Ngày tôi thi đại học, cô gửi nhà cho bà Đũa cả tuần. Tuần lễ ấy, cô ở nhà nấu nướng, chăm sóc tôi. Mẹ tôi vẫn đi chợ ngày ngày. - Người buôn bán, tham buổi chợ, chẳng mấy khi dám nghỉ. Cô bảo mẹ tôi như thế. Tôi thi xong, cô về quê. Nhưng tuần một lần, cô lại gửi thư lên thăm kết quả. Mặc dù, đã ba lần tôi nói với cô, phải vài tháng sau mới có thông báo chính thức. Sự quan tâm, lòng thiết tha của cô khiến tôi lo ngay ngáy. May sao, tôi đã trúng tuyển. Vừa được tin, ngay hôm sau cô đã có mặt. Lại bà Đũa gánh hoa quả, bánh trái, gà vịt theo sau. Cô bảo: - Cho cái Hằng mở tiệc khao bạn bè. Nói xong, cô mở túi, rút cho tôi một cuộn giấy bạc: - Còn đây là tiền cho cháu đi chơi. Chơi cho thoải mái đầu óc. Trước khi vào trường một tuần lễ cô nhắn người đón cháu về quê. Lúc ấy, cô khao họ hàng, làng xóm. Tôi giãy nảy lên: - Thôi, cháu chịu thôi. Đỗ đại học đã nên công trạng gì mà làm thế. Cô nói: - Cô bảo, phải nghe. Tôi lắc đầu quầy quậy: - Không, cháu chịu thôi, cháu chẳng làm thế. Cô cau mày lại. Gương mặt cô như đen hơn bình thường. Cô nghiên giọng nói: - Ngày trước, bố mày mới đỗ đíplôm thôi. Cháu là người đầu tiên đậu bằng tú tài trong dòng họ nhà ta. Có phải chuyện đùa đâu. Hãy nghe cô. Biết không thể cãi được, tôi đành im lặng. Hôm ấy cô tôi về ngay. Bà Đũa, thu xếp đồ lề xong, quảy chiếc gánh không đi theo. Tôi nhìn tấm lưng mỏng của cô dưới lớp áo nâu, cái dáng khô cứng bất thường của người đàn bà không qua kỳ sinh nở, ứa nước mắt. Sau khi cùng bàn bè đi chơi, tôi theo chị em cô bạn đi du lịch. Họ là con của một gia đình cán bộ cao cấp ngành ngoại giao. So với cán bộ cỡ cục vụ trưởng khác, tài chính phong phú hơn nhiều. Năm ấy, cô bạn tôi cũng đỗ đại học. Cô chị đã đi làm, nhưng chưa chồng nên xin phép nghỉ hè đi chơi với em. Ba chúng tôi đủ tiền tiêu xài. Chuyến đó, chúng tôi đã đi khắp vùng biển miền Trung: Nha Trang, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Sau rồi vòng lại Sầm sơn, ra Bãi Cháy. Vẫn chưa hết tiền cô Tân cho, khi đã vào học rồi, nghỉ Tết Nguyên Đán xong, chúng tôi còn rủ nhau lên Tây Bắc. Và chuyến đi cuối cùng lại là chuyến đi kỳ thú nhất trong dịp ấy. Nhưng thôi, hãy trở lại với cô Tâm. Trước ngày tôi vào học mươi hôm, một người đàn ông ngoại tứ tuần phóng Honda 67 vào tận cửa nhà tôi: - Đây có phải nhà cô Quế, con tên Hằng không? Tôi đang ngồi thêu chiếc túi trong nhà. Nghe tiếng hỏi trống không, tôi cắm đầu thêu, chẳng thèm ngẩng đầu lên. - Tôi hỏi. Người đàn ông dóng tiếng to hơn. Ông ta vẫn ngồi trên xe, và chiếc xe Honda đen trùi trũi, vẫn nổ máy phun ra làn khói hôi xì: - Tôi hỏi, đây có phải nhà cháu Hằng không? Bất đắc dĩ, tôi phải ló mặt ra: - Phải. Ông cần gì? Người đàn ông nhìn tôi qua cặp kính che nắng màu xanh chai: - Tôi là người bà Tâm phái lên đây. Xin cô nương chuẩn bị quần áo, tôi đưa về nhà. Nói xong, ông ta tắt máy, gạt chân chống xuống để dựng xe vào một góc sân. Rồi không đợi mời, ông vào nhà, ngồi phì phèo hút thuốc. Dáng điềm nhiên của ông, khiến tôi không còn cách nào khác là thu xếp vài bộ quần áo vào chiếc túi du lịch nhỏ rồi theo ông ta ra đi. Tôi nói với người đàn ông trước khi lên xe. - Chú cho cháu qua chợ. Ông ta đáp gọn ghẽ. - Sẵn sàng. Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống sàn, ông cho xe nổ máy. Chiếc xe Honda 67, trong xấu xí như một con ong ruồi, nhưng đi khá êm. Người đàn ông đưa tôi tới cửa chợ, rồi vào một quán giải khát gọi cà phê: - Tôi ở đây. Cô nương cứ chuyện trò thoải mái với bà cụ. Bà Tâm dặn tôi nói với cô rằng cô phải ở dưới quê ít nhất một tuần. - Vâng. Chừng 15 phút cháu sẽ quay ra. Tôi vào chợ, đưa chìa khóa cho mẹ. Lúc ấy, mẹ tôi đang vắng khách. Dãy hàng đồ khô của mẹ cũng vắng khách. Hai bà ngồi xõa tóc cho con gái nhổ tóc sâu. Bà thứ ba ngủ gật. Tôi nói với mẹ: - Con đi nhé. Mẹ tôi gật đầu: - Ờ, con đi. Nói xong, mẹ lại cúi xuống, nhặt những hạt lạc lép trong thúng lạc. Từ ngày tôi được cô Tâm bảo trợ, và mẹ tôi tìm được những người cần sự bảo trợ của mẹ, mối quan hệ giữa chúng tôi trở nên nhạt nhẽo. Tôi không ngờ sự thể như vậy. Dù sao, mẹ cũng vẫn là mẹ của tôi. Tôi im lặng chờ đợi một vài phút rồi hỏi: - Mẹ không dặn dò gì hay sao? Mẹ tôi ngẩng đầu lên, mắt thoáng qua ánh ngạc nhiên và có phần mỉa mai: - Có cô Tâm rồi mà. Tôi tức nghẹn họng. Nhưng tôi vẫn nói bình thản: - Con không muốn xa mẹ. Nhưng dù sao, việc cũng phải đi. Mẹ tôi đáp: - Con đi đi. Ở dưới ấy chắc người ta mở tiệc nừng to lắm. Mẹ thì chẳng đủ tiền để lo. Tôi nhìn mẹ: - Mẹ đừng nói thế. Xưa nay, mẹ con ta vẫn sống với nhau tùng tiệm, có cần tiền bạc gì đâu. Mẹ không ngẩng lên nhìn tôi, đáp nhạt nhẽo: - Ờ... mẹ biết thế. Nhưng xưa khác, nay khác. Những hạt lạc lép lọt qua kẽ tay mẹ rơi xuống chiếc rổ nhựa con. Mắt mẹ tôi chăm chăm nhìn xuống thúng lạc, vẻ như không còn muốn tiếp tục chuyện trò nữa. Vẻ mặt mẹ điềm tĩnh, có phần lạnh lùng. Vẻ mặt của người đàn bà tự chủ. Khác hẳn với mẹ trong những lần cùng tôi đến nhà cậu Chính. Vậy là, tôi cầu xin tình yêu của mẹ, còn mẹ lại cầu xin sự đoái hoài của những người họ Đỗ. Trò đuổi bắt quái gở và vô lý. Tôi nuốt cơn nghẹn ngào: - Con đi đây. Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe. - Ờ, con đi. Người đàn ông ngồi trong quán cà phê đang tán tỉnh một thiếu phụ đẫy đà, mặt tròn tóc xoăn tít. Trông chị ta mũm mĩm như con búp bê. Thấy tôi vào, ông ta ngẩng lên: - Ô, nhanh thế à? Tôi chưa uống hết cốc cà phê. Tôi nói: - Xong rồi. Ông ta bảo: - Cô uống cái gì nhé? Tôi đáp: - Cám ơn. Cháu không khát. Nhanh nhẹn, người đàn ông dốc tuốt ly cà phê vào họng rồi đứng lên: - Bao nhiêu đây bà chủ? Ông ta móc từ túi quần sau ra một chiếc ví da đen cũ bẩn, nhưng bù lại, nó có rất nhiều ngăn và rất nhiều tiền. Toàn những xếp bạc lớn. Người thiếu phụ mũm mĩm liếc mắt nhìn: - Ái chà, ông anh sộp ghê. Người đàn ông nhoành mồm cười: - Cũng kha khá, bà chị ạ. Hẹn lần sau lên chơi. Giờ tôi phải làm nhiệm vụ. Nói đoạn, ông ta quay lại tôi: - Mời cô nương lên xe. Tôi vừa thấy ông ta vui tính vừa khó chịu vì vẻ nhăng nháo nhà quê đó. Chờ ông ta quay xe, nổ máy, tôi mới ngồi lên. Người đàn ông sửa lại cặp kính màu xanh chai rồi đưa tay chào thiếu phụ. Chiếc xe lao vụt về phía trước. Tôi ngồi sau tấm lưng lực lưỡng của ông ta, chịu đựng một thứ mùi hôi nhờm gớm cùa mồ hôi dầu, mùi hôi nách thượng thặng, trộn lẫn mùi nước hoa nội địa hăng xè. Cái thứ mùi hỗn hợp ấy không thể nào gọi tên được. Suốt chặng đường dài, tôi không mở miệng vì phải chống đỡ cái mùi khó ngửi đó một cách quyết liệt. Người đàn ông, thoạt đầu còn hăng hái trò chuyện. Sau thấy tôi toàn đáp lại bằng những tiếng ưm, hừm... đành thôi. Chắc ông ta ghét tôi vì ông ta thuộc loại người vui tính, thích chuyện trò. Dầu sao tôi cũng đã cố gắng để không xảy ra một cuộc va chạm nào đáng tiếc. Khi người đàn ông đưa tôi tới trước cổng nhà cô Tâm, ông ta gọi tướng lên, giọng oang oang: - Này, bà chủ ơi. Bà chủ ơi, ra mở cửa. Sứ giả về rồi đây. Không phải bà Đũa mà đích thân cô tôi ra mở cửa. Có tiếng cô cười hỉ hả phía sau cánh cửa gỗ: - Nhanh quá nhỉ. Tôi cứ nghĩ tối sẫm hai chú cháu mới về. Tiếng then lách cách, rồi hai cánh cửa mở toang. Cô tôi ôm lấy tôi: - Ối dào ơi. Cô cất tiếng kêu vô nghĩa. Tôi bất giác bật cười: - Cô khỏe không cô? - Khỏe lắm. Mong con suốt ngày. Đoạn, quay sang người đàn ông đeo kính xanh, cô bảo: - Cạu vào chơi. Ông ta lắc đầu: - Thôi, xin kiếu bà chị. Em phải về nhà trình diện không con hổ cái lồng lên. Thế là bà chị hài lòng nhé. Cô tôi gật đầu: - Vâng, cám ơn cậu. Người đàn ông nhe răng cười, chìa tay cho tôi: - Chào cô nương. Bắt tay tôi xong, ông ta co chân đạp khởi động máy một cách hùng dũng rồi phóng xe đi. Tôi ngạc nhiên nhìn theo, hỏi cô: - Sao cô không mời chú ấy vào uống nước? Cô tôi đáp: - Thôi, vào nhà đi con. Đóng cổng rồi cô mới nói tiếp: - Cậu ta có vợ lẽ ở cách đây non 20 cây số. Cô vợ cả ghen lồng ghen lộn, có bữa dội cả thùng dầu hỏa vào người dọa tự thiêu. Để cho nó về. Cô xách túi cho tôi. Rồi hai cô cháu vào nhà. Đồng hồ treo tường thong thả điểm hai tiếng. Trên phản, có mâm cơm đậy lồng bàn. Tôi hỏi: - Cô vẫn đợi cơm con hay sao? Cô tôi gật đầu: - Ờ, không thấy đói. Sáng dậy cô ăn khoai sọ luộc chấm vừng. Rồi uống hai ấm chè ướp ngâu, bụng dạ lưng lửng chẳng ra đói chẳng ra no. Giờ con về thì cô thấy đói. Đi rửa mặt mũi rồi hai cô cháu ăn cơm. Cô lại theo tôi ra tận giếng, cầm chiếc khăn mặt bông mới. Thứ khăn nhập ngoại. Trên nền bông trắng, in một chùm hoa lyla tím. Tôi thả chiếc khăn vào thau đồng, trong lớp nước tinh khiết của giếng khơi, lòng êm dịu. Nước mát, rửa sạch bụi bám. Thật hạnh phúc khi biết ở cuối chặng đường dài, có người chờ đợi ta, với tấm khăn trắng, và chậu nước tinh khiết. Trời oi, thỉnh thoảng, tiếng chim vườn lại thả vào không trung. Bóng râm đã bò tới hàng gạch thứ ba ở dưới hiên. Cô Tân bảo: - Nào, ta ăn cơm. Cô thong thả mở lồng bàn. Tôi reo lên, trên mâm có món canh tôi thích nhất. Hoa thiên lý nấu, không phải với giò sống mà là cua đồng lẫn trứng cáy nghiền. Những tầng gạch vàng rộm nổi trên mặt nước, với những đám hoa lý bị luộc hín, ngả sang trong suốt. Cô còn rán món chả xương sông với vài bìa đậu sống chần nước sôi chấm tương. Tôi ăn ngon lành. Cô sung sướng, chốc chốc lại chống đũa nhìn tôi. Tôi ăn gần xong bữa mà cô vẫn chưa qua bát thứ 2. Cô ăn rất ít. Dường như cô thưởng thức tôi ăn hơn là thưởng thức các món ăn. Xong bữa, chúng tôi tráng miệng bằng hai bát chè sen, cô tôi nấu lấy, với sen trần hầm nhừ và bột sắm dây. Không có vani nhưng nhiều sen nên nước rất thơm. Cô bỏ mâm xuống bếp, lau phản cho tôi nằm. Tôi hỏi cô: - Bà Đũa đâu ạ? Cô bảo: - Bà ấy đi mời người làm tối nay. Nói đoạn, cô đưa cho tôi chiếc gối nhỏ bọc vải trắng thêu, còn cô gối gối mây: - Nào, cô cháu ta tềnh tang. Tôi nằm xuống tấm phản gụ bóng nhẵn, mát như thạch, ngủ liền. Lúc thức giấc, chiều chạng vạng. Có tiếng kêu eng éc chói tai của một con lợn bị chọc tiết. Hai cánh cửa chính đóng kín, khiến căn nhà tối om. Ngoài sân, có ánh đèn. Tôi ngồi trên phản, nghe tiếng lợn kêu hộc lên, rồi những tiếng kêu rời rạc tắt dần, người ta đã chọc tiết xong con vật xấu số. - Thôi, tao đã bảo thôi, hứng sang chậu sành. Tiếng một người đàn ông, nghe thô lỗ. Ngừng một lát, lại vẫn tiếng ông ta: - Đã nhớ chưa? Lần sau cứ thế mà làm. Tham một tí là tiết canh chẳng ra gì. Một thiếu niên đáp lời: - Con nhớ rồi. Hóa ra một ông đồ tể luyện nghề cho con trai. - Múc nước sôi ra sân mau lên. - Có ngay đâu. Liệu bao nhiêu thì pha xong? - Hai mươi phút là cùng. Cánh bên ấy cứ lau cối rửa chày di. Tay tôi pha thịt chỉ một nhoáng. - Được rồi. Để tôi bảo đám đàn bà băm hành răm đã. Xong việc, ta làm cỗ lòng rõ ngon. - Rõ ngon. Lại như hôm giỗ cụ Toái ấy chứ? Nguyên cả mùi phân. - Ông này thù dai thật. Hôm ấy tôi say, tôi để cho anh em thằng Cựu làm giúp. Mà nhà chúng nó ăn mắm mút ròi quen, ai lạ gì? Tiếng nói qua lại vang dãy sân. Tôi khẽ hé cánh cửa, nhìn ra. Chính giữa sân, trên chiếc đòn sứ men xanh, cây đèn măng sông cháy rừng rực. Ánh sáng chói chang của nó rọi tới tân hàng cau, vướt qua bức tường hoa, soi từng vòm lá cam um tùm. Trên sân, phía bên trái, gần cửa bếp, một người đàn ông đang đưa dao cạo lông lợn xoèn xoẹt. Một thiếu niên trạc 17, 18 để ria mép con kiến, rất đẹp trai đang cầm gáo dội nước sôi. Nước dội tới đâu, lưỡi dao của người đàn ông đưa tới đó, và lượt lông lợn đen tuột đi, phơi làn da trắng. Gần nơi bố con người đồ tể làm lông lợn, đã kê sẵn một tấm ván gỗ nhẵn nhụi, chờ pha thịt. Hai người đàn bà đang ngồi băm một mớ hành và rau thơm, chắc để làm món dồi. Sau lưng họ, bà Đũa ngồi xát mẻ lạc rang. Bên phải sân, hai người đàn ông khác đang lau chày cối. Thứ chày cối vĩ đại, lần đầu tôi nhìn thấy. Chày cao quá đầu tôi và chiếc cối đá cũng ước chừng non tám tấc. Rõ ràng, họ đã phải mượn các đồ dùng này ờ nhà những gia đình chuyên làm giò chả hoặc những đại gia đình thường xuyên phải lo những bữa cúng giỗ hàng trăm khách. Quang cảnh thật tấp nập, nhưng rất trật tự. Và dường như đám người đang hoạt động náo nhiệt kia chịu sự chi phối chung của một người chỉ huy tối cao, đầy uy lực. Mãi rồi tôi mới nhìn thấy người ấy. Bà cô tôi ngồi ngay sát cửa, trên một bậc tam cấp, khuất lấp trong bóng tối chậu cây đinh lăng. Cô ngồi vót tăm. Đầu cúi xuống, tay đưa con dao bổ cau đều đặn, cô không ngẩng đầu lên, không để mắt tới bất cứ công việc gì. Nhưng rõ ràng, cái guồng máy đang cử động kia chịu sự điều hành nhẹ nhàng, và đầy uy thế của cô. - Uỵch... Ông đồ tể ném con lợn đã mổ xuống tấm phản gỗ. Xong, đứng ngay ngắn phía cuối tấm ván, ông gọi: - Dao, mày. Chàng thiếu niên đẹp trai ngoan ngoãn mang tới các loại dao cần thiết cho ông bố. Người đàn ông lấy mu bàn tay đẩy hai ống tay áo lên, cuộc pha thịt bắt đầu. Trước hết, ông ta cắm cây xiên vào chính giữa cái bụng mổ banh của con vật. Rồi, giơ con dao pha lưỡi vuông lên: “Phập.” Nhát dao thật ngọt, chính xác, chẻ giữa sống lưng con lợn. Nhát thứ 2, thứ 3... Không nhát nào chệch, trong nháy mắt con lợn bị phanh làm hai mảnh, đều đặn hơn tất cả mọi cán cân công lý. Rồi ông ta ngẩng lên: - Nong. Rải tao mảnh nilông. Tức khắc, hai người đàn ông có nhiệm vụ giã giò chả lăn tới chiếc nong, ngả cạnh tấm phản pha thịt. Chàng thiếu niên đẹp trai có hàng ria con kiến rút tấm nilông trong chiếc bị cói đem theo, rũ đánh “roạt” rồi rải lên. Ông đồ thể ném một nửa con lợn vào nong, xoay ngang nửa còn lại, bắt đầu dùng tới con dao khác. Một trong hai người đàn ông đứng bên cạnh trầm trồ: - Nhanh thật. Thịt còn bốc khói. Người đàn ông đáp gọn lỏn: - Thịt nóng hôi hổi mới giã được giò ngon. Thịt nguội mà giã giò, chỉ có đem cho cửa hàng mậu dịch. Nói xong câu đó, ông ta đã lọc được một tảng thịt to tướng. - Vào cối đi. Lại buông ta một mệnh lệnh, dõng dạc không kém mệnh lệnh của các nguyên soái. Hai người đàn ông đón tảng thịt cũng nhanh nhẹn như những thủ môn siêu việt của sân bóng đá thế giới, bắt bóng, chạy sang sân bên kia. - Nhớ nước mắm tiêu chưa? Ông đồ tể vừa tiếp tục pha thịt, vừa ném sang lời nhắc nhở rất nghiêmngặt, một trong hai người giã giò đáp: - Đủ hết rồi. Sau đó là tiếng chày thì thụp. Trước cửa bếp, đám đàn bà đã băm xong hành và rau thơm, bắt đầu trộn tiết để nhồi. Họ đụng chậu, đụng nồi, vui vẻ lắm. Và những câu chuyện rì rầm của họ, về đồng áng, về ông chủ tịch xã với bà trưởng cửa hàng, về cô con dâu nọ đánh nhau với mẹ chồng bị đuổi khỏi nhà, cắp nón với hai bộ quần áo ra đi... giống như tiếng nước chảy qua miệng cống. Trời tối hẳn. Xung quanh, mọi nhà đã ăn xong bữa cơm chiều, im hơi lặng tiếng, Chỉ thỉnh thoảng có con chó ăng ẳng sủa người đi đường. Tối hôm đó, lần đầu tiên tôi cảm nhận được bầu không khí u tịch nơi thôn dã. Nó thật vô định, nhưng bền vững khủng khiếp. Như làn nước thâm u của quá vãng, nó trôi chảy, lãnh đạm ù lì, trơn tuột qua những kẽ tay nắm bắt của con người. Giống như nước, nó mềm mại, uốn lượn, nhưng sẽ làm chết ngạt một cách dễ dàng những kẻ không biết bơi. Và ánh mặt trời chói chang nhất, cũng chỉ hâm nóng được làn nước mỏng bên trên, và cơn dông tố mãnh liệt nhất cũng chỉ cày xới lớp sóng bên trên. Cô tôi vẫn ngồi vót tăm trong bóng cây đinh lăng, không nhúc nhích rời chỗ. Mái đầu nhỏ nhắn, đôi vai nhọn nhô lên. Tôi nhìn cô, chợt hiểu: người đàn bà đó, người ruột thịt của tôi cũng như bầu không khí u tịch kia đã hòa nhập thành một toàn thể. Cái toàn thể ấy ngự trị trong tôi, nơi cỗi rễ, nơi máu huyết, vừa gần gũi nhưng vừa cách xa, vừa đem lại nỗi êm dịu vừa trói buộc tôi trong nghiệt ngã và đau đớn. Tuy nhiên, đó hoàn toàn là những tiên cảm rất mơ hồ. Dường như linh cảm được, cô vội quay lại: - Hằng dậy rồi phải không? Vẫn đứng sau cánh cửa, tôi đáp: - Vâng ạ. Cô bảo: - Ra đây chơi, chờ lòng và cháo chín. Tôi đáp: - Con không đói. - Ờ, chắc con cũng chẳng thích gì món cháo lòng. Thế thì lại ngủ nữa đi. Mai cô gọi dậy sớm. Sớm hôm sau 4 giờ rưỡi, tôi tỉnh giấc. Như thế cũng đã ngủ bù cho cả tuần lễ trước mải xem phim và đánh tú lơ khơ với lũ bạn cùng phố. Chiếc gối may của cô tôi vẫn đặt sát tường, không suy suyển. Suốt đêm, cô không ngủ. Tôi bước ra sân. Trời vừa sáng. Cây đèn măngsông vẫn còn đặt trên chiếc đôn sứ men xanh. Nhưng đám người làm đêm qua không còn ai. Chiếc chày gỗ đã rửa sạch sẽ chống bên tường hoa. Chiếc cối đá lăn ngiêng cạnh đó. Tấm phản gỗ vừa cọ rửa, còn ướt nước kê sát tường bếp. Tấm nong cũng đã lăn đi. Sát giếng, ba chiếc rổ xề lớn đựng các loại thịt đã pha. Hai thúng cỡ đại đựng giò vừa vớt. Một làn hơi mỏng bay lên: chắc chắn giò hãy còn nóng. Bên kia bức tường hoa, gần gốc cau đầu tiên, còn bếp tro kê bằng viên đá lớn. Than chưa tàn hết, chốc lát lóe lửa. Cô tôi đang cọ rửa vết tiết đọng trên sân. Thấy tôi, cô ngẩng lên: - Sao con dậy sớm thế? Cô hoàn toàn tỉnh táo, nhanh nhẹn, không có vẻ gì biểu hiện là đã thức đêm qua. Tôi hỏi: - Sao cô không ngủ đi một lát? Cô cười, răng không còn trắng bóng nhưng vẫn đều tăm tắp: - Ăn thua gì! Ngày mùa, cô có thể thức liền năm bảy đêm. Con rửa mặt rồi vào nhà ăn sáng. Thấy tôi còn chần chừ đi vòng quanh sân, cô bảo: - Mau lên con, lát nữa thợ nấu cỗ đến đây, chẳng còn rảnh rang đâu. Nghe lời cô, tôi đi đánh răng. Lúc vào bếp lấy muối, tôi thấy bà Đũa ngủ lăn trên chiếc chõng tre kê sát tường, không còn đủ kiên nhẫn để đi đến chiếc giường riêng của bà, vẫn kê ở nhà phụ. Thấy tôi nhìn bà ta, cô Tâm cười: - Thế đấy, người ta đến chết cũng không đổi thay được tính nết. Hễ khát, là nước ruộng cũng vục nón xuống múc uống. Hễ đói, cơm thiu cũng và lấy và để, hết cả bát mới ngửng mặt lên. Đụng cơn buồn ngủ là gốc cây, vệ đường cũng lăn đùng ra ngủ. Hồi cô còn nhỏ, bà ấy đã có cả một đứa con trai. Ông chồng người Thổ Cao Bằng, lưu lạc về xuôi. Ông ta làm thợ mộc, đóng tủ thuê cho vợ chồng cụ Nhiễu. Thấy cô con gái xinh xắn, béo tốt đem lòng yêu. Vợ chồng cụ Nhiễu gả tắp. Còn đứng lên lo cưới. Ông chồng ở rể luôn. Bà ấy tốt nái, ngay năm đầu đã đẻ được đứa con trai. Núc ních như hòn bột. Ông chồng Thổ yêu lắm đi làm thì chớ, về tới nhà lại bế ẵm nựng nịu con. Thế mà rồi vài năm sau, ông ta cũng không chịu được. Trần đời mới có một người đàn bà đoảng như thế. Đụng tới bát mắm, bát mắm đổ, Đụng vào vại dưa, vại dưa khú. Người ta trồng lau ra mía. Bà ta trồng củ tía ra củ nâu. Năm đứa con 7 tuổi, ông chồng dắt đi mất tích. Bố mẹ già chết, không dựa được vào ai, bà ta bán sạch nhà đi mà ăn. Đang từ chỗ có cơ nghiệp thành trắng tay đi ở đợ. - Bà ấy họ hàng thế nào với nhà ta ạ? - Ông bà Nhiễu gọi bà nội con là chị họ. Chị em con dì, con già cách ba đời. Hồi cải cách, cũng được bầu vào nông hội đấy. Sau làng nước thấy không được việc gì nên lại cho ra. Mấy năm làm hợp tác, không đủ bảo đảm ngày công, sông lơ lắt, manh quần tấm áo cũng đi xin. Có mảnh vườn đất phần trăm trồng toàn rau môn thục. Cuối năm kìa, thấy bà ta túng thiếu, dẹo dọ quá, cô nghĩ gần nghĩ xa, dù giọt máu pha trăm bát nước cũng còn hơn nước ao nước hồ, cô gọi về đây. Bà Đũa vẫn ngủ say như chết, thỉnh thoảng lại ngáy khò khè. Tiếng ngáy của bà hệt như tiếng ngáy của đàn ông. Cô tôi bảo: - Thôi, ra đánh răng, kệ cho bà ấy ngủ. Hễ ngủ không đẫy giấc đang ngồi đun bếp bà ấy cũng ngã dụi vào đống than. Ngoài sân, trời sáng trắng. Hương cau thoang thoảng, mát lạnh. Như mùi thơm có hơi ẩm của sương đêm. Chích choè hót lảnh lót ngoài bụi tre đầu ngõ. Cô tôi đã chuẩn bị cho tôi ăn sáng: Xôi trắng với chả ống. Chả ống gần giống như thứ chả nạc, nhưng người ta pha nhiều tiêu, quế và quấn quanh các ống vầu lớn mà nướng trên than. Gắp miếng chả lên rất nhẹ, thơm. Miếng chả uống cong rồi lại bật ra, dai như cao su vì thịt rất tươi, quết kỹ trong cói, lại pha thêm chút ít hàn the. Ở Hà Nội, cả những thanh chả quế nổi tiếng cũng không tìm được thứ chả ngon thế. Như mọi bận, cô tôi ăn rấy ít, rồi chống đũa ngắm tôi ăn. Chúng tôi vừa ăn cơm xong, chưa kịp uống nước đã nghe tiếng gọi ơi ới ngoài cổng: - Bà Tâm ơi... Ới bà Tâm. Cô bảo: - Họ đến đấy. Cháu dọn bát đũa lại cho cô. Rồi cô ra mở cổng. Ba người đàm bà cũng trạc ngoại tứ tuần bước vào. Họ ăn mặc gần như cô tôi: Quần lụa đen, áo cánh. Tóc búi hoặc kẹp thả sau lưng. Lớp phụ nữ nông thôn sau này không vấn khăn nữa. Các bà đon đả hỏi: - Chúng tôi có đến sớm quá không bà? Cô Tâm cười: - Không đâu. Vừa rạng đông. Mời các chị lên nhà. Cả ba người đàn bà cùng bước qua bậc tam cấp, vào gian bên trái. Tôi đã kịp dọn xong bát đũa. Các bà xếp thúng mủng vào chân tường. Mỗi bà đem theo một thúng nhỏ, kiểu thúng đựng đồ lễ. Rồi họ ngồi lên sập. Cô tôi tự tay bưng lên một mâm đầy xôi, chả. Một chồng bát sứ trắng với đũa mun. Một đĩa chuối tiêu chín: - Xin mời các chị ăn sáng rồi giúp cho. Các bà xoa tay: - Úi dào, bà chủ cho ăn sáng sang quá. Nào, các chị. Thiên hạ thì tiền chủ hậu khách. Còn bà Tâm thì tiền khách hậu chủ, các chị lên đũa lên bát cho vui. Họ mời mọc nhau xong, quay lại hỏi cô tôi: - Cỗ trưa hay cỗ chiều đây bà chủ? Cô tôi đáp: - Cả trưa, cả chiều, phải ăn hai đợt mới hết khách. - Mấy đĩa, mấy bát? - Năm đĩa, năm bát. - Làm gì mà gớm thế? - Các chị dấn lên cho. Lần đâu tiên dòng họ Trần nhà tôi có con cháu Hằng đỗ tú tài. - Bà cô như bà, nước Nam này có một thôi đấy. Nào kể đi. - Vâng, xin phép các chị. Mỗi mâm xin cho 5 đĩa: một giò lụa, một giò pha, một chả ống, một chạo nem, một thịt luộc. Còn năm bát là: một bát măng, một bát càri. Thịt, giò, xương đã đủ. Riêng bát hầm và bát càri, tôi đã nhốt sẵn lồng gà. Thức ăn tráng niệng bữa trưa thì xin cho nồi chè đỗ xanh. Còn buổi chiều, các chị lo cho vài đõ xôi gấc. Một bà bảo: - To gấp ba lần cỗ cưới nhà người ta đấy. Thảo nào, mới bảnh mắt đã nghe con vợ thằng cha Đường hỏi chồng: Tôi nay anh đi ăn cỗ nhà bà Tâm phải không? Nghe tới đó, người đàn bà thấp bé, có vết bớt trên má quay sang, giật giọng hỏi cô Tâm: - Chị mời lão Đường đấy à? Cô tôi đáp: -Vâng, cả đám chức sắc trong làng, tôi mời hết. Chị sợ tốn kém hay sao? Người đàn bà có vết bớt trên má đáp: - Không. Nhưng lão Đường đang định cướp mảnh vườn xóm Trại của chị cả tôi. Bà ấy thân cô thế cô, chồng chết bệnh, con liệt sĩ chống Mỹ, giờ còn vườn hồng nuôi thân, lão định cuỗm nốt. Bà bên cạnh nói: - Thằng cha ấy vừa gả chồng cho đứa con gái lớn. Nó muốn cướp mảnh vườn xóm Trại để làm nhà cho con ở riêng. Người đàn bà có vết bớt trên má nói tiếp: - Chị tôi đang đâm đơn kiện trên huyện. Chẳng hiểu có ăn thua gì hay lại kiện củ khoai. Nhưng tôi không thể bưng mâm rót nước cho cái thằng cướp ngày ấy. Nói xong bà ta cúi đầu xuống. Cô Tâm tôi thong thả đáp: - Tôi biết rõ mọi chuyện. Chị cứ yên tâm. Không phải áy náy gì. Nói đoạn, cô tôi bước ra ngoài hiên, cất tiếng gọi: - Bà Đũa ơ... đã dậy được chưa? Người đàn bà có vết bớt trên má ngẩng lên, gương mặt đã trở lại bình thản. Họ tiếp tục ăn sáng. Tôi nhìn theo cô Tâm, không hiểu trong đôi vai lép kẹp kia ẩn chứa sức mạnh nào mà khiến cho những người khác tin cậy và tuân thủ một cách lạ lùng như thế?