Mới về trường, ngay hôm đầu tiên, trước các học trò nhỏ trên lớp, ông giáo đã kể:Thuở chiến tranh, ông đã từng là đại đội trưởng ở một sư đoàn bộ binh.Năm 1968, tại Khe Sanh, sau đợt phản kích thứ ba trong ngày, quân địch buộc phải bỏ chạy khỏi trận địa chốt; nhưng, quân ta cũng bị vơi mất một phần tư. Chiều lẩn bóng trong dáng người chiến sĩ trẻ ngồi tựa lưng vào công sự, vừa lau súng vừa khóc bạn. Đúng lúc ấy, trung đội trưởng đi tới, cúi xuống, hỏi nhỏ: "Sao lại khóc?". Người lính ngỡ cấp trên đồng cảm với nỗi đau của mình nên ôm mặt khóc tu tu. Tiếng khóc vọng sang chiến tuyến bên kia, kéo về phía hai người một tràng đại liên chát chúa. Trung đội trưởng không nói không rằng, đưa tay úp vào miệng người chiến sĩ. Động tác của anh qúa mạnh, y như một cú tát. Người lính trẻ bừng tỉnh, hiểu ra rằng trận địa chốt không chấp nhận những giọt nước mắt.Ngày hôm sau, đơn vị diệt gọn một tiểu đội địch. Dựa súng vào thành công sự, anh chiến sĩ trẻ hát khẽ một khúc tình ca. Trung đội trưởng lại đi tới, cười: "Có chuyện gì mà vui quá thế?". Anh lính không giấu được niềm vui sướng, ôm chầm lấy người chỉ huy, hôn chùn chụt lên má. Rồi, anh khóc òa lên khi bị đẩy ra cùng một cái tát. Dĩ nhiên, anh vẫn phải cám ơn bàn tay cứu mạng ấy. Vì nhờ nó, cả hai kịp ngã nhào xuống công sự đúng lúc những trái pháo bầy từ đâu đó bắn tới nổ tung trên mặt đất.Bốn năm tôi rèn trong lửa đạn, anh lính trẻ trở thành một tiểu đoàn trưởng tài năng. Còn người chỉ huy năm xưa của anh chỉ mới là đại đội trưởng. Một lần kia viên tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho cấp dưới tấn công vào một cứ điểm kiên cố của địch. Liền sau khi mệnh lệnh được ban ra, anh đã biết ngay rằng mình tính chưa thấu lẽ; nếu cấp dưới y lệnh làm theo, ắt sẽ chuốc lấy thất bại. Nhưng khi thấy người trung đội trưởng cũ của mình phản đối một cách yếu ớt, anh nổi giận thực sự ; và, anh giơ tay, định tự tát vào má mình một cái. Viên đại đội trưởng hiểu ý, làm như chính mình vừa bị ai đó tát cho một cái, đưa tay lên xoa xoa vào má, rồi cười lớn: "Ngày xưa, nhờ những cái tát của tôi mà anh thành tiểu đoàn trưởng. Tiếc rằng, bây giờ ở cương vị mới, anh lại định lấy tư thế của một tân binh để tát mình ư?". Nói xong, hai người ôm lấy nhau, khóc...Lúc nghe tới đây, đứa học trò nghịch ngợm nhất lớp đứng vụt dậy, chen ngang lời thầy: "Thưa thầy, chuyện thầy kể là chuyện của bố em". Thầy giáo không nổi giận mà từ tốn hỏi: "Chuyện bố em thế nào? Thử nói ra xem". Thằng bé thuật lại, theo các bác sĩ, thì trong đầu bố nó còn một mảnh đạn nhỏ chưa được gắp ra. Bố nó rất hay nổi giận vu vơ. Không thể đếm hết những lần ông giơ bàn tay hộ pháp, vô cớ tát tới tấp vào mặt người mẹ bé nhỏ của nó nhiều cái nảy đom đóm mắt. Vì thế mà nó chỉ có bố mà không còn mẹ. Rồi thằng bé thản nhiên khoe, bố nó cũng là một tiểu đoàn trưởng có rất nhiều huân chương chiến công. Không rõ vì lẽ gì, bây giờ, vào những tối ngồi uống rựơu một mình dưới trăng lu, khi đã ngà ngà say, ông cứ tự tát vào má mình bôm bốp. Nhưng, lạ lắm, thằng bé chưa bao giờ thấy bố nó khóc. Thầy giáo vẫy tay ra hiệu cho học trò ngừng kể. Tan học, ông gọi thằng bé ra một góc sân và nói thầm vào tai nó một câu. Rồi hai thầy trò cùng đi vế phía nhà nó. Hôm ấy đúng vào đêm có trăng...