Chương 7

Lần này, vợ phản bác dữ dội: "Cái quan niệm con trai vốn quý, đã lỗi thời rồi. Đây là xứ trọng nữ khinh nam. Đàn bà là mẹ thiên hạ, chiếm đặc quyền ưu tiên. Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc. Anh cứ khư khư níu giữ cái quan niệm nối dõi tông đường, là bơi ngược dòng về nơi có bốn ngàn năm văn hiến."
Tôi đấu dịu: "Thôi, không đặt vấn đề nối dõi nữa. Tôi chỉ muốn nhà có đủ con trai con gái, để âm dương được cân bằng trong gia đình."
"Anh định áp dụng cái thuyết, thái cực sinh lưỡng nghi, lưõng nghi sinh tứ tượng... gì ấy hả? Hãy thực tế một chút đi. Nhà nào âm thịnh là có phước."
Mới sang Mỹ, vợ tôi đã chụp bắt ngay được cái quan niệm cường quyền nữ phái của xứ này. Tôi bị lép vế. Khi người đàn ông không còn là rường cột gia đình, thì cũng mất luôn cái quyền chỉ huỵ Tôi đành chắc lưỡi buông xuôi, mặc tình nữ kê tác quái.
Vợ tôi uống thuốc ngừa thai. Nhất định không chịu đẻ.
Một hôm, vợ thắc mắc: "Không biết tại sao, trễ kinh cả tháng rồi."
Tôi nói: "Có một trong hai vấn đề xảy ra. Em sắp biến thái thành đàn ông. Hoặc bước vào giai đoạn mãn kinh của tuổi già."
Cả hai vần đề, vợ tôi đều sợ.
Vợ dỗi: "Từ ngày sang Mỹ, anh nói lời gì nghe cũng mỉa mai cay đắng."
"Đó là tinh túy của ngôn ngữ, kết quả của trầm tự"
Chẳng thèm lời qua tiếng lại, vợ đi bác sĩ khám bệnh. Bác sĩ cho biết có thai.
Về nhà, tôi la lớn: "Tuyệt nhiên định phận tại thiên thự"
Vợ hỏi: "Nghĩa là sao?"
"ông Đặng Dung nói rằng, sách trời đã định như thế rồi. Nó là thằng con trai."
"Sao biết con trai?"
"Náy nhé. Uống thuốc ngừa thai, cũng giống như người ta bật đèn đỏ, treo bảng "Stop", và đặt hàng rào chắn. Nhưng nó vượt đèn đỏ, bất chấp bảng "Stop", xô ngả hàng rào chắn, chui ra khỏi cửa mình, để góp mặt làm người với đời. Anh hùng gan dạ, "khó khăn nào cũng vượt qua" như thế, chỉ có thằng con trai mới làm được."
Tưởng lý luận bò càng cho vui, không ngờ vợ sinh con trai thật. Nó hấp tấp ra đời đến nỗi bất chấp cả định luật thiên nhiên chín tháng mười ngày. Chẳng biết ở trong bụng, nó chòi đạp thôi thúc thế nào, mà vợ tôi phải tống nó ra, trước mấy bữa. Một thằng con trai quá ngon lành!
Khi nó còn nằm trong đống tã lót, bà y tá hỏi tôi, có muốn cắt da qui đầu cho nó hay không?
Tôi lắc đầu, nói tiếng Mỹ: "Nọ Nọ"
Bà giải thích rằng, theo phương pháp vệ sinh ở Mỹ, nên cắt da qui đầu, để con cu được sạch sẽ. Dĩ nhiên, những lời này phải qua cô thông dịch.
Tôi lại lắc đầu: "I don't likẹ" Biết được tiếng nào, xổ ngay tiếng đó.
Dù đã "I don't like", nhưng tôi vẫn sợ người ta sẽ rình cắt mất da qui đầu con tôi. Tôi nói với cô thông dịch, nếu điều này xảy ra, tôi sẽ kiện. Doa. thế thôi. Mới qua Mỹ, ngôn ngữ không rành, biết gì mà kiện thưa ai chứ?
Trước khi quyết định cho con một cái tên chính thức trong giấy tờ, vợ hỏi: "Đặt tên gì?"
Tôi nói: "Lâm Khang."
Vợ giật mình: "Trời đất! Đó là tên thằng con đã chết, sao lại đem gán cho thằng này?"
"Tôi nghĩ, thằng Khang bị chết oan. Nó đầu thai lại."
"Thôi. em sợ có huông lắm. Đặt tên khác đi"
"Vậy thì đặt nó là Lâm Bình."
"Sống ở Mỹ, sao không đặt tên Mỹ?"
Điều gì tôi có thể nhượng bộ, nhưng đặt tên Mỹ cho con, tôi phản đối tới cùng.
Cái máu độc tài của người đàn ông Việt Nam nổi lên, tôi cảnh cáo vợ: "Đừng bao giờ đưa ra ý kiến đó với tôi lần nữa nhé!"
Nhắc lại thằng con bỏ mạng trong Khoa Ỉa, bệnh viện Nhi Đồng I, tôi liên tưởng đến thằng Cu Đen uống thuốc rầy năm nọ. Tôi thương thằng bé. Cái tên của nó gợi lại biết bao kỷ niệm êm đền ngày cũ quê tôi. Tôi quyết định, đặt cho thằng út Lâm Bình, thêm một cái tên ngoài giấy tờ khai sinh: Cu Đen. Dĩ nhiên, vợ tôi không biết lý do thầm kín của cái tên này.

Hết


Xem Tiếp: ----