PHẦN HAI
Phần 2 - 3

Châu về không vui lắm. Cái vẻ “sĩ quan” hoàn toàn biến mất. Nó trở nên trầm tư và lạnh nhạt với cuộc sống. Nhưng dẫu có coi cuộc đời là hư vô thì người ta vẫn phải ăn, vì thế Châu ngày ngày xách búa đi bổ củi cho thiên hạ. Mỗi nhát búa là một nỗi hờn oán.
Ban ngày bổ củi, buổi tối Châu nghiên cứu tử vi, tướng số. Không ai khám xét nhà tôi, nên số sách cũ vẫn còn. Châu muốn tìm lời giải cho những vận hạn, số phận của đời người. Lúc đầu, tôi nghĩ Châu làm gì thây kệ, miễn sao giữ được sự thăng bằng. Nhưng khi thấy Châu có vẻ trầm uất, tôi muốn Châu thoát ra khỏi cái thế giới mờ ảo mà các bậc thánh cũng phải lẩn trốn ấy.
Tôi nói:
- Hiểu biết về số phận con người để làm gì nếu như ta không hành động để thay đổi số phận ấy. Má cũng nghĩ mỗi người có một số phận như các thày tử vi, hay như những người từng trải. Cái chính không phải là biết trước hay biết sau, điều ấy không thay đổi gì số phận, nhưng điều quan trọng là “tận kỳ lực” ắt “tri thiên mệnh”. Má nghĩ, Khổng Minh dù tinh thông lý số nhưng cũng chỉ kết luận như thế. Đấy là một con người vĩ đại. Má khuyên con nên đọc lại các bộ sách như Tam quốc chí, Đông châu liệt quốc. Má tin rằng con sẽ cảm nhận khác trước kia. Khi con đọc hết những bộ sách đó. Má con ta nói chuyện lại.
Đấy là những bộ sách Châu đã từng đọc khi còn là một học sinh Trung học. Tôi không có ý muốn để Châu học cái khôn ngoan chính trị trong những bộ sách ấy, cho nên sau khi Châu đọc xong, tôi không hỏi như một sự thu hoạch về tri thức mà như một công án thiền:
- Con cảm thấy trong lòng thế nào?
- Hình như sự bình an má ạ.
Tôi vẫn chờ đợi như thế, và tâm sự:
- Má cũng có lúc khủng hoảng và má đã không tìm đến niềm tin tôn giáo để được an ủi mà má đọc những thứ sách đó, thật lạ lùng, má nhận ra một tác dụng kỳ diệu của nó khi đối chiếu số phận của mình phải chịu, hoàn cảnh mình phải đương đầu với cái đại loạn được kể lại trong sách ấy thì rõ ràng mình có đáng gì đâu. Lịch sử cũng có đôi khi lặng lẽ, nhưng nó luôn tự mang trong mình những mầm mống của sự biến chuyển. Hiểu biết sự biến chuyển như một lẽ thường và sống theo nó mới có thể tồn tại. Má không muốn con là người sống bên lề.
- Con vẫn là người trong cuộc đấy chứ. Có ai chơi cờ một mình đâu.
- Dẫu sao má cũng muốn khuyên con đừng sa lầy vào cái thế giới huyền hoặc. Khi người ta không còn tin vào chính mình, nó là dấu hiệu của sự mạt vận.
Châu im lặng và lại một lần nữa tôi cảm thấy thất bại đối với Châu. Nó luôn luôn nghĩ khác tôi. Tôi mơ hồ về cuộc chơi của nó và tôi lo lắng. Trong những thứ có thể làm cho người ta trở nên bình thường, tôi nghĩ đến chuyện lấy vợ cho Châu. Lấy vợ trong điều kiện kinh tế như hiện nay có thể lại là một bi kịch khác. Nhưng lạ, người ta vẫn ùn ùn lấy nhau, đơn giản thủ tục và đơn giản trong cách chọn lựa. Người ta sợ hãi sự giàu có và những biểu hiện của nó. Tôi cũng hy vọng Châu dễ dãi trong chuyện này như mọi người. Tôi bàn với Tâm:
- Trong số bạn con, con thấy đứa nào có thể hợp với anh Châu con?
- Ôi trời, bạn còn đều bị anh Châu coi là con nít cả.
- Con không thấy anh thích đứa nào sao?
- Con nghĩ là không, mà bạn con tụi nó cũng không thích anh Châu đâu. Tụi nó nói anh Châu ông cụ non.
- Thế thì, con cứ tìm cho anh con một bà cụ vậy.
- Con chịu thôi. Sao má không nhờ một bà bạn nào đó của má.
Bỗng đâu Thư xuất hiện:
- Không cần đâu. Anh Châu có bồ rồi.
Tôi hỏi:
- Ai vậy con?
- Con nói má đừng xỉu nghe. Thư đùa.
- Cái con này gì mà ghê vậy.
- Đúng là một bà cụ như má mong đợi. Chị Lan đó.
- Lan con dâu ông Nghị Hiến?
- Chính thị.
Tôi hơi bị bất ngờ. Thư an ủi tôi:
- Có thể anh Châu chỉ giải sầu thôi.
Không, tôi biết Châu không phải loại người đó. Nó cương nghị nhưng cũng đầy lòng trắc ẩn. Với Lan, chồng bỏ đi không tin tức, hai đứa con nhỏ, tuy không đẹp nhưng mặn mòi cởi mở rất hấp dẫn đàn ông. Có thể Châu đã sa lưới.
Chuyện được kể lại:
Trong sân nhà Lan, Châu đứng bổ củi. Những nhát búa chính xác chẻ dọc thân củi từng miếng đều đặn. Những nhát búa dứt khoát và vừa đủ mạnh. “Ngay cả chuyện bổ củi, anh cũng có vẻ khác”, Lan nói. “Xét về hiệu quả thì chưa chắc bằng ai, nhưng có cái vẻ của văn hóa bổ củi”, Lan tiếp.“Lao động là vinh quang. Bổ củi là lao động. Vậy bổ củi là vinh quang. Tam đoạn luận văn hóa bổ củi của bà phải không?”. “Sao lại của tôi, của nhân dân chứ”, Lan chọc.
Ở thành phố nhỏ như bàn tay này, người ta mở mắt ra là nhìn thấy nhau. Lan và Châu đã nhìn thấy nhau từ thuở còn nằm nôi. Họ vẫn nhìn thấy nhau suốt những ngày đi học. Nhìn thấy nhau lớn lên nhưng không nhìn thấy trái tim nhau. Lan lấy chồng khi Châu đi lính.
Cuộc sống như cây cỏ mọc dưới chân, người ta bám trên đất quê hương từ đời này đến đời kia. Tất cả những biến cố chỉ như những viên sỏi ném xuống mặt hồ phẳng lặng biến thành những cổ tích. Và ngày ấy, sau khi chọc cho Châu tức chơi, Lan vắt nước chanh cho Châu uống, tìm cho anh một chiếc khăn lau mặt rồi nói những lời trách móc: “Anh là kẻ quá vô tình”. “Tại sao, Lan nói thế?”. “Vì chưa bao giờ anh nhìn vào mắt tôi”.
Từ đó, ngày nào Châu cũng đến nhìn vào mắt Lan. Đôi mắt Lan không còn xanh trong, nó lờ đờ những khát vọng và thăm thẳm nỗi chán chường. Nó ném trả lại niềm ai oán bọt bèo của thân phận con người. Trong sự đồng cảm đầy bi lụy về một ngõ cụt trong đời sống của cả hai, họ chia sẻ với nhau niềm ân ái cũng như việc bổ củi như một cách hành xử tự do, nó cho phép cái tùy nghi của sự hứng khởi hay lười biếng. Nhưng dẫu cho niềm ân ái có đem lại chút hạnh phúc, Châu cũng chẳng thể nào tìm được sự cứu thoát khỏi nỗi tổn thương về nhân cách. Vì thế, Châu vẫn đắm chìm trong thế giới huyền hoặc của sự chiêm nghiệm số phận.
Ông thày thuốc Bắc cạnh nhà Lan tìm được ở Châu một tri âm. Ông ta có cả một kho những câu chuyện thần bí, có cái như dã sử, có cái như huyền thoại. Ông ta luôn cho rằng yếu tố phong thủy địa lý là một yếu tố quyết định đối với số phận một con người, thậm chí một dòng họ hay cả một dân tộc. Một trong những câu chuyện ông ta kể như thế này: “Tôi được nghe câu chuyện này từ ông nội tôi kể lại. Ngày xưa, có một người Tàu qua An Nam mình tìm đất. Ông ta tin rằng ở phương Nam, theo quẻ Ly trong Kinh Dịch là đất sẽ sinh ra bậc đế vương. Để tiện việc đi lại, và cũng để mưu sinh dọc đường, ông ta đóng vai một thày thuốc dạo, trị bách bệnh. Ông ta đi khắp nơi, từ đồng bằng đến thâm sơn cùng cốc. Ngày kia, khi đến vùng núi có dáng voi phục, hổ chầu, ông dừng chân ở đó và lấy cô vợ địa phương, mở tiệm thuốc bắc. Ngày ngày ông đi quanh vùng núi tìm cây thuốc, đồng thời định vị long mạch, với ý định sẽ cải táng mộ cha mẹ ở chỗ đó, hy vọng đến đời con y sẽ phát. Nhưng phần số trời cho ai nấy hưởng. Thiên cơ bất khả tư nghị. Bất ngờ ông thày thuốc gặp một gã ăn mày đi giang hồ qua làng. Gã ăn mày ẩn giấu một chân tướng khác thường. Gã ăn cái ăn của cả thiên hạ mà không phải cúi đầu lạy tạ. Một kẻ có ẩn tướng đại quí mà số phận trớ trêu trở thành lang bạt. Ông thày thuốc chợt nhận ra, địa linh này hẳn phải là thích ứng với nhân kiệt kia. Ông mời gã ăn mày về nhà cho ăn uống và nói: “Cứ như tôi xét, ông phải là chủ của vùng đất này”. Gã ăn mày coi chuyện ấy như đùa.
Kể từ lúc ông thày thuốc lấy vợ lập nghiệp ở vùng đất được coi là chính vị của quẻ Ly này đến khi gặp gã ăn mày được đúng ba năm. Ông đã tận dụng mọi phương pháp từ cung đình đến thôn dã trong việc ăn nằm với người đàn bà theo tướng pháp là cực kỳ vượng phu ích tử, có thể làm thay đổi số phận bất kỳ người đàn ông nào sống chung với bà ấy, nhưng bất hạnh thay, ông ta không thể có con. Thế là ông đành tạo điều kiện cho gã ăn mày gần gũi vợ mình.
Khi biết chắc vợ mình đã có thai với gã ăn mày ấy, ông mới gọi người ăn mày tới và nói: “Chuyện chú mày với vợ tao để đấy, bây giờ thế này: Tao tạm giao vợ tao và tiệm thuốc cho mày trông coi, đợi tao về Tàu sau sang lại rồi tính”.
Chuyện tưởng chơi, ngày hôm sau ông ta chuẩn bị về Tàu thật, để lại vợ và tiệm thuốc bắc cho gã ăn mày may mắn. Sau đó, cô vợ sinh đôi được hai đứa con trai. Một năm sau, ông thày thuốc trở lại. Không ai biết ông ta có mang theo hài cốt của cha mẹ để cải táng ở đây không, nhưng chuyện này thì cả làng đều biết: Ông ta yêu cầu gã ăn mày và người vợ cho một đứa con. Đem cân, đứa nào nặng hơn ông lấy mang về Tàu, đất phương Nam để người Nam làm chủ. Trước khi về, ông dặn người vợ, khi nào gã ăn mày chết hãy chôn gã trên đỉnh ngọn đồi cỏ đối xứng với hai quả núi voi phục và hổ chầu thành một hình tam giác, nhưng nhớ táng treo. Hỏi ông vì sao phải táng treo, ông ta chỉ nói, đó là cái cách võng lọng.
Câu chuyện này xảy ra ở làng Minh Chu. Gã ăn mày về sau thành trưởng làng. Và người giàu nhất nước hiện nay chính là hậu duệ của gã ăn mày xưa kia. Riêng đứa bé được mang về Tàu, đổi họ, nghe nói hậu duệ sau này cũng vinh quang như bậc đế vương. Trong số những hậu duệ của gã ăn mày ở phương Bắc biết được chuyện này đã tìm cách đến được ngôi mộ tổ mua đất và xây trên đó một ngôi miếu theo năm phương vị khác nhau, đặt tên miếu Ngũ Hành. Ngôi mộ bị ếm theo thế tương khắc. Dòng họ nhà ấy không bao giờ yên ổn và vùng đất ấy sẽ không bao giờ có thể sinh ra một vị chúa tể thiên hạ”.
Sau mỗi câu chuyện, ông thày thuốc rít một điếu thuốc lào, ngửa mặt phun khói vào trời xanh, tự tại bình đôi câu như một kẻ thông suốt:
- Sự thành bại của người ta, cái chính không phải do tài năng mà là do phúc ấm. Cậu cứ thử nhìn quanh xem.
Châu nghĩ đến Lan. Phúc ấm của anh có mùi mắm.