Bà Mẹ Sương Sa
tập truyện ngắn

Mẹ đã già lắm, áng chừng cũng phải tám mươi tuổi.
Tóc mẹ bạc trắng, còn lơ thơ ít cọng trên đầu, nhưng lúc nào cũng trùm cái khăn rằn ri cũ vắt ngược bỏ ra phía sau đầu gọn ghẽ, lối đội khăn của phụ nữ Nam bộ lao động, tiện lau mặt khi tươm mồ hôi hoặc lau miệng khi dính quết trầu. Mẹ móm mém, trầu cau phải nghiền nát bằng cái cối đồng nhỏ xíu, cái chày nghiền có răng, lúc nào cũng ở bên mình mẹ.
Da mẹ nhăn nheo, lưng còng, mắt kém, nhưng được cái đôi tai còn thính, còn nghe rõ tiếng người gọi mua hàng. Ngần ấy tuổi với một thể lực tàn tạ, mẹ vẫn phải lao động kiếm sống, dù nhu cầu sống của mẹ chẳng là bao.
Gánh sương sa hạt lựu nước dừa vừa lành vừa mát của mẹ mỗi ngày một nhẹ hơn, địa bàn gánh đi bán rong của mẹ cũng thu hẹp lại dần.
Xưa kia mẹ gánh đi bán tận phía trên chợ Bà Chiều, vòng ra Tân Định qua cầu Kiệu về Phú Nhuận, gần hết hàng mẹ mới trở về ấp Đông Ba, băng vào đường Thái Lập Thành (nay là đường Phan Xích Long) về khu Rạch Miễu. Nhà mẹ ở đó, trong một túp lều thảm hại. Mẹ sống cu ki một thân một mình. Được cái ai cũng thương mẹ, vì mẹ ở đây đã lâu năm, không mấy ai rõ từ hồi.nào đến giờ, mẹ trung thành với gánh sương sa. Đã nhiều thế hệ ăn món quà giải khát vừa lành vừa mát của mẹ.
Lối xóm không mấy ai rõ tên tuổi mẹ, họ đặt cho mẹ cái tên "bà mẹ sương sa", riết rồi thành quen.
Cũng đúng với số kiếp hai sương một nắng của mẹ. Chắc chắn trong con người già nua cũ kỹ ấy phải có một dĩ vãng. Bây giờ mẹ đi bán sương sa phải chống gậy, bởi một lần gánh sương sa qua cầu gỗ Trần Khánh Dư, mẹ bị té lọi giò.
Ông thầy nắn xương La Văn Lường trong ấp Đông Ba nắn lại xương cất miễn phí cho mẹ. Ông khuyên mẹ nghỉ ngơi, đừng lao động nữa, vì mẹ đã vượt quá tuổi lao động. Mẹ không nói gì mà chỉ gạt nước mắt. Thầy Lường hiểu hoàn cảnh của mẹ, thầy tặng mẹ Sương Sa một cây gậy trúc, một xị rượu thuốc bóp xương khi nhức mỏi.
Từ ngày ấy mẹ đắt hàng, do khách hàng thương tình, mà cũng muốn kín đáo giúp đỡ mẹ. Gánh hàng sương sa hạt lựu nặng vừa đủ sức, mẹ chống gậy gánh đi.
Mẹ đi loanh quanh mà hàng đã hết, địa bàn bán hàng của mẹ không còn phải đi xa trong một vùng rộng nữa. Mẹ giữ cây gậy chống đến bây giờ. Cái chân thứ ba này tốt đáo để. Mẹ Sương Sa sống một mình trong căn lều nát, nhưng mẹ không cho mình là người cô đơn. Mẹ tất bật trong mua bán, trong việc săn sóc cái bàn thờ gỗ quí mà trên ấy thờ chồng con của mẹ. Cái bàn thờ dứt khoát phải sạch sẽ, nhang khói mỗi chiều tươm tất khi mẹ đi bán về. Ngày rằm mồng một, mẹ cúng cơm chay cho ba cha con nhà nó. Hằng năm ba buổi giỗ. Kẻ đi trước người theo sau. Còn mẹ chẳng biết sao đây, vì mẹ không có ai là thân quyến. Nhưng cũng chẳng đáng lo chi, mẹ đã qui y trên Chùa, gửi linh hồn mẹ khi nằm xuống nương nhờ cửa Phật. Cả cái tủ thờ này cũng sẽ được sư cụ trụ trì cho đệ tử khiêng lên Chùa, thi hài mẹ được thiêu, nắm xương tàn của mẹ bỏ vào hũ, lại nằm trên bàn thờ này, đời đời nghe lời kinh tiếng kệ. Sư cụ đã hứa với mẹ như thế. Nên khi rảnh rỗi, mẹ Sương Sa lại lên Chùa làm công quả.
Buổi tối trước khi đi nằm, mẹ Sương Sa lau cái tủ thờ sạch bóng, bộ lư nhang sáng đẹp ánh vàng. Hai tấm hình hai đứa con trai của mẹ và tấm bài vị của ông chồng quá cố lúc nào cũng sạch bóng. Hai tấm hình bán thân của hai thằng con trái ngược nhau, cả hai đều bận quân phục, nhưng là quân phục của hai bên hai chếđộ kình chống nhau. Mẹ biết chứ, nhưng xét nét làm chi. Chúng đều trở thành người thiên cổ như cha chúng. Nghĩa tử là nghĩa tận.
Trước bàn thờ là bộ ván ngựa mẹ Sương Sa nằm ngủ. Khi mệt, mẹ ngả lưng. Thường thường mỗi đêm mẹ thiếp đi lại nằm mộng thấy chồng con mẹ vẫy gọi rủ mẹ dạo chơi miền tiên cảnh.
Mẹ Sương Sa tỉnh giấc sau giấc mơ, nhìn lên mái tôn mục nát có những lỗ thủng lỗ chỗ, ánh sáng ban mai chan hòa trên mái lều như ngàn vạn những vì sao.
"Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm...Mái tranh nghèo ai người sửa sang...Khu vườn cũ hoa vàng trước ngõ...
Cứ nghĩ đến câu hát ấy, bà mẹ Sương Sa muốn khóc. Câu hát ấy chính thằng Bờ, con trai lớn của mẹ, và bạn nó đã hát lần về phép thăm mẹ cuối cùng. Sau đó nó ra đi và đi mãi. Mẹ đã khóc đến chảy cả máu mắt. Như lần đầu mẹ khóc chồng trên sông Cầu Bông chảy qua Thị Nghè rồi ra cửa biển.
Khi đó con sông cầu Bông chưa ai gọi là con kinh hay con rạch, nước đen hôi thối. Hai bên bờ sông vắng vẻ, thưa thớt nhà cửa, là những mảnh ruộng đất bỏ hoang. Đứng ở cù lao Rạch Miễu này nhìn ra tuốt tận Thị Nghè.
Gia đình mẹ Sương Sa sống trên ghe trôi dạt từ sông nước miền Tây, đồng bằng sông Cửu Long lên. Nói là gia đình thì cũng hơi quá, vì chỉ có hai vợ chồng và một thằng con nhỏ chập chững biết đi, thằng Bờ, vì khi sanh nó, anh chồng phải tắp ghe vô bờ, nhờ người ở xóm ven sông kêu mụ đỡ đẻ. Rồi cũng mẹ tròn con vuông, vợ chồng đặt tên nó là thằng Bờ. Cuộc đời tưởng mãi trôi dạt trên sông nước. Bến cuối cùng họ dừng lại ở cù lao Rạch Miễu. Anh chồng nói với chị vợ:
- Mình đã qua biết bao nhiêu cái cầu xi măng có lính gác, cả Ta cả Tây, họ sắp đánh nhau rồi đó. Mình cũng hết sông rạch đi, phía trước kia là cửa biển. Ngoài đó có tàu chiến của giặc Pháp, đi không được, quay về cũng dở. Tao nghi ở trên cù lao này có nước ngọt, không phải nước phèn miệt Long An. Phía bên kia sông có lẽ là thành phố. Má nó lên kiểng Chùa kia xin nước đi.
Nơi gia đình mẹ Sương Sa dừng bước lênh đênh là cù lao Rạch Miễu tỉnh Gia Định. Nhà cửa lúp xúp trong đám lá cây rậm rạp kia là ấp Đông Ba. Bên kia sông là thành phố Sài Gòn, Tân Định, Dakao, đất Hộ, nối qua bằng mấy cây cầu xi măng: cầu Kiệu, cầu Bông, cầu Thị Nghè.
Tình thế sắp chiến tranh nên những cây cầu được canh gác cẩn mật, kỹ lưỡng, sự qua lại cũng khó khăn. Nhưng với dân bản xứ không khó khăn chi mấy. Con đường sông rạch có những chiếc ghe tam bản qua lại ở bất cứ khúc nào. Có những người chèo đò thuê, chuyên nghiệp hoặc tay ngang đều được hết. Anh chồng chị Sương Sa lợi dụng cái ghe của mình chở đò đưa khách qua lại khúc sông Cầu Bông. Anh cắm dùi làm nhà cho vợ con ở ngay cù lao ven sông. Chị vợ ra nghề bán sương sa hạt lựu, đời sống tạm thời ổn định. Chị vợ lại có thai khi chiến tranh bắt đầu bùng nổ. Người Sài Gòn chạy tản cư, cầu đường bị tắc nghẽn, người ta đổ xuống mé sông, những chiếc đò ngang đưa đồng bào sang bên kia bờ, nơi xa súng đạn. Địa đầu tỉnh Gia Định cũng được coi là miệt quê, chạy dài lên tận Bà Điểm, Hóc Môn hoặc Mười Tám Khu Vườn Trầu.
Anh chồng chị Sương Sa bận túi bụi ngày đêm với những chuyến đò, không thuần chỉ có đần mà cả những toán du kích nhập thành phố tiếp viện cho mặt trận Sài Gòn. Những chuyến đò trên sông nước cũng khá nguy hiểm, vì những chiếc ca nô tuần tiễu của giặc Pháp chạy dậy sóng, bắn thị uy vô tội vạ. Nhưng đôi khi cũng nhằm trúng mục tiêu. Những con đò tan nát từng mảnh, người chết máu loang đỏ khúc sông trong tiếng cười say máu như say rượu của lũ lính Tây trên ca nô.
Mẹ Sương Sa khi ấy còn trẻ lắm, bụng mang dạ chửa, gào khóc chạy như điên sau hồi súng nổ. Tiếng máy ca nô mất hút phía hạ nguồn dòng sông. Con đò quen thuộc tan nát, chỉ còn máu đào loang đỏ, nạn nhân táng mạng, không tìm thấy xác.
Chị Sương Sa gào khóc chạy dọc theo dòng sông, thằng Bờ nhỏ bé lúp xúp chạy theo mẹ cũng nhễ nhãi khóc.
- Mình ơi, mình đâu rồi, còn sống với mẹ con em không, mình ơi!
Chỉ có gió sông vì vèo trả lời, chị Sương Sa gục ngã dưới chân cầu Bông, những xác người đã mất tăm chỉ còn những mảnh ván vụn của chiếc đò quen thuộc bập bềnh trôi về hạ nguồn. Mẹ con đành bồng bế nhau về chiếc chòi lá. Chị Sương Sa bỗng dưng thành góa phụ. Buổi tối hôm ấy, mẹ con chị Sương Sa đốt bó nhang cắm bên bờ sông van vái linh hồn chồng, van vái Phật Trời. Chị không còn nhớ mình van vái gì nữa, vì thời gian lâu quá rồi.
Chị Sương. Sa định cư luôn ở xóm này, dù không còn những chiếc đò bập bềnh trên sông nước, không còn người chồng vững tay chèo. Một nách chị ôm hai đưa con thơ dại. Thằng Bụi ra đời sau đó hai tháng. Chị đẻ nó trong bụi cây ven sông, khi giặc Pháp ruồng bố. Người goá phụ phải dùng răng tự cắn rốn cho con. Rồi thành phố cũng yên, chiến tranh lui ra ngoài xa, gánh sương sa nặng trũ trên vai, chị ở vậy nuôi con khôn lớn. Trời cũng thương hai đứa trẻ: thằng Bờ, thằng Bụi hay ăn chóng lớn. Thằng Bờ đã ra được sông câu cá, thằng Bụi có chiếc chạc ná bắn hạ được những con chim trời, thêm thắt vào bữa ăn đạm bạc của ba mẹ con.
Chị Sương Sa có thể giao nhà cho hai đứa trẻ nhỏ, lo việc buôn bán từ sáng đến chiều. Chị mơ ước mươi mười lăm năm nữa, khi có tuổi, chị sẽ làm bà nội, có cháu bồng. Một ước mơ giản dị của bất cứ con người bình thường nào. ôi sung sướng biết bao nếu điều mơ ước đó thành sự thật! Sao lại không, ngày kỵ giỗ nào của chồng, ba mẹ con không cắm nhang khấn vái! Linh hồn ông có sống khôn thác thiêng phù hộ độ trl cho ba mẹ con tui. Cũng do điều này chị ở vậy nuôi con, kiên quyết không bước đi bước nữa.
Đó là nói thuở mẹ còn trẻ kia, khi cô hàng bán sương sa nhan sắc còn mặn mà, một cô gái miệt sông nước Nam bộ, đôi mắt có buồn một chút, nhưng nụ cười thì tươi tắn dễ làm ngẩn ngơ khách si tình. Thuở đó cũng lại xa rồi...
Thằng Bờ đã lớn, khi chị Sương Sa bước vào tuổi già. Thằng Bờ cùng em là thằng Bụi dựng lại căn nhà cho mẹ khang trang hơn, mái lợp tôn và đổ nền láng xi măng, có thể gọi là một căn nhà được, không còn là túp lều tạm bợ nữa.
Đến lúc này mẹ Sương Sa lại có một ao ước khác:
- Tao ước chi có một cái tủ thờ để thờ ba mày, rồi sau này tụi bay thờ tao. Tao tính trước cả rồi, tao có ra ngoài chợ Bà Chiều chụp một tấm hình lộng kiềng để tụi bay thờ tao lên bàn thờ, cùng với bài vị của ba mày.
Thằng Bờ la lên:
- Má lẩm cẩm rồi, đang sống nhăn đã lo chuyện chết, được tôi sẽ mua cho má cái tủ thờ.
- Mày làm gì mà lo được, một tủ thờ làm bằng danh mộc, tao đặt đóng tận Bình Điền, đâu phải ít tiền, còn bộ lư nhang bằng thau, rồi dĩa trái cây ngũ qua...
- Được mà, con lo hết..
Có phải một lời nói gở không? Nhiều năm sau bà mẹ Sương Sa vẫn còn nhớ.
Thuở ấy thằng Bờ tròn hai mươi tuổi. Số tuổi lý tưởng cho người ta bắt lính. Chiến tranh ác liệt xảy ra quanh thành phố, ở khắp mọi nơi.
Sau trận Mậu Thân đánh nhau trong nhiều thành phố, người chết đếm không xuể. Trên rạch Cầu Bông và những con rạch khác, xác người trôi bồng bềnh. Những con tôm đeo trên thi thể những xác vô thừa nhận no căng lương thực, đến đỗi cả tháng trời dân thành phố không dám ăn tôm, ăn cá sông. Mẹ Sương Sa còn nhớ như in hình ảnh hãi hùng ấy. Thương cảm những xác người vô thừa nhận, trôi dạt vào gầm cẩu, mẹ thắp cho họ những nén nhang. Mẹ đứng bên ngoài chính trị và cũng chẳng biết chính trị là gì, như nhiều năm sau cũng vậy.
Thằng Bụi khi đó mười lăm mười sáu tuổi chi đó, nó cũng đỡ đần được cho mẹ. Thằng Bờ bị bắt lính. Khi mẹ hay tin, lên Trung Tâm 3 thì thằng Bờ cầm lấy tay mẹ, nói chuyện thật tình:
- Nhà mình lấy tiền đâu mà chạy chọt, má đừng tính quẩn mất công. Tuổi này, đằng nào thì con cũng phải đi lính, con đăng lính luôn, em con được miễn dịch vĩnh viễn, ở nhà phụng dưỡng má. Rồi đây sẽ hết chiến tranh, người ta không còn bắn giết nhau nữa, con sẽ về với má với em, con sẽ có vợ có con, má có cháu nội bế bồng...
Thằng Bờ nói trong nụ cười, giống hệt như nụ cười cha nó ngày nào, khi lái mái chèo quay con đò vào bến, nhìn thấy vợ con đứng đợi trên bờ.
Bà mẹ Sương Sa yên lòng.
Thằng Bờ nhiều lần về phép, nó bận quân phục rằn ri mũ nồi xanh. Nó nói nó ở Thủy Quân Lục Chiến, phải đi đánh nhau như điên mà chẳng hề hấn chi cả. Nó lại tặng mẹ tấm hình bán thân bận quân phục, tô màu trông "kền sì po" ra phết. Những lúc vắng con, mẹ Sương Sa mang hình ra ngắm cũng thấy đỡ nhớ.
Lần cuối cùng thằng Bờ về phép thăm mẹ, mang theo bạn bè về ăn nhậu rồi ca hát suốt một buổi chiều. Nó đã hát bài có những câu gở mồm gở miệng như thế. Mẹ Sương Sa thấy lo lo, rồi như những lần trước thằng con lại ra đi. Mẹ nhớ mãi dáng người cao cao, dẻo dai và cái cười nửa miệng giống hệt cha nó, khi chống ghe ra giữa dòng sông.
Một mùa hè đỏ lửa năm 72 ở Quảng Trị. Những trận đánh kinh hồn ở Cổ Thành, ở La Vang, trên đại lộ Kinh Hoàng, cướp đi bao nhiêu sinh linh, gây lo lắng cho những người có thân nhân tham chiến trong thời kỳ Việt Nam hóa chiến tranh. Mù chữ như mẹ Sương Sa mỗi ngày cũng mua báo nhờ người đọc nghe tin chiến sự.
Thủy Quân Lục Chiến đổ quân tiếp viện cho Quảng Trị. Thành phố Quảng Trị trở thành đống gạch vụn.
Hằng đêm mẹ Sương Sa cầu trời khấn Phật, cầu bình an cho con mình. Lời cầu xin đó có lẽ không thấu
Trời xanh nên mẹ Sương Sa phải nhận tin xấu. Người sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến, thuộc phòng Quản Trị Nhân Viên đơn vị tìm đến nhà, đứng chụm chân giơ tay chào mẹ Sương Sa:
- Xin thành thật chia buồn với bác và gia đình. Đơn vị chúng tôi báo tin binh nhất Nguyễn Văn Bờ được vinh thăng hạ sĩ, đã anh dũng hy sinh vì tổ quốc tại mặt trận Mỹ Chánh Quảng Trị. Đơn vị đã cố công tìm kiếm mà không thấy thi hài hạ sĩ Bờ. Bà mẹ Sương Sa khóc ngất khi nghe tin dữ, thằng Bụi phải giật tóc mai cho mẹ mới lai tỉnh. Người sĩ quan vẫn lạnh lùng, không tỏ về xúc động. Trên tay ông còn cả xấp giấy báo tử, luật chiến tranh phải khắt khe như vậy rồi. ông ta nói một câu máy móc:
- Tổ quốc ghi ơn hạ sĩ Bờ, mang ơn các vị phụ mẫu đã cống hiến cho tổ quốc những đứa con dũng cảm. Mai bác ở nhà, chúng tôi tới đưa bác đi làm thủ tục nhận tiền tử tuất và từ nay bác được ăn tiền tổ phụ.
Người sĩ quan trao giấy báo tử rồi chụm chân chào, đằng sau quay dứt khoát, đúng quân cách. Tiếng động cơ xe Jeep nổ ngoài đường.
Thế là thằng bé tử trận, mất xác, như cha nó cũng mất xác trên dòng sông.
Thằng Bờ tử trận, để lại cho mẹ Sương Sa nỗi buồn, nhưng cũng để lại cả tiền tử tuất mà mẹ Sương Sa coi là quá lớn lao. Một đời mẹ chưa bao giờ cầm số tiền lớn như vậy.
Mẹ lại được ăn tiền tổ phụ, mẹ đỡ lo về mặt sinh kế. Nhưng nào mẹ có ham. Nghề bán sương sa bây giờ là bán chơi, nhưng mẹ yêu nghề và nhớ khách hàng, mẹ không thể ở không, đó cũng là cách giải khuây. Điều mừng vui nhất là thằng Bụi vĩnh viễn không phải đi lính, không phải ra nơi trận mạc nữa, sẽ được ở lại hợp pháp để phụng dưỡng mẹ già, để nối giỏi tông đường. Rồi chiến tranh cũng phải yên, phải chấm dứt thôi. Ngôi nhà này sửa lại khang trang, thằng Bụi sẽ có vợ, rồi những đứa cháu ra đời gọi mẹ Sương Sa là bà nội. Mộng ước bình thường của mẹ Sương Sa vẫn còn tồn tại...
Bà mẹ Sương Sa nghĩ đến lời nói gở của thằng con hồi sinh tiền, mẹ lại nghĩ đến cái tủ thờ. Chồng mẹ, con trai của mẹ xứng đáng ngồi trên đó, dĩa ngũ quả và khói nhang linh thiêng gọi hồn người đã khuất về chứng giám cho người vợ, người mẹ gần trọn một đời đau khổ, nghiệt ngã triền miên..
Sẵn tiền trong tay, mẹ thực hiện ngay điều ước mơ ấy. Mẹ cùng thằng con còn lại đi ngay xe đò xuống Bình Điền đặt đóng cái tủ thờ bằng danh mộc, chạm trổ xà cừ tinh vi, toàn là tiên cảnh, thanh bình như lạc vào xứ thần tiên mà người phàm không thể đến được. Núi non có cây tùng cây bách, trời có mây nổi, suối có hoa trôi, có đôi chim hạc bay cao tít. Trên thạch bàn có tiên ông ngồi đánh cờ, đoàn tiên nữ xách giỏ đào tơ dâng Tây Vương Mẫu. Tuyệt vời quá đi thôi.
Mẹ Sương Sa tin rằng một ngày nào đó mẹ nằm xuống, hồn mẹ phải được vui chơi miền tiên cảnh, không còn là ước ao nữa. Một đời mẹ sống hiền lành, trung hậu. Mẹ hiền như đất phù sa bồi bên bờ Cửu Long. Mẹ tin như thế và mãi mãi tin như thế. Một miền tiên cảnh vẫn chờ đợi mẹ lên dạo chơi, người ở cõi trên đón tiếp mẹ, không phải giống quỉ sứ đầu trâu mặt ngựa nhận lệnh Diêm Vương đi bắt hồn mẹ về địa phủ. Tiếng nhã nhạc cõi tiên nổi lên trong đầu mẹ mà chỉ mình mẹ nghe thấy, cảm được ý nghĩa của nó. Dù ngoài xa kia tiếng đại bác vẫn nổ ùng oang hằng đêm, những quả đạn pháo kích vẫn rơi vào thành phố. Trời kêu ai người đó dạ.
Khi mẹ Sương Sa mua được cái tủ thờ và bộ lư đồng như ước mong, thằng Bụi đề nghị mẹ mua thêm bộ ván ngựa dầy, cũng thuộc hàng danh mộc, mọt muôn năm không đục khoét được, kê trước tủ thờ để mẹ nằm nghỉ. Bộ ngựa không cần trải chiếu, mát rười rượi khi trời nóng bức. Mẹ Sương Sa đồng ý, sướng cho thân già của mẹ lại chiều được lòng thằng con hiếu thảo.
Thằng Bụi chống, sửa sang lại căn nhà cho thêm phần khang trang. Nó tự nhủ nó làm thay thằng anh khuất bóng.
Bài hát ngày nào anh nó hát trước lúc ra đi sẽ không còn ngậm ngùi mãi trong lòng mẹ: Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm... Mái tranh nghèo ai người sửa sang...? Có em đây, anh! Thằng Bụi nói thầm như thế khi nó trần lưng trên mái nhà. Nó lay thử cột nhà, lấy dây kẽm giăng kềm tứ phía, chắc lắm rồi, căn nhà không thể đổ ụp hay tốc mái khi gió bão. Hai mẹ con đứng ngắm căn nhà hài lòng..
Tất cả tình thương yêu của mẹ Sương Sa đều dồn cho đứa con còn lại, mẹ âu yếm hỏi con:
- Mày chịu lấy vợ chưa, má đi hỏi cho.
Thằng Bụi lắc đầu quầy quậy, mẹ Sương Sa hỏi tới:
- Hay mày ưng đứa nào, đưa về tao ngó được tao hỏi liền...
Thằng Bụi vẫn lắc đầu:
- Không đâu má, tôi chưa ưng lấy vợ, cũng chẳng mèo mỡ với con nào, chẳng để ý đến ai. Nghề nghiệp tôi chưa ổn định, chưa kiếm ra tiền làm sao nuôi vợ, ỷ lại má hoài coi sao được. Tôi muốn ở với má, làm ra tiền nuôi má đã, chuyện kia tính sau. Tôi chỉ sợ lấy con nào về, nó làm buồn lòng má, tôi mang tội với ba, với linh hồn anh hai tôi thôi. Con gái bây giờ ghê lắm, đâu có được những người như má, các bà già xưa. Thiếu gì đứa bỏ chồng con đi lấy Mỹ, lấy Đại Hàn...
- Mày đừng nói vậy, tội chết, có người thế nọ kẻ thế kia.
Câu trả lời của thằng Bụi dứt khoát, hiếu nghĩa trọn bề. Thôi thì hai mẹ con sống với nhau trong ít năm nữa, mẹ Sương Sa thầm nghĩ thế.
Thằng Bụi tập sự theo nghề thợ tiện. Mẹ Sương Sa có vẻ hài lòng, thường khoe với hàng xóm: "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh".
Nhưng thằng Bụi không học được nghề trót lọt, nếu không nói là dở dang vì thời thế.
Căn nhà của mẹ Sương Sa và thằng Bụi xiêu vẹo vì Sài Gòn bị pháo kích liên miên. Tuy nhà không trúng đạn nhưng sức nổ gây áp suất mạnh thổi ào ào cũng làm cái nhà muốn bung ra, kết quả là nhà bị xiêu vẹo
Nhà cửa chưa kịp sửa sang lại thì giải phóng ập vào Một cuộc đổi đời vĩ đại qua những anh bộ đội lạ hoắc mà xưa kia họ được gọi là Vi Xi. Họ có vẻ hiền lành nhưng cũng thật kiên quyết. Có vậy họ mới đánh thắng được một triệu lính Cộng Hòa, đuổi được Mỹ. Giới lãnh đạo làm cách mạng của họ còn kiên quyết hơn, nói nhiều điều nhân nghĩa mà cứng rắn nghiêm minh. Quân bại trận, lớp lớp sĩ quan đi học tập cải tạo, để trở thành người tốt hơn, binh sĩ học tập ngắn ngày rồi trở về làm dân, để kiến thiết đất nước, dân từng bị chế độ cũ kìm kẹp được cai trị uốn nắn cho thích hợp với hoàn cảnh mới để trở thành nhân dân một nước tự do độc hạnh phúc, sàng lọc kỹ những tàn dư Mỹ Ngụy! Chính sách như thế. Mẹ con bà mẹ Sương Sa tạm thời yên ổn, sống trong chế độ mới. Chỉ có một lần, một cán bộ mà người ta gọi là cách mạng ba mươi (tức theo cách mạng ngày 30.4.75) tới nhà nạt nộ bà già, chỉ lên bàn thờ, ngay cái hình thằng Bờ mặc quân phục rằn ri, lính ngụy:
- Hộ này, hạ ngay cái hình thằng lính ngụy đánh thuê kia xuống, thờ cúng chi cái giống phản dân hại nước.
Bà mẹ Sương Sa đang ngồi nhặt thóc và sạn trong kí lô gạo tổ vừa mua được ở Hợp Tác Xã, ngẩng lên hỏi:
- Chú nói sao?
Tôi nói là hạ ngay cái hình thằng lính ngụy kia xuống.
- Ơ hay, nó là con tôi mà, nó đã chết trận. Nghĩa tử là nghĩa tận, chú ơi.
Anh cán bộ ba mươi cười:
- à ra vậy, nhưng cũng phải hạ xuống không thì lôi thôi to đấy chết trận hả, tội ấy còn nặng nữa kia, có nợ máu với nhân dân.
Bà mẹ Sương Sa vẫn không rời mắt khỏi rá gạo, thủng thẳng nói:
- Đúng đấy, chính nó đã nợ máu tôi, ngày tôi đẻ nó trên bờ sông, tôi đã đổ biết bao nhiêu là máu...
Thằng Bụi ở trần, bận quần đùi, vê lên tận bẹn, như đóng khố, mặt nó đen nhẻm coi lì lì cuất hiện, hất hàm:
- Này, hình thờ anh ruột tao đấy, muốn hạ hình đó thì mày bước vào mà hạ. Tao mời đó, cứ bước qua xác tao...
Rõ ràng là một câu đe dọa rất giang hồ anh chị. Câu đe dọa của thằng cùi không sợ lở. Kìa, cây chĩa ba nhọn hoắt rung lên trong tay thằng thanh niên mới lớn. Răng thằng Bụi nghiến trèo trẹo, đôi mắt nó không hiền, đôi mắt dám ăn thua đủ:
- Thằng Tèo, nếu mày không dám vào thì về đi. Mày về nhà mày hạ hình thờ bố mày xuống để làm gương, bố mày đi lính ngụy từ hồi nào đến giờ, cũng đã chết trận rồi đó. Tao không lạ gì cái bản mặt mày đâu Tèo à... Đ.M cái quân theo đóm ăn tàn... Coi khí thế thằng này thiệt hung, nhịn đi là hơn, thằng Tèo trả lời yếu xìu:
- Tao hạ rồi.
- Chuyện của mày không làm gương được cho ai đâu, cút ngay!
Ngay chóc, nhà cách mạng ba mươi Nguyễn Văn Tèo phải lủi ngay. Cái thằng Bụi này có tiếng bắn chạc ná giỏi, bây giờ nó cầm cái chĩa ba xiên cá trên tay. Ai dè nó lại là con cái nhà này. Thế là chuyến lập công bị tổ trác. Thằng Tèo cúi xuống xỏ lại quai dép râu đi chưa quen. Bà mẹ Sương Sa nhắc nhở con:
- Mình không hạ hình anh hai mày thì thôi, ra lời làm chi cho nó thù oán mình.
Nhà mình còn quái gì mà mất nữa, má sợ cái chi! Thằng nào đến nói cái giọng xấc xược ấy nữa, má đơm chổi chà lên đầu nó cho tôi.
Thằng Bụi nói xong quay ra bờ sông đâm cá chùm phục. Nó hy vọng tìm ra chút thịt cá cho mẹ ăn mặn miệng, chút bổ dưỡng cần thiết cho người già. Tội nghiệp bà ăn khoai lang khoai mì hoài, người gầy nhom. Gạo tổ do bà Năm Buồm bán, bà chỉ mua được hạn chế. Cái khó khăn chung của cư dân thành phố sau ngày được giải phóng.
Món quà mẹ Sương Sa bán, không phải nhu yếu phẩm cần thiết, khách ăn giải khát cũng được mà không cũng được. Món thèm thuồng của họ là cơm, gạo. Chuyện ấy người ta nghĩ rỗng không bao giờ có thể xảy ra ở miền Nam, vựa lúa gạo của cả nước. Thời kỳ còn chiến tranh, ruộng vườn không làm được thì dân có gạo viện trợ, chưa một ngày nào dân phải ăn khoai, mì thay cơm. Vậy mà thật đấy. Biết bao nhiêu là lý lẽ tung ra để biện bạch cho việc miền Nam thiếu cơm gạo. Chẳng ai cãi làm chi cho mắc tội, vì vẫn có những phần tử được ăn cơm độn thịt gà hay sườn heo nướng. Có người ăn để mà sống thì cũng có người sống để ăn, để bù lỗ...
Thời gian trôi trong rộn ràng qua loa phóng thanh của người cách mạng vinh danh cho cuộc chiến thắng thần kỳ. Phát động đủ thứ chiến dịch để xây dựng quê hương, kiến thiết xứ sở, đất nước bằng mười ngày xưa!
Một miền tổ quốc vốn đã bị kẻ thù làm cho thối nát, nay phải làm lại tất cả, coi như từ đầu, đạp đổ san bằng không thương tiếc bằng khí thế cách mạng có đường lối đúng đắn qua kinh điển. Thanh niên nam nữ lên đường làm thủy lợi. Những lời tuyên truyền huênh hoang, đội đá vá trời. Một dân tộc thần kỳ có thể làm được tất cả mọi chuyện, kẻ thù nào cũng đánh thắng, khó khăn nào cũng vượt qua! Tất cả phải nằm trong guồng máy quay, phải đều đặn và nhịp nhàng như vào máy khoa học kỹ thuật của nhà máy đóng nút chai nước mắm. Tất cả nên trở thành quốc doanh. Người ta nói nhiều quá đi thôi, vậy mà vẫn có những phần tử "xìu xìu ển ển". Thành phố phát động chiến dịch giãn dân đi kinh tế mới lập nghiệp. Kẻ nào chống đối lại là phản động. Nhân dân ngoan như cừu. Trong lúc ấy hai nước anh em lại giở mặt như giở bàn tay mà không biết ngượng. Đất nước núi liền núi sông liền sông ở miền Bắc đổ quân xâm lăng biên giới.
Miền tây nam tổ quốc, Căm Pu Chia có bọn Khơ Me đỏ ngày nào nào còn là bạn bè nay cũng bày đặt chuyện chiến tranh. Dù vậy chính sách trong nước đã đề ra vẫn được thực thi quyết liệt, vẫn đào kinh vét mương làm thủy lợi, vẫn tang gia sản xuất, vẫn phát động dân nghèo đi kinh tế mới lập nghiệp, khắp mọi quận, phường trong thành phố. Nhân dân có thể tự nhổ nhà mình, mang theo chổi cùn rề rách, nhà nước giúp phương tiện cho ra đi. ấp Đông Ba cũng có nhiều hộ tuân hành pháp lệnh, không đi hết gia đình thì cũng đi phân nửa. Những phần tử còn lao động được ra đi, ông già bà cả ở lại giữ nhà, đề phòng đường rút. Họ gạt nước mắt lên đường... "trong hạnh phúc tràn trề"! Báo, đài tường thuật vậy. "Tất cả nhân dân đều hồ hởi phấn khởi lên đường xây dựng vùng kinh tế mới"! Báo, đài cũng tường thuật như thế.
Thằng Bụi vô công rỗi nghề được bà Phấn, vợ một ông trung tá ngụy đang đền tội ác, trả nợ máu cho nhân dân ở một trại học tập cải tạo nào đó, thuê cùng một số thanh niên khác trong xóm đến phá xập ngôi nhà bà thành một đống gạch vụn, đồ đạc trong nhà cũng đập nát luôn, giá nào cũng không bán lại cho ai.
Người ta nói ngày trước chồng của bà tham nhũng, bóc lột nhân dân nên vẫn còn nhiều đô la, kim cương, vàng ròng.
Bà Phấn coi phá xong nhà, trả công sòng phẳng cho người thuê mướn rồi dắt lũ con ra đi. Lối xóm hỏi đi đâu, bà nói đi kinh tế mới ở quê nhà, để ông chồng bà học tập tốt, sớm trở về xúm họp với gia đình. Nhưng rồi ai cũng biết bà dắt con đi vượt biên, ông chồng bà chết bỏ xác trong trại cải tạo vì say khoai mì.
Phường, tổ họp phê bình bà Phấn ỷ có tiền bạc, "phát sinh" hành động ấy, là xấu xa phản động. Nhà cửa như thế mà không để lại cho "nhân dân", hoặc làm nhà trẻ, làm việc công ích, cũng cho nhân dân. Tồi tệ không chê được. Nhân dân phải lên án. Nhiều cái mồm phát biểu lao nhao như mở máy phát thanh và có những bộ mặt nghiệt ra. Chẳng còn ra làm sao sất cả.
Một tấc không đi, một ly không rời, thế có nghĩa là ỳ thân xác ra. Thừng Bụi nghĩ nông cạn như thế cho gia đình mình. Không kinh tế mới, kinh tế cũ gì ráo. Cả gia đình chỉ có hai mẹ con, cái tủ thờ có bố và anh hai nó ngự trị trên đó...
Một ngày đẹp trời, cán bộ phường xuống nhà bà mẹ Sương Sa động viên mẹ lên đường đi vùng kinh tế mới lập nghiệp. Mẹ Sương Sa đang ngồi trước rổ khoai lang, phải gọt đến ba phần tư khoai sùng bỏ đi, ngẩng lên hỏi:
- Các chú nói gì, tôi nghe không rõ và cũng không hiểu. Nói lớn giọng một chút, cái tai tôi điếc mất rồi.
Thật ra tai mẹ không điếc, mẹ giả đò thế thôi. Nhưng anh cán bộ vẫn phải lớn giọng giải thích, cố nhồi nhét vào cái đầu tối tăm của "bà già nhân dân" ở tỉnh thành mà quê mùa này hiểu thế nào là ý nghĩa cao đẹp của chính sách đi lập nghiệp Kinh Tế Mới.
Bà già lần thẩn:
- Thế hả, vậy thì có được ăn cơm không, lâu nay không ăn cơm, tao thèm lắm. Gạo tổ của bà Ba Thi bán ở bà Năm Buồm này tao ăn không đặng, nhiều sạn quá, khoai lang thì sùng đắng, tao phải bỏ quá nửa nè. Nói thiệt cho bay biết, mấy thứ này hồi trước người ta cho heo ăn, khoai sùng khoai đắng heo chê nên người ta phải nấu cám trộn với gạo, cho heo ăn. Vậy mà bây giờ bán cho người ăn thì tội chết, tao già, sống quá nửa đời người rồi, tính tao chân thiệt có sao nói vậy, tội lắm bay ơi...
Bà già thật quá sức lẩm cẩm, nhưng với cương vị người làm cách mạng, anh cán bộ cũng phải giải thích cho dân hiểu, dân nghe, phối hợp với tuyên truyền:
- Đó là khó khăn chung của nhân dân cùng chịu, chúng ta đang làm cách mạng, rồi đây đất nước sẽ được giàu đẹp, nhân dân cơm no áo ấm, ăn sang mặc đẹp Đồng chí lãnh đạo đã nói thế.
- Không dám đâu, tụi bay làm cách mạng đi, tao hổng thèm đâu, tao tuổi già sức yếu rồi...
Ngu ơi là ngu, anh cán bộ thầm kêu như vậy, giống người này cần được giáo dục, đả thông tư tưởng để biết thế nào là cách mạng, nếu bà còn trẻ, tôi sẽ gửi bà đi trường học tập cải tạo một khóa. Nhưng bây giờ thì vẫn kiên nhẫn, ngon ngọt, không được nổi nóng:
- Má à, ta cần phải hy sinh, hễ là nhân dân Việt Nam, không kể già trẻ lớn bé đều phải hy sinh, bao nhiêu thế hệ người phải hy sinh xương máu để có ngày hôm nay, đất nước được độc lập tự do, phải noi gương nhân dân miền Bắc đã hy sinh suốt mấy chục năm qua. Ta thống nhất được đất nước, đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào...
Tao đã hy sinh rồi, mạng sống của chồng tao, một thằng con trai tao dứt ruột đẻ ra. Bây giờ cha con nó ngồi cả trên tủ thờ kia, hai thằng bay thấy không? Hai anh cán bộ nhìn lên tủ thờ, họ thất kinh. Hình một thằng lính ngụy, đủ cả cân đai mũ mãng trông ác ra mặt, đập vào mắt họ, bà già này to gan thật:
- Nhưng má... có thể thờ thằng con, nếu thằng ấy bận quần áo khác...
Bà mẹ Sương Sa lắc đầu, chẳng còn biết nói sao. Thằng Bụi xuất hiện. Nó vừa đi kiếm ăn ở ngoài chợ về, mặt nó coi có vẻ hình sự, côn đồ, vỡ giọng nói ồm om:
- Hình anh ruột tao đó, con đẻ của má tao. Mẹ tao ưa nói lẩn thẩn, nhưng tình thiệt, dù bà không biết chữ, nhà tao ba đời mù chữ, kể cả tao, nhưng tao cũng biết phải quấy. Tao nói cho tụi bay biết má con tao không đi đâu hết, má tao mất sức lao động rồi, còn tao đã trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, chưa biết ngày nào tao lên đường...
Thằng thanh niên không biết thế nào là lễ độ, mày tao vung xích chó, chẳng còn coi ai ra gì. Cũng chẳng trách nó được vì nó đã sống và lớn lên trong chế độ cũ nên thiếu giáo dục. Hai anh cán bộ đành rút lui. Còn gì mà nói nữa! Nhưng một đồng chí cán bộ cũng ghi nhớ vào sổ đen: Hộ đó, trong con hẻm nhà không số, không tên đường, thuộc gia đình đáng lưu ý để giáo dục. Bằng cách nào thì hạ hồi phân giải, cấp trên quyết định...
Thằng Bụi mang về cho mẹ một bọc cơm nguội ngắt, một túi ni lông thịt heo kho nước dừa với hai cái hột vịt:
- Má đổ cái rổ khoai heo ăn kia đi, hấp cơm lên mà ăn, kho lại thịt heo hột vịt, "chất đốt" trong bếp còn mấy thanh củi đó. Má nhớ giặt cái bọc ni lông để trả lại người ta.
Bà mẹ Sương Sa ôm bọc cơm:
- Thiệt quí giá, người nào mà tốt vậy bay, sao không mang gạo thịt sống cho mà lại kho nấu chi cho mất công?
Tại má không biết đó thôi, những thứ này bạn con ở dưới quê mang lên làm quà cho bà con, phải nấu chín, mang những đồ sống lên thành phố không thoát khỏi trạm kiểm soát kinh tế đầu. Người mang sẽ mắc tội buôn lậu, thiếu gì người đã bị bắt.
Lạ nhi, tao mới nghe "chiêng" đố lần đầu trong đời. Nghĩ đến gạo trắng nước trong tao bắt thèm. Bà già trầu xỉa miếng thuốc lên hàm răng chiếc còn chiếc mất. Mẹ Sương Sa lo lắng miếng trầu từ Hóc Môn đưa lên bị coi là hàng lậu nữa thì thiệt tội nghiệp cho những bà già trầu.
Tâm thần mẹ Sương Sa mỗi ngày một thêm lẩn thẩn, lo lắng toàn chuyện không đâu. Mẹ không sõng vô tư buông thả như thằng con của mẹ. Như tinh thần truyền thống dân Nam bộ sống hôm nay không cần dành dụm cho ngày mai. Một xứ chim trời cá nước, đời sống dễ chịu, bằng chứng là mẹ đã sống được gần trọn một đời người. Từ thuở cùng chồng trôi sông lạc chợ, lênh đênh trên sông nước, không biết đâu là bến là bờ.
Rồi thân góa bụa, một nách hai đứa con.
Thằng Bụi lên đường vào một sáng mùa xuân, khi pháo hồng còn nổ ran trong thành phố, mừng thêm một mùa xuân thanh bình. Khi đàn trẻ thơ chạy nháo lên trong phố phường nhặt pháo lép đốt nổ đì đùng góp vui ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền.
Bà mẹ Sương Sa cùng một số bà mẹ khác thuộc phường 6 ra sân hội trường ủy Ban Nhân Dân đưa tiễn con lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Cờ rong trống mở rập rình. Trong buổi lễ tiễn đưa biết bao nhiêu là diễn văn nổ át cả tiếng pháo mừng xuân. Người ta thi nhau phát biểu, nói lên cái cao đẹp của việc tòng quân bảo vệ non sông gấm vóc, làm ngha vụ quốc tế, cứu giúp nước bạn anh em. Bởi vậy mới gọi là trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, trái ngược hẳn với chuyện lùa bắt trai trẻ đi quân dịch, hay gọi nôm na là bắt lính như thời ngụy. Các thanh niên thi hành ngha vụ quân sự được võ trang tinh thần, lý tưởng cao cả. Không có gì hãnh diện bằng, các thân nhân chiến sĩ cũng được thơm lây!
Tiếng vỗ tay nổi lên nhịp nhàng khi dứt bài diễn văn, do chính vị đọc diễn văn khởi xướng, đánh nhịp. Sau chót là màn chụp hình kỷ niệm. Nhà đạo diễn phó nhòm nhắc nhở những bà mẹ:
- Cười lên, các má các chị tươi lên nào, để chụp ảnh đăng lên báo, đài, nở mày nở mặt với năm châu bốn biển, đất nước có những bà mẹ chiến sĩ anh hùng.
Thằng Bụi đã lên xe ra đi. Bà mẹ Sương Sa đứng nhìn theo con, nhưng bà không nhìn thấy nữa. Bụi đường cuộn lên sau xe tải. Bà lẩn thẩn quay trở về nhà mình. Bà thấy tâm hồn mình trống vắng trong căn nhà vốn dĩ quạnh hiu càng quạnh hiu hơn. Bà lẩm bẩm trong miệng:
- Buồn thấy mụ nội mà nó lại biểu mình phải cười. Con tao dứt ruột đẻ ra chớ có phải chúng nó đẻ đâu.
Bà mẹ Sương Sa được coi là mẹ chiến sĩ, có thể được coi là diện chính sách, nhà nước đặc biệt quan tâm giúp đỡ, nhưng bà vẫn phải ăn độn dài dài, khá hơn một chút có bo bo mà người ta gọi là cao lương, ăn đầy hơi và đau bụng thấy mụ nội. Bà mẹ Sương Sa không thể không chửi thề. Khá hơn một chút nữa thì ăn mì sợi nấu với nước muối thay cơm. Nhà nước vẫn bảo đảm với nhân dân rằng họ không để bất cứ người dân nào bị chết đói. Báo hại một chục năm sau, nhiều người nhìn thấy tô mì còn thất kinh, xe hủ tíu mì của chú Lì đầu xóm ế sưng ế xỉa, đến phải dẹp nghề xoay nghề ve chai.
Bà mẹ Sương Sa biết con bà đang chiến đấu bên Căm Pu Chia, làm nghĩa vụ quốc tế. Bà không mấy quan tâm mình thuộc diện nọ kia nào, mà chỉ lo lắng cho tính mạng thằng con bị "cáp dồn". Nó chưa một lần nào được về phép thăm mẹ, cũng chứng thư từ gì ráo, vì nó có biết chữ đâu, mà mẹ cũng lại mù chữ nữa. Tin tức biền biệt..
Gánh sương sa ngày một oằn nặng trên vai bà mẹ già. Cái nhà ngày một thêm xiêu vẹo, nó xuống cấp trầm trọng như sức khoe cùng tuổi tác ngày một cao của mẹ. Căn nhà sắp trở lại nguyên trạng cái lều hay cái chòi cũng vậy. Như thuở mẹ Sương Sa cùng chồng trôi sông lạc chợ, lên cắm dùi ở đất này. Chỉ có cái tủ thờ lúc nào cũng sạch bóng. Đôi mắt thằng Bờ trên tủ thờ nhìn mẹ đăm đăm. Đôi mắt của nó lạc cả vào giấc mơ của mẹ.
Con hài lòng hay oán hận mẹ, hỡi con? Đừng oán hận mẹ, nhé con. Tội nghiệp con quá! Mẹ dứt ruột đẻ con, dẫu rằng đời sống con có ngắn ngủi ở thế gian. Mẹ vẫn sống đây để chờ đợi em con, thằng Bụi, đứa con bé bỏng, út ít của mẹ, chỉ còn mình nó nối giòi tông đường... Mẹ Sương Sa thức giấc lúc trời sáng bạch. Mẹ nhìn thấy một trời đầy sao lúc ban ngày.
Bà mẹ Sương Sa được báo tin thằng Bụi hy sinh trong khi làm nghĩa vụ quốc tế bên Căm Pu Chia.
Một lời "tổ quốc ghi công" là đủ, cũng như mẹ đã nghe câu "tổ quốc ghi ơn " hồi thằng Bờ tử trận. Hình như hai câu ấy có khác nhau chút đỉnh, mẹ không quan tâm nữa, mẹ chỉ nghĩ đến con, đứa con mẹ phải dùng răng cắn rốn cho nó khi chạy giặc Tây.
Một đời mẹ ba lần khóc chồng, khóc con, mẹ khóc đến chảy máu mắt, đến chết giấc, ai thấu hiểu cho nỗi đau khổ của mẹ, chẳng còn ai cả, phải không?
Thế là chỉ còn một mình bà mẹ Sương Sa còn lại ở thế gian, trong túp lều xuống cấp trầm trọng.
Trận mưa dầm tháng bẩy kéo dài lê thê cùng với lời khóc than của mẹ trong niềm bất hạnh tận cùng.
Mẹ được cán bộ động viên tinh thần để khắc phục đau buồn. Phấn đấu sống để làm mẹ Việt Nam anh hùng. Nhưng nước non mẹ gì, mẹ buồn thì cứ buồn. Chuyện đau khổ là chuyện của mẹ thôi, ai mà chia xớt được. Tổ quốc ghi công là quá đủ. Tổ quốc còn nghèo, tổ quốc tặng mẹ một món quà nhỏ ghi công.
Giữa lúc mẹ Sương Sa cúng cơm thằng con, đốt giấy tiền vàng mã cho con tiêu xài trong cõi âm, mẹ tin rằng linh hồn nó còn lẩn quất đâu đây. Dù xác nó có mất ngoài sa trường, linh hồn nó vẫn ở bên mẹ. Kìa nhìn tro tàn giấy bay!
Sự đau khổ buồn phiền của mẹ chỉ biết thể hiện như thế qua mê tín dị đoan của dân tộc suốt bao đời. Mẹ lại muốn một ngày nào đó, qua một trăm ngày con táng mạng, mẹ đi gọi hồn nó qua hồn Cậu linh thiêng, nghe lại lời nhắn nhủ cuối cùng của nó với mẹ.
Bà thày, trung gian của người phàm với hồn ma, sẽ phán rằng, ba bố con nó đã gặp nhau, hiện họ đang tung tăng dạo chơi miền tiên cảnh, nhòm xuống thế gian thấy mẹ nó còn khoẻ mạnh, vẫn còn gánh sương sa rong ruổi trên từng chặng đường trong xóm nhỏ. Bố con nó sống sung túc vì được cúng cơm, được nhang khói, được tiêu những đồng tiền âm phủ, do mẹ nó đất cho. Bố con nó sẽ phù hộ cho bước đi của mẹ vững chãi, chân cứng đá mềm. Như vậy, bổn phận làm vợ, làm mẹ của mẹ vẫn chưa hết. Mẹ phải làm sao sống cho vừa lòng người thân ở cõi âm đang được dạo chơi miền tiên cảnh chờ đón mẹ, ít ngày, vì một ngày ở xứ tiên bằng một năm ở cõi trần. Mẹ tin như thế và nhất định chỉ tin như thế.
Trên tủ thờ bây giờ chỉ còn thiếu tấm hình của thằng Bụi, thuở sinh tiền thằng Bụi không có một tấm hình nào. Mẹ cầu xin linh hồn những người thân phù hộ cho mẹ một lần được nhìn lại thấy mặt thằng con út ít. Lời cầu xin của mẹ hằng đêm được linh hiển, không phải trong giấc mơ, mà là thật. Một ngày cuối mùa mưa, một anh thương binh cụt giò tìm đến mẹ. Tặng mẹ tấm hình con trai mẹ, đóng khung lộng kiễng đàng hoàng. Tấm hình thằng Bụi bán thân, bận quân phục bộ đội, đầu đội mũ cối có dính sao vàng, nụ cười của nó tươi trẻ làm sao.
Anh thương binh giải thích:
- Cháu cùng đơn vị với Bụi, bạn bè chụp chung nhau tấm hình này hồi ở Căm Pu Chia làm kỷ niệm. Cháu cắt riêng ra hình của Bụi, đem phóng lớn đóng khung tặng lại bác. Cháu nghĩ bác cũng cần một tấm hình để trên bàn thờ như anh nó.
Bà mẹ Sương Sa cảm động vô cùng, lời khấn khứa cầu xin của bà đã linh hiển. Đúng là bà đã thấy lại con, bà phải để ngay lên tủ thờ, đứa bên phải, đứa bên trái cái bài vị của cha nó. Tuy hai cái hình mang hai bộ quân phục khác biệt nhau, nhưng có sao đâu, chúng nó vẫn là anh em ruột thịt do một mẹ sinh ra. Anh bạn thương binh cũng nói, chuyện bình thường để cho nó bình thường đừng làm nó thêm rắc rối nặng nề. Không một ai có quyền đặt vấn đề bắt bẻ mẹ phải thế này hoặc không được thế này. Còn ai khổ hơn mẹ, bất hạnh hơn mẹ suốt nửa thế kỷ qua.
Anh thương binh kể cho mẹ Sương Sa nghe về cái chết của con bà:
- Chiến tranh là tàn nhẫn, cháu nhớ ngày Bụi hy sinh cũng chính là ngày cháu bị bắn gẫy giò. Cháu bị thương nằm lại, bạn Bụi tiếp tục xung phong, một tiếng nổ lớn, cháu không còn nhìn thấy Bụi nữa, xác bạn tan ra từng mảnh bay tứ tán. Cháu về nằm Viện mà cứ nghĩ đến bạn cháu hoài, cháu tự nghĩ bác còn thiếu một tấm hình của Bụi. Cháu xuất viện nghĩ ngay đến chuyện làm một tấm hình của bạn tặng bác...
- Đúng, đúng, cháu nghĩ rất phải. Bác cám ơn cháu vô cùng. Trên đời này bác không quí gì hơn hai tấm hình của anh em nó, nhìn hình, bác thấy chúng chưa chết, vẫn còn lẩn quẩn bên bác như hồi nào. Thân bác một kẻ trôi sông lạc chợ còn gì quí hơn đâu
- Biết đâu là bến bờ.
- Vâng thưa bác, cát bụi lại trở về với cát bụi, như tên bạn cháu.
Tên Bụi của thằng Bụi có nghĩa khác, như gắn liền với tên anh nó, đánh dấu giai đoạn sinh ra nó, nhưng vì bà già dết nát quá nên không thể giải thích được Bà nói sang chuyện khác rồi đề nghị:
- Cháu ở lại ăn cơm với bác nhé, đừng từ chối, bác không còn ai ngồi ăn cơm cùng. Hôm nay, bác có hai con cá rô kho tộ, do một thằng nhỏ lối xóm mang cho, món thằng Bụi thích nhất đấy. Cháu ngồi ăn chung với bác như thằng Bụi từng ngồi ăn với bác khi nó chưa được con cá ngoài đìa.
- Vâng, thưa bác. Đáng lẽ cháu xin được từ chối, nhưng bác đã nói thế, cháu phải vâng lời.
Thằng nhỏ ăn nói ngoan quá. Bà mẹ Sương Sa vui lây, cười:
- Hằng năm cháu đến ăn giỗ nó nhé, gặp bạn bè thằng Bụi thì cứ rủ, đừng lo thiếu thốn, vì hồi này bác cũng kiếm ăn được. Bà con lối xóm thấy bác neo đơn nên cũng giúp đỡ, không khó khăn như hồi đầu giải phóng nữa. Nay người đi kinh tế mới làm ăn thất bại đã trở về rồi đấy. Nếu ngày ấy thằng Bụi không cứng thì bác cũng bị lùa đi rồi, cán bộ người ta nói khéo ơi là khéo hứa hẹn đủ thứ...
- Rồi không có gì phải không hở bác?
-Bác không biết, vì bác không đi kinh tế mới, nhưng người đi rồi trở về nói lại như vậy.
Hai người ngồi ăn bữa cơm đạm bạc mà ngon miệng. Anh thương binh khéo đưa đẩy câu chuyện làm cho bà già vừa thương vừa hài lòng. Bà mẹ Sương Sa có cảm tưởng mình ngồi ăn với con trai mình thuở mẹ còn sung túc, anh ta cũng trạc tuổi con mẹ. Mẹ gắp thức ăn cho anh, mẹ gọi anh bằng con và xưng má. Ngoài trời cơn mưa cuối mùa vẫn dai dẳng. Chưa biết đến hôm nào trời mới nắng đây?
Bà mẹ Sương Sa bận tất bật từ buổi chiều đến sáng ngày hôm sau, cho bữa giỗ thằng Bụi. Lễ vật đóng góp cho bữa giỗ của bạn bè thằng Bụi mang đến hậu hĩnh từ ngày hôm trước, mẹ phải nhờ người hàng xóm sang làm phụ mới xong công chuyện. Mỗi năm mẹ phải lo chu toàn cho ba bữa giỗ của ba bố con, do tiền mẹ dành dụm từ gánh sương sa hạt lựu bán từng ngày. Mẹ tiếp tục nuôi chồng nuôi con ở bên kia thế giới mà mẹ tin rằng nhất định nơi đó là miền tiên cảnh.
Đời sống kinh tế của mẹ Sương Sa thời gian này cũng đỡ hơn. Nghe đâu đất nước mở cửa, nhân dân có đồng ra đồng vào tiêu xài, cũng hết luôn cảnh ngăn sông cấm chợ, lương thực được lưu thông. Gánh sương sa của mẹ cũng bán buôn khá hơn. Lại có Việt kiều về nước thăm lại quê hương, giúp đỡ bà con. Những sĩ quan ngụy quân, ngụy quyền ở tù cũng đã trở về và số đông đã ra đi, rồi lại trở về thành Việt kiều. Phần đông họ có lòng tốt, trọn vẹn tình làng nghĩa xóm.
Bà trung tá Phấn ở ấp Đông Ba, ngày nào thuê thằng Bụi phá xập nhà trước lúc ra đi, nay cũng từ Mỹ trở về thăm lại xóm cũ, tình làng nghĩa xóm rôm rả. Nhà bà đương nhiên không còn nữa, bà ở khách sạn rồi về thăm bà con láng giềng. Bà lội đến thăm bà mẹ Sương Sa, nhìn hình thằng Bờ thằng Bụi trên bàn thờ, bà chấm nước mắt:
- Bà chỉ còn một mình thôi hả?
Bà mẹ Sương Sa trả lời theo thổ ngữ vùng sông nước Cà Mau, nơi bà đã ra đi theo chồng từ thuở còn con gái, từ đó trôi sông lạc chợ chưa một lần trở lại quê hương, nên cũng chẳng biết bà con ai còn ai mất:
- Dạ, có mình "ên", chồng con chết ráo trọi rồi, họ ngồi trên tủ thờ đó. Tôi còn phải sống để nuôi linh hồn họ. Nhang khói cho họ đỡ quạnh hiu.
- Bây giờ bà sống ra sao?
- Một gánh sương sa bán mỗi ngày, chiều về lo làm hàng cho ngày hôm sau, lo nhang đèn cho cái bàn thờ bố con nó, rảnh rang tôi lên Chùa làm công quả, nghe kinh. Đời sống vậy cũng được rồi. Bà con quanh đây thương mà giúp đỡ tôi, tiếng là chỉ có mình "ên" nhưng có sao đâu, tôi còn tình làng nghĩa xóm.
Bà mẹ Sương Sa không ngờ mình lại biết nói nhiều như thế trước một bà sang trọng. Bà mẹ Sương Sa còn tiếp:
- Khi nào tôi về chầu trời, tôi cũng muốn bố con nhà nó lên Chùa nghe kinh. Tôi đã có lời nhờ trước sư cụ rồi.
Đó là mơ ước cuối cùng của bà lão, hết chồng bị giết lại đến con hy sinh vì những thế lực nào đó trên quê hương đầy những bất hạnh nghiệt ngã này. Sau những lời tâm sự nôm na và chân thành của bà lão, bà Việt kiều sang trọng biếu bà lão một chai dầu gió xanh Con ó gọi là quà nước ngoài để thoa bóp lúc trái nắng trở trời, một ít tiền để bà lão ăn trầu cau, sắm nhang đèn cho cái bàn thờ kia đỡ phần quạnh hiu. Bà lão Sương Sa lấy làm hả lòng hả dạ, cám ơn hết lời con người từ tâm.
Sáng nay mẹ thức giấc, mở mắt ra lại nhìn thấy một trời đầy sao. Mái tôn quá mục nát đây mà mẹ không còn ớn ưc leo cao để tự che chắn cái mái nhà. Mẹ nằm nán trên bộ ngựa lên nước bóng láng, mát như bàn thạch. Nếu ngày ấy không liều mua thì cũng chẳng có bộ ngựa này, cái này cũng chính là xương máu của con mẹ. Mẹ thầm khấn khứa chồng con, mời họ về ăn giỗ, ngày giỗ nào cũng là ngày giỗ chung của ba người, họ đoàn tụ và gia đình đoàn tụ.
Sáng nay bà mẹ Sương Sa không đi bán, dĩ nhiên mẹ phải ở nhà làm giỗ, dù đã có người giúp đỡ. Bữa giỗ đơn sơ nhưng cũng phải có út rượu ngon cho đám bạn bè của hai con. Chúng nó đến đều vì tấm lòng, nhưng cũng không quên mang theo lễ vật đèn nhang, hoa quả trái cây. Chúng đốt nhang đứng vái trước bàn thờ bạn. Hai chục năm đã qua, chúng đều trở thành những người đàn ông có tuổi, nhưng mẹ Sương Sa vẫn coi chúng như con cái, ngang bằng phải lứa với thằng Bờ thằng Bụi ngày nào. Chính họ cũng bawfng lòng như vậy, họ gọi bà già bằng má xưng con, tự coi mình như con cháu của bà. Hầu hết họ là người khuyết tật nạn nhân chính qua hai lần chiến tranh, thế hệ của thằng Bờ thằng Bụi. Họ quí mến nhau, coi nhau như anh em ruột thịt dưới một bà mẹ neo đơn cũng vì chiến tranh, vì thời cuộc.
Mỗi người trong bọn họ đều nghèo, sinh sống bằng nghề tự do trong cái đa dạng của nền kinh tế thị trường. Nhưng tất cả xúm lại, mỗi người một tay giúp mẹ làm bữa giỗ cúng người đã khuất. Để mẹ được rảnh rang ngồi nhai miếng trầu. Sau là để ngồi với nhau. Ngồi với nhau thoải mái, tự do, không còn phân biệt như thuở nào.
Những cây nhang cắm trên tủ thờ cháy hết, cong vòng mà không rụng tàn, mọi người nhìn lên. Bà mẹ Sương Sa mặt vui chớ không buồn, nói:
Bố con nó về đó, các con à. Ba nó và hai con cho tôi hạ đồ cúng xuống cho các anh em ăn nhậu, chắc tất cả đều đói cả rồi. Bà già nhắc nhở với đám con:
- Tao có lít rượu đế ngon cho tụi bay.
Một anh nói:
- Con cũng có mang rượu theo, không dám mang ra, sợ má la.
- Không, tao không la đâu. Chồng tao ngày xưa thường nói câu chữ "nam vô tửu như kỳ vô phong". Nhưng chúng mày không được uống say quá rồi làm bậy, nói bậy thôi.
- Chúng con xin hứa với má.
Anh Thuận lớn tuổi nhất, được xếp ngồi trên bộ ngựa với mẹ, cùng với các chú các bác lớn. Anh Thuận là bạn chiến đấu với anh Bờ ngày xưa, thuở còn đi lính Thủy Quân Lục Chiến chế độ cũ. Anh Bờ tử trận, sau đó anh Thuận bị thương cụt giò trở thành thương binh. Bây giờ anh Thuận không nhận được một sự trợ cấp nào. Anh làm nghề hát dạo bán vé số độ nhật. Cái chân gỗ của anh do di chuyển lâu năm, đã mòn vẹt hết bàn chân, anh lại trở thành khập khiễng. Bữa giỗ năm nay, anh thay thế cái chân gỗ mòn bằng cây nạng. Anh Thuận hiền khô, trông chẳng dữ dằn tí nào, như sắc lính anh từng theo qua lời tuyên truyền. Đi đầu, anh cũng khoác theo cây đàn cũ. Anh hát xong, mời mọi người mua vé số, anh không nhận của bố thí.
Hai mươi sáu năm trước anh đã ngồi với Bờ ở căn nhà này. ăn bữa cơm canh chua đầu cá lóc của mẹ Sương Sa nấu làm tiệc tiễn con lên đường. Khi đó thằng Bụi vẫn còn nhỏ, gầy nhom. Anh ôm vai nó, vòng ôm chưa khít cánh tay. Vậy mà bây giờ nó đã ra người thiên cổ, ngồi trên bàn thờ kia trong quân phục bộ đội, mũ cối gắn sao vàng. Hình ảnh hai anh em chung một bàn thờ tương phản nhau.
Ngày anh Thuận và thằng bạn tên Bờ ra trận, cái tủ thờ này chưa có và bộ ván ngựa này cũng chưa có. Anh Thuận gặp lại mẹ Sương Sa sau mười lăm năm, khi anh đang hát và bán vé số dạo ngoài chợ. Mẹ òa khóc khi nghe hát bài quen thuộc thuở nào, mẹ ôm lấy anh gọi "con ơi". Từ đó mẹ Sương Sa đã già lắm, nhưng chưa già như hôm nay. Từ đó Thuận năng lui tới với mẹ, không bỏ một ngày giỗ nào của gia đình mẹ. Thực tình khi nào Thuận đến thì mẹ biết, mẹ cũng chẳng biết anh ở đâu, nơi nào trong cái thành phố ngày một thêm đông đúc này.
Anh Thuận ngồi ăn, uống tí rượu, cây đàn ghi ta cũ cũng không rời anh, nó tạm thời được chống cán lên tủ thờ.
Trời chính ngọ, nắng rọi lốm đốm hình trứng gà lên bàn thờ, trên bộ ngựa bầy mâm cỗ, bởi tại mái nhà nát. Những anh em ngồi chiếu dưới rượu đã ngà ngà say. Đám người ấy hầu hết là bạn bè thằng Bụi, đã một thời từng đi chiến đấu bên Căm Pu Chia trở về, ít người lành lặn. Có người bị thương đổ nhột mà còn sống, bây giờ hành nghề đạp xích lô, người bán vé số, người đi ve chai buôn bán bất cứ thứ đồ phế thải nào, nếu không nuôi được ai thì cũng nuôi được chính thân họ, những đứa con của đất nước anh hùng. Lương gia đình diện chính sách như mẹ Sương Sa đây cũng chỉ đủ mua trầu cau nhai đỡ buồn. Nhưng cũng chẳng bao giờ nghe mẹ Sương Sa nói đến. Mẹ vẫn sống qua gánh sương sa hạt lựu nước dừa làm mát lòng khách thập phương, đêm đêm có nhang đèn cho chống con.
Một anh ngà ngà say đứng lên nói với mẹ:
- Má à, làm đơn đi, địa phương mình đang tuyển "mẹ Việt Nam anh hùng" đó.
- Phải tuyển sao mày, tao một chữ không biết, đơn mới từ gì?
- Má thuê người viết, má đủ điều kiện, má diện chính sách, mẹ liệt sĩ...
Một anh giật bạn ngồi xuống:
- Câm họng đi, đừng làm má khổ thêm nữa, má không trúng tuyển thì sao nào?
- Sao không trúng tuyển được, má dư điều kiện ma.
- Đồ ngu, mày banh mắt ra mà nhìn trên bàn thờ kìa, hai tấm hình của hai anh em nhà này...
Anh bạn lắm điều hiểu ra, gật gật đầu:
- ờ há!... Tao quên mất "chiệng" đó. Mà sao vậy há, cũng là "chiệng" bình thường thôi mà.
- Tao không biết, nhưng vẫn phải dè chừng. Mày nên uống ít thôi, tao biết tính mày cứ "xỉn" vào là nói lung tung.
Anh nhậu sắp "xỉn" úp cái ly không xuống, thái độ dứt khoát của những tay nhậu, khi không uống nữa:
- Đồng ý, tôi có tính xấu ưa nói khi nhậu, tốt nhất là không nói nữa.
Nhưng xung quanh bạn bè vẫn nhậu lia chia, phát ngôn vung vít nhiều ý kiến, nhưng chẳng hại gì, tất cả đều vì má, cho má, những gì tốt hơn lợi hơn cho đời sống má những ngày còn ở lại thế gian. Có anh em thấy mâm trên nắng rọi đến chỗ má và anh Thuận ngồi, lên tiếng:
- ý không được rồi, phải lấy cái gì, miếng bạt hay tấm ni lông che chỗ nắng rọi cho má mình chớ? Kìa, anh hai Thuận cũng bị nắng rọi trúng.
Giọng má từ tốn:
- Không sao đâu các con, má quen rồi.
- Đâu được, mùa nắng còn có mùa mưa nữa chớ.
- Mùa mưa thì tao giăng miếng ni lông lên cho nước lọt ra ngoài, mùa nắng tao bỏ tấm ni lông ra cho thoáng và nhìn thấy sao trên nóc nhà ban ngày... Tất cả cho rằng má nói chơi, mang ý nghĩa cay đắng cho số phận của mình. Nhưng không, má chân thật thiệt tình, sự ngay thẳng bẩm sinh. Mẹ Sương Sa nói lại: -
- Tao nói thiệt đó, tao không thấy chi là khổ, đời tao chỉ đau khổ có ba lần khi mất chồng, mất con, còn chuyện này thì nhằm nhỏ gì, tao từng lênh đênh trên sông nước với bố chúng nó, gió dập mưa vùi có hề hấn chi. Hôm nay ngày giỗ thằng Bụi, cũng như thằng Bờ và cả cha chúng nó. chúng bay đến thắp cho cây nhang, không phân biệt thế là quí rồi, đã bao nhiêu năm qua chúng mày không quên, tao đỡ buồn... Uống nữa đi, nhậu đi cho nhà này vang tiếng cười. Đột nhiên mẹ Sương Sa ngỏ mấy lời tâm sự chân thành. Đám trẻ thuộc hàng con cháu vỗ tay, muốn làm không khí bữa giỗ vui hơn, tức là vui lòng mẹ. Đám trẻ thấy anh Thuận kè kè cây ghi ta, họ chúng lạ gì anh thương binh chế độ cũ, hành nghề hát rong bán vé số ở các tiệm cà phê lề đường, nơi chợ búa. Những người cựu lính trẻ, bạn của Bụi, nay đã luống tuổi yêu câu:
- Đề nghị anh hai Thuận ca một bản, bài ca anh từng ca.
Thuận ôm đàn, dạo một khúc:
- Tôi ca chứ, nếu có yêu cầu, nhưng tôi chỉ sợ bài ca không được vui, đó là kỷ niệm cả một đời người, như hai mươi sáu năm trước đây tôi đã ca trong căn chòi này, không có đờn, tay tôi ôm vai chú Bụi, má khi đó bước vào tuổi già, nhưng chưa già như hôm nay. Tôi lên đường ra trận với bạn tôi, anh Bờ, anh đã trở về "rửa chân" lên ngồi ở bàn thờ kia, sau lại đến chú Bụi, ở một chế độ khác. Nhưng hai đứa đều là con của má. Tôi tin rằng linh hồn hai anh em còn lẩn quất đâu đây, nhìn má và anh em mình.
Một tiếng nói từ đám trẻ:
Không sao, anh hai Thuận cứ hát, đời ta có vui thì cũng có buồn.
Giọng Thuận cất lên buồn da riết, cái buồn rưng rưng như hạt lệ đọng trên mi mắt, rơi xuống những nốt nhạc trên cây đàn ghi ta cũ kỹ, cái buồn rưng rưng từ thuở nào mà còn mãi mãi trong tim: "Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm, mái tranh nghèo ai người sửa sang... Khu vườn cũ hoa vàng trước ngõ... Đàn trẻ thơ ngây chờ mong anh trai... sẽ đem về cho tà áo mới... ba ngày xuân vui chơi xóm làng... "
Bà mẹ Sương Sa lắng nghe, mẹ ngậm ngùi rồi nước mắt ứa ra gặp những vết nhăn ngăn lại loang ra trên khuôn mặt già nua, sương gió như loang trên vết rạn nứt cổ vật sành sứ. Không khí bữa giỗ như trùng xuống. Ai cũng chung một ý nghĩ thương cảm, hướng về mẹ, hướng về cái mái nhà dột nát kia. Ôi, mẹ hiền như đất phù sa bồi bên bờ Cửu Long.
Bài ca của người hát dạo dứt, dư âm còn mãi, không phải tiếng vỗ tay tán thưởng mà đúc kết thành một quyết tâm chung, mẹ Sương Sa phải có một mái nhà, một mái nhà tình người, do bàn tay của những đưa con của mẹ che chắn gió mưa, nắng hạn trong một thời tiết thất thường.
Bữa giỗ rồi cũng tàn, nắng vàng tắt lui về một nơi nào đó, phải giấu mình trong đêm đen.
Năm Mậu Dần
1998