Tháng Mười một năm Nhâm Dần (1782) cả gia đình Nguyễn Hữu Chỉnh dùng thuyền trốn vào Qui Nhơn tị nạn. Một lần nữa, lịch sử vừa đưa đẩy vừa thu hút về đây những tay cơ hội xông xáo và tài ba nhất của thời đại. Thuyền của Nguyễn Hữu Chỉnh cặp bến Thị Nại vào lúc xế trưa. Quan sở tại khi nghe Chỉnh xưng là một quan võ nhà Trịnh, từ Nghệ An đi thẳng vào đây, đoán biết tầm quan trọng của nội vụ, vội sai ngựa trạm cấp báo về kinh thành. Ngay sáng hôm sau, đích thân vua Thái Đức dùng ngựa xuống cửa Thị Nại để gặp Nguyễn Hữu Chỉnh. Hơn bảy năm đã trôi qua, kể từ ngày Chỉnh mang ấn kiếm của nhà Trịnh vào Qui Nhơn cho anh em Nguyễn Nhạc! Nhưng giữa vua Thái Đức và Nguyễn Hữu Chỉnh có một tình quyến luyến đặc biệt chỉ có giữa những kẻ đồng thanh khí. Họ gặp nhau có một lần, thế mà gặp nhau lại sau bảy năm, họ cùng có cảm tưởng như vừa mới nâng ly chúc thọ nhau hôm qua. Nhà vua quên hết nghi lễ, chạy đến ôm chầm lấy Nguyễn Hữu Chỉnh, miệng hỏi rối rít: - Trời ơi, mới đến hả? Đi đường có bình yên không? Nguyễn Hữu Chỉnh gỡ tay Nguyễn Nhạc, cung kính hạ thấp người xuống vái chào nhà vua. Nhạc càng thích thú hơn, cười to và bảo: - Chỉ vẽ chuyện. Ta với chú mà, khách sáo ích gì! Gia quyến vẫn thường chứ? Nguyễn Hữu Chỉnh đưa mắt về phía cái nhà lá hiện gia đình đang tạm trú nắng, chậm rãi thưa: - Tâu Hoàng thượng, thần đã mang cả gia đình vào đây. Vua Thái Đức ngạc nhiên, nhưng ông kịp trấn tĩnh ngay. Ông biết bên trong còn có nhiều điều tối mật không nên đối đáp công khai giữa đám quần thần và lính hầu đông đảo thế này. Nhà vua cười rất tự nhiên, bảo Chỉnh: - Ông là một tay chơi hơn hẳn thiên hạ có khác. Đi sứ mà mang theo cả gia đình để thăm cho biết xứ mán mọi của chúng tôi. Được rồi, xin mời cả phu nhân lẫn các cô cậu lên thăm Hoàng đế thành của vua Tây Sơn. Thấy có gì thô lậu, xin đừng cười nhé. Không thể ví với cái phong lưu của chốn ngàn năm văn vật được đâu! Nguyễn Hữu Chỉnh đỏ mặt vì bối rối và sung sướng. Quên cả địa vị mình, vua Thái Đức còn buộc Nguyễn Hữu Chỉnh phải dẫn Nhà vua đến tận cái chòi tranh để gặp mặt "thím và các cháu". Nhà vua ra lệnh đoàn tùy tùng xếp đặt để rước gia đình Nguyễn Hữu Chỉnh lên kinh thành trước. Phần Nhà vua và Nguyễn Hữu Chỉnh sẽ dùng ngựa thong thả theo sau, "nhân tiện hướng dẫn cho sứ nhà Trịnh biết qua phong cảnh của Qui Nhơn". Họ ghìm ngựa đi thong thả sóng đôi bên nhau, và đến lúc thuận tiện nhất, vua Thái Đức mới hỏi Chỉnh: - Bắc Hà có biến chăng? Nguyễn Hữu Chỉnh khâm phục sự nhanh trí của Nguyễn Nhạc, chỉ biết gật đầu. Nhà vua lại hỏi: - Người như chú mà phải thất thế sao? Lòng tự ái bị xúc phạm, Chỉnh vội đáp: - Tâu Hoàng thượng, thần lấy làm xấu hổ vì bao năm trôi qua mà vẫn lận đận vì công danh. Đến nay chỉ mới là một viên quan nhỏ. Vua Thái Đức cười, châm biếm: - Chớ cho điều thiện nhỏ mà không làm. Chính chú đã nói như thế mà! Nguyễn Hữu Chỉnh cười gượng, rồi tiếp: - Sau khi Việp Quận công qua đời, thần bị một tai vạ tầy đình suýt nguy đến tính mạng. May mắn là về sau gỡ được, lại được Quận Huy tin dùng. Nhà vua lại cười hóm hỉnh, nheo mắt hỏi Chỉnh: - À, Quận Huy! Ta nhớ rồi! Nhà Chúa đau yếu dật dờ, hắn còn dám "tòm tem" với Tuyên phi nữa không? Nguyễn Hữu Chỉnh cau mày khó chịu, nghiêm mặt đáp: - Đấy chỉ là những lời đồn đãi của kẻ ác tâm, Hoàng thượng chớ nên tin. Quan Chánh đường (Huy Quận công Hoàng Đình Bảo) nắm giữ nhiều uy quyền, nên dĩ nhiên có lắm kẻ thù. Nhưng quan Chánh đường vừa bị bọn kiêu binh tam phủ giết chết rồi. Vua Thái Đức giật mình gò ngựa đứng lại, hỏi lớn: - Quận Huy bị giết, tất có đại biến. Thế Trịnh Sâm thế nào? Nguyễn Hữu Chỉnh cũng dừng ngựa lại, đáp: - Đầu đuôi cũng do nhà Chúa. Vì mê nhan sắc của Tuyên phi, nhà Chúa phế trưởng lập thứ, điều đó chắc Hoàng thượng đã rõ. - Vâng, ta đã biết từ lâu. - Vây cánh của Trịnh Tông khá đông nên Đặng Tuyên phi phải nhờ đến tài cán của Huy Quận công. Do đó kẻ xấu mới được dịp đồn đãi. Nhà Chúa vừa nhắm mắt nằm xuống... Nhạc thảng thốt hỏi: - Trịnh Sâm đã chết rồi à? - Tâu Hoàng thượng, vâng. Chúa đã quy tiên hôm 13 tháng Chín vừa qua. - Sâm chết, tất nhiên phe trưởng với phe Tuyên phi không thể đội trời chung. Vì sao phe Tuyên phi lại thua? Nguyễn Hữu Chỉnh rơm rớm nước mắt, giọng lạc đi: - Vì Trịnh Tông đút lót ve vãn cho bọn lính tam phủ làm loạn. Chúng hẹn nhau kéo đến vây phủ đường, hò reo quát tháo ầm ĩ đòi giết Quận Huy và Tuyên phi để lập Tông lên ngôi Chúa. Quận Huy lãnh bảo kiếm nhà chúa cưỡi voi ra dẹp, nhưng chúng nó đông đúc ô tạp quá. Cuối cùng... Vua Thái Đức gật đầu, tiếp lời Chỉnh: - Ta hiểu rồi. Đám quân ô hợp đó sẽ kéo nhau đi phá nhà những ai chúng cho là phe đảng của Quận Huy. Nhưng chú ở tận nơi biên địa, sợ gì? Nói xong, vua Thái Đức cười ha hả ra vẻ đắc chí. Nhà vua thúc cho ngựa đi tiếp. Nguyễn Hữu Chỉnh vội theo sát bên Nhà vua. Thấy Chỉnh bối rối, lo sợ, vua Thái Đức an ủi: - Ta nói đùa đấy thôi. Rõ ràng Trời đã thu góp tất cả hiền tài đưa về hải thu góp tất cả tài sản vô chủ, không được cho lọt vào tay bọn vô lại và kẻ tham lam, thu góp thứ gì phải có sổ sách ghi chép phân minh, thứ nào xếp theo thứ đó, chờ xử lý của nhà vua. Muốn thi hành cho đúng lệnh, cần phải có một đội ký lục đông đảo thạo việc và tuyệt đối liêm khiết. Thời bình tìm cho ra số người ấy còn khó huống chi thời loạn. Và lạ lùng thay, Lợi vẫn vượt qua được cuộc thử thách! Ba năm mang gông đã giúp cho Lợi những kinh nghiệm quý báu. Trước cuộc thử thách quyết định cả tương lai của đời anh, Lợi tự buộc mình đổi tính. Không ba hoa lắm lời, Lợi lặng lẽ, kín đáo, âm thầm lo liệu công việc của mình. Lợi cũng cố biến mình thành tấm gương của liêm khiết. Bánh trái hoa quả quý lạ mang từ bên Tàu sang, rượu trà hảo hạng ê hề, chất đống, nhưng tuyệt đối Lợi không chạm đến. Anh chỉ ăn khẩu phần dành cho mình, dùng cái bát sành đã mẻ để uống thứ trà dở quân lính vẫn quen uống. Những người làm việc với Lợi lấm lét nhìn Lợi để cố đoán trong lòng Lợi nghĩ gì, muốn gì. Họ không đoán ra. Họ chỉ thấy sau một ngày làm việc cực nhọc, đóng cửa kho lại, Lợi ngồi rung đùi, lâu lâu mỉm cười một mình: Lợi đang ngây ngất vì một niềm hoan lạc còn lớn hơn cả sự chiếm hữu vàng bạc, của cải. Anh cười khoái trá vì kẻ đã đẩy anh đến cửa ngục, buộc anh mang gông suốt mấy năm đằng đẵng đã bị chết chém dưới lưỡi gươm Hòa nghĩa. Lợi thầm nghĩ, đúng là trời cao có mắt! °