Đầu mùa đông 1957, tôi đi Matxcơva, dự hội nghị quốc tế về văn học thiếu nhi. Người dịch tiếng Nga cho tôi là Marian Tkchôp. Năm ấy, Marich trên hai mươi tuổi đôi chút. Tốt nghiệp khoa tiếng Việt ở Matxcơva rồi làm việc ban đối ngoại hội Nhà Văn Liên Xô. Thoạt trông, tưởng người ít ra đã trạc bốn mươi. Một lọn tóc vắt che trán hói lên gần đỉnh đầu, cái đuôi tóc còn thừa thòng lòng ra đằng gáy. Vừng trán cao phẳng lặng thật lạc lõng với người trẻ tuổi mới có người yêu. Năm 1994, ngót bốn mươi năm sau, một hôm chúng tôi ngồi trên gác nhà hàng Cây sấu gần hồ Hoàn Kiếm. Cái đầu hói của Marich vẫn thế. Vẫn cái trán lồng lộng như ngày còn trẻ. Chỉ khác đã lâu mất chiếc đuôi tóc hắt lên che trán. Vẫn như từ thuở trước nhưng giờ không cần che nữa. Marich đi với nhà văn Ke Babaep cao lớn đội mũ nan ra ga xe lửa đón. Ke Babaep, người nước cộng hoà Tuyếcmêni. Ban Thường vụ Hội Nhà Văn Liên Xô có chế độ làm việc luân phiên, uỷ viên thường vụ các nước cộng hoà mỗi năm về Matscơva thường trực ba tháng. Tôi vừa đi chuyến tàu hoả mười ba đêm ngày, từ Hà Nội lên Bắc Kinh qua mênh mông rầu rĩ rừng taiga Sibêri tới Matxcơva. Ba ngày tàu Trung Quốc cơm với măng xào nấm, lạ miệng nhưng ăn được. Mười hôm tàu Nga, bánh mì đen, thịt băm viên súp cải bắp, đã chối đến ngắc ngư. Bữa ăn bán phiếu theo vé, chỉ bia Thanh Đảo, bia Matxcơva mua được bằng tiền Tàu, tiền Nga. Thanh Đảo chỉ có chai to- hãng bia ra đời từ đầu thế kỷ vẫn một kích cỡ ấy tới giờ. Qua sông Tùng Hoa chập chờn ngước lên nhìn quan ải Sơn Hải cheo leo núi đỏ từng tảng đến xa mờ, những chơi vơi đồn luỹ Trường thành đầu tiên, hơm năm trăm dặm nữa tới Gia Cốc quan, con đường Tơ Lụa đời Tần vắt ngang đấy sang châu âu đã từ nghìn năm trước. Sibêri cuối thu, tuyết xuống tơi tả. Những vòm cối sắt nâng tàu thay bánh ở Dabaican. Chốc lát, cả đoàn tàu đứng dừng như sắp lút trong tuyết, chỉ đen săm nhô lên mấy cái cọc sắt. Tuần lễ sau đến Matxcơva, tuyết bắt đầu đóng băng như những miếng kính, người lội trong bùn trắng. Khách sạn Ukraina trông xuống sông Matxcơva, những buổi sáng từng mảng băng mỏng đọng trên mặt nước. Cũng một cảnh, một việc ấy, nhưng thời gian qua đi lặng lẽ mà dữ dội. Cách mạng tháng Mười Nga 1917 đã trên bảy mươi tuổi. Tôi biết Người từ tuổi thanh niên, bây giờ, hôm nay bỗng nhiên tên Người bị xoá địa giới trên bản đồ. Làm sao mỗi chốc có thể dửng dưng. Phút chốc ai kia coi như ván bài tú lơ khơ, cái người mà trong chiến tranh thế giới lần thứ hai mới lên mười, mẹ dắt chạy giặc vào Trung á. Goócbachôp bằng tuổi Marich. Marich thường kể khi tản cư thèm đường hay ăn vụng đường phiếu. Nó bỏ chế độ của nó như cất bàn cờ. Thế mà năm ngoái Goócbachôp lại ra ứng cử tổng thống. Nước Nga đã nhổ vào mặt anh ta. Goócbachôp không được nổi 0, 51 phần trăm phiếu bầu! Hôm trước, sang ga Nội Bài đi Sài Gòn. Thấy trên sân bay đậu những chiếc máy bay Nga. Vẫn cái Airbus 87 và những họ hàng Tu, Il, An... nhưng thấy thiếu, thấy vướng thế nào. Mới nhớ ra bên cạnh chữ Aeroflot, cái chỗ trống ở dưới dạo trước vẽ hình búa liềm. Bao nhiêu năm đã nhìn cái hoa nở như thế. Cũng như tôi thật khó chịu – tất nhiên, một khó chịu vô lý, người ngoặc ra ngoặc vào cạnh chữ Liên Xô thêm chữ cũ. ừ thì là cũ, là đã qua, nhưng trong tâm tưởng tôi, tôi không biết có chữ ấy. Trông cái 87 ở sân bay Nội Bài không hình búa liềm ngỡ như cái máy bay vừa bị cướp, quả là chúng nó quân cướp ngày. Đã quen thuộc anh em IL, đi đâu đâu rồi về qua sân bay Sêrêmêthêvô 2, đã như đến Gia Lâm, Nội Bài nhà mình. Sáng sớm, đêm khuya, đoán được cả quãng máy bay sắp xiết bánh xuống đường băng lấy đà cất cánh. Cái IL 18 bốn cánh quạt đến Hà Nội từ khi Nội Bài còn là sân bay dã chiến và chưa hẳn hoi thành bãi ga trời giao du ra ngoài. ở Gia Lâm, tôi đáp chiếc Aigle d Adzur mà ủy ban Quốc tế thuê của Pháp đi vòng Đông Dương mỗi tuần, lần ấy sang Pnôm Pênh. Trở lại Hà Nội, các con tôi kể bà Năm và chúng nó đi tiễn, máy bay lên rồi về nhà bà Năm ra chợ Hôm mua hương hoa về cúng cầu bình yên cho tôi. Chẳng như sau này, máy bay như con thoi một lèo Hà Nội- Matxcơva rồi Hà Nội, Nam Ninh, Trường Sa, Bắc Kinh- Iếc Cút, Ômsơ. IL 18 ngắn hơi hơn đỗ quãng một, nghỉ ăn ở Trường Sa, ở Tatsken. Những mùa đông gặp bão tuyết, có khi chờ bão tan ở Sveclôp, ở Iếc Cút mấy ngày đêm. Chẳng sao, máy bay nhà. Có hôm sắp tới Matxcơva lại ngược lên đỗ Lêningrat. Sau mới biết có máy bay ở Kiep lên đáp xuống đâm vào rừng thông, sân bay phải đóng cửa. Tôi đến Matxcơva ngót nửa thế kỷ sau Cách Mạng Tháng Mười Nga. Không biết quang cảnh và sinh hoạt Matxcơva ngày trước thế nào, nhưng những năm này đã mỗi năm mỗi khác. Chặp tối, ánh sáng điện hè phố như tạnh ráo hẳn. Những hạt tuyết khô bay loăng quăng, ràn rạt vào mặt, thế là sắp lạnh nữa, chỉ vài hôm thì băng đóng kín trên sông. Rồi trong chốc lát, trời lại xạm ngắt, mưa tuyết trơn ướt tơi bời. Sân bay vẫn đóng, không phải vì mới xảy tai nạn, mà thời tiết dữ quá, máy bay không cất cánh được. Ngoài đường đã thưa ngươi mặc đồng phục đội mũ lừỡi trai, nhưng váy áo vẫn tương tự. Mùa lạnh, áo lông đen khoác, áo bông ô quả trám, mũ hai tai có dây buộc. Những cô gái Nga mặc quần phăng, các ông gác cửa không cho vào khách sạn. Nhưng tối đến thì tha hồ. Phòng ăn đông từ chặp tối, cả sàn nhảy giữa nhà. Các bà váy loà xoà đi qua sàn gỗ chưa có nhạc thì nhún chân. Nền nếp ăn mặc thời ấy ở Matxcơva vừa phải với quần áo của tôi mà bộ Tài Chính cho mượn, cho thuê. Mũ lông, ủng da ủng nhựa, những cái áo khoác giả lông cừu nặng như cùm. Bởi có mấy khi đi đâu và tiền đâu mà sắm, hàng đoàn cả chục, mấy chục người ở đồng ruộng về chỉ đi dăm bữa nửa tháng thì nhà nước tất phảỉ lo. Tôi mượn Hoàng Cầm cái va li tô tổ bố. Không biết tại sao lão có cái va li da bò bự thế. Chắc của Hoàng Yến vợ lão. Nhưng hôm đến kho thử mỗi thứ một bộ, vừa cái va li giấy nhỏ, tôi đem trả anh. Trong các bạn có dịp ra nước ngoài, Nguyễn Tuân không đến kho quần áo. Ông mượn của người có quần áo tốt, sau đó ông đã sắm cho ông lần đầu tiên đi Hensênhky, một bộ comlê chững chạc. Ông không coi thường cái kho, mà ông sợ. Những cái sơ mi trắng được đánh dấu bằng phẩm đen in hai chữ TC (tài chính) to tướng đằng lưng áo, ông đã hãi, ông miêu tả cả đoàn đại biểu áo sơ mi của ai cũng có cái dấu đằng lưng thế. Đôi giày, cái píp, cái can, cái cà vạt, các bạn Hà Nội lịch sự biếu ông hoặc cho mượn không bao giờ đòi. Có điều, không thấy ông Thiếu quê hương dán vào va li những mảnh bảng tên nhà ga, khách sạn các nơi đã đi qua. Ngày trước chẳng được xê dịch bao nhiêu, chỉ giang hồ trong sách, thì ông cho nhân vật Bạch cái thú dán nhãn phiêu lưu như thế. Cái kho quần áo nhà nước to dần, bộ mặt thay đổi Đến kho mượn, rồi sau không cho mượn mà nhà nước cho thuê. Khi đem trả, nhà kho soát lại, quần có lỗ thủng tàn thuốc lá, rách sơ mi hay ố bẩn đều phải đền. Hồi đầu, kho cho mượn cả thứ lặt vặt mùi xoa, bít tất, áo quần lót... Nhưng gíày không có dây. Cả thành phố không đâu bán dây giày và hộp kem. Tôi lại phải xin đôi dây giầy và mượn cái cà vạt của Nguyễn Văn Bổng, người hay chơi giày và cà vạt. Kho quần áo những năm đầu chỉ một phòng, hai người thay nhau trông nom. Khách đến khách đi với ông coi kho trò chuyện, quen mặt. Đến khi kho dọn về đường Thái Hà đã thành lớp nhà tường bao cao cao như kho gạo, người nhộn nhịp, kho giày kho mũ và khăn quàng ở bên kia, ngoài cổng chính có phòng thường trực. Ngày kho còn ở phố trên, có một ông già người khu Năm- mà tôi không sành tiếng, không phân biệt được ông người tỉnh nào. Chiếc khăn mặt bông được phát ở Sầm Sơn cái ngày dưới tàu tập kết lên, ông vẫn giữ, vắt trên lao màn dầu giường. Cái giường của ông ấy những đêm trực kê sau cánh cửa, khuất một mảnh ván gỗ. Cán bộ cao cấp đến thử áo, giầy, lấy các thứ mượn bỏ vào va li, có người xách về sau. Một đoàn người, nông dân công nhân đi công tác, tham quan, sắp hàng đôi bước đều, mỗi người ôm cái va li trước ngực. Tôi không biết mọi người đến đây thoải mái hay khó khăn thế nào. Tôi chẳng khi nào có gì phàn nàn, mà phàn nàn vào đâu. Ông coi kho lần nào đến cũng bắt tay tôi chặt chẽ, thân mật như người cơ quan. Ông ấy hóp má gầy gùa, da nhăn nheo ngăm ngăm đen. Đầu bạc, nhưng húi cua, chỉ thấy chân tóc lấp lánh. Hai bàn tay gồ ghề xem chừng chẳng quen thuộc với những của hàng hóa trong kho. Nhưng ông trật tự ngay ngắn có sách của ông ấy, một cái khăn thủng, một cái khuy đứt cũng không qua được mắt ông. Ông hỏi tôi: - Lần này đồng chí đi bao nhiêu ngày? - Hai tuần. - Hai tuần thì lĩnh một bộ vét, hai áo sơ mi, một đôi giày màu nào thì đồng chí vào kho chọn. Lần khác, tôi nói: “Đi sáu tuần, bên ấy có tuyết rét lắm", thì ông bảo: “Hơn một tháng thì được mượn hai bộ, hai sơ mi. Rét thì áo dạ khoác, mũ lông mỗi thứ một cái". Ông lão chẳng cần xem giấy tờ, mà cũng bởi có đi đến mấy tháng cũng chỉ một đôi giày, hai sơ mi, lấy các thứ xong đem mở va li trước mặt ông coi rồi ông mới đưa chìa khoá. Cái dây thép vắt cà vạt loè loẹt loăn xoăn như những dải rút màu, tôi cho qua. Vừa cà vạt bẩn mắt, vừa tôi có thành kiến người châu á thắt cà vạt không đẹp. Lấy va li trước rồi xách sang kho quần áo, kho giầy. Chọn giầy mà khó. Không vì kiểu dáng hay màu, mà cái bí mật của độ bền. Cái lần đi Rumani tôi nảy sáng kiến mượn đôi giày mới, chưa ai xỏ chân. Đến lúc vấp một cái, mỏm giày há như cái hộp mở. Thì ra người đóng giày ăn cắp, đóng mớm quá. May, đường phố Bucaret cũng lắm người vá giày và cũng được bà phiên dịch Madari sốt sắng, đã mượn khâu lại, ngồi đợi và lấy ngay. Lại kinh nghiệm mới, nên mượn đôi giày có người đã đi và còn có mã. Ông giữ kho đi theo người mượn, ông hay hỏi rồi lại trả lời lấy “Được chưa? Được rồi. Cái áo này thì mưa tuyết to mấy cũng không thủng được. Bên ấy rét thế thì phải bít tất len, kho mới về bít tất len có cổ, đồng chí có lấy không?” Cứ kể mượn nữa cũng được, cánh hẩu mà. Nhưng đi về hai mươi cân không kể xách tay, mà xách tay cồng kềnh quá bị đè ra cân thì rầy rà. Đây mới lượt đi, còn để chỗ cho về, về mới là chính, bao nhiêu thứ đã tính toán, đã chờ mong. Thế thì phải phiên phiến. Tôi vừa chọn, có khi ông lão chọn, lấy ra hộ. Chỉ có một lần tôi được cầm phiếu đi hiệu may Tiến Thành, sắm bộ mới toanh- chuyến đi Campuchia 1963, cũng nhà nước cho mượn, nhưng được cắt một bộ tôpican mới. Bộ đồ ấy khi về cũng toan khai là đánh mất, rồi lại ngại, dẫu tôi cũng chẳng có bộ quần áo nào nên hồn. Dần dà, sự trễ nải tạo cho tôi một ý nghĩ và thói quen cho mình yên trí và được bằng lòng. Người Việt Nam mặc Tây không ra mẽ gì. Vả lại, trên thế giới cái sự mốt là thích thú của trai gái đương thì hay của người giao thiệp ngoại giao, kinh doanh. Còn ta mặc thế nào thì cũng chẳng ai buồn để mắt. Lại nữa, khi có tuổi, người ta thường ăn mặc theo kỷ niệm một thời, ở nước nào cũng gặp những ông già đội mũ phớt lệch, gấu quần gấp lơvê, ve áo nhỏ, thắt lưng có dây treo, cà vạt đen, tay chống can... Tôi mua biếu ông lão coi kho một cái mũ giả lông cừu lông gấu ở Matxcơva. Tôi vừa đội thử lên đầu ông, ông đã hỏi: - Đồng chí trông có được không? Tôi đáp: - Đẹp lắm. Như ông chăn cừu. Ông lão ấn cái chỏm mũ xuống, nói: - Ngày nào tôi cũng ắm sửa cho người đi các nơi, chẳng khác đã đi các nơi, mình đã thuộc cả. Đấy, tôi đội cái mũ tây vừa ngay. ở mà tàu thuỷ, tàu hoả biết cả rồi, chỉ chưa được ngồi tàu bay, mà tàu bay thì cũng bay trên trời kia chứ gì, tôi nhìn thấy cả rồi. - Đâu cũng chỉ có trời, có biển, có đất thôi. Ông lão im lặng rồi hỏi: - Đồng chí đã trông thấy tuyết, phải không? Tôi đáp như một người tai ngễnh ngãng: - Khi nào có tuyết thì người ta đội cái mũ này. Ông xoay ngắm mũ, nét mặt ông ngẩn ngơ. Không phải lúc nào ông cũng chỉ càu nhàu khó tính với người ta. Không, ông nghĩ đến bao nhiêu cái chưa biết mà tưởng như đã biết. Ông mơ mộng. Nắm tay cám ơn tôi, ông nói: “Đánh xong thằng Mỹ rồi, bao giờ tôi về quê, chắc tôi được đi tàu bay". Tôi nói: “Và đội cái mũ lông này”. Ông cười, cả hàm dưới không còn cái răng nào. Ông lão hay nhăn nhó mà hồn nhiên, chẳng mấy đám khách mà ông không cau có, làu bàu, nhưng ông vẫn tìm từng cái khăn quàng và vác va ly hộ. Người thì ghét, người thì buồn cười cái ông lão chỉ rúc xó nhà mà hay chuyện bên Tây bên Mỹ như đâu cũng đã biết. Tôi biếu cái mũ, ông sướng ơ mặt, ông không biết cái mũ chẳng mấy tiền mà ông thấy đẹp kỳ lạ đến thế, và cái chỗ của chiếc mũ ở va ly hay để túi cầm tay thì đêm sau cùng đóng gói ra về mới công phu thử đi thử lại. Bây giờ ông đội mũ ngồi toẽ năm ngón tay trên đầu gối. Cái mũ lông hoá học đen nhánh có tai, có dây buộc lên buông xuống quanh chỏm cao chành ngang ra hai góc như mũ vua trên sân khấu, chỉ thiếu cái roi ngựa hay thanh kiếm. Tôi thấy mấy ngày đầu mùa đông ông đội cả mũ trong nhà. Không thấy ông coi kho mọi khi ngồi trước cửa. Một anh mũ tai bèo, chắc là thương binh hay bộ đội chuyển ngành mới về đây. Anh đứng dậy, xem giấy. Tôi liỏi: - Cụ khu Năm chưa đến a? - Cụ chết rồi. Chết bom. Chủ nhật vừa đây ông về Tây Hồ. Quê vợ ông lão ở làng Tây Hồ. Bom ném, ông chết, mất cả cái xe đạp trên đê Nhật Tân. Chắc cái mũ cũng tan tành ở đấy. Ai đã qua lại mượn quần áo tài chính có còn nhớ ông lão khu Năm đầu tiên giữ kho? Tôi còn cái mũ lông nữa tôi biếu Vù Mý Kẻ, cũng mũ có hai tai vẫy như thế. Vù Mý Kẻ và tôi cùng một khoá Quốc Hội, tôi đưa chiếc mũ ở hội trường, nghĩ đến cái ]àng Sà Phìn cao nguyên Đồng Văn không có mùa hạ. Chắc mũ này được việc lắm. Vù Mý Kẻ thú vị ra mặt, cầm mũ, ngắm nghía. Chuyến ấy, một đoàn đại biểu Quốc Hội ta thăm châu Mỹ, đi từ Cu Ba lên Nicaragoa. Về Hà Nội, đại biểu Vù Mý Kẻ đến chơi. Mấy hôm ấy không còn những ngày nóng bức nhưng cũng chưa đã sang thu. Vù Mý Kẻ đi vào trong ngõ vẫn đội ngất nghểu cái mũ lông vàng vện của tôi. Anh muốn khoe anh qui cái mũ, anh muốn tôi nhìn thấy anh đã đội mũ đi công tác bên châu Mỹ về. Tôi hỏi: - Bên ấy nóng thế, đội mũ này hợp không? Vù Mý Kẻ cười: - Về Liên Xô thì rét, có mũ này mới chịu được. - Quê nó ở đấy mà. Nhiều năm nay, Vù Mý Kẻ nghỉ hưu đã về ở trên cao nguyên. Có người qua Sà Phìn, tôi hỏi thăm. Thấy bảo buổi chiều ngồi uống rượu trước cửa, ông lão vẫn đội ngất ngưởng cái mũ ấy. Lần đầu đến Matscơva ăn bữa tối khách sạn Ukraina. Tôi hỏi Marich: - Hôm nào phòng ăn cũng đông thế này a? - Đông lắm. Còn người đứng đợi chỗ ngoài cửa. Nhưng không phải những người ngồi ăn đây đều ở khách sạn. - Họ ở đâu? - Chúng nó là người làm các cửa hàng quanh đây. - Nhà nước cho ăn xuất ở khách sạn a? Chắc là bọn ăn cắp. Tôi đã nhẵn mặt họ, ăn và nhảy đến tận lúc tan. Tôi để ý mỗi hôm tôi xuống sớm mới tìm được chỗ ngồi khuất, đỡ có hàng xóm và loa nhạc hát chõ vào tai. Có khi bàn trống, người bồi bảo bàn đã có hẹn, và chỉ cho nhìn cái giấy đã ghi: dành riêng. Nhưng đưa tiền boa trước boa sau thì chỗ hẹn ấy cũng là của mình ngay. Diệu vợi thế, cho nên dến năm không còn kiểu ăn ghi sổ, khách văn được hội chủ nhà phát tiền ăn, tiền tiêu vặt thì nhiều nhà vănViệt Nam đến Matxcơva đều ra quán công cộng ngoài phố. Chịu khó chen vai và bưng bê lấy, được cái giá bèo bọt. Tôi cũng đã theo Thu Bồn ra ăn bụi, nhưng hôm nào cũng chỉ món băm viên, tôi kinh cái cục thịt hổ lốn ấy từ cái năm đầu tiên đi tàu hoả qua Sibêri. Mai ngày họp, nhiều nhà văn các nước dự. Tôi gặp P. Nêruđa nhà văn Chi Lê hình như ở lưu vong. Nhà văn Matxăc đưa về nhà chơi. Matxăc chuyên viết cho thiếu nhi, nhưng ông cũng là một dịch giả nổi tiếng dịch thơ Anh. Mùa hè nào Matxăc cũng được nhà xuất bản bên Luân Đôn mời sang nghỉ. ở hội nghị, tôi có sẵn bài diễn văn, nhưng không phải dùng đến. Chỉ có một chuyện, tôi nhớ cả cái dáng B. Pôlêvôi đứng lên. Buổi tối khai mạc, Pôlevôi phát biểu kể chuyện con trai ông học phổ thông mải đọc Dế mèn phiêu lưu ký đến nỗi thiếu điểm thi học kỳ. Dế mèn phiêu lưu ký vừa được in, Marich dịch, Ngô Mạnh Lân đương học mỹ thuật ở Matxcơva vẽ tranh. Chuyện Pôlêvôi nói ở hội nghị được tường thuật trên tờ tạp chí Phụ nữ Liên Xô rồi các phóng viên Lê Trung và Trần Đĩnh biên tập lại cho in trên báo Nhân Dân. Bấy giờ ở ta đương quét những cái hơi hướng xét lại. Có người phát hiện: “Dế mèn đi tìm thế giới đại đồng là quan điểm xét lại”. Hai chàng phóng viên bạn tôi bị kiểm điểm. Nhà xuất bản ngừng tái bản Dế mèn... việc cứ thế tấy lên đến tai anh Lành. Lành phán: “Không nên qui kết lịch sử các thời kỳ khác nhau". Có thế mới thôi. Tôi viết quyển ấy từ năm 1940, khi nước ta còn thuộc Pháp, khi ấy Khơrutxôp còn dưới trướng Xtalin trên thế giới chưa có danh từ xét lại trong lý luận chính trị. Có lần gặp, Lành nói chuyện ấy: “Dế mèn thì vẫn Dế mèn, nhưng lôi thôi ở đứa viết quảng cáo bìa bốn". Trời ơi, ông ấy bấy giờ ngày đêm lo những chuyện tày đình cả nước, mà vẫn đọc quái thế. Sau hội nghị, tôi đi Lêningrat rồi xuống thành phố cảng Ôđetxa, sau đó sang nước cộng hoà Cadăcxtăng. Marich có nhiều bạn ở Leningrat- trong đó có nhà vật lý Borit bạn chí cốt cùng học và cùng quê Ôđetxa. Marich bố Nga, mẹ Do Thái. Bố mẹ đã ly dị từ thuở Marich lọt lòng, người mẹ ở vậy nuôi con, Marich lớn lên giữa họ hàng đằng mẹ, quê mẹ. Cả cái tên Marian cũng gốc Do Thái. ở Ba Lan, các trại tập trung Ôchiuych, Ôvetkin của phát xít Đức con số tù tới cả triệu, đã bị thiêu sống hết. Do Thái ở Ba Lan, áo, Bỉ, Pháp, Hy Lạp, Nga, Ru, Hung cả người Di Gan. Lại có lẫn một người Trung Quốc, một người Ai Cập... Tôi trông thấy những mảnh thiếc viết chữ sơn đen tên những người Do Thái bị chết thiêu... những Marian... Marian... Marian... treo cửa buồng khắp các trại tập trung. Marich đã đưa tôi về Ôđetxa choi. Những chuyến đi hội nghị, chẳng nhớ bao nhiêu những ăn nói đấu tranh, những lập luận và câu chữ ở hội nghị đã quên ngay, mà chỉ còn lại những gặp gỡ, những vui buồn bạn bè. Trách nhiệm của tôi mờ nhạt hay là tôi không có sáng kiến gì hơn ở các cuộc họp nghề nghiệp và công tác xã hội của các hội hữu nghị châu á, châu Phi mà tôi có gánh vác. Chủ trương thì đã bàn ở nhà, mà là cần thiết. Tôi đến hội nghị ở Ai Cập, đọc một bài phát biểu về G. Nêru trong dịp kỷ niệm một trăm năm sinh Nêru, thì bài đã viết ở Hà Nội. Tôi làm sao được, có trao đổi cũng là những vặt vãnh. Cái cần thiết là sự có mặt của Việt Nam ở đấy là uy tín của cả đất nước, không phải của một nhà văn. Cũng có khi chủ động đấy. Nhưng tôi chẳng mát tay, không nên cơm cháo gì. Nhớ lại có một việc định làm, đã làm mà không làm được. Bấy giờ là những năm sau 1975, Nguyễn Đình Thi có quen một nhà văn Anh trong ban chấp hành hội Văn bút quốc tế. Ông này gợi ý Nguyễn Đình Thi: trong tình hình mới, việt Nam nên gia nhập tổ chức quốc tế này. Cũng trong thời gian ấy một số nhà văn ở Sài Gòn đã ra nước ngoài cũng đương vận động vào lại Văn bút với tư cách Văn bút của các nhà văn Việt Nam ở hải ngoại. Hội Nhà văn Việt Nam được trên đồng ý cho tìm hiểu cách thức gia nhập, Nguyễn Đình Thi giao cho tôi lo liệu. Văn bút quốc tế là một tổ chức văn học ra đời đã lâu, trụ sở ở Luân Đôn. Không thu nhận các hội nhà văn đã có sẵn, họ chủ trương kết nạp cá nhân nhà văn có tiếng hoặc các nhà văn tập hợp lại thành nhóm và trở thành hội của Văn bút ở nước ấy. Văn bút Quốc tế không có báo chí, không xuất bản. Nó chỉ họp hội nghị, đại hội bàn tròn, dung nạp mọi ý kiến khác nhau, không có kết luận và ai đi họp thì bỏ tiền túi ra mà đi. Tôi đã tham khảo thái độ một số nước xã hội chủ nghĩa đối với Văn bút quốc tế. Mỗi nước một khác nhau. Ba Lan, Rumani, Đông Đức và ba nước biển Ban Tích đã vào Văn bút quốc tế từ lâu. Ban đối ngoại hội nhà văn Ba Lan trả lời diễu cợt: “Chúng tôi cũng vào cho biết cái hội tự do và tự túc này thế nào. Có tiền mua vé máy bay thì đi họp, không thì ở nhà. Ngồi họp, ai công kích ai, ai bênh vực ai, cứ tha hồ”. Họ kể cho tôi tên những nhà văn Ba Lan trong Văn bút quốc tế Ba Lan. Có cả nhà lý luận văn học Karon Giôdep Môgityla, tức là Gioan Pôn 2 giáo hoàng ở La Mã bây giờ, ông ấy là hội viên hội nhà văn Ba Lan. Tôi đã đến Ba Lan trong dịp ông đăng quang giáo hoàng. Vacsôvi mừng xả cờ vàng- cờ công giáo, ra cửa sổ và các nhà đều đưa đài vô tuyến truyền hình dặt trước các vỉa hè. Nhưng cũng không chỉ bông lơn hay lắm vẻ như hội nhà văn Ba Lan, hội nhà văn Liên Xô nói: “Chúng tôi không vào Văn bút quốc tế. Văn bút này đã kết nạp nhiều nhà văn Nga lưu vong. Nếu họ công kích chúng tôi, ở đấy đã có nhà văn các nước xã hội chủ nghĩa bênh vực Liên Xô và văn học Xô viết". Vào Văn bút Quốc tế, chủ chốt sẽ không là tổ chức có sẵn và không phải người có cương vị chính của hội nhà văn Việt Nam. Tôi đã đề nghị danh sách ban chấp hành lâm thời Văn bút Víệt Nam gồm một số nhà văn tiếng tăm và uỷ viên chấp hành Văn bút trước đây ở Sài Gòn (Thanh Lãng, Mộng Tuyết, Sơn Nam, Vũ Hạnh) và các nhà văn lão thành (Chế Lan Viên, Bùi Hiển, Xuân Diệu, Lý Văn Sâm), các nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp chống Mỹ (Chu Văn, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng). Tôi đã trao đổi với Nguyễn Văn Bổng và dự định Tổng thư ký là Nguyễn Văn Bổng. Thường vụ Hội nhà văn được triệu tập bàn về vấn đề này. Hội nghị chưa thảo luận về tổ chức cũng như mọi công việc thế nào, mà có ý kiến đầu tiên cho rằng vấn đề rất quan trọng, ban thường vụ không thề quyết định mà cần có một hội nghị ban chấp hành mở rông. Một số ý kiến thì phân vân. Đến bây giờ, đã hơn hai mươi năm, qua mấy khóa chấp hành và mấy Dại hội, cũng chưa khi nào khoá nào đem bàn lại. Tôi cũng chẳng để tâm gì hơn, lại nghĩ bãi ra, thế cũng là cái sự thường. Bởi vì đọc bản tin, chỉ sau hội nghị thường vụ của chúng tôi ít lâu, trong cuộc họp Văn bút quốc tế ở Mêchxich, Minh Đức Hoài Trinh đại diện hội Văn bút các nhà văn Việt Nam ở hải ngoại đả kích tưng bừng Văn nghệ Việt Cộng. Công việc văn nghệ ngày rộng tháng dài, có có không không cứ đều phảng phất, hiu hiu. Đại hội Nhà văn á Phi ở Bâyrút, đến hôm thông qua Tuyên bố Bâyrút, ở tổ văn kiện, đại biểu Hoàng Trung Thông yêu cầu thêm một chữ - chữ gì, tôi quên. Mấy người trong tiểu ban, trao đổi dằng co đến quá nửa đêm. Sáng hôm sau, báo buổi sáng được đưa các phòng. Mở xem, vẫn nguyên thế Hoàng Trung Thông đi tìm hỏi nhà thơ Azimôp trưởng đoàn nhà văn Xô Viết. Azimôp nói: “Khuya quá, nhà in in rồi. Khi in văn kiện này vào tạp chí á Phi sẽ sửa". Hoàng Trung Thông băn khoăn hỏi tôi: Trưởng đoàn có ý kiến gì không?”. Tôi bảo: “Thôi". Mấy tháng sau, ở Hà Nội, đọc những tờ tạp chí á Phi được gửi tới, chẳng thấy sửa, thấy thêm chữ nào. ở Lêningrat, đêm đến chơi nhà cô Pecman Inna, kỹ sư hoá, thím của nhà vật lý nguyên tử Biếcbơlai Bôrit. Người đàn bà đã quá lứa ở một mình với một con mèo đen to xù. Lúc mở đĩa vui cũng ôm bế con mèo cùng nhảy. Tôi còn gặp ở nhiều nơi những người tuổi đã nhỡ như Inna, đã bỏ tuổi đương thì vào giữa cuộc chiến tranh thế giới đương ác liệt. Khách sạn Astôria vẫn cổ kính nguyên dáng thế kỷ trước. Nghe nói nhà thơ Exênhin đã thắt cổ chết ở toà nhà bên cạnh. Tôi cũng không hỏi có còn giữ di tích tuần trăng mật với người vợ lai Mỹ Jecđôra Duncan, Exênhin chết một mình hay chết cùng vợ và khách sạn Astôria có phảì khách sạn Anh ngày trước. Cái khách sạn này nhà chủ cũ vẫn có đơn kiện đòi lại. Các nước đương đòi nợ nhau dài dài. Trung Quốc đã thu lại được cả vùng đất Hồng Kông. Nếu Trung Quốc không như bây giờ thì con cáo già Anh đời nào chịu trả đất. Thế thì bây giờ Liên Xô đã vào dĩ vãng rồi, các chủ cũ khách sạn Astôria Ôđetxa chắc lại sang Nga đòi nợ. Sự ấy đã nhãn tiền ở nhiều nơi, báo đã đăng tin vua giày Bata lưu vong sang Canađa mới trở về nước Sec chiếm lại các cơ ngơi nhà máy. Không biết thế nào, tôi bây giờ có nên đòi vài đồng lương hưu nhà vua giày Bata đã nợ tôi không? Sông Nêva đóng băng phẳng lặng như phủ cát trắng. Sông thành con đường băng xe vận tải chạy được ra tới mặt hồ Lagôđa- con đường bí mật mùa đông đã nuôi sống Lêningrat suốt ba năm bị phát xít Đức vây hãm. Giữa quãng trời đất trắng ngần kia, một người đương cuốc băng khoét một lỗ xuống mặt nước. Người ta ngồi câu cá giữa hồ. Mấy hôm sau xuống Ôđetxa. Sân bay hải cảng này cũng như sân bay Simphêrôpôn ở bán đảo Crưm, có cảm tưởng đương đến giữa một vườn hoa khổng lồ. Ban đêm ngủ lại tưởng như Simphêrôpôn rạt rào gió biển. Sáng ra mới biết đương trông ra cửa sổ giữa công viên và rừng thông, cách bến Yanta cả trăm cây số. Cái ga trời vườn hoa Ôđetxa ở đất phương nam khi mùa đông tới, cả nước Nga về đây tránh rét- ấy là thói quen và tập tục đã bao đời. Biệt thự nhà văn Sêkhôp trông ra biển. Nhà văn M. Gooky từ hồi còn nghèo cũng có nhà nghỉ đông trên bờ biển. Khi cả nước Nga đóng băng thì ở Ôđetxa, những cây catstan bờ hè mới bắt đầu rụng từng chiếc lá vàng. Cây táo, cây mận mọc hoang, những chùm quả chín đỏ. Đứng đợi máy bay, Vlat ra ngắt từng ôm: “Cái giống quả dại này chua lắm, ăn cho dã rượu thì chiều mới uống nữa được". Máy bay nhẹ nhàng đỗ, khách bước ra lặng lẽ. Thành phố vườn hoa trong tĩnh mịch. Nhưng thời kỳ ấy đương còn cái lặng tờ ma quái, cách đây có một ga bay. Từ Đông Phi lên, máy bay xuống lấy khách Bâyrut. Sân bay quốc tế này mới mở lại. Không một bóng người. Thành phố sau lưng, khói những đám cháy nham nhở. Đã có vạch xanh hoà bình kẻ ngang chia đôi mặt đường, con đường và từng vùng ngăn các phe công giáo và đạo hồi tràn sang nhau, nhưng tiếng súng vẫn râm ran, cả súng cối. Chỉ một đường bay này phẳng lặng, rùng rợn chết chóc. Người ả Rập xưa nay tự hào “Bâyrut, Thuỵ Sĩ Phương Đông yên lành giàu có". Các cửa ống dẫn dầu Trung Cận Đông đều trổ ra cảng này. Các nhà băng thế giới đều đặt bàn giấy ở đây. Những đêm yến tiệc cung đình. Tôi đã được một đêm đội mũ vua ả Rập uống rượu hồi với nhà văn chúa đất Gium Blat. Bây giờ tan tành dinh cơ Gium Blat trong khói súng, Gium Blat bị giết giữa lặng lẽ khủng khiếp kia. Cảm tưởng về hoa và người thảnh thơi phải về tới Ôđetxa mới thấy lại. Chẳng biết đến khi nào sân bay Bâyrut có lại được phong độ xưa. Ôđetxa không thành chiến trường như Bâyrut năm ấy Nhưng Ôđetxa hôm nay cũng như những cái máy bay hãng Aêrôflôt bị lột mất hoa búa liềm, cái đau thật thấm thía. Năm ngoái, Marich đi Mỹ về, viết thư cho tôi, kể là vợ chồng Marich đương sửa soạn về Ôđetxa mừng thọ dì Luxia 85 tuổi. “Ông có biết không, đi Ôđetxa quê tôi bây giờ phải có hộ chiếu như đi Mỹ, đến Ôđetxa đã là sang nước khác rồi". Những rắc rối của cuộc “cách mạng nhung” – chúng nó mỉa mai vẻ đắc thắng bằng cách thêm chữ “nhung". Cụ Nicôlai, nhà văn Grudia hội viên hội nhà văn Liên Xô đã ngoài tám mươi tuổi. Cụ Nicôlai từ Tbilitxi lên ở Matxcơva đã hơn ba mươi năm nay. Chẳng biết cụ có bị trục xuất về nước Grudia không. Và cụ còn ở đây ai nuôi cụ, có khi đành bò về chết ở quê cũ cũng nên. Tôi đã đoán thế mà rồi đúng. Thôi, ta trở lại ngày xưa. Mấy hôm ở Ôđetxa, ăn món Do Thái xúp lạnh, bánh manta nhà ông bác, nhà bà dì và các con cháu. Bà ngoại của Marich, bà lão Phayin Chilia Xôlômônôva quây quần họ hàng xa gần, họ Phayin cũng như người Digan thường đi và ở từng bọn, khác nào ở cảng Ôđetxa cá scumbria nhiều hơn nơi khác. Người Do Thái ở đâu cũng thành xóm, thành phố. Không phải tình cờ mà nhà văn Pautôpsky, những ngày hoang mang vô định sau 1917 đã xuống Ôđetxa định chạy sang Trung âu. Luật pháp xô viết, các dân tộc bình đẳng, nhưng trong đối xử và chung đụng thì có nghi ky. Người vợ lấy lần thứ hai của Marich ở Lêningrat. Về Matxcơva, mẹ vợ cũng đi theo. Bà này ghét con rể, thường ra công an quận báo cáo mật: thằng ấy tụ tập bọn Do Thái, bọn Do Thái nói xấu nhà nước... thằng ấy... Do Thái... Rồi sau Marich mất vợ, mất cả nhà. Xử ly dị, pháp luật bênh người phụ nữ hơn. Một đời, hai lần mất nhà, đắng quá. Đấy là những sau này. Lần ấy, tôi đi với Marich về Ôđetxa thì Ira, người yêu và người vợ đầu, hai người chưa cưới nhau. Mẹ Marich làm việc văn phòng hội mỹ thuật ở Mônđavia. Gọi điện, bà về Ôđetxa được ngay, có bốn mươi phút máy bay. Cả bà nữa, người đàn bà bị chồng bỏ từ thuở trẻ với các bà em đều nhỡ nhàng, người làm thợ máy, người bán bách hoá. Họ uống rượu rồi nhảy với nhau, chẳng biết nhảy nhót thế nào, cứ ôm quây tròn, béo núng nính, ai cũng lôi vàọ vòng nhảy. Anh không biết nhảy a? Cứ ôm vai, nắm tay, đưa chân lên xuống. Nhớ không giẫm chân người khác. Đấy, đấy, được rồi. Nhảy được đấy. Cuộc vui tràn trề thâu đêm rồi thì người đi, người ngủ ngồi ở các ghế đệm quanh.