Mở đầu

    
êm đông yên tỉnh lạ lùng. Nhẹ nhàng buông mình xuống giường, Lưu Ly kéo cái gối ôm mát lạnh vào lòng và lim dim mắt tận hưởng cảm giác sản khoái khi được nghỉ ngơi của người vừa đi một chuyến xa.
Sau mấy tiếng đồng hồ bị nhồi lắc vì ngồi ở băng chót của chuyến xe cuối cùng trong bến. Lưu Ly cũng về tới đây. Giờ này chả biết ba má có lo lắng khi vắng mặt cô không.
Xiết chặt cái gối vào lòng, Ly nhếch môi cười trong ánh sáng mờ mờ của cái đèn ngủ hình vỏ sò treo trên vách. Cô muốn mọi người phải hoảng vía một phen vì tội coi thường cô. Cô muốn mẹ phải bỏ quan niệm "trọng nam khinh nữ" lâu nay của bà. Nếu không Lưu Ly chẳng bao giờ trở về nhà nữa.
Lúc nãy cô đã vừa khóc vừa kể sự tình với ông nội rồi. Tuy ông hông nói, không tỏ thái độ gì, ngoài những cái cau mày. Lưu Ly vẫn tinh chắc ông sẽ đồng ý cho cô ở đây đến chừng nào chán thì thôi.
Nhưng cô sẽ không chán đâu. Ngôi nhà này, khu vườn rộng mênh mông này, rồi con sông mênh mông nước lớn hiu hắt tiếng bìm bịp kêu... Với Lưu Ly là cả một sự lý thú. Ở đây hẳn sẽ thoải mái hơn trong căn phòng tù túng của cô ở thành phố. Về làm gì khi mẹ lúc nào cũng giam lỏng cô như giam tù. Dưới mắt hai người, chỉ có anh Đoàn là quý thôi. Ảnh là con cầu con khẩn của cả dòng họ vốn hiếm hoi này mà. Hạng nữ nhi ngoại tộc như cô thì đáng mấy hào.
Bỗng dưng Lưu Ly thổn thức, nước mắt cô ứa ra ướt cả gối. Cô cố dằn tiếng nấc khi nghe ông nội ho khúc khắc ngoài hành lang.
Thật ra Lưu Ly chưa biết nhiều về ông nội ngoài những lần ông lên thăm gia đình theo đúng định kỳ bốn tháng một lần, cô không thường gặp ông kể từ ngày đám ma bà nội đến nay, đây là lần thứ hai cô ngủ lại ngôi nhà này. Ông bà nội không ưa, không chấp nhận mẹ là con dâu dù bà đã sinh cho dòng họ ông thằng cháu đích tôn. Chính vì vậy, anh em cô ít khi nào về quê nội. Nếu có về, cũng chả khi nào ở lại đêm.
Lần này Lưu Ly phải làm sao cho ông nội thương mến mình nhiều hơn nữa mới được. Trước đây trực giác đã cho cô biết ông nội quý cô hơn anh Đoàn. Điều này mẹ cũng nhận thấy nên có lần bà bực dọc nói với ba cô rằng: "Ông muốn có cháu nối dõi nhưng chẳng xem tôi và thằng Đoàn ra gì hết."
May phước mẹ không nhắc đến Lưu Ly. Thở dài một cái, co trở mình nằm nghiêng, cặp mắc co díu lại vì những suy nghĩ lộn xộn trong đầu.
Thôi ngủ đi, ngủ một giấc tới sáng sẽ quên tất cả những ấm ức phiền muộn. Ta sẽ vào vườn suốt ngày, mùa này có chôm chôm, nhãn, và cả mãng cầu xiêm nữa.
Lưu Ly đang mơ mơ màng màng với bao nhiêu suy tính cho ngày mai thì bỗng nghe tiếng la thất thanh. Phải nói là tiếng hét thì đúng hơn. Giữa đêm khuya vắng, tiếng hét vang lên kéo dài nghe thật hãi hùng, rùng rợn.
Cô ngồi bật dậy khi nghe tiếng ly tách ngã đổ rổn rảng, tiếng đồ đạc bị đập phá, rồi lại tiếng la hét, chửi rủa... những âm thanh đó không phát ra từ ngôi nhà này. Nhưng giữa đêm khuya những tiếng vọng của nó mới rợn óc làm sao!
Lưu Ly rón rén ôm chiếc gối bước khỏi giường, cô đến cửa sổ nhìn xuống ngôi nhà đối diện. Bên đó đèn vẫn còn sáng dù cửa đóng kín, cô cũng nhận ra sự ầm ĩ bắt nguồn ở đấy. Chắc là nhậu nhẹt. Ly đã chả lạ gì trò say dẫn đến hò hét đập phá của dân nhậu, vì anh Đoàn là một điển hình sinh động. Nhưng giọng hét thê lương của bợm này nghe ghê quá. Cứ y như tiếng than của người bị chuyện gì oan ức, khổ sở lắm vậy. Trời ơi! Bây giờ... bợm ta lại cười nữa kìa. Nhìn những ngọn cây đen xì trong đêm, Lưu Ly rùng mình vì giọng cười khàn khàn, ằng ặc quỷ sứ ấy. Cô ôm cứng cái gối, leo lên giường và đắp mền tận cằm.
Nhắm mắt lại, Lưu Ly cố dỗ giấc ngủ, cô mặc tiếng la, tiếng khóc, tiếng cười ấy nhưng không được. Ly khổ sở vùi đầu vào gối.
Đêm đầu tiên bỏ nhà thật đáng nhớ đời. Lưu Ly cứ vật vã như đang nằm trên mặt biển gợn sóng. Cô giận ba mẹ, giận anh Đoàn, và giận cả gã bợm nhậu bất lịch sự kia. Nhưng đáng giận nhất vẫn là cô, lẽ ra cô phải dịu dàng, nhu mì vâng theo lời mẹ, lẽ ra cô không nên chống đối anh Đoàn, lẽ ra cô phải thi đậu đại học như mẹ vẫn hy vọng... Cô đã làm phiền mọi người và đã bỏ trốn về đây như một kẻ đào ngũ. Vậy hãy ráng chịu, đừng thở than gì hết, dù chỉ là than thầm trong hiu quạnh thế này.
Nằm trăn trở hồi lâu, cuối cùng Lưu Ly cũng mệt mỏi chìm vào giấc ngủ chập chờn đầy mộng mị.
Chương 1
Sau một vòng thả bộ quanh sân, Lưu Ly trở vào nhà. Đi dọc hết mấy gian phòng rộng chưng bày toàn đồ quí giá, cô xuống tới bếp. Mỉm cười rất ư dễ thương, Lưu Ly cố bắt chuyện trước với người đàn bà có gương mặt khó đăm đăm:
- Dì Tám ơi! Ông nội cháu chưa dậy hả?
Vừa chế nước sôi vào bình thủy, bà Tám vừa trả lời nhát gừng:
- Ông dậy lâu rồi.
- Ủa? Sao cháu không thấy kìa?
Liếc Ly một cái nhẹ, bà Tám nhếch môi:
- Ổng đi lúc trời hừng sáng, làm sao mấy người thấy được.
Phớt lờ thái độ lạnh tanh của bà già, Lưu Ly hỏi tới với giọng lo lắng:
- Ông nội cháu đi đâu vậy? Lên Sài Gòn phải không?
Trề cặp môi ăn trầu đỏ chót ra, bà Tám cao giọng:
- Xì! Ổng mà thèm lên Sài Gòn.
Xụ mặt xuống vì quê độ, Lưu Ly cộc lốc:
- Vậy nội đi đâu?
Bà Tám lừ mắt nhìn cô rồi nói như nạt:
- Qua cồn.
Lưu Ly chắt lưỡi:
- Trời ơi! Phải biết cháu đi chơi theo rồi.
Bà Tám lầu bầu một mình:
- Hừ, chơi với bời, ở đây hỏng ai ở không chơi đâu.
Rồi quay sang nhìn cô bà cất giọng:
- Chừng nào mấy người về?
Thừa biết bà già khó chịu này hỏi mình, nhưng Lưu Ly cố tình không hiểu cho bõ ghét. Cô ngơ ngác ngó xung quanh:
- Dì Tám hỏi ai cơ?
- Ở đây còn ai khác.... mấy người bây giờ? Hừ! Trả lời đi, chừng nào về trển?
Lưu Ly bực bội, trừng mắt nhìn bà ta. Cô không hiểu sao bà Tám luôn có ác cảm với mình. Cách đây năm năm, bà nội Lưu Ly chết, cô về ở chịu tang mất hai ngày, một đêm....  Lần đó Ly đã đụng độ với bà Tám vì lý do rất đơn giản: cô dám cười giữa đám ma trang nghiêm, long trọng vì.... lỡ nhìn thấy ông thầy cúng ngủ gục lên gục xuống. Ly nhớ bà Tám đã hùng hổ kéo cô ra góc vườn mắng một trận nghe đinh tai nhức óc, nếu ba cô không can thiệp kịp, chắc bà chằn lửa này chưa buông tha để Ly vào quỳ kế quan tài của bà nội, người cô chỉ gặp một lần duy nhất khi bà còn sống.
Hồi đó còn bé, Lưu Ly rất sợ mang tội bất hiếu vì nhớ tới những lời rủa sả của bà. Bây giờ khác rồi, cô chẳng làm gì nên tội, sao phải nhịn trước thái độ khinh khỉnh đầy quyền hành này trong khi ông nội không nói gì hết.
Ngồi xuống ghế rất đường hoàng, Lưu Ly gằn từng lời:
- Tôi sẽ ở đây luôn. Bây giờ phiền dì làm món điểm tâm cho tôi, nhanh lên!
Trợn muốn tét con mắt tí rị trên gương mặt móm sọm, tong teo lên, bà Tám nhìn cô trân trân, giọng líu lại vì kinh ngạc:
- Ở luôn là sao chứ? Ai cho mấy người ở luôn mà ham?
Lưu Ly khoát tay nhấn mạnh:
- Đó là chuyện của gia đình tôi. Dì tò mò chi vậy? Tôi đói lắm rồi đây.
Mặc kệ bà già lảm nhảm trong mồm, Lưu Ly nhún vai, bước ra sau hè. Với tay hái cái bông bưởi trắng thơm ngát, cô tủm tỉm cười khi biết phải đối phó thế nào với bà Tám. Hóa ra bà ta chỉ giỏi ăn hiếp những người hiền từ, mình chỉ cần hống hách như vừa rồi bà ta đã xìu ngay một nước. Thế cũng tốt, phải lên mặt.... cô chủ nhỏ mới yên thân được với bà già khó tính này.
Đang nghiêng đầu nhìn đôi chim sâu nhỏ xíu chuyền trên cành, Lưu Ly giật mình vì nghe gọi:
- Chị Ly, làm gì đó?
Quay lại, cô thấy Đào, cháu của bà Tám, bước đến. Khác với bà dì hắc ám, Đào lúc nào cũng cười, và cười rất có duyên. Lưu Ly lúng túng trước vẻ tự nhiên đầy thân thiện của Đào, cô ậm ừ cho qua chuyện:
- Bông bưởi thơm quá!
Nheo nheo mắt rất lém, Đào nói:
- Nhưng trái bưởi mới thật sự hết ý. Bưởi năm roi chánh cống đó.
Lưu Ly ngạc nhiên:
- Năm roi là sao chớ?
Đào cất tiếng cười trong vắt:
- Là ai chưa được phép ông Chín mà hái, thì bị năm roi vào đít.
Giọng Lưu Ly nhỏ lại:
- Bộ ông nội khó đến thế à?
Le lưỡi, Đào không trả lời. Cô ta hỏi trớ đi:
- Tối qua lạ nhà, chị Ly ngủ được hông?
Nhớ tới gã bợm rượu hò hét suốt đêm, Lưu Ly chép miệng ngao ngán:
- Tôi dễ ngủ lắm, nhưng hồi tối cứ chập chờn suốt vì gã say rượu nhà bên kia quậy quá cỡ.
Đào lại cười, cô gật gù:
- Đúng là chị xui. Mấy năm mới về một lần, lại nhằm lúc thằng chả lên cơn. Ngủ không được cũng phải.
Ly hỏi bâng quơ:
- Bộ thằng cha đó hay nhậu lắm hả?
Đào lắc đầu:
- Không phải nhậu mà là lên cơn. Thằng chả bị mát điện nặng lắm!
- Ủa vậy sao?
Lưu Ly chưa kịp điều tra thêm cho thỏa tật tò mò cố hữu thì đã nghe tiếng bà Tám tằng hắng:
- Mày nói xàm gì vậy Đào? Cỏ ngoài vườn nhãn cao tới bắp chân, đi làm đi.
Quay sang phía Ly, bà càu nhàu:
- Xong món hột gà ốp la rồi đó. Ăn lẹ lên còn để người ta dẹp nữa.
Không đợi Ly phản ứng, Bà Tám ngoe nguẩy trở vào trong nhà. Đào bứt rứt nói như xin lỗi:
- Dì Tám lúc nào cũng vậy. Chị đừng chấp nhất nghe.
Lưu Ly kéo tay cô bé giọng thản nhiên:
- Vào với chị.
- Thôi thôi em ăn sáng rồi.
- Ăn thêm chút nữa cho vui. Có sao đâu.
Đào thì thầm:
- Em ớn dì Tám lắm! Trong nhà này ai cũng ngán dì Tám lắm.
Lưu Ly nheo nheo mắt:
- Kể cả ông nội của chị?
Cô bé ngập ngừng:
- Không phải, nhưng ông Chín hay nghe lời bà, mắng oan người khác....
Rồi như sực nhớ không nên nói thế với Lưu Ly, Đào cắn môi làm thinh. Lưu Ly dọa:
- Em không ăn chị cũng nhịn luôn. Trước sau gì dì Tám cũng la nữa, mà lần này la luôn cả chị. Chả lẽ Đào muốn chị bị la?
Đào lẽo đẽo theo cô vào bếp. Ly thấy trên bàn để một dĩa trứng ốp la, một ổ bánh mì, với một ly sữa to. Cô bé Đào nhận xét:
- Dì cho chị ăn giống như ông Chín, ngày nào cũng trứng chiên, bánh mì khô khốc.
Lưu Ly nhẹ nhàng:
- Ở quê làm sao đòi hỏi như thành phố được. Thế này là quá sang rồi.
- Nói vậy là chị lầm rồi. Ở đây thứ gì cũng có. Tại dì làm biếng thôi.
Lưu Ly mỉm cười, rõ ràng cô bé lóc chóc này chẳng ưa bà dì của mình. Ly biết bà Tám là người giúp việc lâu năm trong nhà ông nội, tính ra tới nay cũng phải mấy chục năm do đó mới.... lộng quyền với những kẻ ăn người ở khác, nhưng tại sao với cô, bà ta cũng chẳng lịch sự tế nhị chút nào hết, chẳng lẻ vì ông bà nội không chấp nhận mẹ làm con dâu nên bà ta cũng ghét Lưu Ly dầu cô chả có tội tình chi cả.
Nghiêng đầu nhìn Đào, Ly thân mật:
- Ăn nhé!
- Em không thích món này, nhưng ngồi với chị cho vui.
- Vậy thì uống sữa?
- Ôi thôi! Em sợ mùi bò lắm....
Lưu Ly bật cười:
- Sao khó quá vậy?
Đào thành thật:
- Sáng nào cũng ăn cơm quen rồi, ăn mấy thứ này đâu làm việc nổi?
- Chị vẫn đi chưa hết vườn nhà mình.
Đào buột miệng:
- Rộng lắm! Mình ông Chín quản lý không nổi, bởi vậy....
Ly tò mò nhìn Đào ngập ngừng:
- Bởi vậy thế nào?
Cô bé lắc đầu rồi trớ đi:
- Em muốn nói là bởi vậy làm sao chị đi hết được, nếu chị ở chơi vài ngày thôi.
Bưng ly sữa lên uống một ngụm, Lưu Ly cao giọng:
- Lần này nhất định chị sẽ đi hết vườn ở đây và ở bên cồn nữa.
- Thật hả?
Lưu Ly cười cười:
- Chị sẽ ở đây luôn mà!
Đào trợn mắt:
- Ở đây luôn, còn ba mẹ chị thì sao?
Lưu Ly nhún vai:
- Vẫn ở trển chứ sao.
Đào thừ người nhìn Lưu Ly chậm rãi nhai bánh mì, cô bé cố đoán xem Ly nói đùa hay thật rồi dọ dẫm:
- Bộ cậu mợ hai cho chị về đây ở thật hả?
Lưu Ly vừa ăn vừa gật đầu. Đào tỏ vẻ không tin:
- Vô lý! Cậu mợ thừa biết không nên kia mà! Với lại chắc gì ông Chín đã chịu, một khi gã điên ấy có mặt ở đây.
- Mày lại tía lia cái mồm hả Đào? Có đi làm chưa thì nói?
Đào lấm lét nhìn gương mặt đanh lại của bà Tám rồi đứng dậy bước nhanh ra sân.
Lưu Ly vụt chạy theo:
- Chờ tôi với!
Bà Tám nắm vai cô kéo lại:
- Mấy người không được đi lung tung. Trước khi qua cồn. Ông Chín đã dặn thế.
Hất tay bà ta ra, Ly xẵng giọng:
- Tôi có tên đàng hoàng sao dì cứ "mấy người này, mấy người nọ". Khó nghe quá vậy?
Bà Tám nhếch môi:
- Hừ! Bà Chín trước đây cũng tên Ly. Chưa thấy ai như cậu Hai nhà này, lấy tên mẹ ruột đặt cho con gái. Mà không biết. Hừ! Cậu ấy đặt hay ai đặt nữa! Bà Chín thiêng lắm, nên tôi không dám kêu đến tên bà.
Lưu Ly ngẩn ra khi nghe bà Tám nói. Trước giờ cô không hề biết rằng tên mình trùng tên bà nội. Sao ba mẹ lại.... phạm thượng dữ vậy. Người nghĩ ra lấy tên bà nội đặt cho cháu, chắc là mẹ thôi. Mẹ là người không thích nhường nhịn bất kỳ ai. Chắc mẹ cố tình làm thế cho lợi gan, vì bà mẹ chồng không nhận mình là dâu. Mẹ có nghĩ đặt tên như thế bà nội sẽ ghét luôn Lưu Ly không? Chắc có đấy, nhưng ăn thua gì khi mẹ là người chỉ biết tới mục đích. Cô nói:
- Chuyện này tôi không biết. Nhưng dì có thể gọi tôi là ba, bốn gì đó cũng dễ nghe hơn. Bây giờ tôi muốn theo Đào ra vườn nhãn.
Bà Tám dứt khoát:
- Không được! Từ đây tới đó qua nhiều cầu khỉ lắm. Mấy người phải ở nhà. muốn ăn gì tôi nấu cho ăn.
Ly hất mặt lên:
- Trừ ông nội ra tôi không nghe lời ai hết. Bây giờ tôi muốn ăn nhãn và ăn ở ngoài vườn kìa. Dì đừng cản tôi, nhưng mà....
- Không nhưng gì hết. Tôi ghét ai lằng nhằng lắm.
- Dì mà gọi tôi là "mấy người" nữa là có chuyện đấy!
Bỏ mặc bà già đứng ngoài sân, Lưu Ly ba chân bốn cẳng chạy theo Đào. Vừa chạy cô vừa gọi ơi ới. Đến cây cầu khỉ ốm tong teo không có tay vịn, Ly thấy Đào đang chờ mình. Cô lẹ làng xách dép mà bám vai cô bé mà đi qua bên kia mương.
- Vườn này tới đâu mới hết lận?
Đào trả lời:
- Sát với đất bà Hà ở cuối đường.
Giọng Ly hăm hở:
- Nhất định sáng nay chị phải dạo hết vườn mới được.
Đào lắc đầu nguầy nguậy:
- Không được đâu. Ở cuối vườn ớn lắm!
Lưu Ly nhíu mày:
- Ớn là sao?
Đào bối rối:
- Chỗ đó trồng toàn xoài, chị đi làm chi cho mệt. Mùa này hết trái rồi.
- Chị muốn đi cho biết, nếu Đào sợ mệt thì đừng theo.
- Không được đâu.
Lưu Ly gắt:
- Lại không được. Dì cháu em mở mồm là không được, nhưng tại sao không được chứ?
Đào nói:
- Hồi sáng ông Chín có dặn dì Tám đừng để chị đi lung tung.
Lưu Ly bắt bẻ:
- Đi trong vườn mà lung tung. Có em nói lung tung thì đúng hơn.
Đào nhăn nhó:
- Khúc vườn xoài đó lạnh lẽo hoang vắng lắm. Con gái không nên tới một mình rất nguy hiểm.
Cách nói mập mờ của Đào làm Lưu Ly thêm tò mò. Cô ngẫm nghĩ rồi trầm giọng:
- Có phải tại gã điên bên kia tới hồi lên cơn nên ông nội không cho chị đi nghêu ngao không?
- Chị đoán đúng y.
- Nhưng làm sao người ta vào vườn mình được khi xung quanh đã rào kín?
Đào ngồi xuống một gốc nhãn, cô bé vừa nhổ những bụi cỏ lưa thưa vừa trả lời:
- Họ lẻn vào theo ngỏ vườn nhà bà Hà mà gã khùng ấy là con trai bà, nên chuyện gã ta mò qua vườn nhà mình là chuyện thường tình.
Lưu Ly kêu lên:
- Sao không rào khoảng vườn ấy lại cho có ranh giới rõ ràng?
Đào giải thích:
- Đất mình và đất họ cách nhau con mương nhỏ. Ông Chín không chịu rào vì lý do từ xưa hai nhà vẫn qua lại bằng cái cầu khỉ trên mương đó, bây giờ....
Lưu Ly nôn nóng khi Đào lại ngập ngừng:
- Nói tiếp đi.
Nhìn quanh một vòng như xem có ai không, Đào lí nhí:
- Bây giờ hai bên nghịch với nhau lắm.
- Nghịch thì càng phải rào lại chớ.
Đào làm thinh, cô bé qua gốc nhãn rồi lại tiếp tục nhổ cỏ.
Lưu Ly ấm ức ngồi xuống kế bên:
- Tại sao mình lại nghịch với họ?
Đào lẩn tránh:
- Em không biết!
- Dì Tám biết không?
Đào lắc đầu. Cô bé lặng lẽ làm việc như chẳng có Ly bên cạnh. Cô giận dỗi đứng phắt dậy đi vòng vòng gần đó. Mùi nhãn chín thơm ngọt làm Ly phải đưa mắt nhìn. Trái chín nhiều lắm, cô vừa ăn vừa nghì ngợi đủ điều và nhận ra mình hoàn toàn không biết gì về họ nội, dù ba cô là con trai duy nhất sẽ thừa kế toàn bộ đất đai, tài sản này ba mẹ cô không thích nơi đây, dù nhờ nó ông nội mới có vốn bỏ ra cho ba làm ăn và trở nên khá giả như bây giờ. Có lần mẹ đã nói xa nói gần:
- Ông nội bây mà trăm tuổi thì bao nhiêu vườn tược ở dưới sẽ bán hết, chớ ai mà thèm về chỗ chỉ có ma ở đó.
Lúc ấy ba cô im lặng, nhưng vẻ mặt ông cau lại, Lưu Ly linh cảm ông không đồng tình với vợ mình. Dù sao ông cũng được sinh ra và lớn lên từ đây, chắc ba không đang tâm bán nơi chôn nhau cắt rốn đâu.... Chẳng hiểu ông có biết chuyện ông nội và nhà bà Hà bên kia đang mâu thuẫn không. Nói chuyện với nhỏ Đào này giờ, Ly vẫn còn thắc mắc sao nội chưa chịu rào khoảng vườn tiếp giáp với họ lại, vốn rất tò mò nên Ly chịu hông không được.
Lân la đến chỗ Đào đang ngồi, Lưu Ly gợi chuyện:
- Em hay gặp gã khùng nhà bà Hà không?
Đào có vẻ thận trọng khi trả lời:
- Gặp một vài lần.
- Trông gã chắc ghê lắm hả?
- Em chỉ thoáng thấy thôi chớ đâu dám đến gần.
- Bộ thường ngày họ nhốt gã à?
- Đâu có, mà chị hỏi chi vậy? Em đã nói là không biết gì hết kia mà! Anh ta điên từ lúc em còn nhỏ xíu.
Lưu Ly hỏi:
- Tự nhiên bị điên à?
Đào chớp mắt:
- Nghe dì Tám kể hồi độ mười hai mười ba tuổi, anh Út Tường con bà Hà leo cây chơi, ai ngờ bị té. Ảnh nằm dưới đất ngay đúng ngọ mà không ai hay.
Hạ thấp giọng xuống, Đào thì thào:
- Vườn thì vắng, lại nhằm giờ thiêng, nhiều.... ông đi qua bà đi lại. Người khuất mặt khuất mày nhập vào mới hóa điên ấy chớ.
Lưu Ly rợn mình vì lời kể nhuốm màu.... ma quái của Đào. Cô trấn tĩnh lại và nạt:
- Nhảm nhí! Anh ta điên vì chứng thương sọ não thì có.
Đào cãi:
- Không phải đâu! Anh Tường điên kỳ lắm. Lúc tỉnh vẫn đi học bình thường, khi tới cơn thì như hồi tối chị nghe đó. Người ta nói lúc ấy mắt thằng chả trắng dã, lưỡi le dài, bị đánh bằng đuôi cá đuối cũng chẳng biết đau.
Lưu Ly cười cười:
- Chị không tin, mà ai kể với em vậy?
Đào đáp gọn lỏn:
- Dì Tám!
- Chính mắt dì thấy hả?
- Mấy người bên nhà bà Hà kể. Họ còn nói mỗi lần.... lên cơn. Anh Tường mạnh ghê gớm. Bốn năm người ôm cũng không được. Anh ta xé quần áo, leo tót lên ngọn cây hồi đó bị té ngồi đong đưa như khỉ. Dân ở đây đồn ầm lên, gia đình ở bển sợ mang tiếng nên đưa ảnh lên chùa tuốt đâu bên Châu Đốc Long Xuyên gì đó. Anh ta mới về chừng vài ba tháng, nhưng đâu có hết điên.
- Vậy hắn ta điên bao lâu rồi?
- Chắc cũng mười mấy năm.
Lưu Ly tủm tỉm:
- Em biết về gã điên này cũng nhiều lắm chứ!
Đào gượng cười:
- Nhờ em nghe kể lại thôi.
Ly cau mày:
- Em đã từng nghe kể về lão điên bên ấy, sao giấu chị chứ?
Đào bối rối cố nhổ cho được cái gốc cỏ bị đứt ngay. Lâu lắm cô bé mới lên tiếng:
- Cuối vườn nhà mình có một cái miếu nơi gốc xoài. Đó là nơi cậu Út Tường bị té rồi điên. Ai cũng nói chỗ ấy linh lắm.
Lưu Ly trợn tròn mắt:
- Hóa ra hắn té bên vườn nhà mình. Trời ơi! Rồi cái miếu đó thờ ai vậy?
Đào hạ thấp giọng đến mức Lưu Ly nín thở mới nghe được:
- Trước khi Tường khùng té, trên cây xoài đã có người thắt cổ chết.
Lưu Ly nghẹt thở, rung giọng cô hỏi:
- Ai vậy?
Đào không trả lời mà thì thầm tiếp:
- Sau đó mấy năm lại thêm một người nữa. Cả hai đều là đàn bà. Miếu đó để thờ họ.
Lưu Ly nhìn Đào trân trối:
- Họ là ai? Tại sao lại cứ vào vườn của mình tự tử?
Đào luống cuống để tay lên môi như bảo Ly đừng hỏi thêm, cô bé van vỉ:
- Em không biết gì hết nữa! Chị không được nói em đã kể chuyện này. Dì Tám mà biết thì em chết.
Lưu Ly thẫn thờ:
- Đã như vậy sao không rào quách lại cho rồi! Ông nội cũng kỳ thật!
Kéo tay Đào, Ly nói như ra lệnh:
- Đi với chị tới cái miếu ấy xem sao?
Đào giật thót cả người:
- Cho vàng em cũng không dám, em ớn lắm.
- Nhưng ai lập cái miếu ấy vậy?
Đào buột miệng:
- Ba chị.
Lưu Ly há hốc mồm:
- Cái gì?
Đào xua tay rối rít:
- Em nói bậy! Trời ơi! Đừng có hỏi nữa. Em không biết gì mà, chị làm em.... liệu bây giờ.
Dứt lời cô bé hấp tấp bước đi, Ly vội vàng chạy theo, đầu óc hoang mang vì lời nói bất ngờ của Đào vừa nói. Cô còn nhiều chuyện hỏi quá, nhưng chắc con bé sẽ bảo "không biết". Thôi thì để hôm khác điều tra tiếp vậy!
Vào đến phòng khách, Lưu Ly hết hồn khi thấy ba mình ngồi chễm trệ trên chiếc salon. Ông Trịnh gằn giọng:
- Hừ! Giỏi lắm!
Lưu Ly cố cười giả lả:
- Ba xuống lâu chưa?
- Lâu hay mau đâu quan trọng. Tại sao con đi mà không cho ba mẹ biết, để mọi người lo lắng suốt cả đêm. Tính con giống tính bà ấy. Động một chút là giận lẫy, là làm đủ chuyện để đã nư, bất chấp hậu quả thế nào. Con nghĩ rằng bỏ nhà như vậy là mẹ con chịu thua hay sao?
Lưu Ly ngồi xuống salon nhỏ nhẹ:
- Con không hề nghĩ như ba nói. Con về đây vì chịu hết nổi cảnh tù túng ngột ngạt ở nhà. Con muốn làm một chuyến du lịch xa đầy lý thú, nhưng mẹ không cho thì con về quê với nội. Ở đây cũng hấp dẫn lắm! Cần gì phải ra nước ngoài chi cho tốn tiền.
Giọng ông Trịnh dịu lại:
- Lại ganh tỵ rồi! Thằng Đoàn là đàn ông, nó cần đi đó đi đây để mở mang kiến thức học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Đi du lịch với nó đồng nghĩa với việc "đi một ngày đàng, học một sàng khôn", chứ đâu chỉ đơn thuần là đi chơi. Bởi vậy dù tốn kém ba mẹ cũng phải cho anh con đi....
Lưu Ly ngắt lời ông:
- Nhưng theo con, ảnh đi thế là quá nhiều. Hai năm đi bốn nước: Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Hong Kong. Ba đã kiểm tra xem ảnh đã học được những gì chưa?
Ông Trịnh nổi nóng:
- Đừng có hoạch họe với ba. Con còn nhỏ, học không lo, lo bắt bẻ người lớn. So với anh Hai, con có bằng nó đâu mà đòi hỏi phải được như nó?
Lưu Ly làm thinh và bắt đầu sụt sùi đổ lệ. Ông Trịnh chép miệng:
- Chỉ tài khóc là hay. Con tệ lắm mới ganh tỵ với anh mình.
Lưu Ly vẫn còn ấm ức:
- Đâu phải con ganh tỵ, nhưng ai không tủi thân khi lần nào ảnh đi mẹ cũng đài thọ luôn cho chị Thủy Tiên, trong khi chị chưa phải là vợ anh Hai. Còn con, mẹ không bao giờ nhắc đến, dù một lời giải thích "tại sao con bị.... ở nhà".
Ông Trịnh đốt một điếu thuốc, mắt hướng về chiếc độc bình men xanh to cao dặt trên kệ ở góc phòng. Chả hiểu ông suy nghĩ gì mà rít thuốc liên tục. Ly chợt nghe ông thở dài rồi giọng ông trầm trầm vang lên:
- Lẽ ra mẹ không nên đối xử với con như với đứa trẻ lên mười, trong khi con đã hai mươi rồi. Có nhiều lúc mẹ tỏ ra thiên vị anh Hai. Nhưng mẹ cũng thương con, suốt đêm qua bà ấy khóc đến mức ba dỗ không được, nên sáng sớm phải xuống đây ngay.
Lưu Ly cay đắng:
- Thương con, sao mẹ không đi tìm mà là ba, trong khi công việc của ba chất cao như núi?
- Con thừa biết mẹ không về đây mà!
Lưu Ly nhếch môi cười:
- Phải chi con là trai như anh Hai thì tốt biết mấy!
Ông Trịnh nhíu mày:
- Sao con nói vậy?
- Con không biết, nhưng từ nhỏ con đã nghĩ thế rồi. Có lần mẹ nói vì con là gái nên bà nội ghét mẹ. Đúng không ba?
Ông Trịnh chưa kịp trả lời, Ly đã hỏi tiếp:
- Và mẹ đã lấy tên bà nội đặt cho con để trả đũa. Sao lúc đó ba không ngăn mẹ?
Ông Trịnh cúi đầu đưa tay chống trán, giọng ấp úng:
- Khi làm khai sanh mẹ đã khai tên con như thế, ba không sửa lại được. Chính điều này làm bà nội giận mẹ đến lúc chết. Đến khi nội chết rồi.... mẹ cũng không về chịu tang.
Lưu Ly nói tiếp lời ba mình. Cô chợt nhận ra cả mẹ và bà nội đều rất cố chấp. Nhưng tại sao? Mẹ từng nói bên họ nội khinh mẹ nghèo, nên không đồng ý cho ba lấy mẹ. Sự thật có đúng thế không?
Cô ngập ngừng hỏi:
- Tại sao mẹ lại hận bà nội dữ vậy?
Ông Trịnh ngẫm nghĩ hồi lâu mới nói:
- Ba là con một, bao nhiêu tình thương nội đều dồn vào ba hết. Nhưng ba lại cưới mẹ, người bà nội không đồng ý, rồi lại bỏ đất đai xứ sở mẹ cha để sống với vợ. Bà nội giận ba và rất hận mẹ con. Bà cho rằng vì mẹ con, ba đã trở nên bất hiếu....
Thở dài một cái, ông ngậm ngùi nói tiếp:
- Và cả bất nghĩa nữa. Nhưng đó là chuyện của người lớn, con chả có tội tình gì, đừng nhắc làm chi nữa chuyện ngày xưa.
Lưu Ly nhăn nhó:
- Nhưng về đây dì Tám ghét con ra mặt, dì toàn kêu con là "mấy người" vì sợ phạm húy, đã vậy dì còn cấm con đi ra vườn vì sợ thằng khùng nào bên nhà hàng xóm.
Dường như đã biết những điều Ly vừa nói, ông Trịnh thản nhiên nói:
- Bởi vậy con ở cho hết hôm nay, ngày mai về với ba, chỗ này không hợp với con đâu.
Lưu Ly lắc đầu:
- Con chưa muốn về.
- Không được! Ở đây chả ai trông chừng con. Sông nước mênh mông, ba mẹ làm sao yên tâm vì tính ngang ngược của con.
- Ba làm như con mới lên năm không bằng. Nhất định con sẽ ở với nội đến hết hè.
Ông Trinh xẵng giọng:
- Làm gì có chuyện đó. Đừng trở chứng bướng nữa. Ba mệt lắm rồi.
Lưu Ly uất nhẹ:
- Ba mẹ lúc nào cũng xử ép con. Đi đó đi đây như anh Đoàn là điều con không dám mơ tới, bây giờ về quê ở với nội cho khuây khỏa cũng không được. Con thấy mình chả khác búp bê đặt trong tủ kính là mấy.
- Tại ba lo cho con thôi. Con gái ở không có ba mẹ bất tiện lắm!
Lưu Ly buột miệng:
- Phải ba sợ chuyện nhà nội và nhà bà Hà mâu thuẫn sẽ ảnh hưởng tới con không?
Ông Trịnh sửng sốt:
- Ai nói với con vậy?
Lưu Ly ngập ngừng:
- Con tự tìm hiểu.
- Thế con đã hiểu gì rồi?
Lưu Ly lắc đầu, cô nhìn ba mình chăm chú. Hình như tâm trí ông đang căng thẳng thì phải. Ông Trịnh trầm ngâm:
- Ở đâu lại không có đụng chạm mâu thuẫn? Nhà vườn với nhau cũng thế. Thông thường dư luận thích xì xào chuyện thiên hạ. Hơi đâu con nghe người ta nói bậy.
Lưu Ly cười thật tươi:
- Nếu vậy ba sẽ cho con ở lại chứ?
- Ờ.... ừ.... còn tùy ông nội....
- Con sẽ thuyết phục ông nội. Nhất định là được.
Cô thấy ba mình lắc đầu rồi phẩy tay. Đây là thói quen của ông mỗi khi không thích bị làm phiền và mỗi khi ông chấp nhận yêu sách của cô....
Lần này không hiểu ba phẩy tay trong trường hợp nào. Nhưng dù với trường hợp nào, Ly cũng nên biến ngay để còn suy nghĩ cách thuyết phục ông nội. Không hiểu sao Lưu Ly tha thiết muốn ở lại đây. Nơi mang tiếng là quê cha đất tổ nhưng xa lạ chưa có chút kỷ niệm nào đối với cô, một con bé sinh ra và lớn lên ở thành phố.