A. Tóm tắt Hồi 11 - Thạch Phá Thiên ( Cẩu Tạp Chủng ) trở lui hang động thì Sử bà bà và A Tú đã dời chỗ ở đi nơi khác. - Chàng bước vào một chiếc thuyền lớn giạt vào đảo. Thuyền đầy các thi thể của Phi Ngư bang do sự trừng phạt của hai sứ giả " Thưởng thiện Phạt ác " - Hai chiếc thuyền lớn khác của Thiết Xoa Hội kéo chiếc thuyền của Phi Ngư bang xuống miền hạ lưu, cảng Hồng Liễu. Thạch Phá Thiên trốn ở lòng thuyền nghe được câu chuyện Thiết Xoa Hội làm sào huyệt dưới lòng đất để tránh mặt "sứ giả ". Khi tất cả đã vào đất liền của cảng, Thạch Phá Thiên đi giọc ven sông đến ẩn trong một khu rừng rậm. Chàng hạ sát một chú heo rừng đến tấn công chàng; lên lửa thui các đùi heo để trừ cơn đói. - Tại đây, hai sứ giả xuất hiện, cùng chàng trò chuyện bên lửa, rượu và thịt heo rừng. - Tình cờ, nhân duyên đưa đẩy chàng nốc sạch hai bình rượu kịch độc của hai sứ giả: lượng rượu mà hai sứ giả đã tinh luyện để luyện nội lực cho nửa năm. " La hán phục ma thần công " đã hoá giải rượu độc thành rượu bổ tăng thêm nội lực cho Thạch Phá Thiên. - Cả ba kết nghĩa sinh tử rồi cùng lên đường đến hành dinh của Thiết Xoa Hội. B. Ý Kiến 1. Ý nghĩa rượu độc thành rượu bổ - Thực tế đời sống cho thấy, nếu rượu bổ, hay thuốc bổ, mà dùng vô độ có thể dẫn đến cái chết. - Chất kịch độc, thông thường thì cơ thể rất khó dung nạp nên dễ kết thúc mạng sống do tê liệt hệ tim, hay thần kinh. - Nếu lượng độc vào với liều lượng mà cơ thể có thể dung nạp thì nó trở thành khả năng đề kháng chống độc, như các loại vắc -xim. - Nếu cơ thể có khả năng đề kháng rất cao, thì khả năng dung nạp chất độc cao hơn: đây là trường hợp của hai sứ giả dùng rượu độc để gia tăng công lực như Kim Dung viết. Cẩu Tạp Chủng do có nội lực của" La hán phục ma thần công " mà dung nạp rượu độc nhiều lần lớn hơn hai sứ giả. - Về mặt tâm lý cũng thế, khổ đau, bất hạnh ở đời khiến nhiều người không chịu được phải điên cuồng, hay tự vẩn. Nhưng cũng có nhiều người có khả năng làm chủ tâm thức và tình cảm cao có thể chịu đựng nhiều khổ đau: càng khổ đau, tâm thức càng thức tỉnh, tình người càng dâng cao, và dục vọng càng vơi đi: đây là ý nghĩa thực sự của sự kiện rượu độc chuyển hoá thành rượu thuốc ( bổ ) đối với người có định lực ( khả năng thiền định ) sâu như Cẩu Tạp Chủng. 2. Tính chất bất định của các hiện hữu - Tính chất của các hiện hữu, ví như rượu, được xác định bởi một số điều kiện nào đó, trong môi trường nào đó; tính chất đó sẽ khác đi trong các điều kiện xác định khác, ở môi trường khác. Đây gọi là tính chất bất định, hay không thật sự có tự ngã, của các hiện hữu. Tương tự như câu nói " thù của kẻ thù là bạn ". Phật giáo xác định các hiện hữu đều do điều kiện sinh nên không có tự ngã, gọi là vô ngã, vô thường. Các học thuyết ( " isme " ) ở đời thường có khuynh hướng khẳng định, cho hiện hữu một tính chất bất biến nào đó. Đây là chủ trương không phù hợp với thực tế, thực tại. Hồi truyện về " Rượu thuốc " gợi cho người đọc tư tưởng nầy. 3. Nét khác biệt giữa hai thái độ hiền thiện, hay nét khác biệt giữa văn hoá " Thiếu Lâm tự " và đảo Hiệp Khách: a/ Thiện chấp thủ ( dính mắc ) của Hiệp Khách đảo Hai sứ giả " Thưởng thiện, Phạt ác " của đảo Hiệp Khách chuyên hành hiệp, làm việc thiện, nhưng làm với thái độ cố chấp, chấp thủ, dính mắc. b/ Thiện rất thuần thiện, không dính mắc của Cẩu Tạp Chủng ( thuộc văn hoá của Thập Bát La hán, Thiếu Lâm tự ) Cẩu Tạp Chủng sống rất thuần thiện, tự nhiên, không bị dính mắc, không bận tâm đến khen, chê nên có điều kiện để phát triển nội lực cao, phát triển trí tuệ. Đây là đặc tính rất cơ bản rọi sáng lý do vì sao đảo Hiệp Khách suốt 40 năm, không phá giải được bí pháp " Thái Huyền Kinh ", trong khi Cẩu Tạp Chủng chỉ cần vỏn vẹn 100 ngày, giải mã dễ dàng bí pháp. Hãy lắng nghe một mẫu đối thoại ngắn sau đây về sự khác biệt của hai thái độ tâm lý nói trên: " Thạch Phá Thiên ( Cẩu Tạp Chủng ) xua tay nói:' Hai vị ca ca có thêm một tay phụ lực há chẳng tốt hơn ư? Chúng ta ít người không địch nổi số đông, nếu gặp nguy cấp thì cứ chạy trốn, đâu có nhất định phải chết? ' Lý Tứ cau mày nói: ' Đánh thua bỏ chạy thì đâu phải là anh hùng hảo hán? Hay nhất là ngươi đừng đi theo để làm mất mặt chúng ta ' ". ( tập 3, tr. 40)