sinh ở làng, thời ấy chưa có lệ làm giấy khai sinh. Đến năm ra học trường tiểu học Yên Phụ mới đi xin khai sinh và lậu xuống ba tuổi cho không quá tuổi lớp bét. Mẹ tôi bảo: “Đẻ con chặp tối ngày 16 tháng tám ta, hôm ấy trăng tròn hơn trăng đêm rằm". Nhớ thế, giấy tờ nào về sau, cả khai sinh tôi đều lấy ngày tháng âm lịch như dương lịch và năm thân là 1920. Bây giờ nằm ở Matxcơva mới tìm ra tôi sinh ngảy 23 tháng chín dương lịch.
Nhà Marich căn hộ bé bỏng tầng bốn, có một buồng ngủ và buồng khách cũng là phòng làm việc. Buồng ăn và bếp cũng một. Bác sĩ khoa sản Ina Ivanôpna đi làm cả ngày. Tôi làm khách, buổi tối chỉ việc ngả cái giường gấp bên cửa sổ. Trên tường gắn mẩu gỗ chạm làn mây đuôi rồng sơn son thếp vàng nhặt được ở bãi cỏ trên đồi vườn đền Bà Triệu ở Thanh Hoá, cái lần đi với Simônôp vào tuyến lửa Vĩnh Linh. Cạnh tường đặt chiếc đôn sứ Bát Tràng mua ở chợ Đồng Xuân- kỷ niệm ê chề cho tôi. Tôi cắt nghĩa mãi, anh cán bộ đối ngoại đi phục vụ đoàn cũng không cho đem ra cân gửi máy bay, vì “nó là đồ cổ cấm xuất khẩu". Marich đã toan bỏ lại.
Chỉ gặp Marich ở nhà hàng và nơi chơi nhởi không thể hiểu được con người Nga có máu Do Thái, thông minh và sinh hoạt đạm bạc. Bữa chiều lắm hôm dùng xúp lạnh vừng đen, miếng bánh mata như chiếc bánh đa nướng. Có hôm tảng xương bò, xương cừu hầm xúp, buổi tối uống nước chè đen, bánh ngọt. Marich lấy một thìa nước mắm nhưng phết vào dăm bông hun khói nước mắm Marich đã mua trữ mỗi lần đi Hà Nội hay đôi khi quà của Nguyễn Tuân, chè xanh và nước mắm Cát Hải mà bà Nguyễn đã chưng cô lại, một lít nước chỉ còn được một lọ kem.
Chúng tôi không uống rượu. Bàn ăn chỉ có rượu những hôm thết bạn và thường rượu các bạn mang tới. Có những bạn đã đến Việt Nam nhiều lần, như Marich đã trải biết mọi thời tiết chính trị cũng như thiên nhiên đất nước ta và đã đến Hà Nội bằng nhiều đường khác nhau. Lại Misen phóng viên thường trú báo Tin Tức ở Hà Nội liền ba khoá mười hai năm rồi ở Hà Nội về đi thường trú ở ý đến tận bây giờ. Aliôsa- Simônôp con, nhà đạo diễn điện ảnh kể: “Năm ngoái, một chiếc tàu đại dương mới hạ thuỷ, mang tên bố tôi, tàu Simônôp. Tôi được mời đi chuyến khánh thành đầu tiên tàu Simônốp đi vòng quanh thế giới". Chỉ thương Vlat và Êmin, bao giờ gặp cũng hỏi: “Tôi có nên đi Hà Nội không? Bao giờ đi?”. Cán bộ Vlat ở bộ phận đối ngoại tiếng Pháp hay sang giúp ban tiếng Việt. Vlat nói: “Tôi đến Việt Nam, tôi sẽ lấy vợ và ở đấy không về Matxcơva nữa".
Vlat thì còn may ra, nhưng cái người chẳng bận chút nào đến công việc chúng tôi mà vẫn ao ước thế, ấy là Êmin. Êmin diễn viên kịch nói nhà hát thành phố. Không biết Êmin đóng thế nào, nhưng tôi đã xem Êmin vào vai Đôngkixốt. Anh mảnh khảnh, cao lêu đêu, làm Đôngkixôt chẳng cần độn vai, ủng cao gót.
Có điều Đôngkixôt đi chu du cứu nhân độ thế tưởng tượng, uống nước lạnh mà khen là mỹ tửu vua chúa ban cho, còn Êmin Đôngkixôt thì uống rượu cả lít.
Tối ấy, Êmin có vai. Từ chiều, chúng tôi đã tụ tập trong quán bên kia đường trước nhà hát. Êmin nốc như trút nước vào hũ, và chuyện tưng bừng. Marich dịch cho tôi nghe rằng anh ta đương kể về những vui chơi thuở bé ở Ôđetxa. Êmin cũng là con một bà dì, một ông bác nào đó của Marich. Lại những người quây quần ở một xóm Do Thái ngoài cửa cảng, ở đấy chỉ đi quá vài bước, vài giờ thuyền thì đã sang nước khác. Êmin kể chuyện ngày nào cũng kéo hội đi đánh nhau với trẻ con Nga, đánh nhau vui lắm. Bất chợt, Êmin xem đồng hồ rồi đứng dậy. Chúng tôi theo Êmin vào nhà hát. Êmin bước như không vào sau sân khấu. Nếu không cùng bàn rượu lúc nãy không thể biết Êmin vừa uống vô hồi kỳ trận. Thế mà kìa kìa Êmin đã ra, Êmin trong cánh gà bước ra, ông Đôngkixôt Êmin lênh khênh giữa sân khấu. Rượu hay không thì cái dáng Đôngkixôt cặp kè với thằng lùn đầy tớ Păngsô vẫn ngất ngưởng lêu đêu thế.
Êmin vẫn đi bước một quay lưng, ngửa mặt, mỗi tiếng Đôngkixôt quát Păngsô thì cả rạp rào rào vỗ tay.
Có lẽ vai kịch thành công được nhờ rượu lúc nãy. Tan hát, lại sang quán uống. Êmin nói “Vai hôm nay giỏi, được thưởng". Rồi xoè ra mấy đồng rúp giấy bạc mới.
Một năm kia tôi nhận được thư Marich báo tin Êmin đã mất vì bệnh phổi. Cây rượu Hoàng Trung Thông của tôi cũng mất bệnh phổi. Hay là cái rượu chỉ bổ máu, không bao giờ thành bệnh gan bệnh ruột.
Nguyễn Văn Bổng gửi tôi đem đi một bình hương bằng sứ mua ngoài chợ để đặt ở mộ Êmin. Nghĩa trang để Êmin cũng ở vùng trung tâm- một nghĩa trang vẫn nền nếp ngày trước. Những cây cổ thụ âm u như rừng. Đương mùa thu, màu cây và mặt đất vàng rượi, nhưng trên các lối đi được quét gọn ghẽ, người đến viếng nghĩa trang đông cả ngày chủ nhật. Những dãy mộ giản dị. Êmin nằm giữa hai hòn đá tảng, cái đĩa sứ in hình Êmin vẫn phảng phất ông hiệp sĩ Đôngkixôt trang nghiêm, say rượu cũng như không, thật cười ra nước mắt. Sắm sửa ra mộ, Marich đã sẵn một thẻ hương- ở nhà Marich lúc nào cũng trữ hương và trầm, Marich đã quen bà bán con bột giống và hàng hương bên cửa chợ Đồng Xuân, và chúng tôi đem theo cái bình hương mới của Nguyễn Văn Bổng. Marich kể mỗi chiều thứ bảy mẹ Êmin lại mang hoa đến mộ con. Chúng tôi ngồi bên mộ Êmin đến tàn nén hương. Marich cầm cái bình hương, đổ đất ra rồi bỏ vào túi xách. Marich nói cắt nghĩa: Để đây thì người ta lấy mất.
- Có thể gắn xi măng vào tảng đá này.
- Không được. Cái bình hương lạ mắt thế này có gắn vào tảng đá nó cũng nậy ra. Tôi đem về, khi nào đi viếng lại mang theo, thế mới chắc chắn và bền lâu được. Ông về nói với ông Bổng cách tôi giữ cái bình hương ông ấy cho Êmin như thế, chắc ông ấy bằng lòng.
Những chuyện mơ màng, bao nhiêu chuyện mơ màng.
Marich kể một chuyến ở Việt Nam về đã bay lên đậu Khatmanđu nước Nêpan chân dãy Hymalaya. Trở về, chỉ có một chuyện làm quà: ở kinh đô nước này có cụ Dir Narayan Chouhury, năm ấy được 138 tuổi- người đương già nhất hành tinh, ai đến Katmanđu nghe tiếng cũng đến chơi. Hai nhà văn đến thăm người có tuổi thọ để cầu phúc. Nhưng cụ lại muốn chết. Cụ nói: Chúa ơi, đời tôi dài quá. Chúa hãy nghe lời tôi nguyện, cho tôi về ngay nước Chúa". Nhưng rồi hỏi khách: “Các ông đã gặp đức vua chưa? Tôi ước được thấy đức vua ngồi tàu bay đến chơi với tôi”.
Những chuyện kỳ lạ nhưng vẫn chưa giang hồ bằng Marich với Acanôp ở Việt Nam về đã đáp một tàu đại dương chở chuối và dứa, cả tháng trời lênh đênh ven Thái Bình Dương lên cảng Vlađivôttôc, rồi sang tàu hoả về Matxcơva.
ở Hà Nội tôi quen M. Ilinki phóng viên thường trú báo Tin Tức. Misen ở tầng hai khách sạn Thống Nhất, cửa sổ trông ra bụi tre đằng ngà vườn hoa Con Cóc.
Bây giờ đi qua khách sạn đã tân trang lộng lẫy nhưng vẫn giữ cái cửa sổ màu vàng nhạt như thế. Năm đầu Misen ở một mình. Cô Nhã làm nhà phòng cho Misen ít lâu, rồi bị khách sạn đuổi việc. Phòng khách nhà Misen ở Matxcơva treo bức ánh cô Nhã phóng to. Tôi chỉ trông thấy và biết như thế thôi. Năm sau, vợ Misen sang và ở liền hơn mười năm, tới khi Misen về. Con trai Misen học lớp mẫu giáo trên đại sứ quán. Nó nghịch hơn quỉ giãy, mọi người làm ở khách sạn nói đùa: “Thằng bé này nó đốt khách sạn lúc nào không biết chừng”.
Và người ta cũng gọi đùa Misen là “quan năm tình báo". Misen cười, nói thêm, “Tôi là quan năm tình báo bằng giấy".
Tôi hỏi Misen:
- ăn thịt chó được không?
- Rựa mận thì cũng như sasơlich thịt cừu nướng.
- Hôm nào về quê chén thịt chó.
Misen đã xin được giấy phép xe ra ngoài Hà Nội.
Người nước ngoài ra khỏi thành phố phải có giấy, mà chỉ được phép từng chuyến. Nhà thơ Eptuchenkô ra Hạ Long. Chương trình có cuộc thăm ủy ban tỉnh. Nhưng giấy phép chỉ được đi đến khu nghì mát Băi Cháy, sang tỉnh thì phải có giấy khác. May thay, thoát được việc cập rập xin giấy, bởi vì chàng Eptuchenkô tự do chủ nghĩa suốt cả ngày ở biển cởi trần nằm trên mái thuyền ăn tôm hùm nướng chấm muối rồi mở đài và làm thơ. Anh ta xua tay “Tôi không muốn nghe con số. Cứ cho tôi ngồi trên mui thuyền thế này! ”
Lúc về Hải Phòng lại rắc rối khác. ở Hà Nội, Eptuchenkô đã gặp người chỉ huy một tàu đại dương của Liên xô. Vừa vào cảng, ông này mời Eptuchenkô có dịp thì xuống tàu nói chuyện thơ với thuỷ thủ. Đến đây mới được gặp nhà thơ lớn này, chứ ở Nga không phải dễ đã mỗi lúc gặp được. Qua Hải Phòng, người chỉ huy tàu chưa về mà Eptuchenkô thì không có giấy vào cảng. Eptuchenkô nói: “Tôi là người Nga không phải người Mỹ". Người gác cảng nói: “Tôi biết đồng chí là người Nga, nhưng chúng tôi cần giấy phép! ”. Thế là chúng tôi đành chào thua.
Chúng tôi về Nghĩa Đô, nhà anh Ba- anh em họ tôi và đồng tuế. Anh Ba giỏi làm thịt chó. Món anh nấu hợp với tôi, tôi ưa thịt chó mộc không gia giảm nước đường, bột ngọt. Chẳng bao giờ, chẳng bao giờ có nữa, Nguyễn Tuân, Phạm Văn Khoa và anh Ba về đất cả rồi. Những ngày tháng mười rét ngăn ngắt, Nguyễn Tuân, Kim Lân với tôi cùng anh Ba ra đồng bắt chuột rồi về nhà đánh chén. Các nhà văn đi xem bắt chuột thôi, còn thì hai ông bạn tôi uống rượu thịt gà. Đến hôm nay chỉ còn hiu hắt, nhóc nhách có tôi với anh Hạc- Kim Lân đóng vai lão Hạc trong phim truyện Chi Phèo của Nam Cao. Những tối vào quán Cây Sấu đi với nhạc sĩ Xuân Đào, Viện trưởng bộ Giao thông Vận tải con trai cụ Nguyễn được các em, các cháu láo lếu gọi “Anh Hạc, anh Hạc ơi, anh Hạc! ”
Nghe cứ vui ít buồn nhiều thế nào ấy.
Quả là Misen bằng những người Tây táo tợn nhất, cũng chỉ đả được rựa mận và chả chó, không ăn được thịt luộc. Hôm ấy cả vợ Misen, một cô bạn Nga và thằng nhóc nhà Misen. Rựa mận, thịt nướng, bún mắm tôm, bún sáo. Misen vui chén, bốc: “Tôi sẽ đề nghị khách sạn Thống Nhất làm món mới, thực đơn đề: Cừu nướng, cừu hấp Hà Nội. Tôi sẽ mời anh Ba ra chuyên trách bếp".
Với tôi, ăn uống cũng là cái thú thưởng ngoạn. Quán Grudia thịt cừu nướng. Tranh Pirômanivili vẽ hoành tráng hầm quán ăn phố Putordi, thịt cừu treo, ông lão vác bìu rượu, những sừng rượu. Quán Praha xúc xích hun khói... nhạc Tiệp. Cũng như vào quán Bắc Kinh ngự thiện nơi cung điện choáng lộn. Bây giờ mà “thịt cừu Hà Nội” của Mixen có tên trong thực đơn khách sạn, cũng hay.
Có tiền thì nhung nhăng, nhưng mấy khi có tiền.
Theo cách trả tiền nhuận bút ở Matxcơva, nhà xuất bản trả công cao người dịch, bởi người dịch là người lao động truyền đạt áng văn thơ tới bạn đọc. Tôi được một nghìn rúp về Dế mèn phiêu lưu ký, trong khi Marich ăn mười nghìn. ấy là quyển sách in số lượng lớn. Và không phải cứ tác phẩm Việt Nam in ở nước ngoài thì nhất thiết được nhuận bút. Không có đâu. Chỉ vì Việt Nam không có chân hội bản quyền quốc tế. Mà ta cũng không nên vào. Cả chục năm, chưa chắc đã có nước in một tác phẩm Việt Nam, mà một năm các nhà xuất bản nước ta in hàng trăm, hàng trăm sách dịch. Thế thì người ta sẽ mở văn phòng ở Hà Nội, ở Sài Gòn để thu tiền bản quyền. Chẳng chơi. Trước kia, các nước xã hội chủ nghĩa đưa nhuận bút sách cho ta là vì tình, không phải vì luật. Một nhà xuất bản ở Thái Lan in Dế mèn phiêu lưu ký, ở Nhật in Truyện Tây Bắc. Tôi nhận được mười quyển sách biếu và thư cảm ơn trân trọng và “lấy làm tiếc không được trả bản quyền ông vì...” ấy thế nhưng vẫn có những ngoại lệ lắt léo. Nhà văn Việt Nam nào đó có bài, có sách in ở nước ngoài, một ngày kia nhận được nhuận bút qua bưu điện hay là có người đưa đến tận tay. Nhà xuất bản Aube ở Pari mới năm ngoái 1996 in Tuyển tập Truyện ngắn Việt Nam đã đưa sách và tiền đến Hà Nội trả các tác giả. Cũng nhà xuất bản này cũng mới năm ngoái in Dế mèn phiêu lưu ký, không hỏi tôi, không một lời cám ơn tôi và cũng quịt luôn tiền và sách biếu. Không lơ đãng đâu, họ có thủ đoạn của họ cả.
Và cũng lại vô khối những ngông nghênh ngang trời của người cầm bút mà tôi biết, các nước khác thôi, tôi chuyện cho sướng tai. Cái năm tôi đến nhà xuất bản Văn học ở Matxcơva nhận tiền bản quyền Tuyển tập Tô Hoài in lần thứ nhất. Trong chuyện qua lại, được biết nhà xuất bản đợi nhà văn Hêminuây sang lấy bản quyền, ông ấy đang xem đấu bò tót ở Tây Ban Nha. Rồi Hêminuây trả lời ông sẵn sàng đến Matxcơva, đề nghị nhà xuất bản mời cùng đi với ông một người bạn của ông đấu bò tót, ông chịu tốn phí. Nhà xuất bản đã không được phép mời như vậy. Hêminuây không đi Matxcơva. Lại như G. G Mackêt đã bỏ tiền đi thăm Việt Nam. Đi chơi thôi, mà về G. G Mackêt cũng viết được một phóng sự dài về Việt Nam. Vợ chồng con cái đáp tàu biển từ Thái Lan sang. Đi xem hát, thằng bé mười tuổi thích cái sáo. Khôi Viên cán bộ hội Văn nghệ Hà Nội dẫn nó đến đoàn chèo Hà Nội nghe thổi sáo và mua cho nó một cái sáo. Mackêt kể: Nhà xuất bản ở Matxcơva đã mời ông đến lấy nhuận bút tiểu thuyết Trăm năm cô đơn. Thư ký của ông xem lại tập sách dịch, thấy một số đoạn bị tước bỏ. Mackêt đã trả lời phản đối nhà xuất bản lược dịch không đến lấy nhuận bút và huỷ bỏ chuyến đi Matxcơva. Mackêt cũng có một ý muốn thú vị. Ông sẽ tặng giấy, nếu ta in tiểu thuyết Trăm năm cô đơn. Chỉ yêu cầu không bỏ đoạn nào. Bấy giờ sau 1975 mới một hai năm. Hơn hai mươi năm đã qua, mọi chuyện vào quên lãng..
Thỉnh thoảng qua lại Matxcơva nhận được đôi chút bổng lộc như thế. Các bạn còn nghĩ ra cách lấy tiền nhuận bút sao cho thuận tiện. Bởi ở Matxcơva đi lấy tiền sách cũng lỉnh kỉnh tương tự mua hàng. Trong tuần, có những buổi trả tiền nhất định. Đứng trước chấn song lưới sắt, đưa hộ chiếu qua cửa mắt bò, nhặt cái bút bi đã buộc một đầu dây vào góc bàn, ký ngoằng một chữ. Những tờ giấy bạc và đồng xu lại đưa ra qua cửa mắt bò. Làm thế nào chỉ đi qua cũng có thể có tiền ngay được. Ira đã mua cho tôi hai sổ tiết kiệm, cái đứng tên Marich, cái thì tên Ina Dimonina. Tôi có tiền nhuận bút sách hay bài báo, nơi lấy tiền gần nhà bạn nào thì bạn ấy nhận hộ. Sáng kiến gửi tiền sổ tiết kiệm cũng gần gũi với thói quen người thành phố bấy giờ. Người ta có tiền, cả tiền lương cũng gửi tiết kiệm, thường tiêu đến đâu lại đi lấy.
Năm 1990, tôi còn một sổ tiết kiệm đứng tên Marich. Trong sổ chỉ có một rúp- một cách giữ để khỏi mua sổ mới. Marich hỏi tôi: “Ông lấy một rúp ở sổ ra, giữ làm kỷ niệm Liên Xô” Bây giờ cả nghìn rúp mới mua nổi mẩu bánh mì gối, tôi giữ cái thương đau ấy làm gì”. Tôi bảo Marich đốt cái sổ tiết kiệm ấy đi..
Kể ra thì từ lâu sổ tiết kiệm đã cạn kiệt tiền. Chỉ còn vài ba đồng, mà anh em mừng lại gặp mặt nhau thì đông đủ sẵn. May gặp khi nhà phóng viên Misen có ở Matxcơva. Làm thế nào cho có tiền, mọi người tính kế. Tôi được đề nghị viết một bài “đọc sách” trên báo Sự Thật. Marich đi lĩnh được một trăm rúp, vừa đủ tiền. Tôi “đọc sách” một quyển sách chưa đọc bao giờ hồi ký Dải đất hẹp của Brơgiênep!
Misen đã hết nhiệm kỳ sau cùng ở Việt Nam, bây giờ thường trú ở Rôma. Trong cuộc chén Misen doạ sẽ tìm cách cho tất cả bọn ngồi đây đi ý chơi. Rượu hẹn thế chứ chẳng cơn cớ nào, mà Misen tiền đâu.
Thế mà Misen đã có mặt ở Sai Gòn ngay trong năm 1975. Có lẽ vì cả mười mấy năm ở Hà Nội, việc của Misen, bài viết của Misen tất cả tinh thần vì sự nghiệp giải phóng miền Nam Việt Nam, bây giờ Misen phải đến, Misen phải tận mắt nhìn thấy, phải bước chân trên thành phố giải phóng, Misen đã từ Rôma bay sang Việt Nam.
Tình cờ làm sao, tôi gặp Misen ở Sài Gòn. Chúng tôi đưa nhau đến một địa chỉ đặc biệt của thời cuộc, quán ăn của luật sư thượng nghị sĩ Phước Đại. Bà nghị sĩ và thày cãi có cỡ ấy mở quán nhậu- quán nhậu vừa khai trương đã có tiếng. Bà Phước Đại hàng ngày đi chợ mua thức ăn và phụ bếp. Khách vào phòng ăn ngồi giữa những giá sách đóng gáy mạ vàng, có lẽ những bộ luật các nước trên thế giới. Những cô thiếu nữ bưng bê mà chủ nhân giới thiệu là các cháu trong nhà, những sinh viên luật, những luật sư mới tốt nghiệp. Rồi những năm về sau bà Phước Đại càng có tuổi càng đẹp lão và có duyên trong mọi công việc, ly kỳ và mới mẻ hơn cả thời kỳ cái quán hàng mà tôi nghe đồn Tổng thống Pháp Mittơrăng thăm Sài Gòn cũng đến đây nhậu. Có lúc muốn làm thiếu nữ, và đi thi nói tiếng Pháp, giật giải nhất, được thưởng một chuyến đi thăm Pháp- đất nước mà bà đã ở cả thuở thiếu thời. Bà đã đưa một đội các lão bà thái cực quyền và đồng ca của câu lạc bộ ngoài trời vườn Tao Đàn ra giới thiệu với câu lạc bộ ngoài trời hồ Hoàn Kiếm. Và không biết ai lĩnh xướng, bà hát, bà hát...
Hơn hai mươi năm trời, vẫn con người bay nhảy yêu đời Misen. Misen và tôi ngồi quán Phước Đại đến khuya, khách đã vãn. Misen nói với Phước Đại chủ nhân: “Thưa bà, nếu có thể được, xin bà cho xếp những chồng sách luật xuống đây kê làm giường, làm gối. Nằm trên một núi trí thức thế, chắc ngày mai chúng tôi sẽ thông minh hơn".
Lâu lắm không gặp Misen. Nghe tin mẹ anh đã mất. Thằng con như quỉ sứ làm loạn khách sạn Thống Nhất năm xưa đã vào đại học từ lâu. Lại biết chuyện không vui lúc này Misen bệnh dạ dày, phải kiêng. Misen mà bỏ rượu thì còn đâu là Misen. Báo Tin tức vẫn ra. Misen có còn làm việc hay là bị cánh cải tổ đuổi đi rồi?
Còn đến bây giờ là đời vợ thứ ba của Marich. Không phải Marich bỏ vợ mà Marich mất vợ, mất cả nhà. Trở về mối tình đầu Marich với Ira, hai người lúc nào cũng quyến luyến trân trọng đến với bạn bè. Dự tiệc nhà ông Simônôp, ăn cơm Grudia cụ Nicôlai nấu, đến sinh nhật Sôlukhin hàng trăm khách. Sôlukhin đã viết bút ký Bưu thiếp Việt Nam rất thơ, mà một lần ở Hà Nội tôi đưa vào hiệu nem Cát Tần ở phố Hàng Cót.
Thành phố đương qui đấu tư sản, nhà hàng lơ lửng hé cửa nghe ngóng. Trên bàn trơ trọi mấy chai bia, chẳng thấy cái cốc nào. Chủ hàng thì đương sợ bạt vía, khách thì về khoe cả trong sách là được uống bia bằng bát kiểu phương Đông.
Nghỉ hè, Marich đưa Ira đi chơi Buđapet. Oách quá. ừ anh ả đã cho cô ả thấy được cái đáng yêu của nhà văn cũng đi du lịch nghỉ mát mùa hè, như ai. Đến khi tôi trở sang Matxcơva đã thấy Marich ở một mình.
Thì ra chuyến chơi nước Hung, gã đại lý hàng không Hungari ở Matxcơva đã quyến được lra. Đi nghỉ trở về Ira đòi ly dị. May mà cô ấy lấy chồng nước ngoài giàu có nên Marich lần này chưa mất nhà. ở Liên Xô kiện ly dị thì cả đôi bên đều bị phạt nặng và toà án thường xử bênh phụ nữ. Đồ đạc trong nhà phải chia đôi. Cô ấy lấy một số tranh và đĩa sơn mài của Sỹ Ngọc, Nguyễn Sáng mà Nguyễn Tuân và tôi đã tặng Marich. Marích nói: “Tôi làm vẻ cao thượng, không cần gì. Cứ để nó lục lọi. Sau xem lại mới biết nó ăn cắp của tôi nhiều quá, tất cả đĩa sành, đĩa sơn mài mấy tập ký hoạ giấy đó tôi đi Việt Nam các bạn cho".
Cô Ira ấy vỡ cái mộng lấy chồng nhà văn, dẫu cho họ đã từng yêu nhau. Cái cô thư ký kế toán này đã làm con tính: nhà văn trẻ rồi thành nhà văn lớn, nhà hai buồng rồi nhà bốn buồng, sáu buồng có nhà nghỉ, có xe riêng, như các ông Simônôp, Mikhancôp...
Nhưng đã mấy năm rồi vẫn chỉ tàng tàng, những sang trọng phú qui cứ bay phất phơ như diều trên trời. Còn cái chàng gà tồ Marich thì mất tiền đưa vợ đi chơi, lại để mất vợ lúc nào không hay.
Marich ngoài ba mươi tuổi đã lâu rồi. Cái trán hói đến đỉnh đầu không còn cần phải vắt cái đuôi tóc lên che bớt. Chưa đến nỗi lụ khụ nhưng phải một quả đắng thế cũng đau điếng, phờ phạc nhiều rồi, già rồi. Cô sinh viên Tania làm luận án tốt nghiệp bằng tiểu thuyết Miền tây của tôi. Tania nhờ người dịch là Marich giúp đỡ Một lần đến làm việc khuya quá, đón taxi về không được. ở phố nhà Marich không khuất nẻo mấy mà đêm gọi taxi rất cực. Những năm ấy, taxi Matxcơva chưa có điện thoại đón đưa khách như bây giờ ở Hà Nội.
Tania phải ngủ lại. Tania cầm chìa khoá buồng làm việc của Marich rồi khoá trái. Marich bảo Tania: “Tôi sắp chết rồi, cô khoá buồng hay cô mở buồng cũng thế".
Nhưng Marich không chết. Marich chỉ bị một đòn chí tử. Đến khi lại người, lại được xơi đòn khác. Một cuộc tình sét đánh. ở một đám cưới trên Lêningrat, Marich làm quen với Ôcsana. Mươi hôm sau, nàng sách vali xuống Matxcơva ở với chàng.
Ôcsana kém Marich cả hai chục tuổi. Người đẫy đà, khuôn mặt không ra Trung á, không ra Nga. Ông nội cô ấy là người Trung Quốc. Marich nói người Trung Quốc ở đâu chẳng có, đội tự vệ đỏ bảo vệ Lênin những ngày đầu Cách mạng Tháng Mười cũng có hai người Trung Quốc đấy thôi.
Cuộc tình mới êm đềm. Ôcsana sinh cho Marich được một con trai, thằng Alêchxanđơ. Alêchxanđơ kháu khỉnh đáng yêu như con chó con. Bà nội ở Mônđavi về chơi luôn. Bà ngoại trên Lêningrat thì xuống ở hàng tháng rồi ở hẳn. Tôi cũng được làm quen với bà ấy. Bà nhỏ nhắn, nhẹ nhàng, chắc khi còn trẻ bà đẹp hơn cô con gái. Rồi mới biết ngày trước bà là nghệ sĩ múa. Bà nói là nhớ con gái, nhớ cháu, bà qui con rể, bà phải xuống ở với chúng nó. Bà thành người hộ khẩu Matxcơva. Nhà có một buồng, nhưng cái vui là chính.
Hai con mắt Alêchxanđơ lay láy hệt bố và mới đầy năm mà vầng trán to đã vằn ngang một vệt mờ mờ, chắc rồi lại hói sớm như bố. Nhưng cái vui với trẻ thơ cũng không hẳn làm êm thấm được trong nhà. Dần dần nảy ra những rắc rối, mà tất cả bởi bà mẹ vợ.
Ôcsana không có việc làm, bây giờ mới đương học đánh máy. Bức tranh tiền bạc tiêu sơ trong nhà thì cũng tương tự như cái hồi Ira. Mẹ vợ có lương hưu tự cho là không phải nhờ con cái. Nhưng nhà có con nhỏ thì tốn kém lắm không thể tính trước được. Mỗi tháng một thứ tã lót, xống áo và đồ chơi- con cái người ta, ngồi xe dạo vườn hoa quần lành áo tốt thế nào thì nhà mình cũng phải thế ấy. Mà tiền bạc của Marich lúc này có phần còn khó khăn nhiều. Marich vẫn chỉ là người làm, lĩnh lương tháng. Lại đã thôi việc ở hội nhà văn, sang tạp chí Văn học nước ngoài với hy vọng gần gũi hơn với giấc mộng văn chương.
Đến năm tôi gặp lại Marich thì anh chàng đã mất nhà, mất luôn cả vợ con rồi. Câu nói bông lơn của Marich có thể thấu suốt mấy năm gian khổ vừa qua: Họ có mưu đổi Lêningrat về Matxcơva, thế là Trung Quốc đã về Matxcơva chiếm nhà tôi, ông ạ". Ly dị xong, Marich phải ra khỏi nhà. Alechxanđơ còn nhỏ, ở với mẹ. Tháng tháng, Marich đem tiền ra bưu điện gửi cho Ôcsana nuôi con, như toà án đã qui định.
Nghe Marich kể thế. Và lại bao nhiêu năm đã qua, Marich bây giờ ở với bác sĩ khoa sản Irina. Bác sĩ Irina Ivanôpna goá chồng có một con trai. Họ gặp nhau thế nào không biết, tôi cũng không bao giờ hỏi. Marich ở nhà của Ina, tầng hai cạnh ga cuối xe điện ngầm ra ngoại thành, cũng gần sân bay nào, ngày đêm máy bay thường qua. Marich bảo vùng này có tên ngày xưa là rừng Vua Săn Cọp.
Lắm lúc nhìn cảnh mà ái ngại. Marich xuống hẻm trước nhà nghịch đá bóng với thằng con trai Ina, trong khi thằng Alêchxanđơ thì chơi bóng ở đâu, với ai. Những năm sau, mẹ Marich yếu, nghỉ việc, từ thành phố Kisinhiôc ở Mônđavi cũng về đấy. Rồi bà ốm, cô con dâu săn sóc mẹ chồng cho đến khi mất.
Marich lại thôi việc ở tạp chí Văn học Nước ngoài. Marich muốn được hoàn toàn tự do, dẫu cho biên tập tạp chí cũng ít phải khuôn phép giờ giấc. Marich đã là hội viên hội nhà văn ngành dịch, từ dịch thuật đến sáng tác, Marich vẫn theo đuổi mơ ước mà Ira mối tình đầu và Ôcsana đều đã tan mộng nhà văn nổi tiếng.
Nhưng với bác sĩ Ina thì đã êm đềm dài dài, họ không còn ở tuổi loăng quăng.
Việc mà Marich nghĩ bao giờ cũng giản dị nhưng thực thì công phu, kiên trì. Dịch văn học Việt Nam, lấy đấy làm chỗ đứng cho tương lai nhà văn trào phúng sẽ vang lừng thế giớl. Thỉnh thoảng, Marich lại khoe một truyện đả kích bóng đá tỉnh lẻ, một truyện diễu cợt và khinh bỉ một giám đốc nhà xuất bản văn học như chỉ ham chơi ngựa thi. Đến năm không còn Liên xô, các thứ in ấn loạn xạ tràn lan trong lúc “cải tổ”, tôi được Marich tặng một tập truyện ngắn trào phúng khoảng trăm trang, in ở Matxcơva hẳn hoi. Tôi đã nhờ dịch in truyện ông giám đốc văn học chơi ngựa thi trên báo Người Hà Nội.
Phạm Vĩnh Cư là anh em kết nghĩa của Marich, từ khi Cư còn ở tuổi thiếu niên. Cư học phổ thông ở Matxcơva. Marich có hai bạn trẻ thân thiết là Cư và Tước. Tước học khoa báo chí đại học Lômônôsôp. Tước về nước, hồi đầu Marich có dịp đến Hà Nội, Tước đều gặp Nhưng đến khi có chuyện canh chừng thằng bệnh xét lại, Marich vào khách sạn Thống Nhất phải xách va li và làm thủ tục lấy thì Tước cũng biến. Không bao giờ Marich nhắc đến tên Tước nữa. Chỉ có Cư vẫn bền chặt tình nghĩa đến bây giờ. Cư cho tôi biết Marich dịch cẩn thận, nhưng chậm, thêm cái tính rề rà bẩm sinh. Marich mua được cái bàn viết cũ mà Marich nói bàn này từ thời Nga hoàng, vua Nga đã ngồi". Vua Nga đâu không biết, nhưng anh ta cứ ngồi tha thẩn cả ngày không được một hột việc, dã đôi phen khiến bác sĩ Ina phải mất công đi các nhà xuất bản khất hạn nộp bản thảo dịch cho Marich.
Ông nhà văn tự do và thất nghiệp, thế là Ina phải gánh mọi việc trong nhà. Ina quê ở một tỉnh trên sông Đông. Hầu như anh em họ hàng nhà ấy đều làm nghề y Nghề này ở tỉnh nhỏ còn lắm bổng lộc. Nhờ vậy, dưới quê thường có gửi đỡ đần. Rồi lại lâu năm trong nghề, Ina đã là chủ nhiệm khoa sản một bệnh viện lớn. Ina mới tậu một chiếc Matda hàng ngày lái đi làm. Marich bảo tôi: “Ông nên cố gắng có dịp trở lại đây mà ngồi xe của bà ấy. Tôi thì không bao giờ đi xe phụ nữ lái. Tôi sợ chết”.
Bố mẹ thì già đi, trẻ con mỗi năm mỗi lớn. Alêchxanđơ của Marich đã vào đại học, bác sĩ Ina đưa nó đi học y. Thằng bé mê bóng đá, đương sinh viên đại học y đã làm phóng viên tường thuật bóng đá trên đài thành phố. Thằng con riêng của Ina thì tết nghiệp khảo cổ, bây giờ có khi nó đi dạy ở Ixraen, khi sang Mỹ như thằng con trai anh vật lý Bôrit trên Lêningrat. Từ lâu, vợ chồng Marich đã vào ở trung tâm, cái nhà gần ngoại ô hay có máy bay bay qua nửa đêm, thằng khảo cổ ở.
Cho tới nay, vợ chồng Marich đã đi Mỹ mấy lần ở chơi hàng tháng. Không phải là theo thằng con Ina sang Mỹ có lớp giảng bên ấy. Mà vì cùng lứa tuổi học với Marich ở Ôđetxa, Marich có mấy người bạn thân như Bôrit vật lý. Bôrit bây giờ có tiếng, ở biệt thự trên Lêningrat, nhưng cũng chẳng có mấy tiền. ở nhà Marich, tôi bổ quả dứa đem quà ở Hà Nội sang, vợ chồng Bôrit nhặt vỏ dứa ăn hết cả mắt. Anh bạn Ilya cũng tốt nghiệp vật lý như Bôrit nhưng không tìm được việc, phải di cư đi nước ngoài. ở Mỹ, Ilya chỉ làm chuyên môn, nhưng đã triệu phú. Anh về nước chơi nhiều lần. Tôi có nghe điện thoại anh ấy chúc sức khoẻ và gặp ở nhà Marich.
Marich cho tôi xem tập ảnh vợ chồng Marich chơi nhà bạn bên Mỹ. Thôi thì buồng khách, bể bơi, vườn bên sườn núi và bãi cát giả, nhà có ba người thì ba ô tô...
Mới đây, tôi viết thư khoe với Marich tôi đi Quảng Châu về. Marich lại đùa một cách mỉa như thói quen: Vợ chồng tôi lại sắp đi chơi nước Mỹ. ừ, những người danh tiếng như chúng ta thì nhất định phải đi du lịch các cường quốc trên thế giới".
Cũng như Misen, khi Sài Gòn giải phóng, vợ chồng Marich đã cố tới Việt Nam. Bác sĩ Ina kể lại chuyẽn đi huy hoàng, kỳ ảo đến đôi tôi nghe dịch lại không tưởng đấy là những chuyện Việt Nam. Ina thích nhất cái áo dài và bãi biển Vũng Tàu. Tôi nói cho Ina sửng sốt tiếc: “Trời ơi! Nếu cô được đến Đà Lạt nữa thì những cái đẹp kia xếp đằng sau hết”. Ina tin như vậy, ước sao có ngày trở lại.
Nhưng Marich không thể hồn nhiên thế. Bao giờ trở lại, khi nào lại gặp nhau. Tình bạn hơn ba mươi của chúng tôi phút chốc bồng bềnh như mây nổi ngang trời. Việt Nam và nước Nga bây giờ cũng thường tình đậm nhạt như mọi nước. Sách báo Việt Nam, - ngoại ngữ duy nhất mà Marich thuần thục, Marich không có tiền mua vì đắt và hiếm. Thỉnh thoảng cũng trông thấy sách bán ở các ốp, các chợ người Việt, nhưng không mua nổi. Trước kia, Marich có nhiều báo Văn Nghệ và nhận cả báo Nhân Dân hàng ngày. Tôi thì hàng tuần báo tiếng Pháp Tin tức Maxcơva và hoạ báo Liên Xô tiếng Việt. ấy thế mà tình cờ ma quỉ làm sao, năm 1996, tôi lại gặp Marich ở Hà Nội, trong phái đoàn văn hoá nước Nga đến Việt Nam. Bởi vì Marich có bạn trước kia là phó giám đốc trường viết văn Gooky, bây giờ là bộ trưởng văn hoá. Marich cũng là giảng viên và phụ trách sinh viên Việt Nam trường ấy, chuyến đến Hà Nội này đã được bạn cánh hẩu kéo đi ké. Marich ở một nhà trọ mini trong hẻm phố Hai Bà Trưng.
Mấy năm mới lại gặp, không nghĩ là còn gặp. Marich đã đến đây trải mưa trải nắng, khi thì tấp nập cả ngày khách gõ cửa, khi thì vắng teo không một ai bén mảng, nhòm ngó, và bây giờ thì có lẽ nhiều người đã quên hẳn rồi. Xa quá, khác quá, không dưng chỉ còn có ngậm ngùi. Marich cũng đương một nỗi niềm ấy, Marich nói:
- Ông ạ, chỉ có tình nghĩa thì bao giờ cũng thế.
Chúng tôi đi vẩn vơ trong thành phố chẳng có mục đích gì, cũng không phải đi lùng xem các hàng đồ cổ thật đồ cổ giả như mọi khi Marich hay tìm kiếm thế mà cứ muốn tha thẩn mãi. Buổi trưa, Marich với Vương Trí Nhàn và tôi đến quán nhậu còm Cây Sấu có cái cầu thang leo lên quanh co như tới đỉnh núi, như những gập ghềnh trong gặp gỡ của cuộc đời chúng tôi.
Vương Trí Nhàn lần ấy ở Matxcơva đưa tôi đến cái hầm xưởng vẽ của hoạ sĩ Yuri chồng Ina Dimônina.
Kể ra những người quen và thân ở Matxcơva của tôi chỉ có Marich, cô Ina và vợ chồng Niculin- Nicôlai Ivanôvich Niculin và Ivêta Glêbôva, Glêbôva đã dịch truyện ngắn Truyện Tây Bắc của tôi. Các bạn đều nói và dịch giỏi tiếng Việt. Và đã quen nhau lâu, thuộc mỗi người một tính. Niculin không đùa, nhưng lại mê và dịch thơ Hồ Xuân Hương, truyện trào phúng Nguyễn Công Hoan. Ina thay Marich ở ban đối ngoại khi Marich sang tạp chí Văn học nước ngoài. Ina học tiếng Việt ở Matxcơva rồi sang Hà Nội thực tập. Hà Minh Đức đưa Ina đến nhà tôi. Tóc vàng sáng như ánh nằng, sóng tóc các cô gái Lêningrat. Thế mà lần ấy đón tôi ở sân bay tóc cô đen óng ả. Tôi không nhận ra, tưởng là vợ người lái xe. Ina tức lắm. Nhưng về sau biết tôi hay quên mặt người, cứ sắp gặp ai, Ina phải rỉ tai nhắc tên trước.
Ina gắt gỏng, khó tính, các nhà văn nữ Việt Nam sang thăm Liên Xô đều ngại. Nhưng Ina nhanh nhẹn, thật được việc. Mọi người vừa phàn nàn lại cũng vừa bằng lòng cô. Cô dịch văn học Việt Nam. Cô dịch cũng nhanh như mọi công việc. Marich loay hoay cặm cụi tra cứu và viết cả năm chẳng xong bản thảo dịch Thánh Tông di cảo thì Ina đã dịch và đưa in cả hai tiểu thuyết của Nguyễn Minh Châu và Ma Văn Kháng. Nhưng Ina vẫn chưa được là hội viên hội nhà văn. Điều ấy khiến Ina bực bội, cáu kỉnh. Khi Ina lấy Iuri, có điều kiện sinh sống dễ chịu, Ina đã bỏ việc ở đối ngoại, chán cái hội Nhà văn Liên Xô lắm rồi- Ina bảo thế.
Tôi cũng còn đi với Ina nhiều chuyến khác. Tôi chứng kiến tính cứng cỏi của cô và cảm thông những đau khổ trong đời tình của cô.
Ina hay nhăn nhó bẳn gắt, đáo để mồm miệng đến như Xuân Quỳnh cũng phải chịu. Có những việc với tôi cô cũng tự ý làm băng băng. Hội nghị về ăn học á Phi họp ở Tăcken, Ina đi cùng. Thông thường các hội nghị quốc tế họp ở nước nào thì các đại biểu sở tại được đến đông. ở các nước Trung á, nhà văn các dân tộc Udơbêch, Tắcdich, Cadắc, cũng nhiều nhà văn Nga gốc Đức, Nhật, Triều Tiên. Trong chiến tranh thế giới vừa qua, nhiều người Đức ở sông Đông, người Nhật và người Triều Tiên ở Viễn Đông đều phải di vào ở các vùng sâu trong Trung á. Đã mấy chục năm qua, các miền định cư ấy đã trở nên những nông trường, nông trang giàu có ở lẫn với các dân tộc thiểu số. Tôi cũng thường gặp ở câu lạc bộ Hội Nhà văn những nhà văn khuôn mặt Nhật mà quê ở Sveclôc, ở Iêccut, ở Nôvôxibiếc...
Trong các đại biểu vào hội trường, có một người thâm thấp, bộ ria cắt ngắn, mắt một mí, xách cặp và đội mũ lông phảng phất có thể người Uyagua, người gốc Nhật. Nhiều đại biểu còn tụ tập ở các sảnh quanh hội trường. Nhà văn Aimatôp bước lại, bắt tay tôi muốn nói gì. Lúc ấy Ina vừa đi đâu ra ngoài. Cái người thấp, đội mũ lông để ria trông như Nhật cũng bước lại và nói với tôi:
- Chào anh. Tôi là Lê Vinh Quốc. Tôi có thể dịch hộ anh.
Tôi không quen Lê Vinh Quốc. Nhưng tôi đã đọc trên báo ở Hà Nội của anh bài thơ “thi sĩ máy” hay “thi sĩ gỗ” thế nào đó, tôi không thuộc. Lê Vinh Quốc sang học bên này rồi ở lại.
- Vâng, nhờ anh hỏi giúp ông ấy...
- Aimatôp mời anh vào chỗ ban thư ký có tài liệu tiếng Pháp. Tôi xin đợi anh ở đây.
Tôi vào lấy tài liệu rồi trở ra chỗ lúc nãy. Không thấy Lê Vinh Quốc. Mà cô Ina nhỏ nhắn, tươi cười của tôi đã đứng đấy.
- Cô có thấy một người Việt Nam...
- Lê Vinh Quốc.
- Phải.
- Tôi đuổi nó đi rồi.
- Sao cô lại đuổi khách của tôi?
Ina không trả lời câu hỏi, mà hỏi lại tôi một câu rất tinh và ác:
- Ông hỏi thật hay hỏi đùa?
Rồi lại nói:
- Tôi ghét những người ý kiến khác lại trốn đi ở nước khác.
Ina có hai chị em, đều sinh ở cảng Hacbin bên Trung Quốc. Bô Ina là thợ máy hàng không- anh hùng không quân xô viết, nhiều năm ông làm chuyên gia trong hồng quân Trung Quốc. Chị của Ina dạy học. Mẹ Ina làm báo đã nghỉ hưu, bệnh áp huyết. Trước kia ở Lêningrat, khi tôi quen Ina thì cả nhà đã về Matxcơva. Cụ thợ máy tàu bay gày yếu nhưng vui lắm. Có khi chơi nhà khuya, trời lạnh, cụ lấy quần áo ấm cho mặc thêm rồi đưa tôi về khách sạn.
Tôi đi với Ina, đoàn tàu Mũi Tên Đỏ, tám trăm cây số một đêm Matxcơva- Lêningrat, mờ sáng đã trông thấy mùa xuân về nở hoa vỡ ra đậu trên tảng băng trôi mặt sông Nêva. Nhưng tôi nhớ nhất chuyến đi Mông Cổ. Chúng tôi ở nhà khách trong núi Chúa, hoàng hôn xuống trông ra đồng cỏ mênh mông, những con hươu trước mặt đứng nghển đầu lên trên ngọn cỏ tranh, ánh trăng lẫn bóng với người. Ina kề chuyện nỗi buồn thân phận và những cuộc tình của mình.
Ina làm việc thay Marich được ít lâu thì lấy chồng, cũng lấy chồng muộn. Lêon người Acmêni về Matxcơva học rồi ở lại. Lêon học triết học, tốt nghiệp đề tài về Giăng Pôn Sac. Trời ơi, những đề tài Puskin, Giăng Pôn Sac, L. Tônxtôi cả nghìn người các nước theo đuổi thì ra trường còn nhoi lên kiếm ăn làm sao. Tất nhiên, ở nhà ăn bám vợ. Lêon có bộ râu rậm, mặt ngơ ngẩn vẻ triết nhân. Chỉ được cái uống rượu khoẻ. ở khách sạn Nước Nga đồ sộ anh ấy đã uống với Hoàng Trung Thông đến độ chúng tôi không tìm thấy cửa ra. Ina khó nhọc lắm vì nhà triết học ẩm ương này. Ina than thở: “Tôi đi làm, tôi dịch sách, tôi làm ra tiền, nó không kiếm nổi một đồng rúp. Nó bắt tôi ngày ngày tỉa râu cho nó và phải làm bếp. Nó bảo ở nhà này nó mới là trí thức". Đêm Mông Cổ, đêm thảo nguyên như trở lại đêm cổ tích, nghe chuyện đời người đàn bà tưởng như nghìn năm vẫn u uất thế.