Chương 8

Những ngày sau đi học tôi bồn chồn chẳng yên. Tôi nôn nóng được biết kết quả cuộc thử máu mấy đứa em thằng Hợi, nhưng hai, ba ngày ngay bóng Tùng vẫn biệt tăm. Tôi ngại đến bệnh viện hỏi thăm Tùng hay nói đúng hơn là tôi không muốn đến, bạn của Tùng ở đó đông quá, hình như họ cũng là bạn của anh Tuấn nữa, nhưng họ cũng nhìn tôi bằng con mắt hững hờ. Tôi cố tránh sự lạnh lùng đó càng xa càng tốt và tội nghiệp thân tôi, đã có nhiều lúc tôi tự hỏi, chẳng biết Tùng có mắc cở với bạn bè khi có một người bạn xấu xí như tôi không?
Nhưng rồi sự chờ đợi cũng đến, Tùng lại nhà báo tin với tôi rằng tất cả những đứa em thằng Hợi đều mạnh khỏe, duy chỉ có con Tý là nghi ngờ có bệnh vì trong máu nó chứa nhiều chất đồng nhưng chưa đến lúc nguy hại cho tính mệnh.
Tôi cuống lên:
- Chết chưa, chừ làm răng anh, phải chữa ngay cho con Tý tức khắc.
Tùng dựa người vào lưng ghế:
- Tiên đừng lo, con Tý sẽ được chữa dứt bệnh.
- Anh thưa lại với ba Tiên chưa?
- Thầy đã biết chuyện ni rồi. Thầy hứa thầy sẽ làm cố vấn cho tôi trong việc chữa bệnh con Tý.
Tôi mừng rỡ:
- Ồ, chuyến ni có ba Tiên, chắc chắn thành công.
Tùng cười nhìn tôi đăm đăm:
- Như rứa là Tiên chưa tin tôi, phải không?
Tôi biết mình lỡ lời vội chữa:
- Chết xin lỗi anh, Tiên không có ý nớ, Tiên muốn nói là bệnh con Tý mới bắt đầu, chắc là dễ chữa hơn.
Tùng gật gù:
- Đúng đó Tiên. Bệnh của thằng Hợi đã quá trầm trọng.
Tôi chợt nghe hồn chùng xuống:
- Anh Tùng.
- Chi rứa Tiên?
- Tiên nhớ thằng Hợi, Tiên nhớ đến những lời nó nói trước khi chết "Cô Tiên ơi, con thương con Tý lắm", và nó đã đem tính mạng của nó ra để đổi lấy sự sống của em, nếu cái chết của nó không đến sớm hơn, thì bệnh của con Tý sẽ không được khám phá kịp thời. Nó đã thương yêu con Tý ngoài cả sự tưởng tượng của Tiên, ngoài cả lòng mong muốn của ông bà Sâm.
Tùng khuyên:
- Thôi Tiên, đừng nghĩ ngợi chi nữa. Thằng Hợi đã an phần nó. Biết mô ở thế giới bên kia, nó chẳng tìm thấy sự yên tĩnh của tâm hồn.
Tôi cắn chặt làn môi:
- Nhưng thằng Hợi còn nhỏ quá, cái chết đối với nó không phải là hạnh phúc.
Tùng nhíu mày:
- Hạnh phúc? Chết mà là hạnh phúc à?
Tôi buồn bã:
- Không. Hạnh phúc đối với Tiên thôi.
Tùng ngăn lại:
- Tiên, không nên bi quan.
Tôi nhìn đăm đăm ngoài cửa sổ, nắng đã lên cao trên mấy hàng chuối rẽ quạt, nắng hắt vào nhà, nắng tươi cười nhảy múa:
- Tiên không bao giờ có hạnh phúc.
Tùng ái ngại:
- Tiên, tôi hỏi Tiên câu ni nghe. Tiên có bao giờ thấy sung sướng khi đem lại hạnh phúc cho kẻ khác không?
Tôi gật đầu:
- Dĩ nhiên là có. Nhưng Tiên có đem hạnh phúc cho ai mô?
Tùng cười:
- Nhiều lắm chứ. Ở nhà, Tiên đảm đang, tại trường, Tiên chăm chỉ, cô thầy hãnh diện vì Tiên, như vậy là Tiên đã đem hạnh phúc đến cho song thân. Tiên thương yêu chăm sóc Tuấn, Bội Nga, như vậy là Tiên đã đem hạnh phúc cho anh em. Còn cả một thôn xóm đông đúc trên Vỹ Dạ nữa, Tiên đã giúp đám trẻ ở đó mở mang kiến thức, Tiên đã hoạt động y tế một cách tích cực để đem lại sức khỏe cho dân chúng...
Tôi ngượng chín người:
- Anh nói quá đáng, chuyện nớ mô phải một mình Tiên, cả nhóm bạn của chị Thanh Xuân nữa chứ bộ.
Tùng khoát tay:
- Không phải tôi nói quá mô. Tôi chỉ muốn dẫn chứng cho Tiên biết là Tiên đã đem lại hạnh phúc cho rất nhiều người. Tiên nên xem nớ là niềm vui của mình. Tiên đừng buồn nữa.
Tôi cảm động:
- Tiên cám ơn anh.
- Tiên hứa với tôi đi, Tiên đừng buồn nữa nghe.
- Dạ.
Chợt nhớ đến bệnh tình con Tý, tôi hỏi Tùng:
- À anh Tùng nì, khi mô thì anh bắt đầu chữa bệnh cho con Tý.
- Tiên yên tâm đi. Hiện tôi đang lập thủ tục cho con Tý vào nằm hẳn trông bệnh viện. Nay mai, mỗi khi đi học về là Tiên có thể ghé thăm nó dễ dàng.
 
Lễ sinh nhật Bội Nga được tổ chức trên sân thượng nhà tôi. Trọn một đêm tôi thức trắng để kết cho xong những giây hoa bằng giấy treo giăng mắc khắp nơi, và sáng nay chủ nhật, tôi nghĩ dạy một buổi để hoàn thành chiếc bánh sinh nhật mừng Bội Nga. Me may cho Bội Nga một chiếc áo dài nhung đỏ vừa lấy về hôm qua, còn tôi, chắc tôi mặc lại chiếc áo dài màu rêu năm ngoái dù me cứ dục tôi may cái nhung màu hạt dẻ. Tôi từ chối mãi me mới thôi, vì tôi biết, áo nhung đắt tiền lắm, một thước 5, 6 ngàn đồng chứ ít ỏi chi, dáng người cứng ngắc của tôi mà khoát áo đó vào người thêm tội nghiệp cho tấm áo, mà người ta còn cười cho là không biết chọn hàng nữa. Con người tôi chỉ tương xứng với những loại vải rẻ tiền, chứ tiền sắm một cái áo nhung, tôi có thể dùng để mua cho 40 đứa học sinh lớp tôi sách vở và bút mực, cũng còn dư dả.
Bội Nga chạy xuống bếp tìm tôi:
- Chị Tiên ơi, em qua Tân Nghiệp sửa cái áo một cái đã.
Tôi đang cho kem vào ống nặn hoa:
- Áo không vừa hả em?
- Dạ hơi rộng một chút. Thôi em đi đã nghe.
- Ừ, mau về phụ chị trang hoàng hí.
- Dạ.
Tôi làm xong chiếc bánh thì đã trưa. Me gọi tôi lên ăn cơm, Bội Nga cũng ra phố vừa về:
- Chị Tiên ơi, em có mua thêm "công phét ti".
- Rứa à.
Bội Nga đưa gói "công phét ti" cho tôi:
- Nì, nhiều lắm, để em tung lên cho đẹp.
Me la:
- Bày đặt chưa, xả nhà rứa để chị sen quét tội nghiệp.
Tôi bênh em:
- Một năm một lần mà me, nó ưa chi thì cho nó chơi, me.
Bội Nga nhìn tôi bằng đôi mắt biết ơn:
- Đó, me thấy chưa, chị Tiên thương con nhất nhà mà. À, ba mô rồi me? Anh Tuấn mô rồi me?
- Ba và anh Tuấn lên trên bác Hiệp có việc.
- Không biết ba và anh Tuấn có về kịp giờ sinh nhật của con không?
Tôi nói cho Bội Nga yên tâm:
- Em đừng lo, ba và anh Tuấn nhớ mà. À nì Nga, em mời các bạn mấy giờ nớ?
- 6 giờ chị, mà chắc 7 giờ mới khai mạc, giờ Việt Nam là giờ cao su mà.
Ăn cơm xong, tôi giục Bội Nga đi ngủ trưa. Cô bé ngúng nguẩy:
- Thôi, em không ngủ mô. Để em phụ với chị nặn hoa bánh sinh nhật.
Tôi cười:
- Xong rồi cô ơi. Tui giao cho cô công tác cắm đèn sáp nớ.
Bội Nga láu táu:
- Rồi rồi hả chị Tiên. Mô? Mô? Cho em coi với.
- Chị để trong tủ lạnh a.
Bội Nga chạy xuống nhà ngang, tiếng cô bé reo lên:
- Đẹp quá, màu hoa chị pha thật không còn chỗ chê. Me ơi, me ra coi bánh của chị Tiên làm cho con nì.
Me sau bếp bước lên, mắng yêu con gái:
- Cô chỉ được cái lanh chanh như hành không muối. Không biết làm chi hết, học chị bội Tiên đi là vừa.
Bội Nga chu môi:
- Trước sau chi chị Tiên cũng dạy cho con làm mà. Phải không chị Tiên?
Tôi gật đầu, tôi cảm thấy vui trước vẻ vô tư nhí nhảnh của Bội Nga.
5 giờ rưỡi chiều ba và anh Tuấn lái xe về, không quên mang theo quà sinh nhật cho Bội Nga. Bội Nga cũng vừa trang điểm xong chạy xuống lầu:
- Nghe tiếng còi xe hơi là con biết ngay ba về, ba có mua chi cho con không ba?
Anh Tuấn củng nhẹ vào đầu cô bé:
- Ba đi về không mong, chỉ mong quà.
Bội Nga véo anh Tuấn:
- Nì, khéo hư tóc em nớ, không biết mô, em mét me cho coi.
Ba chỉ cái gói lớn vừa đặt trên buffet:
- Quà của con nớ.
Bội Nga chạy đến, mân mê chiếc nơ màu đỏ cột bên ngoài:
- Con xin cám ơn ba.
Rồi cô bé quay sang anh Tuấn:
- Còn anh, quà của em mô?
Anh Tuấn cười to:
- Quà của tao hả? Ừ, để tao lựa đã.
Bội Nga tròn mắt:
- Lựa chi?
Anh Tuấn giả vờ suy nghĩ:
- Lựa thử xem trong đám bạn tao, để làm quà cho mi một ông dôn.
Bội Nga đấm vào vai anh:
- Ư, anh chọc em, em không chịu mô?
Tôi mở tủ lạnh, mang ổ bánh sinh nhật lên sân thượng. Anh Tuấn đón lấy:
- Để nớ cho anh, Tiên. Anh bưng giùm cho.
Me đi ra:
- Bội Tiên, con chưa thay quần áo à, các bạn của chúng con cũng sắp tới rồi nớ.
- Dạ con bận sắp đặt...
Me xua tay:
- Để nớ cho chị sen và bác Tám. Con vào thay quần áo đi.
Tôi miễn cưỡng đi lên phòng. Đến trước tủ áo, tôi không dám nhìn vào tấm gương lớn, nhưng rồi, cũng phải nhìn vào để chải tóc cho ngay ngắn, chẳng lẽ sinh nhật của Bội Nga mà tôi để cho đầu bù tóc rối được sao, làm như vậy Bội Nga buồn, tội nghiệp nó. Tôi khoác chiếc áo màu rêu lên người, màu rêu buồn bã làm gương mặt của tôi càng thêm tối tăm. Nhưng tôi thích vậy, tôi muốn vậy, cuộc đời của tôi là bóng tối mà, nào ai hay ai biết sự hiện diện của tôi trên thế gian này đâu.
Tôi đến ngồi thừ bên bàn viết, lặng lẽ nhìn đôi chim Yến âu yếm trong lòng son, chúng đang hót cho nhau nghe những âm điệu tuyệt vời. Hạnh phúc của chúng là khoảng không gian bé nhỏ trong lồng, chẳng biết đôi chim kia có mơ ước đến vòm trời tự do lồng lộng thênh thang không, nhưng tôi nhận thấy, đôi mắt chúng trong veo, chúng nhảy nhót, chúng vui ca, chúng đang bằng lòng với hiện tại, hẳn chúng đã tìm thấy được hạnh phúc bên nhau. Tôi ngậm ngùi suy tư, thà sống kiếp chim trong lồng mà có đôi có bạn, còn hơn tôi, suốt cuộc đời thui thủi một mình. Ánh mặt trời khuất dần sau rặng núi xa, có tiếng chân rất nhiều người bước lên cầu thang, đi ngang qua phòng, rồi giọng cười nói líu lo của đàn bướm trắng rộn rã trên sân thượng, ngân vang vào lòng tôi. Tôi muốn ngồi chết dí trong phòng, tôi muốn tan biến vào không gian trong tà áo màu rêu tối ám, đừng ai tìm thấy tôi, đừng ai kéo tôi ra giữa vùng ánh sáng rực rỡ trên sân thượng, trước rượu nồng bánh ngọt, trước những nhan sắc khuynh thành lộng lẫy đó, tôi chỉ là một đối tượng cho thiên hạ nhìn vào châm biếm mà thôi. Bội Tiên ơi, mày chỉ là con chim cú sống âm thầm trong bóng đêm, đừng bước ra ánh sáng, mắt mày sẽ mù, tai mày sẽ điếc, đó không phải là môi trường của mày đâu.
Nhưng Bội Nga đã chạy vào phòng kéo tôi vào cuộc vui. Tôi uể oải theo em lên sân thượng. Các bạn tôi đã đến đầy đủ và có thêm một số bạn của anh Tuấn nữa, đó là những người đang theo đuổi Bội Nga. Lòng tôi ấm lại khi trong thấy Tùng đang đứng cạnh Kim Thoa, Tùng cũng đã nhìn thấy tôi, anh bước đến:
- Mai chừ tôi có ý trông Bội Tiên. Bội Tiên làm chi dưới nhà mà lâu rứa?
Kim Thoa xen vào:
- Bội Tiên thì khỏi phải nói, nội trợ một cây xanh lè nớ.
Tôi cãi:
- Mô có, Tiên bận chút việc trong phòng.
Kim Thoa lại bắt bí:
- Nếu rứa thì mi đang học bài phải không? Chà, gạo dữ. Gắng đi Tiên, năm ni cô Trâm hy vọng lớp mình lãnh phần thưởng danh dự toàn trường nớ.
Tôi gạt đi:
- Con ni nói quá đi, tao mô có học bài.
Tùng hỏi tôi chuyện khác:
- Có ba, bốn ngày ni Tiên không vào thăm con Tý phải không?
Tôi cầm tay Kim Thoa:
- Răng anh biết?
- Con Tý hỏi thăm Tiên hoài. Nó nói cô Tiên mô rồi, răng không đến với nó.
- Tại Tiên bận quá anh, cũng gần thi đệ nhị lục cá nguyệt rồi. Tiên định mai hoặc mốt, Tiên ghé thăm nó đó.
- Ừ, Tiên nhớ dành chút thì giờ vào với nó. Tôi thấy nó có vẻ mến Tiên lắm.
Tôi hỏi Tùng:
- Bệnh trạng con Tý có khả quan không anh?
Tùng tin tưởng:
- Chắc chắn con bé sẽ khỏe. Tiên yên tâm học bài đi, tôi chúc Tiên đứng nhất kỳ thi cá nguyệt ni.
- Ồ, Tiên không dám tin rứa. Nhưng... Tiên cám ơn anh.
Kim Thoa đã rời tôi và Tùng để nhập vào đám bạn đang se sua quần áo. Tùng nhìn lên bầu trời đêm lác đác muôn sao:
- Trời đẹp quá Tiên hí.
- Dạ.
- Ngày ni Tiên có về nớ dạy không?
- Bữa ni sinh nhật Bội Nga, nên Tiên cho tụi nó nghỉ một buổi.
- À, còn vụ xây mộ cho thằng Hợi, Tiên có thay đổi ý định không?
- Dạ không, Tiên có xin phép ba me Tiên và được ba me đồng ý. Nhưng để tháng sau đã anh, qua kỳ thi cá nguyệt ni đã.
- Khi mô xúc tiến công việc, Tiên nhớ nhắn Kim Thoa về nói lại với tôi nghe, tôi sẽ lãnh phần xây cất cho - Tùng cười - Tiên biết không, tôi làm thợ nề không đến nỗi tệ mô.
Tôi cười theo anh:
- Chà, anh nhiều nghề ghê, khỏi phải sợ thất nghiệp.
Tùng pha trò:
- Người ta nói "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" còn tôi nhiều nghề quá, mà chẳng có nghề mô tinh thông cả, chắc cũng không ai thèm mướn mô.
Gió đêm thoang thoảng mát qua hồn tôi.