Mây Chiều
Chương XVII

ít lâu sau, Ina và Lêon ly thân. Rồi Lêon nhảy cửa sổ tự tử. Không khi nào tôi hỏi Ina những chuyện ấy Một lần Ina đến Hà Nội. Trong một buổi tiếp đoàn nhà văn Liên Xô trên khách sạn Thắng Lợi, Hoàng Trung Thông đứng lên, nâng cốc, sốt sắng. Không ai kịp cản, bởi không biết Hoàng Trung Thông nói một câu như thế. Thông nói: “Lêon dạo này thế nào? Đã xong quyển sách về Sác chưa? Cho tôi gửi một chén chúc sức khoẻ Lêon". Ina cúi mặt, không nói gì.
Mấy năm sau, Ina lấy hoạ sĩ Iuri. Rổ rá cạp lại, nhưng mà yên vui. Hoạ sĩ đồ hoạ Iuri chuyên phục chế tranh cổ, nghe nói làm ăn khá. Vương Trí Nhàn đưa tôi đến gặp Ina chỗ đấy là xưởng vẽ của Iuri. Vợ chồng có một nhà nghỉ cách trung tâm hai trăm cây số. Ina nói: “Chúng tôi bây giờ ở chùa xa lánh trần gian". Thế cũng là thoả. Đời người ta còn có hậu.
Tôi với Ina vô duyên, nhiều khi chỉ vì những rắc rối không đâu rồi giận nhau. Có lần tôi gửi thư đi Ba Lan lại bỏ nhầm phong bì cho Ina, Ina trả lại, đánh mấy dấu than. Có lần đi với Iuri đón tôi đi chơi nhà ngoại thành, hôm sau tôi về Hà Nội. Khách sạn Nước Nga mênh mang, cửa trông ra bốn phía. Vợ chồng đợi ở cửa tây, thì tôi lại ngóng cả buổi bên cửa bắc, mà tôi yên trí đấy là cửa tây. Từ bấy tới bây giờ không lần nào gặp lại, thư chúc tết cũng không thấy đáp lại.
Nếu Ina vẫn giận tôi cái tật không nhớ đường và quên mặt người thì có còn khi nào để xin lỗi được. Nhưng biết đâu nhỉ, như cuộc gặp không hẹn với Marich đây.
Quán Cây Sâú, bác sĩ Nam Thanh mở quán chẳng biết để kinh doanh hay là một sự hoài cổ cho nó khuây khỏa bóng chiều. Những khuya vui, bà đệm đàn hát cho vài người nghe những bài hát ngày đầu kháng chiến của Phạm Duy, của Tử Phác... Lưng khoác chiến y. Mà hồn mang bóng quốc kỳ... Quay quay thương nhớ quyến vào tơ... Bà đưa rót rượu ngâm nam sâm, nhẹ và dịu của bà pha lấy. Marich khen ngon và bà biếu ông khách xa một chai.
Marich lại khẩn khoản bảo:
- Làm thế nào cho tôi được trông lại cái khách sạn Thống Nhất, một phút cũng được.
Khách sạn Sôphiten Mêtrôpôn bốn sao nhất thành phố. Không nguy nga như Đai U, như Bảo Sơn, Sôphiten Mêtrôpôn hơn người vì dinh cơ này đã vào hạng lão lai trăm tuổi, vẫn dáng lâu đài Pháp thế kỷ 19. Bên trong chắc là bây giờ không còn những buồng hạng cuối, quạt trần quay lọc cọc trên đầu và khăn trải giường lấm tấm những chấm ố vàng của thời Hà Nội ngày nào cũng có báo động khách phải chạy ra hầm trú ẩn ngoài sân cạnh cái chuồng khỉ mà Marich đã được nếm mùi. Cả cái cửa ra vào quay như cối xay gió mà Đôngkixôt huơ gươm đánh, ngót trăm năm người trong làng ra Kẻ Chợ đã đứng xem cái cửa quay cả buổi cũng bị vứt đi rồi. Sôphiten hiện đại lại có cả khách sạn nhánh trên Đà Lạt.
Hôm sau, tôi điều đình được một chuyến cho Marich đi “xem” khách sạn. Chúng tôi vào quầy rượu, ngồi lên cái ghế đẩu ngật ngưỡng. Trước kia, cô Linh Phi kịch sĩ đổi nghề đã ngồi bên cái két trong kia. Tráng lệ quá, các cô bán hàng yêu kiều giữa cái quầy lóng lánh như gian thờ mẫu đền Cửa ông. Cô đang nhoẻn nụ cười với một ông Tây. Cái khi tôi hay còn lai vãng đây cô ấy chưa chắc đã đến tuổi học lớp 1.
Tôi giới thiệu với cô:
- Ông này người Nga, trước kia năm nào cũng sang và ở khách sạn này. Ông ấy muốn nhìn lại chỗ ở cũ.
Cô hàng đon đả:
- Mời các ông lên gác hai, hỏi ông quản trị người Pháp. Ông ấy sẽ bảo met ô ten đưa đi. Khách sạn này cũng hay có khách tham quan như các ông.
Nhưng Marich buồn buồn nói:
- Tôi ngồi đây cũng được. Ngày trước tôi vẫn ngồi đây uống bia và trông thấy tất cả. Cái lối xuống nhà ăn, à cái chuồng khỉ ngoài sân, còn không?
Cô hàng đáp: “Không biết. Trước ở đây nuôi con khỉ à". Rồi cô khen: “Ông ấy nói tiếng ta rành quá".
- Thì người Nga với ta là anh em một nhà mà".
Cô hàng cười, nửa ngờ: “Cháu có thấy mấy người Nga đâu. Ông nói đùa thế nào...”
Tôi bảo:
- Cô cho hai lon huyckên. Chúng ta uống bia như ngày xưa.
- Khách nước ngoài trả đô la.
- Tôi thì trả tiền Việt Nam chứ, cô?
Rồi chúng tôi cũng chỉ uống bia Hà Nội. Marich nhấm nháp vài ngụm rồi lặng im.
Khi trở ra, Marich nói:
- Chắc không bao giờ còn vào đây, mà cũng không vào nữa.
Tôi cũng nghĩ tương tự như Marich về những Matxcơva, Lêningrat, Ôđetxa... Bởi vì chẳng may mà tôi đã chứng kiến những ngày tan rã năm 1990 ở những nơi đấy bây giờ ra sao? Tôi sợ, tôi không muốn biết.
ở các quán Grudia nghe tiếng nhạc núi uống một sừng rượu, ăn lobiô đậu răng ngựa với trađi bánh ngô, hào hứng chuyện văn chương Việt Nam ra thế giới tiếng Nga đương vùng vẫy năm châu. Lại ra vùng Bachicharai thắng cảnh Yanta, lên cổng đá nhìn... Kéo quân ra cửa Hùng quan. Chim muôn tiếng hót, hoa ngàn hương đưa... Bây giờ thì Chuyện nỏ thần, Nhà Chử mà Marich đã dịch, bỏ xó. Tôi xin chào tôi nhớ lại buổi đầu xiết bao hớn hở gặp Matxcơva năm kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga bốn mươi tuổi.
Tôi đưa Marich một ít tiền. Marich cầm tiền, nhìn tôi, mắt rưng rưng, nét mặt và cử chỉ phảng phất ngượng nghịu, lại thân thương.
Marich nói: Tình bạn của chúng ta không biết có thời gian đâu. Tôi vẫn thế, ông ạ. Tôi không buồn như lần sau cùng ông ở Matxcơva năm trước. Tôi không xin lỗi vì chẳng đại diện cho ai mà xin lỗi được. Cho tôi gửi lời thăm ông Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc.
Năm trước, cái lần sau cùng tôi rời Matxcơva, sự tan rã thật trở trêu và khốn khổ. Tôi đi nghỉ Pitsunđa bờ Hắc Hải khu tự trị Apkhadi nước Grudia. Tôi đi với con gái tôi, con Sông Thao. Bấy giờ thì còn yên, nhưng sau đấy, chiến tranh đã xảy ra. Apkhadi nổi lên đánh nhau với cộng hoà Grudia đòi độc lập. Đã hơn mười năm rồi đôi bên vẫn giằng giựt từng đường phốvà mỗi ngôi làng, không biết bây giờ bờ biển Pitsunđa đổ nát, hoang vắng đến thế nào rồi.
ở Pitsunđa trở lại Matxcơva, bố con tôi mua vé xe hoả đi Đức. Con trai tôi, Đán đương làm thợ bên Laixich. Từ Nga qua các nước Đông âu đương náo động lung tung. Những mắt thấy tai nghe trên đường đi đã khác lạ lắm. Người nhà tàu Ba Lan uống rượu từ chặp tối rồi suốt đêm chúi vào xó nào, chẳng thấy ai.
Hải quan đi từng tốp khám ráo riết. Nhiều người Việt Nam bên Ba Lan- sinh viên, người đi lao động, cán bộ, sang Nga buôn thịt hộp, bánh mì. Vacsava đương khan tết cả cái ăn cái uống. Họ chỉ cho tôi những người Hà Lan cùng toa, cũng những tay buôn, buôn lậu cò con. Hai bên đã ăn với nhau, chỉ khám làm phép. Cả một toa buôn trá hình, hải quan soát từng người, từng ghế mà chẳng bắt được ai, cái tàu rầm rập chạy thâu đêm. Các cô các cậu si nh viên mời tôi: “Bác xuống Vacxava với chúng cháu vài hôm, hay lắm". Chẳng biết hay thế nào. Đến Beclin vẫn thế, nhưng cảnh khác, những cô cậu ta bán hàng, đứng như người gỗ trên vỉa hè, cánh tay vắt đệp khăn mặt, cà vạt, áo gió. Thuốc lá thì nhét ngực áo, dưới mũ. Chốc chốc, cảnh sát xộc đến, lại chạy. Hàng xén rong và cảnh sát rình nhau, đuổi nhau đến khuya. Cả người đương đi học cũng ra đứng đường hết. Không phải ham buôn, mà không đâu cho phụ cấp, không trả lương, phải ra đường kiếm cái ăn lấy.
Đông Đức rỗng không chính quyền. Mọi mặt xã hội và đời sống sinh hoạt cứ trong cái guồng có sẵn. Còn hai tuần nữa mới bầu cử. Trên tường, các thân cây dán chi chít áp phích cồ động của các mặt trận, các đảng: PSD, CDV, CDS, đảng Xanh cổ động đi xe đạp... Nếu ở Mỹ người ta vẽ con bò, bắp ngô để nhớ mà bỏ phiếu thì ở đây là những chữ tắt ấy, in to tướng. Cũng không buồn hỏi xem đảng Xã hội Thống nhất nó là CD nào. Bởi chắc chắn nó sẽ thua phiếu.
Đương nô nức “cải tổ”, vứt cái cũ đi mà. Phố xá vẫn tấp nập bình thường. Cái xe phun nước, những chuyến tàu điện chạy đến khuya. ở các nhà nghỉ con con trong góc vườn, bếp nấu đun củi, trên bờ rào lila một làn khói vẩn vơ. Chỉ lạ mắt có một đám đầu trọc một nửa, tóc nhuộm đỏ. Năm ngoái tôi đã trông thấy bọn đầu trọc đi cả đàn thế này trong các phố bên Tây Beclin.
Bây giờ chúng kéo lũ sang đây, có những đứa vác gậy, cái thang gấp, đi nhông nhông. Trông thấy cảnh sát, chúng nó xỏ ngón tay vào lỗ mũi, cười hích hích.
Tôi ở ngoại ô Lai Xich một tuần. Con tôi có ý muốn ở lại Lai Xích vài năm. Nhà máy vỡ nợ, đóng cửa. Nhưng nó đã tìm được việc ở một trại trồng hoa, bán hoa.
Tôi đã đến chơi chủ trại có hai đứa nhỏ rất quyến luyến con tôi. Chả là Đán nhiều tài vặt, dễ làm vui bọn trẻ con.
Trở lại Matxcơva, phố xá chợ chiều, mua bánh mì sắp hàng. Cảnh nhốn nháo xảy ra trong các cơ quan.
Một người ở ban đối ngoại gặp tôi và nói: đáng lẽ đồng chí về Việt Nam tuần trước, lại đi Đức, thế là quá hạn một tuần, “chúng tôi không còn trách nhiệm với đồng chí nữa".
Tôi không nơi ở, không còn được đưa tiền ăn và dẫu muốn cũng không còn gặp được ai, không phải vì không muốn gặp tôi, mà cả cơ quan hội nhà văn đương lung lay, nháo nhác, không làm việc.
Ira cầm vé máy bay đi đăng ký cho tôi về Hà Nội. Thật ra vé máy bay không phải việc của Ira, nhưng các bộ phận khác không còn ngưòì, Ira đã đến Hà Nội một lần và Ira đã lo mọi việc hôm tôi đi Pitsunđa. Đến trưa, Ira về, nói hồi này nghỉ hè, người đi Việt Nam nhiều quá. Cứ ghi tên ông vào đấy, nhưng có lẽ hàng tháng mới đến lượt. Ira lại nói: “Tôi đương bận việc sửa cái nhà nghỉ ở ngoại ô. Tuần lễ sau tôi mới đến đây”. Đối ngoại ở bộ phận này có mỗi mình Ira. Tôi không có chỗ ở. Không tiền ăn. Có nghĩa là cô ta bỏ khách thẳng thừng. Marich đến hỏi đã đăng ký được vé Hà Nội chưa. Tôi kể chuyện. Marich nghĩ ngợi gì một lát, rồi nói: “Ira nói dối thôi. Công việc đi đăng ký vé là của người khác. Con mẹ này vẫn nói nó rất ghét Việt Nam. Thế là các mụ mất dậy bỏ việc đấy". Bây giờ mới nghe tận tai có người nói ghét Việt Nam. Cũng có khi có người đã nói, mà tôi chỉ đi với các bạn, nếu bạn không nói lại thì làm sao tôi biết được thế nhưng cũng có khi biết. Lần ấy, Marich và tôi đi Lêningrat, buổi chiều xem tàu Rạng Đông rồi về nhà Bôrit. Trong bữa ăn, một anh bạn Bôrit nói: “Chưa bao giờ nước Nga hùng mạnh nhất thế giới như bây giờ, nhưng tại sao nước Nga vẫn nghèo, vẫn thiếu. Bởi vì của cải nước Nga bị đem rải ra khắp nơi, châu á, châu Phi, Mỹ La tinh, trong đó có Việt Nam của mày”. Marich cười nói với người kia câu gì rồi bảo tôi: “Thằng này say rồi nói mất lập trường, tôi không dịch".
Tôi cũng chỉ đảo qua đến hội nhà văn Liên Xô. Không còn là cơ quan như mọi khi, không ai ngồi trong phòng, nhưng túm tụm ngoài sân. Marich cũng không đến đây, bởi anh nói: “Tôi đả đảo cái hội nhà văn bảo thủ. Chúng tôi lập hội nhà văn đổi mới rồi”.
Marich đã tìm cho chỗ ở tạm tại trường Goocky.
Không phải ở phòng khách, mà cái phòng chứa đồ đạc, mền, đệm linh tinh. Marich và hai bố con tôi khuân dọn lại cho gọn. Tôi ở đấy mấy hôm, hai lần người quản gia mời xuống bảo phải đi. Marich nói thế nào đấy hay Marich đã đút tiền cho nó, thế là lại yên yên và hồi hộp. Buồng bên cạnh, vợ chồng một người Trung á hay Mông Cổ và một đứa con nhỏ, ở bình thường. Người chồng mặt lầm lầm, có vẻ lén lút, chắc cũng trọ chui như tôi. Mỗi ngày, Marich đên, ngơ ngẩn chơi rồi chúng tôi ra quán nhà mâu ăn cơm bụi, Mỗi người bưng một khay bánh mì đen và mấy viên rán thịt lợn băm viên. Bia rượu thì không ngửi thấy mùi đâu nữa rồi. ở vỉa hè bên kia đường, một xe tec bia hơi đến đậu đấy. Người xúm xít như những con kiến bâu quanh miếng mồi. Người tay không, người cầm chai, cầm cái xô. Đám sâu bia kia mặt bệu đỏ đã uống ở đâu lại đến xông vào mua uống tiếp. Tôi chỉ nhìn các bợm bia, sâu bia xoay xoả lộn bậy với tình thế này. Bia nhạt thếch, chỉ bia chai nhỏ Matxcơva còn vị đậm một chút, nhưng không đâu đó. Nhìn người chen chúc, hung hăng, đã xa lắm rồi, đã thôi rồi cái hồi cô Ina Dimonina cứ đi mua bán giữa đám đông sắp hàng, nói Việt Nam, Việt Nam, là người dãn cả sang hai bên.
Đến ở chui ở nhà trường Goocky- tưởng như ở đấy là những chốn nơi, những gian buồng có ma ghê rợn như nhà Hôp Man. ấy là đương dịp nghỉ hè, vắng người lên xuống tấp nập. Các học viên Việt Nam còn ở lại có Trần Đăng Khoa và Trần Nhuận Minh mới sang chơi với em. Đương giữa con sầu não được Khoa thết bữa cơm có canh tai chua, tưởng như đã thoát được về đến nhà.
Trời rét cóng cá, nhưng tắm giặt vẫn phải theo lệ Cái ngày đến nông trường Cờ Đỏ ở Udơbêkistan, cả lũ trần truồng tắm hơi, lại như thuở nhỏ đến trường bị đi tắm chữa ghẻ. Cũng chưa kỳ hình dị tướng bằng tắm ở đây. Một chục người đứng dưới hai cái vòi, nước xả xuống, người ghé vào, người chạy ra, như những con nhộng có chân. Tôi bỗng liên tưởng năm xưa trông thấy tù binh Anh bị giam ở Pnôm Pênh, lính Nhật giải ra sông tắm, nắng rám mình mẩy đỏ như con tôm luộc. Tôi thấp lũn chũn đứng vào một vòi giữa đám thanh niên cao lớn, lông lá. Quần áo thì đút trên khe cửa sổ trước mặt. Cũng chẳng ai để ý tôi.
Nhưng tởm nhất cái chuồng xí. Tôi đã được biết kiểu chuồng xí công cộng lộ thiên ở chân Vạn lý Trường thành, liền cả chục cái lỗ, không vách, không tường, người đứng lên, người ngồi xuống nhăn nhó, người lẳng lặng bước vào. Đằng này là một kinh rợn khác. Mỗi lần đi phải mang một tệp giấy báo để lót chân, lót đít. Cái nhà xí hỏng đã lâu, nhưng hàng ngày vẫn dùng, vẫn phóng vào đấy. Những ụ phân chồng chất, tràn trề, không biết một ngày, mấy ngày người ta tháo đi thế nào, lấy đi thế nào.
Hơn ba mươi năm trước, ông thường vụ Kec Babaep ra ga xe lửa đón tôi, trang trọng thân tình. Ông mất đã lâu, ông không được chứng kiến những ngày tàn tạ này. Tôi kể cho Marich nghe những cái tôi thấy và tôi đương nghĩ. Marich phân trần khéo: “ ở Hà Nội của ông, trước mặt cái nhà thì nhìn được, đằng sau cái nhà thì cũng nhiều thứ không được, à nói cho chính xác, nhiều thứ chưa được". Nó nói cũng chẳng ngoa gì. Có lần tôi đến khách sạn Hoà Bình thăm G. Buđaren. Anh ở tầng ba, nhưng phải xuống nhà vệ sinh tầng một. Trên ấy ngập nước, khoá trái. Marich bảo tôi: “Hay là ông và con gái về nhà tôi đi vệ sinh, tắm giặt".
Cũng đến phải như thế mới ra khỏi chỗ quỷ ám này, nhưng hôm sau chúng tôi được vé về Hà Nội. Ban tiếp tân của sứ quán ta đăng ký được ngay. Không phải chờ hàng tháng như cái người hội nhà văn đã doạ thế. Ira gọi điện thoại cho tôi. Vẫn nghỉ phép và ở ngoại thành chữa nhà. Nó xin lỗi bảo có người khác đưa chúng tôi ra sân bay. Tên anh ta là Vichto và Ira cho tôi số điện thoại. Thôi tôi chỉ mong đi được. Cũng chẳng có phàn nàn gì. Cả nước người ta còn đương loạn lên cơ mà.
Marich gọi điện thoại cho Vichto rồi bảo tôi: “Chỉ có thằng say rượu lảm nhảm...”. Tôi cũng gọi. Nghe đáp tiếng Nga, tiếng Pháp lè nhè líu lưõi.
Sớm tinh mơ, lại gọi điện thoại Vichto. Bây giờ thì không có tiếng đáp lại. Tôi nói: "Có thể anh ta ra sân bay rồi". ở sân bay, chỗ cửa về Hà Nội chen chúc hỗn độn nhất. Người chạy ra chạy vào như úi lên. Người đứng rình những ai hành lý nhẹ, đưa tiền cước nhờ mang hàng hộ. Người đẩy hàng qua rào sắt, cái rào bị chen lung lay sãp đổ. Cảnh sát đến vung roi cao su lên vi vút đánh xuống đầu, xuống vai. Tôi chưa trông thấy ở sân bay này cảnh đánh người thế bao giờ. Người ngồi, người chạy, người khóc hu hu.
Vì bị đánh đau, vì lạc mất hàng...
Giữa đám nhốn nháo, tôi cầm mảnh bìa các tông có chữ Vích to giơ cao trên đầu. Chẳng thấy Vichto đâu.
Không phải nó đi sân bay. Bây giờ Vichto ngủ giữa cơn say rồi. Và Ira đã nói dối, nói láo. Mảnh giấy bìa tôi cố giơ lên kia như là cái dấu hiệu sau cùng gọi:
Vich to... Liên Xô... Liên Xô... Nhưng không có tiếng thưa. Rời Matxcơva, chỉ nghe trong đầu tiếng adieu Moscou. Cái “vĩnh biệt Matxcơva” này mới thấm thía, mới đau làm sao.
Thôi thôi, để tôi kể nốt về những người bạn những thuở còn ngày tháng tiêu dao. Chính ra, anh Vlat chẳng bận đến tôi. Cũng ở ban đối ngoại như Marich, như Ina, nhưng Vlat lo về các nước châu Phi nói tiếng Pháp.
Mỗi khi châu Phi ngơi việc thì Vlat lại giúp bên này. Vlat có cái băn khoăn ngây ngô là Việt Nam rất xa châu Phi, xa nước Pháp mà lại có người nói tiếng Pháp.
Vlat là người hướng dẫn và phiên dịch đoàn nhà văn Việt Nam đầu tiên thăm Liên Xô năm 1956, trưởng đoàn Nguyễn Văn Bổng. Trong những bạn phiên dịch thường gặp, tôi đã đi nhiều với Vlat.
Vlat không phải người Nga. Vlatlen nguời dân tộc nước cộng hoà tự trị Chu Va. Dân tộc thiểu số ít người và ở phân tán, Vlat không biết quê ở đâu, nhưng chẳng bao giờ đi tìm. Chỉ nói: “Thằng người Chu Va đã thành người Nga cả rồi, như tao". Bố Vlat là người hoạt động trước 1917, có cương vị lớn ở khu tự trị nhưng ông đã bị xử bắn trong một đợt thanh trừng của Xtalin.
Bấy giờ Vlat còn nhỏ, học tiểu học. Có lần đi thăm cộng hoà Grudia, Vlat đã cung tôi về Gôri quê Xtalin. Chúng tôi ngắm bức tượng Xtalin đồ sộ đứng đầu làng- bức tượng hiếm hoi, từ Matxcơva đến đây mới thấy một bức. Và xem túp nhà của bố Xtalin thợ giày, Xtalin đã ở đấy cả thời niên thiếu. Nhà có mỗi một gian, ông cụ khâu giày, đóng đế, lại cũng ngủ và ăn uống ở đấy.
Cả túp nhà được đặt trong một lồng kính sáng choang. Vlat nói: "Lịch sử là lịch sử, không ai thù lịch sử bao giờ". Vlat ở Matxcơva với mẹ và em trai. Chiến tranh thế giới, em của Vlat đương học đại học thì phát xít Đức đánh đến ngoại ô Matxcơva. Cả Matxcơva ra trận, em Vlat đã hi sinh ở ven đường mà Vlat ra sân bay đưa đón khách thường đi qua, bây giờ là những chiến luỹ và dây thép gai tượng trưng sáng đèn suốt đêm.
Còn lại một mình Vlat với mẹ. Khi tôi biết Vlat thì mẹ Vlat mất bệnh mới hơn một năm nay. Từ khi mẹ chết, ít lúc Vlat về nhà. Đêm đêm, Vlat vạ vật ở nhà bạn nào đó.
Đi Lêningrat, tôi muốn có một vài cuốn sách đọc ban đêm. Vlat bảo về nhà tìm, có thể có. Nhà Vlat trong một ngõ hẻm nhưng ở trung tâm thành phố, trông ra thấy tường điện Kremli ngang trước mặt. Ngoài đại lộ lúc nào cũng ngộn người và xe cộ, trong hẻm thì yên tĩnh, tiếng ồn ào chỉ vang lại, gợi một cảm tưởng hẫng kỳ lạ. Vlat ở căn phòng tầng hai một toà nhà cổ. Vlat vừa cho khoá vào ổ, vặn lạch cạch, buồng bên
cạnh đã có người hé nhìn ra. Chủ nhà lâu không về, biết là ai động cửa, có thể kẻ trộm. Nhà Aliôsa “Simônôpcon” ở tầng một, trần nhà treo chùm đèn đẹp ánh thuỷ tinh rực rỡ gian phòng. Thế mà, trộm đã vào nẫng mất. Khi biết là Vlat, cánh cửa lại ập lại. Căn buồng đã lâu không người. Cửa sổ mấy lần kính mà trên mặt chồng sách bụi phủ về vệt. Cái điện thoại cắt dây từ bao giờ, chỏng trơ giữa bàn. Chiếc giường gấp dựng một xó. Một chiếc giường đệm ở góc buồng. Vlat bảo: “Mẹ tôi nằm giường này, tôi vẫn để nguyên". Chiếc gối ghếch một bên, tấm chăn hoa mỏng gấp một nửa, như người vừa trở dậy.
Vlat lục được một quyển sách nghiên cứu về mèo đưa cho tôi mang đi. Vlat nói: “Nhà tôi trước nhiều mèo lắm. Phải mua sách này để hiểu chúng nó. Mẹ tôi chết, chúng nó bỏ đi cả. Anh đọc trong sách sẽ thấy những con mèo rất giang hồ cũng rất gia đình. Có thằng mèo bỏ đi chơi mấy thành phố lúc quay lại vẫn tìm về được nhà cũ. Tôi thì ngủ đâu cũng được, tôi đi khỏi thì quên nhà. Tôi không bằng những thằng mèo".
Không phải tôi đến Lêningrat lần đầu. Tập ký sự Thành phố Lênin của tôi xuất bản đã được mấy năm.
Nhưng mà nhớ Lêningrat bao giờ cũng nhớ đầu mùa xuân, những tảng băng tan ngổn ngang sông Nêva, suốt đêm va vào nhau như con sông nghiến răng, sáng ra còn rùng rùng chuyển động. Mùa xuân đã về, sông nhánh Môica của tôi hé mặt nước sáng trong, người đi đường cao hứng cũng không bước qua những tảng băng ngang sông được nữa. Lại nhớ sáng sớm chiều tối ở Hà Nội uống bia hơi với hoạ sĩ Nguyễn Văn Mười, càng nhớ, chao ôi...
Thế là đi Lêningrat, để lại những lo toan và chơi nhởi hàng ngày ở Hà Nội mà vẫn vương vấn Lêningrat.
Thế mới lạ. ở bờ tường bên kia viện Mắt, phía chợ Hôm đi xuống, thấy treo một cái bảng con con chữ sơn xanh: “Ragu, bít tết thỏ và các món". Những năm ấy, cái quảng cáo thế khá lạ mắt. Bởi vì trước các nhà dọc phố chỉ thường thấy thòi ra mảnh giấy dán cánh cửa sổ: Nhận lộn cổ sơ mi hay một miếng bìa: Cơm nồi nước sôi – Khối phố...
Tôi nói với Nguyễn Tuân:
- Dưới kia mới có quán thịt thỏ, các thứ ragu, bít tết..
- Được đấy
Tôi khoe thịt thỏ với ông không phải vì biết ông ưa thịt thỏ mà chỉ vì biết răng ông đã kém, đến cao lâu 202 chỉ nhấm nháp được món phá xi cua hấp. Ông Nguyễn bảo “được đấy” có thể chỉ vì thịt thỏ mềm. Chúng tôi đến quán nọ. Cái bảng quảng cáo lắc lư đỏng đảnh bên tường trên hai cửa sổ rèm vải hoa xanh nhạt. Nguyễn Tuân đứng lại ngắm rồi gật gù “Được", sau mới bước vào.
Một ông đã đứng tuổi, áo đại cán kaki ximăng, người nhỏ nhắn, nhanh nhảu, lịch thiệp, hai tay giơ mời khách.
Những chiếc bàn kê góc tường, khăn bàn trắng. Đằng kia, trên quầy bày hai hàng chai rượu quí, có chai còn bọc rơm. Chắc chỉ là chai không để trang trí. Giời đất này đào đâu ra những của hoạ may mớt có ở trên thiên đình. Đến nhà hàng Bôđêga trên Tràng Tiền cũng chỉ bán một thứ vang nước Bun chua như dấm- mà mỗi lần được mua tiêu chuẩn có một chai.
Không thấy ngưòì khách nào. Vừa chiều, chắc chúng tôi đến hơi sớm. Tôi hỏi:
- Mấy món đề ngoài bảng hôm nay có đủ chứ?
ông chủ vui vẻ đáp:
- Xin lỗi hai cụ, chẳng có món gì cả.
- Hôm nay nghỉ hàng à?
- Bẩm, nhà cháu đóng cửa rồi. Chưa kịp bỏ cái bảng.
Chúng tôi cũng chưa kịp tò mò đầu đuôi ra sao thì ông đã cắt nghĩa- nét mặt bình thản như chuyện hàng phố, không phải chuyện nhà ông vỡ nợ.
Tại hàng ế thôi. Bán hàng sống mà vài hôm vắng khách thì đi đứt ạ.
Tư dưng, cũng cửa hàng này, lúc nãy trông trang nhã, đẹp đẽ gọn gàng thế bây giờ bỗng đượm vẻ quạnh vắng, ủ ê, nhìn thương thương, tội tội như khi ta vào nhà hiếm trẻ, chỗ nào cũng quá gọn ghẽ, quá ngăn nắp.
ông chủ quán cười cười, chào chúng tôi:.
- Tuần sau, nhà cháu với mậu dịch canh ty mở bia hơi. Mời hai cụ...
Cái thư ngày 26- 6- 1966, Nguyễn Tuân gửi lên Lai Châu cho tôi, có câu:
“Ông cao lâu nhà thương đau mắt chuyển thành nghề quốc doanh. Ông lại làm công ngay tại đó, ấn vòi bia theo giờ nhà nước, tháng lĩnh 50 tờ như một người bỉnh bút không viết bài nào...”
Ông cao lâu Ragu thỏ ấy đấy. Tôi cũng chưa bao giờ hỏi tên ông.
Tôi đến quán bia ông Ragu lâu dần thành lệ. Tôi đến theo thói quen, dửng dưng không để ý, uống bia giết thì giờ, tôi lơ đãng cả với ông Ragu hễ vừa thấy tôi ông đã rảo bước ra, mời vào một góc lau bàn, ông dẹp mấy cái cốc uống dở. Dần dà, tôi cũng nhận ra giữa đám người uống đứng uống ngồi, cũng có người như tôi, đến uống vào quãng chiều. Cái ông ngồi trước mặt cũng có tuổi, người cao xương xương, thanh mảnh, trắng trẻo. Nghe tiếng Nam Bộ thì chắc là cán bộ tập kết. Ông uống từa tựa tôi, mỗi cốc làm một hai hơi rồi ngồi thừ ra, không nhắm nhót lạc ngọt, nem chua, mực nướng gì cả.
Chúng tôi mỗi người đến một lúc, nhưng hàng ngày hay gặp nhau. Những khi ấy dù ông Ragu có đương tíu tít rót sirô vào bia cho khách, ông cũng vội ra lấy hai cái cốc vại, bấm vòi bia cho xuống đầy ngấn, ít bọt. Tôi tò mò đoán về ông uống bia ngày nào cũng gặp Bộ đại cán không mới nhưng có nếp là, không dây dầu mỡ. Bàn tay chắc chắn, nhưng không thô.
Người bàn giấy thì phải rồi. Nghề gì, làm kế toán, cán bộ nghiên cứu, nghề văn hoá hay nghề y. Đây gần nhà thương, các con nhà y cũng hay ra uống tợn.
Nhưng nhất định cái ông nói giọng Sài Gòn này cũng dân chơi. Có khi ở tuổi ông, xưa đã từng uống bia bốc buổi chiều ở cái xe téc đậu chỗ bùng binh chợ Bến Thành. Ông uống khá điệu. Ông thảnh thơi uống lâng lâng, uống lẳng lặng. Được, được lắm, nhưng ông là người thế nào. Xem ra ông cũng không để ý có hay không có ai trước mặt.
Không biết đã bao nhiêu buổi chiều. Đôi khi đi vắng lâu về, đến đấy vẫn thấy ông như dạo trước. Rồi tôi chịu thua, không thể đoán ra ông và cũng không tài im lặng được như ông.
Một hôm, tôi hỏi:
- Anh công tác ở đâu?
Tôi là Mười, hoạ sĩ.
- A, anh Nguyễn Văn Mười.
- Dạ.
Rồi hoạ sĩ Mười cười dịu dàng, giơ tay cho tôi bắt, và nói:
Tôi cũng đã biết anh.
- Thế mà bao hôm nay không nói.
Hoạ sĩ Mười lại mỉm cười:
- Chúng ta đương uống bia. Uống bia chẳng bận gì đến vẽ, đến viết cả.
Câu nói chí lý tuyệt. Cứ cái sự anh uơng bia đúng kiểu từng hơi dài đã rõ can trường ấy. Chúng tôi lại trầm ngâm uống. Chúng tôi đương uống bia, có bia vui, có bia buồn và thế thôi. Hơi bia không bốc phét chích choè. Hơi bia chỉ phục vụ chúng tôi lặng im.
Có lần, Nguyễn Tuân đi với tôi uống bia hơi ở quán trước ga Hàng Cỏ. Nguyễn Tuân đến chào một ông khách ngồi bàn gần, mọi khi tôi vẫn hay trông thấy, ông nhỏ nhắn, điềm đạm, áo vét tông và mũ phớt. Nguyễn Tuân bảo tôi:
- Tiên sinh Cao Xuân Huy.
Mỗi buổi chiều, chúng tôi cũng uống bia im lặng. ừ uống bia chẳng bận đâu đến thế thái nhân tình. Tôi chỉ nhận thấy một sự lạ, có lẽ Hà Nội còn mỗi một người mặc tề chỉnh đi uống bia hơi và giữ vệ sinh như ông. Ông Cao Xuân Huy, khẽ ho rồi khạc đờm vào mảnh giấy báo đã mang sẵn và gấp lại, bỏ vào túi áo.
Hoạ sĩ Mười cắp một cái cặp bìa đen cứng khổ rộng, trong đựng một tệp ký hoạ. Mười nói:
- Tôi đem cho anh xem mấy cái vẽ sông Nêva và nhưng sông nhánh. Có những ba trăm mấy con sông nhánh của Nêva, anh đã viết đấy.
Tôi hỏi lại:
Anh đã đến Lêningrat?
- Tôi đã ở Lêningrat lâu lâu.
Hoạ sĩ Mười chỉ bức ký hoạ một bến đá trơ trọi mấy thanh lan can sắt.
- Đây là sông Môica. Nơi anh đã gặp Vêrônica.
Trời ơi! Hoạ sĩ Mười đã đọc đến thế, những bút ký tôi viết về thành phố này. Mỗi lần, mỗi hôm, mỗi lúc tôi lại biết thêm về hoạ sĩ, nếu anh có trò chuyện với tôi. Quả thế, không phải cứ gặp ai thì đã là biết và chắc đâu đã biết. Mới cốc bia trước thôi, tôi chưa một chút nào rõ được hồi đầu thập kỷ sáu mươi, hoạ sĩ Nguyễn Văn Mười đã nhiều năm ở Lêningrat. Hoạ sĩ kể những ngày ở cái lâu đài khổng lồ trên phương Bắc trái đất ấy, hoạ sĩ mê nhất sông nước và những đầu mùa xuân, khuya nghe tiếng những tảng băng tan va vào nhau gãy răng rắc, vang động dòng Nêva ban đêm qua thành phố.
Tôi lơ đăng nhìn qua bóng bia trong cốc thấy người hoạ sĩ đương tha thẩn bên dòng sông, đôi lúc ngước nhìn ra những tảng băng trôi. Tôi cũng soi mặt vào bóng bia xem có thấy cái cửa sổ nhà ai nhìn xuống bến sông Môica?
Vlat đi Lêningrat không va li. Đi đâu cũng xách mỗi cái túi, ấy thế mà kiểm lại các thứ cũng thấy đã bỏ quên bộ dao cạo râu điện, không biết quên ở nhà ai. Chẳng lẽ sáng nào cũng xuống tiệm cạo râu phòng ngoài khách sạn. Tôi không hỏi Vlat làm thế nào, nhưng mỗi hôm đều thấy Vlat mày râu nhẵn nhụi.
Chúng tôi ở hồ Lagôđa về. Băng đóng trắng mờ chân trời, xe đi trên đường cũng như mặt sông. Khi mùa đông tới, con đường tiếp tế qua mặt hồ này đã nuôi Lêningrat sống chiến đấu được trong vòng vây mấy năm trời. Bây giờ chỉ có từng đàn hải âu. Bọn khách du lịch ném bánh mì lên cao cho hải âu bay xúm lại xâu xé cái bánh tan biến giữa trời. Trẻ con chỉ nhớ hồ Lagôđa có trò chơi ấy, chiến tranh đã qua ba mươi năm rồi. Vêrônica cùng đi với chúng tôi. Marich đã cho tôi biết Vlat là bồ của Vêrônica. Vlat thì lắm bồ, đi đâu cũng có được, kể cả ở bàn ăn câu lạc bộ. Những năm sau này, Vlat ở hẳn với cô Lọ Lem bồi bàn. Chúng tôi gọi là Lọ Lem vì cô thấp bé, đen đủi. Vlat nói:
"Lúc túng thiếu và về già, tôi lại trở về với dân tộc tôi”. Nghe nói cô Lọ Lem cũng người dân tộc Chu Va.
Mới được mấy ngày đã hết tiền. Mỗi hôm đều tốn chỉ vì uống, nếu để Vlat mỗi ngày uống mấy lần, chắc còn hết tiền nhanh hơn. ở thì vẫn Astôria, tiền phòng trả séc, không lấy ra ăn được. Nhưng tôi yên trí vu vơ thế nào và bao giờ Vlat cũng xoay xoả ra. Vlat cười:
“Có thể! Có thể! Chúng ta cũng như con hải âu, rồi cũng có người ném bánh lên trời cho ăn.”
Buổi tối, Vlat bảo tôi:
- Chúng ta đến ăn tại nhà Vêrônica.
Tôi hỏi lại Vêrônica: có phải thế không? Vêrônica gật đầu.
- Tôi mời hai ông làm khách.
Chẳng biết Vêrônica có rõ chúng tôi đã cạn tiền. Vêrônica ở một phòng trong toà nhà ba tầng. Nhiều phố Lêningrat được giữ cổ kính nguyên như cả trăm năm trước, chỉ sửa nội thất. Cửa sổ phòng Vêrônica trông ra sông Môica. Con Nêva ngang qua thành phố toả ra bao nhiêu sông nhánh nước trong xanh, hai bên bờ lan can sắt và dòng sông cũng thành con đường khi mùa đông đóng băng. Hoạ sĩ Nguyễn Văn Mười đã ký hoạ khúc Môica chỗ bến này đây.
Tuyết cuối mùa còn phơi phới xuống trên sông mỗi lúc càng mù mịt hơn. Người lác đác dưới đường, bóng lướt qua bên những thanh lan can đen xẫm. Tưởng tượng như Đốttôepski đương với các nhân vật của ông lang thang trong Những đêm trắng. Hôm trước, đã thăm nhà lưu niệm Đốt ở một chung cư năm tầng. Tường căn buồng nhỏ nhà Đốt đương được bóc giấy báo ra, tìm lại ngày tháng ở những tờ báo hồi Đốt ở đây, mùa lạnh đã dán cho ấm tường. Cũng như ở quảng trường Cỏ Khô, nơi tử tù Đốt đã đứng đợi để đến lượt bị hành hình treo cổ, đã được khắc cái biển đá về sự tích ghê rợn ấy. Vào mùa xuân năm này, các tác phẩm của Đốt mói được in lại, bán khắp các hiệu sách.
Thành phố bắt đầu gắn biển và sửa sang những nơi có dấu vết của ông. Tôi tưởng như, nhớ như ở thành phố chỗ nào cũng trông thấy ông và các nhân vật, những cái bóng ngất ngưởng, người gàn dở, một bà già không chồng, một trọc phú uống máu người không tanh... tấm lòng thương bao phủ tất cả các con người, con sông, những lan can trơ trụi bên đường, trên cầu ông đã vịn tay. Ông viết càng rùng rựn bao nhiêu, càng thương đau bấy nhiêu. Heinơ nói rằng: “Người ta kể lại không bao giờ đúng, bỏi vì con người luôn luôn nói dối khi nói về mình". Không, Đốt nói: “Người ta có cố gắng nói sự thật, chỉ có điều là sự thật ấy không bao giờ đầy đủ". Vẫn một lòng thương cảm xâu thẳm, không biết đến đâu.
Ngoài kia vẫn mờ mờ, chẳng biết đã đêm trắng hay còn ngày. Vêrônica uống cũng ra trò. Một lúc, Vlat nói:
- Đêm nay mày ngủ ở đây với Vêrônica. Tao về chiếm cái giường của mày ở khách sạn.
Tôi không nói gì. Vlat không biết tôi đã khiếp sợ từ hôm mới đến chơi, trông thấy chiếc xe đạp cuốc treo ở sau cánh cửa. Mỗi sáng sớm, Vêrônica đã cưỡi nó, đạp thể dục hai mươi cây số ra ngoại ô. Những Vlađia ở ga Gian Côi trên tàu hoả qua Kiép, những Vêrônica, những Madari xa lạ quá rồi.
Mấy năm sau, gặp lại Vêrônica ở Matxcơva. Cô đã đổi về làm cho đài truyền hình dưới này. Tôi giật mình. Võ vàng, tiều tuy đến độ thoạt nhìn không nhận ra được. Hỏi thì cô ấy khóc. Cô đã lấy chồng và sinh được bé gái. Đứa con chết và người chồng bỏ đi. Từ đấy Vêrônica mê mụ không hồn như nhân vật mụ Tường Lâm trong truyện của Lỗ Tấn. Gặp lại tôi, có điều cô được an ủi là tôi vẫn nhớ cô, tôi đã đem tặng cô bức tranh sơn dầu Cây chuối của Nguyễn Sáng. Xem tranh Nguyễn Sáng, tôi có nhận xét Nguyễn Sáng ở rừng Việt Bắc mà sao ít vẽ cây chuối. Nghyễn Sáng đã cho tôi đem đi bức tranh cây chuối, cũng chẳng hỏi tôi mang bán hay mang cho ai. Khi về, xách về đền ít hộp sơn trắng, thế là mừng rồi.
Dương Bích Liên bảo cái sơn trắng quét lót, lúc nào cũng cần. Biết thế, tôi hay mua sơn màu trắng cho Sáng và Liên. Hồi ấy, cái tranh chẳng đáng một giá nào. Vẽ vì thèm vẽ, vẽ rồi cho, vẽ rồi xếp lại. Tôi đã đem những đĩa sơn mài vẽ mèo, vẽ chân dung của Sỹ Ngọc và Nguyễn Sáng cho Marich, cho Ina Dimônina.
ấy thế nhưng hoạ sĩ uống tách cà phê, ăn bữa cơm nhà Lâm Toét cũng được coi như bán tranh, không phải là đem cho tranh không. Đồng tiền thời ấy hiếm vậy. Ai tò mò cũng biết Lâm Toét bán cà phê đầu tiên chơi tem rồi chơi tranh. Nhưng ít người biết Lâm Toét chơi tranh và chơi sách. Anh khoe với tôi lùng mãi mới săn được tập thơ Tản Đà và hai quyển Tục ngữ phong dao của ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, nhà Minh Đức xuất bản, có chữ ký của ông Nguyễn Hữu Đang.
Tôi lên gác xem tranh bày trên ấy. Lâm Toét chỉ cho tôi một chồng báo cao cao. Anh ta nói thì thào nhỏ nhẹ, lễ phép: “Ông Hoàng Trung Thông mới đề lại cho em đấy". Tôi ngơ ngẩn cả người. Tôi không còn đủ sức lấy hơi đến nhìn xem nó là những báo gì. Cái thằng cho tranh lấy vài đồng và tách cà phê thế mà còn bớt đau hơn thằng bán sách một bậc.
ấy thế mà rồi tôi và Vlat đã đi một chuyến vung vinh thú vị không lúc nào phải lo tiền, chúng tôi làm khách nhà nước Udơbêkitstăng. Mỗi khi đi đường dài, xuống nghỉ ở sân bay Tasken, máy bay là là dọc đường băng, trông thấy ven cỏ một toà nhà xinh xắn, đấy là lầu đón khách Chính Phủ. Đêm ấy, đèn nhà khách sáng trưng, ô tô rước chúng tôi từ thang máy bay tới.
Bộ trưởng ngoại giao Adimôp đón tôi, ông mời tôi chơi nước ông. Nhà thơ Udơbêch Adimôp năm trước làm đại sứ ở Libăng, bây giờ về nước cộng hoà này làm bộ trưởng ngoại giao. Gặp lại Adimôp ở câu lạc bộ hội nhà văn, Adimôp nói: “Có đi Tasken chơi không?”. Thế là đi.
Nhà khách chính phủ thênh thang như cả chục cái đình làng ta, mà chẳng có một mống khách. Vlat nói: “Có thể chúng ta uống rượu say ở đây rồi thắt cổ chết mấy ngày mới có người biết". Mỗi đêm, xa xa tiếng gà gáy. Nếu có tiếng còi tàu hoả nữa thì chẳng khác nghe đoàn tàu chạy đêm hun hút gió trên cánh đồng chiêm bên kia cầu Giẽ, cầu Guột...
Chẳng đâu lạ mà ngẩn ngơ thế nào, cũng không vì cơn cớ gì. Con người đương vui lại buồn, nghĩ ngợi vẩn vơ vắt vào nhau chẳng ra làm sao. Không còn cái ông đại biểu Adimôp tranh luận với Hoàng Trung Thông về một chữ trong thông báo của Đại hội các nhà văn á Phi ở Bâyrut, cũng không phải ông đại sứ, ông bộ trưởng ngoại giao nước cộng hoà. Chỉ thấy một lão chăn cừu ngồi giữa đồng cỏ, cốc rượu bằng sừng dê và đọc thơ, đọc thơ, đọc thơ. Thơ ông về thảo nguyên, về cây dâu, cây thông và con cừu, đàn cừu. Năm sau, tôi lại đi Apganixtăng, cũng với Adimôp và ở nhà nghỉ, Adimôp cũng đọc thơ. Lạ thay, nghe giọng thơ mà một lúc tưởng như trên mặt đất bụi mù mịt, những con cừu nhiều hơn con người ở làng mạc và thành phố. ở Adi Abba, ở Đaet Salam buổi chiều người cõng cừu qua phố về nhà. ở Angiêri, ở Mông Cổ lúc nào trông xuống mặt đất cũng thấy những đàn cừu chân bước liên liến, đi từng đàn, chập chờn vàng như khói, người chăn cừu cầm gậy đứng chơ vơ như cái cọc, sóng cừu mênh mang xung quanh. Adimôp đọc thơ cừu. Vlat dịch lại, chẳng biết thơ hay thế nào, lại chỉ thấy bề bộn những cừu là cừu, cái cảm tưởng thơ cừu của mình là đúng. Quả là trên đồng cỏ những stăng của người, những làng Udơbêch, đâu có cừu thì có người. Cũng hay.
Tôi đọc mấy câu thơ Nguyễn Bính. Tôi vốn không thuộc hết một bài thơ nào. Những câu thơ tôi nhớ được chỉ vì ngày trước Nguyễn Bính đến chơi trên Nghĩa Đô đã viết chữ tung hoành cả bài thơ vào tờ giấy lệnh dài cao hơn thước tây dán lên vách đầu giường tôi.
Lúc nào cũng nhìn thấy, nên phải nhớ mà cũng chỉ lõm bõm. Câu thơ Nguyễn Bính, cái tranh Tô Vũ chăn dê đã vào ký ức đời mình.
... Mùa xuân chín vạn bông trời nở
Riêng có tình ta khép lại thôi...
Adimôp khen tôi hát hay lắm. Vậy là tôi bằng lòng rồi, các bạn đã được nghe cái tiếng Việt trầm bổng như chim hót.