Chương 1

  • Tôi ở Paris.
    Tôi bắt đầu sống, chứ không chỉ thở
    Đmitơriép2
    Tạp chí người du lịch
Trong số những người trẻ tuổi được vua Piốt Đệ Nhất gởi ra nước ngoài để học hỏi những kiến thức cần thiết cho công cuộc duy tân có người con đỡ đầu của nhà vua là Ibraghim3, một người thanh niên da đen. Ibraghim được học trong một trường võ bị ở Pari4 và ra trường với cấp bậc đại uý pháo binh. Chàng lập được nhiều chiên công trong cuộc chiến tranh Tây Ban Nha5, và sau khi bị thương nặng lại trở về Pari. Mặc dù bận trăm công ngàn việc, hoàng đế vẫn thường xuyên thăm hỏi về người con nuôi yêu quý của ngài, và cứ mỗi lần như vậy ngài đều nhận được những thư phúc đáp hết lời khen ngợi hạnh kiểm và những thành công của Ibraghim. Piốt rất hài lòng về Ibraghim và đã mấy lần mời chàng về Nga, nhưng Ibraghim không vội về. Chàng tìm cách thoái thác, viện đủ mọi cớ khác nhau: nào vì vết thương chưa lành hẳn, nào vì chàng muốn trao dồi thêm kiến thức, nào lại vì thiếu tiền. Vua Piốt đã khoan dung đối với những điều thỉnh cầu của chàng, khuyên chàng chú ý giữ gìn sức khoẻ, cám ơn chàng đã học hành chăm chỉ, và mặc dù nhà vua là người rất tằn tiện ngay trong những khoảng chi tiêu riêng của ngài, ngài vẫn không hề tiếc gì với Ibraghim, và chàng thanh niên da đen thường được nhận khá nhiều tiền của ngân khố riêng của nhà vua, cùng với những lời khuyên nhủ và răn dạy của một người cha.
Cứ theo các sử biên ghi chép thì không thể lấy gì mà so sánh với cái tính nhẹ dạ ngông cuồng và lối sống xa hoa của người Pháp thời ấy. Những năm cuối cùng của triều Luy XIV6 là thời gian mà triều đình đang sùng đạo, trang nghiêm rất mực, và lễ nghi được giữ gìn khắc khe, không để lại một dấu vết nào. Công tước Oóclêăng7 vốn là người có nhiều đức tính lỗi lạc pha lẫn với đủ các thói xấu hủ bại, tiếc thay lại không hề có chút đạo đức giả nào. Những cuộc truy hoan ở Pale-Roian8 không phải là một điều gì bí mật đối với dân chúng Pari; cái gương ấy lan lây rất nhanh. Vào hồi ấy Lau9 xuất hiên, thói tham tiền háo của kết hợp với lòng thèm khát khoái lạc và vui chơi; bao nhiêu điền trang khánh kiệt; đạo lý suy đồi; dân Pháp cười cợt và trả nợ, và nhà nước cứ tan rã dần dần dưới những ca khúc bông lơ của các vở hài kịch châm biếm.
Trong khi đó các giới trong xã hội bày ra một quang cảnh rất lý thú. Học thức và nhu cầu mua vui khiến cho mọi hạng người đều xích lại gần nhau. Ai là người giàu có, lịch duyệt, có danh vọng, có tài ba, hay có một cái gì kỳ lạ, nghĩa là tất cả những người nào có thể cung cấp một món ăn cho trí tò mò hoặc có thể góp phần mua vui cho xã hội, đều được tiếp nhận một cách vồn vã như nhau. Văn học, khoa học và triết học rời bỏ căn phòng làm việc yên tĩnh và xuất đầu lộ diện trong các phòng khách của giới thượng lưu để vừa cung phụng cho thị hiếu thời thượng, vừa hướng dẫn cho nó. Phụ nữ vẫn được trọng vọng, nhưng không còn đòi người ta tôn thờ như trước nữa. Lễ độ hời hợt bề mặt đã thay thế cho lòng kính trọng sâu xa. Những trò ma mãnh của công tước Risơliơ10, một Ankibiát11 của thành Aten ngày nay (tức Pari) đã được đưa vào lịch sử và có thể cho ta một khái niệm về phong tục thời bấy giờ.

Temps fortuné, marqué par la licence,

Où la folie, agitant son grelot,
D'un pied léger parcourt toute la France,
Où nul mortel ne daigne être dévot,
Où I'on fait tout excepté pénitence12.
Ibraghim xuất hiện. Dung mạo, học thức và trí thông minh vốn có của chàng khiến cho cả thành Pari chú ý. Tất cả các phu nhân đều muốn được tiếp đón le Nègre du czar (người da đen của Nga hoàng - tiếng Pháp), họ săn đón mời mọc chàng; quan phụ chánh nhiều lần mời chàng dự những buổi dạ hội vui vẻ của ngài; Ibraghim có mặt trong những buổi tiệc được cổ vũ nhờ tuổi trẻ của Aruê13 và tuổi già của Sôliê14, nhờ những câu chuyện của Môngteskiơ15 và Phôngtơnen16; chàng không bỏ qua một tối khiêu vũ nào, một ngày hội nào, một buổi khai diễn nào. Chàng lao mình vào những cơn lốc vui chơi của xã hội với tất cả tính cuồng nhiệt của tuổi trẻ và nòi giống của chàng. Nhưng không phải chỉ vì sợ phải rời bỏ cảnh vui chơi đô hội lộng lẫy này để về với cuộc sống đạm bạc khắc khổ ở triều đình Pêterburg mà Ibraghim quyến luyến ra đi. Còn có những mối bền chặt khác ràng buộc chàng. Chàng thanh niên châu Phi ấy đã yêu.
Bá tước phu nhân D. tuy đã quá tuổi hoa niên, nhưng vẫn nổi danh là người có nhan sắc. Năm mười bảy tuổi, khi nàng ở nhà tu17 ra, gia đình gả nàng cho một người mà nàng chưa có đủ thời giờ để yêu, và về sau người đó chẳng bao giờ lo nghĩ đến điều này. Người ta hay đồn đại rằng bá tước phu nhân có nhân tình, nhưng xã hội thượng lưu vốn rộng lượng về chuyện đó, cho nên phu nhân vẫn được trọng vọng, vì chưa từng xảy ra một chuyện gì lố bịch hay ly kỳ để có thể cho thế gian chê trách nàng. Nhà của bá tước phu nhân là một phòng khách thời thượng vào bậc nhất. Những bậc thượng lưu ưu tú ở Pari đều tụ tập ở đây. Người giới thiệu Ibraghim với bá tước phu nhân là công tử Mécvin, mà người ta thường cho là tình nhân sau cùng của bá tước phu nhân, và chính Mécvin cũng bằng mọi cách cố để cho mọi người cảm thấy như vậy.
Bá tước phu nhân đón tiếp Ibraghim một cách nhã nhặn, nhưng không lộ vẻ gì chú ý đặc biệt đến chàng: điều đó khiến Ibraghim rất hài lòng. Thường thường thì người ta nhìn chàng thanh niên da đen như nhìn một vật lạ, họ xúm xít quanh chàng, chào hỏi rối rít và thái độ tò mò này tuy đã được che phủ dưới một thiện cảm bề ngoài, song cũng làm cho lòng tự ái của Ibraghim bị tổn thương. Sự chú ý săn sóc dịu dàng của phụ nữ vốn là mục đích hầu như duy nhất của những sự nỗ lực của chúng ta, không những không làm cho lòng chàng thấy vui thích, mà còn khiến cho chàng buồn bực và phẫn uất. Chàng cảm thấy rằng đối với họ chàng là một loài vật lạ mắt hiếm có, một tạo vật đặc biệt, xa lạ, tình cờ rơi vào một thế giới không có gì chung với mình cả. Chàng còn thấy ganh tị với những người không được ai chú ý và cho rằng cái tầm thường của họ quả là một điều may mắn.
Vốn thường nghĩ rằng tạo hoá sinh ra mình không phải để hưởng một tình yêu được đền đáp, nên chàng không mắc phải những tâm lý tự tin viễn vông và những đòi hỏi thái quá của lòng tự ái. Điều khiến cho thái độ cư xử của chàng với phụ nữ có một cái gì đáng mến đặc biệt. Câu chuyện của chàng nói bao giờ cũng đơn giản và nghiêm trang; bá tước phu nhân D. rất hài lòng lối nói chuyện đó, vì phu nhân đã chán với những câu khôi hài bất tận và những lời bóng gió sành sỏi của óc trào phúng Pháp. Ibraghim thường lui tới nhà phu nhân. Dần dần nàng quen với tướng mạo của chàng thanh niên da đen, hơn nửa còn có một cảm giác dễ chịu khi thấy mái tóc đen xoăn tít của chàng nổi bậc ở giữa những bộ tóc giả rắc phấn trong phòng khách của nàng. (Ibraghim bị thương ở đầu, nên không mang tóc giả mà chỉ buộc một dải băng). Chàng mới hai mươi bảy tuổi; dáng vóc cao lớn và cân đối, và đã có không phải một giai nhân nhìn chàng với một tình cảm phỉnh phờ hơn là cảm giác tò mò thuần tuý, nhưng Ibraghim đã có sẵn định kiến nên hoặc giả không hề để ý hoặc giả cho rằng đó chỉ là một lối làm dáng. Nhưng mỗi khi mắt chàng bắt gặp đôi mắt của bá tước phu nhân, những ý nghi kỵ của chàng không còn nữa. Đôi mắt của nàng để lộ vẻ đôn hậu đáng yêu, cách nàng đối xử với Ibraghim giản dị, tự nhiên đến nỗi không thể nào có chút hồ nghi rằng nàng làm dáng hay có ý chế nhạo.
Ibraghim không hề nghĩ đến tình yêu, nhưng bấy giờ thấy được mặt bá tước phu nhân mỗi ngày một bận đối với Ibraghim đã thành một việc không thể nào thiếu được. Ở nơi nào chàng cũng tìm dịp gặp bá tước phu nhân, và cứ mỗi lần được gặp như thế chàng đều thấy rằng đó là một ân huệ bất ngờ của đấng cao xanh. Bá tước phu nhân đoán được tình cảm của Ibraghim trước chính cả bản thân chàng nữa. Người ta muốn nói gì thì nói, chứ một tình yêu không hy vọng mà không đòi hỏi gì còn làm cho tâm hồn phụ nữ rung động chắc chắn hơn bất cứ thủ đoạn quyến rũ nào. Có mặt Ibraghim, phu nhân theo dõi mọi cử chỉ của chàng, lắng nghe tất cả những lời nói của chàng; khi không có chàng, phu nhân có vẻ tư lự và trở lại lơ đễnh như lệ thường... Mécvin là người đầu tiên nhận thấy mối thiện cảm giữa hai người, anh ta liền có lời chúc mừng Ibraghim. Không có gì có thể làm cho tình yêu bùng cháy lên mạnh mẽ bằng một lời khuyến khích của người ngoài cuộc. Tình yêu vốn mù quán, và vì nó không dám tin nơi mình, cho nên thường bấu víu vào bất cứ chỗ dựa nào. Những lời nhận xét của Mécvin đã thức tỉnh Ibraghim. Cho đến nay chàng chưa bao giờ dám tưởng tượng rằng mình có thể được người đẹp đền đáp; niềm hy vọng bỗng đến làm cho tâm hồn chàng sáng rực lên; chàng bắt đầu yêu mê mệt, say đắm. Bá tước phu nhân hoảng sợ trước cái tình cảm quá bồng bột, nồng nàn của chàng, cũng đã có ý muốn dùng những lời khuyên răn ôn tồn và phải chăng của lý trí và tình bằng hữu để cưỡng lại, nhưng vô ích, vì chính phu nhân cũng mất dần sức tự chủ. Những cử chỉ đền đáp bất cẩn cứ liên tiếp theo nhau. Bị sức mạnh của mối tình mà chính nàng đã gây ra lôi cuốn theo, kiệt sức dưới mảng lực của nó, bá tước phu nhân đã trao thân cho Ibraghim...
Chẳng có gì giấu nổi cái nhìn xoi mói của thế gian. Chẳng bao lâu trong giới thượng lưu không còn ai không biết cuộc tình duyên mới của bá tước phu nhân. Trong số các mệnh phụ có người lấy làm lạ về cách chọn lựa của phu nhân, nhưng nhiều người cho rằng đó là một việc rất tự nhiên. Người thì chê cười bá tước phu nhân, người thì cho rằng đó là một hành động bất cẩn không thể tha thứ được. Trong buổi đầu say sưa hoan lạc, Ibraghim và bá tước phu nhân không hề để ý, nhưng chẳng bao lâu những câu nói đùa bóng gió của nam giới và những lời cạnh khoé của phụ nữ đã đến tai hai người. Thái độ nghiêm trang và lãnh đạm của Ibraghim kể cho đến nay đã giúp chàng thoát khỏi những lời gièm pha như vậy; bây giờ chàng chịu đựng một cách bất kham những lời mỉa mai đó và không biết nói gì để đáp lại. Bá tước phu nhân vốn quen được dư luận kính nể, nên không thể dửng dưng khi thấy mình đã trở thành một đối tượng cho những chuyện ngồi lê mách lẻo và giễu cợt. Phu nhân hết khóc lóc than phiền với Ibraghim, lại trách móc chàng một cách chua chát, hoặc van xin chàng đừng lên tiếng bênh vực mình, sợ rằng như thế chuyện sẽ ầm lên thêm và phu nhân sẽ bị vùi dập hẳn trong dư luận.
Một việc mới xảy ra khiến cho tình cảnh của phu nhân càng thêm khó xử. Hậu quả của cuộc ái ân bất cẩn đã lộ rõ. Ibraghim hết lời an ủi, khuyên răn, bàn bạc, nhưng đều bị bá tước phu nhân gạt đi. Phu nhân thấy mình không còn cách gì tránh khỏi cái chết và tuyệt vọng đợi cái ngày bi đát đó.
Tình cảnh của bá tước phu nhân vừa truyền đi, thì những lời ong tiếng ve lại càng xôn xao hơn bao giờ hết. Các mệnh phụ đa cảm kinh hãi cuống lên; đàn ông thì đánh cuộc với nhau xem bá tước sẽ sinh ra một đứa bé da trắng hay da đen. Người ta làm những câu vè chế giễu ông bá tước; ở Pari ông là người duy nhất không hề biết tí gì, mà cũng không hề có ý nghi ngờ gì cả.
Cái phút thảm hoạ đã sắp đến. Tình cảnh của bá tước phu nhân thật là khủng khiếp. Ibraghim hàng ngày đến với nàng, chàng thấy rõ sức lực tinh thần và thể chất của phu nhân ngày một kiệt dần. Nàng luôn luôn khóc lóc, hoảng sợ. Cuối cùng đã đến lúc phu nhân bắt đầu chuyển dạ. Người ta lập tức tìm cách đối phó. Họ đã tìm được cách làm cho bá tước đi nơi khác. Bác sĩ đến. Hai ngày trước người ta đã thương lượng với một người đàn bà nhà nghèo để sinh lại đứa con mới đẻ của người đó; một người nhà tâm phúc được phái đi đưa đứa bé về. Ibraghim đứng trong gian phòng sát cạnh phòng ngủ của bá tước phu nhân, nơi người đàn bà bất hạnh đang quằn quại trong cơn đau sinh nở. Ibraghim không dám thở nữa, chàng nghe thấy những tiếng kêu đã khản đặc của phu nhân, tiếng thì thầm của cô hầu gái và những lời sai bảo của bác sĩ. Phu nhân đau đớn rất lâu. Mỗi tiếng rên rỉ của nàng như vò xé tâm can Ibraghim, mỗi giây lát yên lặng đều khiến cho chàng vô cùng hoảng sợ... Bỗng chàng nghe tiếng khóc yếu ớt của đứa trẻ và không sao đủ sức kiềm hãm nỗi vui sướng tột độ, Ibraghim lao vào phòng bá tước phu nhân - một đứa trẻ sơ sinh da đen nằm bên chân nàng. Ibraghim lại gần đứa bé. Tim chàng đập mạnh. Chàng đưa tay run run làm dấu ban phúc cho đứa con trai. Bá tước phu nhân mỉm một nụ cười nhợt nhạt và đưa bàn tay yếu ớt ra cho chàng... nhưng bác sĩ sợ rằng người ở cữ bị xúc động mạnh quá, bèn kéo Ibraghim ra. Người ta đặt đứa bé sơ sinh vào một cái giỏ kín và mang ra khỏi nhà qua một cầu thang bí mật. Họ mang đứa bé kia lại và đặt nôi của nó vào phòng ngủ của phu nhân. Ibraghim ra về, lòng đã bớt xúc động. Người ta đợi bá tước về. Bá tước về muộn; thấy phu nhân đã mãn nguyệt khai hoa bình yên vô sự, bá tước rất hài lòng. Công chúng bấy lâu chờ đợi một tin bất hủ để có dịp làm ồn, nay hoá ra bị tưng hửng và đành giải khuây bằng cách nói xấu suông.
Mọi việc lại trở lại bình thường. Nhưng Ibraghim cảm thấy rằng số phận của chàng phải thay đổi và không chóng thì chầy rồi cuộc tình duyên của chàng cũng sẽ đến tay bá tước D. Đến lúc ấy dù sự thể có ra sao, thì thảm hoạ tử vong đối với bá tước phu nhân cũng không thể nào tránh khỏi được nữa. Chàng yêu tha thiết, và cũng được yêu lại tha thiết như vậy; nhưng bá tước phu nhân là người nhẹ dạ, hay thay đổi. Phu nhân yêu lần này chẳng phải là lần đầu. Những tình cảm đằm thắm nhất trong lòng nàng có thể nhường chỗ cho lòng kinh tởm, thù ghét. Ibraghim đã thấy trước lòng phu nhân sẽ có lúc nhạt tình; cho đến nay chàng chưa bao giờ phải ghen tuông, nhưng chàng vẫn kinh hãi thấy trước rằng rồi đây chàng sẽ phải qua đoạn đường đó; chàng hình dung thấy rằng những nỗi đau đớn của phân ly chắc vẫn không đến nỗi day dứt bằng, và chàng đã có ý định dứt bỏ mối tình bất hạnh, rời Pari trở về nước Nga, nơi vua Piốt và một ý thức bổn phận mơ hồ đang gọi chàng.