Chương một

Các bạn thân mến,
Thông thường khi đọc hoặc nghe một truyện tình nổi tiếng, ta thường biết hay có một khái niệm tổng quát về xuất xứ của nó. Romeo và Juliet từ tác phẩm của William Shakespeare (dù ông lấy ý từ truyện ngắn của Luigi Da Porto), Paris và Helen từ cổ thư và thần thoại Hy Lạp, Kim Trọng và Vương Thúy Kiều từ Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên va Kiều Nguyệt Nga từ tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, Lan và Điệp từ cuốn Tắt lửa lòng của Nguyễn Công Hoan. Gần đây nhất là Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà. Câu truyện này bắt đầu nổi tiếng không kém Lan và Điệp từ khi được soạn ra thành vở hát cải lương. Soạn giả tài hoa Viễn Châu cũng đã đặt ra hai bài vọng cổ bất hủ là Võ Đông Sơ do Minh Cảnh ca, và Bạch Thu Hà do Lệ Thủy trình bày. Nhưng tôi vẩn thắc mắc mãi rằng câu truyện này từ đâu mà ra, và ai là tác giả? Đã không có trong các tác phẩm văn chương Việt Nam, hai nhân vật này cũng không được nhắc nhở trong lịch sử hay dã sử Việt Nam. Vừa nghe tên, ta không biết đây có phải là một truyện Tàu hay không?
Trước đây tôi đã dò hỏi với nhiều người, nhất là các bậc lão thành bên cổ nhạc ở trong và ngoài nước mà tôi quen biết nhưng không ai biết được một cách chánh xác xuất xứ của tích truyện nảo nuột này. Tôi cũng quên bẵng đi cho đến một lần về Việt Nam, đi lang thang trên đường Hồng Thập Tự cũ (nay là Nguyễn thị Minh Khai). Tôi ghé vào một gian hàng bán sách cũ, lục lọi trong đống sách đã quá xưa, nhiều cuốn gần mục nát. Nằm lẫn lộn trong kho tàng chữ nghĩa đó là hai cuốn truyện, gáy đã long, bìa đã sút. Một cuốn là Thái Tử Sam (có thêm truyện Người thù của Chế Bồng Nga), cuốn kia là Võ Ðông Sơ & Bạch Thu Hà (có thêm truyện Con hổ thành Gia Ðịnh). Tôi mừng quá liền mua ngay lập tức. Nhờ đó tôi đả tìm ra được nguồn gốc của câu chuyện tình lâm ly và có tài liệu để chia xẻ cùng các bạn.
Ðây là loại tiểu thuyết có hình mà tôi vẫn còn gặp vào thời cuối tiểu học.Truyện được chia làm nhiều đoạn và có tranh kèm theo mổi đoạn.
Tranh rất thô sơ, không có tính chất nghệ thuật cao và thường được vẽ bởi chính tác giả của truyện. Sau đó tranh được khắc trên bản kẽm và in ra như kỷ thuật thời bấy giờ. Truyện được in trên giấy xấu và có rất nhiều lỗi chánh tả nhưng vẫn hấp dẫn độc giả bình dân miền Nam lúc đó như loại pulp fiction của Mỹ vào thời tiền bán thế kỷ 20.
Vào khoảng cuối thập niên 50, tại các chợ làng chợ quận ở miền Nam vẫn còn những người bày bán các quyển truyện thơ như Thoại Khanh Châu Tuấn, Ông trượng Tiên Bửu, Thạch sanh Lý Thông, v.v. trên một tấm nylon nhỏ trải ra ở mép chợ. Sau này họ còn bán luôn các cuốn bài ca vọng cổ hay cải lương. Những em học trò trên đường đến trường hay sau khi tan học và các cô gái trong thôn ấp ra chợ thường hay tụ tập chung quanh góc hàng đó. Thỉnh thoảng người bán hàng hứng chí cầm quyển truyện lên, đọc một đoạn thơ để rao hàng. Các ông bà già đi chợ thường hay mua vài cuốn đem về, bắt các cháu đọc lên trong những buổi trưa nóng nực khi nằm thiu thiu trên võng. Ðời sống văn minh và kỷ thuật tân tiến hiện đại đã xóa bỏ đi bao nhiêu hình ảnh của nếp sống mộc mạc nhưng thanh nhàn thời xa xưa. Thật là đáng tiếc!
Truyện được chia ra làm 100 đoạn, có hình. Truyện sẽ được đăng nguyên văn, chỉ sửa chữa các lỗi về kỷ thuật và chánh tả, chia ra làm 50 phần nhỏ và sẽ lần lượt gởi lên từ lần sau. Các bạn hảy chịu khó xem như đọc truyện chưởng từng kỳ vậy.
(DƯƠNG BÉ)
Dưới trào vua Gia Long, thành Bình Ðịnh là một nơi đô hội, lịch xinh nhất thời bấy giờ. Ngoài những non cao chớn chở, những tháp của người Chiêm Thành mà khi xưa bị cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam ta dồn đi, còn trơ mình giữa vũ trụ bao la như không nài quản gió sương điểm thêm cho phong cảnh một nét hùng vĩ phong quang, còn thêm những sự tích ly kỳ. Những di tích còn tồn tại đó chứng tỏ các bậc anh hùng xưa đã dày công tô điểm bằng máu xương cho nước nhà được thêm hùng cường muôn thuở vậy.
Lúc ấy, tại thành Bình Ðịnh có một chàng trai tuấn tú, khôi ngô và văn võ toàn tài, tên là Võ Ðông Sơ, con của vị anh hùng tiết liệt Võ Tánh, cởi bạch mã, ngày đi đêm nghỉ đến kinh kỳ khảo thí.
Từ ngày cha mẹ mất sớm, Ðông Sơ ở với người chú, tháng lại ngày qua, chuyên thao luyện võ nghệ, văn chương để chờ dịp ra giúp nước. Hôm nay nghe có lệnh nhà vua mở khoa thi để chọn kẻ anh hùng ra dẹp giặc Tàu Ô đang hoành hành trên mặt biển Ðông Dương, chàng mừng khấp khởi, cho là dịp để cho mình thi gan anh hùng. Chàng vội vã lên ngựa để kịp đến kinh kỳ.
Ðến nơi, trong thời gian tạm trú tại lữ quán Thăng Long, Ðông Sơ thấy ngày thi hãy còn chưa đến, bèn ra dạo phố để xem cảnh chợ mua bán thế nào. Khi chàng vừa đi ngang qua ngôi nhà cũ kỷ, bỗng thấy một người cao lớn, trang phục nghèo nàn, cầm tấm bảng trên có khắc bốn chữ: “Mải kiếm tán thân” (Bán kiếm chôn mẹ).
Ðông Sơ lấy làm lạ, liền dừng bước lại hỏi kẻ bán kiếm:
- Cây kiếm này có giá trị thế nào và người bán nó là bao nhiêu?
Với vẻ mặt chứa chan nhiều sầu nảo, kẻ ấy thưa:
- Bẩm đại nhân, cây kiếm này vốn là vật báu lưu truyền 3 đời. Nó có giá trị ở chổ, từ xưa đến nay, chưa hề bao giờ lọt vào tay một kẻ tiểu nhân nào. Nay vì hoàn cảnh gia đình quẩn bách nên đành phải bán nó đi, chứ thật lòng tôi không bao giờ muốn. Nghe lời nói bi thảm của người bán kiếm, Ðông Sơ cũng thấy lòng mình buồn lây.
Chàng thử nhắc thanh kiếm lên xem. Quả thật trên thanh trường kiếm có khắc mấy chữ vào thời vua Khang Hy bên Trung Quốc.
Nhìn người bán kiếm, chàng lấy làm thương hại, hỏi qua danh tánh mới biết người ấy tên là Triệu Dõng, vốn kẻ có chí khí anh hùng, nhưng không may sinh trong gia đình nghèo khổ.
Không thể nào làm ngơ trước việc nghĩa, Ðông Sơ không cần hỏi qua giá cả, còn bao nhiêu tiền liền móc hết trao cho Triệu Dõng và hỏi qua quê quán, gia đình. Ðoạn chàng mang kiếm vào mình, lầm lủi bước đi mà lòng vẫn còn đượm lây nỗi buồn của người bán kiếm nọ.
Chàng đi mãi phố này qua phố khác, lòng mong tìm những cảnh thanh lịch để phôi phai trong tâm não nỗi buồn không đâu, nhưng tuyệt nhiên chàng không tìm được sự thỏa mãn.
Sau cùng, chàng trở lại lử quán, quyết lấy sự học tập để đợi ngày thi tuyển. Ðông Sơ không mong gì hơn là được chiếm bảng vàng để lãnh một trách nhiệm gánh vác non sông, phục vụ nhân dân để không hổ mặt là trai nam nhi trong thời quốc biến.
Những ngày lưu trú tại Thăng Long, cái thú tiêu khiển thời khắc của chàng không gì bằng hơn là ngày thì ra vườn múa kiếm, thao luyện những đường gươm tuyệt diệu, đêm thì vùi mài nơi bàn sách khảo cứu văn chương.
Chàng luôn luôn ấp ủ mộng đẹp, tin tưởng sắt đá vào năng lực của mình, sẽ không bao giờ hổ danh giòng giống anh hùng.
Có một hôm Ðông Sơ đang ngồi bên áng văn, bỗng tiểu đồng vào thưa có người khách lạ đến hỏi thăm. Chàng vội bước ra xem thì thấy khách lạ cũng chỉ là một người đến dự thi như chàng. Người ấy tìm nơi tạm trú nhưng chưa có quán trọ, Ðông Sơ bèn bảo tiểu đồng chì khách mướn phòng kế bên mình và cùng nhau kết tình bằng hữu thân mật.
Nhân một hôm, nghe người ta đồn: cách lữ quán trăm dặm, có một ngôi miếu tên là Quan Âm Cát thật thanh lịch và cảnh vật nơi ấy rất tốt tươi. Ðông Sơ không ngăn được tính tò mò, lòng hâm mộ giục chàng tìm đến nơi để xem qua cho biết Ngôi Quan Âm Cát là một ngôi miễu xưa, tuy nhỏ song kiến trúc theo lối cổ thật vô cùng đẹp đẽ, làm một di tích bất hủ cho nền mỹ thuật thời bấy giờ. Chàng khen thầm: Quả nhiên thiên hạ đồn không sai tí nào!
Chàng đang đi vơ vẩn khắp xóm liễu lẫn hào sen, bỗng phía đàng kia đi lại hai người thiếu nữ bưng lễ vật đến cúng miếu. Hai người đều có vẻ yêu kiều, mà người đi trước trông qua đủ biết là chủ, còn đứa sau là nữ tỳ.
Ðông Sơ bèn nép vào bụi hoa để nhìn trộm, cho thỏa cái sắc đẹp mà bình thường chàng ít khi gặp.
Cái vẻ đẹp nghiêng thành của tiểu thơ nọ dường như có một mãnh lực thiêng liêng thu hút được tinh thần của chàng trai trẻ giàu cảm tình. Chàng nhẹ nhàng bước theo dưới ánh trăng huyền diệu. Nhưng thốt nhiên, chàng lùi lại ba bước dò xem một kẻ có sắc mặt hung tợn, trong tay có cầm đoản đao đang định hành động gì trước tiểu thư và tỳ nữ. Một ý nghĩ thoáng qua, Ðông Sơ liếc thấy tiểu thư đeo những trang vật quý báu, biết ngay tên nọ là quân cường đồ theo dõi nàng để cướp của
Tiểu thư là Bạch Thu Hà con của quan Tổng trấn Tây Thành, nhân đêm rằm đến cúng chùa, không ngờ có tên cường đồ rình theo đoạt của.
Khi tên hung đồ vừa xốc tới toan uy hiếp Thu Hà, Ðông Sơ lẹ làng nhảy tới trợ cứu nguy.
Tên hung đồ bực dọc vì bị người ngăn trở cuộc làm ăn, bèn tức giận quay gươm trở lại đánh nhầu với Ðông Sơ một cách hăng hái. Nhưng Ðông Sơ là một chàng trai giỏi về kiếm thuật, nên chẳng bao lâu tên hung đồ biết không thể chống cự lại đành quăng gươn quỳ xuống xin tha tội chết. Ðông Sơ thấy kẻ ấy đầu hàng thì không nỡ xuống tay bèn hỏi:
- Vì đâu nhà ngươi lại hành động như thế?
Kẻ cướp van lơn thưa rằng:
- Vì quá ư nghèo đói nên hàng động thiếu suy xét
Ðông Sơ vốn là người giàu lòng từ thiện, không nỡ bắt kẻ kia trị tội, chỉ khuyên hắn không nên tái phạm tội lổi mà phải bị pháp luật trừng trị, rồi thả cho đi. Tên cướp vừa tạ ơn lui đi thì Thu Hà lại bước đến tạ ơn cứu nạn. Nhìn vẻ đẹp quyến rũ của tiểu thư, Ðông Sơ cảm thấy bồi hồi. Chàng thầm ước ao được con người đẹp kia chung đấp xây mộng đẹp, gây nên hạnh phúc gia đình muôn thuở. Song cuộc gặp gỡ bất ngờ không cho phép chàng thực hiện được mộng tưởng, đành phải gác lại những mơ ước bên lòng.
Song khi về đến nhà chàng không làm sao quên được hình ảnh của người đẹp nọ. Ái tình đã chớm nở trong lòng người trai. Nhưng có riêng gì Ðông Sơ mà cả Thu Hà cũng không tránh được một nỗi băn khoăn, rung động từ khi gặp người cứu nạn. Cái hình ảnh thân yêu của chàng trai lạ kia tự nhiên lại cứ thấy phản phất mãi trong tâm hồn cô thiếu nữ xuân tình.
Ðông Sơ cứ mãi thao thức suốt cả đêm dài. Sáng hôm sau, chàng vừa thức dậy, bỗng tiểu đồng bảo có người khách muốn vào ra mắt. Ðông Sơ bèn cho mời vào.
Người khách này tên Trần Tú Tài cũng vẫn là kẻ đơn độc, đến đây để chờ ngày dự thi. Trong lúc buồn không có lấy một người bạn trò chuyện, nên Trần Tú Tài bạo dạn qua làm quen với Ðông Sơ.
Ðông Sơ thấy khách cũng là kẻ đồng hành bèn mời vào và bắt đầu chuyện trò thân mật bên chung trà còn nghi ngút khói.
Trần Tú Tài nói:
- Cuộc thi này chia ra làm hai môn: văn và võ. Kẻ trúng tuyển phải đậu hết cả hai. Vậy đại huynh đã có đệ sớ lên giám khảo chưa vậy?
Ðông Sơ đáp:
- Ðiều ấy quả là điều tôi rất mong mỏi, cho nên đã làm xong tất sớ thảo. Tôi tin tưởng và hy vọng lắm.
Ðang lúc hai người chuyện trò mật thiết, bỗng từ bên ngoài cửa sổ phóng vào một đoản kiếm, ghim ngay bàn, trước mặt hai người. Sau chuôi kiếm có buộc chặt một phong thư.
Hai người lấy làm ngạc nhiên, mở thư ra đọc thì thấy dặn rằng: “Khoa thi này Ðông Sơ phải nhường phần thắng cho Bạch Xuân Phương, nếu không y lời sẽ bị chết dọc đàng”.
Ðông Sơ còn đang phân vân, xảy có một cô gái bước vào trao cho chàng bức thư thứ nhì. Chàng càng hết sức ngạc nhiên, liền xé thư ra xem. Thì ra đó là thư của Bạch Thu Hà mách cho chàng biết trước có kẻ âm mưu hạ sát chàng dọc đàng và khuyên chàng phải hết sức cẩn thận.
Ðông Sơ xem xong, tức giận chẳng cùng, nhưng vẫn giữ thái độ bình tỉnh như thường. Hôm sau, trời vừa tảng sáng, chàng đã lên ngựa phi đến võ trường. Ðến một nơi sầm uất, bỗng có một mũi tên trong bụi bắn ra.
Ðông Sơ thấy kịp lách đầu tránh, đoạn tìm đuổi thủ phạm, song vì trời còn nhá nhem tối nên không đuổi bắt được. Chàng đành ỏ qua để quay ngựa lại võ trường. Vừa đến nơi thì các thí sinh cũng đã tề tựu đủ mặt. Quang cảnh rộn rịp khác thường càng làm cho chàng thêm phấn khởi.
Thế là cuộc thi tuyển bắt đầu. Những hồi trống rền vang nổi dậy. Cờ xí rợp trời. Quan Thái giám hạch từng tên thí sinh xong, đoạn cho bắt đầu xạ tiển.
Bạch Xuân Phương là anh của Bạch Thu Hà, vốn là một vị công tử lêu lỏng chơi bời, tánh tình kiêu căng, thích khoe tài bước ra xin bắn trước. Chàng tưởng mình là kẻ xuất chúng, nên hống hách rút tên ra oai bắn ba lượt. Nhưng cả 3 mũi đều trượt cả. Xuân Phương hổ thẹn lầm lủi bỏ đi vào giữa lúc tiếng người chế nhạo đầy tai.
Tiếp theo Xuân Phương, Võ Ðông Sơ được ra tranh cử. Chàng không lo sợ hồi hộp, vẫn tự tin ở năng lực của mình. Chàng bắn 3 phát đều trúng đích cả 3. Tiếng hoan hô nổi lên vang dậy. Xuân Phương càng thêm hổ thẹn, bước đến trước mặt quan Thái giám nói:
- Võ Ðông Sơ chưa phải là kẻ có tài, nếu chưa đánh “roi và côn”. Vậy xin quan trên cho phép chúng tôi so tài với nhau mới biết được ai cao thấp.
Giám khảo nghe Xuân Phương cố nài nỉ được đấu với Ðông Sơ thì cũng thuận lòng, song ông ta ra điều kiện buộc phải bịt đầu roi để tránh sự nguy hiểm cho tính mạng. Thế rồi, hai địch thủ tranh nhau quyết liệt giữa võ trường, khiến cho người xem phải hồi hộp từng giây, từng phút một. Xuân Phương vì cố thù Võ Ðông Sơ, nên chàng quyết lòng hạ cho kỳ được địch thủ để chuộc lại cái nhục thua kém vừa qua.
Nhưng Ðông Sơ nào phải tay tầm thường. Vũ thuật của chàng đã lên cao, nên chẳng mấy hiệp chàng dùng miếng hiểm nghèo đánh Xuân Phương rơi xuống ngựa, mang lấy thương tích ở chân.
Xuân Phương khập khà, khập khểnh bước vào võ trường, lên ngựa về nhà mà lòng vẫn tràn ngập mối căm thù với Ðông Sơ.
Từ ngày được Ðông Sơ cứu tử tại Quan Âm Cát đến nay, Thu Hà bỗng dưng thấy lòng mình rộn lên những mầm yêu đương. Cái hình ảnh của chàng trai trẻ uy nghi nọ luôn luôn hiện rõ trước mắt nhung huyền của nàng. Rồi tự nhiên một nỗi buồn mênh mang từ đâu cứ xâm chiếm mãi tâm hồn người trinh nữ. Tự nhiên, nàng bắt đầu nghĩ ngợi đến một cuộc tình duyên mà trong đó phải có người con trai nọ thì nàng mới yên lòng.
Những đêm trường vắng lặng, Thu Hà thường ra hiên ngắm trăng để gởi chút tơ lòng cùng chị nguyệt. Nỗi nhớ nhung tràn ngập trong tâm hồn. Nàng không thể gởi đâu cho hết được. Trước cảnh chạnh lòng, nàng bèn mượn tiếng đàn để ngâm lên những nỗi lòng ai oán. Nàng tưởng tượng sẽ nhờ tiếng tơ đồng đưa thấu đến tai người xa vắng những nỗi niềm tâm sự u uẩn trong lòng.
Đang lúc tâm hồn nàng rung chảy theo nhịp đàn ảo mộng, bỗng từ xa, một bóng đen từ từ tiến đến. Thu Hà hốt hoảng, ngỡ là ma quỷ, nhưng bóng đen ấy tiến đến rất nhanh và khẽ thốt lời êm ái:
- Trước hết xin cô nương thứ lỗi cho kẻ này đến đây thực hết sức đột ngột làm lỡ dỡ đường tơ đang rung phím của cô nương. Thu Hà nhìn kỹ lại mới biết là Đông Sơ thì hết sợ và lộ vẻ vui mừng. Bấy giờ, bóng trăng đã lên cao, soi rõ vạn vật.
Đông Sơ nhìn nét kiều diễm thiết tha mà lòng nhủ thầm: “Nàng quả là một trang giai nhân tuyệt sắc”.
Không để sự e thẹn làm mất đi thời khắc quí báu, Đông Sơ nói:
- Cuộc gặp gỡ vừa qua khiến cho tôi mãi thổn thức. Có lẽ tơ duyên hóa công đã dành sẵn, cho nên không lúc nào hình ảnh của cô nương lại không hiện rõ trong tâm khảm tôi. Tôi ước mong sao, cô nương đừng nê chấp tôi là kẻ phương xa, để được cùng nhau nên nợ ba sinh thì diễm phúc cho tôi không biết chừng nào.
Tình yêu đã chớm nở từ lâu, Thu Hà không thế nào từ chối được với bạn lòng.
Dưới ánh trăng xanh biếc, hai mái đầu xanh kề nhau và trao đổi những lời thề nguyền sắc son, vàng đá. Giờ phúc trôi qua lẹ làng bên tình yêu say đắm. Phúc chốc canh đã tàn, Đông Sơ vội từ giã người yêu và hứa sẽ làm lễ cưới long trọng. Phút chia tay như dao cắt. Chàng và nàng lưu luyến mãi đến khi trống lầu điểm canh mới giã từ nhau. Đông Sơ lên ngựa sải nhanh về quán trọ.
Về đến phòng, mặc dù hình ảnh của người yêu mãi ám ảnh trong trí, Đông Sơ vẫn không xao lảng sự học hành. Chàng luôn luôn ngồi bên bàn để trau dồi văn chương cho đến sáng.
Trời vừa rạng đông thì có một người lính đến trao cho chàng một phong thơ.
Chàng vội tiếp mở ra xem. Thì ra đó là lịnh của Tổng trấn Lê Công đòi chàng.
Ðông Sơ vội vàng sửa soạn yên mã phi nhanh đến sở công, ra mắt Tổng trấn.
Lúc bấy giờ Lê Công ngồi trước bàn án nghiêm chỉnh, có quân hầu hai bên. Ðông Sơ bước vào bái lễ xong, đứng chờ lịnh. Trông qua tướng mạo tuấn tú của Ðông Sơ, Lê Công hỏi thăm qua gia thất và nói:
- Hiện nay, ngoài mặt biển có quân giặc Tàu Ô đang hoành hành, triều đình có sắc chỉ phong cho ngươi làm Ðô úy, lãnh quân ra trừ giặc, lập thân danh, chẳng hay ngươi nghĩ thế nào?
Ðông Sơ chẳng chút ngại ngùng, thưa ngay: - Thưa quan trên, kẻ hạ này đã sanh trong đất nước thì khi nước non gặp cơn nguy biến phải đem thân ra gánh vác mới là tròn phận tu mi, chứ có lý đâu lại dám chối từ. Ðiều ấy là điều mà kẻ hạ này thường mong ước được làm.
Lê Công gật đầu và ban cho chức sắc để thừa hành nhiệm vụ.
Từ ngày lãnh nhiệm vụ tảo trừ bọn giặc Tàu Ô, Ðông Sơ lắm lúc thấy nỗi buồn xa xôi cứ xâm chiếm tâm hồn. Từng đêm, chàng đối diện với ngọn đèn mà lòng luôn tưởng nhớ đến người yêu. Thừa biết sứ mạng của mình là hệ trọng, còn tình yêu chỉ là phụ thuộc, nhưng mảnh tình son sắt kia làm sao mà ngơ được với đôi bạn trẻ vừa mới yêu nhau. Cảnh ngộ chia phôi, biết đâu Thu Hà có rõ được lòng son, dạ sắt của chàng? Vì thế chàng vội viết thư sai tiểu đồng mang đi.