22. Saorge - Bến cuối “Thông tin quảng cáo, quá chú trọng việc hấp dẫn thị trường những người trẻ, thường xuyên lạc vào các chiến lược trong đó tuổi tác bị xem xét bằng cao ngạo, hài hước và nực cười. Ðể bù lại thiếu sót đó của xã hội, cần biến mỗi người bán hàng thành một “đại sứ” đối với những người có tuổi.”
[1]RMI (Revenue Minimum d’Insertion): tiền trợ cấp thất nghiệp.[2]Rasta: từ chỉ nĩưng người sống xa hoa dù không có thu nhập ổn định[3]Từ tiếng Anh, chỉ vẻ bên ngoài, kể cả cách ăn mặc, thể hiện.[4]Auguste Comte (1798 - 1857), triết gia Pháp, cha đẻ của thực chứng luận.
(Corinne Mégy - Khuôn mặt thật của những người quan trọng)
Có thể tất cả những cái đó phải kết thúc như vậy; có thể không có cách nào khác nữa, không có lối thoát nào khác. Phải cởi bỏ những gì đang rối tinh, hoàn thành cái đã được khởi đầu. Vì thế, Djerzinski phải đến nơi tên là Saorge, ở 44o vĩ tuyến Bắc và 7o30 kinh tuyến Ðông; ở độ cao hơn 500 mét một chút. ở Nice anh đến khách sạn Windsor, khách sạn hơi sang có bầu không khí xấu xa mà một trong những căn phòng được trang trí bởi nghệ sĩ tầm thường Philippe Perrin. Buổi sáng ngày hôm sau anh đi tàu Nice - Tende, được đặt tên như vậy nhờ vào vẻ đẹp của nó. Tàu đi qua vùng ngoại ô phía Bắc của Nice, với những HLM cho người ả rập, những áp phích quảng cáo Minitel hồng và tỉ lệ 60% người bầu cho Mặt trận quốc gia. Sau bến Peillon-Saint-Thècle, anh đi vào trong một đường ngầm; ra khỏi hầm, trong ánh sáng chói chang, Djerzinski nhận ra bên tay phải dáng vẻ ấn tượng của làng treo Peillon. Khi đó họ đi qua cái người ta gọi là sân sau của Nice; nhiều người đến từ Chicago hay Denver để ngắm nhìn vẻ đẹp của sân sau Nice. Sau đó con tàu chìm đắm vào các vách núi của Roya. Djerzinski đi xuống ga Fanton-Saorge; anh không có hành lý; đang là cuối tháng Năm. Anh xuống ga Fanton-Saorge và đi bộ chừng nửa giờ. Giữa đường, anh phải đi qua một hầm ngầm, trong đó không hề có ôtô. Theo sách Hướng dẫn du lịch mà anh mua ở sân bay Orly, làng Saorge, với những ngôi nhà cao xây theo kiểu bậc thang, chiếm lĩnh thung lũng với vách dựng ngược, “có nét gì đó của Tây Tạng”; điều đó là rất có thể. Anh luôn biết đó là nơi mà Janine mẹ anh, đã tự đổi tên thành Jane, chọn để chết, sau năm năm sống ở Goa, trong phần phía Tây của bán đảo Ấn Ðộ. «Cuối cùng bà ta đã chọn nơi đây, chắc chắn bà ta không chọn nó để chết», Bruno chữa lại. «Có vẻ như là con đĩ già đã chuyển sang đạo Hồi - theo huyền thoại thánh tử nạn, một trò ngu xuẩn theo kiểu đó. Bà ta ở đó với một lũ lập dị sống trong một ngôi nhà đơn độc ngoài làng. Vì báo chí không nói đến nữa người ta cứ tưởng bọn lập dị và hippie đã biến mất. Nhưng thực ra càng ngày chúng càng đông đảo, với nạn thất nghiệp số lượng chúng đã tăng lên đáng kể, thậm chí người ta còn có thể nói chúng đang nhung nhúc ô nhiễm. Anh đã thực hiện một điều tra nho nhỏ...» Anh xuống giọng. «Trò của chúng là chúng tự gọi mình là những nông dân mới, nhưng trên thực tế chúng thì gieo trồng được gì, chúng chỉ muốn chạm tay được vào RMI [1] và một thứ trợ cấp dở hơi nào đó dành cho nông nghiệp miền núi thôi.» Anh lắc đầu vẻ kinh nghiệm, uống một hơi hết cốc rượu và gọi thêm cốc nữa. Anh đã hẹn với Michel ở Chez Gilou, quán cà phê duy nhất của làng. Với những chiếc bưu ảnh nguệch ngoạc của mình, những bức ảnh hoa quả đóng khung và tấm áp phích “Quả bóng vùng Saorge” (mà hội đồng quản trị không vượt quá mười bốn thành viên), nơi này gợi nên một cách hoàn hảo cái không khí “Ði săn - Câu cá - Thiên nhiên - Truyền thống”, với những điểm trái ngược của phong trào Woodstock mới, bị Bruno đả kích kịch liệt. Rất thận trọng, anh rút từ trong cặp tài liệu của mình một tờ truyền đơn có viết ÐOÀN KẾT VỚI NHỮNG CON CỪU BRIGASQUES! «Anh đã đánh nó đêm qua...», anh nhỏ giọng nói. «Hôm qua anh đã bàn bạc với những người nuôi thú. Họ không thoát ra nổi, họ căm thù, cừu của họ đúng là bị tàn sát. Ðó là do những nhà sinh thái và Công viên quốc gia Mercantour. Họ đã đưa chó sói trở lại, nhiều đàn sói. Chúng ăn thịt cừu!...» Giọng anh đột ngột lại to lên, anh đột nhiên òa lên khóc. Trong bức điện gửi Michel, Bruno chỉ nói là anh đã trở lại bệnh viện tâm thần ở Verrières-le-Buisson, “có khả năng là vĩnh viễn.” Cho nên có vẻ như là họ đã để anh ra ngoài đợt này. «Thế ra mẹ chúng ta đang chết rồi...» Michel ngắt lời, lo lắng để cập việc đó. «Rõ rồi! Ở Cap d’Agde cũng như vậy, có vẻ như là người ta đã cấm công chúng đến vùng có những đụn cát. Quyết định được đưa ra dưới sức ép của Hiệp hội bảo vệ bờ biển, hoàn toàn nằm trong tay mấy thằng sinh thái. Những người đó có làm gì xấu đâu cơ chứ, họ làm tình tập thể một cách thân ái; nhưng có vẻ như việc đó làm phiền mấy con nhạn biển. Nhạn biển, đó là một biến thể của chim sẻ piaf. Chó chết chim sẻ!”. Bruno sôi sục. “Họ muốn ngăn bọn anh làm tình tập thể và ăn phó mát cừu, đúng là bọn nazi. Những tay xã hội là đồng phạm. Bọn họ chống lại cừu vì cừu đứng về cánh hữu, trong khi chó sói thuộc cánh tả; tuy nhiên chó sói rất giống với những người chăn thú Ðức, những người cực kỳ hữu khuynh. Tin ai bây giờ?” Anh buồn bã lắc đầu. “Em ở khách sạn nào ở Nice?” Ðột nhiên anh hỏi. “Ở Windsor.” “Sao lại ở Windsor?” Bruno lại bắt đầu nổi điên. “Giờ em lại thích thú mấy cái trò sang trọng đó à? Em bị sao thế? Cá nhân mà nói (anh nhấn mạnh những câu này với một sức mạnh ngày càng tăng), anh vẫn trung thành với các khách sạn Mercure! Ít nhất em cũng phải tìm hiểu chứ? Em có biết là khách sạn Mercure “Vịnh Thiên thần” có một hệ thống giá rẻ tăng giảm theo mùa không? Mùa vắng khách, giá phòng chỉ có có 330 franc thôi! Giá của một khách sạn hai sao đấy nhé! Tiện nghi thì đầy đủ như ba sao, nhìn thẳng xuống lối đi dạo kiểu Anh và một phòng phục vụ 24 trên 24!” Giờ đây Bruno gần như hét lên. Dù nhận thấy thái độ có vẻ hơi kỳ quặc của khách hàng của mình, ông chủ của Chez Gilou (ông ta có tên là Gilou không? có vẻ lắm) vẫn chăm chú lắng nghe. Những câu chuyện tiền bạc và mối quan hệ chất lượng - giá cả luôn hấp dẫn rất nhiều người, ở họ đó là một nét tính cách quan trọng. “A thằng Bờm đây rồi!” Bruno nói giọng vui nhộn, đã thay đổi hoàn toàn, lấy tay chỉ một chàng trai vừa đi vào quán. Anh ta vào khoảng hai mươi tuổi. Mặc một chiếc áo lưới mắt cáo quân đội và một chiếc áo phông Greenpeace, anh ta có nước da tai tái, tóc đen cuộn lại và những búi nhỏ, tóm lại anh ta theo phong cách rasta [2] . “Chào Bờm”, Bruno vui vẻ nói. “Tôi xin giới thiệu em trai tôi. Chúng ta đi thăm bà già chứ?” Người kia đồng ý mà không mở miệng lấy một lần; rồi vì một lý do nào đó anh ta có vẻ quyết định không trả lời lại những lời khiêu khích. Con đường rời khỏi làng và hơi lên dốc, hướng về phía nước ý. Sau một ngọn đồi cao họ đi vào trong một thung lũng rất rộng, sườn đầy cây; biên giới chỉ cách có chục cây số. Về phía Ðông, có thể nhìn thấy vài đỉnh núi tuyết phủ. Khung cảnh, hoàn toàn trống không, tạo cảm giác về sự rộng lớn và thanh thản. “Bác sĩ đã đến rồi”, Hippie-da-đen nói. “Không thể chuyển bà ấy đi được, dù sao cũng không còn việc gì mà làm nữa rồi. Ðó là luật của tự nhiên...”, anh ta nghiêm túc nói. “Nghe thấy chưa?” Bruno châm chích. “Em nghe thấy thằng nỡm này nói gì chưa? “Tự nhiên”, chúng luôn thường trực trên miệng cái từ đó. Giờ đây bà ta bị ốm chúng mới cuống lên cho bà ta chết béng đi, như một con thú trong lỗ. Ðó là mẹ tôi đấy, Bờm ạ! anh nói rất hùng biện. Cậu đã thấy look [3] của bà ấy chưa? anh tiếp tục. Những người khác cũng thế thôi, còn tệ hơn là khác. Họ thật đáng bực mình.” “Cảnh đẹp thật, đằng kia kìa...”, Michel lơ đãng trả lời. Ngôi nhà rộng và thấp, bằng gạch thô, mái lợp đá; nó nằm cạnh một con suối. Trước khi vào nhà, Michel lôi từ trong túi ra chiếc máy ảnh Canon Prima Mini (ống zoom có thể tụt ra tụt vào 38-105 mm, 1 290 franc mua ở FNAC). Anh quay một vòng nhìn quanh, nhắm rất kỹ trước khi bấm máy; rồi anh quay lại chỗ những người khác. Ngoài Hippie-da-đen, người ở căn phòng chính là một người trông không rõ mặt, tóc hoe vàng, có vẻ rất Hà Lan đang ngồi gần lò sưởi đan một chiếc khăn choàng và một tay hyppie già hơn, tóc dài màu ghi, bộ râu mỏng cũng màu ghi, khuôn mặt thuôn dài thông minh. “Bà ta ở đó...”, Hippie-da-đen nói; anh ta rút kéo tấm vải che và dẫn họ vào phòng kế bên. Michel chăm chú quan sát cái con người tóc hơi nâu, nằm rũ rượi ở góc giường, đang giương mắt nhìn khi họ bước vào phòng. Dù sao đây cũng mới chỉ là lần thứ hai anh gặp mẹ mình, và gần như chắc chắn đây sẽ là lần cuối cùng. Ðiều làm anh sửng sốt ngay tức khắc là vẻ gầy guộc khủng khiếp của bà, khiến mặt bà nhô ra, tay chân thõng thượt. Nước da rất xấu, xạm vào, bà thở khó nhọc, rõ ràng bà đã xuống dốc đến tận cùng; nhưng phía trên chiếc mũi khoằm đôi mắt vẫn rực sáng, mênh mông và trắng ra trong bóng tối. Anh thận trọng lại gần bóng người đang nằm đó. “Khỏi cần đi», Bruno nói, «bà ta nói được mà.” Có lẽ bà không thể nói được nữa, nhưng chắc vẫn còn có ý thức. Bà có nhận ra anh không? Hẳn là không. Có lẽ bà nhầm anh với bố anh; điều đó thì rất có thể. Michel biết là anh rất giống bố mình khi trạc tuổi anh. Và dù sao, nói gì thì nói, một số người vẫn đóng vai trò nào đó rất lớn trong cuộc đời bạn, ghi dấu ấn chắc chắn lên bạn; những người đó chia cuộc đời bạn thành hai nửa rất rõ rệt. Và với Janine, đã đổi tên thành Jane, đã có một trước và sau bố của Michel. Trước khi gặp ông về bản chất bà chỉ là một người phụ nữ thuộc tầng lớp tư sản sống phóng đãng và hời hợt; sau khi gặp ông bà trở thành cái gì đó khác hẳn, mang tính thảm họa hơn. Cái từ “gặp gỡ” dù sao cũng chỉ là một cách nói; bởi thực ra không có gì lắm để nói về gặp gỡ. Họ giao nhau trong đời, họ đã sinh con đẻ cái, chỉ thế thôi. Sự huyền bí là bản chất của Marc Djerzinski, bà không sao hiểu nổi; thậm chí bà còn không thể tiếp cận được ông. Liệu vào giờ phút lâm chung cuộc đời tai họa của mình bà có nghĩ đến điều đó? Không, hoàn toàn không thể. Bruno cựa quậy dữ dội trên chiếc ghế cạnh giường bà. “Bà chỉ là một con điếm già...», anh lên giọng rao giảng. «Bà xứng đáng teo.” Michel ngồi xuống trước mặt anh, ở đầu giường, châm một điếu thuốc. “Bà có muốn được thiêu xác không?» Bruno sôi nổi tiếp tục. «Bà sẽ được thiêu xác khi đến lúc. Tôi sẽ đặt tất cả những gì còn lại của bà vào một cái hũ, và cứ sáng sáng khi tỉnh dậy, tôi sẽ đái vào tro tàn của bà.” Anh lúc lắc đầu khoái trá; Jane để bật ra một tiếng rên từ cái cổ họng khàn đặc. Hippie-da-đen xuất hiện. “Các anh muốn uống gì không?”, anh ta đề nghị giọng lạnh lùng. “Có chứ anh bạn quý!”, Bruno hét lên. Thế mà cũng phải hỏi. Làm tí rượu đi, Bờm!” Anh chàng trẻ tuổi đi ra và trở lại với một chai whisky và hai cái ly. Bruno rót thật nhiều rượu và uống ngụm đầu tiên. “Xin lỗi nhé, anh ấy hơi bối rối...“, Michel nói, giọng nhỏ hẳn xuống. „Ðúng đấy“, người anh cùng mẹ khác cha của anh khẳng định. „Ðể chúng tôi buồn một mình đi, Bờm.” Anh cạn một hơi hết cốc rượu. “Bọn chúng lúc nào cũng dính vào nhau, lũ pê đê ấy...“, anh nhận xét. „Bà ta đã cho chúng hết cả, và chúng biết rõ rằng con bà ấy không được xơ múi nào hết. Nếu chúng ta kiện đòi gia tài, chắc chắn sẽ được đấy.” Michel im lặng, anh không muốn tranh cãi về vấn đề này. Một lát im lặng khá lâu. Cả ở phòng bên cũng không ai nói năng gì; nghe rõ tiếng thở khàn và yếu dần đi của người hấp hối. „Bà ấy chỉ muốn trẻ mãi thôi...“, Michel nói, giọng mệt mỏi và bao dung. „Bà ấy muốn gần gũi với những người trẻ tuổi, nhưng nhất thiết không phải con của mình, vì chúng nhắc nhở bà thuộc thế hệ cũ. Ðiều này không khó giải thích, không khó hiểu tí nào. Bây giờ em muốn đi. Anh nghĩ là bà ấy sắp chết không?“ Bruno nhún vai vẻ bất cần. Michel đứng dậy và đi sang phòng khác; Hippie-da-nâu đang ngồi một mình gọt vỏ cà rốt biến đổi gen. Anh muốn hỏi bác sĩ đã nói gì về bệnh tình; nhưng lão cựu thành viên ngoài lề xã hội chỉ cung cấp những thông tin mơ hồ không đầu không đũa. “Ðó là một người đàn bà tỏa sáng...“, ông ta nhấn mạnh, „tay vẫn cầm củ cà rốt.” Ông ta định nói gì? Không cần thiết phải đi sâu vào chi tiết. Chắc chắn lão đần độn già nua này không nói nổi cho gãy gọn một câu; lão ta chỉ phát ra âm thanh lùng bùng trong miệng. Michel sốt ruột quay đi, trở lại chỗ Bruno. “Những người hippie ngu xuẩn đó...“, anh ngồi xuống và nói, „vẫn cứ tin rằng tôn giáo là một bước đi cá nhân dựa trên suy tưởng, tìm kiếm về tinh thần vân vân và vân vân. Bọn họ không đủ khả năng để nhận ra rằng thực ra ngược lại đó là một hoạt động thuần túy mang tính xã hội, dựa trên sự cố định, nghi lễ, nguyên tắc và lễ lạt. Theo Auguste Comte [4], tôn giáo chỉ có một vai trò duy nhất là đưa nhân loại đến một trạng thái tập hợp hoàn hảo”. „Auguste Comte cái đầu mày!“, Bruno giận dữ ngắt lời. „Kể từ lúc chúng ta không còn tin vào cuộc sống vĩnh cửu thì làm gì còn có thứ tôn giáo khả dĩ nào nữa. Và nếu xã hội không thể không có tôn giáo như mày nghĩ, thì cũng không thể có xã hội. Mày làm tao nghĩ đến bọn xã hội học bịa ra rằng sự tôn thờ tuổi trẻ là một món mốt thoáng qua nảy sinh trong những năm năm mươi trước khi đạt tới đỉnh điểm vào những năm tám mươi này nọ. Trên thực tế con người luôn luôn bị cái chết làm cho sợ xanh mắt mèo, nó có bao giờ nghĩ đến cái chết của bản thân, cũng như sự già đi của mình, mà không sợ hãi được đâu. Trong số tất cả của cải của trái đất, sự trẻ trung về thân thể rõ ràng là cái quý giá nhất. Và đến giờ chúng ta chỉ còn tin vào các thứ của cải của trái đất. “Nếu Christ không phục sinh”, thánh Paul đã thẳng thắn nói, “thế thì lòng tin của chúng ta hóa ra công cốc”. Christ đã không phục sinh; ông ta đã thua trong cuộc chiến chống cái chết. Tao từng viết một kịch bản phim kiểu thiên đường về đề tài Jérusalem mới. Phim diễn ra trên một hòn đảo chỉ có đàn bà cởi truồng và những con chó nhỏ. Sau một thảm họa sinh học đàn ông biến mất hết, và gần như toàn bộ các loài vật khác cũng vậy. Thời gian dừng lại, khí hậu lúc nào cũng ổn định và dễ chịu; cây cối ra quả quanh năm. Ðàn bà lúc nào cũng hơ hớ và trẻ trung, bọn chó nhỏ lúc nào cũng vui vẻ và sống động. Ðàn bà tắm rửa và vuốt ve nhau, bọn chó nhỏ chơi bời và đùa nghịch bên cạnh họ. Chúng có tất cả các màu và đủ hết các chủng loại: có chó bông, chó phốc, chó grifông Bruxelles, chó Shi-Tzu, chó cavalier King Charles, chó Yorkshire, chó con lông xoăn, chó miền Tây và chó săn thỏ. Con chó to duy nhất là một con labrador, khôn ngoan và dễ chịu, đóng vai trò quân sư cho những con khác. Dấu vết duy nhất của giống đực là một chiếc băng video chiếu một cảnh có thủ tướng Edouard Balladur; cuốn băng đó có tác dụng an thần cho một số phụ nữ và phần lớn chó. Cũng có một cuộn băng tên là Cuộc sống loài vật, do Claude Darget đọc lời bình; người ta không bao giờ xem cuộn băng đó, nó chỉ có tác dụng lưu giữ ký ức và ghi lại dấu ấn về sự man dã của các thời kỳ trước.“ „Thế là người ta đã để anh viết...“, Michel dịu dàng nói. „Anh không ngạc nhiên về điều này. Phần lớn các bác sĩ thần kinh khá coi trọng những điều điên rồ do bệnh nhân của họ viết ra. Họ cũng không cho chúng là có giá trị chữa bệnh; nhưng họ nghĩ việc này luôn luôn làm bận đầu óc và như thế thì tốt hơn là lấy dao lam rạch động mạch cổ tay.“ „Nhưng vẫn có những bi kịch nho nhỏ trên đảo“, Bruno nói tiếp giọng xúc động. „Chẳng hạn một hôm một con chó đi chơi quá xa và bị ngã xuống biển. May mà chủ của nó nhận ra là nó đang gặp khó khăn, cô ta nhảy lên một chiếc thuyền, chèo thật nhanh ra và vừa vặn cứu được con chó. Con chó nhỏ bị uống quá nhiều nước, bị ngất và có thể nghĩ là nó sẽ chết; nhưng chủ nó hồi sức nhân tạo và cứu được nó, câu chuyện kết thúc êm đẹp và con chó lại vui vẻ trở lại.” Anh đột ngột im lặng. Giờ đây anh có vẻ thanh thản, gần như là đang nhập định. Michel không gây tiếng động nào nữa. Ðã gần trưa; không gian đặc biệt yên ắng. Anh đứng dậy, quay về phòng chính. Hippie-da-nâu đã đi mất, vứt lại mấy củ cà rốt đang gọt dở. Anh uống một cốc bia và đi ra cửa sổ đứng. Từ đó nhìn ra được hàng cây số những sườn đồi phủ thông. Giữa những ngọn đồi tuyết phủ, từ xa có thể nhìn thấy lóng lánh một hồ nước. Bầu không khí dịu dàng và đầy hương vị; đó là một buổi sáng đẹp trời mùa xuân. Anh đứng đó một lúc lâu không biết bao nhiêu thời gian, thả lỏng hoàn toàn, nhẹ nhàng trôi nổi trên những ngọn đồi, bỗng anh bị lôi giật lại thực tế khi nghe thấy một tiếng hét. Phải mất mấy giây anh mới nghe rõ được các âm thanh, anh vội lao về căn phòng. Vẫn ngồi ở chân giường, Bruno đang hát rất to: Chúng đã tới, chúng luôn ở đây Ngay khi nghe tiếng kêu này Bà ta sẽ chết baaaaaaaaà Meeeeeeeeẹ...Tiền hậu bất nhất; tiền hậu bất nhất, nhẹ dạ và hay làm hề, đàn ông ai cũng thế. Bruno đứng dậy để hát to hơn đoạn sau: Chúng đã tới, chúng luôn ở đây Cả những kẻ ở miền Nam nước ý Lại có cả Giorgio đứa con bị nguyền rủa Quà cáp đầy trên tayyyyyyy...Trong sự lặng yên tiếp theo màn trình diễn, người ta nghe thấy rõ tiếng một con muỗi bay ngang qua phòng trước khi đậu xuống mặt Jane. Những loài sâu bọ có cánh được đặc trưng hóa bởi một đôi cánh duy nhất mọc ra từ vòng thứ hai của cổ, từ một đôi ván thăng bằng, và từ những ô miệng để hút hoặc để châm. Vào lúc con muỗi dạo chơi trên khoảng mắt, Michel nghi ngờ một điều gì đó. Anh lại gần Jane nhưng không chạm vào bà. “Em tin là bà ấy chết rồi”, anh nói sau khi xem xét một lúc. Bác sĩ nhanh chóng khẳng định dự đoán đó. Ông ta đi cùng một nhân viên của tòa thị chính, và mọi vấn đề bắt đầu nảy sinh. Muốn chuyển cái xác đi đâu? Vào hầm mộ gia đình chăng? Michel không biết gì hết, anh cảm thấy kiệt sức và rối trí. Nếu họ biết cách duy trì các quan hệ gia đình nồng ấm và thân thiết, họ sẽ không phải ở trong tình trạng như thế này - tìm cách che đậy sự lố bịch trước mặt người nhân viên tòa thị chính đang tỏ ra hết sức đúng mực kia. Bruno không mảy may quan tâm đến chuyện đó, anh đang chơi một ván xếp hình trên chiếc máy trò chơi bỏ túi của mình. “Ðược rồi“, người nhân viên nói, „chúng tôi đề nghị chôn bà ấy tại nghĩa trang Saorge. Hơi xa một chút, nhất là vì các anh không phải người trong vùng, nhưng xét về mặt vận chuyển thì rõ ràng như thế là rất tiện. Lễ mai táng có thể tiến hành ngay buổi chiều nay, vào thời điểm này chúng tôi cũng không có nhiều việc lắm. Tôi cho là xin giấy phép chôn cất sẽ không gặp vấn đề gì đâu... - Không có vấn đề gì hết! viên bác sĩ nói, vẻ nồng nhiệt có phần hơi thái quá. Tôi mang theo mẫu đây...” Ông ta giơ một chiếc hộp đựng giấy nhỏ, đi kèm một nụ cười phóng khoáng. “Mẹ nó chứ, chết rồi...” Bruno kêu lên khe khẽ. Chiếc máy chơi điện tử của anh phát ra một điệu nhạc vui. “Ông Clément, ông cũng đồng ý về việc chôn cất chứ?“, người nhân viên gằn giọng nói. „Hoàn toàn không!“, Bruno nhảy phắt dậy. „Mẹ tôi muốn được thiêu xác, bà ấy coi điều ấy là cực kỳ quan trọng đấy!” Mặt người nhân viên xám lại. Khu Saorge không được trang bị để thực hiện hỏa táng xác chết; đó là một loại thiết bị rất đặc chủng, mà lượng yêu cầu cũng nhỏ nên người ta không làm. Không, quả thật là rất khó. “Ðó là ý nguyện cuối cùng của mẹ tôi...” Bruno nói vẻ quan trọng. Im lặng bao trùm. Người nhân viên của tòa chị chính ra vẻ suy nghĩ rất lung. “Cũng có một lò hỏa táng ở Nice...“ ông ta rụt rè nói. „Chúng ta có thể thực hiện một chuyến đi đến đó rồi quay lại đây nếu các ông vẫn muốn chôn ở Saorge. Dĩ nhiên các ông phải trả chi phí...” Không ai trả lời. “Tôi sẽ đi gọi điện...”, ông ta tiếp tục, “phải hỏi ngay giờ giấc hỏa táng mới kịp được.” Ông ta mở sổ, rút một chiếc điện thoại di động và bắt đầu bấm số thì Bruno lại cắt ngang. “Thôi bỏ đi...”, anh nói và khoát tay rộng lượng. “Chúng ta chôn bà ta ở đây vậy. Thôi kệ những ý nguyện cuối cùng của bà ta. Em trả nhé!” anh hách dịch quay về phía Michel. Không tranh cãi, Michel rút cuốn sổ séc ra và ghi giá mua mộ phần trong vòng ba mươi năm. “Lựa chọn như thế là khôn ngoan đấy», người nhân viên của tòa thị chính khẳng định. «Với một miếng đất ba mươi năm, các ông có thời gian để suy tính thêm.” Nghĩa trang nằm phía trên làng cách khoảng một trăm mét. Hai người đàn ông mặc đồ xanh lao động khiêng quan tài. Họ đã chọn loại thông dụng, bằng gỗ thông trắng, tích trữ trong một căn phòng của chính quyền; dịch vụ mai táng có vẻ được tổ chức rất tốt ở Saorge này. Ðã cuối buổi chiều, nhưng mặt trời vẫn còn thiêu đốt. Bruno và Michel bước đi bên cạnh nhau, sau hai người kia mấy bước chân; Hippie-da-nâu đi cạnh họ, ông ta muốn đi theo Jane đến tận nơi ở cuối cùng. Con đường nhiều sỏi, cứng, dù sao cũng có một hướng. Một con chim săn mồi - có thể là một con diều mốc - đang chậm rãi sải cánh trên trời, trong không khí. “Chắc có rắn ở gần đây...” Bruno suy diễn. Anh nhặt một hòn đá trắng rất nhọn. Ngay trước khi quay về phía đám tang, như để khẳng định ý muốn của mình, một con rắn độc xuất hiện giữa hai bụi cây chạy dọc bức tường bao; Bruno nhằm và ném hết sức. Hòn đá vỡ tung trên tường, suýt trúng đầu con vật bò sát. “Bọn rắn có chỗ của mình trong thiên nhiên...”, Hippie-da-nâu nhận xét vẻ nghiêm trang. “Thiên nhiên tao đái vào nó, thằng dở hơi ạ! Tao ỉa vào mõm nó!” Bruno lại phát khùng. “Thiên nhiên cái cứt... thiên nhiên cái lỗ đít!” anh tiếp tục khùng lên mấy phút nữa. Tuy nhiên anh rất phải phép khi hạ huyệt, chỉ phát ra những tiếng gù gù và lắc đầu, như thể sự kiện gợi lên cho anh những suy nghĩ chưa từng có, nhưng còn quá mơ hồ để có thể diễn đạt một cách rõ ràng. Sau buổi lễ, Michel đưa một món tiền boa khá lớn cho hai người đàn ông - anh cho đó là thói quen ở đây. Anh còn mười lăm phút để đón tàu; Bruno quyết định đi cùng luôn. Họ chia tay nhau trên đường ke nhà ga Nice. Họ còn chưa biết mình sẽ không bao giờ gặp nhau nữa. “Ở bệnh viện có tốt không?” Michel hỏi. “Ngon, ngon, thoải con gà mái, anh có thuốc mà.” Bruno cười vẻ cáo già. “Anh sẽ không về bệnh viện ngay đâu, anh sẽ có một đêm sôi nổi. Anh sẽ đến một quán bar có điếm, ở Nice này có mà đầy.” Anh nhăn trán lại, mặt tối đi. “Uống thuốc rồi anh không còn thủ dâm nữa, nhưng không sao cả, dù sao anh cũng thích lắm.” Michel lơ đãng đồng ý, trèo lên toa tàu; anh đã đặt một giường nằm.[1]RMI (Revenue Minimum d’Insertion): tiền trợ cấp thất nghiệp.[2]Rasta: từ chỉ nĩưng người sống xa hoa dù không có thu nhập ổn định[3]Từ tiếng Anh, chỉ vẻ bên ngoài, kể cả cách ăn mặc, thể hiện.[4]Auguste Comte (1798 - 1857), triết gia Pháp, cha đẻ của thực chứng luận.