Cuộc chuẩn bị vẫn kéo dài. Bác sĩ Ly và ông Chi đều đi lo công việc. Chỉ còn tôi ở lại nhà với lão Ri-đrus. Suốt ngày, tôi ngồi tưởng tượng đến tương lai với lòng chứa chan những ước mơ đẹp đẽ. Khi thì tôi nghĩ đến những nhà thương đồ sộ mà bất kể nghèo giàu, hễ ai vào đấy là đều được săn sóc chu đáo, không phải trả một đồng xu nhỏ. Cái cảnh vì thiếu tiền thuốc mà phải chết dần chết mòn như cha tôi sẽ không còn nữa. Khi thì tôi tưởng tượng đến sự mừng rỡ của những đứa trẻ mồ côi nghèo đói được nuôi dưỡng ăn học như con nhà giàu. Có những cảnh làm tôi xúc động đến rớm nước mắt. Có lúc tôi lại say sưa mơ tưởng về biển: nào phong cảnh tuyệt vời của đảo, nào những thứ hoa thơm cỏ lạ, nào những chuyện phiêu lưu thần kỳ. Tôi ngồi hình dung lại bản đồ, nhớ các chỗ từng ly từng tí. Rồi một hôm, có phong thư của ông Chi gửi về báo tin công việc đã sắp đặt xong, bảo lão Ri và tôi thu xếp đến ngay và nhắn cả bác sĩ Ly tới gấp. Trong thư có nói rõ là ông đã tìm được một viên thuyền trưởng rất thạo nghề, chỉ phải cái hay bẳn tính, và một thủy thủ cụt một chân tên là Xin-ve rất vừa ý. Người thủy thủ cụt chân này sẽ giữ chân đầu bếp dưới tàu. Sáng hôm sau, lão Ri và tôi lên đường đi Brít-tôn. Tôi ghé lại nhà, từ biệt mẹ tôi. Nhà cửa đã được ông Chi cho sửa sang lại và thuê cho một người phụ việc, nên ra đi, tôi cũng yên lòng. Chiều hôm ấy chúng tôi lên xe ngựa. Sáng hôm sau, khi choàng mắt dậy đã thấy đến Brít-tôn. Chúng tôi phải đi bộ đến quán trọ đầu bến tàu, nơi ông Chi ở tạm. Khi đi qua bến, tôi được nhìn tận mắt rất nhiều tàu, đủ các cỡ, đủ các kiểu, thuộc đủ các nước. Trên tàu, thủy thủ vừa làm vừa hát. Trên một chiếc khác, nhiều người đánh đu trên ngọn cột buồm cao tít, bám vào sợi dây trông nhỏ như mạng nhện. Tôi sống suốt đời gần biển mà chưa bao giờ có cái cảm giác được gần biển như lần này. Tôi thấy nhiều tay thủy thủ già đeo khuyên ở tai, râu mép xoắn tít, đuôi tóc sơn thõng xuống như đuôi cá. Tất cả đối với tôi đều mới lạ, cả đến cái mùi nước mặn và mùi hắc ín. Thế mà tôi lại sắp sửa được đánh bạn với họ, đi tìm một kho của ở một hòn đảo xa lạ, đem về giúp đỡ cho bà con nghèo. Đương nghĩ lan man thì tôi đã thấy ông Chi đứng ở cửa. Trông thấy tôi, ông bảo:-Kìa cậu! Bác sĩ Ly cũng đã tới rồi. Thế là đủ mặt. Ngày mai ta nhổ neo. Nói xong, ông bảo tôi đưa thư đến cho Xin-ve ở quán rượu của hắn. Khi tôi đến nơi thì cửa hàng đương đông nghịt khách, phần nhiều là thủy thủ. Tôi còn đứng phân vân thì một người ở nhà trong đi ra. Thọat trông, tôi cũng biết ngay là Xin-ve. Chân trái hắn cụt đến gần háng, hắn phải cặp nạng mà đi lại, nhanh thoăn thoắt như con thoi. Hắn to lớn, lực lưỡng, nước da xám xịt, mặt mũi xấu xí nhưng trông tươi và linh lợi. Hắn tỏ ra vui tính. Hắn đi hết bàn nọ đến bàn kia, miệng huýt sáo, thỉnh thoảng lại vỗ vai và bông đùa vài câu với những người khách thân. Thú thực với các bạn, từ lúc đọc bức thư của ông Chi, tôi vẫn chột dạ, chỉ lo tên cụt chân ấy lại chính là tên thủy thủ tôi đã rình ở quán cơm nhà. Nhưng nhìn qua anh chủ quán đứng đắn và dễ có cảm tình này, tôi đủ yên bụng. Khi thấy tôi chìa bức thư của ông Chi ra, hình như hắn hơi giật mình.-Chao ôi! Cậu là bạn đi tàu của tôi mà. Được biết cậu thật là mừng. Nói xong, hắn bắt chặt tay tôi. Ngay lúc ấy, một người khách ngồi ở góc phòng thốt đứng dậy, bỏ ra. Thoáng nhìn, tôi đã nhận ra tên giặc cụt hai ngón tay. Tôi vội kêu to:-Hắc Cẩu! Bắt lấy nó! Xin-ve cũng quát to:-Hắn chưa giả tiền... Ha-ri, tóm lấy nó! Một người ngồi gần cửa đứng phắt dậy đuổi theo. Xin-ve lại nói:-Ngay đến ông hoàng vào đây uống rượu cũng phải giả tiền! Hắn là ai thế cậu?-Thưa ông, hắn là một tên giặc biển.-Thế à? Mo-gan! Lại đây, anh vừa chén với nó phải không! Một tên thủy thủ già, tóc hoa râm, ngượng ngập bước đến. Xin-ve hỏi tiếp, giọng khắc nghiệt:-Này Mo-gan! Trước kia, anh chưa gặp hắn lần nào đấy chứ?-Thưa ông, không! Xin-ve nói to:-Phúc đời nhà anh đó! Nếu anh đã chơi với hạng người như thế thì anh đừng vác mặt đến quán tôi nữa!-Xong hắn quay lại nói riêng với tôi, bộ thân mật, làm tôi đến thích:-Lão này thật thà như đếm. Chỉ phải cái tội hơi ngốc.-Rồi hắn lại nói to:-Hắc Cẩu! Chịu! ờ, ờ! Hình như tôi có gặp đâu một lần, hắn đi với một lão mù thì phải? Tôi nói:-Chính phải rồi, lão mù tên là Piu...-Phải, phải, Piu!-hắn nói coi bộ hớn hở.-ờ! Bộ nó trông rõ ra thằng đại bợm! Được! Lần này tóm được là tôi sẽ dìm nó xuống bến cho nó cạch đến già! Vừa nói hắn vừa đấm bàn, nét mặt giận dữ, làm ai cũng phải tin là thật. Lúc đầu thấy thằng Hắc Cẩu ở đây, tôi đã đâm nghi Xin-ve, nhưng khi thấy tên đuổi theo hổn hển trở về tay không, hắn chửi mắng vung lên, tôi lại cho hắn là người ngay thẳng. Hắn nói với tôi:-Cậu xem đó, việc này tôi thật là bứt rứt. Rồi đây tôi biết ăn nói thế nào với ông Chi? Thôi, nhờ cậu nói rõ cho ông ấy biết... Cậu ít tuổi, nhưng cậu là người thông minh, tất cậu đã hiểu cho tôi. Giá không vướng cái nạng này, tôi đã chạy bay tóm cổ nó về. Bây giờ thì... Nói đến đây, mắt hắn rầu rầu.-Nhưng thôi, chúng ta cứ đến ông Chi trình cho ông biết. Nói xong, hắn kéo tôi đi. Vừa đi, hắn vừa vui vẻ giảng giải cho tôi nghe về tàu bè, về đồ phụ tùng, về trọng tải, về tàu nước nọ nước kia. Thấy thế tôi cho hắn là một người bạn đi biển rất tốt. Khi chúng tôi đến nhà thì thấy bác sĩ Ly và ông Chi đương ngồi uống bia. Hắn kể lại chuyện vừa xảy ra từ đầu đến cuối, không thêm bớt một chút nào. Thỉnh thoảng hắn lại hỏi:“Có phải thế không, cậu Dim?". Tôi cũng chỉ đành gật đầu. Nói xong hắn xin phép ra về. ông Ly nhìn theo hắn, bảo:-Tôi rất thích tên đầu bếp này. ông Chi bảo:-Tôi được một người giúp việc tận tâm như thế kể cũng may phúc. Chính hắn đã mộ cho tôi gần hết những thủy thủ trên tàu. Nói xong, ông rủ bác sĩ và tôi cùng đi xuống xem tàu.