Thay lời tựa Kim Dung ( Tra Lương Dung ) Tiểu sử Theo tài liệu: 1. " Kim Dung: Cuộc Đời và Tác Phẩm ", Bành Hoa-Triệu Kiến Lập, dịch giả Nguyễn thị Bích Hải, NXB Trẻ, TP. HCM, 2002. 2. " Kim Dung: Tác Phẩm và Dư Luận ", Nhiều tác giả, NXB Văn Học, TP. HCM, 2001. Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh tháng 2, 1924 trong một gia đình gồm sáu anh chị em, Kim Dung là thứ hai, tại Viên Hoa Trấn, huyệïn Hải Ninh, tỉnh Triết Giang, là nơi địa linh nhân kiệt của Trung Quốc. Thân mẫu là người của thời " Ngũ Tứ " ( 4/5/1919 ), thời của phong trào đấu tranh dân chủ mở đầu thời kỳ hiện đại Trung Quốc, tri thủ đạt lễ, thích thơ văn, tư tưởng khai minh, dân chủ. Thân phụ là Tra Xu Khanh không theo nghiệp văn chương, mà vào doanh thương, vừa là một đại địa chủ có đến 3.600 mẫu ruộng, với hơn 100 hộ tá điền. Cụ cố nội là Tra Thận Hành là nhà thơ nổi tiếng bậc nhất đời Thanh. Ông nội là Tra Văn Thanh, đỗ Tiến sĩ, làm Tri huyện ở Giang Tô, bênh vực nhóm nhân dân đốt nhà thờ Thiên Chúa mà bị triều đình cách chức. Họ Tra là dòng dõi thế gia vọng tộc, thanh danh hiển hách từ triều Nam Đường thời Ngũ Đại (907 - 960). Vua Thanh Cao Tông - Càn Long đã ngự đề một câu đối treo cao trước cổng từ đường rằng: " Đường Tống dĩ lai cự tộc Giang Nam hữu sổ nhân gia " ( Họ lớn từ thời Đường Tống Danh gia bậc nhất Giang Nam ) Người đương đại thì khen: " Một nhà bảy Tiến sĩ Chú cháu năm Hàn lâm " Thiếu thời, Kim Dung rất tuấn tú, thông minh, hoạt bát, tinh nghịch mà biết điều; mê cảnh đẹp và say nghe các chuyện kể hay và đẹp. Từ năm 1930 đến 1940: Theo học Tiểu học ở Hải Ninh, Triết Giang, học Trung học ở Hàng Châu. Từ năm 1941 đến 1945: Học luật pháp quốc tế khoa ngoại văn, trường đại học chính trị Trùng Khánh. Làm việc tại Thư viện Trung ương lúc chưa tốt nghiệp. Bấy giờ Kim Dung có dịp nghiền ngẫm nhiều sách, truyện. Từ năm 1946 đến 1949: Trở lại Hàng Châu làm phóng viên cho nhật báo Đông Nam, sau lại được Đại Công Báo tuyển trong số hơn 3.000 người dự tuyển; sang thường trú ở Hồng Kông, phiên dịch tin tức quốc tế cho báo nầy. Từ năm 1950 đến 1955: Chuyển sang biên tập phụ san cho báo Tân Vấn, phụ trách mục Chuyện trà chiều, kiêm dịch tin tức, dưới bút hiệu Diêu Phúc Lan. Bấy giờ Kim Dung khởi sự viết tập tiểu thuyết võ hiệp đầu tay: " Thư Kiếm Ân Cừu Lục " với bút hiệu Kim Dung. Năm 1956: Sáng tác và đăng báo " Bích Huyết Kiếm ". Năm 1957: Viết và đăng truyện " Xạ Điêu Anh Hùng " Năm 1959: Viết, đăng truyện " Tuyết Sơn Phi Hồ ", truyện dài rất ngắn của Kim Dung. Giữa năm 1959, khởi viết " Thần Điêu Hiệp Lữ ", đến năm 1962 mới xong. Năm 1960 - 1961: Viết, đăng " Phi Hồ Ngoại Truyện " Năm 1963: Viết, đăng truyện " Liên Thành Quyết " ( hay " Tố Tâm Kiếm " ) trên Minh Báo (Hồng Kông ) và trên báo Đông Nam Á ở Singapore. Cùng năm 1963, viết, đăng " Thiên Long Bát Bộ " ( hay Lục Mạch Thần Kiếm ) trên hai báo vừa kể. Năm 1965: Viết, đăng " Lộc Đỉnh Ký " trên Minh Báo. Năm 1975: Viết, đăng " Việt Nữ Kiếm ", truyện Võ hiệp ngắn nhất của Kim Dung. Trong khoảng thời gian hai mươi năm từ 1950 đến 1970, ngoài các công việc của một phóng viên, biên tập viên, dịch các thông tin quốc tế, Kim Dung đã sáng tác 15 tập truyện Võ hiệp rất dài - trừ Tuyết Sơn Phi Hồ và Việt Nữø Kiếm - theo thứ tự thời gian như sau: 1. Thư Kiếm Ân Cừu. 2. Bích Huyết Kiếm. 3. Tuyết Sơn Phi Hồ. 4. Phi Hồ Ngoại truyện. 5. Xạ Điêu Anh Hùng truyện. 6. Thần Điêu Hiệp Lữ. 7. Ỷ Thiên Đồ Long Ký. 8. Bạch Mã Khiếu Tây Phong ( 1960 ). 9. Uyên Ương Đao. 10. Liên Thành Quyết ( 1963 ). 11. Thiên Long Bát Bộ ( 1964-1968 ). 12. Hiệp Khách Hành ( 1965 ). 13. Việt Nữ Kiếm. 14. Tiếu Ngạo Giang Hồ. 15. Lộc Đỉnh Ký. Trong đó số hai truyện Thiên Long Bát Bộ và Hiệp Khách Hành nổi bật sắc thái Phật giáo, các tập truyện khác cũng bàng bạc đó đây triết lý Phật giáo với Thiếu Lâm tự xuất hiện như một Võ lâm Minh chủ. Tại lễ đường của trường Đại học Bắc Kinh, ngày 27/10/1994, hơn 1000 sinh viên vui vẻ, hân hoan đón tiếp Kim Dung. Tại đây, một số câu hỏi đã được đặt ra: Hỏi: " Thiên Long Bát Bộ phải chăng là biểu đạt quan niệm nhân sinh của ngài? " Đáp: " Trong Thiên Long Bát Bộ, có phần biểu đạt quan niệm nhân sinh của tôi. Lúc ấy trong tôi có tư tưởng triết học Phật giáo. Phật giáo khá bi quan đối với nhân sinh, cho rằng đời người là bể khổ. Vô luận nhân sinh tốt đẹp đến thế nào, cuối cùng rồi cũng chết Nhưng Phật giáo còn có quan niệm khác, tuy con người không tránh được cái chết, nhưng vẫn còn có lúc tái sinh, sau nầy có thể đời sống tốt hơn, có thể cống hiến được sức mình, có thể giúp đỡ được người khác. Có thể nói rằng chân đế của Phật giáo về nhân sinh là sâu sắc nhưng giá trị thực dụng của triết học Phật giáo có thể hữu ích đối với cá nhân, còn đối với xã hội vị tất đã hữu ích? " ( " Kim Dung: Cuộc Đời và Tác Phẩm,?tr.356 ) Hỏi: Phải chăng tiểu thuyết của ngài tuyên dương tư tưởng tôn giáo? Đáp: Đối với Phật giáo, tôi có phần tâm đắc, nhưng không có ý truyền giáo. Cách nhìn của tôi là, nếu anh gần với quan niệm tôn giáo nào đó thì cần tìm hiểu nó, nếu không gần gũi thì bất tất phải cố gắng truy cầu... ( Ibid. tr.357 ) Bành Hoa và Triệu Kiến Lập thì giới thiệu về Kim Dung rằng: " Kim Dung rất phong độ, ông ta không hề bực bội với lời lẽ của tôi ( Lý Ngao ). Ông ta khiêm tốn giải thích quan điểm của mình. Ông ta đặc biệt nhắc đến rằng từ sau khi con trai ông ta bất hạnh mất sớm, ông tập trung nghiên cứu Phật học, ông đã là một tín đồ trung thành của Phật giáo... " ( Ibid. tr.326 ) Trong " Văn khố đại sư Văn học Trung Quốc, thế kỷ XX,Tiểu thuyết quyển " đánh giá Kim Dung, xếp người vào vị trí thứ tư trong hàng chín bậc đại sư: Lỗ Tấn, Thẩm Tòng Văn, Ba Kim, Kim Dung, Lão Xá, Ức Đạt Phu, Vương Mông, Trương Ái Linh và Giả Bình Ao. ( Ibid. tr.345 ) Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đã gây ra một tiếng vang rất xa, vang khắp các vùng Đông Nam Á từ lâu đến nỗi đã phát sinh ra hiện tượng nghiên cứu về Tiểu thuyết Kim Dung qua nhiều khía cạnh gọi là Kim học hay Kim Dung học phát triển ở Hồng Kông, Đài Loan, và cả ở Bắc Kinh, đại để như: - " Bách gia chư tử và Kim Dung ", Viễn Cảnh Xuất Bản Xã, Đài Bắc, 1984 ( của Thẩm Đăng Ân ). - " Đọc Kim Dung tình cờ tâm đắc ", Thư Quốc Trị, Viễn Cảnh Xuất Bản Xã, Đài Bắc, 1982. - " Thế giới dưới ngòi bút Kim Dung ", Dương Hưng An, Bách Ích Xuất Bản Xã, Đài Bắc, 1983. - " Kim Dung và Nghê Khuông ", Thẩm Tây Thành, Lợi Văn Xuất Bản Xã, Hồng Kông, 1984. - Ở Trung Quốc ( đại lục ), đã có nhiều chuyên gia, giáo sư đại học viết bài giới thiệu hay bình luận, nghiên cứu Tiểu thuyết Kim Dung. Tháng 2, 1986, Phùng Kỳ Dung trong bài " Bàn về Tiểu Thuyết Kim Dung " đã viết về những ấn tượng khi ông đọc Tiểu thuyết Kim Dung rằng: - " Thứ nhất: Lịch sử mà Tiểu thuyết Kim Dung bao hàm có nội dung xã hội sâu rộng rất nổi bật và rất hiếm thấy trong các tác gia tiểu thuyết võ hiệp đương đại. Thứ hai: Tư tưởng mà Tiểu thuyết Kim Dung đề cập có thể nói là đủ chư tử bách gia, tam giáo cửu lưu, hầu như bao gồm tất cả; còn về phương diện văn học thì cả thơ, từ, ca, đối ngẫu, câu đối, khúc tử đều có đủ lại rất đắc địa, không hề gò ép khiên cưỡng, khiến cho người ta có cảm giác vốn liếng và khí lực của tác giả còn rất dồi dào sung mãn. Thứ ba: Trên phương diện nghệ thuật, một số nhân vật do Kim Dung sáng tạo rất nhiều hình tượng sinh động, thành công như Tiêu Phong, Trần Gia Lạc, Văn Thái Thái, Hoắc Thành Đồng, Quách Tĩnh, Hoàng Dung v.v... Đó là những hình tượng khó quên, có sức hấp dẫn rất mãnh liệt. Có ai đọc những bộ Tiểu thuyết ấy mà không cảm động trước những hình tượng nghệ thuật như vậy. Thứ tư: Ấn tượng đặc biệt sâu sắc của tôi ( tức Phùng Kỳ Dung ) là chất văn học trong Tiểu thuyết của Kim Dung: Nó khác hẳn tất cả tiểu thuyết võ hiệp cũ lẫn tiểu thuyết võ hiệp đương đại. Nó không những có ngôn ngữ trong sáng, tính văn học cao, hành văn lưu loát, uyển chuyển; mà cả thơ cả từ trong đó đều sử dụng rất khéo; điều quan trọng nữa là trong tác phẩm thường chan chứa ý thơ, đạt đến cảnh giới mỹ lệ. Theo cách nói quen thuộc, đó là một thế giới rất phong phú đa dạng, khiến người ta cảm thấy như đang sống trong thế giới ấy, cảm thấy được hưởng thụ nghệ thuật, một thứ mỹ cảm khiến người ta say sưa. Thứ năm: Sự biến hoá của tình tiết nghệ thuật trong tiểu thuyết Kim Dung như núi mọc lên đột ngột ngoài trời, đó là chỗ khiến người ta phải vỗ án khen tuyệt. Đang tưởng như " sơn cùng thủy tận " bỗng gặp đường lối mở ra, tình men theo cảnh, hợp tình hợp lý. Chính vì thế mà người ta không sao rời sách, cứ phải đọc cho đến hết. - Năm 1992, " Bách Hoa Châu Văn Nghệ Xuất Bản Xã " đã xuất bản cuốn " Phân Tích và Thưởng Thức Tiểu Thuyết Kim Dung "... - Một số trường đại học nổi tiếng, đã có nhiều chuyên đề"Nghiên cứu Kim Dung "... - Các tác phẩm từ " Thư Kiếm Ân Cừu Hận " đến " Lộc Đỉnh Ký " đã được giới điện ảnh làm thành phim nhựa ( ibid. tr. 265 - 267) Về nhiệt tình chính trị của Kim Dung, Bành Hoa và Triệu Kiến Lập nhận xét: " Trong bộ tiểu thuyết này ( Thư Kiêm Ân Cừu Hận) ta có thể thấy Kim Dung đã thể hiện nhiệt tình chính trị của mình: tình cảm dân tộc, lòng yêu tổ quốc, cho đến lý tưởng an bang trị quốc, cứu đời cứu dân. Nhãn quan của Kim Dung rất chính xác " ( Ibid. tr.299 ) Ngày 16 tháng 7, năm 1981, được sự sắp đặt của chính quyền Trung Quốc, Kim Dung, phu nhân và con trai vào thăm đại lục, được Đặng Tiểu Bình tiếp kiến, nhiều nhân vật cao cấp ở Quốc Hội và Chính Phủ tiếp xúc, trao đổi. Sau chuyến Bắc du dài, thăm mười Tỉnh và Thành phố trong nước, tại Hồng Kông, các phóng viên Minh Báo đã phỏng vấn, Kim Dung đã xác định và điều chỉnh lập trường chính trị và cái nhìn của ông về đại lục, phát biểu rằng: " Thứ nhất, tôi tin rằng hiện nay ở Trung Quốc không có một lực lượng chính trị nào có thể thay thế vị trí lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Thứ hai, tôi tin rằng Trung Quốc trong mấy mươi năm sắp tới không thể thực hành dân chủ theo kiểu phương Tây, mà dù có khả năng thì chưa chắc đã có lợi cho đất nước và nhân dân. Thứ ba, cá nhân tôi tán thành Trung Quốc xây dựng chủ nghĩa xã hội khai minh. Nói chung, so với thói quen phóng túng và sự phân hóa giàu nghèo thái quá trong xã hội tư bản chủ nghĩa thì chủ nghĩa xã hội công bằng hợp lý hơn. Nhưng ở đại lục tự do của cá nhân còn hạn chế, Đảng Cộng Sản lãnh đạo làm kinh tế hiệu suất còn thấp, chưa giải phóng được lực lượng sản xuất của nhân dân, tư tưởng và tác phong tả khuynh khá nghiêm trọng. Cá nhân tôi tán thành việc không ngừng cải cách từng bước, chứ không nghĩ rằng một cuộc cách mạng long trời lở đất có thể giải quyết được vấn đề " Tôi nhận thấy Đảng Cộng Sản Trung Quốc từ Trung ương đến địa phương đã không còn khoa trương như trước mà phần nhiều nói về khuyết điểm của mình, ít nói đến thành tích, điều nầy để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất ". ( Ibid. tr. 302 ) Nhận xét về chế độ, tổ chức xã hội ở Hồng Kông, nơi cư trú hơn hai mươi năm qua của Kim Dung, Kim Dung đánh giá: "... Điều đáng quý nhất của Hồng Kông là tự do sinh hoạt, tinh thần pháp trị, sự phát triển kinh tế có hiệu suất và linh hoạt, có nhiều cơ hội cho con người, cái dở nhất của Hồng Kông là sự bất hợp lý, bất công bình của tự do tư sản cực đoan " ( Ibid. tr.303 ) Với khối óc và con tim lớn, từng trải qua các biến đổi của thời đại, thế kỷ XX, nắm vững thông tin thế giới, hẳn là Kim Dung đã chuyển tải qua các tiểu thuyết võ hiệp của mình nhiều quan niệm, tư tưởng, nhiều nhận xét đánh giá giá trị về xã hội hiện đại ( Trung Quốc và Thế giới ) và hẳn đã truyền vào đó những cái nhìn và ý tưởng chân xác về thái độ sống của các cá nhân, tập thể để xây dựng một cuộc sống công bằng, nhân ái và an lạc, hạnh phúc tốt đẹp nhất có thể. Thế nên, tiểu thuyết của ông đã có một hấp lực lớn quấy động các sạp báo Saigon, và cả Saigon, trong những năm của thập niên 60. Dân chúng nhiều giới đều hâm mộ đọc tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Không khí hâm mộ dấy lên như là không khí xem phim Tây Du Ký trên màn ảnh nhỏ của thập niên 80, TP Hồ Chí Minh. Tác giả tập sách này cũng bị cuốn hút theo làn sống hâm mộ có thể đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung liên tục nhiều ngày đêm không mệt mỏi, tưởng chừng như đang đi vào lục lọi túi khôn của nhân loại mà Kim Dung đã dốc cạn vào trong truyện. Ngày nay, các học đường nhiều nơi đang lác đác nghiên cứu tiểu thuyết Kim Dung qua nhiều phương diện, đang chuyển thành hiện tượng " Kim học " hay " Kim Dung học". Tại Việt Nam, 15 bộ tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung đang được Nhà Xuất Bản Văn Học, Hà Nội ấn hành từ năm 2001: - Anh Hùng Xạ Điêu, 8 tập ( >= 350 trang ), 2001. - Tiếu Ngạo Giang Hồ, 8 tập ( >= 350 trang ), 2001. - Ỷ Thiên Đồ Long Ký, 4 tập ( >= 700 trang ), 2002. - Lộc Đỉnh Ký, 10 tập ( >= 300 trang ), 2002. - Thiên Long Bát Bộ, 9 tập ( >= 300 trang ), 2003. - Hiệp Khách Hành, 4 tập ( >= 250 trang ), 2003. Điều nầy khiến người viết " Bàn về Tiểu Thuyết Kim Dung " đi tìm lại các cảm xúc của mình khi mải mê đọc võ hiệp Kim Dung vào thập niên 60, đặc biệt là cảm xúc về Phật học, về Văn hoá và Giáo dục. Người viết chỉ có một nguyện vọng khiêm tốn là nói lên một tiếng nói trân trọng về những gì tốt đẹp mà Kim Dung đã cống hiến cho độïc giả bốn phương. Tác giả cẩn bút Tỷ kheo Thích Chơn Thiện Chùa Tường Vân, Huế