Bà Ngọc lại buông tiếng rủa thầm: - Cái thằng khốn nạn! Hừ! Thứ nó không trời đánh, cũng xe đụng chết. Nó dám lừa cả tao, làm ba cái hợp đồng mua bán nhà giả. Càng nghĩ tới nó, tao càng lộn gan lộn ruột. Đồ chó chết! Cả đời cho được con gái món quà, ai dè cái máy cassette cũng là đồ dỏm. Đem ra chợ trời bán còn bị người ta cười. Tao sẽ rủa nó tới bao giờ nó chết mới thôi... Bạch Đàn ngồi ở góc phòng lặng lẽ nghe dì Ngọc chửi rủa và nhìn mẹ mình khóc. Với bà bây giờ mọi lời an ủi đều không có tác dụng. Ngược lại những lời người khác nguyền rủa ông Bá càng làm bà ít đau đớn hơn. Ông đã lừa bà một vố quá nặng. Nếu đặt trường hợp Đàn là mẹ, chắc cô cũng không ham sống nữa. Bà Ngọc nhìn cô: - Tối nay để dì ở đây với mẹ con. Con về nhà ngủ một giấc cho lại sức. Trông mặt mày con phờ phạc quá. Giọng Bạch Đàn khó nhọc: - Anh Đại không đến nữa đâu vì hôm nay dì đã về và mẹ cũng đã đỡ rồi. Bà Ngà nghèn nghẹn: - Đại không muốn nhìn mẹ cũng phải. Chắc nó coi thường mẹ lắm. Bạch Đàn tưởng bà mặc cảm nên vội nói: - Đâu phải ảnh không muốn nhìn mặt mẹ. Con yêu cầu ảnh đừng đến nữa. Con đã dứt khoát, nên sợ phải dây dưa với Đại. Số tiền thuốc còn thiếu, còn sẽ nhờ Đông trả ảnh. Cô đứng dậy lấy chiếc túi xách ở đầu giường của mẹ, giọng mệt mỏi: - Con về đây. Bước ra gần tới cửa, cô nghe mẹ gọi yếu ớt: - Bạch Đàn! Thật ra Đại không tệ như con tưởng. Nó không có gì với Ái Linh đâu. Bạch Đàn khựng lại: - Mẹ vừa nói là... là... Bà Ngà phều phào: - Chuyện con Linh do ông ta dựng nên và mẹ đã nghe theo. Lúc đó ổng nói: cần chia rẽ hai đứa. Nếu không, chẳng đời nào con quay về với mẹ và ổng, vì con nghe lời Đại. Bây giờ mẹ mới hiểu ông ta sợ Đại lật tẩy chuyện căn nhà nên vội vàng tìm cách loại Đại ra khỏi trái tim con, Đại không có cơ hội để nói sự thật nó biết với con. Bạch Đàn tựa người vào tường, tay cô run rẩy ôm chiếc túi: - Đại đã có nói nhưng con giận ảnh nên đâu kể lại với mẹ làm gì. Rồi cô đau đớn: - Lúc đó con có kể đi chăng nữa chắc gì mẹ đã tin con. - Bạch Đàn! Mẹ rất ân hận... Không đợi mẹ nói thêm lời nào, Đàn đẩy cửa đi như chạy trên hành lang. Cô không ngờ mẹ đã gạt mình như vậy. Lỡ như lúc đó cô cũng nông nổi uống thuốc tự tử thì bà sẽ ra sao? Có ân hận thật như lời vừa nói không? Càng nghĩ lẩn quẩn, Bạch Đàn càng buồn càng tủi. Cô không dám cho rằng cô giận bà. Nhưng khổ sao vào lúc này, lúc lẽ ra cô phải yêu thương, thông cảm với mẹ hết sức, cô lại thấy lòng dửng dưng chớ không hốt hoảng, điên cuồng lo sợ như lúc bà đang trong phòng cấp cứu, chưa biết sống chết ra sao? Nếu có Bích Đông ở đây, nó sẽ nhăn nhó... chẩn đoán rằng: "Mọi dây thần kinh cảm xúc của mày đều tê liệt hết". Có lẽ là như vậy, vì bây giờ cô không cảm thấy vui sướng khi biết Đại bị hàm oan. Mà chỉ thấy lòng nặng trĩu nỗi chán chường, thân xác rã rời mệt mỏi. Suốt mấy ngày đêm túc trực bên giường bệnh, Đàn thèm một giấc ngủ thật ngon, thật dài, cô không muốn bận tâm thêm bất cứ chuyện gì nữa. Thảy chiếc xe đạp vô góc nhà, đóng cửa lại, vào căn phòng quen thuộc và nằm dài xoải chân trên cái giường của mình, Bạch Đàn nhắm mắt, thả trôi tất cả những vướng bận của tâm hồn vào cõi hư vô. Một phút, mười phút rồi hình như lâu lắm, Đàn mới ngồi dậy vì tiếng nhạc đồng hồ vang lên. Tám giờ tối, Đại đang làm gì lúc này nhỉ? Bước đến tủ quần áo, Đàn vào phòng tắm. Nước mát làm cô tỉnh táo và linh hoạt hẳn lên. Bao nhiêu mệt mỏi rã rời theo nước trôi đi hết. Cô thổn thức khi nghĩ tới Đại. Suốt mấy ngày nay anh cũng thức đêm trong nhà thương. Ngoài ra, anh còn phải chạy tới chạy lui mua thuốc, mua thức ăn, nước uống cho Đàn và cả bà Ngà. Xem ra Đại còn vất vả hơn cô nhiều. Thế nhưng lúc nào Đàn cũng lạnh nhạt, không thèm quan tâm đến sự có mặt của anh. Cô trả lời cộc lốc mỗi khi anh ân cần hỏi han bằng những lời hết sức dịu dàng. Bích Đông tức lắm, con bé hầm hừ với cô bằng giọng chanh chua: - Lão Đại đúng là... ngu. Tao như lão về nhà ngủ hoặc đến thăm bà bầu còn sướng hơn. Tội tình gì chầu chực ở đây. Hứ! Đúng là "lòng em như chiếc lá khoai, đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu". Mày vừa vừa phải phải thôi Đàn à. Lầm lầm lì lì như con rùa thụt đầu vào mai, khó coi quá! Tại sao những đêm ở gần bên cô, Đại không bào chữa cho mình. Anh không hề nhắc nhở đến chuyện oan ức đó, mà bình thản đối xử với cô như một người bạn. Bỗng dưng Bạch Đàn hốt hoảng. Hay là Đại đã hết yêu cô rồi. Những việc anh làm cho mẹ con cô mấy hôm nay là việc phải làm giữa người quen hoặc bạn bè... Đức cận và Huệ nhí cũng tốt với Đàn, thì Đàn cũng tốt như họ thôi. Anh đã khẳng định từ đầu: "Không... yêu nhau nữa vẫn có thể là bạn bè hay người quen" kia mà. Bạch Đàn đâu thể mất Đại lần nữa. Tất cả cũng vì cô hấp tấp không vững lòng tin vào người mình yêu, cô thật đáng trách. Bây giờ dù Đại đối với cô ra sao Đàn cũng phải tới xin lỗi anh. Quên là vừa rồi mình rất mệt rất buồn ngủ, Bạch Đàn hối hả dắt xe đạp ra ngoài. Khóa cửa xong, quay lại cô đụng độ ngay Giang. Anh ta khoanh tay đứng kế bên xe của cô, giọng kẻ cả. - Lại vào nhà thương à? Dì Ngà khỏe chưa? - Cảm ơn! Mẹ tôi đỡ nhiều rồi. Giang gật gù: - Dì Ngọc về sớm quá làm em và Đại mất cơ hội bên nhau. Hai người hết giận hờn chưa? Đàn leo lên xe ngồi, miệng lầm bầm: - Anh chỉ giỏi nói xàm. Giang cao giọng: - Có chuyện này không xàm chút nào. Tôi biết bác Bá đang ở đâu. Bạch Đàn muốn nín thở. - Ở đâu? - Bên Campuchia. Một người bạn hàng của mẹ tôi mới vừa gặp ổng ở bển. Bạch Đàn xìu xuống: - Tuốt ở bển, làm gì được ổng bây giờ? Giang cười cười: - Ví dụ bác Bá ở đây, em nhắm làm gì được ổng? Thưa ba mình về tội gạt tiền mẹ mình à? Cũng được, nhưng nghe hơi trái tai. Bạch Đàn không muốn kéo dài câu chuyện nữa, cô nói: - Cám ơn anh đã cho biết về ông ấy. Bây giờ tôi vào nhà thương. Giang nói với theo: - Cho tôi gởi lời thăm dì Ngà. Bạch Đàn cong lưng đạp thật nhanh. Tối thứ Bảy đường phố tấp nập vui nhộn, cô không biết Đại có nhà hay đã hòa vào dòng người này rồi. Nhưng nếu anh đi vắng, Đàn cũng nhất định chờ anh về mới thôi. Cô bấm chuông và hồi hộp chờ cổng mở, Đàn thất vọng khi thấy bà Tám lo đầu ra: - Ủa! Cô giáo! Lâu quá mới thấy ghé. Đàn gượng gạo: - Dì khỏe không dì Tám? - Cũng thường. Cô ghé thăm cậu Đại hả? - Dạ, có ảnh ở nhà không dì? Mở rộng cổng cho Đàn vào, bà Tám ca cẩm: - Vừa mới dẫn xe đi đâu rồi. Hổm rày ngày nào cũng đi suốt, cậu bỏ mặc bác Hai ở bển về. Thật hết ai nói nổi. Bà Loan mà hỏi tới thì cậu ấy trả lời là bận làm ăn. Hừm! không biết làm ăn gì nữa đây. Bạch Đàn ngập ngừng: - Ảnh có nói chừng nào về không dì Tám? Bà Tám lắc đầu: - Vô chừng vô đỗi lắm cô ơi! Có khi dẫn xe ra tới sân lại quay trở vào, có khi đi thâu đêm suốt sáng, bỏ cả học hành. Đàn rầu rĩ nhìn mấy cuốn báo nằm ngổn ngang trên bàn rồi nói: - Vậy cháu xin phép về. Bà Tám vội vàng kéo tay cô: - Ở lại chơi, tôi có một mình buồn muốn chết, muốn nói chuyện cũng không biết nói với ai. - Thế còn... bác Hai của Đại đâu? Cháu chỉ sợ phiền dì Tám thôi. Giọng bà Tám hạ thấp xuống: - Vợ con bà lớn ấy mà. Không phải tôi nhiều chuyện chứ bà Loan bực mình ông anh lắm. Đàn nhớ tới lần cô tình cờ nghe bà Loan và bà Nhung nói chuyện với nhau. Hình như bà Loan không ưa bà chị dâu này. Ngay cả Giang cũng bị ghét, nên cô tò mò hỏi tới: - Cô Loan bực chuyện gì vậy dì? Bà Tám đứng dậy: - Vào rót cho cô ly nước rồi tôi sẽ kể cho mà nghe. Chuyện nhà này hấp dẫn lắm. Nhìn dáng bà xăng xái vô trong, Bạch Đàn cười bâng quơ. Có bà, thời gian chờ đợi sẽ trôi nhanh. Nhưng biết đêm nay Đại có về đây không? Để ly nước xuống, bà Tám mời: - Uống thử nước suối "La Vie" đi cô giáo. Ông Hai nhà này là Việt kiều nên uống toàn nước suối không thôi. Cậu Đại thì chê nhưng lại xách đem cho ai chả biết mà ngày nào cũng lấy một chai. Bạch Đàn chớp mắt nhớ tới mấy chai nước suối trong nhà thương. Hóa ra Đại đem ở nhà vào. Thật hết sức... - Cô giáo biết không? Ông Hai nhà này cũng kỳ, ổng lấy bà Nhung cách đây mấy chục năm, sanh thằng con trai được hai, ba tuổi gì đó thì đôi bên thôi nhau. Tôi nghe bà Loan nói tại bà vợ này tính dữ dằn lại tham lam, cả nhà, ai cũng ghét. Mấy năm sau, ông Hai lấy vợ khác, có hai thằng con trai. Cả gia đình xuất cảnh nhưng không cho thằng con bà vợ lớn theo. Lần này ổng về nước, bà vợ lớn xuất hiện, sang trọng, giàu có và sắc đẹp còn mặn mà, hấp dẫn nên ổng xiêu lòng khi nhớ lại tình cũ nghĩa xưa. Ngừng lại để thở, bà Tám tiếp: - Hổm rày hai bên thường đưa nhau đi nhà hàng. Tình xưa không biết có nối lại không, nhưng nghe đâu đôi bên tính hợp tác làm ăn. Bà Loan ngăn cản, hai anh em giận nhau dữ lắm. Bạch Đàn tò mò: - Anh Đại không có ý kiến gì hết à? - Có chứ! Cậu muốn làm ăn riêng chớ không dính dáng tới họ. - Nhưng ông bác Hai định làm gì? Bà Tám thở dài: - Biến nhà này thành nhà hàng khách sạn gì đó. Trước kia, khi xây nhà, ổng đã tính thế, nhưng đâu có phần của mẹ con bà vợ lớn. Bây giờ có họ, bà Loan mới nhảy đổng lên, còn cậu Đại thì đi suốt ngày ấy chớ. Bạch Đàn vụt hỏi: - Dì có biết sao ba mẹ Đại không về không? Bà Tám chép miệng: - Nghe nói họ làm ăn không khá bằng ông anh Hai, đã vậy gặp thằng con lớn phá của nữa, về sao được mà về. - Hình như anh Đại được bảo lãnh? Bà Tám gật đầu: - Đúng vậy, nhưng cậu ấy không muốn đi. Chuông ngoài cổng vang lên inh ỏi, bà Tám đứng dậy: - Cậu Đại về. Chắc chắn là cậu ấy, nghe tiếng chuông là tôi biết ngay. Đàn chưa kịp dặn: "Đừng nói có cháu ở đây" thì bà Tám đã ra tới sân. Đàn bồn chồn đan hai tay vào nhau, cô không biết sẽ mở đầu như thế nào bây giờ. Tim cô đập thình thịch khi nghe tiếng chân mạnh bạo của anh vang lên trên tam cấp, đến hàng hiên rồi vào tới phòng khách. Nhìn thấy cô, Đại từ tốn hỏi: - Dì Ngà có chuyện gì hả Đàn? Bạch Đàn nhìn anh ấp úng: - Không có. Đại ngồi xuống: - Vậy mà anh tưởng... Đêm nay dì Ngọc ở trong ấy, sao Bạch Đàn không về nhà ngủ, tìm anh làm chi cho mệt? - Thế anh nghĩ em tìm anh với mục đích gì? Vùi điếu thuốc hút dở vào gạt tàn, Đại nhếch môi: - Chắc để trả số tiền thuốc anh đã mua mấy hôm nay. Anh biết em rất sòng phẳng, không thích dây dưa, mang nợ bất kỳ ai. Nhưng có quá vội vàng không khi tối nay em đến nhà anh? Giọng Bạch Đàn nghèn nghẹn: - Không vội vàng đâu. Em... em tới để... - Cảm ơn anh phải không? Anh đâu chờ đợi những lời khách sáo đó? Bạch Đàn muốn khóc hết sức. Cô cố gắng kềm lòng bằng cách nói nhanh: - Em vội vàng tới đây xin lỗi anh. - Về chuyện gì? Nhìn vẻ lơ là của Đại, Bạch Đàn đâm lúng túng, cô lần lựa mãi mới nói được: - Hồi chiều mẹ có cho em biết anh và Ái Linh không có... gì với nhau hết. Tất cả do ông ta dựng lên. Em xin lỗi trước đây đã không tin anh. Đại cười: - Chỉ có vậy thôi sao? Chuyện này qua rồi và anh chẳng muốn nhắc lại nữa. Bạch Đàn ngạc nhiên trước thái độ dửng dưng của Đại, cô tiếp: - Em rất ân hận vì đã có những lời nặng nề đối với anh. - Anh đã quên từ lâu và không hề trách em. Bây giờ em về ngủ được rồi đó. Tim Bạch Đàn nhói lên như bị ai cấu vào. Những điều cô mơ hồ lo sợ lẽ nào là đúng? Đại không cần đến cô nữa sao? Lơ ngơ đứng dậy, cô máy móc nói: - Vâng! Em về đây. Và cô nghe loáng thoáng tiếng của Đại. - Chúc em ngủ ngon. Đàn chớp mắt bước bừa ra hàng hiên, cô hụt hẫng thật sự trước những lời sáo rỗng của Đại. Tại sao thế? Tại sao anh lại trở nên xa lạ như vậy? Mãi ngẩn ngơ với ba nghĩ suy, Bạch Đàn vấp tấm thảm, té chúi nhủi xuống mấy bậc tam cấp. Chưa kịp hoàn hồn để ngồi dậy, cô đã thấy Đại ôm mình trong lòng, giọng hốt hoảng: - Em có sao không? Bạch Đàn vừa đẩy anh ra vừa nghẹn ngào: - Đuổi em về thì em về, anh quan tâm làm gì chứ!? Đại siết cô cứng ngắc: - Anh đâu có đuổi. Ngược lại, anh muốn ôm em như bây giờ vô cùng. Lúc nãy anh nói lẫy xem phản ứng của em thế nào thôi. Ai ngờ nàng thỏ trắng của anh đùng đùng tự ái đến mức mắt nhắm mắt mở đi để hụt chân như vầy. - Người ta xin lỗi anh với cả một tấm lòng, vậy mà anh còn đùa được. Thật là ác! - Muốn trách, muốn mắng gì anh cũng chịu, miễn sao từ giờ trở đi, anh được đường đường chính chính yêu em là nhất rồi. Bạch Đàn cựa quậy trong vòng tay anh, đôi môi hơi cong lên: - Mẹ chỉ nói anh bị oan thôi chớ đâu có nói anh được... yêu em. Mặt Đại vênh váo thật dễ... ghét: - Không nói với em nhưng mẹ nói với anh. Bạch Đàn ngạc nhiên: - Mẹ nói với anh hồi nào? - Hồi nãy. Có dì Ngọc làm chứng. Mẹ nhờ anh theo an ủi, chăm sóc em dùm mẹ. Như vậy rõ ràng mẹ cho phép mình yêu nhau. - Anh vào nhà thương làm gì nữa khi em đã cấm anh rồi? Đại vuốt những sợi tóc lòa xòa trên gương mặt đang làm ra vẻ nghiêm trọng của Đàn và nói: - Không gặp em, anh chịu đâu có nổi. Nên dù em cấm anh cũng lì mặt vô đại. Chả lẽ em làm ầm ĩ trong nhà thương? Với lại, anh chỉ vào nhìn em một chút rồi về ngay mà. Bạch Đàn phụng phịu: - Anh chỉ giỏi mồm mép. Đại âu yếm nâng cằm cô lên: - Thà không gặp, thà giận nhau, chứ đã nhìn thấy em rồi, anh nhớ chết được. Anh luôn tin chắc một ngày nào đó em sẽ trở lại với anh vì anh thật lòng yêu em. Chỉ tội nghiệp em, dễ tin quá nên mới khổ cả hai đứa hàng mấy tháng trời. Bạch Đàn thú nhận: - Em đúng là ngốc. - Khi yêu, ai cũng mù quáng hết. Hôm em bỏ anh đứng ở cổng trường để leo lên xe cho Giang chở, anh đã nổi khùng lên vì giận. Dù biết em chả hề yêu Giang nhưng anh cũng phát điên vì ghen. Hôm đó anh uống rượu say mèm, say đến mức nằm li bì mấy ngày, dì Tám cứ lo anh chết. Phải anh chết thật, thử coi có ai ân hận không? - Em không thèm ân hận. - Thật chứ? Bạch Đàn tủm tỉm cười. Đại cúi sát xuống mặt cô, anh thầm thì: - Nếu hôm đó anh chết, chắc anh phải ân hận tới kiếp sau. Anh ân hận vì chưa được hôn em... Người Bạch Đàn chợt nóng bừng vì ánh mắt của Đại, cô không đẩy anh ra như lần nào anh định hôn mà cô thì sợ... Trái tim Đàn đập hỗn loạn, một nguồn xúc cảm bỗng trào dâng làm cô run rẩy. Khi thấy mặt Đại gần đụng mặt mình, Đàn hoảng hồn khép mi lại không dám nhìn anh. Nụ hôn đầu lạ lùng làm cô sợ, xấu hổ lẫn thích thú, hạnh phúc trong vòng tay Đại. Có lẽ anh cũng xúc động chả thua gì Đàn. Mải miết hôn cô, anh như quên thực tại. Đàn bẽn lẽn vùi mặt vào ngực anh và nghe Đại gọi tên mình: - Bạch Đàn! Từ giờ trở đi anh phải làm việc chớ không lêu lổng nữa. Em tin anh không hở thỏ con? Cô bá cổ Đại: - Em tin anh chứ. Nhưng còn chuyện học? Bộ anh định bỏ ngang à? Đại lắc đầu: - Đâu có! Nhưng bây giờ anh phải vừa làm vừa học. Cỡ tuổi anh mà phải tay trắng thì vô dụng lắm. Anh không muốn em phải cực khổ hay mặc cảm với mọi người khi em yêu anh. - Nhưng anh định làm gì? Nhẹ bóp bàn tay Bạch Đàn, Đại trầm tư: - Một công việc kinh doanh có liên quan đến nhu cầu giải trí của những người lao động và giới bình dân. Suốt hai tháng nay, đêm nào anh cũng tới những nơi gọi là "Hí trường không sao" để tìm hiểu kỹ hơn các dịch vụ giải trí này. Bạch Đàn ngơ ngác ngắt lờ: - "Hí trường không sao" là cái gì? Đại phì cười: - Đó là tên gọi các quán cà phê video và karaoké bình dân, nơi người ta chỉ bán loại đồ uống bình dân. Vào đó không ai hơn ai, mọi nam thanh nữ tú đều... sang như nhau. Chỉ cần bỏ ra một, hai ngàn là ai cũng vừa được giải khát, vừa có thể ung dung ngồi coi vài ba bộ phim. Hoặc chỉ trả ba hay bốn ngàn cho một giờ hát karaoké thoải mái. Chưa kể nếu là chỗ quen biết, hết tiền mình có thể xem phim thiếu, hát karaoké chịu. Bạch Đàn trố mắt: - Anh... Anh có xem phim thiếu, hát karaoké chịu rồi hả? - Làm gì mà em cuống lên thế? Không tiền, thiếu chịu là thường mà. - Như vậy mất uy tín quá. Đại lại cười: - Có uy tín thì đúng hơn. Nếu mất uy tín đâu ai cho mình thiếu. Đàn lo lắng: - Mẹ với dì Ngọc mà biết anh liệu hồn. Nhất là dì Ngọc, dì có thành kiến với ai thiếu tiền trọ và tiền cơm lắm đó. - Nhưng anh có thiếu tiền trọ và tiền cơm của dì Ngọc đâu mà liệu hồn. Đàn véo vào hông Đại thật mạnh: - Ái da! Anh đùa thôi mà. - Đùa sao anh rành các "Hí trường không sao" dữ vậy? Đại thú nhận: - Dạo buồn em, anh có lang thang ở những nơi dành cho dân khố rách áo ôm. Nhờ đó anh nhận ra giới thanh niên nghèo có nhu cầu vui chơi giải trí rất cao. Anh muốn đầu tư vào lãnh vực này. Bạch Đàn hơi nhỏm dậy: - Nghĩa là anh sẽ mở một quán cà phê vidéo hay một phòng karaoké siêu bình dân với giá rất rẻ trong một hẻm hóc nào đó? Đại lắc đầu: - Em chỉ đoán gần đúng ý của anh thôi. Đã nói là đầu tư thì làm sao chỉ mở một quán cà phê vidéo hay một phòng karaoké cho được. Bạch Đàn chán chường: - Nói chung em rất sợ các dịch vụ đại loại như vậy. Nó không có gì hay hết. Đại nhẹ nhàng: - Tại em có thành kiến thôi. Chứ anh thấy phục vụ nhu cầu vui chơi giải thí lành mạnh cho những người nghèo la rất chính đáng. Đàn ngồi vòng tay ôm đầu gối: - Không cãi với anh nữa nếu đó là mộng ước đang theo đuổi. Đại có vẻ buồn: - Chẳng ai ủng hộ chuyện làm ăn này của anh hết. Bác hai và cô Loan cũng bàn ra như em. Ai cũng sợ anh trở lại đường cũ. Bạch Đàn chạnh lòng: - Em xin lỗi... chưa biết gì nhiều về kế hoạch của anh mà đã làm anh buồn. Nhưng thật ra, em bị ám ảnh bởi quán cà phê Tigôn của Hoàng nên nghe nói về những dịch vụ giải trí em thấy khó chịu. Đại nói: - Anh hiểu. Thôi, đừng bàn về tương lai các hí trường không sao ấy nữa. Nhắc tới Hoàng, anh mới nhớ. Em đã biết tung tích của ông Bá chưa? Bạch Đàn thở dài: - Hồi chiều, Giang có nói ông ấy đang ở Campuchia, chẳng biết có nên tin không nữa. - Mẹ em có thở than gì về ông ta không? Đàn gật đầu: - Có chứ. Mẹ em khóc với dì Ngọc quá trời. Thì ra hai chục cây vàng mẹ em giao cho ổng để mua nhà đã bị ổng gạt lấy hết nhưng mẹ đâu hề biết. Lúc bà chủ nhà xuất hiện, mẹ vẫn còn tin tuyệt đối vào ông ta. Mẹ cho rằng bà ta vu khống, định gạt mẹ khi không có ba ở nhà. Có lẽ mẹ nói nặng lắm nên bà chủ nhà mới bỏ về. Bạch Đàn kể tiếp: - Ngay lúc đó Hoàng ghé lại. Anh ta đã để lộ bộ mặt thật trâng tráo của mình khi nói rằng mẹ ruột anh ta, tức là vợ chánh thức của ông Bá đã biết chuyện tằng tịu giữa hai người, bà ta sẵn sàng tới dạy cho mẹ em một bài học. Nếu muốn yên thân, mẹ phải đưa cho anh ta hai cây vàng... - Nó đề nghị trắng trợn vậy sao? Đàn nhếch môi nhìn anh thay câu trả lời: - Hoàng nói: lâu nay hắn nghĩ ba hắn là người biết điều nên mới làm thinh ủng hộ. Nào ngờ ông ta không cho hắn một xu teng nào dù là vài trăm ngàn công hắn đã chỉ ngôi nhà này để mướn. Nghe Hoàng nói thế, mẹ em hoảng lên. Bà khai thật là đã đưa cho ba hai chục cây vàng để mua ngôi nhà này, chớ không phải mướn. Mẹ nói chưa hết lời, Hoàng đã cười lên hô hố. Hắn bảo không ngờ lần này ba hắn nhanh tay lẹ chân đánh bài chuồn sớm thế. Nhưng ông ta đi rồi thì còn mẹ, bà muốn yên thân phải nạp đủ số tiền hắn yêu cầu, không thì ăn axít... Đại nghiến răng: - Thật khốn nạn! Giọng Bạch Đàn nghẹn lại: - Khi Hoàng về rồi, mẹ em bị khủng hoảng trầm trọng, bà chỉ có một mình trong ngôi nhà vắng, không ai an ủi, sớt chia nỗi đau của người bị lừa gạt cả tình lẫn tiền. Trong lúc thất vọng, bế tắc mẹ đã vơ đống thuốc trên bàn của ba em uống hết. Hôm qua bác sĩ có nói những thứ mẹ uống toàn là thuốc an thần cực mạnh. May là mẹ không chết. Đại nghi ngờ: - Ông Bá có bệnh hoạn gì đâu mà sử dụng thuốc an thần cực mạnh nhỉ? Bạch Đàn nhíu mày: - Chả lẽ anh nghĩ ba em cố ý để nhiều thuốc như vậy là để đến lúc nào đó mẹ em sẽ uống? Đại xua tay: - Anh không nghĩ ác đến thế đâu. Nhưng với người như ông Bá, thì chuyện gì lại không xảy ra được. Bạch Đàn thừ người, cô hỏi anh: - Sao lại có hạng người như ba em và Hoàng? Và sao họ lại có quan hệ ruột thịt với em? Dòng máu đang chảy trong cơ thể em, hết bao nhiêu phần trăm là giống họ? Đại ôm cô: - Đừng nghĩ vớ vẩn nữa. Sống là luôn hướng về tương lai, chớ đâu phải để hỏi những câu tại sao lẩn quẩn như em vừa hỏi. - Em lo mẹ con Hoàng sẽ làm khổ mẹ và em. - Theo anh biết ông Bá và mẹ hắn đã ly dị rồi. Hắn hăm he, tống tiền như vậy em có quyền thưa. Người như Hoàng, càng nhịn hắn càng lấn lướt. Anh nghĩ em phải gặp hắn nói một lần cho đâu ra đó. Bạch Đàn mở to mắt nhìn Đại: - Em... em sẽ nói gì với anh ta? Đại nghiêm nghị: - Điều này em tự suy nghĩ. Chừng nào sẵn sàng, anh sẽ cùng đi với em. Anh tin rằng nếu Hoàng biết em và hắn có chung một bố, mọi việc sẽ khác đi nhiều. Bạch Đàn tỏ vẻ nghi ngờ: - Em lại không tin như vậy. Như anh và Giang chẳng hạn. Biết rõ là có họ hàng nhưng có gì tốt hơn đâu? Bao giờ nói về anh, Giang cũng hậm hực, mỉa mai kỳ cục. Đại bình thản: - Tại Giang thấy quyền lợi của mình bị thiệt thòi nên mới ác cảm với anh. Sắp tới sẽ không còn như em nói nữa đâu. Bác Hai sắp biến ngôi nhà này thành khách sạn. Anh hoàn toàn không tham gia vào dịch vụ cao cấp đó. Mọi việc Giang và bác Nhung sẽ lo. Lúc ấy anh em tình lại như thủ túc chớ gì. Bạch Đàn chắt lưỡi: - Chê dịch vụ khách sạn là cao cấp để bỏ vốn đầu tư vào các quán cà phê vidéo, karaoké. Thật tình vẫn không hiểu mơ ước cao cả và kỳ cục của anh là làm gì. Đại trầm ngâm: - Em rất sợ các dịch vụ đại loại như vậy nên làm sao anh có thể nói để em hiểu điều anh đang đeo đuổi. Vả lại, anh không thích làm ăn chung, nhất là chung với người có nhiều điểm may mắn hơn mình. Anh nhấn mạnh là họ hơn anh ở điểm này may mắn, còn những mặt khác như khả năng vốn sống lẫn trình độ ở một khía cạnh nào đó thì chưa chắc. Bạch Đàn cười cười: - Em hiểu mà. Anh đâu cần vòng vo. - Ngôi nhà này bác Hai và ba anh cùng bỏ tiền mua lại của cô Loan và xây lên. Anh đề nghị bác Hai trả lại phần vốn đó cho anh. Ông đã đồng ý. Thế là anh có cơ hội thực hiện ước muốn của mình. Còn khách sạn này, bác Hai và Giang làm gì thì làm, anh không màng tới. - Bác Hai anh là người tốt vì còn nghĩ tới và lo lắng cho con mình. Đại nhếch môi: - Giang được thừa hưởng khách sạn tương lai này là nhờ miệng lưỡi của bác Nhung. Bác Hai về nước lần này đã gặp lại bà ta. Chả biết bà ấy có bùa mê ngãi nói hay không mà bác Hai mê mệt, nghe lời bà vợ cũ răm rắp. Lần này chắc bác Nhung bắt xác ổng luôn quá. Mặt Bạch Đàn ngơ ra, cô thắc mắc: - Em không hiểu gì hết. Bác Hai đã có vợ khác, bác Nhung cũng có chồng khác. Nhưng theo cách nói của anh thì như hai người sắp trở lại với nhau không bằng. Đại nói: - Trở lại rồi chớ đâu phải sắp như em tưởng. Hổm rày điện thoại đường dài ở Canada gọi về liên tục, bác Hai gái hỏi thăm ổng đủ điều, không biết cô Loan đã nói thật chưa. Cổ là "điệp viên" mà bác Hai gái cài lại để theo dõi bà Nhung. Nếu cô Loan kể hết sự thật, tức là cổ thú nhận mình đã thất bại thì bác Hai gái sẽ nổi giận cúp viện trợ cho cổ ngay. Theo anh biết, bác Hai và bà vợ sau cũng chả hạnh phúc. Lần này về đây bác gặp lại bà Nhung, đúng là "Tình cũ không rủ cũng đến". Nhưng chẳng biết bà Nhung còn thương ông chồng xưa thật, hay chỉ thương số tài sản khá to ổng đang làm chủ. Anh nghe con trai bác ở bển điện thoại than rằng ba mẹ nó dạo này hục hặc dữ lắm, chính vì vậy bác hai mới về nước làm ăn. Điều này có lợi cho Giang. Ảnh sẽ được hưởng những gì bao lâu nay hằng mơ ước. Và nếu thế, với anh, chắc chắn Giang sẽ đổi cách cư xử. Bạch Đàn ngập ngừng: - Với số vốn chia lại, anh sẽ làm gì? Đại nhíu mày: - Anh nói với em rồi mà. - Anh không đùa chứ? Đại bật cười: - Sao lại đùa? Mấy tháng nay anh đã bỏ nhiều thời gian, công sức tìm hiểu hình thức kinh doanh này. Và anh khẳng định mục tiêu anh đeo đuổi là nghiêm túc, cần thiết. Tại sao chỉ người giàu mới có điều kiện vui chơi giải trí còn người nghèo thì không? Bạch Đàn tỏ vẻ hoài nghi: - Vậy anh sẽ làm gì cho người nghèo vui chơi, giải trí? Các quán cà phê vidéo hay karaoké bình dân nhìn chung toàn là các dịch vụ tạm bợ, thiếu tiện nghi, nhếch nhác v.v... Đại ngắt lời cô bằng giọng hết sức sôi nổi: - Anh đã tính hết rồi. Nhất định anh sẽ mở ra một điểm giải trí lịch sự với nhiều hình thức nhưng giá mềm, phù hợp với túi tiền của đa số thanh niên nghèo. Bạch Đàn nhìn Đại trân trối, lời anh vừa nói làm cô ngạc nhiên, cô từng ao ước được vào những nơi giải trí sang trọng nhưng túi không tiền nên mơ ước chỉ là ước mơ. Đàn xúc động hỏi: - Tại sao anh quan tâm đến vấn đề này? Đại nói ngay: - Người nghèo nếu thỉnh thoảng có dư chút đỉnh thử đi chơi ở những chỗ sang cũng không thoải mái vì thấy người ta ngon hơn mình về mọi thứ. Ngược lại nếu họ vào những nơi dành riêng cho dân khố rách áo ôm thì sẽ không mặc cảm hoặc bơ vơ lạc lõng. - Vậy anh sẽ làm gì để biến ước mơ thành hiện thực? Đại hơi mơ màng: - Anh đã tìm được một mặt bằng rất rộng bên bờ sông Sài Gòn. Anh dự định sẽ mở một "sân chơi" lớn. Tại đây mỗi tối sẽ có ban nhạc sống biểu diễn trên một sàn nhảy lớn. Đến đây khách có thể dìu nhau lả lướt vài bài, hoặc ngồi thủ thỉ tâm tình, hay lặng yên nghe ca sĩ hát và ngắm bạn bè đồng trang lứa mà giá một món uống chỉ độ ba ngàn đồng thôi. Bạch Đàn kêu lên: - Rẻ như vậy làm sao có lời chứ? Đại cười thật lạc quan: - Nếu biết cách đầu tư lớn để phục vụ người nghèo chơi sang với giá rẻ cũng là một kiểu làm giàu chắc ăn. Số này rất nhiều, nhu cầu lại lớn, mình khéo tính toán, mời gọi họ đến thường xuyên thì đâu thua gì phục vụ loại khách dư tiền ném qua cửa sổ, đã vậy lại góp phần không nhỏ vào việc thu ngắn khoảng cách trong hưởng thụ văn hóa giữa giàu và nghèo. Em nghĩ đúng không? Bạch Đàn ngần ngừ: - Đó mới chỉ mơ ước. Biết đâu khi biến thành hiện thực sẽ gặp khó khăn gì? Em biết mơ ước của anh là chính đáng nhưng cũng không kém phần lãng mạn và chủ quan. Đại cười: - Lãng mạn thì có hơi hơi nhưng chủ quan thì không. Nhất định khi Giang xin được giấy phép mở khách sạn, anh cũng sẽ xong giấy phép thành lập "sân chơi" của mình. Bạch Đàn lảng sang chuyện khác: - Chuyện gì xảy ra nếu bà Nhung và bác Hai anh nối lại tình xưa? Đại bật cười: - Em khéo lo! Chúng ta không đủ sức xoay vần đâu nếu hai trái tim đó lại muốn cùng chung nhịp đập. Yêu rồi bỏ, rồi trở lại với nhau. Anh chỉ mong bà Nhung không giống ba em, quay về với bác Hai anh với mục đích chiếm đoạt tài sản hoặc trả thù. Bạch Đàn bỗng bênh vực: - Bà Nhung không đến nỗi đó đâu. Có lần Giang than với em là mẹ ảnh vẫn khổ vì còn yêu ba ảnh, dù bà đã có người đàn ông khác. Đại hóm hỉnh: - Coi bộ Giang thích tâm sự với em thì phải? Và em cũng có cảm tình với anh ta. Đúng chứ? Bạch Đàn nghiêm mặt: - Cảm tình rất rất nhiều nữa là khác. Đại véo mũi cô: - Nhưng yêu thì chỉ mình anh thôi. Phải không? Bạch Đàn ngả đầu vào vai anh. Cô bâng khuâng với hạnh phúc đang có. Đại thì thầm: - Nghĩ gì mà không trả lời anh? - Em nghĩ tới những chuyện hợp tan, thủy chung, phản bội và lo... Đại vuôt tóc cô: - Em không phải lo, vì đâu phải tất cả những mối tình đều giống nhau. Anh không thích hứa hẹn thề thốt nhưng anh biết rõ trái tim mình. Ngoài em ra nó không chấp nhận ai khác. Có mấy câu thơ anh rất thích, nhưng chẳng hiểu em thích không, vì lúc nào em cũng cho thơ là thơ thẩn, là vớ vẩn, là giả dối. Bạch Đàn chớp mắt: - Với ai khác thì như vậy. Nhưng anh đâu giống họ. Đọc cho em nghe đi. Đại mỉm cười và trầm giọng: - "Người yêu của tôi có trái tim tôi và tôi có trái tim chàng. Đó là sự đổi trao không bao giờ làm tôi buồn cả. Tôi yêu quý tim chàng, va tim tôi đối với chàng vô giá. Không một sự đổi trao nào lại có thể sánh ngang... ". Nép vào ngực Đại, Đàn nghe tiếng đập tim anh thật rõ. Cô yêu quý anh vì không một sự đổi trao nào lại có thể sánh ngang tình yêu cho anh lúc này.