Khi quân giải phóng vừa vượt qua khỏi Nha Trang, ba mẹ con tôi quyết định quay về Kon Tum ngay. Tôi sốt ruột muốn biết tin tức chính xác về Châu. Và tôi cũng có một niềm tin mãnh liệt rằng, chồng và con trai lớn của tôi đã về. Cuộc chiến đã chấm dứt. Các ngươi hãy vui mừng vì máu không còn đổ, nhưng ta bảo thật, gánh nặng của sự vui mừng cũng chẳng nhẹ hơn sự buồn đau. Các ngươi cũng vẫn phải khóc vì máu các ngươi phun vào nhau không rửa được. Tôi cảm thấy có lỗi với nơi tôi đã chờ đợi bao năm. Màu cờ mới tưng bừng trước mọi căn nhà, người ta tuyên xưng đức tin cũng như người ta chối bỏ những giá trị. Một trật tự mới được thiết lập một cách phấn khích. Hồ hởi, phấn khởi. Cả đến ngữ ngôn cũng thay đổi và cây Kơ-nia cũng phải có chính nghĩa. Chúng tôi đã trở về. Tha thứ cho tôi, hỡi Kon Tum chìm lắng. Mùa hè rực rỡ những bông hoa đỏ khải hoàn. Hãy cho tôi nép vào trong cánh tay người để tôi được chở che. Nhưng chồng tôi đã không bao giờ trở lại. Anh ấy đã lấy một người vợ khác ở Hà Nội và sinh được hai đứa con. Con trai tôi, Lâm cũng đã lập gia đình trước khi vào Nam chiến đấu. Ngày Lâm trở về cũng là ngày tôi biết Châu bị bắt làm tù binh. Dẫu sao thì tất cả chồng con tôi đều đã sống sót trong lúc hàng triệu người đã chết và thương tật, xin cám ơn chín phương trời, mười phương phật, còn đâu dám oán trách chồng bội bạc. Thật quá sung sướng khi Lâm ôm chầm tôi gọi má. Tiếng má xa lạ với nó. Tôi đã khóc vì hạnh phúc này và tôi cũng đã khóc vì nỗi đau khổ kia. Tôi nói: - Má vui vì các con sống sót, nghĩa là các con đã không bắn vào nhau. Nhưng con phải đi tìm Châu, em con. Chúng ta phải đi tìm Châu. - Vâng, con sẽ đi tìm Châu, má yên Tâm. Hòa bình, nhưng nỗi đau và hệ lụy của chiến tranh thì dường như lại chưa bao giờ chấm dứt. Những tưởng Lâm sẽ xót xa vì sự tù đày của em, tôi cay đắng nhận ra nó hèn vì sợ liên lụy. Có những bóng ma trong cuộc sống và có những âm binh trong con người. Đấy là điều tôi không hề biết. Tôi hỏi và thúc giục Lâm đi tìm em, chỉ nghe nó nói loanh quanh bận bịu công tác này nọ rồi sau đó về Sài Gòn nhận một chức vụ gì đó, quên cả tình máu mủ. Tôi không đẻ ra thằng hèn. Máu các ngươi chỉ là nước lã được múc từ giếng của hợp tác xã. Nhưng ngay cả nước có trôi đi rồi nước cũng về nguồn. Không ai có thể tách con ra khỏi cha. Tôi viết thư cho chồng, đại ý tôi không đòi anh ấy phải trở lại với tôi, bởi tôi không muốn anh phải bỏ một người đàn bà và hai đứa con khác, nhưng anh phải có trách nhiệm trả những đứa con (của tôi) lại cho tôi. Anh ấy lật đật vào Nam. Người đàn ông xưa của tôi ở bầu thì tròn ở ống thì dài, bây giờ đã khác những gì tôi mường tượng. Gã thanh niên bặm trợn làm thuê yêu con gái ông chủ đặt cái búa trước mặt cha tôi hạ tối hậu thư: “Chúng tôi yêu nhau, sống cùng sống với nhau, chết cùng chết với nhau. Nếu không cho chúng tôi sống để yêu nhau, chúng tôi cùng chết”. Bản tuyên ngôn nhân quyền bi tráng ấy đã khuất phục được cha tôi. Nhưng khí phách của chàng giờ đây dường như đã được cân đong đo đếm bởi cơm áo gạo tiền. Dẫu sao thì đấy cũng là một người cha tốt. Tâm dẫn cha đi tìm anh và tìm Tính. Tôi cùng sống với sự vất vả của họ, lội suối trèo đèo, những cảnh tượng gian lao tưởng đã xưa cũ, đang làm chảy máu bàn chân Tâm. Họ đi qua rừng, đi qua núi, đi qua những tối tăm, họ đi cho tới khi đem được Châu trở về và biết tin Tính chết. Từ trên những nẻo cao, nước rịn ra từ lòng đất như mồ hôi của con người. Những giọt nước nhiệm màu tự chắt mình ra khỏi mọi sự ố tạp và tìm nhau tạo thành khe suối. Cho đến khi nước trở thành sông rạch phân rẽ như những dòng máu nuôi sống mặt đất thì nước lại trở nên ố tạp. Tâm rơi vào một cõi xa vắng. Còn Châu thì trầm uất. Anh ấy xin lỗi tôi về chuyện lấy vợ sau. Tôi buồn không nói, nhưng thông cảm một người đàn ông xa vợ đằng đẵng. Khả năng chịu đựng nỗi khát khao và cô đơn của đàn ông yếu kém hơn phụ nữ. Tôi còn hiểu sâu xa hơn việc chồng tôi tập kết ngày ấy có phần của ước muốn vượt thoát khỏi mặc cảm với gia đình vợ. Ngọn cờ vô sản làm cho những người nghèo khó hả dạ, nhưng chồng tôi chẳng bao giờ hết tổn thương về sự nghèo khó ấy khi đối diện với thực tại. Ngày anh ấy đi, tôi gởi tặng hai đứa con anh mỗi đứa một chiếc xe đạp, vợ anh ít vải và đưa anh ít tiền đi xe. Mất anh vĩnh viễn. Tôi không khóc nữa, lòng chỉ có chút bùi ngùi. Tôi nghĩ tới sự cô đơn của tôi như một nỗi gian nan, nó còn khó khăn hơn cả sự tật nguyền, và nó cũng như sự tật nguyền đặt tôi vào trong số phận âm u. Tôi mãi mãi cô đơn và mãi mãi tật nguyền. Bất hạnh không phải là một hiện tượng mà với tôi là bản chất cuộc sống, nó là một số phận. Lâm về rồi lại đi. Chồng tôi cũng thế. Các con tôi không vui lắm khi gặp lại người thân, những ý nghĩ khác biệt làm xa cách thêm cái khoảng cách thời gian và không gian.