Cái ngõ hẻm đó, cái xóm đó ở miệt Phú Nhuận, gần ngõ hẻm Chu Mạnh Trinh, cũng từ đường Chi Lăng quẹo vộ Ngõ hẻm Chu Mạnh Trinh có tráng nhựa, nhà cửa khang trang, lấy tên thi sĩ trứ danh làm tên hẻm. Còn ngõ hẻm nầy đã xấu xí, đường đắp đất không rải đá xanh nên gặp trời mưa là bùn lầy nhớp nháp, nhà cửa lại tạp lục: ngói có, tôn có, lợp lá cũng có luôn, nên không được đặt một cái tên huê mỹ nào cả.Căn nhà lá nhỏ nhứt xóm là của cô Năm Mỹ Huệ cất dưới bóng trẹ Cái nghèo nàn của căn nhà làm cho chủ nhơn của nó nổi tiếng nên trong xóm hè nhau đặt cho nó cái tên là xóm cô Huệ. Còn ngõ hẻm vốn xấu xí nhưng đầu xóm có tiệm may của cô Tám Quế Lan nên dân trong xóm kêu là ngõ hẻm cô Lan cho nó gọn.Cô Tám Quế Lan năm nay thuộc loại gái già. Mới ba mươi hai tuổi mà cô đã có vẻ hơi khô rồi. Tầm vóc cô không cao không thấp, không ốm không mập, nhưng da thịt cô chẳng những xanh xao mà còn thiếu ánh sắc rạng rỡ. Nghe đâu cô giỏi bương chải, chơi ba bốn chưn hụi, lại còn có cổ phần trong cái đề-bô rượu tây ở Tân Định, cho nên tiệm may của cô đẹp đẽ, trang hoàng lịch sự: nào là tủ kiếng chưng bày hàng lụa nhập cảng, nào là sáu cái bàn máy may hiệu Singer…Có điều cô kén thợ may dữ lắm: phải may cho khéo, đừng se sua chưng diện, đừng có bóng sắc. Bởi cô là gái già, cô tự biết mình không xấu nhưng không đẹp. Cô sợ mình bị chìm lĩm giữa đám thợ may trẻ đẹp, nên ả nào mặt mày sáng sủa là cô nơm nớp, sợ vẩn vơ, còn ả nào tỉa chơn mày, giồi phấn thoa son là cô ghét cay ghét đắng.Cô Năm Mỹ Huệ tuy ở chái lá tùm hụp, nhưng khi bước ra ngoài là ăn mặc tươm tất, quần hàng áo lụa, áo ni-lông trong vắt lồng gương xú-cheng, da thịt. Cô cũng đeo vài món nữ trang bằng vàng. Bởi nhà cô nghèo nàn tiều tụy nên chòm xóm không dám chắc đó là vàng thiệt, nhưng cũng bởi quần áo cô choáng lộn nên cũng không ai dám đề quyết đó là đồ giả. Vả lại tuy không sắc sảo mặn mòi nhưng cô khá dễ coi, mặt mũi sáng sủa, da trắng hồng, mắt hơi lẵng nên khi cô nheo liếc, nguýt háy coi có duyên ớn.Đờn bà con gái trong xóm, từ mụ nái xề cam phận nội trợ cho đến mấy bà công chức, buôn bán, mấy cô nữ sinh, ai ai cũng xoàng xoàng về phương diện bóng sắc, cho nên dẫu cô Năm Mỹ Huệ Ở nhà lá vách ván vừa nhỏ vừa mỏng như cái hộp quẹt, tấm chơn dung hài hoà của cô chói hẵn lên. Nghe nói cô làm ngành Công Dân vụ. Ngành nầy về sau cáo chung theo nền Đệ Nhứt Cộng Hoà, theo sự tàn lụi của dòng họ Ngô Đình. Số lương công chức của cô quá khiêm tốn, nên dân trong xóm cứ thắc mắc rằng tiền đâu mà cô sắm những bộ vi kiếng hực hỡ choáng lộn dường ấy?Người xốn mắt nhứt trước cái mã sang trọng của cô Năm Mỹ Huệ là cô Tám Quế Lan. Bởi đờn ông lãnh đạm với cô nên ghét con lành con lũng nào được họ xun xoe ve vãn, lãng đãng tới lui. Cô biết mình không thể so bì với cô Năm về dung quang, bóng sắc nên cô hạ địch thủ bằng cách đeo nữ trang bằng vàng nhận cẩm thạch, hột xoàn choáng lộn. Chưa đã nư, cô Tám Quế Lan phun nọc độc lai láng vô đối thủ:- Nghèo mà ham! Tiền đâu mà con mặt mâm đó mua sắm quần hàng áo lụa? Thứ đó là thứ đưa người cửa trước rước người cửa sau, ôm đào ấp mận mấy thằng già dê dịch vật chớ mần ăn gì nó! Ngày tối nó dến y quang rỡ ràng lộng lạc để rù quến phồn mèo mả gà đồng, để chà lết quết xảm ván giường tụi nó, rồi nằm ngửa cho tụi nó chơi.“Con mặt mâm” đây là cô Năm Mỹ Huệ. Cô Năm có khuôn mặt trái soan, vậy mà cô Tám đổ hô cô có khuôn mặt hum húp như trái tim heo và chần vần như cái mâm để đơm xôi, đơm bánh dừa, bánh tét.Lời một đồn mười, lời nói của cô Tám Quế Lan chỉ chừng vài ngày là lọt vào tai cô Năm Mỹ Huệ. Cô bèn rải nấm độc tùm lum vào kẻ địch để trả đủa:- Tui là con gái nhà lành. Tía tui trước kia là thầy giáo dạy lớp nhứt. Ông nội tui làm tới chức Hương chánh. Tía tui nhà cửa xuê xoang, trâư bò bộn bàng, bạc vàng ăm ắp. Vậy mà con đĩ cá lìm kìm kia dám phao vu chuyện động trời cho tui thì có ngày khẩu nghiệp của nó sẽ hiện hành, ác quả của nó sẽ báo ứng. Nó ganh ghét tui đó bà con. Bởi tui có cái bề ngoài xập xệ nên nó tưởng tui nghèo mạt rệp phải đi đánh đĩ để có tiền ăn diện. Nó lầm, lầm to lạc lớn rồi. Nó thử lấy chồng đi, tui sẽ xuất tiền ra mua chồng nó một cái rụp chớ chẳng thèm dùng bóng sắc để rù quến thằng chả làm chi! Thứ đồ nhí nhảnh, ngày tối cứ dến cẩm thạch hột xoàn để che lấp cái mặt Chung Vô Dỉệm của nó, ai dè của đi đàng của, người đi đàng người, dạ xoa rốt cuộc cũng hườn dạ xoa!“Con đĩ cá lìm kìm” đây là cô Tám Quế Lan. Cô Tám không có cái mỏ nhọn như con cá lìm kìm, cô chỉ hơi hô một chút mà người miền Nam gọi là hô duyên.. Người đờn bà nào hơi hô duyên thường có cặp môi đầy đặn và gợi cảm, rất dễ tô son. Nhưng cô Năm Mỹ Huệ thì lại hơi móm, tức móm duyên, nên nét mỉm cười của cô rất ưa nhìn. Bởi cô hơi móm nên gặp người nào không hô không móm cô đã cảm thấy mỏ đương sự nhọn rồi, huống hồ cô Tám Quế Lan hơi hộ Cho nên dưới cặp mắt oán ghét của cô, cái hô duyên của cô Tám trở thành cái mỏ nhọn và dài dọc như mỏ con cá lìm kìm.Ghét nhau, nói xấu nhau, gặp mặt nhau giả bộ không biết nhau, nhưng cả hai có một điểm chung: ưa mượn quãng đời dĩ vãng để trám vào đó những mộng ước khó thực hiện của mình.Tối hôm đó trời mưa như trút. Khu Phú Nhuận, nhứt là ở khúc ngã tư cho tới khúc đụng đường Nguyễn Huệ vắng ngắt và tối om om. Cô Tám đóng cửa từ lúc bảy giờ tối rồi rút lên lầu. Cô mở từng ngăn gà-mên bày cơm canh ra ăn. Thức ăn đã nguội, cơn mệt rã rời, tâm hồn cô đơn làm cô no ngang xương. Cô nhai cơm, nhai thức ăn như nhai giấu xúc, nhai sỏi sạn. Nhưng cô phải ăn cho hết để rửa gà-mên, chén dĩa trước khi đi tắm.Nước mát làm cô tỉnh táo, tinh thần thêm khỏe khoắn. Cô trở lại căn phòng dành riêng cho mình ở trên lầu. Nơi đây vừa là phòng đọc sách, vừa là phòng ngủ của cộ Trên tường treo đầy tranh ảnh. Hai tủ kiếng đầy nhóc sách bìa da mạ chữ vàng. Chiếc giường cô thuộc loại giường đôi bằng đồng có trải nệm, drap trắng nõn nà. Tuy còn độc thân, cô vẫn sắm giường rộng. Hễ có chồng thì cô chỉ cần sắm thêm chiếc gối nữa là đủ.Tối hôm nay, cô Tám Quế Lan làm biếng tính sổ sách, lại không hứng đọc tiểu thuyết. Cô nằm dài trên giường, nghĩ ngợi lan man. Mấy hôm rày coi bộ mình cảm nhiều tên rồi đó. Sáng hôm nay xách tô ra hẻm Chu Mạnh Trinh mua cháo huyết, thằng chệt mập ể mình hay sao đó để thằng chệt mới nầy bán thaỵ Thằng nầy mắt xếch sáng long lanh làm mình nghĩ tới mắt chàng Lữ Bố, mắt Triệu Tử Long. Nó lưng dài, vai rộng, thịt ngực thì nở, thịt hông thì teo, chệt gì mà nạc nhiều mỡ ít, da trắng phau phau làm mình xúc động bồi hồi. Hôm qua, tên thợ Ống nước với nụ cười điểm lúm đồng tiền cũng đã làm cho trái tim mình đập đùng đùng như tiếng trống múa lân. Tuần trước tui đã cảm lăn cảm lóc thầy ký Banh lúc thẩy cởi xe Sachs đến thăm con em gái thẩy,.. Tui sẽ còn cảm dài dài nhiều tên con trai nữa. Tên nào coi có duyên, ăn nói mềm mỏng là tui cảm liền. Cảm thầm lén, mê vụng trộm chẳng chết con rệp, con muỗi nào, dại gì mà tui không mê, không cảm cho đời thêm nên thơ, mặn mòi? Nhưng nếu lấy chồng, tui sẽ lựa kỹ, sẽ chọn thầy giáo, thầy ký, thầy thông, thầy lục sự. Nếu gặp kẻ lên chức ông như ông đốc học, ông chủ sự, ông giám đốc thì phải đừng già quắt quéo, đừng mập bệu, dẫu có goá vợ nhưng đừng có con riêng là tui sẽ cho vô vòng tuyển chọn…Chu choa ơi, giờ phút nầy sao tui nhớ hết cả ba vầy nè! Tui nhớ lúc thằng chệt múc cho tui một tô cháo thiệt đầy, huyết từng miếng lớn lổn ngổn chiếm gần hết phần cháo. Đã vậy mà nó còn rắc vô tô giò-chéo-quẩy xắt khoanh, gừng xắt chỉ, ớt xắt nhuyển thứ nào cũng nhiều. Nó còn nhìn tui thiệt sâu, thiệt tình rồi nói xạo: “Ngộ thấy nị giống chị của ngộ nên ngộ vừa bán vừa chọ Mai nị mua cháo ủng hộ ngộ nữa nghen. Bữa nay ngộ bán một cho một nửa, ngày mai ngộ bán một cho một”. Còn tên thợ Ống nước nữa chi, ba tháng trước nó tới sửa ống nước, tui mời nó một chai lađe vậy mà nó còn nhớ, nay trở lại tặng tui hai trái ổi mập bự, cắn ngập cả răng. Và chèn ơi, thầy ký Banh tới tiệm may thăm con em thẩy mà xả máy đía nổ ro ro, nổ dòn tan. Thẩy hỏi thăm tui đủ thứ, nào là tui có thích du lịch không, đọc tiểu thuyết thì lựa tác phẩm của ai…Tên nầy coi vậy mà xạo, nhưng xạo nhè nhẹ hương hoa mận hoa cau, xạo thoang thoảng hơi thu, man mác sáo diều, dìu dịu nắng xuân…Những nhơn vật trên, qua cửa miệng cô Tám Quế Lan sẽ trở thành khác hẳn. Mặt mũi, vóc dáng ông chủ sự phòng thương mãi ưa mời cô đi ăn cháo bào ngư ở Chợ Lớn sao y chang mình mẩy, chơn dung tên chệt bán cháo huyết. Còn ông giáo sư dạy Toán ở trường trung học ngoài Huế từ lâu trao đổi thư từ với cô, vừa tới thăm, tặng cô nào bưởi thanh trà, nào nhãn sông Hương, quýt Hương cần…thì từa tựa gã thợ Ống nước, chỉ khác là ổng mặc com-lê chới không dến bộ đồ bê bết dầu mỡ như gã thợ kia. Ông giáo sư vừa tặng quà cô xong là cầu hôn liền, nhưng cô sợ nếu lấy chồng xứ Huế thì phải chịu lạ cảnh lạ người nên đành từ chối. Còn thầy ký Banh thì chỉ bị sửa tên là thầy ký Bạch cho bớt quê, cho con Chín Nhung em thẩy lỡ có nghe được khỏi eo sèo.. Nhơn vật nầy cũng mê cô đắm đuối, qùy dưới chân cô tỏ tình, nói vạn lời yêu đương tha thiết…Cũng đêm đó, dưới mái lá cô Năm Mỹ Huệ cứ trằn trọc. Đêm mưa lành lạnh, cô mới thấm thía hoàn cảnh lắm mối tối nằm không của mình. Cô nguyền rủa cái nghèo, vì muốn có quần áo tươm tất, cô phải ăn mắm mút dòi. Sở dĩ cô Năm có nhiều quần áo đẹp là nhờ bà chị ruột có tiệm may bên Khánh Hội. Bà nầy có cái tật là hễ mặc áo đẹp vài lần là đâm chán, liền tống khứ cho cộ Hai chị em vóc vạc tròm trèm nhau, quần áo bà chị dạt ra phần nhiều còn mới, cô chỉ cần sửa lại chút đỉnh là có bộ cánh sang trọng. Lại nữa, vào dịp sanh nhựt hay tết, bà chị thường tặng cô một xấp hàng hay xấp lụa để làm quà. Cô Năm còn ưa bắt địa lũ bạn trai để được họ tặng hàng lụa. Cô chỉ cần đến tiệm của chị mình là có áo đẹp, khỏi phải trả tiền công. Vả lại chị cô cũng bù sớt, giúp đở tiền bạc cho cô đều đều. Ngặt chị ta có máu ghen thiệt đậm, thiệt nồng. Chị ta sợ kêu cô về ở chung thì thằng chồng hảo ngọt của chị sẽ đánh hoa cả cụm. Nó dám dùng lơi đường mật rù quến cô Năm rồi bơm cho cô một cái bầu bự như cái trống. Tới lúc nếp đã thành xôi, thịt heo đã thành chả lụa, bột măng thít thành bánh bột lọc rồi thì chị gỡ sao cho ra, tính sao cho gọn? Bởi vậy chị bắt cô Năm phải ở riêng. Chị giàu chị Ở phố lầu, có cửa trông ra đại lộ. Em nghèo em chui rúc trong mái lá thẹn thùng dưới bóng tre cuối xóm.Mắc mớ chi đêm nay tui trằn trọc như vầy? Có phải tại tui uống ly cà phê sữa hồi trưa chăng? Tháng nầy tui dùng bốn phần năm tháng lương để sắm cái áo nhung trơn màu lam ngọc, tui phải thắt lưng buộc bụng để bớt tiền ăn, tiền xe pháo. May mà chị dâu tui ở Tầm Vu lên, chèn nhét cho tui được ba trăm bạc, để tui có tiền đi xe buýt. Trọn hai tuần nay, tui hết ăn xôi tới ăn bánh mì thay cơm. Có lúc tui phải lựa giờ ăn tới thăm người quen biết để đợi họ mời ăn cơm. Thảm quá đi thôi!Chiều nay, cô Năm ăn quen tới chà lết nhà con bạn, mong nó mời cô ăn cơm. Ai dè mặt nó lạnh tanh. Té ra cả nhà nó sửa soạn đi Lái Thiêu để dự đám cưới em chồng nó hôm sau. Bụng thì đói, cô phải cuốc bộ từ Tân Định về Phú Nhuận. Khúc bánh mì dồn xíu mại đối với cô có thấm vào đâu. Xời ơi, xíu mại của thằng cha Sáu Yết thịt thì ít, củ sắn bằm nhỏ thì nhiều.Đêm sâu dần. Mưa đã tạnh. 11 giờ đêm mà xóm vẫn còn nhộn nhịp, xe gắn máy thỉnh thoảng nổ tành tạch. Tiếng chị Ba Phổ bán chè thưng rao lảnh lót: “Ai chè đậu xanh bột bán nước dừa đường cát hôn?…” Tiếng rao ngân dài, gieo tê điếng cho cộ Nước miếng trám đầy họng làm cô nuốt ực một cái. Cơn nghẹn ngào làm nước mắt cô ràn rụa. Đã vậy ở đầu hẻm, tiếng gõ rao mì của chú Chệt Xùi cứ lắc cắc lắc cắc nghe ghét quá chừng! Giờ nầy mà cô được ăn một tô hoành thánh kèm một khúc bánh mì dồn chả lụa thiệt bự thiệt dài, rồi tráng miệng bằng một chén chè thưng thì tuyệt vời tuyệt diệu chớ không chơi!Bụng đói, lại không ngủ được, cô Năm Mỹ Huệ tức giận vu vơ, oán ghét đủ thứ, nhưng cái oán không rõ rệt làm cô lửng lơ, khó chịu. Cô không có quá khứ đẹp, không từng có cuộc sống đầy đủ. Bởi đó cô hy vọng ở tương lai. Nhưng tương lai cứ phẳng lì, nhàn nhạt, không có một dấu hiệu vẻ vang nào. Hiện tại của cô đóng khung ở ngành công dân vụ và trong căn nhà lá hẹp té nầy. Để cho đời bớt tẻ, cô dệt đủ cảnh giàu sang hồi thời mới lớn để kể cho bạn bè, người quen biết nghe. Có vậy, họ mới nghĩ rằng dầu sao cô cũng là thứ lá ngọc cành vàng, vì chiến cuộc nên gót chơn son của cô mới phải lặn lội trên con đường mưu sinh đạm bạc. Cái nhà trong quá khứ cô thực ra là nhà của con bạn cộ Nhà gồm có ba căn hai chái, nóc lợp ngói vảy cá, cột bằng gổ căm xe. Trong nhà liễn son, liễn mun thếp vàng, có tủ thờ khảm xa cừ. Còn đồ cổ ngoạn chưng trong nhà ấy, cô Năm mượn đồ cổ ngoạn của ông chú bà con xa bắn cà nông chưa tới để tả cho thiệt rõ ràng, linh động.Dân trong xóm dĩ nhiên chẳng ai tin tưởng vào lời khoe của cô Tám Quế Lan. Lẽ nào đờn ông đeo đuổi say mê cô rần rần như vậy mà cô vẫn đi sớm về trưa một mình? Cũng vậy, chẳng có ma nào tin cô Năm Mỹ Huệ có tiền mà vì không quen thói se sua nên ở chui rúc dưới mái lá tùm hụp như vầy. Rốt cuộc họ chỉ tin rằng, hồi mới lớn chắc cô Tám Quế Lan cũng có vài nơi gấm ghé, dạm hỏi; và cô Năm Mỹ Huệ chắc cũng là con nhà điền chủ bậc trung, khuôn viên có toà nhà khang trang để cư ngụ, có lẩm bề thế để chứa lúa. Cái quá khứ do hai cô vẽ ra coi vậy mà vẫn được mọi người nâng niu trân trọng.Nhưng đời nào cô Tám Quế Lan chịu nghĩ rằng địch thủ của mình xuất thân là con nhà khá giả! Cô phải moi móc cái quá khứ, cái nguồn cội của cô Năm ra để bán rao, để hạ nhục, để làm nhan sắc địch thủ bị lu mờ, ố bụi. Cũng vậy, sức mấy mà cô Năm Mỹ Huệ tin rằng cô Tám có số đào hoa hồi còn tươi trẻ, xuân sắc! Cô cũng lập tâm truy tầm dấu vết quá khứ của địch thủ.Việc phải tới đã tới.Số là cô Tư Mỹ Vân, chị cô Năm Mỹ Huệ, tuy hay chèn nhét giúp đở em mình nhưng không đời nào chịu đặt chơn tới cái mái lá của em. Giữa đô thành thị tứ, dù là trong hẻm hóc đi nữa mà có cái mái lá như vậy thì coi bộ kém…vệ sinh rồi đa! Hơn nữa, mụ ta mặc quần lụa áo gấm, đeo hột xoàn cẩm thạch hực hỡ, nếu mụ đến viếng em như vậy thì sẽ làm bia cho dân ngõ Lan xóm Huệ trề nhún rằng mụ giàu mà ích kỷ, nỡ để cho em mình sống luộm thuộm. Cho nên, muốn liên lạc với cô Năm, mụ nhờ chị Bảy Lựu, vốn là người đồng hương, hiện giữ việc luôn áo, vắt xổ trong tiệm may của mụ.Chị Bảy Lựu thường tới lui tới ngõ Lan xóm Huệ nên biết rõ sự xích mích giữa cô Tám và cô Năm. Chị ta ốm lỏng khỏng, vì mang bịnh gan nên mặt đầy mụn như giề cơm cháy. Bởi đó mụ Tư Mỹ Vân không sợ chồng mình tò vè ve vãn chị. Dè đâu, Bảy Lựu nhờ đi châm cứu nên hết bịnh, mặt hết mụn, vóc dáng liền lạc hơn, da dẻ hồng hào, mịn ướt hơn. Khi thấy chồng tỏ vẻ xun xoe săn đón chị, mụ Tư Mỹ Vân liền tìm cớ để xéo xắt rồi cho chị ta nghỉ việc. Đã vậy. cô Năm Mỹ Huệ còn binh chị mình để chìa môi nhọn mỏ, trổ giọng khế giọng chanh với chị đờn bà bất hạnh kia.Chị Bảy Lựu ức lắm, liền tìm đến tiệm may cô Tám Quế Lan để xin việc. May thay, cô thợ luôn áo vắt xổ tiệm may cô Tám sắp sửa theo chồng về Thốt Nốt nên chị Bảy được cô Tám thâu nhận liền. Từ đó, qua miệng chị Bảy, gốc tích chị em cô Năm Mỹ Huệ bị phơi bày. Thì ra, má cô Năm Mỹ Huệ là bà Chín Huề vốn là đào hát bội gặp thời xuống dốc phải đi in gạch. Bà ta gởi mấy chị em cô cho cậu dì cô nuôi giùm. Sau đó, Hai Sử, anh ruột cô, được ông thầy thuốc Nguyễn văn Cảnh nuôi làm con, cho ăn học tới năm thứ hai ban trung học rồi cho đi học ngành huấn luyện viên thể thao để về sau thành giáo sư dạy môn thể thao trường cao tiểu Vĩnh Long. Hai Sử còn tự học thêm tây ban cầm, được ông hiệu trưởng cho dạy luôn môn âm nhạc. Ông anh trưởng dìu dắt lũ em nên cậu Ba Kỷ đậu bằng thành chung ra làm giáo viên trường quận, cô Tư, cô Năm được học tới năm thứ ba trung học. Cái tiểu sử gia đình cô Năm Mỹ Huệ như vậy cũng chẳng có gì đáng chê bai hay trầm trồ, nhưng nó cũng đủ làm cho cái đía dóc của cô Năm lòi ra. Tai hại là chỗ khúc đời tối tăm nhứt của má con bà Chín Huề bị chị Bảy phơi trần tuốt luốt:- Cô Tám à, có một thuở bà Chín Huề cùng lũ con sáng sáng bơi xuồng qua chợ Vãng, cho xuồng đậu phía dưới dãy cầu tiêu công cộng ở chợ Cá. Má con bả đợi thiên hạ ỉa liền vớt cứt vo tròn cỡ trái cam đem về phơi khô để bán cho bọn Tiều bón phân làm rẫy.Cô Tám Quế Lan nghe được vận sự trên, khoan khoái bằng uống trăm thang thuốc bổ. Chiều hôm đó, sau khi tiệm may đóng cửa, cô lôi con cá lóc thiệt bự đang rọng trong vịm ra để cạo vảy moi ruột. Cô nấu món canh chua cá lóc với khóm để ăn với tôm rim mặn. Cô tin rằng món canh chua sẽ giúp cô thi hứng để cô làm thơ hạ nhục cô Năm Mỹ Huệ. Vừa khi rắc rau om và ớt xắc nhuyển vô nồi canh là cô đã sáng tác được hai câu:Thuở xưa mưa gió dầm dềMá con Chín Huề đi vắt cứt trôiSáng hôm sau dù mưa rơi ướt át, cô Tám Quế Lan cũng lặn lội ra chợ Phú Nhuận mua bánh qui, bánh bò, bánh ú để phân phát cho lũ trẻ lối xóm. Tụi nó mà ăn quà của cô rồi thì hai câu thơ kia sẽ biến thành hai câu đồng dao, sẽ được hát vang lừng khắp xóm khắp hẻm cho coi. Quả nhiên, hai câu hò chỉ trong vòng hai ngày sau đã được phổ biến lưu hành chẳng những ở ngõ Lan xóm Huệ mà còn khuếch đại, lan truyền qua các hẽm, các xóm lân cận khác.Trong lúc cô Tám đắc chí bắt nồi canh chua cá lăng nấu với lá dang lên bếp để tìm thi hứng cho các câu thơ lăng nhục mới thì cô Năm Mỹ Huệ xách đít lại nhà thầy ký giả Huỳnh Kim Tiểng với gói thịt quay và một ký-lô bún gói trong lớp lá chuối xanh tươi.Nguyên thầy ký giả nầy chuyên giữ mục kịch trường, tân nhạc cho một vài tờ báo. Thầy có viết lai rai cho một tuần báo phụ nữ. Bởi thầy là dân phiện phò hút xách nên thầy có nhiều ý tưởng ly kỳ quái đản. Chỉ nghe một câu chuyện ngắn ngủn bằng cái đuôi con thằn lằn, thầy có thể thêm thắt nhưn nhị để kéo thành truyện dài như đuôi con công mới là hay chớ. Đã vậy thầy có tánh ác, câu chuyện dù có trong leo lẻo như nước suối Vĩnh Hảo, thầy cũng quậy bùn thêm cho nó đục ngầu như nước cống, nước đường mương. Bởi vì mỗi tuần thầy ký giả ghiền kia phải cung cấp cho tập san lá cải nọ một truyện ngắn nên riết rồi thầy cạn đề tài. Cho nên vợ chồng thầy rất hiếu khách, mà phải là thứ đờn bà thèo lẽo ưa phun nọc người nầy, bôi tro trát trấu người nọ. Có vậy thầy mới có đề tài để viết.Cô Năm Mỹ Huệ vừa đến nhà thầy ký giả ghiền thì bà vợ bày mâm cơm ra. Mâm cơm có món cá ngừ kho ớt bột ăn với bún và rau xắt ghém. Cô Năm chìa gói thịt quay ra, giọng eo éo:- Tui đến đây chơi, trước là muốn giới thiệu với thầy thím món thịt quay ở thớt thịt chú Xồi tại chợ An Đông. Hai là giúp thầy một đề tài giựt gân để thầy thêu thùa thêm hoa lá, vẽ vời thêm bướm chim một thiên diễm tình làm độc giả cười tróc mỡ sa, mỡ chài ra.Thầy ký giả ghiền mắt sáng háo hức, ân cần mới cô Năm dùng cơm trưa với với vợ chồng thầy. Trong bửa ăn, cô Năm kể lể thiên tình sử mà hai nhơn vật chánh là tên chệt bán cháo huyết và cô gái già Tám Quế Lan.Số là hôm nọ, chồng cô bạn của cô Năm Mỹ Huệ có việc phải về quê ở Trà Vinh lo việc hầu kiện, cô ta có rủ cô Năm về nhà chơi rồi ngủ đêm luôn cho nhà đỡ trống trải. Nhà cô bạn cũng thuộc khu Phú Nhuận, gần lò bún, mái lợp fibro-ciment, vách ván sơ sài nên tiếng động bên nhà hàng xóm đều lọt qua.Nửa khuya, cô Năm Mỹ Huệ chợt thức giấc, nghe tiếng nói văng vẳng ở nhà kế bên.. Tiếng đờn ông đặc sệt giọng khách trú:- Ngộ có đủ tiền mở tiệm nước lớ. Nị mà lấy ngộ thì mình mua hai căn phố giáp liền nhau, căn thì làm tiệm may, căn thì làm tiệm nước lớ.Giọng người đờn bà hơi khàn khàn đục đục, nghe rất quen thưộc:- Ừ, tiệm may Chi Lăng của tui độ rày không khá. Nếu nị chịu bỏ đất Sài gòn về miệt Tân Châu Hồng Ngự làm ăn với ngộ thì mình…tính tới.Cô Năm giựt mình. Tiệm may Chi Lăng? Ủa lạ! Không lẽ cô Tám Quế Lan đêm nay ở nhà tên Chệt kiả Nhưng rõ ràng là giọng cô ta chớ giọng của ai! Bên kia, tiếng người đờn bà tiếp tục ỏn ẻn:- Nè, có nhớ tui thì nhắn tui qua đây, nị đừng làm ẩu xách đít đến tiệm tui thì có ngày chuyện của mình bị cái quân chòi mòi chọc mọc đó phát giác, rồi tụi khốn nạn đó đi phao vu tùm lum làm tổn hại danh giá tui…Tờ mờ sáng hôm sau, cô Năm Mỹ Huệ xẹt qua lò bún để mua bánh nghệ, bánh hỏi thì thấy cô Tám Quế Lan từ trong nhà láng giềng của cô bạn bước ra. Cái áo dài màu tím, cái áo len hường của cô Tám thì cô Năm đâu có lạ gì, dẫu cô Tám có đội nón lá che khuất mặt mày đi nữa.Cô Năm Mỹ Huệ khi trở về nhà bạn, hỏi:- Thằng khách trú ở nhà bên là ai vậy chị?Cô bạn cười:- Thì thằng chệt bán cháo huyết ở hẻm Chu Mạnh Trinh chớ ai! Nó dắt mèo về nhà luôn nên tui không biết con nào với con nào hết. Con nào vô nhà nó ngủ đêm chỉ trong vài tuần là đi biệt. Nó nhờ cái mã láng o láng mướt mà mấy mụ góa, mấy con muộn chồng ưa lắm…