Dũng nói xong chờ đợi bàn tay Hiếu buông rơi trên ngực áo mình, nhưng nó vẫn cứ giữ chặt. Cũng may lúc ấy thầy chủ nhiệm đã quay trở lại: - Thầy tới kìa Hiếu, buông ra đi - Liên nói nhỏ. - Chuyện gì vậy các em? - Thầy cau mày hỏi khi thấy Dũng nhanh tay sửa lại áo cho ngay ngắn - Không có gì thì chuẩn bị khởi hành nhé. - Dạ! - Hương đáp nhỏ. - Dũng! Em theo thầy lên văn phòng. Còn bốn đứa thay tôi lo cho lớp. Xuống tàu ngồi cả phía dước không ai được phép leo lên mui hoặc ra trước mũi nghe chưa? Minh Hiếu! Em nói lại nhóm con trai lời thầy nhé. - Vâng! - Hà và Hương nhớ lấy danh sách các bạn tham gia đưa cho thầy để cuối năm cộng điểm hạnh kiểm. Mai Liên lo phân phát bánh mì cho các bạn đi, rồi chúng ta lên đường. - Dạ! - Liên đáp nhỏ và chờ thầy quay gót mới kéo Hiếu - Đi thôi! - Tao cảnh cáo mày nha Dũng, hãy cố coi chừng đấy. - Hiếu càng ngày càng quá đáng không ai chịu thấu - Hà ấm ức - Bạn chung lớp, tại sao gây chuyện hoài vậy, tới bao giờ mới chịu hiểu lẽ phải chứ. Thật ra Hiếu muốn làm mọi người tức chết mới vui lòng à? Học không lo, giỏi tài quậy phá đừng nói là bạn Hà không nhắc đấy, làm tới hoài... - Thì sao hả? - Hiếu cướp lời nhỏ bạn - Hà đừng bao giờ để ý tới thằng này nữa đã là may mắn lắm rồi. Tôi biết dạo này Hà ngon lắm, còn coi ai ra gì đâu, bày đặt màu mè chi nữa chứ? - Hiếu... - Gì chứ? Bộ tôi nói không đúng à. Tha cho tôi đi - Hiếu chấp tay xá dài trước đôi mắt bực tức của Kim Hà. Nó thản nhiên háy nhẹ mắt bỏ đi theo bước Mai Liên, không quên ném lại cho Dũng lời dọa - Còn mày đấy... rút lui trước là vừa, không quen sông nước, tao nghĩ có nhiều khả năng đầy bụng dài dài đó thằng người Sài Gòn đáng ghét. - Mặc kệ Hiếu, đừng thèm nghe Dũng. Hương nói lớn - Lúc nãy không nể tình là méc với thầy rồi. Xem ra mình càng nhịn, Hiếu càng lấn tới. Đi cứu trợ xong lần này về Hương phải nói chuyện nghiêm túc với nó mới được. À phải! Lúc nãy thầy gọi Dũng làm gì vậy? - Giao tiền quỹ của trường cho Dũng giữ đợt công tác này nhưng Dũng lo ngại lỡ bị mất... - Nói bậy, tính Dũng cẩn thận ai không biết, mất thế nào được. Còn nữa, có thể gởi lại Hà và Hương quản lý phụ chọ Mấy năm trước việc này đều do Hiếu đảm trách đó. - Thế thì... càng tạo hiểu lầm và rắc rối thêm rồi - Dũng chậc lưỡi - Biết vậy, lúc nãy đã từ chối. - Đừng có hòng, thầy chỉ ai thì không tài nào thoát thác được đâu. - Hà xen vào - Đi thôi, bỏ qua mọi việc sẽ dễ chịu hơn thôi! - Cả ba lục đục kéo theo đoàn xuống tàu, xuôi con nước đỏ ngầu phù sa để vào nơi cần đến. Dòng sông mùa này như rộng thêm ra, đỏ au sóng gió do thuỷ triều lên cao làm cỏ, cây như rũ xuống quật quẹp thảm hại. Lục bình trôi từng dề lênh đênh thoạt nhì cảnh vật thấy đìu hiu buồn bã thế nào. Mọi thứ như bị cuốn băng theo dòng chảy xiết. Còn rất ít những khu nhà nền cao không ngập chìm trong nước. Nhóm Thiên Hương tá túc ở nơi đó. Cả bọn phân công nhau và bắt tay vào việc. Con trai ai biết chèo chống đi xuồng, ghe thì theo đàn ông, trai tráng của xóm ra lội ruộng, chỗ những hạt lúa chạy lũ còn xanh vì thu hoạch sớm về nơi khô ráo. Bọn con gái giúp các bà, các chị trông em, dọn dẹp. Hầu như người dân nơi này đều tất bật công việc chạy lũ. Nỗi cơ cực nhọc nhằng luôn đè nắng lên từng đôi vai lam lũ hốc hác. Rồi vẻ mặt trăn trở, nuối tiếc công sức của những ngày dài lao động cực lực vất vả vẫn không tài nào đối chọi lại thiên nhiên hà khắc. Chỉ mỗi một đêm lũ đến bất ngờ, đột ngột cuốn phăng, phủi sạch tất cả. - Dũng ơi... ra ruộng chở lúa không? - Quang gọi lớn và kè chiếc xuồng ba lá lại cận bờ thềm - Đi một lần cho biết, không hề chi đâu mà sợ. - Đi! - Dũng hăng hái đẩy nhẹ cặp kính cận lên cho vừa tầm nhìn, xắn cao ống quần - Giữ cho chắc mũi ghe đó Quang. Dũng đi chưa quen đâu. - Biết rồi, nè, xuống đi. - Ừ! - Dũng xanh mặt khi thấy chiếc xuồng ba lá lắc mạnh. - Ngồi im đi, đừng có nhúc nhích quá, một chút lấy lại được thăng bằng hả - Quang nói nhỏ - Lúc đầu mình cũng y như Dũng thôi. Quang khéo léo khua mái dầm chắc nịch đẩy mũi xuồng lướt nước đi phăng về phía trước, tạo ra hai lằn sóng nhẹ sủi bọt li ti thật mát mắt. - Quang ơi! - Dũng gọi nhỏ - Một lát xuồng đầy lúa... thế tụi mình ngồi ở đâu? Chỉ hai đứa mình thôi đã thấy mấp mé nước vào khoan rồi. Té xuống sông này... chắc nhiều đĩa lắm phải không. Thật ra... Dũng chưa từng biết con "Thủy quái" đó, nhưng nghe nói dễ sợ lắm. Hút máu phải cho thật no mới chịu rớt ra và vết thương lập tức ăn sâu vào da thịt gây ra ung thư hết thuốc chữa! - Trời... ai nói với Dũng vậy? Tào lao hù dọa người ta chứ ung thư nỗi gì vết đĩa cắn. Đỉa ở đây khi xưa lội như... bánh canh ấy mà độc hại như Dũng nói thì dân miệt này chết hết rồi. Mới không biết thì ớn, nhưng quan mắt... cũng chẳng hề hấn gì cả đâu. Vả lại... mấy năm gần đây bớt nhiều lắm, gần như không còn tồn tại nữa. - Thế có khi nào Quang đã bị đỉa cắn chưa? - Rồi. - Đau nhức dữ không? - Chẳng đau tí nào. Nó đeo vào chân chẳng biết, khi no nê rớt ra, về tới nhà, tắm rửa mới thấy dấu. - Con đỉa bao lớn hả Quang? - Cỡ... nửa cọng bông súng này vậy, thân đen nâu, có sọc dọc theo chiều dài... No máu xong thì bự lắm, cỡ ngón chân cái hoặc gặp đỉa trâu thì lớn hơn nữa. - Vậy còn con vắt? - Nhỏ xíu hà, nó đeo theo dọc thân mấy bụi rậm ở ven mương um tùm. Mình đi qua là hắn dính vào mình như con sâu đo vậy. Một đầu nhọn nhọn, tròn nhỏ. Con này độc hơn con đỉa, để lại vết tròn như có mũi kim của loài ong khi chích. - Quang đúng là thổ địa vùng này, rành mọi thứ! - Chứ sao, ở đâu biết đó mà - Quang buông dầm, chụp lấy cây sào tre chống tới, trông rất ngoạn mục. - Ủa, sao không bơi nữa Quang? - Cỏ nhiều, chằng chịt, không thông thoáng nên chống sào để xuống đi nhanh hơn bơi. - Các bạn ở đây tài thiệt đó, chuyện gì làm cũng được. Mình rất thán phục và mở rộng tầm mắt. Sống ở thành phố đẹp thì có đẹp, nhưng tất cả đều do bàn tay và khối óc con người tạo ra cho nên ít nhiều gì cũng dễ bị lập lại một cách nhàn chán. Hơn nữa, người dân nơi đó... sống rất thiếu sư... quan tâm nhau. Mọi thứ đối với họ đều thiên vị Ở đồng tiền và vật chất, đua đòi, bon chen. Sáng mở mắt ra là lăn xả vào thương trường cạnh tranh, chiều tối về, chỉ biết quăng tiền cho con cái như một nhu cầu cấp thiết, chứ thật sự không chịu hiểu coi và để ý đến nỗi cô đơn của chúng nó. Theo sau câu nói của Dũng là tiếng thở dài. - Theo Quang, hình như Dũng nói hơi quá đáng khi đưa ra nhận xét đó. Đâu phải đại đa số đều như thế chứ? Tùy hoàn cảnh sống của mỗi một mái ấm gia đình. - Phải! Nhưng dù sao vẫn không thể bằng chốn này. Tuy mọi thứ hoang sơ dân dã, mộc mạc bình dị. Nhưng... tình người đầy ắp, nhất là những lúc thế này. Việc cả xóm cả làng như chính nhà mình, giúp đỡ bằng công sức lẫn tiền bạc không chút câu nệ. Sáng í ới gọi nhau ra đồng... chiều chiều biếu nhau dăm con cái lưới được, nhận lại vài cọng rau muống non vẫn thấy đậm đà tình làng nghĩa xóm. Chân chất thật thà... chẳng chút cầu kỳ vị nể giàu nghèo sang hèn gì cả. Sống như thế mới có ý nghĩa cuộc đời, không uổng sinh ra kiếp làm người. - Trời a... nói y như triết gia ấy! - Quang cười nhỏ - Mày làm tao khá bất ngờ lẫn ngạc nhiên đó Dũng. Một quan niệm sống rất lạc quan, giản dị và yêu đời hết biết đường tả luôn. Quang chợt ngưng hẳng, nét mặt nó cau nhẹ lại: - Có một thời gian dài... nghĩ không tới nên tao bị tụt hậu trong học tập... giờ thì ổn rồi. - Chuyện ba mẹ đột nhiên thay đổi vị trí trong xã hội chứ gì? - Ủa, sao Dũng biết vậy? - Mình nghe bà nói lại. Cái chỗ chợ bé tí tẹo như lỗ mũi, chuyện gì giấu được. - Phải! - Quang do dự - Bây giờ ổn rồi, mình không còn mặc cảm gì cả, trở lại trạng thái cân bằng như xưa. Nghèo giàu gì cũng là mẹ, cưu mang tạo ra mình. Cái gì hẽ xuất phát từ tình thương cao đẹp bao la đều rất thiêng liêng. - Phải! - Dũng thở dài. - Mày có tâm sự à? Nói cho tao nghe đi. - Tao... thật ra... là con nhà giàu có ở thành phố. Học lại giỏi, thầy yêu bạn mến... - Thế sao chui về đây làm gì? - Buồn! - Đừng nói bị thất tình sớm đó Dũng. - Chuyện đó làm có kia chứ? - Dũng nhíu đôi mày rậm rất con trai của mình. Đôi mắt cận chợt có nét buồn rầu, nó nói nhỏ như lời tâm sự: - Ba, mẹ mình bất đồng ý niệm sống... Họ không hạnh phúc và có vẻ như rất hối hận vì lỡ sinh ra mình. - Thật ư? - Phải! Cãi vã liên tục và... sắp ly dị rồi. Chuyện đau lòng và buồn lắm. Họ ít khi để ý và quan tâm đến sự hiện hữu của Dũng trong nhà. Chưa bao giờ mình được coi là thành viên chính thức. Mọi ý kiến dù đúng vẫn cho là sai, không có quyền xen vào. Buồn bã chán nản mình đã có ý nghĩ bỏ học đi bụi đời, tiêu hủy cuộc đời cho họ hài lòng. Nhưng mình lại không đủ can đảm làm thế... ít nhiều gì mình cũng có sự hiểu biết cơ bản... Thế là, về đây sống chung với bà và chú tìm bình thản cho tâm hồn. Cho tới bây giờ, thật lòng để nói mình không hề ân hận khi chọn nơi này để sống và học tập. Dù rằng trong số đông bạn bè rộng mở vòng tay chào đón Dũng vẫn còn một chút chưa thật dung hòa được. Chẳng hạn như Hiếu và Mai Liên. Mong rằng những ngày dài tháng rộng tới... hai bạn sẽ hiểu được tấm lòng mong đợi của mình. - Thằng Hiếu vốn không phải kẻ xấu đâu... nhưng nhất thời nó chưa chấp nhận thua cuộc mình thôi. Mày an tâm đi, thế nào rồi cũng thân thiện, không có gì đáng ngại cả. Còn Mai Liên, nhỏ đó thì... hơi khó chịu hơn... nhưng tính con gái ích kỷ là chuyện thường gặp. Ở đây môn Văn nó đứng nhất khối đấy. Tạp San báo tường luôn được in bài, từ nhiều thể loại, thơ văn. Ấy vậy mà chưa khi nào được tròn mười điểm đâu. Dũng lập kỷ lục rồi, biểu sao không ghen tỵ. - Làm luận văn gặp lúc xuất thần nên có ý. Còn nữa, tùy cảm nhận của thầy cô, chứ đâu phải như Toán, Lý, Hóa mà có sẵn phương trình hoặc qui tắc. Thành thử chưa biết được, Mai Liên hơn mình xa lắm. Ghét giận như thế.. cũng hơi oan. - Kệ tụi nó, việc mình mình lo - Quang kè sát chiếc xuồng lại nơi khá đông nông dân đang đứng lố nhố, mò mẫm đem lên khỏi mắt nước từng bông lúa. Có đi tới nơi mới biết quý công sức của những người làm ra hạt gạo. Nhọc nhằn, cơ cực và vất vả biết bao nhiêu, không thể nào dùng bút mực tả hết. Giữa cánh đồng mênh mông trời nước, hầu như cỏ cây đều bị sang bằng bởi sức mạnh của dòng lũ thủy triều. Từng đoàn học sinh nam nữ thành thạo với những con xuồng chở đầy lúa tấp nập ngược xuôi. Quang cảnh như buổi họp chợ trên sông, đâm đà tính cách riêng của đồng sâu trũng. Đưa tầm nhìn ngút ngàn, mặt nước như trải dài đến tận chân trời mờ nhạt, chẳng có cỏ cây, hoa lá. Dũng thấy thương thật nhiều đồng bào vùng lũ. Chiếc xuồng của hai đứa giờ đầy lúa, cậu con trai thành phố cứ thấp thỏm ngồi không dám thở mạnh, cũng không dám nhúc nhích, nhưng thật quái ác vì bao con bù mắc nhỏ xíu như tăm nhang đậu vào người cắn tá lã, nổi mụn ngay sau khi bị đốt và ngứa ngáy, chịu không nổi. Quang thương cho thằng bạn nên cúi xuống ném về phía Dũng mái dầm. - Mày bơi phụ tao, khởi động "bù mắc" không cắn. - Ờ...! Nhưng tao đâu biết. - Thì bỏ đại xuống nước đẩy vạt nước về phía sau, dễ lắm. Vận động tay chân đỡ hơn ngồi không. Ừ! Được rồi đó, nhưng thêm lực một chút tốt hơn. Chà, đúng là con người thông minh, mới chỉ đã làm được. - Cũng khá dễ, chứ đâu khó gì. - Phải! Để ý một chút là làm được liền. Nhưng bơi mũi dễ hơn bơi lái xuồng. - Tại sao kỳ vậy? - Thì... người ngồi sau phải giữ thăng bằng cho chiếc ghe để lướt nhanh tới mà khỏi bị quay ngang, hoặc đa6m mũi vô bờ. - Vậy... chiều rảnh Quang dạy Dũng bơi lái nhé. - Ừ! Nè, ngồi yên chứ, nhúc nhích xuồng nghiêng, nước ùa vào là chìm đó. Không có chỗ tát ra đâu. Thôi, không ổn rồi Dũng ơi - Quang lo ngại - Tao tấp vô vạt mía, mày men theo bờ này đi vào nhé, đỡ được vài chục ký. Chất nhiều khẩm xuồn quá. - Cũng được... nhưng đi tới đâu? Bờ mía này nước cũng ngập rồi. - Đỡ hơn chìm, xắn cao ống quần từ từ lội. Nhớ đừng có đưa chân lên khỏi mặt nước khi bước nhé, để mất đường, coi như mùa này dân ở đây mất trắng tay rồi. Năm nay thiên tai lũ về sớm. Mía ngập chân như thế này là bị úng đỏ chết từ ruột ra thân ngoài đấy. Tay trắng vẫn hoàn trắng tay sau mùa lam lũ. Thật là khổ! - Quang chặc lưỡi nói như than thở. - Lên được rồi, lội từ từ nhé. Tao đi cặp dưới bờ mương, đừng lo gì cả. - Ừ! - Dũng làm theo lời Quang, hình như nó cảm thấy rất thú vị với cuộc sống mới khám phá này. Và thật sự không ngờ có đôi mắt của Hiếu ẩn kín ở những bờ mía dõi theo. - Mày lo chống xuồng về trước đi, tao ổn rồi, lội từ từ sẽ tới Quang ơi. - Được không? - Được. - Vậy... đi sau nhé Dũng. - Ừ! - Nó gật mạnh đầu tự tin. Chờ bóng chiếc xuồng của Quang lướt đi xa, Hiếu ranh ma, vung tay ném một con rắn xanh lè, lạnh tanh về phía Dũng, thật ngẫu nhiên nó nằm vắt vẻo từ vai xuống tận ngực. Qúa kinh hoàng Dũng tái mặt, miệng kêu to cầu cứu: - Quang ơi... cứu tao... rắn... Quang ơi! - Dũng vừa la... vừa chạy như chưa từng được chạy bất kể lau sậy và lá mía. Cái loại là này rất sắc. Nó cắt vào da thịt ngọt như dao lam và Dũng không tài nào tránh khỏi với cái lối chạy trối chết đó. Nơi nào lá mía quật được là y như nơi đó trầy trụa, đổ máu. Mặt, tay, cổ của Dũng đầy lần ngang, dọc vết cắt sâu lẫn cạn, lông mía dính tùm lum, đau rát vô cùng. Dũng mệt lả té phịch xuống đất trống, nằm vật xuống thở dốc và con rắn quái ác kia đã lướt đi tự lúc nào. Thê thảm thật nhiều với khuôn mặt của Dũng khi nó hoàn hồn, lần về nơi các bạn đóng quân. Tất cả hoảng hốt nhìn nó. Thiên Hương lo âu hỏi dồn: - Sao dữ vậy Dũng... bạn đi đâu đến nông nỗi này chứ? Nét mặt Dũng hằn sâu sự sợ hãi và nhợt nhạt. Nó thều thào nói: - Con rắn. - Ở đâu? - Quang hỏi dồn. - Nó rớt quanh cổ mình. - Thế... đâu rồi? - Không biết! - Dũng thở dốc - Sợ quá Dũng chạy... không biết nó rớt khi nào nữa. Bây giờ... tức ngực khó thở ghê và cả đau nữa. - Trời đất... coi thử đi Quang, xem có dấu răng không. Rắn độc cắn là tiêu đời đó - Hà kêu lên làm cả bọn lo âu hoảng sợ. Nhất là Quang, nó ân hận vô cùng, nhảy bổ về phía Dũng đang ngồi ủ rũ lật ngay cổ áo quan sát thật kỹ lưỡng, rồi thở nhẹ nhõm. - Không có gì cả, có lẽ quá sợ thôi. Hương ơi... có đem theo dầu không, cho Quang mượn. - Chi vậy? - Xoa mấy nơi lá mía cắt cho Dũng để nó sưng đau lắm. Loại này dễ làm độc gây mủ đó. À, Kim Hà, tóc bạn dài, lấy xuống xoa lông mía giùm Dũng coi, ghim kiểu này chịu sao thấu. - Nè, dầu đây Quang, xoa giùm đi. Cả nhóm lo âu, duy chỉ co Hiếu là hài lòng ra mặt, bởi hơn ai hết, nó rất muốn Dũng bị thế mà. Nước mắt Dũng ròng rã, vì đau đớn nơi các vết thương. Quang xót xa dỗ dành. - Lát hết, dễ chịu lắm, ráng tí đi. - Ừ! Tại... dầu cay mắt quá - Dũng chống chế - Tao làm phiền mày quá Quang ơi. - Có gì đâu, tụi mình là bạn cơ mà. Với lại, lỗi này do tao tạo ra. - Liệu tao... có gì không Quang? - Chắc là không. Chợt thầy chủ nhiêm đi vào gọi lớn: - Dũng đâu, chi cho thầy số tiền mua gạo này để... - Dạ! - Nó gắng gượng nhổm dậy, toàn thân ê ẩm và chợt tái mặt lắp bắp: - Quang ơi..., tiền tao... bị mất cả rồi. - Trời... thiệt hả? - Sao lại thế chứ? - Giọng thầy lo âu - Mất khi nào, ở đâu? - Lúc nãy Dũng theo em đi chở lúa về, xuồng khẩm nó lên bờ lội cặp liếp mía vào nhà, không ngờ gặp rắn... - Và mày sẽ nói vì chạy nên rớt mất chứ gì? - Hiếu xen vào - Nói vậy bộ làm ai cũng tin được à? Xin lỗi nha, hơi xưa rồi đó. Giọng nó hằn hộc châm biếm đầy ác ý thấy rõ: - Tạo cái cớ và hiện trường giả thôi. Ở đây ai biết được lòng dạ con người. - Nè! Hiếu nói thế là ý gì? - Quang nổi nóng. - Tao đâu có nói mày mà cự chứ? Muốn biết rõ sự thật hỏi thằng Dũng kìa. - Thôi đi, mất thì lo mà tìm, cự cãi làm gì. Dũng, trách nhiệm này thuộc về em đó, ráng tìm đi. Còn các em phụ Dũng tìm cho được nhé. Thầy có việc phải đi rồi. - Dạ! - Dũng cúi thấp mặt buồn rầu, không nói thêm lời nào khi thấy các bạn bàn tán xôn xao. Nó lầm lũi đi về phía liếp mía. - Chờ tụi này với Dũng - Quang đuổi theo, có cả Thiên Hương và Kim Hà. Hiếu cười lớn: - Giấu ở đâu ra lấy chứ mất nỗi gì? - Mày ít nói lại một chút đi - Quang trừng mắt - Đừng suy bụng ta ra bụng người đấy. - Ê! Nói vậy là ý gì? - Mày hiểu hơn tao mà - Quang nhìn Hiếu giận dữ bỏ đi. Còn lại một mình, Hiếu lôi từ túi quần ra cái ví đầy ắp tiền rồi nhìn quanh lấm lét định nhét vào balô, nhưng không kịp. Mai Liên đi nhanh tới, nó nhét trở lại túi quần. - Tụi con Hương đi đâu rồi Hiếu? - Không biết! - Hiếu bỏ đi. Mai Liên cau mày khi thấy thái độ thiếu tự nhiên của Hiếu, hình như nó có một vẻ gì khác mọi ngày.