Đại lăng xăng kéo ghế cho Bạch Đàn ngồi. Anh không giấu được niềm vui như trẻ con khi cô giáo đồng ý cho... học trò nghỉ sớm hơn thường ngày nửa tiếng. Đã vậy Đàn còn nhận lời mời ở lại để trò chuyện và ăn chè hạt sen với anh nữa chứ. Giọng Đại hồ hởi: - Ngồi đây hơi lạnh vì sương đêm, nhưng ăn chè nóng sẽ rất ngon. Bạch Đàn tủm tỉm cười: - Hình như anh hảo ngọt thì phải. Đêm nào dì Tám cũng mang lên bánh kẹo, rồi hôm nay là chè... Người ta bảo đàn ông thích của ngọt thì không biết uống rượu, đúng không? Đại trả lời lấp lửng: - Cũng tùy người. - Riêng anh thì sao? Nhìn Bạch Đàn bằng cái nhìn rất láu lỉnh, Đại đáp: - Tôi sợ rượu lắm. Đàn gật gù ra vẻ "cô giáo": - Câu trả lời hết sức thông minh. - Như vậy mới xứng là học trò của cô Bạch Đàn chứ. Lấy chén chè trong khay dì Tám vừa bưng ra đưa tận tay Đàn, Đại nhỏ nhẹ: - Chè còn nóng, mời cô giáo. Đàn mỉm cười, cô chợt nhớ tới hôm đầu tiên gặp Đại. Mới đó đã một tháng, anh bây giờ... ngoan hơn trước rất nhiều. Đại không quậy cô nữa, anh học rất nghiêm túc, rất thông minh, hay hỏi tới tấp khiến cô giáo phát run trong bụng vì sợ bí lù. hai người không còn ngượng ngập khi ngồi đối diện với nhau trước chiếc bàn bày toàn là sách vở, nhưng Đàn vẫn chưa biết thêm gì về anh. Đại đâu phải như bọn nhóc cô thường dạy. Tụi nó thích nói về bản thân bạn bè và gia đình chúng với Đàn lắm. Chỉ cần dạy tụi nó độ hai tuần thôi, cô đã nắm được toàn bộ gia cảnh của chúng. Nhưng Đại thì khác xa, gia đình anh cũng vậy. Cô không gặp lại mẹ anh lần nào, trong ngôi nhà này hình như chỉ có bà Tám và Đại ở. Anh như ông vua trong cung điện, một ông vua hết sức khó hiểu. Mà Đàn lại khoái tìm hiểu người khác, nên đêm nay cô đồng ý nghỉ sớm để trò chuyện với học trò của mình. Cô muốn biết tại sao anh... Đại chợt lên tiếng: - Cô đang nhớ hôm đầu tới đây phải không? - Sao anh đoán đúng phóc vậy kìa? - Tại tôi cũng đang nghĩ như cô. Tự dưng hai người cùng cười, Bạch Đàn hỏi tới: - Hôm đó... hù được tôi, chắc anh thích lắm hả? - Đúng ra, tôi chỉ buồn cười. Nếu hôm nay.. hù được cô mới thật sự thích. Bạch Đàn để chén chè xuống bàn: - Chắc khó có lần thứ hai. - Khó đâu có nghĩa là không. Rồi anh tủm tỉm: - Đùa cho vui thôi. Đừng nghỉ dạy, mất công tôi tìm Bích Đông để nhờ năn nỉ nữa. Tránh đôi mắt rất sáng, rất sâu của Đại, Bạch Đàn thản nhiên: - Giáo viên dạy kèm như tôi thiếu gì. Anh chỉ cần giở báo ra xem là thấy hàng lô hàng lốc ở cái mục... sinh viên cần tìm việc. Họ đa hệ vô cùng, một người có thể dạy một lúc Toán, Lý, Hóa, Anh văn và ca vẽ đàn hát nữa. - Nhưng tôi chỉ cần cô chứ không cần họ. - Tôi có gì đặc biệt? Thú thật, nhiều lúc tôi cảm thấy thắc mắc rất nhiều về anh. Đôi khi tôi nghĩ việc học hành, dạy dỗ này giống như một trò chơi mà anh làm chủ. Anh... - Cô đừng nghĩ vậy. Tôi học thật chứ có chơi trò chơi gì đâu. Mỗi sáng, tôi đều tới lớp dù ở đó tôi thấy mình lẻ loi, lạc lõng. Đúng ra, môi trường đó không còn phù hợp với tôi nữa. Nó xa quá rồi, tôi cảm thấy mình già nua, mệt mỏi. Bạch Đàn nhẹ nhàng: - Rất nhiều người lớn tuổi hơn anh vẫn đi học. Anh tự cho mình già nua, mệt mỏi đó thôi, chớ thật ra anh mà già được hơn ai. Đại nhấm nháp ly trà: - Có chứ! Ít ra cũng già hơn cô giáo của mình. Học với người trẻ, tôi tiếp thu nhanh mau hiểu bài và chăm làm bài tập. Có lẽ do yếu tố tâm lý. Học ở lớp, tôi không chăm được như vầy. Bạch Đàn tò mò: - Sao hồi đó anh nghỉ học giữa chừng uổng vậy? Tập anh toàn điểm mười đỏ chói, nhìn thấy mê. Đại bật cười vì câu nói tự nhiên của Đàn. Anh lấy bao thuốc lá trong túi ra định hút, nhưng chả hiểu sao anh lại cất trở vào và nói: - Tôi cũng còn rất nhiều điểm không, điểm một, nhưng tôi đâu có khoẹ Tôi nghĩ học vì những điểm mười đỏ chói ấy đó. Mà thôi, đừng nhắc làm gì thời đã qua, tôi không hứng thú mấy khi nhớ về ngày xưa. Bạch Đàn chớp mắt: - Vậy anh có bằng lòng với hiện tại không? Đại lắc đầu rồi lảng sang chuyện khác: - Cô thấy chè dì Tám nấu thế nào? - Rất ngon, ngồi ăn ngoài vườn đêm như vầy thật tuyệt. Nhà anh có khu vườn đẹp quá. Chắc anh thường tổ chức những đêm chè sen như vầy lắm? - Cô đoán sai rồi. Đây là lần đầu tiên tôi bày ra chuyện chè sen. Ngần ngừ một chút, Đại nói: - Khu vườn và ngôi nhà này đẹp thật, nhưng không phải của tôi. Bạch Đàn buột miệng: - Ủa! Vậy sao? - Cô ngạc nhiên lắm à? - Không. Tôi chỉ ngạc nhiên nếu anh bảo anh là chủ nhà. Đại cười thành tiếng: - Hôm nào rảnh, cô dạy tôi cách nói xuôi thành ngược, ngược thành xuôi được không? - Được chứ! Có điều học phí cao lắm. Mà nè! Tại sao ngôi nhà này không phải của anh nhỉ? Vẫn giọng điệu lững lờ, Đại nói: - Cô thử đoán xem. Bạch Đàn khoanh tay trước ngực: - Tôi thích nghe anh nói hơn là tự đoán, vì tôi chưa bao giờ đoán trúng chuyện gì hết. Đại xoa cằm, vẻ thách thức: - Nếu vậy hãy tập đoán cho quen. Việc này, tôi có thể làm... sự phụ cô. Bạch Đàn cong môi: - Đâu thể nào lộn xộn như vậy được. "Nhất tự vi sư" huống hồ chi anh đã học ở tôi hàng ngàn chữ rồi lại xúi tôi nhận ngược anh làm sư phụ. Ngu sao mà nghe lời anh? Đại cười. Trông Bạch Đàn thật hồn nhiên cô không nghiêm nghị và khô khan như những lúc ngồi lắng nghe anh trả lời nhiều câu hỏi hóc búa bằng tiếng Anh. Lúc này, Đàn giống một cô bé hay làm nũng đang vòi vĩnh với người yêu. Đôi môi phụng phịu của cô khiến anh xúc động khi nhớ về hồi đó... Người con gái được anh gọi là "Mèo ướt" đã xa, xa tận chân trời nào. Lâu lắm rồi Đại không được tin cô. Có lẽ "Mèo ướt" của anh đã có chồng, có con và đang hạnh phúc cũng nên. Bất giác, Đại thở dài. Anh cho tay vào túi lấy bao thuốc ngắm nghía nói một hồi lại cất trở vào. Bạch Đàn lên tiếng: - Sao anh không hút? Tôi chịu được mùi thuốc lá mà. Cứ tự nhiên đi. - Tôi không thích hút. - Vậy mua làm gì? Đại lại nói: - Thử đoán xem? - Rồi anh nhún vai - À quên! Chưa nhận tôi làm thầy thì biết gì đâu mà đoán. Uống một ngụm trà, Bạch Đàn trả đũa: - Định tò mò hỏi anh vài câu về... thân thế sự nghiệp. Nhưng biết chắc anh sẽ bảo tôi đoán nữa, nên thôi, tôi về đây. - Còn sớm mà cô giáo. Chưa hết nửa tiếng đồng hồ cô cho học trò nghỉ sớm. Buổi... mạn đàm vừa mém mém bắt đầu, cô đã muốn kết thúc rồi sao? - Thì ra anh bảo tôi nghỉ dạy nhưng không có nghĩa là cho tôi toàn quyền sử dụng khoảng thời gian anh đã... trả tiền đó. Thôi được, tôi sẽ ngồi thêm mười lăm phút nữa cho đủ một buổi học. Không đổi tư thế, Đại trầm ngâm: - Hồi còn đi học, tôi cũng nhạy cảm và tự ái như cô. Tôi nhiều tự ái đến mức trở nên tự ti. Bạn bè nói đùa một chút tôi cũng đùng đùng nổi giận. Lúc đó tôi luôn nghĩ mình hơn mọi người, nhưng thật ra tôi có tài cán gì đâu. Được cha mẹ cưng chiều, họ hàng tâng bốc, tôi muốn gì được nấy nên đâm ra hợm hĩnh. - Và anh đã bỏ học? - Gần đúng như thế. Bạch Đàn chép miệng: - Chỉ gần đúng thôi sao? Vậy là tôi đoán vẫn chưa chính xác. Tệ thật! Đại rót thêm nước trà cho Đàn: - Từ nhỏ đến giờ tôi chưa hề bỏ học. - A! vậy là anh bị đuổi có đúng không? - Cũng không phải luôn. Đàn thắc mắc: - Một là bỏ học, hai là bị đuổi thôi. Còn trường hợp nào nữa chứ? - Tôi nghỉ học chờ xuất cảnh. Nghỉ học có xin phép, khác với bỏ học hay bị đuổi học phải không? Bạch Đàn gật đầu và mau miệng hỏi: - Nhưng sao tới giờ anh vẫn ở đây? - Thì tại tôi đi không được. - Bây giờ đi được nên mới học thêm Anh văn à? Tôi nghĩ muốn giỏi phải học đàm thoại và lựa trường hẳn hoi. Tôi có thể chỉ cho anh một số trung tâm sinh ngữ uy tín, có giáo viên nước ngoài đàng hoàng. Học ở những nơi đó, anh mới tiến bộ nhanh và phát âm chuẩn. Ngừng lại để thở, Đàn nói tiếp: - Còn nếu anh ngại tới lớp, tôi sẽ giới thiệu anh với thầy tôi. Ổng rất giỏi. Nheo mắt, Đại ngắt lời cô: - Không sợ mất chỗ dạy sao? Tôi nghe Bích Đông nói cô đang cần tiền lắm mà. Bạch Đàn đỏ mặt. Cô không ngờ con nhỏ Đông lại lẻo mép đến thế. Đàn biết Đông ca "bài con cá" về hoàn cảnh của cô chỉ để gia đình Đại nhận cô vào dạy, chớ con bé không có ý xấu. Nhưng bây giờ nghe anh hỏi với thái độ kẻ cả, Đàn bỗng giận Đông ghê gớm. Tánh con bé là như thế. Đông sẵn sàng ngồi cả buổi trờ để ngâm nga ca kệ với giọng thảm thiết nhất nhằm làm động lòng trắc ẩn của đối tượng. Con bé đã làm động lòng bà mẹ của Đại giùm cô. Chắc Bích Đông phải nói rất nhiều về cô với gia đình Đại, anh nắm rõ lý lịch Đàn rồi nên từ hồi vào dạy tới nay, anh đâu hỏi gì cô như những nơi cô từng dạy đã hỏi rất kỹ. Thấy Bạch Đàn bậm môi làm thinh, Đại hơi chồm người về phía cô: - Xin lỗi! Tôi rất thẳng tính nên nghĩ sao nói vậy. Cám ơn Bạch Đàn đã quan tâm tới tôi. Lúc nào thấy cần, tôi sẽ nhờ giới thiệu nơi đáng tin cậy. Còn bây giờ tôi học cốt để thi tốt nghiệp phổ thông nên nhờ cô hướng dẫn là đủ rồi. Dù đang tức, Bạch Đàn vẫn kêu lên: - Anh thi tốt nghiệp phổ thông làm gì? Ra nước ngoài ai cần bằng cấp đó của anh - Nhưng tôi cần. Đó là mục đích duy nhất của bọn học sinh lớp 12. Hồi đó, tôi đã không làm được điều này. Bây giờ tôi phải đạt được mục đích ngày xưa của mình. Bạch Đàn len lén quan sát Đại. Trong khoảng không âm âm tối, Đại có vẻ gì là lạ. Anh ngồi im, dáng suy tư như người có tuổi đang nhớ về quá khứ. Khi gặp anh lần đầu, Bạch Đàn biết cô đã gặp phải người khó hiểu, nhưng cô tin mình sẽ tìm hiểu anh ta chả khó khăn gì. Hóa ra cô quá chủ quan khi nghĩ vậy. Tìm hiểu Đại không dễ chút nào, vì anh luôn tránh né những câu hỏi về bản thân. Đã vậy, tính tình lại... mưa nắng. Lúc thì vừa học vừa cười vui vẻ, lúc lầm lầm lì lì cau có thấy phát chán. Hình như Đại có nỗi niềm riêng và anh không muốn ai chia sẻ. Nhớ hôm đầu cô vào phòng Đại, anh đã đóng cửa lại và nhún vai bảo rằng: "Không thích ai nhìn vào cõi riêng của mình hết". Cõi riêng của anh chứa đựng điều gì ly kỳ không? Sao anh lại giấu kín nó như vậy? Còn ngôi nhà to lớn nhưng vắng vẻ này là của ai? Đến dạy hơn tháng rồi, Đàn vẫn chưa một lần gặp lại mẹ Đại, cũng như chưa hề thấy mặt ba anh lần nào. Đàn có cảm giác chỉ dì Tám và Đại ở đây thôi, ngoài hai người đi ra đi vào như hai cái bóng thì tuyệt không còn ai nữa cả. Ngần ngừ hồi lâu, cô lên tiếng: - Ban ngày anh thường làm gì? - Trước đây thì nằm dài nghe nhạc để giết thời gian, bây giờ thì học. Từ khi học lại, tôi đỡ chán, đỡ buồn nhưng chưa đỡ cô đơn trong ngôi nhà kín cổng cao tường này. - Bạn bè và... người yêu anh đâu cả rồi? Đại cười và đọc thơ bằng giọng trầm buồn: - "Tình cũng lơ mà bạn cũng lơ "... tôi bây giờ chỉ còn... cô giáo thôi. Ngày nào cô đến dạy, ngày ấy tôi thấy vui và bớt buồn chán. Chớp mắt một cái, Bạch Đàn hỏi tới: - Hình như hai bác không ở đây với anh? - Ba mẹ tôi sang Úc gần bảy năm rồi. - Ủa! Vậy người tôi gặp hôm đó là ai? Không phải bác gái sao? Đại chép miệng: - Bà ấy là cô ruột của tôi. Một bà cô độc đáo về mọi việc. Cô không hiểu nổi đâu... - Không có cha mẹ nhưng có cô lo lắng chăm sóc là quý rồi, sao anh lại khó chịu dữ vậy? Tôi đã tiếp chuyện với cô anh, bà ấy có vẻ quan tâm tới anh ghê lắm. Giọng Đại chua chát: - Đương nhiên là cô phải quan tâm đến tôi rồi. Vì ngoài tôi ra, cô đâu còn ai là người thân. - Thật tình tôi chẳng hiểu gì hết. Tại sao sáu, bảy năm về trước anh lại đi Úc không được? Khoảng thời gian đó anh đã từng làm gì để bây giờ phải học lại để thi tốt nghiệp? Mắt Đại chợt rực lên những tia thật dữ dội. Anh hất hàm: - Cô muốn biết về tôi lắm sao? Biết để thỏa mãn sự tò mò tọc mạch hay biết để làm gì? Không bối rối trước thái độ bất ngờ của anh, Bạch Đàn thản nhiên đáp: - Tò mò tọc mạch là thói quen xấu của tôi. Nhưng với anh, tôi không tò mò kiểu thường tình. Tôi muốn hiểu biết về anh, để có thể làm anh vui và bớt buồn chán. Tinh thần sảng khoái mới tiếp thu bài vở được chứ? - Chà! Cô tốt thật đó. Nhưng tốt như bây giờ đang tốt là đủ lắm rồi. Tôi không dám nhận nhiều hơn nữa đâu. Nhìn vẻ khinh khỉnh ngồi khoanh tay hất mặt lên trời của anh, Bạch Đàn phát cáu. Cô đã biết tính Đại hơi bất thường, vậy mà cô luôn luôn trúng phải những cơn mưa giông bất ngờ của anh mới dở. Lẽ ra Đàn phải biết dừng đúng lúc, cô chủ quan nên mới muốn... bám sát tiến sâu vào cõi riêng của Đại, trong khi anh vẫn đóng kín cửa tâm hồn vì không muốn ai ghé mắt nhìn vào cuộc đời mình. Rõ ràng, Đại có một quá khứ không bình thường và anh đang chôn chặt, giấu kín nó. Kẻ dại dột khơi lại ký ức đó, tức là khơi lại nỗi đau của anh. Bạch Đàn đã ngốc nghếch chọc giận Đại rồi. Nhưng suy cho cùng, chính anh gợi chuyện cho cô tò mò hỏi tới kia mà. Cô cần gì phải nhịn anh ta chớ. Không dạy nơi này thì dạy chỗ khác. Kéo ghế đứng dậy, Bạch Đàn ngọt ngào: - Thôi, tôi về đây. Cám ơn món chè sen anh đãi! Không thèm tiễn cô ra tận cửa như mọi ngày, Đại ngồi ỳ tại chỗ, gọt thật to: - Dì Tám, ra mở cổng dùm tôi! Bạch Đàn lủi thủi dắt xe đạp đi. Cô nghe tiếng bà Tám dè dặt: - Coi bộ cậu Đại không vui? - Cháu cũng chả biết nữa. Cậu ấy kỳ cục lắm, có khi ngồi học cả buổi mà chả thấy một nụ cười, hay một câu xã giao. Mang tiếng là cô giáo, nhưng cháu khác gì người làm công. Cứ như vầy mãi chắc cháu nghỉ dạy quá. Bà Tám dịu giọng: - Cô giáo thông cảm, tại cậu ấy có nhiều chuyện buồn nên tánh tình khó chịu. Cô mà nghỉ dạy chắc cậu cũng bỏ học luôn chớ không tìm người khác đâu. Bạch Đàn ấm ức: - Dì nói vậy chứ có tiền mướn bao nhiêu thầy cô lại chẳng được. Bà chủ nhà chả từng khoe với cháu đã cho ba, bốn người nghỉ dạy là gì. - Chậc! Tại những người đó cậu Đại không... ưng, nhưng bà Loan cứ ép cậu phải học. Bực quá, cậu ấy mới quậy cho họ nghỉ đó chớ. Do dự một giây, Đàn hỏi lại: - Bà Loan là chủ ngôi nhà này phải không dì Tám? - Đâu phải! Cậu Đại mới là chủ. - Dì Tám có đóng cổng thôi mà sao lâu lắc dữ vậy? Mau vào dẹp ba cái chén bát này giùm đi! Quay người lại, Đàn thấy Đại đang lững thững bước tới. Ngang cây nguyệt quế hoa nở trắng, anh hái một nhánh bỏ vào giỏ xe của cô, giọng kẻ cả thật dễ ghét: - Chúc ngủ ngon! Ăn chè sen dễ ngủ lắm đó! Ném cho anh cái nhìn bực dọc, Đàn đạp xe ra đường, không thèm nói một câu chào. Anh ta là... học trò hay là oan gia của cô vậy? Bây giờ đã tháng mười hai. Tới tháng sáu mới thi tốt nghiệp. Đàn phải chịu đựng anh ta những sáu tháng trời nữa, nghĩ mà sợ... nhưng chắc gì trong khoảng thời gian đó, Đại còn cần đến cô nữa chứ? Khéo lo chuyện xa vời. Đang cắm đầu cắm cổ đạp, Bạch Đàn chợt thấy có người ép xe vào sát mình. Vừa quay sang cô đã... đụng phải nụ cười của Giang. Anh ta nhỏ nhẹ: - Bạch Đàn đi dạy về... ấy hả? - Vâng! Còn anh chắc đang đi dạo? - Ờ thì cũng đạp xe vòng vòng thoải mái. Ở trong phòng ấy suốt ngày với người tình ma, tôi chịu hết nổi rồi. Bạch Đàn nhìn con đường trước mặt và hỏi: - Nhưng sao đi dạo có một mình vậy? - Bây giờ thì đã hai mình rồi. Tôi cố tình đi ngang đây mà - Vậy sao? Con đường này có gì đặc biệt hơn những con đường khác đâu? Giang có vẻ châm biếm: - Đây là khu nhà giàu ở. Đạp xe tà tà qua đây tệ lắm cũng hít thở được không khí thơm hương hoa hồng, ngọc lan, hay ít ra cũng nguyệt quế như lúc này. Ngôi nhà ấy có hai cây nguyệt quế già lúc nào cũng trắng bông mà... Ngạc nhiên trước câu nói của Đại, Đàn ngơ ngác nhìn anh: - Sao anh biết hay vậy? - Tôi đã từng tới đó nhiều lần. - Để làm gì? A... tôi hiểu rồi. Anh nhận dạy kèm phải không? Anh dạy được bao lâu thì bị gã học trò trời đánh đó cho nghỉ? Không trả lời Đàn, Giang hỏi ngược lại: - Bộ em sợ bị cho nghỉ dạy hả? Hắn ta không làm vậy với phụ nữ đâu. Nhất là với người dễ thương như em. Bạch Đàn xụ mặt: - Anh nói thế là ý gì? Giang nhún vai: - Là có ý tốt thôi. Đại không hiều đâu. Hắn từng ngồi tù sáu năm trời đó. Em liệu cái... thần hồn khi làm sư phụ hắn. Mãi trợn mắt nhìn Giang, suýt nữa Bạch Đàn lủi xe vào lề. Cô thắng gấp lại, giọng lạc đi: - Anh nói thật hả? - Không tin em cứ hỏi thằng Đại. - Nhưng tại sao ảnh bị Ở tù? Giang cộc lốc: - Cố sát! - Anh... anh ta... giết ai? - Một cô gái, nhưng may là cô ấy chỉ bị thương nhẹ. Nếu không, chắc Đại bị chung thân rồi quá. Bạch Đàn thẫn thờ: - Khó tin thật. Anh ta đâu giống kẻ giết người. - Em nói đúng. Những thằng ăn cướp, giựt dọc ngoài phố toàn chạy xe đời mới, ăn mặc bảnh bao gấp trăm lần nạn nhân của nó. Nhìn chúng ai mà ngờ, phải không? Bạch Đàn im lặng. Cô chới với thật sự trước nguồn tin Giang vừa cung cấp. Cô nghĩ có lẽ anh không nói dối những chuyện nghiêm trọng như vầy. Có thể Đại đã từng phạm tội, từng ở tù thật, nên khi nghe Đàn hỏi: "Khoảng thời gian sáu, bảy năm trước, anh từng làm gì để bây giờ phải học để thi tốt nghiệp", anh ta đã nổi sùng lên với cô. Đại giấu quá khứ của mình cũng đúng. Nhưng nguyên nhân nào khiến anh có hành động ghê rợn đó? Vì tình chăng? Cô hất mặt sang phía Giang. - Này! Tại sao anh ta... giết cô gái đó? Giang ngập ngừng: - Khó nói lắm. Nhưng tôi thấy em nên nghỉ quách chỗ này cho rồi. Tôi sẽ tìm nơi khác giùm em. Dạy trẻ con vẫn hay hơn dạy hạng người có sỏi trong tim, có sạn trong đầu, bàn tay lại từng vấy máu phụ nữ. Bạch Đàn rùng mình: - Nói gì nghe ghê vậy. Anh làm như Đại là sát nhân chuyên nghiệp không bằng. - Chuyên nghiệp hay không ai mà biết được. Nhưng hiện giờ anh ta đang được địa phương quản lý chặt lắm đấy. Tôi khuyên em nên nghỉ dạy là khuyên thật lòng. Dù sao Đàn cũng là em Triết, hai dì với Triết rất tốt với tôi. Tôi đâu thể làm thinh được. Nghe dì Ngà nói em dạy ở đường này, tôi nghi nghi nhưng ngại hỏi. Tối nay, thấy em đạp xe ra từ cổng nhà Đại, tôi thấy cần thiết phải nói ngay cho em biết. Bạch Đàn hơi xúc động: - Cảm ơn anh! Hết tháng này tôi sẽ nghỉ dạy. Giang kêu lên: - Trời ơi! Còn lại hết tháng nữa hay sao? - Lỡ nhận tiền rồi không lẽ trả?... Vả lại, nghỉ ngang xương như vầy biết nêu lý do gì đây cho chính đáng. Nếu phải nói thật, tôi... không dám đâu. Giang gật đầu giọng trầm xuống: - Tôi hiểu. Nhưng như vậy hàng đêm tôi sẽ... lo lắm, em biết không? Mặt Bạch Đàn nóng bừng vì câu nói như tỏ tình của Giang. Giọng của anh nghe mới êm làm sao. Cô chưa kịp trấn tĩnh, Giang đã tiếp: - Đêm nay tôi cố tình đi đón em về. Không giận vì... tội đường đột của tôi chứ? Bạch Đàn vội vàng lên tiếng: - Không đâu. Nhưng anh đừng làm thế nữa. Tôi... tôi... ghét lắm. Rồi như sợ Giang hiểu lầm, Bạch Đàn liền phân trần: - Tôi không quen và cũng không thích đưa đón như vầy. Xin lỗi, tôi về trước nghen. Dứt lời cô khom lưng đạp thật nhanh. Đến lúc biết chắc Giang không theo mình nữa Đàn mới giảm tốc độ lại và thở hào hển. Bạch Đàn không đoán được Giang đang muốn gì ở cô. Và tại sao tự nhiên anh ta lai tử tế như vậy? Kể từ đêm hai người... tay đôi với nhau tới nay, Giang và cô đều phớt tỉnh khi đụng mặt. Anh đã nhờ mẹ và dì Ngọc đính chính rằng anh không phải là người yêu của Hiền Thục. Giang còn bày đặt tổ chức một buổi mà anh ta gọi là tiệc trà tại phòng rồi mời tất cả bọn con gái đến ăn bánh ngọt, uống trà. Trong buổi... tiệc trà đó, con nhỏ Huệ chối bai bải, nó thề sống thề chết rằng chưa bao giờ nói Giang là người yêu của Hiền Thục. Nó còn rủa... đứa nào già mồm đổ tội oan cho nó thì sống khôn thác thiêng, Hiền Thục cũng sẽ về bẻ lọi giò kẻ đó. Tối hôm ấy, Bạch Đàn không tới dự vì cô bận dạy, dù mẹ có nói Giang nhờ bà mời cô giùm, nhưng khi gặp, Đàn vẫn tỉnh bơ như không hề biết lời mời của anh. Có lẽ thái độ này làm Giang tự ái, nên anh cũng lơ mỗi khi thấy Đàn dưới bếp. Chiến tranh lạnh xảy ra cả tháng trời bỗng dưng tối nay anh ta làm cô... "cảm động... đậy" quá. Bộ Giang thay đổi chiến thuật từ băng giá lạnh lùng sang lửa tình ấm áp hay sao vậy? Hay anh ta nghĩ rằng Bạch Đàn không thích tuýp người đàn ông bí hiểm lầm lì, nên chuyển hệ sang kiểu đưa đón, chiều chuộng để cô ghé mắt xanh vào? Chắc không phải đâu. Cô là cái thớ gì mà Giang phải làm vậy cho vừa tốn thời gian vừa mệt người chứ? Chẳng qua anh ta muốn làm phước, nên chặn đường Đàn lại để báo cho cô biết về Đại. Sẵn tiện, Giang tán tỉnh vài câu nhằm dò xem trái tim cô cứng hay mềm thôi mà, cần gì phải nghĩ ngợi nhiều dữ vậy. Anh ta đang giăng lưới đó, đừng dại dột lao vào, con ngốc ạ! Đem xe vô nhà, Bạch Đàn bước trở ra cổng ngay lúc Giang trờ tới. Cô kéo ghi đông xe anh lại, giọng ngập ngừng: - Mong anh đừng kể với me và dì tôi về Đại. Hai người vẫn tưởng học trò của tôi chỉ là trẻ con thôi. Tôi không muốn mẹ và dì Ngọc phải lo vì bây giờ cho tới cuối tháng, tôi chưa nghỉ dạy ở nơi đó được. Giang tỏ vẻ hững hờ: - Những gì em cần tôi đã nói hết với em rồi. Em khỏi phải nhắc, tôi không nhiều chuyện nữa đâu. - Anh giận tôi à? - Không! Tôi chỉ thấy tiếc khi lòng tốt của mình bị đánh giá quá thấp thôi. - Tôi xin lỗi... Giang im lặng dẫn xe vào trong, Đàn đóng cánh cửa sắt nặng nề lại. Nghĩ cho cùng mình đã làm gì có lỗi với anh ta đâu mà phải... xin xỏ? Có chắc những điều Giang nói là sự thật không? Hay vì bị cho nghỉ dạy nên anh căm thù Đại và phao tin vịt lên cho bõ ghét? Nhưng dù sao đi nữa, Bạch Đàn vẫn phải tiếp tục sự nghiệp gia sư. Cô đang cần tiền, cần khá nhiều tiền cho học phí năm nay.