Mây Chiều
Chương XI

Một hôm, Khang nhà ở phố ngoài bảo tôi: “Bác ra làm công tác phố cho vui". Tôi nói: “Cho nó buồn cười thì có”
- Không, bác làm thì hay đấy. Để tôi đi đề nghị"
Khang là đảng viên ở nội thành thời Tây chiếm, sinh hoạt đảng chi bộ đường phố. Nhà anh làm nan hoa, ổ bi xe thồ, xe bò cải tiến. Tổ đảng đường phố ấy có mười đảng viên. Khang đã giới thiệu tôi cứ như cấp uỷ nói: “Đồng chí ấy xung phong làm trưởng ban đại biểu khối ta". Mọi ngườỉ vỗ tay nhiệt liệt. ừ, thì làm. Về sau tôi mới biết, có tôi ngẫu hứng
“ừ thì làm", còn Khang thì cố ý. Gia đình anh sản xuất danh nghĩa tổ hợp tác xã thủ công, nhưng thực thì ở nhà làm, bán cho người đến mua, tức là một tổ ma. Chính quyền ở phố mà bạn bè với anh, có việc thì anh dễ nhờ. Nhưng tôi cũng chưa phải giúp anh ấy việc gì.
Thế là tôi làm ban đại biểu khối 98 quãng từ 1965 tới 1972, ít lâu trước khi thành phố gộp khối phố thành cấp phường như bây giờ. Từ khi tiếp quản, địa giới hành chính và tổ chức chính quyền cứ cộng lại rồi lại chia. Một làng tôi, tên gốc là xã Nghĩa Đô đã bao đời.
Pháp chiếm lại Hà Nội đổi là xã Hoàn ấn - vì tuyên truyền các báo đăng tin đã tìm thấy cái ấn vàng của vua Bảo Đại ở đấy, - Hoàn ấn đăng đối với Hoàn Kiếm. Ta về, đổi là Nghĩa Môn (cộng với Đoài Môn) rồi Thái Đô (cộng với Yên Thái), loay hoay rồi lại trở lại Nghĩa Đô như cũ, nhưng bây giờ là phường Nghĩa Đô. Tên các làng Nghè, Tân, Dâu, Yên Phú, Bái ân trong xã thì thành những con số xóm l, 2, 3... Trên thành phố yên vị, còn ở dưới nhốn nháo lộn xộn các cấp khối, tiểu khu, khu, nhưng vẫn chỉ được coi là chính qui bộ máy ba cấp (thành phố, khu, tiểu khu). Thay đổi linh tinh đến quên hay là không, cả những người đương làm việc cũng không biết công tác mới cũ ra sao.
Năm trước, báo Hà Nội Mới đăng một bài nói về trật tự trị an rồi kiến nghị lập đội dân phòng các phường, phân tích đội dân phòng ở cơ sở ích lợi và cần thiết thế nào. Đó là thủ thuật tuyên truyền giới thiệu mào đầu rồi tiến tới tổ chức. Nhưng có lẽ nhiều người công tác ở cơ sở không nỡ để thành phố mắc lỡm đã cho biết thành phố ta có đội dân phòng từ ngày mới tiếp quản và chưa giải tán bao giờ. Tôi cũng gửi một thư tương tự. Rồi chẳng thấy báo đăng tiếp về đội dân phòng sắp thành lập. Chắc người ta đã xem lại các văn bảnvà sửa chữa bằng cách lờ đi.
Trưởng ban đại biểu khối phố cũng như trưởng thôn ở xóm - một hình thức tự quản, nhưng công việc thì lại chẳng khác chủ tịch xã. Có lịch giao ban với tiểu khu, không được có con dấu nhưng cứ ký chứng nhận, xác minh, giới thiệu đủ thứ: đăng ký kết hôn; xin miễn phí cho người nghèo nằm nhà thương; mua bán nhà; đưa giấy gọi nghĩa vụ quân sự; mở lớp xoá nạn mù chữ, lớp chống tái mù; phụ trách vệ sinh, đánh bả chuột, phun thuốc muỗi; lập danh sách rồi lĩnh và phát tem phiếu lương thực cuối năm. ôi chao, một đống việc phải mó tay vào. Có hôm đương họp, người chạy vào báo: phố bên kia cho người lấy phân trộm, xe thồ cứt thối khắp xóm. Thế là lại phải chạy sang. Tôi không biết mặt chi bộ đường phố, cũng chẳng khi nào chi bộ gặp tôi, không kể chỉ một lần ấy tôi đến họp tổ đảng với Khang. Cuối năm, các trưởng khối được lên họp trên hội trường khu, có thường vụ, có chủ tịch thành phố. Ông Mai giải thích cả một buổi tối về ý nghĩa cái Tết, Tết độc lập khác Tết nô lệ và ở đâu có áp bức thì ở đấy có đấu tranh vân... vân...
Các trưởng khối cắm cúi ghi sổ tay để lẩy tài liệu về truyền đạt lại. Tôi chỉ ngồi nghe. Ông nói xa xôi quá, chẳng đụng đậy chút nào đến bà con ở phố. Có năm thì ông khác về nói, nhưng bài vở cũng đại khái vậy. Tôi nhận công tác cũng không một mảnh giấy tờ lên xuống làm bằng. Anh Thắng cán bộ tiểu khu chấp nhận, báo cáo lên, thế là được. Tôi cũng không vể báo cáo xin ý kiến cơ quan hay chi bộ đảng. Cơ quan tôi cũng biết tôi làm khu phố, qua vài mẩu chuyện tôi nói vui, tếu táo với mọi ngưòi, cũng không khi nào tôi phải trình bày mà cơ quan cũng chẳng hỏi. Trong những người ra làm việc khối cũng có một số là đảng viên, họ công tác khác nhưng giống tôi, vì nể, vì những lẽ gì đó
Công tác kiểu này ở cơ quan cũng là những việc tôi thường làm, lại cũng bởi một thói quen nhìn nhận của người xung quanh. Chẳng mấy khi trong cơ quan từ hội Văn nghệ đến Hội Nhà Văn, trong ba mươi lăm năm công tác tôi không được bầu vào chi uỷ, đảng uỷ, làm bí thư, qua từng thời kỳ, cái tên tôi và Hoàng Trung Thông, Vũ Tú Nam quanh đi quanh lại đậu ở những chức danh trên. Tôi đã kết nạp Đảng và đã làm kỷ luật và kỷ luật đưa ra khỏi Đảng cả chục đảng viên - nhưng chẳng qua cũng là chân chi uỷ cơ sở, chuyên làm đầu sai tẻ nhạt. Tôi chưa thấy Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Xuân Diệu làm chi uỷ bao giờ. Không phải vì quá bận hay không làm được. âu cũng là một thói ỷ lại triền miên ở chi bộ, loại chi bộ cơ quan hành chính chúng tôi. Chỉ có một khoá tôi không được ở cấp uỷ cái lần khối văn nghệ nghiên cứu nghị quyết 9 của Trung ương. Một lần gặp bí thư Đảng uỷ Nông Quốc Chấn, tôi trông thấy trên bàn Chấn có bản danh sách phân loại nhận thức học tập nghị quyết 9. ở mục cá biệt chú thích “lừng khừng, chưa rõ", có mấy tên người, tôi đọc ngược thấy: Nguyễn Tuân, Phạm Văn Khoa và tôi. Nhưng khoá sau, đã nhạt nghị quyết 9, lại bầu tôi.
Tôi làm trưởng phố, ông Đại đương trưởng xuống chân phó. Đại nghề mộc ở đội sửa chữa nhà của khu, mà bộ dạng anh ta cũng rõ bác phó mộc. Hai bản tay thô, nước da bánh mật, lúc nào cũng như rám nắng Đằng sau xe đạp chằng dây thép buộc chiếc hòm gụ đựng cái tràng, cái đục, mảnh giấy giáp đồ nghề, trước ghi đông thì gài cái cưa. Chiều thứ bảy Đại đạp xe về quê trên Phùng, sáng thứ hai xuống sớnl. Đại cũng đã đứng tuổi. Những người kiểu Đại nếu ra đây đã vài năm có thể ở làng vì sợ Tây càn, sợ du kích ta hay là vướng thành phần thế nào, cải cách xong rồi vẫn không dám trỏ về hẳn. Những năm ấy có nhiều địa chủ, phú nông bị đấu hay bị đấu hụt ở các nơi trốn ra thành phố. Đại ở cái gác xép, như cái cũi mèo, mỗi bề khoảng ba sải chân, đầu thang lên xuống có tấm cửa gỗ vuông sập xuóng đội lên, lại tựa cái bẫy chuột. Một thân cặm cụi, quanh mình chỉ có một rổ bát, cái dây vắt quần áo và cái xe đạp treo ngược, mỗi khi đi lại dòng thừng xuống qua lỗ cửa. Đại là loại người nào ở quê ra cũng khó biết. Bởi Đại cũng không trống mồm, hỏi một câu thì nói một câu, chỉ có phát biểu ở cuộc họp thì lê thê không có chỗ xuống. ở cuộc họp hai ban, cán bộ Thắng tuyên bố tôi thay Đại, anh ta cũng dửng dưng. Thì cũng thế, anh với tôi cũng chẳng có mấu cứ nào bận đến nhau để bằng lòng hay không.
Đại bàn giao cho tôi quyển sổ bìa các tông hoa chép biên bản các cuộc họp. Anh ghi lấy, mỗi buổi họp dài ngắn không rõ, chỉ thấy độ nửa trang líp nhíp, mấp mô. Cuộc họp sau cùng có mấy dòng mà đã quá nửa năm. Nghĩa là muốn ghi thì ghi, ông này cầm tràng đục thạo hơn cái bút.
Cuộc họp ban cũ ban mới dài một khiêng việc. Cũng chỉ một lúc xong bởi không ai nói lại và chỉ xướng lên đầu việc. Các công tác xã hội, y tế, vệ sinh, thông tin tuyên truyền, thống kê, công tác các đoàn thể, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường cải tạo tiểu thương, trật tự trị an, bổ túc văn hoá, phân công các uỷ viên phụ trách 6 tổ dân phố. Tôi phấp phỏng nhất, báo cáo nổi cộm về trị an. Một người phản động tù mười lăm năm. Hai người năm năm Hoả Lò tội tham ô, một thanh niên tù ba năm vì hiếp dâm trẻ con. Còn đương trong nhà giam cả. Ba thanh niên phải tập trung lao động bởi tội ăn cắp, nạn mất cắp vặt cái đân, cái phích, bẻ khoá cửa, mất quần áo phơt, phố nào cũng xảy ra.
Một người đánh nhau đâm người phải tù tám năm, đã về rồi nhưng vẫn lừng khừng. Hàng ngày đi nhặt đá ngoài đường về đắp lò nung đem bán vôi cho các bà hàng trầu cau trên chợ Đồng Xuân. Đã cảnh cáo, nó vẫn làm. Lại còn cãi bướng: Đá ngoài đường chứ của nhà nào. Tôi không làm thì ai nuôi tôi. Đợt tiểu khu cho phép thì ban bảo vệ sẽ phá cái lò vôi của nó chỉ to bằng cái chõ.
Tôi phụ trách chung và đặc trách các công tác nghĩa vụ quân sự, ban hoà giải và xây dựng gia đình 5 tốt. Khi đi vắng thì Đại thay.
Chỉ hôm sau đã xảy ra hai việc. Việc thì mình khờ, việc thì chưa biết nỗi sâu nông. Một cô ở phố ngoài đem sổ hộ khẩu đến làm bằng và tờ đơn xin việc để trưởng ban ký giới thiệu. “Cháu đã hai mươi tuồi, cháu phải tự lập". Tôi ký luôn. Bảo vệ Dương bảo tôi: Con bé ấy làm gái điếm, tối nào cũng ra đứng ngoài hồ. Anh ký giấy cho gái điếm vào làm cơ quan a?”
Một việc khác. Có người gọi: “Ông hoà giải ơi, ông sang ngay cho”. Chị ấy ẵm con vừa đi vừa kể: Thằng bé nhà em đi học mà nó cứ đổ cho thằng bé đái vào nhà tắm. Em nói thì nó đấm em. Vết đấm còn đây này. Nhưng tôi không trông thấy má chị ta hằn chỗ nào.
Vừa về tới, chị xông vào tát anh thuê chung nhà một cái, rơi vỡ kính. Anh ấy bảo tôi: “Báo cáo anh, anh mới ra làm chưa biết, con nặc nô này cốt tát tôi trước mặt anh rồi nó sẽ đi khoe nó tát vào mặt chính quyền đấy Trước lúc nó chạy đi gọi anh, nó cứ réo thằng cán bộ, thằng đảng viên ra chửi, tôi có cho nó một cái đấm, một cái đá thật.
Tôi hoà giải trước mớ bòng bong. Cuộc bàn giao chẳng có gì vẫn chưa xong, mỗi lúc lại thòi ra những việc lắt nhắt.
Không có đồ đạc, không sổ quỹ. Trên cho tiền hay vật dụng để tiêu và dùng ngay. Tiền chè nước họp, ba tháng được một tập giấy và cái bút chấm lọ mực Cứu Long. Tài sản có bảy thước vải đỏ làm bặng, cắt chữ dán khẩu hiệu. Trước mười thước, giải luân chuyển các nhà, không biết nhà nào xé trộm mất ba thước, hỏi không ai nhận. Một cái khay, mười chén uống nước, không có ấm - trước cũng có, bị vỡ. Tôi cắp khay chén về nhà, mỗi lần họp lại bưng đến rồi mượn chủ nhà cái ấm tích và nồi đun nước. Thế mà cũng vỡ chén cũng bỏ quên, mất luôn. Hết qui lại xin tiền trên khu, sắm bộ chén mới.
Đại báo cáo:
- Tiền chè cuộc họp thì có biên bản họp trên mới chi. Giấy bút mỗi qui phát năm đồng. Qui này đã tiêu hết.
Tôi biết thế và chỉ biết hơn mỗi khi có việc, cứ im thì thôi, càng hỏi càng lộn xộn ra lắm chuyện. Việc trưởng thôn thì không thể có kế hoạch công tác, toàn các đầu mẩu trên sai bảo và dồn xuống, có vẽ vời thêm rườm rà, lắm đầu việc đấy nhưng chỉ nói xong đứng dậy là hết cũng được. Đại kể ra thì thấy như thế, nhưng đến tôi có thể còn đại khái nhanh hơn vì Đại phát biểu ê a hấm hứ dây cà dây muống dài dòng văn tự.
Tôi đi đường, hôm nào cũng có người gọi. Đứng vỉa hè cũng giải quyết việc. Người ta tố cáo với tôi những ông bà ở ban cũ.
Từ khi giải phóng đã mười mấy năm qua đến tôi trưởng ban là người thứ ba. Đầu tiên là một ông công chức lưu dung ngành bưu điện. Cả thành phố không ai đeo cà vạt, ông ấy lúc nào cũng thắt cái cà vạt đen. Ông bảo tôi: “Ông là người hiểu biết tôi mới nói. Đứa nào bảo tôi thắt cà vạt đen để tang nhớ chế độ cũ là nó ngu. Cà vạt đen xã giao của châu âu là đứng đắn lịch sự nhất, có phải không ông?”. Ngườì trưởng ban thứ hai là ông Đại rồi đến tôi. Người ta rỉ tôi.. Ông An dân phòng buôn vàng, hải quan đã đến tận nhà cảnh cáo. Ông Dương bảo vệ thì uống rượu, đã bị bắt vì đánh tổ tôm, ít xì... Ông Đại ăn cắp mùn cưa của cơ quan đem về bán. Ông này ở làng không phải tên ấy, ông thay tên đổi họ chui ra đây. Có người phàn nàn: Nhà nó lý lịch có vấn đề con cái học xong không xin đâu được việc thì đi dạy học, toàn bọn thày giáo bất mãn, thì dạy dỗ thế nào. Anh em nhà kia Tết năm nào công an cũng đến giải lên đồn nhốt mấy ngày để phố ăn Tết được yên ổn, khổ thế..
Đội dân phòng đi dự hội thi phòng cháy chữa cháy trên khu. Tập vài tối ở phố rồi đi thi toàn khu trên. Cửa Đông. Việc này bên bảo vệ làm, nhưng chính quyền phải đứng ra đại diện. Người ta bảo ông giám đốc sở công an này trước làm trưởng phòng chữa cháy nên tập chữa cháy hăng lắm.
Bảo vệ Dương quãng trên bốn mươi tuổi, làm canh cổng thường trực một cơ quan bộ giao thông. Nhưng hồi này thấy ở nhà đi rà rà trong phố cả ngày. Dương tự giới thiệu:
- Tôi Nam Bộ tập kết. Quê ở Phú Lâm, cạnh Sài Gòn. Anh vào Sài Gòn bao giờ chưa? Anh đã biết Phú Lâm, cả Hanh Thông Tây? Anh ra làm việc hay lắm. Trên cử về a? Tôi có nhiều việc báo cáo riêng với anh. Phố này thì cán bộ, công nhân viên nhiều, nhưng phức tạp rất phức tạp, mà phức tạp nhất là cái ông Đại trưởng ban đại biểu trước anh ấy. Trên cũng sáng suốt thật, thay anh về. Nó mua chuộc Thắng cán bộ tiểu khu, chiều thứ bảy nào cũng cùng nhau đạp xe về quê nhậu nhẹt, lại mua biếu đôi dêp râu mới. Anh ta đương cạy cục xin vào đảng ở cơ quan. Được rồi, để đấy tôi điều tra đầy đủ sẽ báo cáo anh. Thằng ấy là địa chủ có tội ác chạy ra Hà Nội từ thời Tây. Có khi mà Tây nó cài lại, chưa biết chừng.
- Ông An đội phó của anh thì thế nào?
- Đội viên thôi không phải đội phó. Anh này có người nhà làm tướng ngụy quyền Sài Gòn, ta phải cảnh giác, đội phó thế nào được.
- Ông Đĩnh làm đội phó a?
- Không phải, không phải. Lão này dân tạm chiếm cũ, buôn nhựa lậu, thuốc lậu, bây giơ vẫn buôn. Báo cáo anh tôi không cần phó, một tôi, một tay tôi đâu vào đấy hết. Tối mai mời anh ra dự buổi tập phòng cháy chữa cháy.
Chỉ hôm sau đã lại nhiều người thì thào với tôi về bảo vệ Dương. Nghe thấy nhiều việc Dương lôi thôi quá, nhưng hỏi lại thì không ai nói được đích xác. Chỉ rõ ràng có việc ngày mới đến đây, Dương cũng đi họp chi bộ. Nhưng rồi giấy tờ không đủ thế nào, Dương không được họp nữa. Dương cũng thôi không cầu cạnh để được họp. Tôi cũng không hỏi Khang.
Cái ông An “có người nhà làm quan to trong Nam” đến nói với tôi rành rọt từng chữ, như nhà chức trách đọc văn bản:
- Ông Dương có án nặng, khu giải phóng trong kia chưa xử xong, đem ra đây, thế nào mà lại sổng tù lên làm cán bộ. Trên đương điều tra xem ai đưa nó ra làm bảơ vệ. Anh ta thì cứ doạ anh ta là cá chìm. Ông phải xác minh lại, chứ thế này...
ở khối không có mảy may hồ sơ lý lịch người công tác, biết hỏi thế nào mà cần gì phải hỏi. ơ miền Nam ra tập kết cũng nhiều vấn đề, nhiều trường hợp tương tự. Đúng là ở Nam Bộ, người vướng án nặng chưa xử xong, và cả những người nếu thấy để ở lại, có thể bên kia lợi dụng đều được đưa ra, như trường hợp Nguyễn Bính. Nhưng các tỉnh ngoài không làm kịp được như thế, nhất là các vùng tự do ta phải trao lại, mà trong khi các tàu Nga, tàu Ba Lan chờ người tập kết vẫn ra vào cảng. Nhiều cán bộ được bố trí ở lại mất tinh thần đã xô xuống tàu, không kiểm soát được, trong khi những người cần đem ra thì bỏ lại.
Các trường hợp Lam Giang, Võ Phiến là như vậy. Ngày đấy người thì làm tỉnh trưởng, người thì viết chống cộng. Nhưng đấy là những việc to tát còn cái anh Dương ban bảo vệ đứng đường này thì đi đến đâu, tôi dò la, hỏi han làm gì. Có thể nó là đứa giết người, tôi cũng chỉ nghĩ để đấy. Lại toàn những bới móc, chẳng thấy người nào tử tế. Soi mói nhau, coi ai cũng không ra gì thì ở cơ quan tôi cũng chẳng thiếu người đeo kính đen kiểu này.
Cái ông Dĩnh “buôn lậu” mách tôi:
- Vợ ông bảo vệ Dương trước làm “mai dông đờ te" nhà thổ. Tôi ở trong này, lạ gì. Thằng tù vớ được con đĩ, lại lên mặt bà bảo vệ, thối không chịu được.
Đại, phó ban của tôi nói về Dương:
- Báo cáo bác biết ông Dương hay đi dò dẫm bịa chuyện để tống tiền người ta. Trên tiểu khu cũng đã nắm được từ lâu.
Mấy tối nay, tất cả những người bị Dương bảo với tôi là những phản động và ông Dương, ông Đại và các ông An, ông Dĩnh đã bị người ta tố cáo đều có mặt, đều là các chân chủ chốt ra tập luyện, ai cũng hăm hở và cười nói trò chuyện râm ran.
Bộ dụng cụ chữa cháy khá đẹp mắt, từ thùng đến gầu, đến bơm đều sơn đỏ bóng nhoáng. Mười cái gầu sắt, một lô thùng xách nước, oai nhất cái xe hai bánh, trên lưng cõng một thùng tô nô chứa nước với cái bơm phun, mọi người đến vuốt tay lên và xuýt xoa gọi là cái máy bơm, ồ cái máy bơm. Nước đổ vào lòng thùng, hai đội viên dân phòng hùng hổ liên liến bơm, một người cầm cái vòi cao su vẩy nước chĩa lên chiếc vòng vành xe đạp treo trên đầu cái thang. Tia nước phọt được vào giữa vòng, thế là trúng đích. Người được nhấc vòi xả nước trúng vòng phải là đội trưởng, đội phó. Cả đám xách nước, bơm nước chen nhau, mặt phừng phừng như ốp đồng. Cuộc tập dượt làm cho hàng phố nô nức ra xem. Cái gầu, cái bơm, cái xe, cái vòi và có đến một trăm mét ống cao su đều của mọi người ủng hộ. Hội thi, trên khu phát tiền chè nước và một yến gạo, mỗi tối tập đến khuya, tổ phụ nữ đã nấu chín nồi cháo hoa, giải lao húp cháo, mỗi bát rắc vài hạt muối.
Tưng bừng nhất cái tối lên hội thi trên Cửa Đông. Đội dân phòng đồng phục ba mươi người áo quần xanh công nhân, giày vải tím, có người đi bất lửng đầu đội mũ sắt trên chỏm có mào con gà của lính cứu hoả Pháp ngày trước, cả mũ sắt nhựa quân đội khối Varsovie nhẹ nhàng bóng lộn, tròn xoe. Trong đoàn có bốn nữ các cô tổ đan len, cô công nhân nhà máy kẹo Hải Hà, cũng mũ sắt quần áo sơ mi xanh hệt nam giới. Vừa đi mượn được, mọi khi tập không thấy diện một loạt khéo thế.
Đội viên sắp hàng ba, hai người đi đầu cầm cán băng vải đỏ đính dòng chữ: Đội dân phòng khối 98.
Trong hàng, chốc lại phát ra tiếng hô một hai, một hai, chỉnh đốn bước đi đều phăm phắp. Tôi và Dương đi đầu hàng, cánh tay đeo băng, ra lối các người phụ trách. Cái còi kền trắng quàng dây đeo trước ngực, nhưng chưa thấy bảo vệ Dương thổi tiếng nào. Nhiều người tận dưới phố tôi, đông nhất là trẻ con đuổi theo nhìn dân phòng đi đều bước, người lớn thì tò mò lên xem thi thố ra sao, kết quả mấy hôm thức đổ mồ hôi tập. Mười bốn đội về hội thi. Đội khối tôi đã được tập trung vào chỗ qui định có tờ giấy treo đánh số. Cả đoạn đầu đường công an ngăn xe cộ qua lại bằng một hàng sáu chiếc xe đạp dựa ngang. Đèn điện mắc sáng chói cả vào vòm lá sấu âm u. Các phố xung quanh đổ ra đông như hội.
Tôi nhận ra cái gác lấp ló lá sấu đầu nhà kia, ngày trước Huyền Kiêu thuê ở đấy, hồi đi dạy lớp tiểu học trường Lui Patstơ. Đinh Hùng, Nguyệt Hồ, chúng tôi đến chơi hay ngồi thành cửa sổ, nhìn xuống đường. Hiệu tạp hoá Sinômura của Nhật nhà hai tầng ở gác ngã tư. Đằng kia, phố Thiên Tân, ngày xưa, ngơời ấy ở phố đấy. Chặp tối, đứng đợi chỗ ngã ba Cửa Đông này. Rồi hai đứa lên vườn hoa Canh Nông.
Bây giờ tôi đi dẫn đội dân phòng vào. Một thoáng xa, chẳng bận bao giờ đến nhau, nhưng cùng một chỗ này, kể cũng lạ một thoáng ngậm ngùi. Đội phố tôi bị xếp gần cuối. Chờ lâu, càng hồi hộp. Đến lúc giật mình loa gọi... alô... a lô... 98, bảo vệ Dương nhảy phắt ra, thổi cái còi kền tuýt tuýt, tiếng kêu anh ánh.
Cả đội răm rắp đẩy cái xe máy bơm. Rồi xách nước, đổ nước, thay nhau tuần tự bơm, đội trưởng đội phó lần lượt cầm vòi vảy nước lên cái vành xe đạp bọc giấy thiếc lấp lánh treo giữa bậc thang.
Năm lần vảy vòi, lần thứ tư cố nhất cũng không lên được cái vành sắt. Cứ gần đụng tới thì ngọn nước lại cong xuống. Thế là thua, thua đứt đuôi rồi. Tôi như ù hai tai. Các tối tập ở nhà lần nào cũng rọi nước vọt tung toé, cả các chị cũng vảy trúng vòng. Sao lên đây lại đốn mả thế, mà anh em đã cố gắng hết sức.
Ngoài ngã tư, các đội được giải, chốc lại nghe gọi tên, người vỗ tay hoan hô rầm rầm. Không biết phần thưởng thế nào, người tuôn lên chỗ loa réo. Chúng tôi chẳng còn ngõi được đến nơi vinh quang ấy, thua tiu nghỉu, ngoảy ra ngay.
Tôi nhớ việc cúa tôi. Tôi trèo lên lưng cái thùng tô nô, bắc hai bàn tay làm loa. Cảm như võ sĩ Bọ Ngựa, vừa ngố vừa oai, tôi hét:.
- Các đồng chí khối 98 trật tự... Cả đội đi đều, bước!
Đội dân phòng tiếp theo... một hai... một hai... Nhưng nghe như đuối hơi. Tôi còn ngấm dư vị tiếng quát ra lệnh trước hàng quân. Nhưng đến lúc nhìn bánh sắt cộc cộc, cái xe máy bơm đầu nghếch lên như con voi trận, bây giờ vẫn nó mà thấy như cái xe bò tơi tả không ai buồn đẩy.
Về tới trụ sở, xe nước và vòi bơm quăng đấy, nhiều người vào húp vội bát cháo rồi đi ngay, mà hôm ấy cháo bồi dưỡng có thịt lợn băm. Uất quá, bực quá. Phó ban Đại nói nhỏ với tôi:
- Cái anh Dương nó xỏ lá. Bác mới ra làm việc mà nó cũng không kiềng, đểu thật.
- Thế nào?
- Những hôm tập ở nhà nó treo vòng thấp, anh em cứ cữ ấy vắt vòi phun lên. Đến đây thì vòng chuẩn cao hơn ba gang tay. Thế là mất đà, mặt mo cả lũ.
- Sao anh biết?
- Thợ mộc chúng tôi đo bằng mắt, con mắt là cái thước, bác ạ.
- Dương cũng vào phun nước cơ mà?
- ấy thế mới thâm!
Đại bảo tôi phải làm cho ra nhẽ. Tôi nghĩ “cho ra nhẽ” cũng chẳng đi đến đâu, đằng nào cũng thua rồi.
Chẳng bao lâu lại sắp Tết. Công tác ở phố đã được ngót một năm và gia đình tôi về ở nhà này cũng gần mười năm rồi.
Các con tôi đã cọ gạch hoa, mua vôi vàng quét tường trước cửa- như phong tục ông ngoại tôi ở quê ngày trước, sắp Tết lại quét vôi trắng vẽ vòng tròn cánh cung lên mặt tường. Tôi xuống tận chợ Mơ tìm mua cái khánh, con cá đất nung về treo cây nêu, mà không đâu có.
Nhà tôi cách một quãng phố ngắn ra bờ hồ Thiền Cuông. Tôi sinh ở nhà ông bà ngoại xóm Giữa làng Nghè xã Nghĩa Đô. Cái nhà tôi ở thuở bé, mẹ tôi và các dì đã bán từ lâu. Trở lại Hà Nội, tôi thuê nhà ngoài phố, đầu tiên ở trên gác gần chợ Hôm. Đan Hà, Đan Thanh và các con chúng tôi mới bốn năm tuổi nghịch ngợm nhảy chơi sàn nhà gỗ, bà chủ phàn nàn quá.
Tôi đi qua cuối phố gần chợ Đuổi, thấy một nhà treo mảnh các tông đề “nhà cho thuê” tôi dọn xuống. ít lâu, Nguyễn Văn Tước - sinh viên mỹ học tôi quen ở Matxcơva tốt nghiệp về đi tìm nhà ở mách tôi trên phố có nhà muốn bán. Trong ngõ hẻm, căn nhà một tầng hơn sáu mươi thước vuông. Chủ nhà, một ông công chức về hưu đã luống tuổi, cũng mới ở nhà này mấy năm muốn ra ở ngoại ô.
Tôi đã mua nhà bằng tiền kịch bản Vợ chồng A Phủ, vừa làm phim lại vừa in sách - cả thảy trên hai nghìn đồng. Văn tự nhà, hai bên thoả thuận viết hạ xuống một nghìn rưỡi để ttánh thuế - ông làm mối nhà xui thế. Trong ngõ có hơn mười cái nhà liền một bên, trước mặt là tường một cơ quan. Có mấy nhà tư, lẫn nhà thuê của thành phố. Ngõ cụt, không phải người ở trong ấy thì không ai đi vào làm gì. Bởi vậy, đi tìm phố, có khi hỏi công an trật tự cũng không biết phố này. Trên đầu tường nhà tôi - miếng lá vả trát giữa, hai cột trụ đắp nổi chữ số 1923 năm xây, mái lợp ngói Satic của nhà máy gạch Tây phố Quan Thánh. Cái năm chữa làm gác xép, dỡ những cột rầm trong lòng tường ra đầu cột bọc giấy trang kim chống mọt.
Các hoạ sĩ Huỳnh Văn Gấm, Trần Văn Lắm trong Nam ra học trường Mỹ thuật Đông Dương đều đã trọ học ngõ này. Các anh còn nhớ trong nhà có cái giếng.
Nhà tôi ở, trần cót quét vôi còn hai cái móc sắt để mắc quạt kéo. ở sân bếp, một cái giếng mạch ngang, nước sủi váng vàng ố, nước để giặt rũ, không làm nước tắm nước ăn được.
Nhà như cái ống thế mà người ở phố này từ thời Tây nói nhà tôi có đến ba bốn chủ ở. Chồng đống gồng gánh bán quà sáng, quà tối, góc nhà quây lại nuôi cả lợn ở chung với người. Hôm nay đầu ngõ vẫn còn một vòi nước công cộng trước ở vỉa hè ngoài đường được chuyển vào ngõ, tuổi cái vòi nước ấy phải ngót thế kỷ.
Những năm Mỹ ném bom thành phố, các con đi sơ tán, vợ tôi lắm đêm trực chiến cơ quan, cái giếng làm hầm trú ẩn cho tôi. Nhà toán học Lê Văn Thiêm kể chuyện khi Berlin bị quân Đồng Minh bao vây tấn công, nã đại bác và ném bom cả tháng liền. Ngày đêm, Thiêm và các bạn học đã chui xuống ăn ngủ trong lòng giếng cạn giữa thành phố.
Chúng tôi dọn đến, đồ đạc chỉ một xe xích lô, hàng phố không ai biết. Mỗi người đến một túi, một ba lô còn gọn hơn. Khi ở hẳn, hai bên láng giềng mới biết nhà có chủ mới. Vợ chồng tải bằng xe đạp hay xách bộ, một cái giường nan vầu, một tủ đứng hai ngăn, một bàn gỗ lim dài một thước, mấy túi xoong nồi, quần áo. Những đồ đạc ấy về sắm ở chợ Giời. Đến bây giờ vẫn còn, chỉ vứt đi cái giưòng vầu gãy nan. Chiếc bàn gỗ lim cứng như sắt, mối xông cúng không nhằn được, để làm bàn thờ.
Dẫu sao, nhà ở mới cũng thoáng hơn cái buồng bốn thước vuông chợ Đuổi. Nhưng hai con gái tôi thì sợ. Những đứa trẻ nhìn cái nhà bằng con mắt hãi hùng như ngày trước tôi ở túp nhà cô hồn như nhà hoang của ông bà ngoại, mà tôi đã nhớ lại trong những trang mở đầu Cỏ dại. Khi nhà vắng, chỉ có hai chị em, chỗ nào cũng thấy ma hiện ra. Không dám ra gần thành giếng, ma dìm chết. Cái cửa nách nhà rêu trơn u ám quá, trong kia, trên tường lù lù dây móng rồng xanh eo éo như con ma xoã tóc. Đã tan học, bố mẹ đi làm chưa về, ở trường về không đứa nào dám vào nhà, chị em ra đầu ngõ ngồi ngóng.
Có lẽ đến năm tôi làm công tác khu phố, các tổ trưởng tổ phó họp ngay cạnh bàn viết của tôi kín ra đến cửa và rồi có đông các em hơn, mà bấy giờ cũng nhớn nhao rồi, các con tôi mới thấy nhà đỡ u ám.
Người ta nói ngày trước lòng hồ ăn vào tận đầu phố, có cầu ao bắc ra, nước ăn nước rửa đều ở hồ.
Bây giờ hồ lùi ra bên kia đường, nhưng mỗi khi mưa to lại như hồ ngày trước, nước dềnh vào tận các phố, các ngõ, có khi ngập liền mấy ngày. Trẻ con lội chơi, cả lũ kêu loạn xạ, gặp con rắn nước ở đâu ngoi ra.
Dáng dấp các phố vùng này cũng là kiến trúc phố cũ thời Pháp mà qui hoạch và bảo tàng thành phố chưa để ý. Không đặt tên phố (rue) mà Tây gọi là khu vườn phố (cité immobilière), không biết ai đã dịch ra là xóm, giữa phường phố có một cái xóm. Các ngõ ngoắt ngoéo, có đến năm sáu lối thông ra các phố bên. Nhà xây đá tảng chống ngập nước một tầng lửng, cột đá cột gạch đỡ sàn gỗ. Xung quanh mỗi nhà, vườn nho nhỏ, cây nhãn, cây cau. ở đây trước xưa khi chỉ có người Pháp ở, thường là công chức các sở Liêm phóng Bắc kỳ, công ty hoả xa Vân Nam, những công sở gần đấy.
Nhà thơ Ngô Linh Ngọc kể ngày trước trong phố có nhà của Jean Marquet mà anh ấy còn nhớ cả số nhà, ông ta làm sở Đoan và là văn sĩ thuộc địa đã viết quyển Năm bông hoa (Bắc, Trung, Nam kỳ, Ai lao, Cao Miên), có bài trích sách tập đọc tiếng Pháp và những tiểu thuyết phong tục ngô nghê của mắt ông Tây xem người bản xứ. Học trò lớp ba lớp tư chúng tôi phải học thuộc lòng, đọc ra rả như cuốc kêu, tận bây giờ còn nhớ: Il fait froid! Il fait froid! De longues rafales parcourent le Ton Kin. Les feuilles du banian rougeoient le sol... Trời lạnh rồi! Trời lạnh rồi! Từng cơn gió bấc đã thổi qua xứ Bắc Kỳ. Những lá đa rụng đỏ mặt đất... Chắc lá bàng, Tây gọi là lá đa.
Những tên xóm Hạ Hồi, phốNguyễn Du, phố Nguyễn Gia Thiều đều là tên mà ông thị trưởng thời Nhật bác sĩ Trần Văn Lai đã đặt. Năm 1945, phố Nguyễn Gia Thiều, nhưng được gọi chức và tên hiệu là Ôn Như Hầu. Cái nhà ở gần đầu phố, công an đã ập vào bắt hết bọn Quốc dân đảng ở đấy. Tôi là phóng viên báo Cứu Quốc, đã vào nhà này. Hồi ấy, một số toà nhà tương tự, Quốc dân đảng đóng rải rác các phố. ở đây, ở hàng Bún, ở đường Quan Thánh, trụ sở Trung ương Quốc dân đảng đóng ở trường Yên Thành, lại chiếm cả khu các phố trong bán đảo Ngũ Xã hồ Trúc Bạch. Còn nhiều nhà ở kín, khó biết, mà cái nhà hai tầng ở Ôn Như Hầu này cũng là cơ quan bí mật của Quốc dân đảng.
Nhà có một vườn nhỏ đằng sau, liền hai bên hàng xóm. Những người bị giết trong nhà khi đào xác lên còn thấy quang gánh, nón lá. Người sang trọng bị tống tiền, cả người bán phở, cháo gà, bánh giày bánh giò, thức ăn đêm, bọn canh gác gọi vào, ăn rồi quịt tiền, đánh chết người, vùi xác trong vườn. Nhà ở láng giềng đã phát giác ra tiếng gào khóc đêm khuya. Đấy là mấy chục năm trước, hôm nay đi qua chỉ thấy một phố thoáng đãng, yên tĩnh dưới hàng cây phượng lưa thưa. Nhưng mà chỉ cũng là bề ngoài của những sinh hoạt đời thường.
Bỗng có người gọi: “Ông hoà giải ơi! ông ra mà can, không thì vợ chồng nhà nó giết nhau kia kìa”. Tôi biết rồi, lão quét vôi thuê đi làm về, say rượn, doạ giết vợ. Trông lão gày kheo khư, mà bà lão thì to béo như con trâu trương. Tôi quát: “Im đi! Trật tự! ". Bà lão mếu máo: “Xin ông bắt nó lên đồn công an đêm nay, không có thì nó giết em mất". Lão đã nằm quay mặt vào tường ngáy khò khò. Tôi lững thững về.
Đầu phố đằng này có toà nhà ba tầng, cửa sổ trổ ra như những lỗ tổ ong. Mỗi chủ ở một buồng, buồng trong buồng ngoài, túi bụi, nhếch nhác. Dưới sân, người ngồi giặt, người giã cua, người chẻ củi, trẻ con nhảy nhót, những cụ già móm mém nhìn ra đường. Chỉ thiếu cảnh sưởi nắng lần tay áo nhá trứng rận, không thì chẳng khác sân làng quê một ngày nắng hanh. Tôi đi quan sát qua các nhà trong khối phố. Đại bảo tôi nhà này của một ông trước làm quan, cự phú, người ở nhờ không phải thuê, đều là các con cháu được gọi đến cho ở, thành phố không lấy nhà được.
Tôi biết thế. Cô Đàng, công an, bảo:
- Lũ trẻ con phố này hay trêu ghẹo ông cụ ở chỗ nhà ba tầng. Bác doạ chúng nó phải lễ phép với người già. Bác bảo thì chúng nó nghe hơn tôi nói.
Rồi cô Đàng kể:
- Cụ ấy ngồi đái ngoài vỉa hè, chúng nó hét đả đảo. Tôi bảo không được làm thế, chúng nó cãi: ông này đái đường làm mất vệ sinh, cô công an không bắt thì để chúng cháu bắt.
Tôi trông thấy trong nhà thường đi ra một ông lão người nhỏ thó, mặt và râu nhọt nhạt, áo sơ mi trong áo vét tử tế nhưng đã cũ. Cụ ra vỉa hè, ngồi xuống vén ống quần. Mấy đứa trẻ như đã rình đằng kia, vừa chạy lại vừa la: “Chúng mày ơi! Lại xem cụ đái... cụ sắp đái! ”. Nghe chúng nó gọi nhau thế, cụ lại đứng lên, thong thả đi vào trong. Nhưng quả là có hôm khác tôi trông thấy cụ ngồi xuống, vạch quần ra đái tự nhiên.
Người già cũng như trẻ con, đứng đâu đái chẳng được.
Ta nhìn nhiều cũng đã quen. Chỉ còn ngượng, nếu khi nào đưa khách nước ngoài từ sân bay vào thành phố, thỉnh thoảng trông thấy các chị đi trên đê, đương gồng gánh tong tả, lại xắn quần, đứng giạng háng ra. Cô Đàng hỏi:
- Cụ ấy trước là cán bộ cao cấp đấy, bác đã bảo các cháu phải lễ phép chưa?
Cô biết cụ là cán bộ gì...
- Trong sổ hộ khẩu tên cụ là Vi Văn Định.
- à thế thì cụ là quan đế quốc, không phải cao cấp ta.
Tôi nghe tiếng Vi Văn Định tử thuở nhỏ, khi làm tổng đốc Hà Đông. Bây giờ mới biết mặt cụ Vi Văn Định, mà tôi tưởng phải to con, dữ tợn, hách dịch, bởi cứ nhớ nghe chuyện người làng tôi kể Vi Văn Định ghét bèo Nhật, đến làng nào trông thấy bèo Nhật dưới ao, quan bắt nọc lý trưởng, phó lý phạt đánh roi giữa sân đình. Sau này, đi công tác lên Lạng Sơn tôi đã vào Bản Châu huyện Lộc Bình quê ông ấy. Dinh cơ của Vi Văn Định khang trang, như lâu đài, như toà thành, đoàn chuyên gia lão nông tri điền của tỉnh Quảng Tây Trung Quốc sang giúp Lạng Sơn trồng ngô giống mới đã ở cả tháng trong trang trại ấy. Nghe nói từ năm xuống xuôi làm quan rồi lên chức tổng đốc tỉnh Thái Bình thì ông không về quê nữa. Nguyễn Công Hoan kể: ở thị xã Thái Bình, buổi trưa ai lê guốc ngoài đường mà trong dinh nghe tiếng, tổng đốc Vi Văn Định cho lính bắt vào đánh..
Ra cái cụ gầy còm lù khù ấy là Vi Văn Định. Cụ lại ra vỉa hè, lừ đừ thong thả đi.
- Chào cụ Vi.
Ông cụ ngước mặt. Tôi nói:
- Tôi đã đuổi đám trẻ con hỗn với cụ, cụ cứ đái tự nhiên.
Cụ Vi nói khe khẽ:
- Ông nhặt cho tôi hòn đá, tôi ném vỡ đầu có thằng. Ông trông tay tôi cứng gân thế này.
Cụ giơ cánh tay, cổ tay cụ nổi gân xanh như que đóm, không cứng gân như cụ tưởng tượng. Cụ lại nói:
- ăn thịt mỡ, ăn mỡ cả lá, ăn mỡ thì khoẻ cái ấy lắm, ông ạ.
Tôi quen ông nhiếp ảnh Lê Đình Chữ ở phố trên, người cũng trạc tuồi các cụ Vi, cụ Võ An Ninh. Các cụ già đĩ mồm hay khoe khỏe cái ấy. Cụ Chữ chiều chiều đi ăn cơm bụi rồi uống cà phê đen. Cụ Chữ, cụ Võ cũng khuyên tôi ăn nhiều mỡ, ăn mỡ lá... Các lão kễnh tám chín mươi lẫn lộn hoài cổ với hoang tưởng.
Tôi không bắt chuyện ăn nhiều mỡ của cụ Vi, tôi hỏi:
- Cụ có hay về chơi Lạng Sơn không?
Cụ Vi nhìn tôi, lờ đờ mắt và lặng im. Cụ biết tôi biết cụ hay là cụ nhãng tính, nặng tai, hay là cụ vờ nhớ nhớ quên quên không muốn nhắc chuyện cũ.
Chữ ký và chứng nhận, chứng nhận và chữ ký, tôi bận nhiều nhất công chuyện này. Dường như ngày nào cũng có, tờ giấy đơn giản mà phức tạp.
Bà ải kể lể:
- Tôi với bà Lữ lên phố Lãn ông. Chúng tôi đương ăn cái ngô luộc thì cán bộ phòng thương nghiệp ra khám túi. Chúng nó lấy của tôi 9 đồng bạc, nửa cân phiếu đường một cân phiếu thịt, 20 cân phiếu bột mì. Oan ức tôi quá. Bà Lữ ấy mà, về nằm rên suốt đêm, gần sáng thì chết.
- Tại sao bà ấy chết?
- Uất quá mà chết, chết thiệt thân, có bằng chứng giết người đâu mà kiện, có mà kiện củ khoai.
- Thế bà đến kêu việc gì?
- Xin ông cái giấy chứng nhận tôi không buôn bán lề đường, tôi đã học tập, tôi không vi phạm quản lý thị trường. Trả cho tôi các thứ...
Tôi nghĩ vài cái lặt vặt, bắt cũng chẳng ra thế nào.
Tôi nói:
- Bà vẫn buôn bán lề đường nên mới bị thu đấy. Người ta thuộc mặt bà rồi. Tôi chứng nhân cho bà lần này, lần này nữa thôi.
Ông kia mới chuyển đến, xin chứng nhận cho con được học đúng tuyến. Một ông bỏ vùng kinh tế mới trên rừng trở về, chưa nhập lại được hộ khẩu, không có sổ gạo.
Tôi nói:
- Ông thì việc con đi học, ông thì phải có gạo ăn, tôi cho giấy một lần rồi phải đi lo ngay hộ khẩu đấy.
Một chị dược sĩ đến.
- Người nhà em bên Pháp gửi quà về. Xin ông chứng nhận cho em mới nhận quà lần đầu.
- Quà gì?
- Một cái xe ca mi ông, một ít thuốc.
Tôi trả lời:
- Tôi chứng nhận cho chị có hộ khẩu ở phố này.
- Em chưa nhận quà bao giờ.
- Tôi không biết, tôi không chứng nhận được.
Ngày mai, ngày kia lại những việc tương tự.
ở rải rác trong phố có mấy nhà có tên gọi là hộ đặc biệt. Hộ đặc biệt khác các nhà khác. Nhà biệt thự, cửa sổ trên gác không mấy khi mở. Có ô tô đưa đón, cửa xe treo rèm vải hoa, không trông thấy người ngồi trong. Cổng trấn song sắt, một tấm tôn che kín, khoá và xích xủng xoảng, bên trên có nút bấm chuông điện.
Các hộ này không liên quan đến khối phố. Không có tên hộ khẩu ở sổ cái của ban bảo vệ. Hàng năm, không phải bận lên danh sách tem phiếu. Chỉ mỗi dịp bầu cử thành phố hay Quốc hội, chúng tôi phát thẻ cử tri cho các hộ ấy và vị chủ hộ được giấy mời ra dự khai mạc, ngồi ghế danh dự trên hàng đầu và được bỏ phiếu trước. Đã mấy dịp thế, nhưng tôi không biết, cũng chẳng làm quen với ai, chỉ đoán cụ nội chính, cụ thương nghiệp, cụ phó thủ tướng...
Thế mà cũng vẫn có việc phải làm với các hộ này.
Việc thứ nhất là cái chuông bấm. Trẻ con hay với tay lên bám chơi một cái rồi chạy. Tôi nhận được công văn cơ quan phê bình để “nhân dân cãi nhau mất đoàn kết” và “không giáo dục thiếu nhi để trẻ nghịch bấm chuông cổng mất trật tự.
Đầu ngõ kia, một số nhà có nhiều hộ ở chân tường mà bên trong là một hộ đặc biệt ở cơ quan. Cái số nhà lắm hộ này chật chội kinh khủng, suốt ngày đụng chạm lủng củng to tiếng như có bệnh cãi nhau. Nhưng không khi nào xô xát dao gậy., họ loạn xạ chán rồi im dần. Ban hoà giải đã đến mấy lần, chưa có cách nào dẹp được. Cơ quan nọ phê bình, tôi không trả lời.
Lần sau, hàng xóm cách tường cãi nhau, cơ quan cho cán bộ bảo vệ sang tận nơi. Nhưng các người ta chỉ ngồi một chỗ ném lời qua tiếng lại, tức quá thì văng xa xả, chưa phạm trị an. Không đứng lên nắm tóc, đấm đá, cáo cấu, giằng xé. Đồng chí bảo vệ không biết can thế nào, nói nhỏ nhẹ hay nói xẵng, chẳng ai chịu im mồm. Mấy lần sau cũng chẳng doạ nổi, thôi không thấy sang nữa. Vị chủ hộ đặc biệt bên kia tường đành chịu đôi khi điếc tai, hay là đã dọn đi, tôi không biết.
Việc thứ là cái chuông bấm thì tôi đánh máy trả lời như công văn, cũng đánh số, đề ngày và ký tên cẩn thận. “Chúng tôi đã cấm thiếu nhi không được nghịch bấm chuông. Nhưng về mặt chủ động, chúng tôi không có điều kiện canh cổng nhà đồng chí 24/24.
Chúng tôi đề nghị đồng chí gắn cái chuông bấm lên cao quá đầu người thì trẻ con sẽ không nghịch được.
Kính chào quyết thắng".
Mấy hôm đi qua cổng, để ý thấy trên cổng sắt, chỗ bấm chuông đã gắn nhích lên lại đặt hõm vào trong tường, trẻ con kiễng chân cũng không tới được. Chắc các nhà có chuông bấm đã rỉ tai nhau, cổng nào cũng lắp chỗ bấm cao hơn. Các chú nhóc đành chịu. Không thấy nhà nào có lời cám ơn khối phố có sáng kiến. Tôi đương phấn khởi việc ấy. Thì tổ thanh niên báo cáo con gái vị thứ trưởng kia không họp thanh niên, mời ra giúp thiếu nhi phố vui hè cũng không nhận, còn trả lời kênh kiệu. Chả là các cô các cậu ở các hộ đặc biệt cũng đi học tiểu học các trường quanh đấy. Chặp tối, tôi cùng nhóm thanh niên đến nhà vị thứ trưởng. Tôi bảo một hai cậu thủ cái gậy, phòng nhà này có chó béc giê.
Dương bảo tôi:
- Không nên cho con thằng tù vào nhà hộ đặc biệt, anh ạ.
ý Dương muốn nói Xuân, con ông Phong, ông Phong là công chức. Ông bị đi tù. Người ta nói lờ mờ ông hai mang, ông đã làm cho Tây thời bị chiếm. Tôi ra làm việc phố, ông Phong vào tù đã lâu. Đến năm ông được tha, tôi cũng thôi trưởng ban rồi. Ông đến chơi, có ý cảm ơn tôi đã đối tốt với con cái ông. Tôi hỏi: “Ông phải vắng nhà mấy năm?” - "Thưa cán bộ, mười năm rưỡi". Ông vẫn chưa quên cách thức thưa gửi trong trại tù.
Tôi trả lời Dương:
- Nó có phải tù như bố nó đâu, nó là thanh niên đường phố.
- Anh làm thế mạo hiểm quá.
Tôi cười.
- Mọi việc Xuân đều đầu tầu. Chôn chuột chết bả, đào sộng Tô Lịch, dạy thiếu nhi sáng bè tập thể dục, thiếu nó thì rầy rà.
Dương nói theo ý nghĩ:
- Còn bố nó, còn lý lịch nhà nó. Anh mạo hiểm quá. Anh có phải là Nhân Văn không?
Tôi ngạc nhiên nhìn lại Dương. Dương thì chẳng biết Nhân Văn là thế nào, nhưng có thể có người đã bảo với anh và Dương đã hiểu Nhân Văn là có tội nặng, cán bộ nhà văn nhà báo mà lại phải vào hầm mỏ, đi nông trường, phải về công tác khu phố thì phải là có vấn đề. Buổi họp phố chỉ có các bà nội trợ, trẻ con hay cụ già, nhưng ở nhà thì chẳng thiếu người hiểu biết, cán bộ các ngành, người đi họp về kể lại và Dương.
Chắc đã nghe những lời đồn đoán về tôi. Với Dương, cho một đòn thế này thì hết thắc mắc, và lại phấn khởi là cái chắc, tôi nói:
- Tôi làm việc cơ quan, tháng lĩnh lương, hay được đi nước ngoài, nhà treo bằng Huân Chương Kháng Chiến Hạng Nhất, anh trông thấy đấy, anh bảo tôi Nhân Văn ở chỗ nào?
Dương phân trần:
- Có đứa nói láo thế, tôi báo cáo lại với anh.
Xuống đến mọi người thì mọi chuyện đều cứ mơ hồ và cụ thể lẫn lộn lạc ra nhiều nghĩa khác nhau theo mỗi người. Một lần tôi tiếp ở cơ quan một người cháu Nguyễn Bính. Chị ấy là đối tượng kết nạp đảng của chi bộ. Có người phát hiện nhà thơ Nguyễn Bính là Nhân Văn. Hoang mang chẳng biết thế nào, cô đến hỏi cơ quan chúng tôi. Tôi đã trả lời: “Báo Trăm Hoa của chú Nguyễn Bính cháu không phải là báo Nhân Văn". Rồi tôi phải viết xác nhận, cô mới chịu ra về.