A. Tóm tắt Hồi 9 - Để cứu Cẩu Tạp Chủng khỏi bị Đinh Bất Tam hại, Đinh đinh Đang đang trói gô chàng sau khi đã điểm huyệt, và ném chàng vào thuyền chở Sử bà bà cùng A Tú đang lướt ngược chiều. Bấy giờ, hai bà cháu Sử bà bà nằm yên bất động do bị " tẩu hoả " vì luyện công lạc đạo. - Sử bà bà bảo A Tú lấy đao giết chàng ngay, ném xuống sông để tránh tiếng " xì xào " về sau. A Tú không thể hành sự do bản tính hiền hậu, phần khác là do hai cánh tay không thể cử động... - Lát sau, thuyền của Đinh Bất Tứ áp tới. Ông ta vốn thầm yêu trộm nhớ Sử bà bà từ tuổi thanh xuân mà ở goá. Lẹ như tên bắn, ông phóng qua thuyền Sử bà bà, lên giọng lè nhè. Hai bên đang khẩu chiến thì Cẩu Tạp Chủng, vốn đã nghe Sử bà bà bảo A Tú cùng nhảy sông tự vẫn nếu bị Đinh Bất Tứ xúc phạm, lên tiếng kêu cứu Đinh Bất Tứ ngăn cản. - Nhận ra dấu tay cẩm nã thủ " Thiết sa chưởng " của cô cháu gái A Đang còn để lại trên mặt chàng thiếu hiệp, Đinh bất Tứ bật cười đắc chí, bứt giây trói cho chàng; rồi thử vài chiêu cẩm nã thủ và kinh ngạc về nội lực kỳ đặc của chàng... - Sử bà bà nói khích khiến Đinh Bất Tứ động thủ đánh Cẩu Tạp Chủng. Đinh Bất Tứ bị phản lực mạnh, nghe mình mẩy tê buốt đến kỳ lạ, bèn biến chiêu đánh vào huyệt Đại truy để hạ gục chàng; không ngờ chính ông ta bị run bắn toàn thân, và bị hất văng qua một bên, rất chi bẽ bàng... - Để gỡ gạc, Đinh Bất Tứ, cũng do Sử bà bà khích bác, chỉ cho Cẩu Tạp Chủng vài đường võ của mình để tái đấu trên thuyền. Ông ta lại bại cuộc... - Cẩu Tạp Chủng giúp Sử bà bà và A Tú điều hoà kinh mạch cho đến khi toàn thân cử động được. Bấy giờ, do Đinh Bất Tứ ép Sử bà bà lên đảo của ông ta để dưỡng thương, bà liềân ôm A Tú nhảy tỏm xuống nước để chết. Cẩu Tạp Chủng phóng theo để cứu... - Cả ba giạt vào bờ đảo Tử Yên gần đó. Cẩu Tạp Chủng giúp hai bà cháu điều thương và lánh trú trong một hang động... B. Ý kiến 1. Các ý tưởng điên đảo: - Tâm lý chân chất, thuần thiện của Cẩu Tạp Chủng như một tấm gương soi rõ tâm lý của những người tiếp cận chàng. Các tâm lý tương ưng, đồng điệu với chàng như tâm lý Mẫn Nhu, A Tú là thiện; các tâm lý chỏi lại chàng, từ khước chàng, đều là bất thiện, điên đảo. Tại Hồi 9, Sử bà bà nghĩ rằng giết chàng để tiết hạnh của cháu gái A Tú khỏi bị tổn thương là một suy nghĩ kỳ quái, điên đảo! Sử bà bà dự tính cùng A Tú nhảy sông tự vẫn nếu Đinh Bất Tứ xúc phạm. Làm thế để biểu lộ lòng thanh bạch chung thủy của bà đối với Bạch Tự Tại. Đây là một suy nghĩ điên đảo khác. Chính các ý tưởng điên đảo về giá trị ấy là nhân tố chính gây ra các rối rắm trong kiếm phái Tuyết Sơn và lây can vào chốn giang hồ. - Các suy nghĩ lẩm cẩm đầy kiêu mạn, hiếu thắng, si ái của Đinh Bất Tứ là một loại tâm lý điên đảo khác Giáo lý nhà Phật dạy đó là các tà tưởng, tà tư duy dẫn đến khổ đau. 2. Thực tại không có chủ trương: - Khi chủ ý của đời sống là quá rõ ràng: sống là sống hạnh phúc, cho cá nhân và tập thể, thì mọi hành động, xử sự đều vì mục đích đó, mà không vì một chủ trương nào khác, bởi vì các chủ trương là vì sự sống, mà không phải sự sống vì chủ trương. " Hiệp Khách Hành " đã diễn đạt ý tưởng đó qua các " xen " ( scène ) đấu võ khá lý thú: - Khi Cẩu Tạp Chủng đang ở tận cuối mui thuyền, Đinh Bất Tử liền ra chiêu Chung cổ tề minh nhằm để giục chàng xuất chiêu Xung Văn Tác Triển ứng phó: trước khi xuất chiêu nầy thì phải lùi lại vài bước. Biết vậy, Cẩu Tạp Chủng không theo bài bản nữa, mà biến chiêu qua Cẩm nã thủ pháp: lạng người ra sau lưng Đinh Bất Tứ ra chiêu Hổ trảo thủ và Ngọc nữ niêm châm khiến Đinh Bất Tứ bất ngờ bị ngã lăn quay xuống mạn thuyền, thua trận, xấu hổ. - Khi Đinh Bất Tứ ra hư chiêu khi tả, khi hữu khiến Cẩu Tạp Chủng phân vân không biết vận kình lực thủ về phía nào, chàng liền bỏ bài bản, dồn nội lực vào cả hai tay, phòng sẵn cả tả lẫn hữu, khiến Đinh Bất Tứ kinh hải thu chiêu! - Giữa cuộc sống đầy biến động nhiều hướng, thái độ sống tốt đẹp cho con người cũng thế: nắm lấy mục tiêu hạnh phúc, an lạc cho cá nhân và tập thể mà hành xử, mà không nhất thiết phải nắm lấy chủ trương! Đây là tinh thần không chấp thủ và " tùy duyên mà bất biến " của nhà Phật.