Ở Pháp, đã lâu không có cuốn sách nào mới ra đời đã gây chú ý như Hạt cơ bản. Năm 1998, cuốn sách của Michel Houellebecq khiến mọi người phải quan tâm đặc biệt. Khen có, chê có, nhưng sự thật là cho đến giờ vẫn chưa có cuốn tiểu thuyết nào ngang tầm Hạt cơ bản được xuất bản. Cuốn tiểu thuyết dữ dội phê phán kịch liệt xã hội phương Tây hiện nay, cũng như những năm 60, 70 của thế kỷ trước; nhà văn còn cực đoan đến mức muốn xóa bỏ cái xã hội đầy rẫy cái xấu xa và tệ nạn ấy. Michel Houellebecq sinh năm 1958 ở đảo Réunion. Từ năm lên sáu Michel sống với bà nội (mất năm 1978); Houellebecq là họ của người bà mà nhà văn lấy làm bút danh. Ông sống ở Dicy (Yonne), rồi ở Crécy-la-Chapelle (ngoại ô Paris). Học nội trú trường trung học Henri Moissan ở Meaux (cũng ở ngoại ô Paris), được bạn bè đặt biệt hiệu “Einstein” vì có khả năng suy tư và phân tích vượt xa các bạn cùng độ tuổi. Sau khi học xong dự bị, năm 1975 ông vào học trường Nông nghiệp. Những nét tiểu sử này rất đáng lưu ý với bạn đọc Hạt cơ bản, bởi Houellebecq sẽ lấy nguyên xi cái nền tảng gia đình này để xây dựng tiểu thuyết của mình. Hai nhân vật chính, Bruno Clément và Michel Djerzinski, đều sống với bà và đều học ở trường trung học ở Meaux. Houellebecq đã rút tỉa các sự kiện từ chính cuộc đời mình; theo một cách nào đó ông đã tự phân tích mình, cuộc tiểu phẫu đó là tiền đề cho cuộc đại phẫu áp dụng cho toàn xã hội, mà ông đã tiến hành một cách xuất sắc trong Hạt cơ bản. Con dao mổ của Houellebecq sắc nhọn, nó bới tung từng ngóc ngách của con người và xã hội. Nhưng lẽ dĩ nhiên, trước đó nó đã gây đau đớn cho chính ông. Năm 1980, Houellebecq học xong đại học và cưới vợ. Bắt đầu giai đoạn thất nghiệp kéo dài. Ông sinh con trai Etienne năm 1981. Sau khi ly hôn, ông rơi vào trạng thái trầm cảm, thường xuyên phải điều trị ở các bệnh viện tâm thần. Ðây cũng lại là một nét trùng hợp nữa với nhân vật Bruno Clément. Trong Hạt cơ bản, sự miêu tả người giáo viên dạy văn trung học này nhiều khi thể hiện rõ niềm cảm thông và thương xót - ông đang thương xót cho nhân vật hay cho chính mình? Sự nghiệp văn học của Houellebecq bắt đầu từ khi ông 20 tuổi, năm ông bắt đầu qua lại với các nhóm thơ ca. Trước khi thành tiểu thuyết gia, Houellebecq là một nhà thơ. Năm 1985 ông gặp Michel Bulteau, giám đốc tờ tạp chí Nouvelle Revue de Paris, người đầu tiên in thơ ông. Năm 1991 ông xuất bản cuốn chân dung nhà văn người Mỹ nổi tiếng ở thể loại huyền ảo Howard P. Lovecraft (1890-1937) với tên Chống lại thế giới, chống lại cuộc đời (Contre le monde, contre la vie). Ông vào làm thư ký hành chính ở Quốc hội. Cùng năm đó ông in ở Nhà xuất bản Différence tác phẩm Còn sống (Rester vivant) và năm sau đó, 1992, cũng tại đây ông in tập thơ đầu tiên, Kiếm tìm hạnh phúc (La Poursuite du bonheur); tác phẩm sau đó đoạt giải thưởng Tristan Tzara, giải thưởng mang tên nhà thơ dada danh tiếng. Năm 1994, Maurice Nadeau, một nhà phê bình danh tiếng và cũng là chủ một nhà xuất bản mang tên chính ông, in Mở rộng phạm vi đấu tranh (Extension du domaine de la lutte), tiểu thuyết đầu tiên của Houellebecq, sau đó cuốn này được dịch ra nhiều thứ tiếng. Tập thơ thứ hai, Ý nghĩa của chiến đấu (Le sens du combat) đoạt giải thưởng của quán cà phê văn học Flore năm 1996. Năm 1998, ông nhận Giải thưởng Quốc gia dành cho tài năng trẻ về toàn bộ tác phẩm tính đến khi đó. Năm đó cũng là năm ông in Phát biểu (Interventions), tuyển tập các bài phê bình và Hạt cơ bản (Les particules élémentaires), tiểu thuyết thứ hai, và cưới Marie-Pierre. Lúc này ông đã trở thành con cưng của nhà xuất bản lớn Flammarion. Năm 1999 ông hợp tác với Philippe Harel, đạo diễn nổi tiếng với những bộ phim hài chua chát, chuyển thể Mở rộng phạm vi đấu tranh thành kịch bản phim. Năm đó ông in tập thơ mới có tên Hồi sinh (Renaissance). Mô típ nhân vật của Houellebecq đã bắt đầu hình thành từ Mở rộng phạm vi đấu tranh. Trong tác phẩm đó các nhân vật đều là những người rất bình thường, làm việc trong ngành máy tính, ở các căn hộ khép kín, ăn đồ đông lạnh bán ở siêu thị, cô đơn cùng cực, sản phẩm của một nền văn minh suy tàn. Hai nhân vật chính, “tôi” và Tisserand, đi về các tỉnh để giới thiệu sản phẩm phần mềm cho công ty; những chuyến đi đó tạo ra các cơ hội cho “tôi” quan sát những người xung quanh, và nhận ra tình trạng bi thảm của mình cũng như của người đồng nghiệp đi cùng. Nhân vật Tisserand của Mở rộng phạm vi đấu tranh cũng mang trong mình nhiều ẩn ức tình dục, loay hoay trong những cơn hoang tưởng, báo trước cho nhân vật Bruno Clément của Hạt cơ bản. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Houellebecq dĩ nhiên vẫn là Hạt cơ bản, dù sau đó ông còn có thêm một tiểu thuyết mới, Plateforme (2001), viết về đề tài du lịch tình dục và phân tích con người hiện đại dưới khía cạnh người-đi-du-lịch, cũng có kết cục rất bi thảm khi nhân vật “tôi” tưởng chừng đã nắm chặt được hạnh phúc của đời mình lại mất đi người tình Valérie xinh đẹp trong một vụ khủng bố bằng bom ở Thái Lan. ở Pháp, Hạt cơ bản rất ăn khách. Năm 1998, việc Houellebecq “trượt” giải Goncourt làm người ta nhớ lại năm 1932 kiệt tác Hành trình đến tận cùng đêm tối của Céline cũng để tuột giải này về tay nhà văn hạng xoàng Guy Mazeline. Hạt cơ bản chỉ giành giải nhỏ là giải Novembre (Tháng Mười Một). Năm đó giải Goncourt danh tiếng về tay Paule Constant với tác phẩm ít người nhắc tới, Tâm sự thân mật (Confidence pour Confidences). Thành công trong văn chương, nhưng Houellebecq vẫn là một con người lập dị, thích sống ở nơi hẻo lánh, và hay đưa ra những lời phê phán cay độc khiến không ít lần ông phải vướng vào những rắc rối lớn. Sự mạnh bạo và lối suy nghĩ riêng, đầy gai góc của nhà văn khiến Elizabeth Roudinesco, một nhà phân tâm học nổi tiếng gốc Rumani, trong một cuộc phỏng vấn trên tờ Libération gần đây đã nói: các nhận định của Houellebecq về xã hội Pháp những năm 60, 70 là “ngu xuẩn”. Sự kiện khiến Houellebecq nổi đình đám hơn cả được gọi là L’affaire Houellebecq (lấy tên theo L’Affaire Dreyfus - Vụ án đại úy Dreyfus hồi đầu thế kỷ XX, từng lôi kéo tất cả các trí thức hàng đầu của Pháp vào cuộc, với bài báo danh tiếng của Emile Zola Tôi tố cáo đăng trên tờ Aurore). Tháng Chín năm 2001, Houellebecq trả lời phỏng vấn của tạp chí Lire, đã gọi đạo Hồi là “thứ tôn giáo ngu xuẩn nhất”; ông coi đạo Hồi là “tôn giáo nguy hiểm ngay từ khi mới ra đời”. Ông phát biểu câu đó sau khi đọc kinh Coran. Tại một đất nước rất đông người Hồi giáo như nước Pháp, câu nói của nhà văn gây ra một cú sốc thật sự. Nên nhớ là gần đây, chỉ vì muốn cấm nữ sinh Hồi giáo đội khăn truyền thống tại trường học mà chính phủ Pháp đã lao đao vì vấp phải sự phản ứng dữ dội, dấy lên một làn sóng tranh luận khắp nơi. Vì chuyện này, Houellebecq phải ra hầu tòa, vì bị ba tổ chức Hồi giáo lớn (các nhà thờ Hồi giáo lớn Paris, Lyon và Liên đoàn Hồi giáo thế giới) đâm đơn kiện. Tại tòa ông tự biện hộ với lý lẽ mình không khinh bỉ người Hồi giáo, mà chỉ khinh bỉ đạo Hồi. Các nhà văn như Philippe Sollers, Michel Braudeau, Dominique Noguez hay nhà báo của tờ Le Monde Josyane Savigneau ký đơn kêu gọi tha bổng Houellebecq. Cuối cùng tòa đã xử cho Houellebecq được trắng án. Sự kiện này cho thấy phần nào chất phản kháng trong tính cách của nhà văn. Houellebecq còn vướng vào vòng kiện tụng với chủ nhân của Ðịa Ðiểm Thay Ðổi - mà ông đã đưa vào Hạt cơ bản (lấy lại đúng tên thật ngoài đời) để làm khung cảnh cho một chút hạnh phúc thoáng qua của cuộc đời bi thảm của Bruno Clément. Người chủ Ðịa Ðiểm Thay Ðổi kiện ông vì tội bôi nhọ. Lại một lần nữa nhà văn thắng kiện. Mới đây Houellebecq đã bỏ nhà xuất bản Flammarion, chuyển sang nhà Fayard. Với ngành xuất bản, đó là một sự kiện đáng chú ý. Vài tờ báo so sánh sự kiện này với hiện tượng các danh thủ bóng đá như Ronaldo và Beckham chuyển câu lạc bộ... Ðiều đó cũng cho thấy mức độ danh tiếng của Houellebecq ở Pháp, cũng như mức độ quan tâm của người ta dành cho ông. Hạt cơ bản mở đầu bằng việc nhà khoa học Michel Djerzinski xin nghỉ làm tại Trung tâm Khoa học Quốc gia sau 15 năm làm việc tại đây, lấy lý do là để dành thời gian suy nghĩ. Trên thực tế anh sẽ tiến hành những nghiên cứu mang ý nghĩa lớn cho toàn bộ loài người. Tiếp đó câu chuyện quay về những năm tháng tuổi thơ của hai anh em Michel và Bruno, xen lẫn với cuộc sống sau này của họ. Ở Bruno khía cạnh nổi bật là ham mê tình dục đến mù quáng, còn Michel lại hoàn toàn ngược lại: anh là con người của lý trí, dịu dàng và luôn hướng tới một đạo đức theo lối của triết gia Kant. Câu hỏi lớn của Michel là hạnh phúc có tồn tại thật không, và phải giải quyết mối tương quan giữa đàn ông và đàn bà như thế nào. Hai anh em (cùng mẹ khác cha) chỉ giống nhau ở điểm cả hai cùng cô độc, từ bé đến lớn không có chỗ dựa nào khác ngoài những bà nội bà ngoại già nua. Số phận họ bị kết án không thể hạnh phúc, dù đã có lúc bên cạnh Bruno có Christiane dịu dàng và tinh tế, Michel có Annabelle kiều diễm. Sự bi thảm nằm ở từng câu chữ của tiểu thuyết, và trong từng sự kiện nhỏ nhặt nhất của cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Bruno và Michel sống bên lề của những biến chuyển xã hội phương Tây, họ không phải hippie, không phải rock star, mà chỉ là những con người cô đơn, luôn thấy cuộc sống nhàm chán, trống rỗng và đáng căm ghét. Cùng với sự xuống dốc cuộc đời của họ là sự xuống dốc không phanh của phương Tây, rơi tõm vào cơn cuồng loạn của chủ nghĩa tiêu dùng, sự đi xuống của đạo Thiên chúa, sự đe dọa của nhân bản vô tính, tính hủy diệt của các giá trị tự do, trong đó có vai trò không nhỏ của phong trào giải phóng tình dục những năm 60; tất cả những cái đó, theo Houellebecq sẽ hủy diệt loài người như một quả bom hạt nhân (Chính vì thế mà ông đặt tên tác phẩm của mình là Hạt cơ bản). Theo nhiều nhà phê bình Pháp, kể từ Con quái vật (Roi des Aulnes) của Michel Tournier năm 1970 đến nay chưa có tiểu thuyết Pháp nào chứa đựng nhiều ý tưởng như tác phẩm của Houellebecq. Cả hai tác phẩm đều có tham vọng giải quyết các vấn đề to lớn của toàn nhân loại, Tournier bằng con đường tôn giáo còn Houellebecq bằng con đường khoa học. Dịch Hạt cơ bản là một trong những nỗ lực của chúng tôi để giới thiệu văn học Pháp đương đại, một nền văn học luôn chuyển động, luôn tạo ra những giá trị mới để thêm vào những giá trị đã có chỗ đứng vững chắc trong lịch sử văn học Pháp và thế giới trước đây.
Tháng 8/2004
Cao Việt Dũng