Chương 3

Giờ chơi, tôi không ra ngoài. Trong lớp cũng có vài đứa ở lại với những món ăn của mình. Tụi nó vừa ăn vừa nheo mắt cười với nhau làm tôi nhớ Thục đến phát khóc lên được. Ngày đầu tiên tôi bị lạc lõng trong không khí một lớp học mới. Hai giờ Toán nặng nề trôi qua, tiếng chuông reo như nỗi vui mừng bay nhảy trong tâm hồn những đứa học trò áo trắng. Tôi thầm lặng, im lìm giữa đám đông. Một vài đứa ngó tôi, nhưng có lẽ chúng ngạc nhiên tự hỏi tại sao ở đâu tôi lù lù tới hơn là vì có một khuôn mặt lạ trong lớp học. Hai giờ sau là hai giờ Văn. Ông thầy bốn mắt còn trẻ măng. Tôi nghe loáng thoáng tụi nó nói với nhau như vậy.
- Bồ không ra ngoài à?
Tôi giật mình ngó lại. Con nhỏ ngồi cạnh đang tươi cười hỏi tôi. Chẳng biết nó đứng sau lưng tôi từ lúc nào. Con nhỏ có gương mặt hiền như mặt Đức Mẹ, trắng hồng, chiếc mũi thanh tú, cặp môi phớt đỏ như lúc nào cũng có thoa son. Nó mặc chiếc áo dài ngắn hơn tôi, khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Chữ nhỏ này viết cũng khá đẹp. Không hiểu sao tôi có cảm tình với nhỏ này hết sức.
Tôi cười ngay:
- Ngoài đó ồn quá. Tôi thích ngồi lại trong lớp hơn.
- Ra bên ngoài đường, vui ghê lắm.
Tôi chỉ cười. Nhỏ ấy tới đứng trước mặt tôi. Hai bàn tay nó trắng hồng, cổ tay tròn lẳn, chiếc vòng ngọc thạch màu xanh trắng điểm những vân nâu đỏ rất đẹp. Tôi chưa thấy một chiếc vòng nào đẹp đến mức như vậy. Chắc rất đắt tiền. Nhỏ ấy cười, nói:
- Tôi là Uyển Nhi. Xưng tên với nhau đi. Nhi muốn mời bồ một ly đậu xanh bột lọc nước dừa. Đồng ý không?
Tôi cười lại thân mật:
- Tôi là Phiến.
Tôi đứng lên theo Uyển Nhi. Thật ra tôi cũng muốn biết không khí bên ngoài như thế nào trong giờ chơi. Nhưng đi một mình ra ngoài ấy, giữa những tiếng cười đùa tôi lại càng cảm thấy mình quá bơ vơ lạc lõng. Phải chi có Thư học chung với tôi một trường? May mắn sao, nhỏ Uyển Nhi này làm quen với tôi.
- Bồ chuyển trường à?
- Dưới tỉnh lên.
- Trường nào?
- Lê Ngọc Hân.
- Trường ấy đẹp lắm phải không?
- Đẹp.
- Gia đình bồ chuyển lên đây?
- Không. Phiến đi có một mình.
Nhỏ Uyển Nhi ngạc nhiên đến tròn mắt. Nó hỏi:
- Bồ ở trọ à?
- Ở nhờ một nhà bà con.
- Không buồn sao?
- Buồn chứ. Nhưng biết làm sao hơn.
Hai đứa ra khỏi trường. Con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đầy bóng mát của hai hàng me chạy dài nối nhau tới cuối đường. Cũng là cuối tầm mắt của tôi. Con đường này chỉ có học trò hai trường Võ Trường Toản và Trưng Vương đi thôi, các xe cộ khác cấm chạy vào. Vì thế con đường vào giờ chơi toàn là áo trắng. Áo trắng rợp cả màu nắng hanh hanh chiếu rọi lơ lửng qua các ngọn me lá vàng úa. Võ Trường Toản phía trên. Trưng Vương dưới này, độc chiếm cả một khoảng đường dài với hàng dãy xe nước đá, bò bía, cóc ổi dầm, bánh cuốn...Con đường sạch bóng, mát rượi. Những xe bán thức ăn mời gọi hấp dẫn như những cái hoa vàng cao chót vót trong vòng rào Thảo cầm viên và được vây quanh bởi từng bầy áo trắng không ngớt tiếng cười.
Uyển Nhi đưa tôi tới một xe bán nước đá. Người bán là một ông Tàu già đội chiếc nón rơm rộng vành tạo thành cái bóng mát nhỏ dưới chân lão. Chiếc xe đậu dưới một bóng me lớn, trên lề đường, sát vòng rào Thảo cầm viên. Ông Tàu già này bán đủ thứ thức uống. Nhưng hấp dẫn nhất chỉ có hai món đậu đỏ và đậu xanh bột lọc nước dừa. Ông ta múc không nghỉ tay với sự phụ giúp của bà vợ và dứa con trai nhỏ.
Những chiếc ghế đã có người ngồi. Tụi nó bắt ghế xung quanh xe nước đá đến nỗi ghế ngồi của hai vợ chồng người Tàu cũng bị lấy. Cả hai cùng đứng bán và đứa con trai nhỏ thì chạy lăng xăng thu dọn ly muỗng với những lời thúc gọi không ngớt.
Tôi nói:
- Đông quá.
Uyển Nhi cười:
- Chịu khó chờ một chút. Ở đây bán ngon nhất nên lúc nào tụi nó cũng chiếu cố kỹ. Từ xưa tới giờ Nhi chưa một lần nào...được ngồi ghế. Toàn đứng. Tụi nó nhanh chân trước, chiếm mất.
Tôi cười cười nhìn Uyển Nhi chen vào đám đông. Nó nắm tay đứa trẻ con cười nói gì đó, xong trở ra đứng cạnh tôi.
- Ông Tàu già này kinh nghiệm ba mươi lăm năm bán nước đá. Đậu xanh của ổng làm ngon tuyệt vời. Nước dừa béo ngậy, bột lọc thật dai, dòn.
Tôi nhớ lại người đàn bà bán nước đá trước cửa trường tôi dưới tỉnh. Bà ta cũng có món đậu đỏ, bột lọc trứ danh không ai bì kịp. Chút nữa tôi sẽ so sánh tài ba của hai người xem ai hơn ai.
- Nhà bồ ở xa không?
Tôi nói:
- Đường Tú Xương.
- Như vậy khá xa rồi đó. Nhà Nhi ở Đa Kao, đường Nguyễn Phi Khanh.
- Đường này có nhà bán ô mai Bắc Hà, ô mai ngon tuyệt vời phải không?
- Sao bồ biết tài vậy??
- Nghe nhỏ em bà con nói.
- Hôm nào sẽ làm quà cho bồ một gói, ô mai ở đó nhất hạng.
Đứa nhỏ mang tới đưa cho tôi và Uyển Nhi mỗi đứa một ly nước đá đậu xanh bột lọc nước dừa. Tôi quậy chiếc muỗng kêu leng keng như nỗi vui mừng trong lòng tôi lúc đó. Uyển Nhi ngó tôi cười nói:
- Bồ ăn thử xem Nhi quảng cáo có đúng không?
Tôi cười, uống một ngụm nước và múc đậu xanh trong chiếc muỗng nhỏ ngậm để nghe nước dừa và chất ngọt của đậu xanh thấm qua đầu lưỡi. Quả thật là ngon. Hơn cả xe nước đá của người đàn bà bán trước cửa trường tôi dưới tỉnh.
Tôi nói với Uyển Nhi:
- Ngon tuyệt. Nhi quảng cáo không sai tí nào.
- Thật hả?
Tôi thấy mặt con nhỏ đỏ lên, vẻ vui mừng sung sướng làm gương mặt rạng rỡ, hồng hào thêm. Con nhỏ có nước da làm người khác muốn cắn một cái.
- Không khen để lấy lònng bạn mới chứ?
Tôi cười:
- Thề đứt râu con kiến đấy.
Hai đứa phá ra cười. Uyển Nhi cũng quậy chiếc muỗng leng keng một cách vui thú. Hai đứa như bị chìm ngập trong đám đông. Tiếng cười đùa, tiếng gọi nhau í ới vang khắp khoảng đường dành riêng cho màu áo trắng.
Tôi vừa ngậm từng muõng đậu xanh ngọt lịm, mát lạnh vừa ngước nhìn hàng cây phía bên kia đường. Trong một thoáng tôi nghe có tiếng ve kêu. Tôi tưởng mình nghe lầm nhưng khi tôi hỏi Uyển Nhi con nhỏ xác nhận điều đó đúng. Con đường này lúc nào nắng lên cũng có tiếng ve kêu. Tôi nhìn những chùm hoa vàng ở xa, rưng rưng trong nắng và bỗng nhớ hai câu thơ đã đọc được:
Lần đầu tôi ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang...
Tôi muốn sửa hai câu thơ ấy lại là:
Lần đầu tôi tới nơi đây
Những con ve nhỏ đầu ngày kêu vang...
Tôi cười thầm với ý nghĩ của mình. Trong một bức thư sắp viết cho Thục, chắc chắn tôi sẽ viết về ý nghĩ buồn cười này, và tả cảnh giờ chơi trước cửa trường, quảng cáo với Thục ông già Tàu có hàng nước đá trứ danh. Chắc con nhỏ tiếc, oai oái bảo mi phải ăn giùm ta một ly. Tôi cũng sẽ nói cho Thục biết tôi có người bạn mới thật dễ thương tên Uyển Nhi. Chắc con nhỏ cũng kêu ầm lên với cái tánh "ghen tuông" của nó. Nhưng tôi sẽ hứa với nó rằng: Thục ơi, dù có một nhỏ bạn nào dễ thương đến đâu, đáng yêu đến đâu ta sẽ hứa cũng không thương, không yêu bằng mi đâu. Mi là "người tình tuyệt vời" muôn thuở của ta mà. Tôi hình dung ra gương mặt, cái chớp mắt cảm động và nụ cười tươi rói của nhỏ Thục. Bây giờ nhớ lại buổi sáng đưa tôi ra bến xe mà tôi hãy còn nhớ Thục đến muốn khóc.
Uyển Nhi bỗng cào nhẹ tay tôi nói:
- Phiến biết không, ông thầy Văn của mình giờ tới tên là Đại. Nhưng người thì rất nhỏ con. Cận nặng đâu gần mười độ. Bởi thế tụi nó đặt là Đại mù. Ông ta dễ ợt, có giọng ngâm thơ thật mùi, không thua gì Hoàng Thư trên Đài phát thanh đâu.
Tôi cười:
- Ổng ngâm...Phiến đờn Nhi đàn hả?
- Đủ thứ. Từ tiền chiến cho tới hiện đại, thơ cũ thơ mới, thơ tự do và cả thơ không tự do nữa.
Tôi cười:
- Vậy ông ta là tủ thơ rồi.
Uyển Nhi cười:
- Cũng như ông thầy dạy sinh vật, ông ta là một tủ thuốc. Đứa nào đau gì ông ta cũng bày thuốc vẽ toa như là một bác sĩ chính cống. Trong lớp có nhiều tủ lắm. Tủ thuốc, tủ thơ...chỉ thiếu một ông có tủ tiền thôi.
Con nhỏ Uyển Nhi nói chuyện cà tàng thật vui. Nó làm tôi cười luôn miệng. Nó bỗng nhớ ra cái chuyện gì cười phá lên:
- À, cái ông Đại mù mà diễn ngâm cái bài " Đi chùa Hương " của Nguyễn Nhược Pháp thì Phiến cười bò. Ông ta giả giọng và giả bộ một cô bé Bắc kỳ ngày xưa, mười lăm tuổi theo bố mẹ lên chùa và...si một văn nhân là nhất. Cả lớp cười bò ra thôi.
- Có tật thì hay có tài.
- Thật đấy. Ông Đại mù còn nhớ dai thậm tệ. Trong lớp đứa nào ổng cũng biết tên không sai. Gặp ổng ngoài đường thì chỉ có trốn thôi. Hôm nay ổng gặp Phiến nhé, hai giờ sau ổng nhớ tên và hai giờ sau tên của Phiến sẽ nằm trong trí nhớ ổng.
- Ghê quá. Nếu lỡ đi chhơi ngoài đường, đang ăn kem mà gặp ổng thì sao?
- Đã bảo, chỉ chạy trốn.
Nghe Uyển Nhi nói về ông thầy Văn sắp học hai giờ sau mà tôi cũng nóng lòng muốn biết mặt. Hình như tôi đang mong có tiếng chuông reo trở vào lớp học. Trên vòm cây cao phía trên đầu, tôi vừa thấy tiếng chim kêu. TIếng chim rộn rịp vui tươi như khung cảnh ngôi trường mới choáng ngợp tâm hồn và trước mặt tôi Uyển Nhi có phải là người bạn tốt của tôi không?
Con nhỏ vui vẻ hồn nhiên quá. Nó có vẻ khác với tôi mọi chuyện. Nó hay nói chuyện cà tàng, khôi hài, nước da trắng hồng khác với nước da của tôi. Tóc ngắn kiểu con trai và khoẻ mạnh đến độ tôi có cảm tưởng nếu giận nhau chuyện gì sau này nó nổi hứng "uýnh" tôi một cái thì tôi ngã chúi mũi chẳng chơi.
Uyển Nhi hỏi tôi:
- Phiến đã vào Sở thú chưa?
Ừ nhỉ. Sở thú. Hình như hồi còn bé lắm thì phải, tôi có được mẹ tôi cho đi chơi một lần, cũng trong dịp lên thăm dì Phương. Bây giờ tôi đâu còn nhớ gì nữa ngoài mấy con sấu dài da sần sùi thấy ghê, vẻ mặt hung dữ của con cọp, cái đuôi đẹp đầy màu sắc của một con công xòe màu. Bây giờ tôi biết trong đó có nhiều cây cỏ, những cây cổ thụ, những vườn hoa xinh xắn...
Tôi lắc đầu cười với Uyển Nhi. Con nhỏ nói:
- Hôm nào nghỉ mình chui rào vào ttrong đó chơi. Uyển Nhi và tụi nó đi hoài, toàn bằng một lối chui rào. Khỏi cần đi cửa chính.
Và nhỏ ấy kể những cuộc đột nhập Sở thú bằng lối chui rào đó một cách thích thú. Tự nhiên tôi cũng muốn lây cái tính nghịch ngợm của Uyển Nhi, mong một hôm nào có giờ nghỉ bất thình lình sẽ nhập bọn, chui rào vào Sở thú với Uyển Nhi. Nhưng để làm gì?
Tôi hỏi Nhi:
- Vào trong đó để làm gì, Nhi?
Uyển Nhi cười nhăn nhăn:
- Chắc chắn là không phải để xỉa răng cọp rồi. Mình vào trong ấy ngao du cho qua buổi học. Trong ấy có những loài cây trổ hoa đẹp lắm. Bãi cỏ xanh mướt. Những con cá đủ màu nhởn nhơ lội dưới cái hồ có cây cầu Lương Sơn Bá.
Tôi cười giòn:
- Để mơ làm Chúc Anh Đài hả?
- Mỗi đứa mơ một cách. Có đứa nằm vắt vẻo trên một nhánh cây mơ có bà phù thủy nào cỡi chổi bay ngang xớt đi. Và được một Hoàng tử tới cứu. Có đứa nằm trên cỏ mơ thành hoa, thành bướm. Mơ nhiều lắm. Mỗi đứa đều có một giấc mơ.
Tôi nói:
- Phiến sẽ mơ thành con dế mèn...phiêu lưu ký.
Nhưng có một trò chơi vui hơn những giấc mơ nhiều.
Và Uyển Nhi kể cho tôi nghe cách lượm đá núp rình ném vào những cặp tình nhân ngồi tình tự mùi mẫn dưới những lùm cây rậm rạp khuất lánh mà chỉ có những cô nàng học trò Trưng Vương chuyên chui rào mới khám phá ra. Uyển Nhi vừa kể lại thành tích vừa cười làm tôi cũng cười theo. Trò chơi này có vẻ hấp dẫn nhưng tôi không dám dự vào đâu.
Tôi hỏi:
- Lỡ người ta thấy rồi sao?
- Thấy cũng ráng vờ như không thấy. Sợ tụi này cười.
- Nhưng lớn rồi ai chơi dại vậy?
- Lớn gì. Chúng mình hãy còn bé hết đấy chứ.
Con nhỏ nói một câu ngon ơ làm tôi ngẩn ngơ. Ừ nhỉ, Uyển Nhi và tôi tại sao lại già? Phải thôi, còn bé. Tôi nhìn vào bên trong Sở thú. Qua một vòng rào dây kẽm gai và cây sống li ti xanh mướt lá tôi nhận ra con đường vắng ngắt bên trong. Con đường này chắc ít ai đi tới. Tôi không hiểu vòng rào kẽm gai như thế làm sao mà Uyển Nhi chui vào được? Nhưng tôi không hỏi...Trò chơi nào cũng dành cho sự khám phá. Tôi chẳng mong ước có một hôm nào được cùng Uyển Nhi nhập bọn đó sao?
Uyển Nhi trả tiền cho đứa trẻ con. Hai đứa băng qua đường. Bỗng có người gọi Uyển Nhi. Tôi và nó quay lại bắt gặp những khuôn mặt Trưng Vương đỏ ửng vì nắng. Những nụ cười tinh quái, những đôi mắt nheo nheo đầy ám hiệu, những sợi tóc mai ướt mồ hôi. Cả bọn kéo lại vây lấy Uyển Nhi.
- Đi đâu, tụi ta tìm mi nãy giờ quá sá?
- Rẽ bước sang ngang rồi hả?
- Có bồ mới rồi à?
- Cho ta de hồi nào vậy?
Uyển Nhi cười giòn dã giới thiệu tôi với mấy đứa bạn bu quanh. Trong đám đó có một đứa ngồi kế bên Uyển Nhi, nghĩa là cùng bàn với tôi. Nhỏ tên Thanh Trà. Tôi mê cái tên này ngay. Sao tụi nó đứa nào cũng có cái tên nghe hay thậm tệ. Tôi đưọc biết thêm những đứa như: Sơn Ca, Tưởng Phố, Hồng Mai, Kim Uất. Tụi nó cũng làm quen với tôi ngay bằng lời chào, bằng những nụ cười, bằng những cái nheo mắt đầy hứa hẹn.
Thanh Trà bảo:
- Bồ ngồi đầu bànn đây mà. Thế chỗ con Cúc Hoa chuyển trường theo bố mẹ lên Đà Lạt rồi.
Sơn Ca cầm tay tôi:
- Bồ ở đâu tới nhập tịch vào Trưng Vương vậy?
- Lê Ngọc Hân
Kim Uất nheo mắt:
- Lê Ngọc Hân ở chỗ mô?
- Mỹ Tho.
Tưởng Phố cười:
- Đố Kim Uất biếtt Mỹ Tho ở đâu?
- Dễ ợt, Mỹ Tho...ở trên tấm bản đồ đó.
Cả bọn cười ầm ĩ. Hồng Mai ngây thơ con cá vàng:
- Phải Mỹ Tho có lúc gọi là Định Tường không?
- Đúng rồi. Sao Hồng Mai giỏi rứa? Mai mốt thi trắc nghiệm chắc đậu.
- Vậy ta biết Định Tường rồi.
Sơn Ca hỏi tôi:
- Sao bồ bỏ Lê Ngọc Hân mà nhập tịch Trứng Vịt?
- Ngọc Hân theo vua Quang Trung đi rồi nên bồ bỏ là phải.
Uyển Nhi đáp thế tôi:
- Bồ ấy có lý do riêng.
- Mình là bạn...nha. Cấm đứa nào bắt bồ lẻ với nhỏ Phiến đấy.
Uyển Nhi la lên:
- Phiến là của riêng ta.
Thanh Trà cười:
- Hai tên này "mê" nhau hồi nào mà nhanh vậy?
- Hai tên bị "tiếng sét ái tình" đánh gẫy răng kểnh rồi.
- Bồ Nhi có. Ta vừa khám phá ra nhỏ có tới hai chiếc răng khểnh lận.
Uyển Nhi cười to:
- Vậy nhường cho mi một chiếc.
Tôi được đám bạn mới bao vây. Chúng nó hỏi tôi đủ thứ chuyện. Có đứa còn cù cho tôi cười nữa, vì thấy tôi ít cười. Tiếng chuông bất ngờ reo vang. Cả bọn nhao nhao chạy vào cửa. Tôi thấy con đường đột nhiên như bừng sáng, bung ra bởi làn sóng áo trắng đổ dồn về phía cổng.
Uyển Nhi ghé vào tai tôi cười khúc khích:
- Hôm nay Phiến ra mắt ông Đại mù nhé. Vòi ổng ngâm "Đi chùa Hương" nhé.
Và uyển Nhi cặp tay tôi đi giữa đám đông vào trường. Nhỏ ấy còn hát nho nhỏ:
Hôm nay đi chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy
Em vấn đầu soi gương...
Hai giờ Văn của ông Đại mù qua nhanh trong tiếng cười ầm ĩ của lớp học. Đến nỗi bà Giám thị phải tạt ngang qua ghé vào. Nhưng khi thấy thầy đồng lõa với học trò, bà ấy chỉ đảo đôi mắt sắc như dao rồi đi. Tuy nhiên cả bọn cũng dè dặt không dám cười đùa ầm ĩ nữa.
Tiếng chuông reo cắt đứt buổi học. Tôi với Uyển Nhi sánh bước ra đường. Nắng chang chang trên màu lá, chói mắt một chút. Đứa nào cũng đỏ ửng như uống rượu. Tôi như vừa uống chanh Rhum.
Uyển Nhi hỏi:
- Phiến về bằng gì? Tôi lóng ngóng nhìn ra cửa trường.
- Chắc là có xe nhà tới đón.
- Xe hơi?
Tôi lưỡng lự rồi gật nhẹ đầu. Uyển Nhi trố mắt hỏi:
- Nhà giàu quá ta?
Tôi chống chế:
- Có phải của Phiến đâu. Của dì Phiến mà, Phiến đi chung với nhỏ em.
- Nhỏ ấy hách nhỉ?
- Nó thương Phiến lắm.
- Trong lớp mình có hai ba nhỏ có xe nhà tới đón. Nhỏ Sơn Ca là một. Mấy đứa kia Uyển Nhi không chơi. Tụi nó hách lắm.
Tôi cười:
- Đi xe hơi có gì đâu mà hách?
- Thế mà tụi nó hách mới buồn cười chứ. Mặt đứa nào cũng kênh kênh lên. Chỉ có nhỏ Sơn Ca là hiền. Nhỏ ấy tốt lắm. Nhà thật giàu mà cũng thật hiền.
- Cái tên nghe bắt mê. Nhỏ Kim Uất nữa. Uyển Nhi tên cũng đẹp. Thanh Trà cũng xinh xắn như...quả Thanh Trà. Chỉ có Phiến là nhà quê.
- Phiến dễ thương ghê nơi chứ. Phiến có nước da làm người ta bắt mê.
- Da cột nhà cháy?
- Trái rám, sắp chín. Nước da khỏe mạnh. Nước da thu hút.
- Thế mà Phiến gầy, chả có vẻ...thể thao chút nào.
- Gầy như vậy đâu có sao. Gầy cho mấy chàng thi sĩ gốc me làm thơ ca tụng Trứng Vịt chứ.
Mấy nhỏ kia cũng vây quanh tôi nói chuyện như là không muốn về. Sơn Ca đi xe nhà, còn lại là xe đạp hoặc xe Honda. Tôi thấy Thư vẫy tôi từ trong xe, dưới một bóng mát. Uyển Nhi cũng ngó thấy. Nhỏ bảo tôi:
- Kìa. Phiến có người gọi.
- Nhỏ em họ đó.
Tôi chào mấy nhỏ bạn mới. Uyển Nhi theo tôi băng qua đường, tới chỗ xe đậu mới chịu để tôi lên xe. Tôi cười với Uyển Nhi một nụ cười thật tươi. Nhỏ ấy giơ tay vẫy tôi và hẹn buổi học ngày mai. Thư đóng cửa xe. Bác tài xế cho xe chạy. Con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm rợp trong màu áo trắng Trưng Vương. Những tốp đi với nhau xe đạp hoặc xe gắn máy. Tiếng cười đùa ầm ĩ với nhiều giọng nói, nhiều nét mặt. Con đường nhiều bóng mát nhưng cũng óng ánh màu nắng.
Thư mặc đồng phục của trường. Chiếc rốp xanh đậm gấp nhiều pli. Áo sơ mi ngắn tay trắng, tên thêu chỉ xanh nơi ngực áo. Nhỏ cười hỏi tôi:
- Sao chị Phiến, vui chứ?
Tôi nói:
- Vui lắm. Có mấy đứa bạn mới rất dễ thương.
- Chúng nó có...ăn hiếp chị không?
- Không. Tụi nó làm quen với chị, thật vui.
- Mấy nhỏ vây lấy chị lúc nãy đó hả?
- Đó. Nhỏ Uyển Nhi theo chị sang đường.
Thư dúi cho tôi một cái kem ốc. Tôi cười, thoáng ngạc nhiên nhưng cũng cầm lấy. Hai đứa vừa ăn vừa nói chuyện. Kem làm răng tôi mát tê. Xe có máy lạnh nên cửa kiếng quây kín. Tôi chỉ thấy bóng nắng chói chang trên đường khi xe quẹo vào con đường lớn. Không hiểu sao khi ngồi trên một chiếc xe như vầy tôi lại bối rối, ngượng ngập trước đám bạn mới.
Tôi hỏi Thư:
- Về nhà hả?
- Ghé trường đón nhóc Huy.
Trường của Huy nằm trên đường Cường Để cạnh Văn Khoa và Dược. Ngôi trường đúng như tên gọi của nó, có thật nhiều cây trồng làm mẫu. Tôi thấy Huy băng qua đường, Huy cầm trong tay cái cây con đang ươm trong cái giò lá có phân. Huy định mở cửa sau lên, nhưng Thư quây kính hét:
- Mi ngồi băng trước. Con trai không chen vào chỗ con gái.
Và Thư quây kính lên. Huy tiu nghỉu mở cửa trước lên ngồi cạnh bác tài xế. Thư hỏi:
- Mi đem cái cây đó về làm gì vậy?
- Trồng.
- Tết...Marốc mới sống nổi.
- Nghề của Huy mà.
Thư chìa cho Huy cây kem. Nó sáng mắt chộp lấy và cười duyên:
- Chị Thư điệu quá ta. Đang khát nước có kem là nhất.
- Thương mi lắm mới để dành, không thì xơi hết rồi.
- Mai mốt cái cây này nó lớn, chị sẽ thấy khối anh chàng leo cây vào nhà mình.
Thư cười:
- À, triết lý. Biết rồi, nhà hiền triết Ai Cập.
Huy đỏ mặt im thin thít. Tôi mỉm cưởi vì sự đùa nghịch vô tư của chị em Thư. Như vậy là nõi lo sợ của tôi trong ngày đầu vào ngôi trường mới đã trôi qua. Tôi vui mừng nhận thấy trong sự thay đổi của mình ngấm ngầm mang chút hạnh phúc. Ít nhất, tôi cũng đã ra khỏi nhà của dượng Tư, ra khỏi nỗi bất hạnh của đứa con gái không cha. Tôi không bằng lòng với hiện tại của tôi đâu, nhưng dù sao sống với dì Phương, tôi cũng thấy một đời sống thoải mái hơn, tôi đã tin tưởng vào việc học của mình. Tôi sẽ không bỏ dở nó nửa chừng. Tôi bắt đầu nuôi hy vọng. Tôi biết cuộc đời tôi bắt đầu từ phút này, tương lai nằm trong tay tôi. Tôi có đánh mất nó không là do sức chịu đựng và sự khôn khéo nơi mình. Không ai mang tương lai tươi đẹp cho mình cả, nhất là tôi, một đứa con gái nghèo khổ bất hạnh, tôi phải tự làm lấy đời tôi bằng một chút may mắn nào đó còn có được trong đời.
- Chị được xếp ngồi ở đâu?
- Đầu bàn thứ hai, may quá, chỉ sợ mình ngồi sau chót.
Và tôi kể lại cho Thư nghe chuyện ông thầy Văn. Con nhỏ cũng cười bò. Tôi hình dung lại những gương mặt bạn bè mới. Những Uyển Nhi, Thanh Trà, Sơn Ca, Hồng Mai, Kim Uất, Tưởng Phố. Tôi thấy nôn nóng buổi học ngày mai.
Về tới nhà tôi nhận ngay ra sự khác lạ, dãy rào được cắt xén gọn ghẽ, bằng phẳng. Mùi lá cỏ bị dập gãy lẫn với mùi đất ẩm mới tưới nồng nàn quá. Dượng Qúi cũng đã về. Mỗi đứa vào phòng của mình. Nghỉ một chút được chị Cúc gọi ra ăn cơm.
Bữa cơm hôm nay có đủ mặt mọi người. Dượng Qúi, dì Phương,Thư, Huy và tôi. Bác tài xế đã về nhà chiều mới trở lại. Tôi mời dượng Qúi và dì Phương ăn cơm, dượng cười hỏi tôi:
- Đi học vui không?
Tôi đáp:
- Dạ vui.
- Có gì trở ngại cho dượng biết nhé.
Tôi gật nhẹ. Dì Phương cũng hỏi thăm tôi qua loa, rồi mọi người bắt đầu ăn. Bữa ăn thật lặng lẽ. Tôi thôi trước nhất và bỏ về phòng.
Một lúc, Thư vào. Nó ngồi cạnh tôi, nói:
- Ông bà cãi nhau.
Tôi ngạc nhiên:
- Lúc nãy chị đâu thấy gì?
- Ngấm ngầm đó. Bây giờ đang cãi nhau kịch liệt trong phòng riêng.
- Chuyện gì nhỉ?
- Có trời mà biết được.
Tôi hỏi:
- Có nghiêm trọng không?
- Bao giờ cãi nhau cũng nghiêm trọng hết.
- Dượng có hay đánh dì?
- Ít lắm. Gần như khôngg có. Chỉ cãi nhau rồi mạnh ai nấy bỏ đi.
- Cãi nhau thì buồn quá.
Thu rơm rớm nước mắt:
- Mỗi lần cãi nhau ông bà bỏ đi. Thư và nhóc Huy ở nhà buồn muốn chết. Sau đó hai đứa cũng tìm cách ra khỏi nhà luôn. Ngôi nhà mênh mông này chỉ còn một mình chị Cúc.
Tôi cũng đã từng chứng kiến những trận cãi nhau của dượng Tư và mẹ tôi. Mỗi lần uống rượu say, dượng Tư lè nhè chửi bới, đánh đập mẹ tôi, xung quanh đó là những đứa em kêu khóc. Tôi không khóc nhưng trí óc lơ láo như không thuộc về mình nữa. Tôi nằm một xó hay bỏ chạy tới nhà Thục. Chỉ khi đó tôi muốn khóc, khóc ngon lành với Thục.
- Thư sợ lấy chồng, lấy chồng hay cãi nhau quá.
Tôi cười:
- Thật không?
- Thật. Bởi thế nên Thư không thèm có bồ.
Tôi không nghe tiếng cãi nhau của dì Phương và dượng Qúi. Nhưng lúc sau tôi thấy dượng hối hả lái xe đi. Thư đứng ở cửa sổ và nói:
- Ổng đi ít nhất là hai ngày mới về.
- Lần nào cũng vậy sao?
- Có khi cả tuần lễ. Không biết đi đâu. Má phải đi tới những nơi quen biết tìm. Không gặp. Cuối cùng mới nhận được điện tín của ổng ở tận...Đà Lạt, báo tin sắp về mới buồn cười.
Tôi cười hỏi Thư.
- Mỗi lần cãi nhau Thư theo phe nào?
- Thư trung lập. Không theo ba mà cũng không theo má.
- Nhóc Huy?
- Nó trầm ngâm. Có trời mới biết nó nghĩ gì. Nhà hiền triết Ai Cập mà chị.
- Chị cũng sợ cãi nhau lắm. Sau này nếu có chồng chị sẽ nhất định không cãi nhau.
- Biết đâu sao này lấy chồng chị sẽ trở thành một bà chằn lửa?
Thư cười, tôi cũng cười. Ừ biết đâu đó. Con gái có chồng là thay đổi hoàn toàn. Tôi không thể hình dung ra tôi ở ngày mai ấy. Nhưng câu nói của Thư làm tôi thấy xao xuyến một chút.
Thư chép miệng:
- Buồn quá.
- Ngủ một giấc, thức dậy sẽ quên hết.
- Chị có thích đi bơi ở hồ tắm không?
- Trời ơi, chi mà đi bơi? Phơi nước da như thế này cho người ngắm, kỳ chết.
Thư vung tay:
- Nhiều đứa mê nước da như chị lắm.
- Nhưng chị chưa bơi ở hồ tắm bao giờ, làm sao dám? Mắc cỡ chết.
- Nhưng sẽ quen.
- Chị không quen nổi đâu.
- Đi một mình Thư cũng chán lắm.
- Chị đến đó chơi thôi nhé, nhìn Thư bơi. Cho chị đứng trên bờ.
Thư cười khanh khách, nó lắc đầu:
- Như vậy thà chị đừng đi còn hơn.
- Thôi ngủ một giấc đi, dậy sẽ tính. Bây giờ chỉ mới là buổi trưa.
- Chị làm gì?
- Cũng thử ngủ một chút. Hay soạn bài.
- Em nằm đây với chị.
Con nhỏ nhảy lên giường tôi và bắt tôi nằm cạnh nó. Bây giờ tôi thấy Thư như đứa trẻ con. Gương mặt Thư trong lúc nằm nhìn lên trần nhà, trông hồn nhiên và trong sáng làm sao. Tôi thấy thương nó và không hiểu mình phải làm gì. Một lúc Thư ngủ thiếp đi trong một giấc ngủ dễ dàng. Tôi rón rén trở dậy, vào phòng rửa mặt và tới ngồi trước bàn học. Nhưng tôi không học được chữ nào. Mắt tôi dán chặt cùng ánh nắng ngoài vườn. Những chùm hoa đỏ trên màu xanh cây trước con dường ngang nhà. Tiếng chim tíu tít trong các khóm cây trong vườn. Dãy rào mới cắt tỉa bằng phẳng. Tôi nghĩ lung tung chuyện cãi vã của vợ chồng dì Phương. Hai ông bà coi hạnh phúc vậy mà cũng có lúc cãi nhau ư? Tôi tưởng chỉ ở những gia đình túng thiếu, lo lắng về sinh kế mới thường xảy ra chuyện cãi nhau giữa hai vợ chồng. Như gia đình của mẹ tôi đó. Tôi đã sống trong không khí nặng nề và nhìn xem thảm kịch ấy thường xuyên. Mẹ tôi bây giờ ra sao? Tôi đã viết hai lá thư về cho mẹ tôi và chờ đợi thư trả lời. Có thể bà không có thì giờ để trả lời thư. Hoặc cũng không có gì để nói thêm. Coi như tôi đã ở yên trong một nơi chốn mà mẹ tôi mong ước. Và ở đó, bà vô cùng yên tâm. Tôi đã là con chim rời khỏi tổ. Tôi muốn khóc khi nhớ đến mẹ tôi và những gì bà phải chịu đựng thêm trong ngôi nhà đó. Nhưng tôi biết mẹ tôi không khổ như tôi. Ít nhất, bà cũng đã chọn lựa, và bà có những đứa con để thương yêu. Dưới mắt bà tôi đã lớn. Nhưng một đứa con gái chưa chồng dù bao nhiêu tuổi vẫn không thể là người lớn nếu sống xa mẹ. Nhưng như thế mà tôi đã lớn phải lớn thêm.
Có lẽ dì Phương đã ngủ trưa. Ngôi nhà vắng vẻ quá. Không một tiếng động nào. Không một bước chân. Mỗi người ở trong phòng riêng của mình. Quái lạ, trưa nay tôi không buồn ngủ. Nếu ngay bây giờ tôi có thể ngủ được, chắc sau đó sẽ có một buổi chiều yên tĩnh, thoải mái hơn, đến với tôi. Nhỏ Phiến ạ, cái đau của mi đó, đừng bắt nó vẩn vơ nhiều kẻo uống thuốc không kịp.
Tôi bỏ đi ra ngoài. Vườn cây có những khoảng bóng mát. Tôi đi dạo qua các khoảng cây nghe những chiếc lá đung đưa nhè nhẹ và nghe những bước chân mình vang trên sỏi. Những con ve ở trên cây cao bên ngoài con đường kêu râm ran, một âm thanh buồn rười rượi với một buổi chiều sắp tới. Những chiếc hoa đỏ nở bung cánh phơi mình trong nắng báo hiệu mùa hè sắp tới rồi chăng? Tôi ngước nhìn lên một trái phong đu theo gió cuốn lên trời, hay dạt về phía xa mất hút. Bóng tôi ngả trên mặt cỏ mịn, tôi muốn nằm ở đây, dưới những bóng lá để nhớ tưởng những buổi trưa trong vườn nhà dượng Tư, cây trứng gà sai trái chín và cho bóng mát lớn quanh chiếc võng kẽo kẹt của tôi. Ôi hình bóng ấy êm dịu quá. Bây giờ tôi mới biết những cái đó trong tay mình sắp sửa trở thành nỗi nhớ tiếc khôn nguôi.
Huy đi ra từ lúc nào. Nó hỏi tôi từ phía sau lưng làm cho tôi giật mình:
- Chị Phiến không ngủ trưa à?
Tôi quay lại cười:
- Chị ít ngủ trưa.
- Bà Thư thì trưa nào cũnng đánh một giấc tới chiều.
- Ngủ một chút cũng tốt. Không ngủ được chị mới đi loanh quanh ngoài vườn.
- Huy cũng chịu. Không ngủ được. Bây giờ có thể chui vào ciné nhỉ?
- Sao không? Huy có quyền mà.
- Đi một mình chán ngấy. Nhiều khi lầm lũi vào rạp mới hay phim này mình xem rồi. Đành nằm ngủ khoèo bù lại tiền mua vé.
Tôi cười:
- Dẹp bớt cái tánh đãng trí đi.
- Vẫn cứ quên luôn.
- Chị muốn quên nhiều thứ mà vẫn cứ nhớ. Phải đổi được với Huy thì thú vị biết mấy.
Huy cười cười cười, nó đu quanh một thân cây. Cặp mắt kiếng của nó nặng quá, có những đường vòng trông đến nhức đầu, làm tôi nhớ đến đôi mắt sắp sửa mang kiếng của tôi. Trời ạ, nếu tôi mang kiếng cận vào lớp chắc rùng rợn lắm. Không thể đoán nổi chuyện gì sẽ xảy ra với những đứa bạn mới cùng lớp. Tự nhiên bây giờ tôi nhớ con nhỏ Uyển Nhi. Con nhỏ nói chuyện vui đáo để.
- Bà Thư có rủ chị đi tắm ở hồ tắm không?
- Có.
- Chị đi không?
- Không, mắc cỡ chết được.Chị chưa tắm ở hồ tắm bao giờ. Cứ tưởng tượng trước con mắt bao nhiêu người nhìn mình. Chao ơi là rùng rợn, nổi da gà.
- Huy cũng ghét cái trò đó.
- Chị không ghét nhưng cũng không ham. Chị...trung dung.
- Bộ tắm ở nhà không được sao phải tới những nơi đó. Hồ tắm dơ bẩn đủ thứ vi trùng của đủ thứ hạng người. Nhớ ngày xưa bà Thư mới đi bơi lần đầu bị sưng hai con mắt đỏ au phải nhỏ thuốc cả tuần lễ mới khỏi. Tưởng đâu bà ấy bị mù luôn rồi chớ.
Huy nói xong cười dòn. Nó đá một viên sỏi lăn vào bãi cỏ. Tôi không công kích như Huy, nhưng chắc chắn còn lâu lắm tôi mới dám nghĩ rằng mình cũng có thể phơi mình trên bờ hồ tắm trước bao nhiêu con mắt người lạ sẵn sàng nhìn mình. Tôi vẫn là con nhỏ nhà quê, nhút nhát và run lẩy bẩy trước người lạ như con chim sẻ trước đôi mắt loài rắn lục.
- Ba má Huy cãi nhau hồi trưa, chị hay không?
- Có. Thư có cho chị biết.
- Tại sao lại cãi nhau, chị nhỉ?
- Không lẽ...đập nhau à?
- Thà như vậy còn hơn cãi nhau. Chán đời. Huy ghét cãi nhau.
- Rồi Huy sẽ cãi nhau.
- Không bao giờ. Nhất là với con gái. Im lặng là chiến thắng, chỉ những người nào nói nhiều mới thua.
- À, triết lý.
- Không phải triết lý nhưng cũng gần như vậy.
Tôi hỏi Huy cùng một câu hỏi với Thư:
- Huy về phe ai?
- Về phe ba. Đúng hơn, bao giờ đàn ông cũng có lý.
Tôi cười:
- Nói thế coi chừng ế vợ đấy nhé, ông hiền triết.
Huy cười, nheo mắt:
- Chả ngán. Tại đàn bà nên mới có chiến tranh.
- Trời ạ. Ăn nói chi mà ẩu tả vậy cậu bé?
- Chị nghĩ xem. À quên, chị là đàn bà, chị phải bênh vực thế giới của mình.
- Không lẽ chị cãi nhau với Huy?
Huy ngập ngừng đỏ mặt và cười. Tôi ngồi xuống bãi cỏ, nhưng không biết làm gì hơn là bó gối nhìn ra đường. Huy đi lại phía trước mặt tôi. Nó cười hỏi:
- Phải chi có cốc kem bây giờ thì ngon tuyệt.
- Chị cũng đang khát nước. Nếu có một ly chanh Rhum thì tuyệt.
- Ra phố?
- Điên. Đi giữa trưa vầy sao?
- Ăn nhằm gì. Người ta vẫn đi, nhưng có ai điên đâu.
- Điên cho cái ý nghĩ của mình kìa.
Một người vừa dừng xe lại trước cổng nhà cắt đứt chuyện giữa tôi và Huy. Tôi hơi ngạc nhiên trước vẻ quen thuộc của người đó và tôi hơi hốt hoảng khi nhận ra anh chàng Trâm, bạn của Thư. Tôi chỉ Huy xem. Nó nói:
- Cái anh chàng này trưa nắng mò tới nhà người ta làm gì? Điên chăng?
Tôi cười:
- Mới mát thôi.
- Mở cổng không?
- Anh ta thấy mình rồi. Không mở cổng là mất lịch sự.
- Chị mở đi.
- Huy mở.
- Bảo bà Thư đi vắng nhé?
- Tùy Huy. Chị không biết.
Huy tiến ra mở cổng cho anh chàng có cái tên con gái đó. Trâm dắt xe vào tìm chỗ dựng. Huy nói nhỏ với tôi:
- Anh chàng trở chứng, không hỏi bà Thư mà hỏi chị.
- Hỏi chị làm gì?
- Ai biết.
Huy cười tinh nghịch rồi lẻn vào nhà. Tôi không kịp bảo Huy đánh thức Thư dậy tiếp Trâm. Trâm hơi gàn khi thản nhiên tiến tới trước mặt tôi, hỏi:
- Phiến không ngủ trưa sao?
Tôi hơi bực vì thái độ của Trâm nên xẵng giọng:
- Không.
Nhưng hình như Trâm không để ý vẻ mặt của tôi, anh chàng cười:
- Thơ thẩn ngoài vườn thích nhỉ?
Tôi đứng lên khoát tay, nói:
- Thư nó ngủ, để tôi vào đánh thức Thư dậy.
Nhưng Trâm thản nhiên:
- Để Thư ngủ.
- Thế Trâm tới đây làm gì mà không cho gọi Thư dậy?
Tôi cáu kỉnh gọi Trâm bằng tên thay vì phải gọi là "anh" như thường lệ. Đó là phép lịch sự. Nguyên tắc, Trâm là bạn Thư, Trâm phải gọi tôi bằng "chị" mới phải. Không ngờ bị tôi gọi bằng tên, Trâm đâm ra lúng túng không biết nên trả lời tôi qua cách xưng hô như thế nào. Nhưng rồi, anh chàng cũng gọi tôi bằng tên như cũ.
- Tôi có làm phiền gì Phiến không?
- Không biết. Nhưng Trâm đến thì vào nhà nói chuyện với Thư. Tôi nghĩ thế.
- Nhưng Thư ngủ?
- Thì tôi kêu dậy.
- CÔ bé ấy khó tính, bị kêu dậy sẽ có cái mặt bánh bao chiều. Tôi nói chuyện với Phiến cũng được chứ?
- Có quan trọng không?
Trâm hơi nhăn mặt. Tôi thích như vậy.Và không hiểu sao tôi cũng muốn chọc tức anh chàng này thêm nữa.
Trâm nói, vẻ phân trần:
- Có gì quan trọng đâu. Bình thường tôi vẫn tới đây chơi, nói chuyện với Thư. Hôm nọ gặp Phiến đi cùng với Thư trên phố,chúng ta quen nhau. Bữa nay ghé nhà chơi, nếu không có Thư thì tôi nói chuyện với Phiến. Tự nhiên vậy thôi.
Tôi nổi sùng muốn gây với Trâm một trận. Nhưng chợt dằn ngay. Tôi ngại dì Phương sẽ nhìn thấy tôi ở ngoài này nói chuyện với người ta.
Tôi cười cười:
- Vậy mời Trâm vào nhà.
Trâm theo tôi vào phòng khách. Tôi lấy lý do đi rót nước để đánh thức Thư dậy.
Con nhỏ còn ngái ngủ nên hỏi một câu làm tôi ngạc nhiên:
- Trâm nào?
- Trâm, bạn của Thư chứ ai vào đây?
- Anh chàng ấy đến làm gì giờ này? Chị bảo Thư hãy còn đang ngủ.
- Nhưng chả lẽ Thư để người ta "ngồi đồng" ngoài đó à? Chị đâu biết gì mà nói?
Thư ôm cái gối dài mỉm cười, rồi quay vào tường nói vói lại:
- Anh chàng mết chị rồi.
Và con nhỏ làm như ngủ tiếp. Tức thật. Tôi đành phải mang tách nước ra để lên bàn với cái mặt đưa đám.
Anh chàng cười:
- Cám ơn Phiến. Tôi uống tách nước này chắc cháy ruột.
- Xin lỗi. Tôi quên lấy cho Trâm một ly nước mát.
- Nước mát cũng cháy ruột luôn.
- Sao thế?
Bởi người có ý đãi khách đang bốc lửa.
Tôi bật cười vì lời pha trò của Trâm.
- Tôi nguội ngắt. Chả có tí lửa nào đâu.
- Phiến giận tôi?
- Có gì đâu mà giận. Chút nữa Thư ra tới tha hồ mà nói chuyện.
Hình như anh chàng không thèm để ý thái độ của tôi. Trâm ngồi ngả người trên ghế với điếu thuốc nhả khói dịu dàng hỏi:
- Đi học vui không?
- Vui.
- Trường đó có nhiều cô gái đẹp và nghịch lắm.
Tôi đáp nhát gừng với Trâm. Cụt hứng, anh chàng cũng im lặng, ngó lên trần nhà như đang nghiên cứu một cái gì chăm chú ghê lắm. Tôi cười thầm, có cái gì hay trên đó mà ngó. Tôi cũng im lặng, và gương mặt tôi lúc đó trông buồn cười lắm thì phải?
Tôi đang mong nhỏ Thư bước ra tiếp chuyện với Trâm để tôi được thảnh thơi lăn ra giường hay chạy đi tắm. Tôi lo sợ con nhỏ đó ngủ lại thì không biết đối xử với anh chàng này ra sao. Tôi lo sợ dì Phương tình cờ đi ra bắt gặp. Tôi không muốn cho dì hiểu lầm về tôi. Một lúc, có lẽ thấy sự im lặng kéo dài có vẻ nặng nề quá. Trâm kiếm chuyện để nói:
Tôi biết Phiến đang bực mình.
- Hình như vậy.
- Tại tôi?
- Tùy. Trâm muốn hiểu sao thì hiểu.
- Tôi ngạc nhiên ghê gớm. Hôm gặp nhau trên phố Phiến đâu có thái độ như vậy.
- Tụi bạn bảo tôi là con nhỏ mát dây.
Trâm cười, tôi hỏi:
- Trâm không tin?
- Không.
- Vậy thì tôi như thế nào?
- Phiến không thích tôi. Và tôi biết vì sao rồi.
Câu nói của Trâm mang một âm điệu nào đó làm tôi cảm thấy có một nổi buồn tràn ngập trong hồn anh chàng. Bất giác tôi thấy mình vô lý trước Trâm. Nhưng tánh tôi vốn vậy không thay đổi được. Tôi vốn độc đoán trong tình cảm. Tôi vẫn nghĩ là Trâm yêu Thư, tình yêu ấy phải vững bền với hai người, ít nhất với người con trai. Tôi đã làm Trâm chuyển hướng tình cảm của mình? Tôi ghét Trâm vì lẽ đó ư? Tại sao tôi cứ thích người ta một mực chung thủy với nhau nếu có điều gì đó không hợp với nhau được nữa?
Đột ngột tôi hỏi Trâm:
- Sao Trâm bảo không phải tới tìm Thư?
- Tại Thư còn ngủ.
- Không phải như thế. Trâm ngụy biện. Trâm có ý định ấy từ ngoài cổng, lúc chưa biết Thư còn ngủ.
Trâm ấp úng ngó tôi. Đôi mắt của người con trai này có cái gì dối trá chứ không phải là một đôi mắt cuốn hút người ta. Tôi cười giòn:
- Tôi là chị của Thư.
- Nhưng Phiến nhỏ tuổi hơn tôi là chắc.
Bất ngờ tôi nghe tiếng xe gắn máy nổ giòn và nhìn thấy Thư phóng xe ra cổng. Tôi nhìn thấy nhưng không biết cách nào gọi Thư lại. Tôi đoán là Thư đi bơi ở hồ tắm. Nhưng có trời mới hiểu nổi là con nhỏ nghĩ gì trong lúc này.
- Thư đi rồi.
Tôi nói và nhìn xem thái độ cúa Trâm. Trâm nói thản nhiên:
- Cô bé ấy vẫn thế. Nhiều khi thấy tôi tới cô bé ấy bỏ đi. Cũng có khi vui vẻ bắt tôi ngồi lại nói chuyện. Rất vui vẻ nữa là khác. Nếu người nào bị mát dây thì người đó là Thư chứ không phải Phiến.
Tôi cười:
- Những khi Thư bỏ đi Trâm làm gì?
- Tôi đi về.
- Không giận Thư?
- Không. Hôm gặp Phiến cùng đi với Thư dưới phố, trước đó tôi đã có ý định giận Thư vì tôi tới chơi mà Thư cũng bỏ đi đâu mất biệt.
Tôi nói, hơi cay đắng:
- Kể ra Trâm cũng chịu khó.
- Sá gì. Còn trẻ con.
Có lẽ tôi phải thay đổi thái độ với anh chàng này mất. Tôi bỗng đâm ra gờm gờm Trâm. Có thật Trâm không như tôi tưởng? Giữa lúc đó, Trâm cười nói rất thản nhiên:
- Tôi cũng không giận Phiến.
- Tôi không trẻ con như Trâm nghĩ đâu nhé.
- Dĩ nhiên. Phiến khác xa Thư chứ. Tôi thấy Phiến có gì là lạ hay hay.
Tôi đỏ mặt. Dù sao Trâm cũng làm tôi bớt giận, bớt bực tức với thái độ gần như ngang nhiên, gàn dở của anh chàng. Tôi chỉ bối rối tại sao Thư đột ngột bỏ đi trong khi biết có Trâm ở đây và tôi là kẻ bất đắc dĩ phải tiếp chuyện dùm Thư. Con nhỏ cà tàng thật.
- Bây giờ Thư đi rồi.
Trâm dụi mẫu thuốc vào cái gạt tàn:
- Tôi về. Nếu Phiến cho là tôi chỉ được tiếp chuyện với Thư.
Tôi hơi tội nghiệp Trâm nhưng cũng đứng lên nói:
- Thôi, hôm khác có Thư ở nhà mời Trâm tới chơi.
- Cám ơn Phiến.
Và Trâm cười. Nụ cười thật tươi không biểu lộ chút hờn giận nào rồi ra lấy xe, nổ máy, thản nhiên ra về. Trâm làm tôi chột dạ. Cái anh chàng này lạ kỳ quá. Nếu một đứa con trai khác bị tôi đối xứ như vậy hay Thư đối xử như vậy chắc đã đùng đùng nổi giận. Tôi bực bội xua đuổi hình ảnh Trâm ra khỏi đầu óc mình. Cần quái gì phải chú ý đến một người con trai có cái khác với những người con trai kia chứ? Có thể anh chàng này cũng mát dây thì sao?
Huy đi ra hỏi:
- Anh chàng kỳ đà ấy về rồi à?
Về rồi. Thản nhiên về mới ly kỳ chứ.
Huy cười:
- Anh chàng ấy ly kỳ lắm. Bây giờ chị mới biết?
- Chị mới quen anh ta mà.
- Kép độc của bà Thư đấy chị ạ.
- Không có đâu. Anh chàng ấy Thư nó đâu đế ý tới. Thư nó không có bồ.
- Trời mới biết.
Tôi cười:
- Nếu bây giờ có ai lột mắt kiếng của Huy, Huy có thấy đường không?
- Thấy chứ. Nhưng ở xa không thấy rõ. Ở gần thấy mờ mờ. Cận chứ đâu có bị mù.
- Coi chừng Thư nó lột mắt kiếng Huy đấy. Huy cười khúc khích, chị Cúc vào nói dì Phương gọi Huy nên câu chuyện dừng lại giữa chừng. Tôi nhìn nó đi theo chị Cúc ra ngoài thầm hỏi mình, có chuyện gì đấy nhỉ?