Lý Thường Kiệt (李常杰) (1019-1105)Ông tên thật là Ngô Tuấn, tên chữ là Thường Kiệt; sau được ban quốc tính nên mới đổi tên thành Lý Thường Kiệt. Theo tài liệu mới phát hiện (bài văn khắc trên chuông chùa Bắc Biên và cuốn Tây Hồ Chí) thì ông là người làng An Xá, huyện Quảng Ðức, thuộc khu vực phía nam hồ Tây trong thành Thăng Long. Ông sinh năm 1019 và mất tháng Sáu năm Ất Dậu (khoảng từ 13 tháng 7 đến 11 tháng 8 năm 1105). Lý Thường Kiệt tinh thông thao lược, lại có tài thơ văn. Năm 23 tuổi, ông đã được bổ làm Hoàng môn chi hậu rồi thăng đến chức Thái úy. Ông có công rất lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước: phá Tống, bình Chiêm, dẹp tan phản loạn... Tác phẩm còn lại gồm có bài Lộ Bố Văn phát ra cho nhân dân Trung Quốc ở các châu Ung, Khâm, Liêm nhân dịp chủ động đem quân sang đánh Tống năm 1075, lời tâu xin vua Lý Nhân Tông cho đi dẹp loạn Lý Giác năm 1103, và tiêu biểu nhất là bài thơ Thần hay Nam Quốc Sơn Hà nổi tiếng, được xem là Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.