Không biết đây là lần thứ mấy rồi bác sĩ Trương Vĩnh Cần lại bỏ chạy một cách nhục nhã khiếp sợ như vậy. Mãi cho đến nhiều năm sau này khi đã khỏi bệnh, ngồi nghĩ lại bác sĩ Cần chỉ còn biết thừ mặt ra như ngỗng ỉa rồi cẩn thận ghi vào một quyển vở ý kiến của riêng ông ngờ rằng đó là một trong bảy triệu chứng bệnh lý của người mắc bệnh tâm thần phân lập thể hoang tưởng dị mộng là tự dưng đôi khi cảm thấy vô cùng hổ hẹn cắm đầu bỏ chạy y như một thằng ăn cắp khốn nạn. Lại nói bác sĩ Trương Vĩnh Cần len lén lủi ra đến ngoài đường quốc lộ bèn vắt chân lên cố cắm đầu bỏ chạy. Ông chạy như bị chó dại đuổi. Ông chẳng cần biết có rất nhiều ô tô tải to tướng trùm bạt kín mít đang chạy rầm rầm trên đường. Rồi có một chiếc zin ba cầu kéo rơmóc chất bên trên hàng chục cây gỗ to tồ bố chỉ chút xíu nữa thì cán nát bét người ông thành một tấm da đẫm máu. Ông bác sĩ cắm đầu chạy một mạch dễ đến hai cây số đến khi mắt ông hoa lên hai đầu gối bủn rủn mới chịu dừng lại lảo đảo tạt vào một quán nước trà chén nhà tranh mái lá ở vệ đường. Nhưng vừa đặt đít xuống cái chõng tre thì có một cô gái đầm đìa mồ hôi nóng hừng hực từ phía sau lao tới dúi hai vú vào lưng ông. Cô gái hồn hển kêu lên: - Khiếp! Ông già chạy tởm quá. Ðứt hơi người ta rồi. Bác sĩ Cần hoảng hốt ngoảnh lại. Mồm ông há ra ngạc nhiên. Cô gái đó là cô Kim Thoa. - Tại sao ông bác lại dở chứng ra như thế. Ai làm gì mà bỏ chạy. Cô Kim Thoa vẫn hồn hển. Cô hỏi như vậy. Nhưng rồi đã quen với sự ngơ ngác im lặng của ông bác sĩ. Cô Kim Thoa quệt mồ hôi cười: - Chuồn là thượng sách. Ngồi lại nghe ông bố thằng Hoàng oán trách ca cẩm vãi nước ra thì cũng mờ đời. Ông bác khôn thật.Cô Thoa gọi hai cốc chè đá một cho cô một cho ông bác sĩ. Cả hai ngồi nghỉ thong dong trên cái chõng và cũng thong dong cùng uống cốc chè mát lạnh. Cô Thoa hỏi: - Bây giờ đi đâu ông bác nhĩ. Về lại bãi vàng mường Chiềng Ðộng hay là về nhà. Hay là bác cháu ta lại đi du lịch kiểu Tây ba lô. Bác sĩ Cần nói nho nhỏ: - Ði đâu cũng được. Cô Thoa toét ra cười: - Nếu thế thì đi du lịch Tây ba lô. Rồi cô móc ở trong xu chiêng ra một cái ví nhỏ. Cô dúi cái ví xuống chỗ giữa hai đùi cho kín và mở hé ví ra. Cô gật gù:- Thừa tiền đi hoang một tháng nữa. Ngẫm nghĩ một lúc cô Thoa lại gật gù: - Vừa rồi bác cháu ta đi theo chương trình của thằng Hoàng. Còn bây giờ đi theo chương trình của cháu. Ta sẽ lên vùng Tây Nguyên. Ngày xem lễ hội đâm trâu tối uống rượu cần nhảy múa y như mấy bộ phim du lịch vẫn chiếu trên ti vi. Ông bác ưng cái bụng chứ? Thấy ông bác sĩ vẫn cứ trố mắt ra. Cô gái lại hiểu theo ý khác. Cô lắc đầu:- Khỏi lo chuyện tiền bạc. Cháu bao trọn gói. Cô rút ra ba tờ một trăm đôla màu xanh rồi kẹp trong hai ngón tay ve vẩy ve vẩy.- Ðây là lá cờ đi hoang của chúng ta. Ðủ tiền cho hai xuất du lịch Tây Nguyên nếu đi theo các công ty du lịch của nhà nước. Nhưng đi kiểu ấy gò bó lại nhạt nhẽo. Ta đi kiểu đi hoang ông bác ạ. Ði kiểu Tây ba lô. Tự đi theo chương trình của ta vạch ra. Ði bộ đi xe đi tàu hỏa đi tàu thủy đi xe lam xe bò xe ngựa tiện gì đi nấy. Ngủ bờ ngủ bụi ngủ trọ ngủ khách sạn mắc võng ngủ vạ vật trong vườn nhà ai đó. Tiện chỗ nào ngủ chỗ nấy. ăn cơm bụi cơm cầu cơm quán cơm nhà hàng đặc sản hoặc lê la ở chợ quê ăn bánh đúc mắm tôm. Thích ăn cái gì thì ăn cái ấy, tiện ăn chỗ nào thì ăn chỗ ấy. Ông bác đồng ý đi chơi kiểu như vậy chứ. Sướng nhất trần gian. Tất nhiên bác sĩ Cần gật đầu. Cô Thoa trìu mến nhìn ông bác sĩ: Tính nết ông bác hay thật. Bảo gì cũng gật chẳng đòi hỏi cái gì cả. Chơi với ông bác còn thích hơn chơi với lũ chíp hôi. Bây giờ cháu ra ngoài đường đợi bắt xe. Bác cứ ngồi trong quán. Có mặt ông bác là khó làm việc lắm. Nhưng cô Thoa không phải ra ngoài đường bắt xe. Cô nói xong thì vừa vặn có một Toyota 12 chỗ máy lạnh kính mờ xè xè dạt vào ngay sát cửa quán. Cửa xe kéo roạt ra. Từ trong xe bước xuống hai người đàn ông. Một người da đen xạm môi thâm xì hình hài có vẻ tiều tụy nhưng mặt mũi rất lanh lẹn cứng cỏi. Còn người kia là một cha đạo áo thâm, da trắng nõn mịn màng như da con gái. Trong xe chất đầy hòm giấy và bao gạo. Không có người nào nữa. Không biết ai là người vừa lái chiếc xe sang trọng này. Hai người khách gọi hai chai nước khoáng mặn uống một cách chay tịnh. Ông cha đạo nói nhỏ nhẻ: - Thưa bác sĩ Chiểu, trưa nay ta ăn cơm ở ngã ba Lộc Bảo hay là ở cầu Côn Ðệ. Người đàn ông da đen xạm được gọi là bác sĩ Chiểu lễ phép gật đầu:- Thưa cha, trưa nay ăn cơm ở đâu cũng được ạ. Nom cách họ uống nước và nói chuyện với nhau cũng blết cả hai đều rất trọng nể nhau. Có lẽ vì vậy nên khi cô Thoa đến hỏi xin đi nhờ và xin gửi tiền lộ phí thì người đàn ông tên là bác sĩ Chiểu nhã nhặn nói với cô Thoa: - Ðây là xe của cha Tạc. Cô cứ hỏi xin cha. Tôi nghĩ rằng chắc là cha không chối từ. Quả nhiên là cha Tạc không từ chối. Tuy nhiên cha vẫn quay sang hỏi bác sĩ Chiểu: - Chắc là bác sĩ cũng vui lòng cho họ quá giang. Tất nhiên là bác sĩ Chiểu vui vẻ gật đầu. Thấy việc đi nhờ xe trôi chảy dễ dàng như vậy cô Thoa thích lắm. Cô cám ơn luôn miệng rồi len lén trả tiền hai chai nước khoáng mặn. Cô nói với bác sĩ Cần:- Hên rồi đấy ông bác ạ Cháu biết ngay mà không có thằng Hoàng là chỉ có hên trở lên thôi. Thằng Hoàng nặng vía lắm. Mồ mả người ta mà nó còn dám đào bới. Vì thế mới bị thủng bụng thủng ruột. Ði với nó thì cũng vui nhưng rất xui xẻo. Cô Thoa nói đúng. Ngay lộ trình đầu tiên chuyến du lịch theo kiểu Tây ba lô của bác sĩ Cần và cô gái đã gặp hên không chỉ vì hỏi nhờ xe được ngay mà chuyến xe này sẽ chạy thẳng một mạch lên tới thị xã Buôn Nát cũng là cái thị xã cửa ngõ đầu tiên cửa vùng núi rừng Tây Nguyên.- Cháu đã xem tới bốn lần bộ phim du lịch giới thiệu cái thị xã Buôn Nát này trên ti vi. Bốn lần ông bác ạ. Chúng ta sẽ nghỉ tại Buôn Nát uống cà phê rồi đi thăm thác Luông đi thăm vườn cà phê và đi thăm cả biệt thự của vua Bảo Ðại nữa. Y xì như trong bộ phim chiếu trên ti vi ấy. Khi leo vào xe ngồi rồi cô Thoa rồi vào tai ông bác sĩ như thế. Rồi cô cười múm mỉm và lại tiếp tục rỉ vào tai ông bác sĩ: - Hay thật cái ông mặt đen môi thâm kia cứ ngỡ là lái xe hóa ra lại là ông bác sĩ. Còn cha đạo thì lại lái xe. Thành thạo như một anh tài. Buồn cười thật. Leo lên xe ngồi lọt thỏm giữa những bao gạo và những thùng giấy to tướng được chằng buộc rất chặt rất kỹ, bác sĩ Cần lặng im nghe cô Kim Thoa rủ rỉ bên tai rồi ông thiếp dần vào một giấc ngủ chập chờn. Có một lúc đầu ông đổ ngoẹo lên một cái thùng giấy và mặc dầu đang nửa thức nửa ngủ mà mũi ông vẫn ngửi thấy mùi thuốc tây quen thuộc. Một thứ mùi nghề nghiệp đối với bác sĩ Cần. Tùy vậy ông cũng chẳng hề băn khoăn tự hỏi tại sao chiếc xe sang trọng này lại chất đầy bao gạo và các thùng thuốc tây cũng như ông bác sĩ chẳng hề một chút tò mò về hai người đàn ông đầy vẻ khả nghi này chở gạo và thuốc tây lên vùng núi rừng Tây Nguyên để làm gì. Họ là những kẻ buôn lậu đang giả mạo bác sĩ và cha cố ư? Còn cô Kim Thoa thì sau một lúc rủ rỉ bên tai ông bác sĩ, cô gái ngả vật ngay ra thành ghế, rất tự nhiên ngả đầu lên vai bác sĩ Cần. Cô gái ngáy gừ gừ êm êm cứ y như mèo đang hen. Mặc cho hai vị khách đi nhờ đang gà gật sau xe, ông cha đạo tên là Tạc và bác sĩ Chiêu vẫn cho xe phóng vùn vụt như bay trên con đường quốc lộ càng đi dần về phía Nam càng lên cao mỗi lúc càng vắng vẻ thưa thớt xe cộ đi lại. Cha Tạc lái xe rất cẩn thận nhưng ông đi tốc độ khá dữ dằn. Kim đồng hồ ít khi trỏ dưới vạch 90km/giờ chứng tỏ cha là một gã tài rất điệu nghệ. Còn bác sĩ Chiểu thì chỉ ngồi im lặng bên cạnh cha Tạc hút thuốc liên tục. Ðôi mắt bác sĩ Chiêu lúc nào cũng nhíu lại một phần vì chói nắng, nhưng một phần cũng như đang tự giấu đi những suy nghĩ đang nung nấu trong đầu. Hai người rất ít khi nói chuyện với nhau không phải vì họ phải lái xe hoặc mải mê hút thuốc. Dường như cả hai đang mắc vào một chuyện gì đó hệ trọng chính vì vậy họ đang đeo đuổi những suy nghĩ về chuyện đó. Và có lẽ cũng vì vậy họ chẳng bận tâm gì về hai người khách tình cờ đang gà gật sau lưng họ. Trưa hôm đó chiếc Toyota đỗ lại một ngã ba tên là Lộc Bảo. Ðó là một cái ngã ba bình thường như bao cái ngã ba có tên và không tên khác. Và chắc chắn khách đi đường sẽ không thèm nhớ đến cái tên Lộc Bảo nếu bên vệ đường cạnh một cây muối già xơ xác và cái bảng tin quét vôi trắng đã bị nứt vỡ không có một quán cơm nho nhỏ trưng biển hiệu kẻ nghuệch ngoạc: "Nhà hàng Lộc Bảo chuyên phục vụ các món ăn theo ý khách". Biển hiệu thì như vậy nhưng thực ra quán cơm Lộc Bao chỉ có độc một món cơm canh cá chua và nộm hoa chuối chua ngọt. Hai món ăn rẻ tiền và khá ngon miệng đối với khách bộ hành nhất là cánh lái xe sau hàng trăm kilômet đường dài mỏi mệt háo người. Khi chiếc Toyota sang trọng đổ 4 vị khách xuống vệ đường. Trong quán vắng ngắt chỉ có ông chủ quán cụt tay gày đét như con mắm ria mép đen xì nom giống một gã ăn cắp hơn là một ông chủ quán cơm đang ngồi ngáp trên cái ghế sắt cao lênh khênh. Tuy vậy gã chủ quán rất niềm nở lễ phép và chiều khách. Cô Kim Thoa có ý mời cha Tạc và bác sĩ Chiểu ngồi cùng bàn dùng chung bữa nhưng cả hai người đều cám ơn và từ chối rất nhã nhặn viện lý do hôm nay là ngày ăn chay của họ. Rồi cả hai tới ngồi một bàn riêng ở góc quán và quả nhiên họ chỉ gọi cơm nộm hoa chuối và hai chai nước lavi tinh khiết. Cô Kim Thoa có vẻ ngạc nhiên lắm. Khác với cha Tạc và bác sĩ Chiểu, cô Kim Thoa gọi cơm canh cá chua nộm hoa chuối và sau khi cố nèo thêm một đĩa cá rán. Cô Thoa dõng dạc bảo gã chủ quán cụt tay gầy đét như con mắm: "Rán cho tôi một đĩa cá. Cứ rán đi, chúng tôi đợi. Mang bia ra đây chúng tôi uống trước!". Và thế là ở bàn bên này cô gái và ông bác sĩ già bật bia uống tràn nhắm với mấy miếng măng trong bát canh cá thơm điếc mũi. Ðã mấy lần cô Kim Thoa ngoái sang lễ phép và nhiệt tình bắt chuyện với hai ông chủ xe tốt bụng nhưng cả hai rất hờ hững sau khi họ cũng vâng dạ vài câu đáp lễ lịch sự nhã nhặn. Không biết có phải tự ái hay là quá tò mò khi chủ quán cụt tay bê lên đĩa cá rán và thêm hai chai bia nữa cô Kim Thoa liếc nhìn sang bàn bên của cha Tạc và bác sĩ Chiểu rồi ghé vào tai bác sĩ Cần thì thào:- Trông họ khá nghi quá. Cứ như bọn buôn bạc giả ông bác nhỉ. Tất nhiên cha Tạc và bác sĩ Chiểu ăn xong bữa cơm trưa trước cô Thoa và bác sĩ Cần. Họ ngồi uống nước xỉa răng hút thuốc lặng lẽ chờ cô gái và ông bác sĩ già không một chút khó chịu sốt ruột. Tới khi ra xe chui vào xe đóng cửa lại rồi cô Kim Thoa bỗng kêu ầm lên là để quên một cái khỉ gió gì đó ở trong quán rồi cô lại chạy bổ vào quán lục đục trong đó một lúc mới quay ra. Dễ chừng cô gái đi tiểu tiện chứ không phải quên cái gì. ấy vậy mà cha Tạc và bác sĩ Chiểu không hề tỏ ra một chút gì khó chịu phật lòng. Xem chừng cả hai đều là những người có giáo dục và kiên nhẫn khác hẳn người thường. Có lẽ nhận ra điều đó nên cô Kim Thoa không còn chủ động muốn bắt chuyện làm quen nữa mà còn có vẻ hơi sờ sợ. Xe chạy được một lúc. Ngọ nguậy ngoái bên này nhìn bên kia một lúc cô gái lại vật người ra đệm ghế ngoẹo một đầu lên vai bác sĩ Cần nhắm hai mắt lại. Chẳng hiểu cô ngủ thật hay là vờ ngủ vì không nghe thấy cô gái ngáy gừ gừ như mèo hen nữa. Trời lúc này đang trưa. Con đường quốc lộ chạy lên vùng cao nguyên vốn đã vắng vẻ lại càng vắng vẻ thêm. Chiếc Toyota sang trọng giờ đây đã phủ một lớp bụi vàng đường trường lao đi vun vút không dưới 100 km/h. Có lúc tốc độ xe còn vọt lên 120 km/h. Thường thường cánh lái xe đường dài rất thích chạy buổi trưa vì vào thời gian này đường vắng xe cộ và người đi lại. Chạy buổi trưa vẫn được lợi đường. Cánh lái xe vẫn hay nói như vậy. Ngả người thoai mái lên đệm ghế hai tay đặt hờ hững trên vô lăng vầng trán hơi nhíu lại nom cha Tạc lạnh lùng và uy nghiêm như đang ngồi trong nhà thờ đợi giờ làm lễ thánh misa ban phát cho các con chiên. Bác sĩ Chiểu ngồi bên cạnh cha Tạc với điếu thuốc lá không bao giờ tắt trên môi. Có một điều lạ lùng là không bao giờ bác sĩ Chiểu ngủ gật và cũng không bao giờ ngoái sang nói chuyện với cha Tạc. Và ngược lại cha Tạc cũng vậy. Cả hai người như đã bị rút mất lưỡi. Một người chỉ im lặng lái xe. Một người chỉ lặng lẽ hút thuốc. Họ không để ý tới nhau cũng như không hề để ý tới hai người khách lạ đi nhờ đang ngồi gà gật ở phía sau. Trong xe im phăng phắc chỉ còn nghe tiếng máy lạnh chạy ù ù mạnh mẽ. Cái vẻ im lặng khác thường trong một cỗ xe sang trọng chất đầy hàng đang chạy vùn vụt như gió cuốn đã tạo nên một cái gì đó bí ẩn pha chút kỳ dị vẫn thấy trong các truyện trinh thám. Có lẽ vì thế mà ban nãy cô Thoa đã rỉ vào tai bác sĩ Cần nghi ngờ họ là những kẻ buôn bạc giả. Nhưng bác sĩ Cần chẳng tò mò chẳng nghĩ như cô gái. Sau mấy đêm mất ngủ vất vả vì chuyện gã trai Hoàng ông cháu yêu của cụ phó Thực giờ đây khi đã được ăn cơm cá rán hoa chuối nộm canh cá chua và uống bia no bụng lại được ngả người yên tĩnh trên ghế đệm êm ru trong xe có máy điều hòa nhiệt độ bác sĩ Cần thanh thản thả hồn vào giấc ngủ nhẹ nhõm chập chờn. Những lúc mở mắt ra kể cả khi cô Thoa vừa thức giấc đang ngáp lấy ngáp để hoặc cô gái vẫn đang ngoẹo đầu trên vai ông bác sĩ ngáy gừ gừ thì bác sĩ Cần vẫn chỉ lặng im không hé răng nói một câu nào. Thỉnh thoảng bác sĩ Cần lại chăm chú ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường đang trôi vùn vụt. Ðây là lần đầu tiên bác sĩ Cần được tận mắt nhìn thấy cảnh đất trời của một vùng đất cao nguyên mà trước đây ông chỉ nhìn thấy trên ti vi hoặc qua những bức ảnh bức tranh. Cũng là núi là đồi là đất trời đấy mà ở đây sao nó khác lạ những núi những đồi trời đất của vùng trung du vùng Việt Bắc ở ngoài kia mà ông đã từng đi qua. Ðồi ở đây trập trùng hơn rộng lớn hơn hình thù kỳ lạ hơn. Cỗ tranh ở đây như dầy dặn mập mạp sắc nhọn hơn. Và núi thì thẫm mầu hơn cao lớn thâm nghiêm hơn. Còn bầu trời ở đây thì u ám nặng chĩu mây lúc nào cũng như chỉ muốn sà xuống. Nhìn con đường nhựa màu xám sạch bong vun vút chạy về phía trước lúc lao xuống lúc vượt lên vòng vèo uốn lượn tung hoành giữa một thién nhiên mênh mông hoang vu thinh thoảng lại thấy vọt lên một cây cổ thụ cao vút cành lá xum xuê sảng khoái khiến bác sĩ Cần có cảm tưởng như đang bay là là vào một thế giới nào đó. Một cái thế giới cũng có núi đồi thảo nguyên xanh ngắt cỏ dưới bầu trời cuộn mình nhuộm một sắc màu kỳ ảo không thể tả được dường như chỉ có trong ảo mộng, Vẻ hoang vu kỳ lạ và nhất là khi cô Kim Thoa vì muốn nôn một bãi ra ngoài nên mở cửa kính xe thò đầu ra khiến cho cơn gió đang chạy ràn rạt trên cao nguyên trập trùng cỏ tranh ngoài kia ùa vào trong xe đem theo cái mùi hăng hắc tươi rói nồng nàn đến ngây dại rất riêng biệt của xứ này đã khiến cho tâm hồn bác sĩ Cần dụi hắn xuống như vừa được vỗ về an ủi. Thị trấn Buôn Nát vào những ngày bác sĩ Cần và cô Kim Thoa mò lên đang là một địa chỉ du lịch hấp dẫn của khách tứ phương nhất là những ông bác Tây ba lô da thịt đỏ au suốt ngày cởi trần trùng trục lễ mễ gù lưng cõng địu những chiếc ba lô nặng hàng tạ to kềnh càng như cái tủ trên lưng mò mẫm lang thang đây đó để tìm ăn những thứ lạ mồm để sục tìm nhìn ngó những đồ vật lạ mắt. Khách tứ phương tới Buôn Nát có thể ngủ ở những nhà trọ những khách sạn có nước nóng có thể ăn vạ vật ở bất cứ xó xỉnh nào có thể uống cà phê tuyệt ngon ở những quán cà phê dựng bằng tre trúc đẹp như trong mộng có thể thả bộ vần vơ trên những hè phố đỏ rực bụi ba dan đỏ và nhất là có thể lùng sục mua bán đủ mọi thứ hàng lưu niệm kỳ dị từ tấm thổ cầm chính hiệu dệt bằng tay có những hoa văn lạ mắt những ống điếu vàng óng những con dao quắm đút trong vỏ sừng trâu v.v... cùng trăm ngàn các đồ vật linh tinh khác nữa. Và nếu may mắn gặp được mối lái chỉ trỏ thì còn có thể mua được những cái chiêng cái cồng rất quí của các bộ tộc ít người quanh thị xã mà không hiểu vì lẽ gì lại được mang ra bán với giá rẻ đến bất ngờ. Tuy nhiên Buôn Nát không phải chỉ là một nơi để cho người lạ tứ xứ đến sờ mó mua bán nếm ngửi nhai nuốt cho thỏa cái sự háo hức tò mò. Còn có một Buôn Nát khác. Một Buôn Nát không mấy ai biết tới. Mà nếu đã chót biết tới rồi thì phần lớn họ lại cố tình lờ đi. ấy là một Buôn Nát của hơn một vạn người cùi hủi cùn hủi cụt bị làng bản cộng đồng xua đuổi ruồng bỏ phải chạy trốn vào rừng sâu sống vạ vật chui rúc trong hang trong lỗ như một bầy thú rừng đói khát. Cách đây mười năm người ta đã thống kê toàn vùng Tây Nguyên có hơn 3 vạn người cùi mà trong y học người ta gọi là bị bệnh phong đang sống trong tình trạng thiếu thốn thuốc men lương ăn quần áo mặc vất vưởng chết dần chết mòn rất cần được chạy chữa cứu trợ nhân đạo khân cấp. Giống như tất cả những người bị mắc thứ bệnh đau khổ bẩn thỉu này hơn một vạn con bệnh cùi ở Buôn Nát đều trốn vào rừng sâu. Một số ít người cố bấu víu lấy nhau họp thành bầy thành đàn nay đây mai đó chọn kiếp sống du canh du cư qua ngày đoạn tháng. Những bầy đàn người cùi này đang hầu như đang tan vào rừng thẳm. Một số người bệnh đông hơn thì tìm đến mấy cái trung tâm y tế điều dưỡng bệnh phong mà thực chất là những trại cùi đang cố tình bị bỏ quên. Những người bệnh cùi này vào sống hắn trong trại hoặc họp thành những bản nhỏ ngay sát cạnh trại cố gắng tuyệt vọng vừa mưu sinh vừa chống chọi với con bệnh quái ác. Trung tâm An Nan điều dưỡng bệnh phong hay còn gọi là trại cùi An Nan là một trong vài cái cơ sơ y tế đó ở cách thị xã Buôn Nát vài chục cây số về phía Tây trong một cánh rừng nhiệt đới âm u rậm rạp chẳng chịt những bụi moóc chó lá sắc như dao và gai nhọn như kim. Vì là người ở rất xa lại chỉ xem Buôn Nát trình chiếu trên tivi trong tạp chí "Du lịch qua màn ảnh truyền hình" cho nên bác sĩ Cần và cô Kim Thoa không thể biết được còn có một Buôn Nát thứ hai đau khổ như vậy. ở đời xẩy ra vô vàn điều ngẫu nhiên tình cờ nhưng cũng lạ thay trong vô vàn cái điều ngẫu nhiên tình cờ ấy lại có không ít điều giống như được bàn tay định mệnh sắp đặt trước. Chuyến đi nhờ trên chiếc Toyota của cô Kim Thoa và bác sĩ Cần là một tình cờ giống như là một sự sắp đặt trước của định mệnh. Vì vậy mà bác sĩ Cần và cô Kim Thoa làm quen được với hai người có một số phận khác thường gắn bó máu thịt với cái Buôn Nát đầy khổ đau mà cho đến giờ phút này họ vẫn hoàn toàn ngây ngô xa lạ không hề biết tới. Về cha Tạc thì có thể kể ngắn gọn thế này. Hình như là quê ở một tỉnh chẳng chịt kênh rạch tận cực Nam Nam Bộ. Học trường dòng từ bé. Trọn đời tự nguyện dâng mình cho Chúa. Là cha một xứ đạo nghèo. Làm tròn chức phận bề tôi của Chúa nhưng cũng rất hăng hái hoạt động xã hội. Là một trong vài người tổ chức nên chương trình "cứu trợ nhân đạo khẩn cấp người cùi ở Tây Nguyên". Chiếc Toyota máy lạnh sang trọng đây của một hội Thánh. Và thuốc men gạo bánh trong xe là kết quả công lao quyên góp hơn nửa năm trời của cái chương trình cứu trợ nhân đạo khẩn cấp đó. Còn bác sĩ Chiểu là người như thế nào? Cũng trạc tuổi trên dưới 30 như cha Tạc nhưng bác sĩ Chiểu lại có một số phận khác hắn. Quê ở một tỉnh trồng lúa nổi tiếng vùng châu thổ sông Hồng. Năm 24 tuổi tốt nghiệp thủ khoa trường đại học Y khoa. Ra trường được cử ngay vào đoàn cán bộ Y tế đặc nhiệm chống bệnh phong ở vùng Tây Nguyên. Sau gần 3 năm hoạt động một cách dũng cảm nhưng đầy tuyệt vọng đoàn cán bộ y tế đặc nhiệm tan rã hoàn toàn. Tất cả các thành viên trong đoàn đều bỏ trốn về các tỉnh dưới vùng đồng bằng. Bác sĩ Chiểu là người duy nhất đơn độc trụ lại mấy trại cùi của đồng bào thường tản mát trong vùng rừng Buôn Nát. Bác sĩ Chiểu và cha Tạc tình cờ quen nhau trong một lần ở thị xã Buôn Nát. Có lẽ vì cùng một chí hướng mà hai người trở thành đôi bạn mến phục lẫn nhau. Hiện nay bác sĩ Chiểu là giám đốc trại cùi An Nan. Anh tham gia hoạt động cho chương trình "cứu trợ nhân đạo khẩn cấp đồng bào cùi" và mau chóng trở thành một cộng sự đắc lực của cha Tạc. ° Chiếc Toyota chở cha Tạc bác sĩ Chiểu bác sĩ Cần và cô Kim Thoa về đến thị xã Buôn Nát thì trời cũng sập tối. Thị xã bị cúp điện. Lũ vừa cuốn đổ cây cột tai điện cao áp từ vùng xuôi lên cho thị xã đã hai ngày nay rồi. Ngồi trong ô tô nhìn ra ngoài bác sĩ Cần chỉ thấy nhà cửa cây cối lô xô đen xì nhấp nhoáng hàn trăm ngọn đèn dầu đỏ quạch như mắt ma. Mà hình như trời lại mưa lây phây. Ðường phố thị xã nồng nản mùi cà phê rang lẫn mùi cây cỏ hoang dại ngai ngái từ trong rừng sâu gió cuốn đưa về. Chiếc xe chạy vòng vo lên xuống một lúc rồi đỗ lại trước một nhà hàng ba tầng khung nhôm kính màu treo lủng liểng hàng chục ngọn đèn lồng đỏ kết múi tròn xoe nom rất lạ mắt. Nhìn ngôi nhà này bác sĩ Cần lại chợt nhớ đến ngôi nhà hàng 4 tầng lầu khung nhôm kính màu đặc sản cày tơ 7 món của ông cụ phó Thực ở cái phố huyện đồng rừng miền Tây xứ Bắc xa xôi rồi ông bác sĩ già lại nhớ đến những bữa cơm rượu linh đình mà cụ phó Thực đã trang trọng khoản đãi người nhà giời. Ruột gan ông bác sĩ réo lên ùng ục. Cô Kim Thoa cũng đói lử người. Sau bữa cơm trưa ở ngã ba Lộc Bảo chiếc xe chạy thẳng một mạch không hề rẽ vào chỗ nào nghỉ ngơi dù chỉ là để uống một hớp nước. Cô gái cũng đã thủ thân một gói bánh qui nhưng qua thực ăn có ba chiếc đã ứ họng vì không có nước uống kèm thì không thể nuốt nổi. Ðúng ra thì lúc này có thể xuống xe cám ơn và chia tay cha Tạc với bác sĩ Chiểu được rồi. Mà hình như cha Tạc và bác sĩ Cần cũng chờ như vậy. Có lẽ họ còn có chương trình gì đang đợi họ qua đêm nay ở cái thị xã cao nguyên này. Nom cả hai chưa có ý định đi tìm thuê nhà nghỉ hay khách sạn. Tuy vậy lần đầu tiên đặt chân lên cái thị xã này lại đúng vào buổi tối mất điện. Không khí chung quanh xa gần chỗ nào cũng mờ mờ ảo ảo lạ lầm như trong hang động khiến cô Kim Thoa cũng hơi ngán. Mặc dù cô cũng là một cô gái táo tợn và cũng đã hai lần một mình cắp sách bút giắt tiền về tận thủ đô Hà Nội để thi đại học Luật. Thế là cô gái dắt tay ông bác sĩ già đi theo cha Tạc và bác sĩ Chiêu vào trong nhà hàng. Họ ăn thì mình cũng ăn. Tý nữa họ thuê khách sạn nào thì mình cũng thuê khách sạn đó. Ðường xá cầu cống nhà cửa xung quanh cứ tối om thế này biết tìm ai mà hỏi. Hãy cứ túm chặt lấy hai ông chú xe tốt bụng này đã rồi tính sau. Cô Kim Thoa nghĩ thầm như vậy. Cũng như bữa ăn trưa cha Tạc và bác sĩ Chiểu ngồi riêng bàn gọi cơm chay và nước suối La vi. Và mặc dù rất đói nhưng cha Tạc và bác sĩ Chiểu ăn uống từ tốn chậm rãi khác hẳn bàn bên cạnh tú hụ cơm canh bia bọt mà cô gái và ông bác sĩ già đang hùng hục ăn như rồng như hố. Và cũng giống hệt như bữa trưa ở ngã ba Lợc Bảo cha Tạc và bác sĩ Chiểu ăn xong trước. Họ ngồi uống nước xỉa răng hút thuốc. Duy chỉ có một điều hơi khác có lẽ vì chưa thấy cô gái và ông bác sĩ già nói lời từ biệt nên bác sĩ Chiểu bèn quay sang hỏi: Chút nữa cô và ông bác đây định nghỉ ở khách sạn nào? Tiện xe chúng tôi xin đưa cô và bác tới đó. Cô Kim Thoa vội vã đáp:- Chúng em bỡ ngỡ lắm. Nhờ anh mách dùm.Cha Tạc cũng ngoái sang nhẹ nhàng hỏi như để giữ phép lịch sự nhã nhặn: - Xin được hỏi hình như quí ông và quí cô đây cũng mới lên thị xã Buôn Nát lần đầu. - Ðúng đấy ạ. Thưa cha. Cô Kim Thoa kêu lên và hấp tấp kể cho cha Tạc nghe đây là lần đầu tiên cô và bác sĩ Cần đặt chân lên Buôn Nát. Cô đi du lịch bụi Tây ba lô. Cô chẳng biết tối nay nên thuê khách sạn nào vừa tiện vừa rẻ lại vừa an toàn. Rất mong được cha chỉ bào dùm. Bác sĩ Chiểu đỡ lời cha: - Cũng có vài nhà nghỉ ở gần chợ vừa rẻ vừa sạch lại tiện đi lại ăn uống xe cộ. Và bác sĩ Chiểu bày tỏ khi nào cô Thoa và bác sĩ Cần ăn xong anh sẽ sẵn sàng đưa hai người tới khu chợ cửa thị xã để thuê phòng ngủ. Cô Kim Thoa bèn bắt chuyện ngay với bác sĩ Chiểu. Có lẽ vì sắp chia tay và một phần với tài ăn nói mơi mơi của một cô gái nhanh nhẩu nên bác sĩ Chiểu đã không né tránh nữa. Dần dần lời qua tiếng lại họ để lộ dần tông tích thân thế học lực nghề nghiệp của họ. Khi thấy bác sĩ Cần nói là cũng hiểu biết một chút ít về ngành y thế là bác sĩ Chiểu thích thú lắm. Anh kéo ghế ngồi quay mặt hắn lại đối diện với bác sĩ Cần bắt đầu nói chuyện về bệnh hủi về vi trùng Han-sen về khá năng lây lan về cách điều trị và về những tâm hồn bị tổn thương và bị ruồng bỏ của người mắc bệnh phong. Còn cô Kim Thoa khi biết sau bữa cơm tối này nghỉ ngơi dăm mười phút thì cha Tạc và bác sĩ Chiểu lại lên đường về thẳng trại cùi An Nan ở tít trong rừng sâu thì cô Kim Thoa bỗng nẩy ra một ý định táo tợn. Chẳng cần hỏi xem bác sĩ Cần có đồng ý hay không cô Kim Thoa kêu lên: Thưa cha cho chúng con cùng vào trại cùi An Nan. Cha Tạc nhìn cô gái ngạc nhiên. Rồi cha nhẹ nhàng hỏi lại: - Con nói gì. Vào trại cùi An Nan ư? Cô Thoa chắp hai tay vào nhau mở to hai mắt nhìn cha Tạc đắm đuối cần khẩn y hệt như một con chiên ngoan đạo đang cầu nguyện. - Xin cha đừng chối từ lời cầu xin này của chúng con. Bác sĩ Chiểu cũng ngạc nhiên. Nhưng anh chỉ cười múm mỉm: - Cũng là một ý kiến hay. Rồi bác sĩ Chiểu quay nhìn cha Tạc. Họ nói chuyện với nhau bằng mắt. Cha Tạc gật gù như nói: "Tùy bác sĩ Chiểu quyết đlnh vì anh là giám đốc trại cùi An Nan cơ mà". Bác sĩ Chiểu cũng gật gù nghĩ ngợi một lúc rồi quay sang trang trọng nói với cô Kim Thoa.- Nếu quí cô và quí ông bác đây không ngại vất vả dơ dáy có ý định tới thăm nom chia sẻ nỗi đau khổ của các con bệnh phong ở trại An Nan thì tôi cũng xin thay mặt đức cha Tạc đây cùng bà con ở trại An Nan vô cùng cám ơn quí cô và quí ông đây. Chút nữa thì cô Kim Thoa ré lên cười. Nhưng chắc chắn là nếu như đã vào tới trại cùi An Nan rồi thì cô gái sẽ không cười nữa cũng như cô sẽ không quay sang cợt nhà rỉ vào tai bác sĩ Cần một câu mà cô rất thích thú: - Ông bác thấy chưa không đi với thằng cha Hoàng thì bác cháu mình luôn luôn gặp hên. Thế là chúng ta sắp có một chuyến du lịch vào một trại cùi tít trong rừng xanh núi đỏ rùng rợn lý thú có một không hai mà lại không mất tiền rồi. ° Bây giờ nhắc đôi điều tới trại cùi An Nan mà cha Tạc và bác sĩ Chiểu cũng bác sĩ Cần cô Kim Thoa sắp đi tới. An Nan - là tiếng của một tộc ít người ở trong khu rừng khộp già Buôn Nát - dịch nghĩa là dòng suối mát ngọt ngào. Ai đã đặt cái tên thơ mộng như thế cho trại cùi ghê tởm vào bậc nhất của vùng Buôn Nát này. Không ai còn nhớ nữa. Khi bác sĩ Chiểu theo đoàn cán bộ y tế đặc nhiệm xông pha lên đây thì trại cùi đã có tên đó rồi. Lịch sử của cái trại cùi An Nan này có từ khi nào. Từ mười lăm năm trước. Hai mươi năm ba mươi năm lâu hơn nữa hay là trại có từ thời kỳ Pháp thuộc cùng một lúc với mấy trại cùi ở ven biển miền Trung. Cũng không ai còn nhớ. Cũng chẳng sổ sách tư liệu nào ghi chép lại Một ông y sĩ già người ê-đê kể lại là hình như cách đây mấy chục năm gì đó trại cùi An Nan chỉ là một trạm xá bé tí, đơn sơ được lập lên giữa rừng hai tháng một lần có một ông bác sĩ từ thị xã Buôn Nát lọc cọc đạp xe đạp vào ngồi chờ các con bệnh được người thân lén lút võng đến để khám bệnh và xin thuốc. Nằm gọn trong một thung lũng nhỏ nhấp nhô những bụi cây moóc chó thọt lỏn giữa cánh rừng khộp rừng trắc suốt ngày nức nở miên man tiếng vượn hú trại cùi An Nan lại càng thêm buồn bã cô liêu và không kém phần bí ẩn kinh dị. Nó chỉ thực sự trở thành một trại cùi lớn nhất vùng Buôn Nát trong vòng mười năm trở về đây kể từ khi bệnh cùi đột nhiên phát triển ở khắp các cùng cao nguyên nghèo đói hoang dã này. Bảy năm trước khi theo đoàn y tế đặc nhiệm lên đây bác sĩ Chiểu được phân công về trại cùi Pắc Laek xa nhất ở tít tận chân núi Chư-Pinh. Nhưng từ khi đoàn cán bộ y tế đặc nhiệm tan rã bác sĩ Chiểu bèn lui về trại An Nan và ở lỳ tại đó. Tất nhiên năm nào bác sĩ Chiểu cũng đôi ba lần cùng một tốp bệnh nhân trẻ mắc bệnh nhẹ lòng còn hăng hái đi vào mấy cái trại cùi nhỏ rải rác trong vùng rừng núi Buôn Nát mênh mông thăm nom các con bệnh chạy chữa cho họ gom góp họ về sống quây quần quanh trại An Nan. Và đấy cũng là một nguyên nhân khiến An Nan trở thành trại cùi lớn nhất không chỉ ở Buôn Nát mà có khi còn lớn nhất vùng Tây Nguyên này. Phải quá nửa đêm hôm đó chiếc Toyota chở cha Tạc bác sĩ Chiêu bác sĩ Cần cô Kim Thoa cùng thuốc men gạo muối mới về đến trại cùi An Nan. Mấy giờ đồng hồ ngồi lọt thỏm trong chiếc xe tối om giữa một đống hòm xiểng bao bì bao gạo bác sĩ Cần cứ ngỡ đang bị nhốt trong một cái hộp kín mít lắc dữ dội. Ðường rừng rất xấu. Có những lúc chiếc xe ô tô lao bừa đi trong rừng như một con trâu đứt mũi. Cũng phải thôi dường như đường vào trại cùi An Nan là do cứ đi mãi thì thành đường chứ làm gì có đường. Suốt mấy tiếng đồng hồ không lúc nào ngớt tiếng cành lá quất ràn rạt vào thành xe. Rừng tối đen. ánh đèn pha sáng thế mạnh thế mà cũng trở thành đỏ quạch hầu như nó khởng còn đủ sức xuyên thủng cái màn đêm đặc quánh phía trước. Thỉnh thoảng ông bác sĩ lại dướn cổ lên nhìn những bụi cây moóc chó đen nhẫy bị xé nát trước mũi xe. Có khi ông còn nhìn thấy một con nai đứng choãi chân ngay bên vệ đường vung sừng quắc đôi mắt xanh lè bị phản chiếu ánh đèn pha nhìn cái ô tô đang hồng hộc chạy tới mà chẳng chút sợ hãi. Cô Kim Thoa ngồi cạnh ông bác sĩ lúc đầu còn háo hức nhấp nhổm ngó ngó nghiêng nghiêng. Ðôi khi cô còn reo lên thích thú khi nhìn thấy những cành cây loằng ngoằng hoặc một con chim ăn đêm loạng choạng bay trước mũi xe. Nhưng rồi những cảnh đen tối hắc ám đơn điệu của rừng đêm khiến cô gái phát chán. Cô lăn ra đệm xe ôm chặt một bao bột mì ngủ ngon lành từ lúc nào chẳng hay. Bác sĩ Cần cũng chợp mắt được một lúc mặc dù chiếc xe không lúc nào không rú lên như bị sặc xăng va đập ầm ầm lắc nghiêng lắc ngửa. Nhưng rồi chính cái sự yên tĩnh đến kỳ lạ của rừng đêm lại khiến ông bác sĩ tỉnh dậy. Khi bác sĩ Cần mở mắt ra thì chiếc xe Toyota đã đỗ lại từ lúc nào rồi. Một vệt đèn pha sáng quắc trượt dài trên thảm cỏ ướt sũng sương đêm. Thấp thoáng có mấy bóng người lom khom đi lại khiêng vác những bao gạo to tướng. Hình như là có một ai đó câm như thóc kéo bác sĩ Cần và cô Thoa ra khỏi xe rồi dẫn vào một ngôi nhà nhỏ tối lờ mờ rồi người đó lại bỏ đi vẫn câm như thóc. Một cái bấc đèn cháy lom dom chỉ đủ soi lối khỏi vấp ngã và phải cố căng mắt ra mới nhìn thấy lờ mờ bộ bàn ghế và giường. Cô Thoa vẫn còn buồn ngủ dúi dụi há mồm ngáp liên tục vừa nhìn thấy cái giường là cô gái đã lăn ngay ra chẳng còn biết giời đất. Bác sĩ Cần ngồi thu lu cạnh cô gái tai dỏng lên nghe những tiếng khuân vác lỉnh kỉnh thinh thoảng lại có tiếng người nói léo nhéo những tiếng dân tộc nghe rất lạ tai. Một lúc sau bác sĩ Chiểu soi ngọn đèn pin đỏ quạch bước vào. Cái bóng đen xì to tướng của bác sĩ Chiểu ngọ ngoạy trên vách toát ra mùi bột mì thơm thơm mà lại hơi chua chua. Bác sĩ Chiểu vui vẻ hỏi: - Ông bác và cô Thoa ăn tạm bát mì nhé. Cô Thoa ngáy gừ gừ hai tay ôm đầu chồng bộ mông to tròn vo đầy vẻ gợi dục về phía bác sĩ Chiểu thay cho câu trả lời. Cô gái đã ngủ say rồi. Bác sĩ Cần lặng lẽ lắc đầu. Quả tình ông cũng có đói nhưng ông không muốn ăn một mình trong khi cô Thoa ngủ và bác sĩ Chiểu thì lại có vẻ vội vã tất bật. Hỏi lần nữa không đắt bác sĩ Chiểu vỗ vai bác sĩ Cần rồi nói: "Sáng mai ăn vậy. Ông bác và cô cứ ngủ tạm ở đây. Tý nữa sẽ có người mang chăn và màn ra. Ngủ rừng vừa rét lại vừa lắm muỗi. Khổ đấy ông bác ạ". Nói rồi bác sĩ Chiểu lịch kịch đi ra. Nhưng rồi anh lại quay vào đặt lên bàn bao thuốc lá và cái bật lửa ga rồi mới đi hẳn. Không hiểu tại sao cả đêm hôm đó bác sĩ Cần không tài nào ngủ được. Cũng có thể vì ông đã gà gật cả ngày trên chiếc xe ô tô rồi. Cũng có thể vì đói. Mà cũng có thể vì một lẽ gì đó ví dụ như chứng mất ngủ khi đã bị quá giấc vẫn thường thấy ở người già. Có một điều nữa là đêm nay tuy không ngủ được tuy khắp người mỏi nhừ vì bị xóc nhưng bác sĩ Cần chỉ thấy váng vất chút ít. Ngồi co ro trùm chăn lên tới cổ thỉnh thoảng đập muỗi đen đét bác sĩ Cần nghĩ vẩn vơ tới nhiều chuyện. Ông nhớ tới gã cháu ngoại của cụ phó Thực và đoán chừng có lẽ hôm nay gã trai đó đã đánh rắm được rồi. Tính tới hôm nay thì gã mổ được mấy hôm rồi còn gì nữa. Rồi ông lại nhớ tới những ngày ở bãi vàng mường Chiềng Ðộng rồi những ngày ở chơi với ông cụ phó Thực ở cái phố huyện miền biên giới phía Tây... những chuyện đó cứ lộn xộn kéo đến trong tâm trí bác sĩ Cần. Chuyện này đan vào chuyện kia vướng vào nhau móc vào nhau chồng chéo vào nhau có khi còn lẫn lộn lung tung. Nhưng dù sao thì đầu bác sĩ Cần không còn đau nhói như bị dùi nhọn xiên vào nữa. Hai hốc mắt ông không còn bị nóng rực lên nhức nhối nữa. Và những ý nghĩ vơ vẩn lộn xộn đã lại giống như những con mối tranh nhau bay đến trú ngụ trong cái hộp sọ ốm đau bệnh tật của ông. Cái hộp sọ mà lâu nay mỗi khi đêm xuống nó chỉ quen tê dại đi vì những xúc cảm bạc nhược mung lung hốt hoảng. Và bác sĩ Cần cứ ngồi co ro trùm chăn như thế rất lâu rất lâu cho đến khi cái bóng đêm đen kịt của đêm rừng cứ nhạt dần nhạt dần nhường chỗ cho ánh lê mình đang chầm chậm sáng lên báo hiệu một ngày mới sắp bắt đầu. Buổi sớm tinh mơ ở trong rừng sâu thật là kỳ lạ. Nó mang đến cho muôn loài cầm thú cái cảm giác vừa thoát chết sau một cuộc săn đuổi kinh khủng của móng vuốt và răng nhọn. Nó khiến con người thở phào bàng hoàng hốt hoảng sung sướng như vừa chui thoát lên từ dưới âm ty địa ngục. Ðối với bác sĩ Cần thì cái cảm giác này còn như được nhân gấp đôi lên. Trí nhớ của ông dần dần ngoi lên trên cái vũng bùn quên lãng mung lung hắc ám của căn bệnh loạn trí. Có lẽ lâu lắm rồi bác sĩ Cần mới lại được tận hưởng một buổi sớm yên bình như vậy. Tâm trí ông minh mẫn và thanh thản như làn sương bay là là trong ánh lê minh đang chậm rãi chuyển mình ở bên ngoài. Bác sĩ Cần tập tễnh đi ra ngoài ngôi nhà nhỏ. Ông đột nhiên nhớ lại tất cả những động tác của bài tập thể dục buổi sáng. Rồi ông lại có cái ham muốn được tập một vài động tác nào đó. Ông giơ tay dang chân lóng ngóng như một người bị bệnh viêm khớp. Vừa tập ông vừa ngắm nhìn cảnh vật xung quanh. Ngôi nhà mà đêm qua ông và cô Thoa tá túc nằm trơ trọi như một vọng gác cô đơn ngay cạnh một con suối đã cạn khô nước. Bên kia bờ suối là con dốc thoai thoải lổn nhổn đá đầu sư chạy thẳng lên bờ đất cao dựng đứng um tùm cây moóc chó tua tủa gai nhọn che lút tầm mắt... Chạy quanh vắng lặng như tờ không một bóng người không bóng trâu bò cầm thú cũng chẳng nhìn thấy chiếc Toyota ở đâu cả. Bác sĩ Cần có cảm giác ông đã bị quăng lại giữa cảnh núi rừng lạ hoắc. Cô Thoa cũng đã dậy. Cô chui ra khỏi nhà. Cô gái cũng có cảm giác như vậy. Cô kêu toáng lên: - Mọi người trốn đâu cả rồi thế này. Ðịnh đem con bỏ chợ à? Rồi cô Thoa chạy vòng ra sau nhà nghiêng ngó. Rồi cô lại chạy bổ xuống con suối cạn nhưng vừa tới giữa lòng suối thì cô gái đứng rụt lại. Vừa lúc đó trên đầu dốc bác sĩ Chiểu xách một cái túi đựng mấy gói mì tôm từ trong một bụi cây moóc chó rậm rạp đi ra. Sáng nay bác sĩ Chiểu mặc áo thổ cẩm, thêu hoa văn sặc sỡ khắp người lại dính dầy tàn tro nên nom rất lạ mắt. Cô Thoa cứ trố mắt ra nhìn như nhìn một người chưa quen biết vậy. Bác sĩ Chiểu vui vẻ chào bát sĩ Cần và cô Thoa rồi hỏi han cả hai người đêm qua có ngủ ngon giấc không. Anh còn xin lỗi vì không kịp đón tiếp chu đáo hơn. Sở dĩ đêm qua khi về tới đây phải gấp gáp vội vàng rồi bỏ mặc cả hai bị khách ở ngoài này cả đêm vì phải gọi người bốc hàng từ ô tô vào nhà kho rồi còn phải ra nhà mồ chuẩn bị một cái lễ bỏ mả cho một người bệnh vừa chết. Moị việc quá bận nên thất lễ thất lễ. Bác sĩ Chiểu rối rít thanh minh xin lỗi. Xem ra về tới trại cùi An Nan rồi ông bác sĩ Chiểu lại hóa ra một người cởi mở mau mồm mau miệng lắm lời chứ không phải là lỳ xì ít nói đày vẻ bí mật nữa. Bác sĩ Chiểu tự tay dội nước sôi vào hai gói mì tôm mời bác sĩ Cần và cô Thoa ăn rồi vui vẻ: - Hai vị vào thăm trại lại đúng dịp có một cái lễ bỏ mả. Cũng là một cái may đấy. Ta nghỉ ngơi chút ít đến tối tôi sẽ xin dẫn hai vị đi dự cái lễ này nếu hai vị muốn...Cô Thoa cướp lời luôn.- Muốn quá đi chứ. Nhưng chúng em là khách lạ lại là người Kinh đến dự có tiện không ạ. Bác sĩ Chiểu cười. - Sao lại không tiện. Vào dịp lễ bỏ mả càng đông người đến dự càng có nhiều người các bộ tộc khác nhau đến dự thì người góa càng vinh hạnh càng mừng rỡ. Cô Kim Thoa nhẩy lên vỗ hai tay reo thích qúa thích quá làm điệu bộ giả nai quá lộ liễu. Nếu bác sĩ Chiểu là người khó tính chắc anh sẽ nhăn mặt. Nhưng anh vẫn cười tươi tỉnh lại còn giải thích thêm cho cô Kim Thoa biết là phong tục trên này khác xa phong tục dưới xuôi. Lễ bỏ mả tức là đám ma. Nhưng đám ma ở trên này mọi người tha hồ nhẩy múa chè chén và uống rượu. Ðám ma mà lại tưng bừng ầm ĩ như lễ hội. Cứ đi dự khắc biết. Còn có một đặc biệt nữa là cái người chết hôm nay được làm ma theo tục Thượng lại là một người Kinh vân vân và vân vân. Bác sĩ Chiểu kể tiếp cô Thoa nghe và cô Thoa lại tiếp tục nhảy thách lên vỗ hai tay vào nhau reo thích nhỉ lạ nhỉ giả nai lộ liễu. Tuy vậy bác sĩ Chiểu vẫn cứ cười không phải vì anh không nhận ra cái bộ điệu giả nai hơi chua đó của cô Thoa mà có lẽ anh nghĩ: Có khi cô gái chẳng còn biết cách nào biểu lộ sự thích thú của mình hơn cái kiểu giả nai ấy. Với bác sĩ Cần thì ông không chỉ quan tâm lắm tới cái lễ bỏ mả mà bác sĩ Chiểu đang mời ông đi dự. Như đã nói rồi buổi sáng hôm nay tâm trí bác sĩ Cần rất thanh thản minh mẫn. Dường như bác sĩ Cần đã trở lại là một người khỏe mạnh bình thường. Trí nhớ đã về lại trong hộp sọ của ông. Vì vậy bác sĩ Cần còn quan tâm tới những người bệnh nhân mắc bệnh phong. Bác sĩ Cần nhẹ nhàng hỏi bác sĩ Chiểu về cái trại cùi An Nan hiện ở đâu mà sao ông không nhìn thấy gì ngoài rừng cây um tùm với con suối cạn khô và những bụi cỏ moóc chó sắc nhọn gớm ghiếc. Câu hỏi của bác sĩ Cần lại kích thích thêm trí tò mò háo hức của cô Kim Thoa. Thế là lại một lần nữa cô gái nhầy thách lên và đòi bác sĩ Chiểu đưa đi thăm quan trại cùi An Nan ngay lập tức. Thăm quan xong rồi đi dự lễ bỏ mả là hay nhất. Cô Kim Thoa nói như vậy. Bác sĩ Chiểu nói rằng sợ hai người mệt. Nhưng rồi suy nghĩ một lúc anh đồng ý dẫn hai người vào trại cùi An Nan. Sau đó ba người đi ra khỏi nhà và lội qua con suối cạn. Nói đúng ra thì con suối vẫn chưa hoàn toàn cạn hẳn. Giữa lòng suối vẫn còn một lạch nước trong vắt đang róc rách len lỏi. Bác sĩ Cần và cô Thoa đã dừng lại rửa mặt tất nhiên chỉ rửa bằng tay vì đến lúc bấy giờ họ mới nhớ ra là đã rửa mặt đâu. Bác sĩ Chiểu ngồi trên một tảng đá đen to tướng nhô lên giữa lòng suối cạn. Anh đợi hai người khách rửa ráy và nói thêm là ngôi nhà nhỏ chơ vơ như vọng gác mà bác sĩ Cần và cô Thoa vừa qua đêm chính là phòng đón tiếp bệnh nhân nhập trại. Hàng ngày vẫn có một người ngồi trực ở đấy và cũng ăn ngủ luôn tại đấy. Nhưng người ấy vừa chết rồi. Và tí nữa mọi người sẽ đi dự cái lễ bỏ mả cho chính người đó. Cô Thoa lại được một dịp nhẩy thách lên. Nhưng lần này không phải ở trong nhà mà ngay giữa lòng suối: - Tại sao lại có chuyện trùng hợp lý thú như vậy. Chuyến đi du lịch Tây ba lô lần này của tụi em may mắn quá. Ta đi ngay thôi bác sĩ nhỉ. Em nóng ruột và hồi hộp quá. Bác sĩ Chiểu lại cười gật đầu rồi nói: - Tý nữa thăm quan qua loa thôi. Cưỡi ngựa xem hoa. Ta vào phòng khám ở trung tâm trại. Hai vị sẽ phát kẹo bánh cho trẻ em. Chúng tôi sẽ chuẩn bị kẹo bánh. Sau đó xuống thăm một gia đình người Giẻ Triêng ở ngay trong trại. Hãy cứ thế thì cũng tới trưa rồi. Thật ra trại cùi An Nan ở đâu có xa con suối cạn và ngôi nhà đón tiếp người bệnh chơ vơ như vọng gác. Chính vì bị những bờ đất cao sừng sững ngứt ngàn cây moóc chó rậm rạp um tùm che khuất mắt nên bác sĩ Cần và cô Thoa đâu có nhìn thấy. Nếu lúc đó cô Kim Thoa hoặc bác sĩ Cần cứ leo ngược lên đỉnh dốc ở bên kia bờ suối thì đã nhìn ngay thấy rồi. Trèo lên hết con dốc lổn nhổn đá đầu sư rồi đi vòng vèo qua mấy bụi moóc chó um tùm là mọi người đã nhìn thấy trại cùi An Nan ở ngay trước mặt. Ðó là một thung lũng bằng phẳng không lớn lắm có lẽ chỉ độ mười mấy mẫu tây đất được bao bọc bởi những vách núi đá tím biếc bởi những cây cổ thụ gỗ trắc lừng lững thân to từ hai đến ba vòng tay người ôm chưa xuể và cả những cây gõ gòn cao ngất thả rễ lòng thòng như bầy rắn ma quái không lúc nào ngớt đung đưa qua lại dù trời có gió lớn hay lặng gió. Và nhiều hơn cả là những bụi moóc chó xanh thẫm dày đặc lá sắc như dao gai nhọn như kim. Nếu như đây chỉ là một thung lũng hoang sơ chưa có dấu chân người dặt tới thì hẳn nó đã toát lên vẻ hoang dại nguyên thủy rất kỳ lạ và bí ẩn. Nhưng tiếc thay con người đã tới đây và để lại dấu vết nghèo đói thê lương buồn thảm ở chính chốn này. Một cây gỗ tróc vỏ mục nát gác trên mấy cây cột gỗ cũng tróc hết vỏ và mục nát chắn ngay con đường đất đỏ quạch lổn nhổn đá tảng chạy vòng vèo trong thung lũng rồi đâm thẳng vào một ngôi nhà gạch ba gian mái ngói vỡ nát có từng mảng đã phải lợp thế bằng cỏ tranh rừng cũng đã ngả màu và những mảng tường đổ thì được cạp lại bằng liếp và những cây gỗ. Phía đầu hồi ngôi nhà gạch 3 gian tiêu điều đó có một bồn hoa cúc vàng tươi roi rói đang ngả nghiêng. Có lẽ duy nhất ở chốn này chỉ có bồn hoa cúc vàng tươi đẹp này là gợi lên một cái gì còn được gọi là xứ sở bệnh viện. Và cảnh vật càng thê lương hơn khi đưa mắt nhìn ra xung quanh thấy có những ngôi nhà sàn chen chúc xiêu vẹo lụp xụp quây liếp quây ván kín mít lấp ló xa gần sau những bụi cây moóc chó um tùm tươi tốt. Không một bóng người đi lại. Không có cả một làn khói bếp xanh lam ngoằn nghoèo bay lên trong buổi sớm vẫn thường thấy ở những bản làng. Vẻ im lìm lạ lùng của trại cùi An Nan khiến cho bác sĩ Cần và cô Kim Thoa kinh ngạc. Bác sĩ Chiêu thong thả nói:- Không có việc gì thì người ta không ra khỏi nhà. Nhất là những hôm trời lạnh lại có sương mù như sáng nay. Họ ngồi trong nhà sưởi lửa. Người bệnh phong thích như vậy. Cô Kim Thoa buột hỏi một câu có về ngây thơ ngớ ngẩn. Người không ra khỏi nhà vì sợ rét nhưng sao trâu bò lợn gà cũng không ra khỏi chung? Bác sĩ Chiểu nói:- Người không ra khỏi nhà thì lấy ai mở cửa chuồng thả trâu bò lợn gà ra sân ra vườn. Cô Kim Thoa lại hỏi.- Vậy thì tí nữa lấy trẻ con ở đâu ra để chúng em phát kẹo. Bác sĩ Chiểu túm tỉm cười không trả lời câu hỏi đó. Anh dẫn hai vị khách thăm quan đi thẳng tới ngôi nhà gạch ở giữa thung lũng mà anh giới thiệu đó là phòng khám bệnh kiêm nhà kho để thuốc và lương thực cũng kiêm luôn là hội trường để hội họp tiếp khách. Trông xa thì ngôi nhà tiêu điều lắm nhưng đến gần thì cũng không đến nỗi nào. Nó tuy cũ nhưng được lợp lại buộc níu chẳng kéo khá chắc chắn. Ba gian nhà nối dài thông thống không có vách ngăn. Tất cả các cửa sổ đều được buộc liếp vững chãi. Trong nhà có nhiều bàn ghế mộc xẻ tạm bợ nhưng đều bằng thứ gỗ trắc gỗ lim và đều được chôn chân xuống đất không hiểu vì lý do gì. Ngay giữa nhà lù lù một đống bao gạo bao mì hòm giấy hộp giấy. Dễ nhận ngay ra đó là những thứ xếp trong xe ô tô ngày hôm qua. Có hai người đàn ông còn trẻ đóng khố mặc áo thồ cẩm đen cạp vàng đang chổng mông hí húi ghi chép cái gì đó trong một cái nong lớn đặt trên mặt đất. Thấy bác sĩ Chiêu dẫn bác sĩ Cần và cô Thoa bước vào cả hai ngượng nghịu bỏ giấy bút xuống lom khom đứng lên lúng túng xoa tay cười rất thật thà. Bác sĩ Chiểu nói mấy tiếng dân tộc líu lô nghe lạ tai dường như là anh giới thiệu khách nên cả hai vội chắp tay cúi dầu chào và tất nhiên họ đều nói cái thứ tiếng líu lô giống như bác sĩ Chiểu vừa nói. Chào xong họ lại ngồi xuống lóng ngóng cầm lấy bút hí húi ghi ghi chép chép mà chẳng để ý đến lời chào đáp lễ của bác sĩ Cần và cô Thoa: Bác sĩ Chiểu nói:- Ðây là hai bệnh nhân người Rơ Năm đã khỏi bệnh nhưng tự nguyện ở lại giúp đỡ tôi. Dăm bảy năm trước trại cũng có một y tá nhưng anh ấy đã bỏ về quê lấy vợ rồi không lên nữa. Bác sĩ Chiểu cắt dây buộc mở một cái hộp giấy lôi ra gần chục gói kẹo Thái Lan xanh đỏ đưa cả cho cô Thoa rồi anh hất đầu ra phía cữa sổ. Cô Kim Thoa kêu ở một tiếng. Tất nhiên lần này cô gái không còn giả nai nữa cô ngạc nhiên thực sự. Vì như có phép lạ ở tất cả mấy cái khung cửa sổ không biết từ lúc nào nhô lên hàng chục đôi mắt trẻ con tròn xoe im lặng tò mò háo hức nhìn vào. Dường như lũ trẻ như vừa từ trên trời rơi xuống. Bác sĩ Chiểu vui vẻ: - Trẻ con nó thính mũi lắm. Chúng nó ngưi thấy mùi kẹo đấy. Trẻ con giống như bầy chim chích nhanh thoăn thoắt. Người lớn thì giống như con thú rừng. Họ thong thả nhẩn nha chậm chạp hơn. Trông kìa họ đang ra ngoài nhà sưởi nắng. Trên thung lũng xanh rờn cỏ moóc chó lác dác đã thấy có những người bệnh cùi đi lại. Chỉ cần nhìn từ xa cũng nhận ra họ ngay. Họ đều ăn mặc rách rưới cũ nát nhưng vẫn nhận ra người ê-đê áo đen ngực áo khâu hai tấm thổ cẩm nhuộm đỏ. Người Churu áo màu tím váy màu trắng. Người Cơ Ho quấn thố cẩm màu tối. Người Gia-rai đóng khố đen viền đỏ khoác thổ cẩm đen viền đỏ chéo ngang ngực. Người Gié Triệng váy nâu lút gót nhưng lại quấn vải trễ ngang vú. Rồi người Cơ Tu vấn khăn đỏ tươi như mào gà. Có cả người Chăm váy áo liền nhau màu xanh cô ban... Phần lớn họ đều chống gậy chân tay băng bó xù xụ rẻ rách bẩn thỉu hôi hám. Họ đi lại thong thả chầm chậm dò dẫm. Cái lối đi đầy vẻ đau đớn nhức buốt lo sợ cảm giác rất riêng biệt chỉ thấy có ở những con người đang bị bệnh phong đầy đọa. Bác sĩ Chiểu nói như để cho cô Kim Thoa yên lòng - Bệnh phong không lây đâu. Hay nói chính xác hơn là tỉ lệ lây rất ít. Bảy phần ngàn. Chủ yếu lây qua đường máu. Vi trùng Han-sen chỉ sống được ở ngoài trời có hai mươi tiếng thôi mà. Nào mời cô phát kẹo cho các cháu. Trẻ con ở trong này ngoan ngoãn lễ phép. Chẳng có đứa nào mất dạy cả mặc dù chúng nó đều mù chữ không được học hành. ở cái trại An Nan này đã có tới hơn ba trăm cháu. Chúng là con em trong các gia đình người bệnh. Nhiều đứa theo bố mẹ đến đây. Nhiều đứa được sinh ra ở đây. Bố mẹ chúng nó bị bệnh nhưng chúng nó không bị bệnh. Vì bệnh phong có lây theo đường di truyền đâu. Tôi băn khoăn đã lâu nay không có cách nào mở lớp dạy chữ cho lũ trẻ. Một mình tôi chữa bệnh khám bệnh đã quá tải rồi. Tôi có bàn chuyện này với cha Tạc. Cha Tạc đã vận động được ba cô tu sĩ tình nguyện lên đây mở lớp cho tụi trẻ nhưng mà cho tới hôm nay vẫn chưa nhìn thấy mặt mũi ba cô tu sĩ đó ở đâu. Hình như còn đang vướng mắc rắc rối ở cái khâu thủ tục giấy tờ. Bác sĩ Cần và cô Kim Thoa há hốc mồm nghe anh bác sĩ Chiểu thao thao tâm sự. Hai người ngạc nhiên nhìn anh bác sĩ da đen xạm mới hôm qua còn kín đáo bí ẩn ít lời mà bỗng nhiên sáng nay lại hóa thành một người sôi nổi nồng nhiệt cười nói luôn mồm. Thật ra thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Người ở rừng lâu ngày mỗi khi xuống đồng bằng tới chốn phồn hoa thl thường ít nói mà chỉ thích nhìn ngó. Còn một điều nữa mỗi khi ta đến chơi thăm người quen bạn bè ở tỉnh lẻ hoặc vùng quê vắng vẻ hoặc trong núi rừng hải đảo xa xôi hoang dại thì ta đâu có hiểu hết được sự viếng thăm của ta đã làm cho người quen và bạn bè ta ở đó sung sướng vui vẻ đến thế nào. Ta thường bỡ ngỡ há hốc mồm ra trước sự nồng nhiệt của người mà ta đến viếng thăm. Ta không thể hiểu hết được nụ cười nồng nàn cái nhìn hớn hở và sự chiều chuộng của bạn đãi lại ta cũng như ta không thể hiểu và chia sẻ nỗi buồn nỗi cô đơn thăm thẳm của bạn ta ở giữa một phố huyện một tỉnh lẻ bị bỏ quên đói khát thông tin cũng như ở giữa một vùng rừng núi hoang vu đi suốt cả một ngày chỉ nghe tiếng vượn hú chứ chẳng được nghe một tiếng người nói hoặc ở ngoài đảo xa vời vợi ngày cũng như đêm chỉ có một bầu trời thăm thẳm mênh mông đang vữa ra trong tiếng sóng gào phát điên phát rồ không bao giờ lặng tiếng. Cái cảm giác cô đơn đến tê dại cả tâm hồn này cô bé Kim Thoa trượt đại học luật không bao giờ được nếm trải nếu như cô không chịu nghe lời dụ dỗ của bác sĩ Chiểu ở lại trại cùi An Nan dậy học cho lũ trẻ con. Còn đối với bác sĩ Cần thì có khác đôi chút. Mấy chục năm lủi thủi làm việc trong nhà xác bị đồng nghiệp bạn bè khinh miệt thương hại ruồng bỏ bác sĩ Trương Vĩnh Cần đã thấm thía thế nào là nỗi cô đơn nhưng hỡi ôi đó là nỗi cô đơn đầy tủi nhục giữa một xã hội náo nhiệt quay cuồng ầm ĩ cay độc. Nỗi cô đơn này nó chỉ làm cho con người ta hèn hạ hơn, khiếp nhược hơn và ngày càng chìm sâu xuống vũng bùn tuyệt vọng. Ðối với bác sĩ Cần chỉ có từ khi cơn bão số ba đập vỡ thuyền cuốn trôi ông ra tới hòn đảo. Khi có ngọn hải đăng sống đời vợ chồng bất đắc dĩ với một người đàn bà nửa người nửa vượn tên là Mẫn thì ông bác sĩ mới thấm hiểu thêm trên đời còn có một nỗi cô đơn khác nữa. Ðó là nỗi cô đơn của con người trơ trọi giữa thiên nhiên hùng vĩ hoang sơ. Nỗi cô đơn này làm tê dại tâm hồn con người nhưng nó cũng vực con người, tiếp sức cho con người vươn vai đứng lên thành gã khồng lồ thành ông chủ của rừng núi mây trời sông biển. Nhưng thôi chuyện đó chưa tới nên chưa nói tới làm gì. Buổi sáng hôm đó đối với cô bé Kim Thoa trượt đại học luật là một buổi sáng nhớ đời không thể nào quên được. Nó như cánh cửa đầu tiên mở ra một thông lộ kỳ lạ cho cuộc đời một cô gái lai đời thứ hai có ông nội là người kinh và bà nội là người Thổ. Nom bên ngoài cô gái Kim Thoa còn rất trẻ trung vì tính cô hay cười đùa lại hay giả nai nhưng thật ra sau ba lần trượt đại học vì học dốt và cũng vì gian lận thuê người thi hộ năm nay cô Kim Thoa cũng đã 23 tuổi rồi. Cô tốt nghiệp lớp 12 năm cô tròn 20 tuổi. Kể ra tuổi đó là quá 2 tuổi so với tuổi qui định nhưng mà con gái ở các phố huyện nửa xuôi nửa ngược thường đi học muộn một hai dến ba năm là chuyện thường. Tương lai của cô Kim Thoa đã được ông bố còm nhom buôn đồ điện đồ nhôm định sẵn cho rồi. Một ít vốn là một chỗ ngồi ở chợ buôn nước mắm cá chích và muối i-ốt. Ba cái năm trượt đại học từ tuổi 20 đến tuổi 23 của cô Kim Thoa thật là ba năm chán nản vô nghĩa vô cùng. Cô không tuyệt vọng vì tâm hồn cô còn vô tư chưa có cái khả năng tuyệt vọng và một lẽ nữa dù sao cô cũng là con gái độc nhất của ông chủ hiệu tinh ranh có máu mặt ở một cái phố huyện cửa khẩu biên giới phía Tây. Cô không hiểu thế nào là tuyệt vọng nhưng cô đã được nhá khá ê chề cái bã mía của sự chán nản vô nghĩa. Cô chẳng còn biết làm gì nữa và cũng chẳng có một cơ hội nào được làm một công việc gì khác hơn ngoài cái việc ngày hai buổi cơm xong nghêu ngao cùng lũ bạn thi trượt ở cùng thị trấn nay đọc một quyển tranh Ðôrêmôn mai lúi húi ngồi cắt ảnh Trương Mạn Lục, Lý Huyền Tú ra ngắm nghía rồi chẳng biết để làm gì nữa hoặc chán quá thì vật ra giường lí nhí nhại theo cái băng cát xét đang quay chầm chầm: Ðời tôi cô đơn không biết yêu ai. Ðời tôi cô đơn không ai đoái thương tôi cùng... Có lẽ vì tất cả những ngày tháng vô nghĩa chán nản đó cho nên, cái buổi sáng phân phát bánh kẹo cho đám trẻ con lau nhau ở trại cùi An Nan dối với cô Kim Thoa là một buổi sáng thật là đặc biệt kỳ lạ. Ðó là một công việc hoạt động xã hội có ý nghĩa lớn lao đầu tiên trong đời cô gái độc nhất của ông chủ hiệu đồ điện dồ nhôm ở cái phố huyện sát miền biên giới cửa khẩu phía Tây mà cô được làm. Ðối với những chàng trai cô gái tuổi đời còn non trẻ không nghề nghiệp đang chới với không biết mình là ai trong xã hội thì một công việc hoạt động từ thiện không tên như phát kẹo bánh cho trẻ con nó quan trọng và có ý nghĩa lớn lao đẹp đẽ khác hẳn những hoạt động từ thiện nhiều khi chỉ bắt nguồn từ nguyên nhân xám hối chuộc tội cho chính mình mà những người già cả giàu có thường làm. Còn một điều nữa cũng kỳ lạ không kém mà mãi sau này cô Kim Thoa cũng không thể hiểu được là cô không hề cảm thấy ghê tớm kinh sợ khi bước vào địa phận của trại cùi An Nan. Ngồi lọt thỏm giữa bầy trẻ mỗi lúc la hét reo hò ầm ĩ cô Kim Thoa mau tay thoăn thoắt chia bánh chia kẹo cho từng đứa. Cô gái cố gắng chia thật đều mỗi đứa trẻ đều được hai cái bánh bích qui và bốn cái kẹo Thái Lan sặc sỡ. Tất nhiên thỉnh thoảng cô cũng ưu tiên chia thêm một cái kẹo cho những đứa bé tí. Ðôi lúc cô còn kéo tóc một đứa bé gái hoặc búng nhẹ vào mũi một cậu bé trai láu lỉnh man trá hai lần giơ tay xin bánh kẹo. Bọn trẻ inh ỏi chen nhau chìa ra hàng chục hàng trăm bàn tay bé xíu lem luốc dính đầy tro than níu tay níu áo cô Kim Thoa thật chẳng khác gì cảnh vui vẻ đáng yêu ở lớp mầm lớp nụ nào đó trong một trại trê mẫu giáo. Chính sự hòa nhập một cách quá dễ dàng của cô gái vào cái thế giới của bọn trẻ con ơ trại cùi An Nan lúc đó đã khiến cho bác sĩ Chiểu bỗng nẩy ra một ý nghĩ rất táo tợn. Anh bác sĩ lễ mễ ôm đến tiếp thêm cho cô Kim Thoa một đống bánh kẹo đầy tú lụ nữa rồi anh vui vẻ kêu lên: - Giàng ơi! Xem kìa lũ trẻ An Nan mới yêu quí cô làm sao. Tôi cũng không ngờ đấy. Cô Kim Thoa cũng vui vẻ kêu lên:- Bọn trẻ con yêu quí em thật hả anh?Anh bác sĩ ấn cả đống bánh kẹo vào lòng cô gái rồi độp luôn:- Hay là cô ở lại đây mở lớp dạy chữ cho bọn trẻ con ở trại cùi An Nan đi. Tôi nói thật đấy Có dám không nào?Cô Kim Thoa sứng người bàng hoàng đến nỗi bánh kẹo ở tay cô rơi xuống đất. Hai mắt cô gái mở to long lanh tỏa ra một thứ ánh sáng trong vắt như ánh mặt trời mặc dù lúc đó bầu trời xám xịt đục ngầu không hề có lấy một tia nắng rẻ quạt mỏng manh rọi chiếu xuống. Nhìn vào đôi mắt cô gái lúc đó bác sĩ Cần bỗng ngớ người ra như nhìn thấy đôi mắt của một thiên sứ và ông bác sĩ bỗng chợt nhớ tới đôi mắt trong vắt thiên sứ của cô gái Thương Ơi mà ông đã từng được nhiều lần nhìn thấy. Và cũng bắt đầu từ lúc này bác sĩ Cần bỗng ngờ ngợ tin rằng hình như tất cả các người đàn bà và nhất là các cô gái trẻ ở trên thế gian này đều có một thiên sứ ẩn náu trong tâm hồn của họ. Còn bác sĩ Chiểu thì không nghĩ như bác sĩ Cần. Khi cô Kim Thoa đánh rơi bánh kẹo xuống đất quay phắt lại mở to đôi mắt nhìn bác sĩ Chiểu thì anh bác sĩ bỗng nhiên rùng mình lóa mắt như vừa bị một tia sáng cực mạnh bất ngờ rọi thẳng vào mặt. Người ta vẫn thường nói đến tình yêu sét đánh thì chính cái lúc bất chợt nhìn vào đôi mắt long lanh trong vắt như mắt thiên sứ của cô gái chính cái giây phút đột ngột hiếm hoi đó tiếng sét của tình yêu đã nổ tung trên đầu bác sĩ Chiểu. Ðần người ra như một kẻ vừa bị đánh cắp mất linh hồn, choáng váng run rẩy bác sĩ Chiểu bột phát một hành động giống hệt như một gã trai người Pupéo là nắm ngay lấy tay cô Kim Thoa rồi nghẹn ngào kêu lên như kẻ mất trí: - Giàng đã cử cô giáo đến cho trẻ em trại cùi An Nan rồi. Em không thể bỏ lũ trẻ vất vưởng mù chữ mãi trong cái nơi rừng thiêng nước độc này. Hãy ở lại đây. Ngay ngày mai chính tay tôi và cha mẹ lũ trẻ sẽ đi chặt gỗ chặt tre về dựng trường học cho em tha hồ dạy học. Hãy ở lại đây với chúng tôi.Theo như chương trình tham quan của bác sĩ Chiểu đã vạch ra thì sáng hôm đó sau khi phát bánh kẹo cho bọn trẻ con thì hai vị khách sẽ vào thăm một gia đình người Giẻ Triêng ở ngay trong trại. Nhưng đó chỉ là dự dịnh vì bọn trẻ con trong trại cùi An Nan túa ra đông quá và cô Kim Thoa cũng quá mê mải giao lưu chơi đùa với bọn trẻ cho nên khi chia xong cái khẩu phần hai cái bánh bích qui và bốn cái kẹo Thái Lan sặc sỡ đến tay đứa trẻ thứ ba trăm linh hai cũng là đứa trẻ cuối cùng thì trời cũng đã quá ngọ. Còn một điều quan trọng hơn là sau khi bột phát hành động tỏ tình giống như một chàng trai người Pupéo thì bác sĩ Chiểu cứ như một gã đang lên đồng. Ðầu óc anh lâng lâng. Tim anh đập liên hồi thình thịch. Anh chẳng còn nhớ đến cái mục thứ hai trong chương trình do chính anh vừa vạch ra là dẫn khách vào thăm một gia đình người Giẻ Triêng nữa. Còn cô Kim Thoa thì cũng từ lúc được bác sĩ chiểu bồng bột vồ lấy hai bàn tay mình kêu lên như gã mất trí thì cô gái cũng đâm ra như một kẻ mất hồn. Tâm trạng cô lúc đó thật khó tả. Quay cuồng ư. Bàng hoàng ư. Hồi hộp ư. Hay là run rẩy ngỡ ngàng. Có thể nói không ngoa là tiếng sét ái tình sau khi đã bất ngờ nổ tung trên đầu bác sĩ Chiểu thì nó cũng tức thời bất ngờ nổ tung trên đầu cô Kim Thoa. Chỉ có bác sĩ Trương Vĩnh Cần là không bị tiếng thét ái tình bất ngờ đột ngột nố tung trên đinh đầu vì thế ông bác sĩ không hề choáng váng bàng hoàng hồi hộp run rẩy nghẹt thở. Thêm vào nữa là buổi sáng hôm đó tâm trí ông minh mẫn khỏe mạnh vì vậy ông bác sĩ nhận ra ngay cái tâm trạng khác thường của bác sĩ Chiểu và cô Kim Thoa. Suốt sáng hôm đó hai con người trẻ tuổi này giống hệt như hai kẻ đang lên đồng. Họ nói cười họ trêu chọc nhau họ quấn quít lấy nhau nhí nha nhí nhố như ông đồng bà cốt. Họ quên phắt cái phận sự một kẻ là ông bác sĩ giám đốc trại cùi An Nan, một kẻ là vị khách du lịch vào tham quan và đang làm công tác từ thiện cho những con người đau khổ mắc bệnh phong. Tiếng sét ái tình đã làm cho hai người trẻ tuổi này choáng váng mờ mắt chới với chẳng cần gì sĩ diện cần gì giữ ý giữ tứ. Một cô gái Kinh lai Thổ ở phố huyện trượt đại học đến ba lần tương lai mù mịt sắp phải ngồi bệt đũng quần ở chợ buôn nước mắm cá chích và muối i-ốt bỗng nhiên vớ được một anh giám đốc bác sĩ trẻ tuổi dù chưa phải là người hùng thì cũng sang trọng lạ lẫm cứng cỏi gấp chán vạn lần bọn thanh niên chíp hôi choai choai mặt cộm trứng cá suốt ngày chỉ đánh đầu đít nói ngọng xem truyện tranh Ðôrêmôn và ư ử như con ngỗng đực: "Ðời tôi cô đơn nên không biết yêu ai. Ðời tôi cô đơn nên không ai đoái thương tôi cùng". Còn một người tuy được học hành tử tế có ý chí ngang tàng lỳ lợm nhưng khốn nỗi đã gần chục năm liền bị bỏ quên trong rừng núi mênh mông hoang dại ngày này qua ngày khác tháng này qua tháng khác năm này qua năm khác chỉ chúi đầu chúi óc vào các vết cùi lở lói bẩn thỉu tanh tưởi chẳng biết gì đến vidio cát xét điện ảnh sân khấu báo chí văn minh. Con người đó đã - một lần về quê hỏi cưới vợ nhưng bị các cô gái bỏ chạy như vịt khi biết tin anh là giám đốc một trại cùi ấy chưa kể lấy xong lại phải theo anh lên cái trại cùi làm hộ lý hay là y tá. Con người ế vợ và cũng gần như sắp hóa thành một người rừng ấy bỗng dưng lại vớ được một cô gái da trắng hồng tóc hơi loăn xoăn vú to đùi dài sức sống ngùn ngụt có hai bàn tay lành lặn nõn nà vì không phải lao động nặng thỉnh thoảng lại múa lên theo những điệu bộ giả nai dễ làm xiêu lòng người. Ðúng là họ cần gì sĩ diện ý tứ nữa ấy là chưa muốn nói đến ở giữa cái chốn rừng xanh núi đỏ hoang vắng này còn có ai nữa mà khiến họ phải sĩ diện phải giữ ý tứ. Cha Tạc mất mặt đâu rồi còn bọn trẻ con sau khi được chia bánh kẹo đã tản ra như đàn chim sẻ đứa nào về nhà đứa nấy chui tọt vào những ngôi nhà sàn xiêu vẹo lụp xụp quanh năm đóng cửa im ỉm. Còn bác sĩ Cần thì là cái thớ gì nhỉ. Trong con mắt của bác sĩ Chiểu thì đấy chỉ là một ông già bẩn như ma hôi như cú câm như hến. Còn trong ý nghĩ của cô Kim Thoa thì ông. bác sĩ già chỉ là một ông lão bảo gì cũng gật chơi với ông còn yên tâm gấp mười lần chơi với lũ thanh niên chíp hôi ùng trang lứa bởi vì không những luôn được ra lệnh mà còn chẳng phải dề phòng gì cả. Trưa hôm đó sau khi phát bánh kẹo cho bọn trẻ con thì đã quá ngọ. Ba người lại kéo nhau quay về ngôi nhà nhỏ giống cái trạm gác ở bên kia con suối cạn. Cả ba đều đói cn cào nhưng bữa trưa thật đơn giản chỉ có mì hai tôm dội nước sôi. Bác sĩ Chiêu bảo để dành bụng tối đi ăn cỗ ở lễ bỏ mả. Xem ra anh bác sĩ chẳng còn đầu óc đâu để lo ăn uống. Vừa buông bát đũa chưa kịp uống nước xỉa răng cô Kim Thoa đã lại vẫy hai bàn tay lành lặn nõn nà nhí nha nhí nhéo giả nai nũng nịu đòi bác sĩ Chiểu dẫn đi ngược lên thượng nguồn con suối cạn để tìm con lông cu ly. Tất nhiên là bác sĩ Chiểu cuống quít gật đầu và có lẽ chỉ đợi có vậy nhoáy một cái hai con người trẻ tuổi đã biến mất vứt lại một mlnh ông bác sĩ ngồi đờ mặt trong ngôi nhà trống hoác. Trước mặt ông lúc này chẳng có nước chè chẳng có thuốc lá chỉ còn chỏng gọng ba cái bát chưa kịp rửa dính lèo tèo vài cọng mì tôm cong queo uốn cong lên như mấy cái dấu hỏi giễu cợt. Và cũng cho đến lúc này còn trơ lại một mình chẳng biết làm gì chẳng biết đi đâu ông bác sĩ mới để ý ngắm nghía ngôi nhà. Thật đúng là một cái trạm gác tạm bợ vì đồ đạc trong nhà quá sơ sài chỏng trơ cái chõng và bộ bàn ghế khập khiễng. Tuy vậy nếu nhìn kỹ thì vẫn thấy đây đó chỗ này chỗ kia vẫn còn để lại dấu vết một vài thứ đồ đạc nào đó như cặp chân niễng xiêu xẹo một cái móc tre giắt ở vách hoặc ở góc nhà quăng quật vài cái bát mẻ cạnh đôi đũa tre dính mấy hạt xôi mốc meo chứng tỏ ngôi nhà vẫn có chủ ở và người chủ đó cũng chỉ mới dọn đi nơi khác mà thôi. Nghiêng ngó chán chê bác sĩ Cần bèn leo lên chõng nằm co ro hai tay ôm đầu quay mặt vào vách. Ông chờ một giấc ngủ. Nhưng bỗng nhiên ông cảm giác có một người đàn ông lưng gừ gù đội mũ phớt xụp xuống che kín mặt mặc áo bành tô rách như tổ đỉa lò dò đi từ ngoài vào. Mà hình như người đó còn hắng giọng. Bác sĩ Cần giật mình ngoảnh lại thì chỉ nhìn thấy mấy bụi moóc chó đang vẫy lá ở ngoài cửa ra vào. Có lẽ mình nằm mơ. Bác sĩ Cần nhủ thầm rồi ông lại quay mặt vào vách nhưng rồi ông lại cảm giác như nhìn thấy người gù lưng giấu mặt đó đang lò dò đi vào nhà. Bác sĩ Cần quay phắt lại thì ông lại chẳng nhìn thấy gì cả. Cứ thế vài ba lần y hệt như trò chơi ú tim rồi ông bác sĩ già thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn nửa mê nửa tỉnh. Trong lúc đó thì bác sĩ Chiểu và cô Kim Thoa đang dắt tay nhau lần mò dọc theo con suối cạn ngược sâu vào trong rừng. Trời không mưa nên đi chơi suối trong rừng cũng khá thú vị. Mặc dù lòng suối đã cạn khô thỉnh thoáng lắm mới gặp một ít nước trong vắt còn sót lại trong các hốc đá. Và mỗi lần như thế là cô Kim Thoa lại ngồi xuống vốc nước rửa mặt rồi lại té nước vào bác sĩ Chiểu. Ban nãy cô Kim Thoa nũng nịu giả nai đòi bác sĩ Chiểu dẫn cô đi tìm con lông cu ly là cô nói bừa vậy thôi chứ cô đâu có cần con lông cu ly làm gì. Giờ đây tim cô gái đập tình thịch. Người cô nóng bửng bứt rứt. Và bác sĩ Chiểu cũng giống hệt như cô gái. Càng đi sâu vào rừng tim anh bác sĩ càng đập mạnh. Người anh càng nóng như lửa đốt. Từ khi bị tiếng sét ái tình bất thần nồ tung trên đầu khiến cả hai choáng váng cuống quít rối mù lên họ đã có dịp nào được ở một mình bên nhau đâu. Bác sĩ Chiểu đâu có phải là một gã ngố rừng rụt rè trong những chuyện đụng chạm xác thịt này. Một ông bác sĩ thì làm gì có chuyện ngố rừng trong cái chuyện ân ái cơ chứ. ấy là chưa muốn nói đến sáu năm học ở trường đại học y anh sinh viên y khoa Chiểu cũng đã yêu đương và nghịch ngợm tới ba cô sinh viên học cùng khóa khác lớp. Còn những năm phiêu diêu trong vùng rừng Buôn Nát thì hàng năm hễ cứ đến tháng hai tháng ba bác sĩ Chiểu lại được các cô gái người Raglai người Pupéo người Cơ tu người Giẻ-triêng có khi có cả các cô gái người Churu người Chăm người Ê- đê không biết từ các bản làng xa xôi tận đẩu tận đâu tìm đến trò chuyện hỏi han múa lượn có khi còn thổi kèn lá suốt cả đêm rồi dắt tay đưa bác sĩ Chiểu chui vào bụi làm chuyện ân ái giống hệt con chim con thú. Những cuộc tình mây mưa hoang dã đó vừa đằm thắm thân mật lại vừa xa lạ bí ẩn. Nó nồng nàn ngùn ngụt đấy nhưng lại tàn lụi ngay có khác gì một bóng chớp thoáng qua. Họa chăng đôi khi có một cô gái trước khi biến mất cũng có ghé qua nhà bác sĩ Chiểu, hát cho anh bác sĩ nghe một vài lời hát kỳ dị rồi chầm chậm bỏ đi lưng gù xuống cõng cái gùi mây bên trong có giấu hàng chục bộ dương vật đẽo bằng gỗ mà trong số đó vừa thêm một cái kích cỡ to bằng đúng dương vật của anh. Phải nói là bác sĩ Chiểu tuy chưa có vợ nhưng anh đã quá sành sỏi chuyện vợ chồng. Một phần nhờ mớ kiến thức sinh lý học mà anh lĩnh hội được trong 6 năm học ở trường đại học nhưng chính những cuộc tình bất chợt tình cờ với những cô gái người Thượng ở vùng rừng Buôn Nát bạt ngàn thâm nghiêm này mới thực sự đào luyện anh trở thành một tay sành sỏi. Chính vì vậy khi cô Kim Thoa chủ động dắt tay anh chui vào một ổ dương xỉ kín đáo bên bờ suối thì bác sĩ Chiểu đã ôm ghì lấy cô Thoa và hôn cô ngấu nghiến gần như lút cả đôi môi mềm mại ngọt lừ của cô gái vào trong miệng mình đến nỗi cô gái phải cố sức lắm mới đẩy được cái đầu nóng rừng rực của anh bác sĩ ra rồi nghẹn ngào giả nai kêu lên: "Người ta chết ngạt đây. Bắt đền đấy nào nào... Bác sĩ gì mà hôn tởm thế nào nào... " Nhưng bác sĩ Chiểu lúc đó đâu có là một anh trí thức ít nói lịch sự nghiêm nghị đến hơi bí ẩn nữa. Thay vì một lời xin lỗi bác sĩ Chiều càng ghì chặt cô Kim Thoa hơn rồi vật cô gái ngã ngửa ra và hồng hộc vần cô gái dữ dội ghê gớm như một con hổ đang vần một con mồi khiến cô gái lúc đầu còn thích thú và vờ sợ hãi nhưng một lúc sau thì cô đâm sợ thật cứ co rúm chân tay lại phó mặc cho anh bác sĩ muốn làm gì thì làm. Có một cành cây đâm vào mông đau nhói mà cô Thoa cũng phải cắn răng nằm im chịu đau chứ không dám giãy giụa giả nai kêu lên nữa. Phải nói là những hành vi làm tình của bác sĩ Chiểu không được bình thường. Nó dữ dội như ngọn thác bị tù hãm bỗng phọt ra ào ào phun trào nhưng nó cũng mù lòa và hung hãn như những hành động giao phối của loài cầm thú trong mùa động đực. Buổi chiều hôm đó bác sĩ Chiểu đã ân ái ba lần liền với cô Kim Thoa. Cả ba lần cô gái vừa ngồi dậy loay hoay tìm cái quần bị vứt vào một góc ổ dương xỉ thì bác sĩ Chiểu lại ôm chầm lấy cô gái vật cô ngã ngửa ra và dè lên trên. Ðến lần thứ tư thì cô Kim Thoa chẳng ngồi dậy nữa mà cô cứ nằm co người lại giấu bộ mông nở nang trắng hếu vào một búi dương xỉ mắt nhắm lim dim giả vờ như đang ngủ để cố tránh không kích thích gợi dục bác sĩ Chiểu nữa. Cũng có thể vì vậy bác sĩ Chiểu cũng nằm im cạnh cô gái. Hai mắt anh cũng nhắm lim dim. Nhưng anh không vờ ngủ mà lại đang nghĩ ngợi vẩn vơ. Những sợi tóc loăn xoăn của cô gái chạm khẽ vào má anh buồn buồn. Mùi mồ hôi mùi da thịt hôi hổi của cô gái nồng nàn luẩn quẩn khắp trong cái ổ dương xỉ giờ đây đã gãy nát tả tơi rồi chầm chậm bay lên bao bọc khắp người bác sĩ Chiểu khiến anh bác sĩ bỗng dưng thấy buồn man mác. Nằm cạnh sát bác sĩ Chiểu cô Kim Thoa lim dim mắt vờ ngủ nhưng cô đâu có ngủ. Cô gái cũng đang nghĩ ngợi vẩn vơ. Hai vai mỏi ê ẩm và xương háng đau như dần nhưng cô Kim Thoa lại thấy người rất dễ chịu. Cô nhớ lại cuộc tình gần đây nhất của cô với một gã trai phố huyện mặt đầy mụn trứng cá da xanh như đít nhái suốt ngày ẻo lả ngồi trong cái phòng Karaoke tối mờ mờ ỉ eo "Ðời tôi cô đơn không biết yêu ai... " Một cuộc tình nhảm nhí vớ vẩn ông chẳng ra ông thằng chẳng ra thằng người lớn chẳng ra người lớn mà trẻ con cũng chẳng ra trẻ con suốt ngày chỉ sờ sịt đụng chạm hít ngửi vớ vẩn và hình như là cũng có hai lần hay là ba lần gì đó trong những bữa bia túy lúy nào đó cô Kim Thoa cũng đã để mặc cho gã trai mặt đầy mụn trứng cá đó đẩy ngửa cô ra cái ghế đệm bọc da rồi tốc ngược váy cô lên. Có thể vì say bia hay là vì một lý do nào đó khó hiểu mà sau những lần đó cô gái chỉ thấy kinh tởm buồn mửa...